Về Cù Lao Tây mừng Ngân Khánh Linh Mục cha Inhaxiô Võ Viết Chuyên HT72-73

Thứ năm - 02/11/2023 10:14
Một linh mục miệt sông nước, đầy chất nam bộ, đơn giản, chân tình và khí khái, hiếu khách và hào sảng… Hơn thế nữa, ngài còn là một tông đồ nhiệt thành, hết lòng với Hội Thánh trong sứ vụ chăm lo cho đàn chiên gồm 3.600 bổn đạo trên cù lao sát dòng sông Cửu Long này.
ngan khanh linh muc 6
 
Trước đó 1 tháng, cả lớp từ hải ngoại đến quốc nội lên chương trình cụ thể để tham dự. Được sự tài trợ đa phần của anh em nước ngoài, ở Huế phái đoàn gồm 4 người: Cha Hiệu, vợ chồng "Dạ trường" Trinh Hà Úc và ông trùm Tha vi vu bằng máy bay; miền Cam Ranh và Quảng Thuận có 2 người: Phùng Đệ và Đoàn Quang Khanh đã gác công việc để tham gia.

Xuân Lộc có số lượng tham dự đông nhất, từ Tân Hữu có vợ chồng Danh, Gia Rây có tài tử Robert Hải; Cù Bị có Nguyễn Bài, tuy bị "Tào Tháo rượt" toe tua, nhưng vẫn liều đi cho bằng được; vợ chồng Đài chủ quán dê Chiều Tà xung phong ghi danh đầu tiên, sau đó đoàn xe vào ĐCV Xuân Lộc đón cha giáo Nguyễn Huệ (linh hướng phía Nam); Hùng Lửa ở Quảng Biên ngậm ngùi từ bỏ cuộc chơi vì ông già gân bọ Khoái đang thập tử nhất sinh; Trương Công Nhờ và Nguyễn Thanh Phú không thể từ chối cơ hội 25 năm gặp mặt anh hào; vợ chồng Trương Dũng từ Bình Dương lật đật lên Saigon để đoàn tụ với anh chị em.

Đoàn xe số 2 đón trưởng lớp Đức tại Suối Tiên và anh Hùng Dũng tại Thủ Đức, sau đó chạy đến đường Nguyễn Thông đón phái đoàn Huế. Cả 2 đoàn xe hợp long trước nhà thờ Kỳ Đồng DCCT và tà tà theo hướng Tân Bình, đón thầy giáo Vinh, ông cố Cẩm và quý đàn anh Lê Thanh Gioan HT67, đương nhiệm trưởng ban Phía Nam, cha Vinh, Phụng xì dầu và Đoàn Mạnh Anh HT69, Thành HT71; ngoài ra còn có anh Thái, phó ngoại vụ của cha Vinh. Và người cuối cùng là "ông già Nam bộ" Huỳnh Lễ từ Kiên Giang lặn lội 170 km nhập bầy với đoàn. Như vậy, cộng với 2 tài xế, tổng số tham dự viên là 30 người, trong đó có 20 người biên chế HT72-73, một con số không hề nhỏ, nói lên ý chí và quyết tâm hiệp hành của lớp.

Xe dừng chân tại thành phố Cao Lãnh để "độ ngọ" tại quán QUÊ, các bàn ăn tựa như cái chõng tre, 4 người một bàn, xếp dài thiệt ấn tượng, các món ăn đặc sản miền Tây lạ miệng, nhưng rất ngon làm hài lòng mọi người.
 

Xe tiếp tục rong ruổi trên đường thiên lý đến huyện Tam Nông, Đồng Tháp, sau đó rẽ vào một con lộ tẻ nhỏ hẹp, nằm sát con kênh song song với con đường, và một tòa nhà to cao nhất vùng đó xuất hiện: Homestay Tư Cá Linh, rặt miệt vườn, kiểu nông dân tập tành làm du lịch…

Sở dĩ chọn Tam Nông làm đại bản doanh cho 30 yên hùng "Lương Sơn Bạc" vì nơi đây thâm sơn cùng cốc, chung quanh hoang vu, vắng vẻ, lại gần tràm Chim, nên khi hoàng hôn xuống, sẽ chiêm ngưỡng cảnh cá nước chim trời bay về tổ ấm. Homestay này mang tên là Tư Cá Linh, vì chủ nhân vốn là một nông dân làm ruộng và có thêm nghề tay trái: Buôn cá linh, nên chọn làm thương hiệu cầu chứng cho mình. Khoảnh đất được bao bọc bởi sông nước, phía sau là bầu sen, mọc lên một chùm nhà tranh trông thiệt là thi vị, tuy không có khói đốt đồng, nhưng có bếp lửa um khói nướng cá lóc, tạo thành cảnh sắc đồng quê đầy hương vị dân dã...

Chiều chưa tắt nắng, bầy "lục lâm thảo khấu" HT72-73 cùng khách mời đã an vị trên một căn nhà sàn, với dãy bàn tre dài ngoạn mục. Một bầu khí đượm tình huynh đệ bằng hữu thật sự, một cuộc đoàn viên có một không hai tại một nơi chốn xa lạ, nhưng toàn là anh chị em, bằng hữu một nhà... Các món ăn rặt nam bộ: Cá lóc nướng, gà thả vườn bóp lá chanh kiểu Huế, cá hú kho tộ và lẩu cá linh, bông điên điển, đệ nhất đặc sản mùa nước nổi.

Vui quá, hảo bằng hữu, hảo thức nhắm, hảo tửu Doãn Đài (bổn quán Chiều Tà) giữa không gian mênh mang sông nước miền Tây, làm cho lòng người phấn khích diệu vợi, muốn trở về lại thuở các chú Nhà Trường, quên phéng mọi trăn trở cuộc đời, gia đình, bệnh tật, tuổi tác...và cả cơm áo gạo tiền.

Homestay Tư Cá Linh này, tuy hơi trái đường, vị trí vùng sâu, các tiện nghi còn khiêm tốn, nhưng được cái làm du lịch sinh thái đúng nghĩa, đúng kiểu cách của người nông dân miền Tây, ngủ nghỉ trong những căn phòng lợp lá, tọa lạc trên sàn nhà bằng gỗ, bên dưới là bầu sen đang trổ bông, phía trước là ao nước vây quanh, có chiếc xuồng ba lá để khách tự chèo lấy. Chị Tư lại giỏi về chế biến các món ăn, chỉ cần khách chọn menu theo thời điểm có sẵn, thì 1 giờ sau là mọi sự sẵn sàng đáp ứng. Giá cả tùy 2 bên thỏa thuận, miền Tây mà, miễn sao dui dẻ cả làng là OK.
 

"Đối tửu đương ca", sau rượu có hát, bao nhiêu thực khách là bấy nhiêu ca sĩ, ưu tiên các phu nhân trước, sau đó đến lượt các chàng trai hào sảng cất tiếng. Cha Vinh với ca khúc bất hủ "Nhỏ ơi" điệu nghệ... Chưa dừng tại đó, cô cháu xinh đẹp Mỹ Xuyên của chủ nhà, giúp vui bằng các bài vọng cổ mượt mà, ngọt lịm, làm cho lòng lữ khách chùng xuống, xao xuyến, bâng khuâng ước gì trẻ lại 40 năm trước ...là rước nàng về dinh...?!?

Tới 9g00 đêm, tan sòng, ai về phòng nấy, chỉ còn lại dăm ba tráng sĩ cuối cùng, cạn chén tương phùng cho tới khi môi tê, mắt mờ mới chịu thôi...

Sớm mai khi bình minh vừa ló dạng, các chàng trai cô gái ai cũng tươi tỉnh sau một đêm ngon giấc, cùng thưởng thức cà phê miệt vườn, sau đó cùng điểm tâm bằng cháo cá lóc nóng hổi và chia tay anh chị Tư Cá Linh, hẹn ngày gặp lại...

Rời Tam Nông, chúng tôi ngược về huyện Thanh Bình. Khoảng chừng 30 km, xe hướng xuống Bến phà An Long, qua Cù lao Tây, hay còn gọi là cù lao 5 xã, vượt qua con sông Tiền (Vàm Nao) lồng lộng, mênh mông không thấy đâu là bờ, có lẽ rộng hơn cả bến phà Cát Lái mà chúng tôi thường xuyên đi ngang. Đường xá xuống cấp, lắm ổ gà, may mà chỉ xấu một đoạn, đường về nhà thờ Bến Dinh khá hơn. Bến phà này làm chúng tôi bùi ngùi thương nhớ bạn Đoàn trắng, cùng đồng hành vào năm 2018, lần đầu tiên qua Cù Lao Tây, đến nhà thờ Tân Quới, nơi cha Chuyên coi sóc, nay bạn ấy đã từ giã cuộc chơi.
 
 

Cha sở Inhaxiô Võ Viết Chuyên vừa đổi về đây tròn 3 tháng, trước đó ngài coi sóc họ đạo Tân Quới 6 năm cũng gần đó. Sau khi sửa sang nhà thờ, ngài được Đấng Bản quyền thuyên chuyển về đây để phụ trách trùng tu ngôi thánh đường Bến Dinh này. Cơ ngơi họ đạo Bến Dinh khang trang, vuông vức và rộng lớn, tôi có cảm tưởng chưa có khuôn viên nhà thờ nào tôi đặt chân tới to rộng như vậy, tín hữu lên tới 3.600 nhân danh. Cha Inhatio còn là cha hạt trưởng Cù Lao Tây.

Cha sở vừa thấy chúng tôi, vội đon đã tới chào và bắt tay từng người, ngài vẫn còn nhớ  tên và hết sức mừng vui, vì bất ngờ khi thấy anh chị em xa xôi mọi miền về đây thật đông đủ. Nom ngài thật phong độ, nhanh và linh hoạt, cung giọng hào sảng đã hoàn toàn theo thổ ngữ nam bộ.
 

Cuộc đời linh mục Võ Viết Chuyên cũng trần ai khoai củ. Sau biến cố 75 ai về nhà nấy, ngài vào Cam Ranh với gia đình, và sau khi học xong phổ thông, ra Huế thi Đại học y khoa. Với số điểm đạt được 23,5 là dư sức đậu, nhưng bản lý lịch bị địa phương phê gia cảnh thí sinh này không đủ quy trình vào học đại học, vậy là ngài đành bỏ nghiệp đăng khoa, theo người chị ruột vào Mỹ An, Đồng Tháp, mần ruộng lập nghiệp. Anh rể của cha là anh Lê Hồng HT67 đã dạy học ở miệt bầu sen này hơn 40 năm nay.
 

Khi bước sang tuổi 31, có một cuộc thi tuyển chủng sinh lần đầu tiên sau 1975 của Giáo phận Mỹ Tho và trong số cả trăm ứng sinh dành cho 3 tỉnh trực thuộc địa phận, chỉ chọn mỗi tỉnh một ứng sinh…và chú Chuyên là ứng sinh duy nhất của tỉnh Đồng Tháp được chọn vào ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn khóa 2. Nếu chính quyền loại bỏ ngài ra khỏi đại học, thì Thiên Chúa chọn ngài vào phẩm hàng thượng tế Menkisêđê. "Bác sĩ một thời, Linh mục đời đời".
 

Và năm 1998, Đức cha Anrê Nguyễn Văn Nam đã phong chức cho ngài, từ đó ngài đã về vùng sông nước này rao giảng Tin Mừng và làm chứng nhân cho Đức Kitô đã 25 mùa nước nổi…

Một linh mục miệt sông nước, đầy chất nam bộ, đơn giản, chân tình và khí khái, hiếu khách và hào sảng… Hơn thế nữa, ngài còn là một tông đồ nhiệt thành, hết lòng với Hội Thánh trong sứ vụ chăm lo cho đàn chiên gồm 3.600 bổn đạo trên cù lao sát dòng sông Cửu Long này. 25 năm đời linh mục đã qua, chắc chắn cha Inhaxiô Võ Viết Chuyên đã thấu rõ hồng ân của Thiên Chúa đối với mình hơn ai cả.

Hai mươi lăm năm linh mục không là gì cả đối với Thiên Chúa toàn năng, nhưng đối với thân phận bất toàn của linh mục, thì đó là thời gian dài và nhiều suy ngẫm như lời tâm sự của cha Inhaxiô, là một cột mốc để nhìn lại đoạn đường dài đã đi qua để tạ ơn, cũng như nhìn vào tương lai để bước tới. Có một vị linh mục cảm khái 25 năm của mình như một người du mục đi khắp thảo nguyên bao la, bát ngát, nơi nào cũng là nhà, mà không nơi nào là nhà mình cả, nhưng tất cả mọi người mà ngài gặp gỡ, đều là anh chị em cùng một gia đình của mình…

Tâm tình của cha Inhaxiô hôm nay là Tạ Ơn, Tạ Ơn Thiên Chúa, Đội Ơn các vị Ân sư, Mang Ơn đấng bậc sinh thành, Hàm Ơn các ân nhân, bạn bè và các tín hữu đã đồng hành, nâng đỡ và cầu nguyện cho mình trong 25 năm qua...

Ngày hôm nay, có lẽ Thiên Chúa sẽ không hỏi cha Inhaxiô đã làm gì được cho Thiên Chúa, đã đem về bao con chiên lạc, đã rửa tội được bao nhiêu người, đã làm được bao việc tốt lành lớn lao…? Càng không hỏi ngài đã bao lần bội nghĩa, bao lần bất xứng không chỉ với Thiên Chúa, mà còn đối với con người nữa? Nhưng Thiên Chúa sẽ hỏi nhẹ nhàng cha Inhaxiô rằng: Sau ngần ấy năm, có còn trông cậy vào quyền năng của Thiên Chúa không, hay chỉ ỷ lại sức mình mà thôi? Vì với bao kinh nghiệm, khả năng mục vụ, có khi làm cho ngài trở nên ỷ vào sức mình mà quên quyền năng của Thiên Chúa. 25 năm qua, có khi cha Inhaxiô sống đời linh mục quá ngoan hiền, dễ bảo, vâng lời, thực hành trọn bề các giới răn nên tự hài lòng về chính mình, như những kẻ Biệt phái với vỏ bọc tự mãn, nên tự mình tách ra khỏi ánh sáng của ân sủng, mà quên đi sức mạnh nhưng không của Thiên Chúa?

Với thân phận người linh mục cũng vậy, lòng hăng say, nhiệt huyết của thời trẻ trung đã qua, rồi tuổi tác chồng chất, sức khỏe suy giảm và có cả nỗi cô đơn đằng đẵng trong năm tháng hoàng hôn của cuộc đời…

Thánh lễ Tạ Ơn long trọng, 38 linh mục đồng tế, 2 thầy phó tế hiệp tế, tạo thành con số 40 tròn trĩnh, thật đẹp và huyền nhiệm theo Kinh Thánh.
 

HĐGX và các hội đoàn trong giáo xứ đã chuẩn bị chu đáo, ca đoàn Bến Dinh với dàn ca viên hùng hậu cả số lượng và chất lượng, làm cho Lễ Bạc Linh mục của cha sở được thêm bội phần mỹ mãn.

Một điều thú vị là cha cựu quản xứ Giuse Nguyễn Hoàng Hân vừa nghỉ hưu tròn 3 tháng, được cha Inhaxiô mời giảng Lễ Tạ Ơn hôm nay, cũng như cách đây 25 năm, lễ mở tay của cha Inhaxiô cũng được cha Giuse Hân giảng lễ. Cha sở còn kể dịp 40 năm linh mục của cha Hân, cha sở lại được cha Hân mời giảng, và sang năm Lễ Vàng linh mục của cha Giuse ắt cũng được cha Inhaxiô giảng lễ. Câu chuyện tuy nhỏ, nhưng mang vẻ ngẫu nhiên và cả ngạc nhiên.

Đại diện Phía Nam đã trân trọng giới thiệu cộng đoàn dân Chúa về Gia đình Cựu Chủng sinh Huế, những người cùng tu học với cha sở đúng 50 năm trước (1973-2023) và chào quý cha đồng tế cùng bổn đạo Bến Dinh. Đại diện lớp do anh Phạm Danh, cùng lớp với cha sở, chúc mừng niềm vui kép (25 năm linh mục và 50 năm nhập trường) bằng một món quà đặc biệt, một bức tranh thêu tay đầy ý nghĩa, biểu tượng cho 25 năm linh mục được HT72-73 long trọng kính tặng cho cha Inhaxiô (Bức tranh được một nghệ nhân ở Sài gòn chăm chút cả tháng trời).
 
 
 

Sau lễ, đoàn Cựu Chủng sinh Huế chúng tôi được giáo xứ tiếp đãi trọng thị, không chỉ cha sở, cha phó, cha linh tông...mà quý chức HĐGX, ca đoàn, giới trẻ... đều giao lưu nhiệt tình và hẹn ngày trở lại Cù Lao Tây.
 

Trên đường về, chúng tôi còn được cha Chuyên gọi điện hỏi thăm và cám ơn mãi.

Một chuyến đi Hiệp Hành trọn vẹn, đầy đủ ý nghĩa. Và trên hết củng cố tình huynh đệ HT72-73 lên cao và bền vững mãi.

Cầu xin Mẹ La Vang xuống nhiều ơn lành cho cha Inhaxiô, hầu ngài chu toàn sứ mạng mục vụ được đẹp lòng Chúa.

Xin cám ơn quý anh em hải ngoại đã rộng rãi đóng góp tiền của để tổ chức sự kiện trọng đại này.

Cám ơn lớp trưởng Lê Thành Đức đã quán xuyến chu đáo chương trình từ khởi sự cho đến kết thúc, cũng như mời chúng tôi, ban đại diện Phía Nam, quý cha và anh em khác lớp; đã tiếp đãi như thượng khách, từ chuyện xe pháo, ăn nhậu đến chuyện ngủ nghỉ, cả quà tặng đem về...

Và sau hết, cùng cám ơn nhau đã cùng nhau Hiệp Hành trong ngày đoàn tụ của lớp, ngày vui ngút ngàn tình nghĩa của bao tráng sĩ về chiều đầu bạc... Hẹn ngày luận kiếm hoa sơn mới.

Xin Chúa chúc lành.

Mic. Dũng chấp bút
 

Tác giả: Mic Nguyễn Hùng Dũng HT71

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập441
  • Hôm nay132,206
  • Tháng hiện tại1,843,623
  • Tổng lượt truy cập59,129,492
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây