Người Việt tự bảo vệ bằng thái độ “vô cảm”?

Thứ ba - 18/12/2012 03:52

-

-
Có người cho rằng, vấn đề không phải là lên án hành động được cho là vô cảm, mà phải làm thế nào để tạo thuận lợi, môi trường cho người dân có thể chia sẻ, giúp đỡ người khác mà không gặp nguy hiểm. Đó chính là trách nhiệm của những nhà chức trách và những lực lượng thực thi luật pháp.
Người Việt tự bảo vệ bằng thái độ “vô cảm”?
 
Người Việt không vô cảm, thậm chí rất đa cảm. Tuy nhiên, xã hội hình như đang “đưa đẩy” con người đến với cách suy nghĩ và hành động theo kiểu: Đành phải vô cảm để tự bảo vệ mình!

Người Việt không vô cảm
 
Chuyện vô cảm đã được dư luận nói đến từ nhiều năm nay. Rất nhiều bức xúc, phát ngôn… được đưa ra để luận tội những hành động vô cảm. Tuy nhiên, rất nhiều bức xúc, rất nhiều chia sẻ về vấn đề này cũng có nghĩa là người ta đang không vô cảm.
 
Trước hết, phải khẳng định một điều: Người Việt (nói chung) không vô cảm. Nói điều này không phải là kiểu “cãi chày cãi cối” như một bạn đọc nào đó đã phản ứng mà thực tế, điều đó đã được minh bằng hàng loạt biểu hiện.
 
Hãy thử nhìn lại, hàng năm, cứ đến mùa mưa bão, khi một khu vực nào đó của Tổ Quốc bị lũ lụt, thiên tai, đã có hàng ngàn, hàng vạn người sẵn sàng đóng góp từ số tiền lương ít ỏi của mình để chia sẻ. Hay cứ đến mùa mưa bão, hai tiếng “miền Trung” lại làm hàng triệu trái tim xót xa, lo lắng. Người ta có thể dễ dàng đọc được những dòng comment, những tình cảm thân thiết được gửi gắm đến miền Trung ruột thịt…
 

Hàng vạn người xếp hàng chờ đến lượt được hiến máu cứu người
 
Hãy nhìn hình ảnh những em bé bớt tiền ăn sáng, những bà cụ bớt tiền lương hưu, những sinh viên dày công đi quyên góp quần áo, đồ dùng rồi đích thân đến tận những nơi vùng bão lũ để cưu mang những người đồng bào của mình…
 
Hãy ngắm nhìn hình ảnh hàng vạn người xếp hàng để được hiến những giọt máu đào nhằm cứu mạng sống của những bệnh hiểm nghèo, sẽ thấy rằng người Việt không hề vô cảm.
 
Rồi hàng vạn người đã lặng lẽ “góp đá xây Trường Sa” để bảo vệ Tổ Quốc mình…
 
Để thấy rằng, người Việt không vô cảm.
 
… nhưng “đành phải vô cảm”
 
Nhưng dù nói thế nào, thì trên thực tế, trong nhiều tình huống, người Việt cũng lại đang có thái độ ứng xử một cách vô cảm. Vì sao vậy?
 
Ngày hôm qua, báo điện tử VnMedia đã tổ chức một buổi giao lưu trực tuyến, tọa đàm về vấn đề vô cảm của người Việt. Tại buổi tọa đàm, nhà thơ, nhà báo Hồng Thanh Quang có nói một câu: Chúng ta vô cảm để tự bảo vệ mình! Điều đó thật đúng, nhưng cũng thật đau xót.
 
Một phụ nữ tâm sự: Bản thân chị là người sống tình cảm và luôn mong muốn được chia sẻ với những người xung quanh. Chị sẵn sàng góp tiền cho các cá nhân, tổ chức để làm từ thiện. Bản thân chị cũng tự mình bỏ công sức đi thu gom quần áo, sách vở… rồi đáp những “chuyến xe bão táp” mang đi miền núi làm từ thiện. Tuy nhiên, có lần, khi nhìn thấy một kẻ móc túi người khác ngay trước mắt, chị đã phải… nhắm mắt làm ngơ vì sợ nguy hiểm. “Lát sau, thấy người bị hại khóc lóc vì mất số tiền dùng để mua thuốc chữa bệnh cho người thân, tôi thấy vô cùng xấu hổ và ân hận. Nhưng, chính bản thân tôi cũng không biết, lần sau gặp trường hợp tương tự, tôi có dám làm khác đi không?” – chị này tâm sự.
 

Hiệp sĩ bắt cướp bị côn đồ trả thù: một hiện tượng khiến người dân càng thêm lo lắng
 
Tâm lý “đành phải vô cảm” diễn ra khá phổ biến khi điều đầu tiên người ta nghĩ chính là sự an toàn của bản thân và gia đình.
 
Tôi suy nghĩ rất nhiều về chuyện dạy con làm người. Về lý thuyết, tôi phải dạy con làm người chính trực, có lòng trắc ẩn và sẵn sàng chia sẻ. Nhưng trong thâm tâm, tôi cũng lo cho sự an toàn của con và của chính bản thân mình bởi xã hội ngày nay quá nhiều bất trắc. Có lần, tôi đang đưa con đi học thì thấy một người phụ nữ đang bị một nhóm người xông vào đánh. Tôi chỉ liếc nhìn một cái rồi phóng xe qua rất nhanh. Về nhà, con tôi bảo: Bố ơi, sao lúc nãy bố không dừng lại cứu cô kia?. Tôi buột miệng bảo: Không, dây vào để mà phải vạ à? Nói xong, tôi bỗng thấy mình sao mà ích kỷ. Nhưng mà, có lẽ lần sau tôi vẫn sẽ làm thế..." - một người đàn ông chia sẻ.
 
Một hiện tượng cũng cần phải nói đến, đó là có quá nhiều những “gương tày liếp” khi lòng tốt bị lợi dụng. Những người tận tâm chỉ đường bị “thôi miên” để cướp; Những người giả tàn tật để ăn xin, bán tăm; những người giả làm nhà sư để bán hương; những người lợi dụng trẻ con đi bán kẹo cao su; những người quyên góp quần áo làm từ thiện lại đi… bán làm giẻ lau; những người ăn chặn tiền quyên góp cho người nghèo… Những hành động đó, dù không gây thiệt hai nhiều về kinh tế nhưng đã làm cho người ta mất lòng tin.
 
Vì thế, người ta sẵn sàng “vô cảm” quay đi khi một đứa nhỏ gày gò chìa phong kẹo cao su ra bán. Người ta cũng sẵn sàng làm ngơ, bước qua một người phụ nữ ôm con nhỏ ngủ quặt quẹo trên tay. Những người khóc lóc xin tiền để “đi ô tô về quê” vì bị “mất trộm hết tiền” cũng chẳng mấy cơ may được người khác rủ lòng thương, bởi họ nghĩ: “Nó lừa đấy!”…
 
Một phụ nữ kể: Khi nhìn thấy 2 tên cướp đang lượn lờ định cướp túi xách của một cô gái, chị đã ngay lập tức tìm cách đánh động cho cô gái kia. Kết cục là 2 tên cướp đành phóng xe bỏ đi. Điều đáng nói là, ngay lập tức, mấy người bán hàng cạnh đó bảo chị: "Ngu thế. Nó cướp thì kệ nó. Mày làm chị lo thót cả tim. Lần sau đừng làm thế nhé, có ngày nó đánh chết!"
 
Tôi nghe xong không biết nên cười hay nên mếu. Những người khuyên tôi, họ cũng không phải là người vô cảm, bởi nếu vô cảm, họ đã không lo cho tôi, không mắng tôi như thế. Chỉ có điều, họ đã nhìn thấy quá nhiều những cảnh người tốt bị trả thù…” - chị nói.
 
Dù rằng vẫn còn những con người sẵn sàng xả thân vì việc nghĩa mà không ngại hiểm nguy; Dù những lý lẽ biện minh cho hành động vô cảm của nhiều người có thể vẫn chỉ là… ngụy biện, nhưng cũng thật khó để trách ai đó, nếu họ vì sự an toàn của bản thân mà đành phải quay đi. Càng khó có thể trách một người mẹ nếu họ dạy con “tránh xa” những vụ va chạm, cãi vã…
 
Có người cho rằng, vấn đề không phải là lên án hành động được cho là vô cảm, mà phải làm thế nào để tạo thuận lợi, môi trường cho người dân có thể chia sẻ, giúp đỡ người khác mà không gặp nguy hiểm. Đó chính là trách nhiệm của những nhà chức trách và những lực lượng thực thi luật pháp.

Tác giả: Mỹ Hạnh

Nguồn tin: www.vnmedia.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập623
  • Hôm nay90,162
  • Tháng hiện tại910,821
  • Tổng lượt truy cập57,012,458
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây