Trong Tin mừng Chúa nhật 28 Thường niên năm A chúng ta được nghe một (hoặc hai) dụ ngôn về Nước Trời. Như câu chuyện về các tá điền sát nhân trước đó, dụ ngôn tiệc cưới đề cập và phê phán các nhà lãnh đạo Do Thái, đồng thời đưa ra những nhận định về cách thức để được vào và ở lại trong Nước Trời.
(Suy niệm của Jaime L. Waters – Chuyển ngữ: ĐCV Sao Biển)
Sách Bài đọc có sự chọn lựa bài Tin mừng bản ngắn (22,1-11) và bản dài (22,1-14) vì phần kết thúc của dụ ngôn không rõ ràng. Bài Tin mừng bản ngắn là cấu trúc tiêu chuẩn của một dụ ngôn về Nước Trời. Nhà vua (Thiên Chúa Cha trên trời) tổ chức một bữa tiệc cho con trai mình (Chúa Giêsu). Những người đầy tớ (các ngôn sứ) mời nhiều khách dự tiệc (các nhà lãnh đạo Do Thái). Tuy nhiên các vị khách bỏ đi và một số khách mời này đã ngược đãi và giết hại các đầy tớ, đây là một ẩn dụ ám chỉ những ai chối bỏ các ngôn sứ.
Sau khi bữa tiệc bị gián đoạn, nhà vua “liền nổi cơn thịnh nộ, sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân đó, và thiêu hủy thành phố của chúng”. Điều này thường được giải thích là ám chỉ việc đế quốc La mã tàn phá Giêrusalem khoảng 40 năm sau khi Đức Giêsu qua đời. Thánh Matthêu sắp xếp việc tàn phá có tính lịch sử thành phố của những khách mời không dự tiệc cưới như sự trừng phạt của Thiên Chúa.
Sau khi tàn phá thành phố, vua nói với các đầy tớ rằng những khách được mời đã không xứng đáng, vậy nên mời những vị khách mới (có thể là những người lắng nghe Tin mừng) ở ngoài đường. Những vị khách mới, kẻ xấu cũng như người tốt, lấp đầy phòng tiệc. Nếu kết thúc ở chỗ này, dụ ngôn cho rằng tất cả mọi người, cả tốt lẫn xấu, đều được mời gọi lắng nghe sứ điệp Tin mừng. Dụ ngôn này trong Tin mừng Luca kết thúc ở đây (Lc 14,16-24) cho thấy các câu tiếp theo của Tin mừng Matthêu (22,11-14) có lẽ đã được tách rời ngay từ ban đầu.
Nơi những câu kết thúc (22,11-14) của bản dài trong Matthêu, vua gặp thấy một trong những khách mời không mặc trang phục tiệc cưới. Vua phê phán trang phục anh mặc và ra lệnh giam anh vào ngục tối, nơi phải khóc lóc và nghiến răng (hỏa ngục).
Rất khó để đọc những câu kết thúc của bản dài nơi Matthêu như một dụ ngôn liên tục vì phản ứng của vua đối với vị khách không mặc đúng trang phục có vẻ kỳ quặc và vô lý. Nếu vị khách mới này được gọi từ đường phố vào phòng tiệc, anh sẽ không ngờ mình dự tiệc cưới để ăn mặc cho chỉnh tề. Trong khi việc không mặc lễ phục cưới dường như là một phần của bối cảnh dụ ngôn, bản văn gây khó hiểu về việc anh thiếu lễ phục cưới dẫn đến phải chịu hình phạt. “Lễ phục cưới” của anh có thể ám chỉ sự cởi mở đón nhận Tin mừng hoặc sự sẵn lòng cho cuộc sống mới trong Đức Kitô. Bởi vì người đàn ông không thể nói gì khi được hỏi về trang phục của mình, điều này có thể cho thấy anh không chuẩn bị hoặc không sẵn sàng thích ứng bản thân và cuộc sống để vào Nước Trời.
Nếu các câu cuối cùng được tách rời như một dụ ngôn tương tự để giúp giải thích phản ứng của vị vua đối với khách mời này hơn là được xem như phần tiếp tục câu chuyện. Trong trường hợp như vậy anh đã thuộc thành phần khách được mời từ ban đầu và ăn mặc chỉnh tề cho tiệc cưới. Như thế, không làm rõ được những gì lễ phục cưới muốn chuyển tải, nhưng là giải thích sự trừng phạt của vị vua vào cuối câu chuyện.
Mặc dù hơi khó hiểu, dụ ngôn minh họa sự cởi mở của Thiên Chúa với tất cả mọi người, không chỉ với một số người được tuyển chọn. Tuy nhiên, mặc dù Chúa mời gọi tất cả mọi người, nhưng dụ ngôn cho thấy khách mời phải sẵn sàng và sẵn lòng làm những gì cần thiết để thưởng thức bữa tiệc. Chấp nhận lời mời là bước đầu tiên, nhưng những người được “chọn” là những ai không chỉ chấp nhận Tin mừng mà còn sống theo sứ điệp của Tin mừng.
Nguồn tin: https://www.americamagazine.org/faith/2020/09/18/are-you-ready-gods-feast