Những câu chuyện Giáng Sinh.

Chủ nhật - 23/12/2012 21:47

-

-
Mỗi dịp Giáng Sinh, con gái tôi thường bắt tôi kể lại chuyện ấy. Câu chuyện luôn được bắt đầu bằng việc bé ngồi vào lòng tôi, tay cầm viên đá nhỏ được mài nhẵn năm xưa. Lời nói đầu của bé bao giờ cũng là:…
Những câu chuyện Giáng Sinh
 

 
Chiếc xe đạp

Giáng Sinh vui vẻ!

Ngày 23/12, cô bé Rose ngỏ ý với cha là cô: "Thật muốn có một xe đạp hơn mọi thứ khác". Xe đạp tặng cô bé ở thời điểm này đã gây khó khăn cho ông, vì tất cả chuẩn bị "để mọi người "nhận" vào ngày Noel đã hoàn tất ... trong tình trạng "ngân khoản cạn kiệt".

Đêm Noel,

Lúc 21giờ, Rose và các em trai đang cuộn mình trong nệm ấm, thì cha cô lại cặm cụi trong nhà kho vì nghĩ rằng cha mẹ đâu có thể thất hứa với con cái: Ông đã mất gần bốn giờ đồng hồ lấy ... đất sét làm thành một chiếc xe đạp nho nhỏ.

Ngày Giáng sinh,

Rose mở thùng quà và thấy cái xe đạp bằng đất sét cùng với tấm thiệp. Đọc thiệp rồi cô bé òa khóc: "Không bao giờ con có được xe đạp nào đẹp bằng cái xe cha đã tặng. Cha đã cố gắng để con vui trong ngày lễ. Con đâu biết cha đã không còn tiền. con xin lỗi vì đã vòi vĩnh cha". Cô bé rất hạnh phúc với món quà.

Bạn ơi,

Đâu phải ai cũng có thể mua được một xe đạp bằng đất sét ... như cha cô bé đã tặng. Món quà giá trị không thuần túy ở hoàn cảnh, khả năng tài chính của người tặng ... nhất là còn tùy ở "tấm lòng" người đó nữa. Xin bạn luôn nhớ giùm tôi câu này nhé : "Của cho không bằng cách cho ! "

 
Món Quà Giáng Sinh

Hai mươi năm trước.

Nơi cửa phòng lớp năm, Daniel bước vào đời tôi với đôi giày to quá khổ và cái quần rách. Gia đình chú đến đây hái trái thuê theo vụ mùa. Chú đâu biết là mình mới vừa nhập vào một lớp học gồm những trẻ mười tuổi, vốn khá giả, chưa biết mặc áo rách bao giờ. Hai mươi lăm cặp mắt nhìn chú với vẻ nghi ngờ, cho đến giờ chơi bóng chày buổi chiều, khi chú thắng trái đầu tiên thì lớp mới ... nể vì đôi chút.

Đến người kế tiếp.

Charles vốn đã mập lại ít chơi thể thao, nên đánh hụt banh tới lần thứ hai trước sự thất vọng của các bạn. Daniel tiến lên và nhẹ nói : "Kệ tụi nó, bồ đánh được mà". Được động viên, Charles tươi nét mặt và thành công. Từ đó, dù lớp học có vẻ thù nghịch, nhưng Daniel đã âm thầm thay đổi mọi sự ... kể cả chính tôi nữa. Chỉ vài tháng sau, chú đã là "trung tâm" : Chỉ cho chúng tôi đủ điều như làm sao biết một trái cây có thể ăn được, hay phải đối xử thế nào cho đúng với người khác.

Lễ Giáng Sinh,

Học trò tặng quà cho tôi, riêng Daniel vẻ mặt bình thản, ghé tai tôi nói nhỏ: "Vụ mùa đã kết thúc. Ngày mai gia đình em lại đi nơi khác rồi". Hiểu ra, mắt tôi nhòe đi. Chú bé lấy ra một viên đá màu xám, lịch sự đặt trên bàn, nhìn vào mặt tôi và nói: "Em tặng cô. Em đã mài nó rất kỹ". Ôi, làm sao quên cái khoảng khắc đó ?

 
Viên Đá Nhỏ

Năm tháng trôi qua,

Mỗi dịp Giáng Sinh, con gái tôi thường bắt tôi kể lại chuyện ấy. Câu chuyện luôn được bắt đầu bằng việc bé ngồi vào lòng tôi, tay cầm viên đá nhỏ được mài nhẵn năm xưa. Lời nói đầu của bé bao giờ cũng là: "Lần cuối cùng mẹ gặp Daniel là lúc anh tặng mẹ viên đá này và kể cho mẹ nghe về những thùng trái cây đã hái. Chuyện xảy ra trước khi con sinh ra". Còn tôi thì kết thúc câu chuyện bằng: "Bây giờ thì anh ấy đã lớn rồi". Rồi hai mẹ con tôi tự hỏi không biết giờ này Daniel ra sao. Con gái tôi nói: "Con tin anh ấy đã nên người". Rồi cháu vui vẻ kết: "Hết chuyện !".

Tôi hiểu ra rằng:

Điều mà con gái tôi muốn nghe ... là câu chuyện về tình thương yêu và chăm sóc, lẽ ra phải dành cho người khác, mà cô giáo đã học được nơi một học sinh nghèo, đi làm thuê theo vụ mùa, nhưng có rất nhiều để trao tặng.

Riêng tôi,

Mỗi khi cầm viên đá vốn vẫn nằm trên bàn làm việc, tôi lại nhớ đến Daniel và nhẹ chào: "Chào nhóc. Cô đây. Mong em không còn kiếm sống bằng việc đi hái trái thuê nữa". Dịp Noel, tôi thường thêm: "Chúc em Giáng Sinh vui vẻ, cho dù em đang ở đâu và làm gì chăng nữa".

Bạn thân mến,

Với tôi, viên đá nhận được 20 năm trước vẫn là món quà Giáng Sinh giá trị nhất, vì nó là kết tình của chính tình thương mà chúng tôi, một cô giáo và một học trò, dành cho nhau.

 
Chia sẻ

Métro của Paris nổi tiếng nhanh và đúng giờ. Đến Paris ma không đi Métro thì quả là một thiếu sót, nhất là trong những ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, để có thể nghe tiếng reo mừng hát của cả trăm ngàn con tim giới trẻ cùng yêu một Chúa, cùng một đức tin ... vang lên từng chặng đường hầm.

Tuy toa tàu nào cũng đầy người, nhưng những người hành khất vẫn có thể chen chân. Có một "cụ Tây trắng mù" cùng với con chó từ cuối tòa đi lên, vừa đi vừa chía đĩa thiếc cũ xin tiền các bạn giới trẻ. Cùng lúc ấy, từ đầu toa, một cô bé xanh gầy, có lẽ là dân "đi bụi" cũng ngả nón xin bạn trẻ trợ giúp.

Các bạn trẻ hành hương đã rộng tay giúp đỡ cà hai. Khi hai người gặp nhau, cô bé né sang một bên, kính cẩn nhường chỗ cho cụ già hành khất và con chó. Các bạn trẻ trố mắt nhìn, vì không ngờ giữa xã hội bon chen này, lại tìm được một cô bé ăn xin lễ phép, biết kính người già, nhường kẻ tàn tật. nhưng họ lại còn kinh ngạc hơn: "Cô bé bốc một nắm tiền vừa xin được, chia cho cụ già. cả toa bỗng im lặng ... Ồ, cô bé ăn xin mà cũng biết bố thí !

Bạn ơi,

Cô bé đã mở mắt cho các bạn trẻ, không phải bằng lời rao giảng hùng hồn, khôn ngoan, nhưng bằng trái tim mở rộng: " Tuy có đói rách, nhưng cô đã không để tiền bạc làm mù mắt, không nhìn thấy đồng loại đang khổ đau".

 
Hộp nụ hôn

Thời buổi khó khăn,

Người cha đã phạt cô con gái nhỏ vì đã làm mất những tờ giấy gói giá trị. Ông lại khó chịu hơn khi thấy cô bé lấy những tờ giấy ấy gói một cái hộp và đặt dưới cây Noel.

Sáng hôm sau,

Cô trao cái hộp cho ông và nói: "Con tặng ba". Người cha xấu hổ vì đã quá đáng, nhưng lại giận dữ hơn khi thấy hộp trống rỗng: "Khi tặng một gói quà cho bất kỳ ai, thì phải có thứ gì ở trong đó chứ". Cô bé nói trong nước mắt: "Có đấy chứ. Con đã đặt vào đấy nhiều nụ hôn lắm. Nó đây mà !". Biết mình đã quá hấp tấp, người cha ôm chặt cô con gái nhỏ và xin cô tha thứ cho thái độ giận dữ không đáng có của mình.

Thời gian ngắn sau,

Cô bé bị tai nạn giao thông. Người cha đã đặt cái hộp ấy ở đầu giường suốt quãng đời còn lại của mình. Mỗi khi thấy thất vọng hay gặp phải những vấn đề khó khăn, ông lại mở hộp, lấy ra "một nụ hôn ảo" để nhớ cô con gái đã khuất.

Bạn ơi,

Ai cũng có một tài sản quý cho riêng mình, là cái "hộp đựng tình yêu" và những nụ hôn ngọt ngào của gia đình, người thân, bè bạn gởi ... Xin đừng quên điều này, và hãy cố gắng sống nó cách trọn vẹn, để những gì ta nhận được hàng ngày không trở nên vô ích.

 
Ông ấy cần tôi

Thanh niên vẻ mặt âu sầu,

Được cô y tá dẫn tới bên giường cùa ông già. Cô nói: "Cụ ơi, con trai cụ tới thăm này !". Cô phải nhắc lại nhiều lần, bệnh nhân mới mở mắt ra được, dù chỉ thấy lờ mờ người thanh niên đứng ở đầu giường. Ông xiết chặt tay anh như cần một an ủi. Còn anh, suốt đêm, ngồi giữ chặt tay ông, trong khi ông chẳng nói được lời nào. Sáng ra, người bện tắt thở. Anh bùi ngùi đặt đôi tay bất động của ông xuống và đi báo tin cho cô y tá.

Anh tần ngần đứng nhìn cô y tá làm giấy tờ theo thủ tục. Cô ngỏ lời chia buồn thì anh hỏi: "Ông cụ ấy là ai ? Tên là gì ?" Cô ngạc nhiên: "Tôi tưởng ông cụ là cha của anh ?". Anh trả lời: "Không, tôi chưa gặp ông cụ này bao giờ, Tôi thăm người bạn có lẽ trùng họ giống tên, nên cô lầm và dẫn tôi tới đây".

Cô kêu lên: "Sao anh không cho tôi biết ngay !". Anh chậm rãi: "Được biết ông cụ bệnh nặng, khó qua. Hơn nữa, ông lại mong gặp được người con trai. Ông cụ yếu quá, không nhận ra được ai, tôi cảm thấy ông cụ rất cần tôi, nên tôi ở lại ... có sao đâu !".

Bạn ơi.

Có biết bao nhiêu người "cần" ta. Có bao giờ ta đáp ứng, dù họ chẳng một lần ngỏ ý ? Hãy đoán biết nhu cầu của anh em và thỏa mãn, lúc ấy ta sẽ giống như chàng thanh niên "chẳng giống ai" kia.  Nên lắm đấy bạn nhỉ ?

 
Nếu Giêsu không đến

Chuyện Noel "Nếu Giê su không đến" kể lại vào buổi sáng Giáng sinh, tại bàn làm việc, một mục sư ngủ mơ thấy ngôi nhà quen thuộc của mình không cây Noel, chẳng hoa đèn và dĩ nhiên không cả Hài Nhi Giêsu. Cả khu vực, chẳng có một nhà thờ và ngay tại thư viện, sách viết về Giêsu hoàn toàn biến mất. Ông mơ là mình đi thăm một bà mẹ đang hấp hối và thấy người con trai khóc tấm tức, ông nói: "Tôi có mang theo điều mà tôi nghĩ là có thể an ủi ông". Mở Kinh Thánh để đọc vài câu hầu an ủi, nhưng ông chỉ gặp những trang giấy trắng.

Ông lại mơ, ông chủ sự nghi lễ an táng cho bà nhưng ... không thể đọc được một lời an ủi nào vì sách lễ không viết về niềm hy vọng sống lại, sự sống vĩnh cửu, thiên đàng ... mà chỉ còn lại: "Tro bụi trở về bụi tro"... Ông nghĩ Giêsu đã không bao giờ đến, và trong cơn thát vọng ấy ông nức nở. Bỗng giật mình choàng dậy, vui mừng ông hét lên khi nghe ca đoàn hát: "Hỡi các tín hữu hãy hân hoan đến thờ lạy Chúa Kitô Vua các thiên thần, Người đã sinh ra tại Belem".

Bạn ơi,

Nhân loại không thể nào loại bỏ Giêsu ra khỏi lịch sử. Dù muốn hay không, Ngài đã đến trong lịch sử ấy ghi vao lịch sử ấy một dấu ấn mãi mãi không mất được. Ngài đến mang hòa bình, hy vọng và niềm vui thật cho con người. Ngài không đến để đẩy lui những giới hạn của kiếp người, để cất bỏ khổ đau, nhưng ... chính vì Ngài đã đến, nên dù có giới hạn và chồng chất khổ đau ... cuộc sống con người đã có ý nghĩa hơn.

 
Đôi giày cho Hài Nhi Giêsu

Còn năm ngày nữa là đến lễ Giáng Sinh, xe cộ chật ních ngoài bãi xe trung tâm thương mại, trong siêu thị người ta chen nhau mua sắm. Chân mỏi rã rời, đầu nóng bừng bừng ... vì tôi có cả một danh sách dài những người cần tặng quà. Tôi biết dù không thiếu gì nhưng họ sẽ bị tổn thương nếu không nhận được quà của tôi. Cuối cùng tôi cũng tìm được tất cả những gì mình cần mua.

Đợi xếp hàng trả tiền trước tôi là hai đứa bé, bé trai khoảng mười và bé gái cỡ năm tuổi. Cậu bé trai mặc cái quần Jean cũn cỡn, đôi giày rộng và thủng nhiều lỗ, tay cầm mấy tờ giấy bạc nhàu nát. Đứa bé gái cũng chẳng hơn thằng anh nhưng tay lại cầm đôi giày màu vàng thật đẹp. Đến lượt trả tiền, cô bé gái cẩn thận đặt đôi giày lên quầy như thể đó là một kho tàng.

Biết đôi giày giá sáu đồng, cậu bé trai đếm lại tiền, cả những đồng xu trong túi, nhưng tất cả chỉ có ba đồng thôi. Nó buồn bã nhìn em gái rồi nói: "Không đủ tiền em ạ, mai mình sẽ trở lại". Đứa em gái bật khóc rồi mếu máo: "Nhưng Chúa Giêsu thích đôi giày này mà !". Thằng anh năn nỉ: "Anh sẽ làm thêm, đừng khóc nữa, mai ta trở lại".

Nghĩ rằng sự chờ đợi của hai đứa trẻ đáng được thưởng, và dù sao mỗi năm cũng chỉ có một Lễ Giáng Sinh ... tôi bèn đưa cho người thu ngân ba đồng.

Thình lình vòng tay nhỏ ôm lấy tôi và có tiếng thì thào: "Cháu cám ơn ông". Tôi hỏi lại: "Sao cháu biết Chúa Giêsu thích đôi giày này ?" Cậu anh đáp: "Mẹ cháu đau nặng, sắp về trời. Ba cháu nói mẹ sẽ đi trước Lễ Giáng Sinh ở với Chúa Giêsu". Đứa bé gái chen vào : "Thày dạy giáo lý của cháu bảo con đường dẫn về trời được lát bằng vàng như đôi giày này. Mẹ cháu sẽ đẹp biết chừng nào nếu được đi trên con đường như thế".

Xót xa khuôn mặt đẫm nước mắt của cô bé, tôi thầm cảm tạ Chúa đã gởi hai thiên thần nhỏ này đến nhắc tôi về tinh thần trao ban, tôi nói: "Chắc chắn mẹ cháu sẽ đẹp lắm".

Giáng Sinh là trao ban !

Nhưng dĩ nhiên không chỉ là gởi một tấm thiệp, tặng một món quà, mà chính là trao ban tấm lòng của mình như Chúa Giêsu đã tự trao hiến cho nhân loại. Thiếu tình thương thì mọi quà tặng đều vô nghĩa, trống rỗng.

Trao ban thật là trao ban cho đến khi cảm thấy bị hư hao, mất mát. Để trao ban được như thế, phải ra khỏi bản thân đến độ quên mình, vô vị lợi và không mong sự đáp trả nào.

Bạn ơi, bạn nghĩ sao đây ?


Một ly sữa

Một cậu bé nghèo phải bán hàng rong kiếm tiền học. Ngày nọ thấy mình chỉ còn một hào, mà bụng lại đói, cậu sang nhà bên cạnh xin ăn. Một phụ nữ mở cửa. Quá bối rối, lẽ ra phải xin ăn, cậu lại xin uống. Đoán là cậu đang đói, người phụ nữ đã mang đến cho cậu một ly sữa lớn.

Nhắp xong ly sữa, cậu hỏi: "Cháu phải trả cho cô bao nhiêu ạ". Người phụ nữ đáp: "Cháu không nợ gì cả. Mẹ cô đã dạy là không được nhận tiền trả cho lòng tốt". Cậu cảm kích : "Cháu xin ghi lòng tạc dạ công ơn này". Trước đó, gần như muốn đầu hàng trước số phận, nhưng lúc này đây, cậu thấy khỏe hơn và niềm tin của cậu vào con người cũng nên mãnh liệt hơn.

Nhiều năm sau người phụ nữ bệnh nặng. Người ta mời tiến sĩ Howard Kelly chẩn bệnh, vì các bác sĩ khác đều bó tay. Khi nghe tên thị trấn nơi người phụ nữ ở, mắt ông ánh lên một tia sáng. Ngay lập tức ông tới phòng người bệnh và nhận ra ngay vị ân nhân xưa, ông dốc sức cứu chữa ... và thành công: Ân nhân của ông khỏi bệnh !

Tiến sĩ đề nghị phòng y vụ chuyển cho ông hóa đơn viện phí. Ông viết vài chữ bên lề của tờ hóa đơn và nhờ người trao cho người phụ nữ. Cầm tờ hóa đơn, bà nghĩ là sẽ phải dùng cả đời cũng không trả hết được.

Bỗng có cái gì đó khiến bà chú ý và ... bà đã đọc được những dòng chữ này: Trị giá hóa đơn bằng một ly sữa". Ký tên : Tiến sĩ Howard Kelly.

 
Thùng quà không người gửi

Beppô tám tuổi,

Bòn nhặt từng xu và mua một bong bóng. Trong khi các bạn cùng lứa tuổi ở lớp học, cậu lên đồi thả quả bong bóng có kèm theo một bức thơ nó nắn nót mãi: “Chúa ơi, nhà con nghèo lắm. Anh em con sáu đứa phải ngủ tại hai cái giường. Con không xin gì cho con, chỉ xin Chúa cho đứa em sắp sinh một ít quần áo và tã lót, dùng rồi cũng được. Tên con là Beppô, số nhà … đường … làng Acôlê miền Nam nước Y”.

Mấy ngày liền đó,

Beppô chờ đợi trong hồi hộp nhưng luôn cầu xin và hy vọng. Một buổi trưa, Beppô từ nơi cậu thả quả bong bóng về và nghe cha nói: “Có thể anh lầm lẫn với ai đấy”. Người đang chuyện trò với cha của Beppô là nhân viên bưu điện đáp: “Tên và địa chỉ là của nhà ông, thùng hàng này không gởi cho ông thì còn cho ai vào đây ?”. Bất chợt Beppô xin : “Bố cứ mở ra xem sao” … thùng hàng chứa toàn đồ cho bé sơ sinh. Beppô rất vui, nhưng cậu vui hơn vì thùng hàng không có địa chỉ và tên của người gửi, nên không thể gởi trả lại. Chạy ra chỗ thả bong bóng, Beppô nhìn lên trời và thì thầm: “Con cám on  Chúa”.

Trẻ thơ …

Luôn chân thành, tín nhiệm cậy trông vào cha mẹ và bề trên như Chúa Giêsu đã dạy: “Nếu không giống như trẻ thơ, các con sẽ chẳng vào được Nước Trời”. Bạn ơi, xin hãy chiêm ngắm Hài Nhi Giê su chứ đừng chỉ xem máng cỏ !

 
Sưởi ấm Chúa Hài Nhi

Sắp đến lễ Giáng Sinh,

Năm 1994, khoảng 100 cô nhi Nga được nghe kể về Mẹ Maria và thánh Giuse đi Belem, vì không có chỗ rọ nên đã đến ở hang súc vật, và Giêsu chào đời được đặt nằm trong máng cỏ.

Để dọn lễ Giáng Sinh, các em lấy thùng carton làm máng cỏ và hình Hài Nhi Giêsu. Mọi việc đều diễn ra tốt đẹp theo đúng ý muốn của các thầy cô giáo, nhưng ai nấy phải sửng sốt dừng lại trước máng cỏ của Misa khoảng sáu tuổi … vì trong máng cỏ có hai hài nhi. Được hỏi tại sao lại làm hai hài nhi, thì Misa kể lại câu chuyện Giáng Sinh như sau:

Đặt Giêsu vào máng cỏ rồi,

Mẹ Maria nhìn em và hỏi là nhà của em ở đâu. Em dáp là em không có cha mẹ, nên không biết phải ở đâu. Chúa Giêsu nói là em có thể đến ở với Ngài không ? Em thưa, em không thể đến ở với Ngài vì em không có quà để tặng Ngài. Ao ước được ở với Giêsu mạnh đến độ em nghĩ đến việc sưởi ấm cho Ngài là món quà đẹp, nên em hỏi: “Nếu làm cho Chúa được ấm, thì đó có phải là quà tặng không ?”. Ngài đáp: “Không có món quà tặng nào tốt hơn”. Em leo lên nằm với Chúa và Ngài nói là em có thể ở với Ngài mãi.

Misa đã tìm được một người sẽ ở với em luôn mãi. Giêsu là Emmanuen là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, ít nhất là với Misa mà !

 
Những chiếc hộp

Có hai ông cháu sống nghèo khó trong một túp lều, khó khăn lắm mới đủ ăn đủ mặc. Đức cháu tủi thân vì không có quần áo đẹp như bọn trẻ cùng xóm, lại thường bị bọn chúng giễu cợt. Nhất là mỗi dịp lễ Giáng Sinh, chẳng bao giờ có một cây thông hay một món quà trong túp lều.

Noel năm cậu mười tuổi, ông cho cậu hai chiếc hộp: một chiếc màu đen, một chiếc màu vàng. Hai chiếc hộp được đặt cạnh nhau và cố định ở nóc tủ. Ông bảo nó phải để ở đấy thì mới “thiêng” và tiếp: “Khi cháu buồn, hãy nói với hộp đen. Khi vui, cháu hãy tâm sự bên chiếc hộp màu vàng”.

Dù hai chiếc hộp đó chưa hẳn là món quà nhưng cũng là một niềm an ủi dịp Noel, nên cậu bé theo ông trút cả nỗi buồn và niềm vui vào hai chiếc hộp. Cậu thấy khi vui mà tâm sự cạnh cái hộp vàng, niềm vui như được nhân lên. Còn khi buồn và nói chuyện với chiếc hộp đen, nỗi buồn vơi di hẳn. Hai chiếc hộp, cũng làm khuây khỏa đi những nỗi tủi thân bực bội của cậu bé nghèo.

Rồi vì quá tò mò, cậu mở nắp hai chiếc hộp: Đáy chiếc hộp đen có một lỗ thủng. Cậu hỏi: “Ông ơi,  những nỗi buồn của cháu đâu rồi ?”. Người ông đáp: “Chúng đã rơi ra và bay mất !” . Rồi ông tiếp: “Còn chiếc hộp màu vàng không thủng để niềm vui và những điều may mắn sẽ ở lại mãi với cháu!”.

Còn bạn,

Bạn ơi, bạn có những chiếc hộp nào cho riêng mình rồi ? Cho tôi biết với, đừng giấu nhé !

 
Lời cuối

Trong cuộc sống,

Đôi khi ta phải biết nhìn xuống để thông cảm cùng người khác. Không nên lúc nào cũng nhìn lên để oán đời và thù hằn số phận.

Năm thứ hai trường nữ hộ sinh, lớp tôi phải làm bài kiểm tra. Các câu hỏi không có gì là khó, duy câu cuối cùng làm tôi bật ngửa: “Chị cho biết tên của bà lao công trong trường ?”.

Kỳ cục!

Bà lao công có liên quan gì tới chuyện đỡ đẻ và chăm sóc sản phụ ? Ngày nào mà tôi chẳng gặp bà: Bà già lắm,, mặt nhăn nheo khắc khổ, hầu như suốt ngày chỉ chỉ cắm cúi lau quét nhà. Nhiều khi vừa đi vứa tán chuyện ở hành lang, chúng tôi không thèm để ý đến bà lão đang còng lưng lau dọn. Thấy bà né sang bên, lòng tôi có lần cũng thấy hơi ân hận. Một lần, một bạn vội quá vấp té, đổ cả ly nước, bà lắp bắp: “các cô vội, cứ làm việc của mình đi. Đây là việc của già mà !”.

Chỉ có thế thôi thì làm sao tôi biết họ và tên của bà ? Mà có biết cũng chẳng để làm gì. Tôi không trả lời câu hỏi ấy và tự nghĩ miễn là mình trả lời xuất sắc những câu hỏi liên quan tới chuyên môn … là không có gì đáng trách.

Giáo sư nói khi trả lại bài,

“Hầu hết các em đều làm bài được. Nhưng tôi e, khi tốt nghiệp, sẽ toàn là các “người máy” ra trường thôi. Đó là một thảm họa !” Chúng tôi xôn xao, không hiểu thầy muốn nói gì.

Thầy tiếp: “Nghề của các em là … chăm sóc, giúp đỡ những sản phụ trong giờ phút đau đớn và cũng là hạnh phúc nhất đời họ. Các em là thiên thần hộ mệnh cho những sinh linh mới. Nỗi đau của họ cũng là nỗi đau của các em. Nghề này cần những con người nhạy cảm, biết quan tâm, nâng đỡ mọi người … cho dù những kẻ được nâng đỡ ấy có là các mệnh phụ, ngôi sao hay chỉ là một bà quét rác …”.

Thầy thêm: “Một bà lão cần mẫn phục vụ các em năm này qua năm khác, mà các em cũng không thèm biết tên, hoàn cảnh của bà … Đây là một điều đáng để cho các em suy nghĩ. Vì thế, thầy cho rằng toàn bộ số bài kiểm tra của lớp ta đều không đạt yêu cầu”. Một bài học nhớ đời đối với tôi!

Còn bạn,

Có bao giờ bạn đã quan tâm đến người khác không ? Cho dù họ là những người đang sống “dưới bậc” của bạn ? Nếu chưa, tôi nghĩ bạn hãy bắt đầu cũng chưa muộn mà.

 
Băng bó trái tim

Bé Susie 6 tuổi hỏi:

“Mẹ làm gì thế ?”-“Mẹ nấu súp cho cô Smith”. Susie thắc mắc “Vì sao ạ ?”-“Cô rất buồn. Con gái cô vừa chết”. Chúng ta sẽ chăm sóc cô ấy một thời gian. “Tại sao lại phải thế hả mẹ ?”-“Khi một người quá buồn, họ không thể làm tốt ngay cả những việc rất nhỏ như nấu ăn hay một số việc vặt khác. Là hàng xóm với nhau, chúng ta phải giúp cô ấy. Cô sẽ chẳng còn nói chuyện, ôm hôn con gái ... hoặc làm bất cứ điều gì thú vị như mẹ và con vẫn làm. Susie, con rất thông minh. Có thể con sẽ nghĩ ra cách nào để giúp cô ấy”.

Nghe mẹ nói,

Susie suy nghĩ rất nghiêm túc và tìm cách giúp cô Smith, lúc sau, bé đã ở trước cửa nhà cô và rụt rè bấm chuông. Cô Smith mở của: “Chào Susie, cháu cần gì ?”. Susie thấy gọng cô nhỏ, mặt cô trông rất buồn, như thể cô vừa khóc vì mắt cô hãy còn đỏ và mọng nước.

Nén xúc động, Susie thì thầm:

“Mẹ cháu nói cô vừa mất con gái, cô rất buồn. Trái tim cô chắc chắn đã bị thương”-Rồi Susie e dè xòe tay ra, trong lòng bàn tay cô bé là một cái băng y tế cá nhân-“Cái này để băng cho trái tim bị thương của cô ...”, Susie thêm: “Cháu đã dùng vài lần và thấy rất tốt”.

Cố gắng không bật khóc,

Smith kinh ngạc, xúc động quỳ xuống ôm chặt Susie và nghẹn ngào: “Cám ơn cháu. Cháu yêu quý. Miếng băng ấy sẽ giúp cô rất nhiều”.

Miếng băng y tế cá nhân nhỏ bé, nhưng kỳ diệu của Susie, đã đem đến sự ấm áp cho trái tim tuyệt vọng của cô Smith. Từ đó, cô gài miếng băng vào một xâu chìa khóa và luôn mang theo, như một sự nhắc nhở là phải biết quên đi nỗi đau và mất mát ... để sống.

Bạn ơi,

Lắm khi, một quan tâm nho nhỏ mà một “ai đó” nhận được, đã biến đổi hẳn cuộc sống kẻ ấy. Tôi và bạn chẳng phải là những “nhân vật”, nên trong mỗi ngày sống, chúng ta cũng gặp không ít cơ hội “be bé” trong khi giao tiếp với người khác. Ước mong những cơ hội be bé ấy, ta gởi đến người đang cần sự giúp đỡ, kèm theo một “chút quan tâm cũng be bé không kém” ... thì hay quá.

Hãy cùng tôi thực hiện, bạn nhé !

 
Giá trị của nụ cười

Tại Singapore có chiến dịch có tên là: “Hãy cười với Singapore” nhằm tạo cho du khách có cái cảm giác thoải mái và thích thú ngay khi vừa dặt chân xuống phi trường.

Các nhân viên di trú được tặng cho mỗi người một cái gương nhỏ để cho họ nhìn vào đó mà thấy được sắc diện của họ khi tiếp du khách. Chiến dịch này kêu gọi các nhân viên làm việc tại phi trường luôn cười mỗi khi gặp một khách du lịch ngoại quốc ngay cả khi trường hợp khó xử, các bảng hiệu cũng kêu gọi vẫn cứ cười và tỏ ra lịch thiệp.

Sáng kiến trên đây được chính sở di trú Singapore đề ra bởi vì đã có nhiều lời than phiền về thái độ cáu kỉnh và gắt gỏng của một số nhân viên, nhiều nhân viên cảm thấy phải cười gượng. Hàng năm, kỹ nghệ du lịch Singapore thu vào 8 tỷ dola, sự cạnh tranh trong vùng càng lúc càng gia tăng nếu không giữ được nụ cười trên môi Singapore khó có thể giữ được ưu thế ấy trong ngành du lịch.

Bạn ơi,

Ngày Giáng Sinh của Đấng là Emmanuen không ngừng nhắc nhở chúng ta về sự trao tặng và nhận lãnh trong cuộc sống, không ai nghèo nàn đến độ không có gì để trao tặng, hãy trao cho nhau một cụ cười thân thiện, một ánh mắt cảm thông, một lời nói ủi an, một bàn tay vỗ về. Đó là một món quà vô giá mà biết bao người dang chờ đợi chúng ta.

 
Chương trình của Thiên Chúa

Thiên Chúa có một chương trình cho mỗi một em bé khi chào đời. Đây là câu chuyện của một người đã biết đón nhận chương trình ấy.

Một tối mùa đông, tôi vào bệnh viện chuẩn bị sinh. Đang thiếp ngủ thì viên bác sĩ trực nói nhỏ: “Tôi báo tin buồn cho bà, là theo kết quả của các cuộc xét nghiệm thì thai nhi nhiễm bệnh “đao”. Tôi nghĩ: “Con tôi sẽ ra sao khi sinh ra với một trí não không bình thường ?”.

Chợt một cô gái xuất hiện, và tôi nhận ra cô ngay đó là Jessica, học trò của tôi. Khi tôi mang thai được ba tháng, cô bé đến gặp tôi, sau một hồi do dự, em bật khóc nói: “Cô ơi, em có bầu bốn tháng rồi”. Em cho biết cha đứa bé là một bạn học. Vì cả hai đều còn quá trẻ để kết hôn và nhất là để có con, cho nên em không biết phải làm gì. Cha mẹ vừa ly dị và mẹ em hiện rất vất vả mới có thể trả học phí cho em.

Nghe Jessica kể, tôi nói với em như thể có sẵn câu trả lời: “Chúa có một chương trình cho đứa con của em, em đừng quên điều đó”. Em đã thú lỗi với mẹ và bà rất thông cảm. Còn tôi cùng với Hiệu trưởng lập kế hoạch giúp Jessica. Thầy cô giáo và cả lớp đều thông cảm đón nhận tin này, đã giúp em sinh nở và mang đứa bé cho tổ chức cha mẹ nuôi.

Giờ này, Jessica ở bên an ủi tôi, cô bé nói tôi câu mà chính tôi đã nhắc em: “Chúa có một chương trình cho đứa con của cô, xin cô đừng quên điều đó”. Tôi nhìn em ngỡ ngàng, điều tôi nói với em, giờ đây em dạy lại tôi. Bài học thật hữu ích!

Mười hai năm qua, đứa con gái mắc bệnh “đao” của tôi cũng đã bằng ấy tuổi. Cháu rất ngoan, nên việc cháu sinh ra trong bệnh tật cũng đã không là vấn đề. Thế nhưng, tuần trước, tôi gặp lại cô bé, và khi gia đình chúng tôi về được một đoạn đường, các con tôi, cả đứa con mắc bệnh “đao” thắc mắc về cô Jessica “đáng mến” ấy, tôi đã cho chúng biết đó là một trong những người thầy hay nhất của tôi.

Bạn ơi,

Chúa có chương trình riêng cho mỗi đứa trẻ khi em chào đời. Đó cũng là điều mà bạn và tôi đã nhận thức được khi ngắm hang đá Belem: “Giêsu đến để mỗi em bé được cưu mang và sinh ra với tất cả phẩm giá của con người, để cho mỗi em bé được chào đời trong sự tôn trọng và yêu thương ... và dĩ nhiên cho mỗi trẻ thơ đều có một tương lai”.

Giêsu đến để nói với ban và tôi là dù khỏe mạnh hay bệnh tật, thông minh hay đần độn, xinh đẹp hay xấu xí, bình thường hay khuyết tật ... tất cả mọi em bé chào đời đều có một phẩm giá riêng bất khả xâm phạm. Và Giêsu cũng muốn nói với tôi và bạn rằng những đứa bé bất hạnh cần phải được dành cho nhiều tình thương và quan tâm hơn.

Bạn ạ,

Tôi và đời tôi, bạn và đời bạn cũng đều nằm trong chương trình của Chúa đấy. Bạn có đồng ý với tôi không ? Có nên tyrach1 Chúa về những điều “có vẻ” bất hạnh xảy đến trong đời bạn không ?

 
Vua hành khất

Vì muốn biết hoàn cảnh sống thực của dân, nhà vua đã giả làm hành khất. Gặp mưa bão, ngài vào nhà dân xin trọ nhờ, nhưng ai nấy đều từ chối. Sau cùng, nơi một cánh đồng vắng, vua gặp túp lều của một nô lệ rất nghèo trong vương quốc. Chẳng những mở cửa đón tiếp vua, người nô lệ nghèo còn nhóm lửa cho vua sười, chia sẻ với ông mẩu bánh mì khô duy nhất của mình và nhường cái giường ọp ẹp cho “đức vua” ngủ.

Sáng sau, vua tỏ mình ra và nói: “Khi cải trang thế này, ta muốn chia sẻ sự giàu sang với dân, nhưng họ đã xua đuổi ta. Còn ngươi, ngươi không chỉ cho ta trú qua cơn mưa bão, mà còn tặng cho ta tất cả những gì ngươi có: Mẩu bánh duy nhất, lửa để sưởi ấm và giường ngủ của ngươi nữa. Vì tấm lòng của ngươi đối với những người nghèo khổ, từ nay ngươi sẽ được kính trọng như con cái của vua, bởi vì ngươi có “dòng máu tốt” của vua,nhất là vì ngươi cũng có lòng thương người như ta vậy”.

2000 năm trước, Giêsu mặc lấy thân phận con người, đến trần gian. Nay, Ngài vẫn tiếp tục đến chia sẻ sự giàu sang của Ngài tức là hồng ân cứu độ cho nhân loại ... qua những anh em khó nghèo. Ai không nhận biết Ngài, Ngài sẽ ra đi: Ai kiên nhẫn đợi chờ, nhận ra và đón tiếp Ngài. Ngài sẽ vào nhà tâm hồn và tỏ mình ra cho kẻ ấy.

Bạn ơi,

“Noel” sắp đến. Xin chỉ cho bạn một cách mừng Noel thật long trọng là hãy tìm “Emmanuen” ở trong những người nghèo khổ mà đón tiếp nhé !

 
Dải ruy băng vàng trên cây sồi già

Nước Mỹ năm 1072.

Trong một thị trấn nhỏ vùng núi, một chàng trai bị án tù ba năm. Mary, vợ sắp cưới của chàng rất buồn giận, cho nên ngày xử án, cô ẩn mặt, mặc cho anh không ngừng quay về phía sau tìm kiếm.
Phiên tòa tan anh nhờ chuyển cho cô một lá thư rồi lên xe về nhà giam, không kịp thấy cô vứa khóc vừa nắm chặt tờ giấy: “Anh biết là mình không xứng với tình yêu của em, cũng không hy vọng em còn yêu anh nữa. Nếu em tha thư cho anh, thì ngày anh mãn hạn tù, em hãy buộc một dải ruy băng màu vàng lên cây sồi ở quảng trường thị trấn. Không thấy dải duy băng, anh sẽ ra đi mãi mãi và không bao giờ quấy rầy em nữa”.

Suốt ba năm đó, dù anh rất mong. Mary vẫn bặt tin. Nhờ người dò tin, anh được biết cô đã đi xa. Những tháng tù cuối, anh không hy vọng gì tới dải duy băng nữa. Ngày ra tù, anh quyết định nhảy lên xe buýt đi thẳng ra thành phố làm lại cuộc đời, chứ không đi qua quảng trường như đã hẹn.
Một chuyến, hai chuyến ... xe dừng lại và chạy tiếp, nhưng vẫn chần chừ không bước lên. Trời sập tối, chuyến xe buýt cuối cùng đã chạy qua rồi, anh mới lầm lũi đi bộ tới quảng trường. Lý trí bảo anh di về thành phố, nhưng tình yêu trong anh bắt anh hướng về phía trước – quảng trường của thị trấn – nơi có cây sồi già.

Ba mươi phút sau, người trpng thị trấn ngạc nhiên thấy một chàng trai khóc nức nở dưới tàn sồi vàng rực bởi hàng trăm dải ruy băng ... màu vàng.

Bạn ơi,

Quả thật, “tình yêu mạnh hơn sự chết”. Hơn nữa: “Tình yêu đích thực là tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả và tha thứ tất cả ...”.

Vậy bạn ạ, bạn có còn nên ngại ngùng, thiếu dũng cảm nhận phần trách nhiệm mỗi khi mình làm điều gì sai trái. Nhất là dũng cảm hơn, đến trước bề trên hay người bị tổn thương để nói lên tiếng xin lỗi không? Hãy đến xin lỗi đi, bạn sẽ được tha thứ và thông cảm đấy !


Lời xin lỗi đầu năm

Nữ tu Joyce Rupp gởi anh chị nghèo

Khi tôi nghĩ xem mình phải chọn món gì để ăn điểm tâm hôm nay, thì anh chị em đang đi mót những hạt rơi rớt từ một xe tải chở lúa.

Khi tôi chạy bộ trong một trung tâm giữ gìn sức khỏe, thì anh chị em đang còng lưng làm việc dưới cái nóng oi bức trên cánh đồng của một ông chủ giàu sang.

Khi tôi than phiền vì cách phục vụ tồi tệ trong nhà hàng hạng sang, thì anh chị em cúi mặt nhận lãnh một chen cơm với lòng biết ơn.

Xin lỗi anh chị em vì tôi từng dửng dưng và trịnh thượng. Xin lỗi anh chị em vì lúc nào tôi cũng ham muốn có những thứ mới hơn, lớn hơn và tốt hơn.

Xin lỗi anh chị em vì tôi không góp phần mình để thay đổi cái cơ chế bất công khiến anh chị em đau khổ và nghèo khó.

Xin hứa với anh chị em rằng tôi sẽ ý thức hơn về hoàn cảnh của anh chị em và thay đổi nếp sống của mình cũng như góp phần vào việc thay dổi thế giới chúng ta.

 

Nguồn tin: gxnamlo.org

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập558
  • Hôm nay129,785
  • Tháng hiện tại995,967
  • Tổng lượt truy cập58,281,836
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây