Chồng lười.

Thứ bảy - 28/04/2012 12:10

-

-
"Chứng" lười có thể không tạo thành sóng dữ lật thuyền, cũng đủ khiến con thuyền hạnh phúc nghiêng ngả.
Chồng lười
 
"Chứng" lười có thể không tạo thành sóng dữ lật thuyền, cũng đủ khiến con thuyền hạnh phúc nghiêng ngả.
 
Nghìn lẻ một kiểu lười

Buổi nghỉ trưa ở văn phòng bỗng biến thành cuộc "thảo luận" rôm rả mà đối tượng được đưa ra "mổ xẻ" là các ông chồng với "tội danh"... lười. Hương, cô gái trẻ nhất phòng mở màn: "Ông chồng nhà em á, về nhà chẳng làm gì cả, chỉ có đọc báo, xem ti-vi. Đồ dùng trong nhà hỏng hàng tháng trời ông ấy chẳng chịu sửa, mỗi lần bảo thì ông ấy lại cáu: "Dùng gì mà hay hỏng!". Cái xe máy của em thủng pô mấy tháng nay ông ấy bảo: "Để thế đi nghe cho giòn!".

Như quả bóng bị chích một mũi kim cho xì hơi, các bà các cô bắt đầu đua nhau tuôn ra hàng khối ấm ức bấy lâu bị dồn nén. "Ông chồng nhà chị có kém gì, hút thuốc lá xong không bao giờ chịu đổ gạt tàn, đọc báo thì toàn nằm trên giường, đọc xong nằm đè lên cả báo ngủ làm cho tờ báo nát như tương." "Vẫn thua chồng cô, quần áo không giặt đã đành, nhưng cũng chẳng bao giờ chịu mang ra chậu. Cứ mỗi lần thay xong là cái thì vắt ở tay vịn cầu thang, cái quẳng trên giường, cái để ở sa lông. Thế là mỗi lần đi giặt mình lại phải... ngửi từng cái một.".

"Không khác gì ông chồng cháu! Mỗi khi lấy quần áo chuẩn bị đi đâu, ông ấy chỉ biết mở tủ ra chứ không bao giờ biết đóng vào và khi ông ấy thay quần thì hai ống quần sẽ... đứng nguyên tại chỗ trên sàn cho đến khi cháu... nhấc lên và thả vào máy giặt". "Chồng em vẫn là vô địch, lười việc nhà đã đành, đến tắm cho bản thân ông ấy cũng lười nốt. Mùa đông có khi hai ba tuần ông ấy mới tắm một lần. Có lần không chịu nổi, mình nhắc thì ông ấy cùn: "Ôi dào, bẩn một tí có sao đâu, sạch lắm chỉ tổ chết sớm!"... Cứ thế không ai chịu "kém" ai, mỗi người cố đưa ra các bằng chứng để "luận tội" các đức lang quân.

 

Đi tìm "thủ phạm"

Xin được khẳng định ngay rằng lười không phải là căn bệnh của tất cả những người đàn ông có vợ, nhưng nó lại chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong số họ. Đâu là virus gây bệnh? Từ góc độ của phái yếu, chị Nguyễn Thị Uyên, một giáo viên tiểu học cho rằng bệnh lười xuất phát từ ý thức bất bình đẳng về giới đã hằn sâu trong nếp nghĩ của người Việt Nam.
 
Theo chị, từ nhỏ, những "ông chồng tương lai" đã được giáo dục không phải làm gì nên lớn lên, lười trở thành một cố tật khó thay đổi ở họ. Còn từ góc độ phái mạnh các ông nghĩ gì? "Vài việc vặt, có gì đâu mà các bà cứ hay kêu". Phần lớn các ông chồng khi được hỏi về lý do không chia sẻ việc nhà với vợ đã trả lời như vậy.

Có một thực tế mà nhiều bà vợ phải thừa nhận là "lười" thường không phát bệnh vào thời kỳ đầu của cuộc sống vợ chồng mà chỉ "lộ mặt" sau một thời gian chung sống nào đấy. Chị Nguyễn Thị Thảo, một nhân viên bán bảo hiểm cho biết lúc đầu ông chồng chị cũng rất chăm chỉ giúp vợ khi nhặt rau, lúc lau nhà giặt quần áo, nhưng sau những cử chỉ chia sẻ đó cứ thưa dần và cho đến một ngày nó chỉ còn là một kỷ niệm đẹp của thời... quá khứ.

Nói đến đây, có nhiều quý ông chắc sẽ phật ý la lên: "Không phải là chúng tôi lười mà tại các bà không muốn cho làm". Quả thật, đôi khi chính các bà vợ là tác nhân gây lười mà không hay. Một ông chồng thuộc diện thương vợ than phiền với bạn rằng cứ mỗi khi anh lau nhà xong, vợ anh lại lấy khăn đi lau lại, hoặc có lần anh rửa bát xong, "bà ấy" lại lôi hết bát ra để... rửa lại từ đầu. Vài lần như vậy, anh đánh bài "chuồn nhẹ, rút êm" luôn.

Trông người ... lại nghĩ đến ta
 
Chị Lương Ngọc Lan, một người bán hàng nói: "Phụ nữ giống như bông hoa, nếu không được chăm sóc hàng ngày bông hoa ấy sẽ héo úa".
 
Theo chị, với bản tính chịu thương chịu khó của phụ nữ Việt Nam, người vợ chẳng bắt các ông chồng phải làm thay mình mọi việc nhưng một sự chia sẻ, dù chỉ nhỏ thôi cũng đủ khiến họ thấy vui.
Chị Vũ Thị Thanh Vân, một tiến sĩ luật đang làm nghiên cứu tại Pháp kể một câu chuyện mà chị cho là rất bình thường ở xã hội Pháp, nhưng lại là hy hữu ở Việt Nam. Đó là một lần chị được vị giáo sư hướng dẫn luận văn mời tới nhà dùng bữa. Sau khi ăn xong, vị giáo sư nọ để vợ và khách ngồi uống trà nói chuyện, còn bản thân thì tình nguyện vào bếp... rửa bát. Anh Victor, kỹ sư một công ty máy tính tại Pháp cho biết ở Pháp, tiền thuê một người giúp việc nhà bằng lương của một người đi làm nên công việc nhà của người chồng và người vợ sau giờ làm việc là 50 - 50.

Một nghiên cứu về hôn nhân và gia đình của PTS Nguyễn Thị Hoà, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. HCM đối với các hộ gia đình ở thành phố cho thấy: Số thời gian trung bình được các bà vợ dành cho nội trợ là 3 giờ 40 phút, trong khi đó số thời gian này đối với các ông chỉ là 0 giờ 50 phút. Rất nhiều nữ công chức làm việc không kém gì đàn ông nhưng sau 8 giờ mệt nhoài tại công sở vẫn phải tiếp tục làm "ô-sin" không hưởng lương tại gia, trong khi những ông chồng của họ rung đùi ngồi uống trà, xem ti vi, đọc báo hay "chén chú chén anh" ngoài quán nhậu. Không ít phụ nữ, đặc biệt là những bà vợ mắc chứng bệnh "sạch sẽ", "hay lam hay làm", đã không thể trả lời được những câu hỏi đơn giản như chương trình thời sự tối qua có gì, nhiệt độ hôm nay bao nhiêu...
 
Hậu quả của "lười"

Lười có để lại hậu quả? Tác giả bài viết đã làm một cuộc phỏng vấn bỏ túi với khoảng hai mươi phụ nữ có chồng và nhận được 100% câu trả lời là: "Có quá chứ!". Chị Lê Thị Quỳnh Như, một nhân viên ngân hàng cho rằng nếu mọi việc dồn lên đầu người phụ nữ thì họ sẽ rất mệt mỏi, mệt mỏi sinh ra cáu gắt, hay quát tháo, từ đó vợ chồng rất dễ chán nhau. "Mưa dầm thấm lâu, những xích mích nhỏ đến một ngày nào đó có thể tạo nên những xung đột lớn" - Chị Như nói.

Chị Lê Thu Hà, một đồng nghiệp của chị Như, mẹ của hai con, cũng có cùng quan điểm: "Nếu chồng không giúp đỡ thì tôi không thể nào xoay xở nổi. Và nếu tối nào anh ấy cũng 11 giờ mới có mặt ở nhà thì tôi không thể không "đá thúng đụng nia". Các ông mà lười chắc chắn sẽ khiến vợ chồng lục đục".
 
Một người vợ xin giấu tên thì lại đề cập đến một tác hại rất tế nhị nhưng không hề nhỏ của "bệnh" lười ở các quý ông: "Người phụ nữ phải gánh hết việc nhà rất mệt mỏi, mệt mỏi thì không thể "phục vụ" chồng được tận tình và đây hoàn toàn có thể là nguyên nhân để các ông tìm đến một sự "phục vụ" khác." Và chị không giấu giếm thú nhận: "Nhiều hôm đến khi đi ngủ thì mệt quá, chuyện vợ chồng không ham nữa. Chủ yếu cứ phải chiều chồng ... cho xong. Lâu ngày, "chuyện ấy" thành ra miễn cưỡng".

Tác giả: Hà Trang

Nguồn tin: giadinh.net.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập608
  • Hôm nay178,948
  • Tháng hiện tại1,946,141
  • Tổng lượt truy cập59,232,010
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây