Kể chuyện Nội (3)

Thứ sáu - 08/03/2013 09:08

-

-
Cứ đến độ cuối thu, khi chuẩn bị vào mùa tựu trường của các cháu, thì lòng tôi lại bồi hồi, xao xuyến… nhớ đến Ông, nhớ đến một con người đã vì và cho chúng tôi thật nhiều điều, mà suốt cả một quãng thời gian dài đau khổ sau đó… cho đến cuối đời, Ông vẫn không nhận được một chút gì đỡ đần từ phía những người con cháu, là anh em chúng tôi!
Kể chuyện Nội (3)

 
LUÔN CÓ NỘI TRONG ĐỜI

Dịp 1972 tại Ban Mê Thuột, trại định cư Hà Lan nằm trên quốc lộ 14 nối Ban Mê Thuột và PleiKu xảy ra chiến sự. Mấy anh Lâm Bích có quê ở Hà Lan lo lắng vì quê nhà là bãi chiến. Minh thượng được tin: Ông anh rể (thiếu úy Nguyễn văn Tấn) là sĩ quan pháo binh, trong một trận đấu pháo đã bị thương chưa biết nặng nhẹ ra sao, Minh Thượng bèn đánh liều lên gặp Bố xin về BMT "nắm" tình hình thế nào.

Tại phòng bố đã có Ông Nội đang còn ngồi trao đổi gì đó. Lỡ gõ cửa bước vô rồi, Minh Thượng bèn đánh bạo trình bày, Bố liền OK, riêng Ông Nội còn dặn đôi điều đại loại: "Nhớ nắm thông tin gia đình các anh em BMT, để AE yên tâm, vv.... "

Chạy vội về phòng, lấy chút áo quần, rẽ qua an ủi Trần Ngà (Vì sáng nay nghe tin Quảng Trị quê nhà anh Ngà cũng vừa "mất liên lạc" ), và rồi về BMT thăm người thân ... Khi trở lại thì Nội đã đi vắng …

Phải đến 1 năm sau.

Một buổi chiều, sau giờ tắm biển riêng của lớp, Minh Thượng mặc tà lỏn chạy lông nhông từ bờ biển về Tòa Giám Mục thì gặp Nội, bèn cúi chào, Nội cười hiền và chợt hỏi: "Này Minh Thượng, thế ông anh bị thương trong vụ Hà lan thế nào rồi ?"

... Ui cha mệ ơi Minh Thượng không thể ngờ, sau một năm, chuyện chỉ gặp trong giây lát mà Ông Già còn nhớ chi tiết, đến cả cái hỗn danh Minh Thượng tầm thường giữa bao anh em chủng sinh thế mà ngài vẫn nhớ....

Đến nay nhiều năm qua đi, soi gương thấy đầu đã bạc, thế mà mỗi lần nhớ tới chuyện này, Minh Thượng vẫn lẩm bẩm: "quả là Thánh thật"

NGUYỄN VĂN MINH (Buôn Mê Thuột)

 
KỶ NIỆM VỀ NỘI

1.

Trước khi có tên Chủng Viện Lâm Bích, mới là Văn Phòng Thiên Triệu (VPTT) do linh mục Lê Văn Phiên làm giám đốc. Vào khoảng tháng 3 năm 1970, tượng Đức Mẹ Fatima được long trọng rước về Việt Nam. Đến Giáo phận Nha Trang, Tòa Giám Mục được vinh dự đón Đức Mẹ trước tiên. Sau đó các giáo xứ mới tuần tự rước Mẹ về.

Koảng 12g30, tại nhà nguyện của Văn Phòng Thiên Triệu, một cây nến ngã vào chân tượng Đức Mẹ, bén cháy vào tà áo Mẹ. Khói nghi ngút bốc lên. Trong lúc ấy, Big Minh đang nhắm mắt suy gẫm cầu nguyện, không hề biết tòa Đức Mẹ bốc cháy. Không nhớ thánh Phiên có mặt lúc đó chăng? Phán vừa bước vào nhà nguyện phát hiện, vội dập tắt ngay.

Tạ ơn Chúa! Đức Mẹ mới chỉ mới bị xém mất mấy ngón tay và chút khuôn mặt. Sau đó trình báo cha giám đốc Phiên. Ngài liền nổi giận, quát nạt ầm ĩ, vì vào 3 hay 4 giờ, Giáo xứ Cam Ranh sẽ ra Tòa Giám Mục rước Đức Mẹ về. Bèn trình vụ việc lên Ông Nội. Ngài bình tĩnh, nhẹ nhàng an ủi: “Lỡ rồi!”, chẳng lộ một chút giận dữ, ngài bảo đem tượng ra một địa chỉ ngoài phố, để tô lại các vết nám cháy. Cuối cùng vẫn kịp thời cho Giáo xứ Cam Ranh đến nghênh đón Mẹ về.

Tóm lại cùng một sự việc mà hai thái độ: giận dữ, nạt nộ bế tắc và trái ngược…

2.

Trong niên khóa 1970, cũng tại VPTT, tọa lạc trong TGM Nha Trang, bác tài xế của Ông Nội quên cất chìa khóa xe Mercedes. Phán bèn vui vẻ leo lên, nổ máy, chạy một vòng quanh sân TGM. Ông Nội đang trong văn phòng, phát hiện xe chạy quanh vòng và đương nhiên cũng biết thủ phạm là ai.

Thế nhưng Ông nội không gọi Phán lên quở trách, mà chỉ lưu ý bác tài xế, phải cẩn thận cất giữ chìa khóa. Sang hôm sau, bác tài hỏi thăm ai là thủ phạm lái xe của Ông Nội. Mọi người đều nín thinh, nhưng Ông Nội biết rõ ai là thủ phạm. Một tấm gương cho lòng khoan dung, tha thứ của Nội.

3.

Trong niên khóa sau, Bố Thoại về làm giám đốc, có dịp tham dự trại Hướng Đạo tại Suối Tiên, Thủ Đức. Dạo ấy, có cả Ông Nội và Bố Thoại cùng đi với chúng tôi. Vào giờ dạo mát buổi chiều, Phán đã mon men tới bên Ông Nội, để hỏi mượn tiền chi tiêu trong dịp trại này. Nội mỉm cười trả lời: “ Cho mượn rồi chừng nào trả lại?” Phán cứ nghĩ chắc có lẽ Nội không cho mượn, vì các chú, các thầy mượn thì tết Congo mới trả!

Nhưng không ngờ, khoảng nửa giờ sau, Ông Nội cầm phong thư trao cho Phán. Dĩ nhiên Phán đã biết cái gì bên trong rồi. Đến bây giờ, Phán còn nhớ mãi cái cử chỉ thân tình ấy.

Ông Nội luôn lịch thiệp với mọi người, tinh tế đến từng cử chỉ, luôn là niềm hy vọng cho mọi người.

4.

Cũng trong năm 1970, Ông Nội nhờ các chú ra rượu lễ từ thùng phuy chiết ra chai, để phân phối cho các cha trong địa phận. Rượu lễ vốn là của quý hiếm. Thế mà Ông Nội lại còn thưởng cho các chú vài con khô mực. Thứ mực biếu Đức Cha thì chắc chắn là loại thượng hạng. Ôi, tuyệt vời buổi chiều hôm ấy!

Anh Em một bữa chếnh choáng hơi say, trong đó có Hoàng (Đau dạ dày), Châu (Số 9 Cam Ranh), Đức (Bình Tuy), Lương (Canada),Bác Hùng và một số Anh Em không nhớ hết. Sáng hôm sau gặp lại, Nội chỉ mỉm cười!

5.

Ông Nội hay kể chuyện tiếu lâm, nhưng rất thanh tao và dí dỏm. Năm 1999, Ông Nội có dịp ghé nhà Phán (USA) dùng cơm. Ôn lại chuyện xưa, Nội nhớ lại từng chi tiết. Một trí nhớ vượt bực, vượt thời gian. Một người có tình và có nghĩa.

Còn về Gia Đình Lâm Bích, một tác phẩm đầu tay, mà Nội cảm thấy rất hài lòng về tác phẩm của mình qua bàn tay nhiệm màu của Ơn Chúa.

NGUYỄN MINH PHÁN
 

NHỚ NỘI

Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường. Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng… (1).

Trên đây là đoạn mở đầu của bài văn mẫu “Tôi Đi Học”, tác giả Thanh Tịnh, mà có một thời các học trò ở một số trường học vẫn được khuyên bảo nên học thuộc lòng do có những câu văn gọn ghẽ, giàu hình ảnh và chứa nhiều cảm xúc như thế. Đây cũng là tâm trạng nao nức, kéo dài suốt khoảng thời gian Trung học của tôi, khi mỗi lần hết hè, chuẩn bị khăn gói vào mùa tựu trường, trong đó có ba năm tôi được học tập dưới mái trường của Ông, nơi mà tôi được âu yếm gọi Ông bằng Ông Nội.

Ngày nay, tuy không còn được cắp sách đến trường như xưa, nhưng tâm trạng này vẫn còn theo đuổi tôi mãi, …. và cứ đến độ cuối thu, khi chuẩn bị vào mùa tựu trường của các cháu, thì lòng tôi lại bồi hồi, xao xuyến … nhớ đến Ông, nhớ đến một con người đã vì và cho chúng tôi thật nhiều điều, mà suốt cả một quãng thời gian dài đau khổ sau đó… cho đến cuối đời, Ông vẫn không nhận được một chút gì đỡ đần từ phía những người con cháu, là anh em chúng tôi!

Thấm thoát lại sắp đến ngày giỗ Ông, năm nay nữa đã là mùa thu thứ năm rồi. Hai năm trước đây, khi chuẩn bị mãn tang Ông, tôi nghĩ rồi người ta cũng sẽ quên Ông, như quên bao nhân vật nổi tiếng khác – cùng với thời gian trôi qua hình ảnh Ông sẽ dần đi vào quên lãng trong ký ức của những con người đã từng một thời hâm mộ. Nếu còn nhớ đến Ông, tôi nghĩ, có chăng chỉ được thể hiện tại một vài cộng đoàn nho nhỏ rải rác đó đây trên thế giới, trong đó hy vọng còn có những người con cháu như chúng tôi, với tâm tình yêu kính dành cho Ông, sẽ biết nuôi dưỡng tư tưởng của Ông, và lưu truyền cho các thế hệ về sau. Cái ý nghĩ ấy khiến tôi không khỏi có chút ngậm ngùi và cay đắng cho một người đã hết một đời tận tụy hy sinh và cống hiến như Ông. Thế nhưng năm nay, lại một lần nữa từ phía Ông, đã mang đến cho chúng tôi niềm vui và hy vọng: Giáo hội sẽ mở án phong chân phước cho Ông. Vì thế từ mùa thu năm nay, tôi tin rằng rồi người ta sẽ vĩnh viễn và mãi mãi nhớ đến Ông.

Nhớ Ông, mỗi người anh em trong đại gia đình chúng tôi có những hoài niệm rất khác nhau, riêng tôi - thuộc vào loại út ít, bé con...., thời gian gần gũi Ông không nhiều, nên kỷ niệm về Ông cũng ít, tuy thế tôi nghĩ vẫn được may mắn hơn nhiều so với những người chỉ nghe nói về Ông mà chưa hề tận mặt! Lần đầu tiên, khi còn là một chú nhóc, tôi đã được nghe những người lớn trong gia đình nói chuyện về Ông - như là một con người trẻ tuổi so với cương vị, có dòng dõi, tài năng và đức độ. Rồi tôi được nhìn thấy hình ảnh của Ông trên báo chí, một khuôn mặt sáng, đẹp lạ lùng. Lúc ấy tôi vẫn còn quá bé để hiểu biết về công việc của Ông. Và cũng không thể nghĩ rằng vài năm sau đó tôi lại được về sống chung với Ông dưới cùng một mái nhà do Ông khởi lập, và được Ông nuôi nấng, giáo dục trong suốt những năm tháng ấy.

Đó là vào niên khóa 1972-1973, khi tôi gia nhập CV LB tại Tòa GM Nha Trang, ở môi trường ấy tôi mới được diện kiến Ông cụ thể và gần gũi nhất. Ông có tướng bát đại, dáng vóc cao to, khuôn mặt đều đặn, nở nang, sáng láng và đặc biệt có làn da mịn màng. Tôi trộm nghĩ da mặt Ông cứ như da trẻ con, kể cả làn da của thiếu nữ thông thường cũng không thể sánh bằng! Tuy to lớn và hơn nữa “tốt bụng” thế nhưng Ông di chuyển rất nhanh nhẹn, bình thường vào giờ cơm trưa, tôi có thể nhìn thấy Ông nhanh chóng đi, về giữa phòng làm việc và phòng ăn của mình.

Ông làm việc nhiều, và thời gian đối với Ông dường như thật quý hiếm! Có lần tôi được nghe một người lớn nào đó liệt kê các công việc của Ông đang thực hiện. Tuy chưa hình dung cụ thể và thấu đáo các công việc ấy nhưng tôi vẫn cứ băn khoăn, tự hỏi mãi: làm sao người ta có thể cùng một lúc lại làm được nhiều việc thế nhỉ? Cũng như khi nghe biết Ông thông thạo nhiều ngoại ngữ, tôi vẫn cứ tự hỏi Ông đã học cách nào mà lại được như thế chứ? Câu trả lời, cho đến nay vẫn chưa có đối với một người mang trí óc bé mọn như tôi!

Được tiếng là sống chung với Ông, nhưng theo tôi nhẩm đoán, một năm Ông thường phải bôn ba đi xa đâu đó ở trong nước hay nước ngoài đến hết nửa thời gian. Một trong những công việc có thể gọi là định kỳ của Ông ở nước ngoài mà ngày đó tôi được biết, ấy là đi giảng huấn cho các thiếu nhi, mà phần thù lao mang về từ công việc ấy được dành để phụ thêm nuôi sống chúng tôi. Khi đi xa, văn phòng của Ông trở nên vắng vẻ nhưng khi Ông trở về, thì dù chưa thấy bóng dáng Ông, chỉ cần nhìn cảnh tấp nập xe cộ khách khứa vào chào đón và tham vấn, tôi cũng biết được Ông đã về nhà.
 
Dù bận bịu công cán ở đâu đó xa xôi, tôi nhận thấy hằng năm Ông vẫn thường thu xếp để có mặt ở nhà dịp Lễ Bổn mạng vào ngày 03/12. Đây là dịp để anh em chúng tôi quây quần chúc mừng Ông, gặp gỡ trò chuyện với Ông và để… nhận quà của Ông. Đây cũng là một dịp vui cho riêng cá nhân tôi, vì tôi vẫn âm thầm hãnh diện và tự hào là đã cùng có một vị Quan thầy như Ông (chẳng biết các anh em FX khác có tâm trạng giống tôi hay không?).

Chúng tôi tề tựu quanh Ông, thường là sau giờ cơm tối, để chúc mừng Ông nhân Lễ Bổn mạng. Vì thuộc dạng bé con nên tôi hay lên đứng phía trước, ở một trong những vị trí gần Ông nhất, để được nghe và nhìn Ông thật tường tận. Bằng lời lẽ hết sức đơn sơ, hai bàn tay liên tục xoay tròn vừa xoa quanh nhau, Ông vừa kể cho chúng tôi về những chuyến đi xa, những điều mắt thấy tai nghe bên xứ người, những suy nghĩ của Ông về vấn đề này, câu chuyện nọ, hoặc có khi những công việc Ông đang làm.…. Tôi đứng đó mắt nhìn và tai vẫn nghe Ông mà lắm khi đầu óc cứ chập chờn trôi theo một ý nghĩ riêng tư nào đó. Có lúc tôi tự hỏi, tại sao Ông hay xoa tay như vậy nhỉ? Phải chăng có thật nhiều điều.

Ông muốn nói và muốn kể với chúng tôi nhưng thời gian không cho phép? Phải chăng Ông đánh giá chúng tôi vẫn còn nhỏ dại nên cái cách Ông nói chuyện với chúng tôi cứ như là nói chuyện với trẻ con? Phải chăng Ông hay thuyết giảng cho trẻ con ở xứ người nên Ông đã nhập vai như là trẻ con vậy?... Rồi tôi lại nghĩ Ông đơn sơ như thế mà người ta cũng còn nói Ông có nhiều tài vặt và một khả năng minh mẫn đặc biệt? Thật không hiểu nỗi?

Một điều đặc biệt, đó là thay vì nhận, Ông lại hay cho quà chúng tôi vào ngày Lễ Bổn mạng của mình. Dường như đối với Ông, việc “cho đi” đã trở thành hành động hiển nhiên, quen thuộc trong cuộc sống, hơn là “nhận lại”. Các món quà Ông cho đều có giá trị và thật sự cần thiết trong sinh hoạt của chúng tôi, và lần nào Ông cũng mang đến cho cá nhân tôi đầy những bất ngờ lẫn niềm vui sướng. Tôi còn nhớ cả 3 món quà trong ba năm ở gần bên Ông. Lần đầu tiên, Ông đã bảo: “Cha thấy các con còn thiếu thốn nhiều thứ quá, vậy thì Cha cho chúng con 01 cái Tivi, để có phương tiện giải trí và cập nhật thông tin…”.

Quả vậy, so với các Trung tâm Giáo dục Công giáo khác hay cụ thể hơn, các Chủng viện hoặc Nhà Dòng khác ở Nha Trang vào thời đó, thì Lâm Bích của chúng tôi là nơi sinh sau đẻ muộn nhất, với các phương tiện và cơ sở vật chất thiếu thốn, nghèo nàn nhất. Nhưng bù lại, chúng tôi được sống cận kề bên Ông nhất. Lúc ấy tôi vẫn còn ngây thơ nhìn quanh quất xem cái TV mà Ông hứa cho đang nằm ở đâu, và bao giờ thì mình được xem TV đây? Thế là hôm sau tôi đã thấy 01 cái TV thật lớn và thật đẹp đang chờ sẵn để sau giờ cơm tối cho chúng tôi khai trương. Lần thứ hai, Ông bảo: “Cha cho chúng con một cây đàn, để sử dụng cho việc phụng vụ hằng ngày…” Và sau đó chúng tôi có một cây đàn organ mới toanh, hoành tráng, đặt trong nhà nguyện. Lần thứ ba là một xe 15 chỗ ngồi, để chúng tôi có phương tiện đi lại, giao tiếp. Các món quà Ông cho đều là hàng tốt, hiện đại và hữu dụng và cách cho của Ông khiến tôi cảm thấy Ông rất quan tâm đến chúng tôi, biết chúng tôi thiếu thốn cái gì và cần thiết sắm sửa cái gì trước, cái gì sau…Đây cũng là bài học dạy cho tôi biết chi tiêu một cách hữu ích, đồng thời biết quý trọng và sử dụng các món quà theo đúng mục đích của người cho.

Những lời khuyên bảo của Ông qua các cuộc gặp gỡ nêu trên cũng thật đơn sơ như cái cách Ông bộc lộ khi nói chuyện với chúng tôi. Có lần anh đại diện của chúng tôi (bây giờ là Bác Hồ Văn Thiện) đã thưa với Ông là: “Chúng con thấy Cha vừa lo toan rất nhiều công việc chung của Giáo phận, đã vậy còn phải vất vả bôn ba đây đó… để kiếm thêm tiền nuôi sống chúng con, chúng con không biết làm gì để đỡ đần cho Cha cả, hay là Cha cứ chọn một người nào đó trong anh em chúng con đây, cho đi theo để xách va li cho Cha và hầu Cha trong các công việc lặt vặt…” Lúc ấy, tôi trộm nghĩ Ông mà chọn tôi thì hay quá, vì tôi cho rằng mình có máu giang hồ, phiêu lưu, rất thích đi đây đi đó và được đi với Ông thì tha hồ mà học hỏi. Nhưng Ông lại trả lời thế này: “Người ta vẫn cho là Cha đã làm được nhiều việc, thế nhưng bản thân Cha lại thấy mình chưa làm được gì cả, vì các dự tính và chương trình của Cha còn rất nhiều, mà Cha chưa thực hiện được… Các con suy nghĩ và lo lắng cho Cha thì Cha rất cám ơn, nếu yêu thương Cha thì các con cần phải cầu nguyện nhiều cho Cha, để Cha có thể thực hiện được các dự định và chương trình ấy, nếu yêu thương Cha thì không cần phải đi theo xách va li cho Cha, mà trước mắt là phải ở nhà chăm chỉ học hành cho ngoan, cho giỏi, để mai kia có thể xuất dương du học, rồi sau đó về phục vụ Giáo hội và Hội thánh….” Kể từ lúc đó, tôi cùng một số các bạn trong lớp bắt đầu nuôi dưỡng ý tưởng phải học hành thế nào để mai kia có thể tìm kiếm học bổng đi học thêm ở nước ngoài….

Được tiếp chuyện với Ông vào dịp Lễ Bổn mạng như kể trên, tuy chỉ có ba lần trong ba năm, nhưng chẳng hiểu sao tôi vẫn còn nhớ mãi. Cho đến nay đã trên ba mươi năm rồi, hình ảnh của Ông, thường với tấm áo chùng trắng, như vẫn còn in đậm trong ký ức tôi. Những lời Ông dặn dò, đơn sơ và chân thật đến độ gây cho tôi nhiều thắc mắc ngày nào – nay vẫn còn nồng ấm và sống động trong trái tim tôi. Như một thông lệ bất thành văn, kết thúc cuộc nói chuyện, chúng tôi thường hướng về đài Đức Mẹ để cầu nguyện hoặc hòa chung một bài hát trước khi chia tay…

NGUYỄN HOÀNG NAM

Nguồn tin: lambich.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập606
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm603
  • Hôm nay91,605
  • Tháng hiện tại927,590
  • Tổng lượt truy cập57,029,227
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây