Tìm về nguồn cội. Bạn Trần Văn Hòa gặp gỡ lớp HT67 tại Huế

Thứ tư - 08/11/2023 09:55
Buổi văn nghệ huynh đệ hôm nay do bạn Danh và bạn Hòa thay nhau đệm đàn dẫn nhạc. Với âm thanh vừa đủ và những ngón đàn điêu luyện của nhạc công, mọi người ai cũng muốn giúp vui khiến các MC Xuân Hòa và Đức Long phải khéo léo điều tiết để ai cũng có dịp được “bước lên sân khấu”.
ht67 3
 
Quê hương anh là Quảng Trị. Nhà của anh bên bờ sông Thạch Hãn. Ngày xưa đó anh học trường Nguyễn Hoàng, ngày hai bữa đi về đường Quang Trung…”. Đây là đoạn đầu của bài hát “Con Phố Buồn Hiu”, bài ruột của Trần Văn Thuận 67 (RIP) lúc còn sinh tiền, nay được 4 anh em Hòa, Quý, Chiến và Danh đồng ca để tưởng nhớ Anh Hai rất thân mến, trong buổi văn nghệ “hát cho nhau nghe” tối gặp gỡ HT67 Huế 3-11.

Bạn Trần văn Chiến thì hát “Mòn Mỏi” của Từ Công Phụng. Ca từ bài hát nói về sự ngóng trông của Người Mẹ, vừa tượng hình vừa tâm tình da diết khiến nhiều người xúc động vì “nhớ Mẹ”; quanh đây có những đôi mắt ngấn lệ lưng tròng. “…Khi con bước đi, hồn mẹ tái tê, lệ nhoà ướt mi, lòng nghe sắt se… Ngậm ngùi một chiều Đông ra đầu ngõ đứng mong. Trên tháng năm mỏi mòn không biết đến bao giờ, loài người được nhìn thấy nhau ngày thanh bình”.

Có thể nói, tất cả những tình cảm thân thương đó (nỗi nhớ nhung) vẫn luôn ở lại trong tâm tưởng của chúng ta, những kẻ đang cùng nhau bước đi trên thế gian nầy. Trong tình huynh đệ, những người lữ hành cần nâng đỡ và khích lệ nhau trong đời sống. Vậy thì, “Còn gặp nhau thì hãy cứ vui, Chuyện đời như nước chảy hoa trôi, Lợi danh như bóng mây chìm nổi, Chỉ có tình thương để lại đời”. Và, hãy nắm lấy tay nhau mà tiến bước, “Còn gặp nhau thì hãy cứ đi, Đi tìm chân lý - lẽ huyền vi, An nhiên tự tại - lòng thanh thản, Đời sống tâm linh thật diệu kỳ”. Đây là những trích đoạn trong bài thơ “Hãy Cứ Vui” của Tôn Nữ Hỷ Khương, được bạn Trần Văn Hòa phổ nhạc và hôm nay hát tặng mọi người.

Tâm tình của những bài hát trên đây cũng phần nào diễn tả ý nghĩa và tinh thần của buổi gặp gỡ tối 3-11 của 4 anh em nhà Hòa và HT67 Huế.
 

Thật vậy, cách đây ít ngày và qua Đức Long, bạn Hòa từ miền Nam cho biết sẽ ra quê chừng 7 ngày để “tìm về nguồn cội” của họ tộc Trần Văn và rất nhiều bà con đang định cư ở Quảng Biên mà theo các cụ lớn tuổi cho biết thuộc xứ Ba Ngoạt, Quảng Bình (giáp ranh Hà Tỉnh). Sứ mạng về nguồn nầy càng thêm ý nghĩa khi diễn ra trong tháng 11, thời gian mà Giáo Hội dành riêng để tưởng nhớ đặc biệt đến những tín hữu đã qua đời; các tiền nhân, ông bà cha mẹ, anh em, bà con… Bạn Quý (em Hòa) kể rằng, Ông Nội trong nhà lúc còn sống cho biết những tín hữu đầu tiên, là tổ tiên của các bạn, đặt chân sinh sống ở vùng đất Ba Ngoạt vào năm 1883. Vậy, tìm về Ba Ngoạt cũng có nghĩa là ngược về quá khứ và tưởng nhớ đến tất cả những người đi trước đã từng hít thở và lao động trên mảnh đất nầy trải dài gần 150 năm trước. Tưởng nhớ để nguyện cầu và tôn vinh.

Dịp về quê nầy đoàn ghé Huế và bạn Hòa cũng mong muốn được gặp gỡ anh em HT67 để chuyện trò, chia sẻ tâm tình và đem cho nhau niềm vui.
***

6 giờ chiều chúng tôi qui tụ ở Ngọc Hương Quán, 14B Triệu Quang Phục, chỗ sát bờ hồ cống Tây Lộc gần nhà Phương Trân. Không gian ở đây thật gần gũi và chân quê; quán là căn nhà rường gỗ gần bên sông Ngự Hà, chỉ cách con đường nhỏ. Không gian nầy phù hợp với những cuộc gặp gỡ bạn hữu thân tình, nhờ bầu khí yên tĩnh và ấm cúng.

Đoàn phía Nam gồm có 4 anh em: Hòa, Quý, Chiến, và Danh. Phía anh chị em Huế khá đông đủ, gồm: vc Long Cúc, vc Thắng Vi, vc Phương Trân, vc Dũng Hoa, vc Hòa Ánh, Thần, Hảo và cha Luận.

Sau khi cha Luận làm dấu Thánh Giá xin Chúa chúc lành cho buổi gặp gỡ, Đức Long thay mặt Huế “welcome” đoàn khách. Chào mừng và cám ơn, Long nói bạn Hòa và HT67 Huế như có cái duyên, vì không chỉ lần nầy mà trước đây Hòa đã nhiều lần dành thì giờ đến với anh em, dù trong những dịp công tác phải gò bó trong chương trình của các đoàn thể.

Đáp lời, bạn Hòa cho biết mục đích chuyến đi của đoàn là “tiền trạm” để xác định vị trí địa lý của vùng đất Ba Ngoạt, là gốc gác của dòng họ. Và dịp nầy “không thể không hẹn hò với anh em Huế vì nơi đây là vùng đất của gặp gỡ. Tạ ơn Chúa đã ban cho HT67 Huế được ân phúc để luôn có những cuộc qui tụ huynh đệ”. Rồi với phong thái của một huynh trưởng thường điều hành các cuộc nhóm họp, bạn Hòa giới thiệu thành viên trong đoàn. Gồm 4 anh em: Hòa, Quý, Chiến, Danh, mỗi người đều có công việc cụ thể trong hành trình. Mọi người cũng được biết, ông cụ thân sinh của Hòa đã 93 tuổi và vẫn còn minh mẫn và hát karaoké tốt. Ông cụ có 8 người con, 5 trai 3 gái theo thứ tự: Thuận (RIP), Hòa, Vi, Quý, Chiến, Thắng, Vinh, Danh. Sau đó Hòa cũng giới thiệu anh chị em Huế có mặt để các em mình dể dàng chuyện trò tương tác.

Tiếp đến, cha Luận được mời phát biểu đôi lời. Ngài rất vui khi hôm nay được gặp đoàn khách trong Nam và anh chị em Huế. Hình như sự hiện diện của cha cũng có phần ưu ái cho anh em Hòa, vì đã khá lâu ngài chưa gặp anh em ở Huế. Cha giải thích: anh chị em Huế trước đây họp hành thường “sướng là chìu”, “bấm là nhảy” nên không có thời gian sắp xếp việc giáo xứ. May mắn là bạn Hòa đã cho biết cuộc hẹn từ nhiều ngày trước. Đồng thời, hôm nay cần bàn việc tổ chức Lễ Bổn Mạng Lớp 8-12 sắp tới, có Hòa là 67 trong miền Nam.
 
 
Xin mở ngoặc đơn: Chuyện “Bắc tiến” của những anh em “mâm trên” trao đổi nghe loáng thoáng cũng khả thi, vì cha Luận là “thổ địa” ở miền Bắc; ngài đi nhiều nơi để giúp mục vụ Gia đình và quen nhiều cha xứ ngoài đó. Bên bạn Hòa do việc phụ trách TNTT và Giáo lý Đức tin toàn quốc cũng có tương quan gần gũi với nhiều huynh trưởng ở các địa phận thuộc TGP Hà Nội. Mong cha và các anh em đầu lớp, cũng như những anh em rành rõi về đất Bắc hội ý lên chương trình cụ thể cho hành trình "Bắc tiến” mà bạn Vũ Quang Hà đã hứa hẹn sau chuyến “Tây du” vào năm trước. Rõ ràng, chuyện khó nói nhưng phải đối diện là vấn đề tài chánh. Xin mọi người nghiên cứu cân nhắc sao cho “một vừa hai phải” chơ cứ “trăm dâu đổ đầu tằm” thì cũng khó coi. Trừ phi… Hi, hi!...

Giờ quay lại mâm cơm huynh đệ ở Ngọc Hương Quán. Bữa ăn nầy do anh em Hòa giành trả từ lúc mới lên lịch hẹn. Là khách mời chủ! Nghe có gì đó không “logic” cho lắm, nhưng nói cho có vẻ triết lý thì “con tim có lý lẽ riêng của nó”. Sau những lời chào nhau đầu tiệc, anh em nâng ly chúc mừng. Chúc mừng những người bạn mới và chúc mừng nhau. Chúc cho hành trình “tìm về nguồn cội” của đoàn được an lành và đạt kết quả mong muốn.

Thế rồi, các đĩa thức ăn được lần lượt bày dọn lên mâm bàn. Không cần cao lương mỹ vị, nhưng các món ăn phải có nhiều chất Huế mà bạn Minh Phương đã ý tứ “order” trước dành cho các bạn xa quê nay có dịp trở về. Ví dụ: mướp đắng xào lòng, bánh tráng xúc vả trộn, xà lách trộn thịt bò cà chua, gà hấp, xôi đậu phụng… Thức uống thì có bia Sài Gòn, chai vang của cha Luận và chai rượu dầm 2 lít của bạn Danh mang theo. Bạn Quý còn tinh tế mua táo sạch từ Nha Trang để làm quà cho mấy chị, làm món tráng miệng.
 

Sự thường khi hội họp thì có ăn uống. Nhưng thật ra các bữa ăn như là bối cảnh để anh em gặp nhau và cùng chia sẻ tâm tình. Vậy, tinh thần chính yếu hôm nay là niềm vui mà anh chị em trao cho nhau như lời bài hát của bạn Hòa “Còn gặp nhau thì hãy cứ vui”. Vui là chính!

Niềm vui rộn rã hôm nay được tỏ bày rõ ràng qua chương trình văn nghệ bỏ túi trong suốt bữa ăn. Nói “bỏ túi” cho đơn sơ, nhưng thật ra rất xôm trò bởi ca sĩ không hát chay cũng chẳng cần karaoke hỗ trợ, mà hát “live” đàng hoàng, có nhạc đệm guitar và micro với âm thanh loa đài tử tế. Những dụng cụ nầy anh em Hòa đã chuẩn bị đem theo xe trong suốt hành trình.

Họ chuẩn bị nhạc cụ đem theo cũng là chuẩn bị cho những lời ca tiếng hát của những tâm tình và những niềm vui. Có thể nói đây là những con người đem niềm vui đến cho người khác. Do tâm lý con người ai cũng muốn chọn niềm vui, nhỡ có sự buồn là điều ngoài ý muốn, là điều xui rủi. Mọi người từng quen biết ai cũng cho rằng: anh em nhà Hòa có ‘gen’ hát hò. Họ có máu văn nghệ. Họ sinh ra là để đem lại niềm vui cho người khác. Cứ nhìn xem cụ thân sinh của họ thì biết, 93 tuổi vẫn còn ngồi hát karaoke với con cháu. Anh em Hòa ai cũng có năng khiếu hát hò và chơi nhạc cụ. Buổi văn nghệ huynh đệ hôm nay do bạn Danh và bạn Hòa thay nhau đệm đàn dẫn nhạc. Với âm thanh vừa đủ và những ngón đàn điêu luyện của nhạc công, mọi người ai cũng muốn giúp vui khiến các MC Xuân Hòa và Đức Long phải khéo léo điều tiết để ai cũng có dịp được “bước lên sân khấu”.

Điều đáng nói là chương trình văn nghệ không chỉ giúp cho bầu khí thêm rộn ràng vui nhộn, mà nó thật sự đem lại nhiều cung bậc tâm tình thật sâu lắng và dào dạt. Bầu khí dào dạt tâm tình nầy được các thực khách đang có mặt ở các bàn ăn khác tán thưởng, có những người còn hưởng ứng lên đăng ký tham gia. Như thế, niềm vui trong sáng còn có khả năng toả lan và thu hút.

Đa phần anh chị em trình bày những ca khúc có ý nghĩa với cảm xúc của mình. Xin đơn cử một số bài tiêu biểu: bạn Danh hát “Dấu Ấn Tình Yêu” của Ân Đức để ca ngợi hồng ân Chúa; bạn Chiến hát “Mong Mỏi” vì nhớ Mẹ; 4 anh em hát “Con Phố Buồn Hiu” tưởng nhớ Anh Hai Thuận; bạn Hòa hát “Hãy Cứ Vui” để lạc quan ‘đi tìm chân lý’; Đức Long hát “Nhân Vô Thập Toàn” để kêu gọi hãy cảm thông và chấp nhận nhau v.v… Còn nhiều nữa, có lẽ cũng phải dăm ba lần mới ‘post’ hết các đoạn video ghi hình các ca sĩ.
 

Có thêm một điều nữa mà tôi thật sự khâm phục anh em nhà Hòa. Đó là với bản tính vui tươi họ dễ dàng kết nối với người khác và hòa nhập vào đời sống cộng đồng. Đặc biệt nổi bật nơi họ là đức tính dấn thân phục vụ. Mấy anh em ai cũng có một thời tham gia việc dạy giáo lý trong các xứ. Bạn Danh nay đã là giám đốc một công ty khá bận rộn nhưng vẫn dành thời gian làm ca trưởng của một ca đoàn. Riêng bạn Hòa thì sống chết với TNTT và lãnh vực giáo lý đức tin. Hiện nay Trần Văn Hòa nằm trong Ban điều hành toàn quốc của phong trào TN và ban giáo lý.

Thật sự chưa bao giờ tôi thấy bạn Hòa khích bác ai hay tham gia vào những vụ cãi vả trên các diễn đàn chung. Khi sinh hoạt chung cũng vậy, MC Xuân Hòa cầm chịch vững vàng nhưng vui vẻ, khéo léo ôn hoà giúp cho sự việc ổn thoả và mọi người vừa lòng. Tắt một lời, đây là những con người tử tế và tốt lành. Những người có ông bà cha mẹ ăn ở phúc đức.

Trên đây là sự thật, ai cũng thấy. Tôi kể ra không phải để tâng bốc nhau, nhưng trong bối cảnh “tìm về nguồn cội” và cầu cho các tín hữu đã qua đời, tôi muốn đi đến nhận định: Theo logic “nhìn quả biết cây” thì những người tử tế, vui tươi, sống có lương tâm, và phục vụ anh chị em mình là những người luôn tưởng nhớ và tôn vinh tổ tiên ông bà cha mẹ của mình. Bởi họ phải được sinh ra từ dòng dõi tốt lành, từ những ông bà cha mẹ nhân hậu phúc đức.

Chúng ta thường nghe nói “Cô nầy hiền lành dễ thương quá! Cháu bà B đó!” hay “Ông nọ bà kia vô phước mới có thằng con như vậy”. Cũng có câu “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Danh tiếng của ông bà chúng ta thêm hay bớt, còn hay mất là do cách sống hiện tại của con cháu hậu duệ.

Tưởng nhớ người đã khuất không phải chỉ thắp bó hương thật to khói um nhà hay đặt mâm ngũ quả thật đẹp trước di ảnh, cũng không phải chỉ bày cỗ thật linh đình để cúng giỗ rồi tụ tập ăn uống no say. Tôi từng chứng kiến trong một đám giỗ người ta nhậu say rồi chú bác anh em ‘mày tao’ khích bác nhau, cuối cùng ly chén đổ vỡ tan hoang và tan đàn xẻ nghé.

Cũng thế, những người mang tiếng là xuất thân nơi danh giá, hay hội viên một đoàn thể đạo đức không đương nhiên là tốt lành và có “giá trị”. Ngược lại, e rằng lối sống vô lối và thiếu tử tế của mình sẽ ảnh hưởng xấu đến truyền thống hay hội nhóm mình tham gia.

Trở lại với Ngọc Hương Quán, trời đã về khuya nhưng có vẻ như không ai quan tâm vì có người còn chuẩn bị đăng ký “lên sân khấu”. Cơ mà cuối cùng MC phải xướng câu “cuộc vui nào rồi cũng tàn” để kết thúc buổi gặp gỡ. Chủ khách cám ơn nhau để chào tạm biệt. Mọi người còn hẹn nhau sáng mai ăn sáng và uống cà-phê tại Sóc Nâu chỗ dốc cầu Kim Long.

Cầu chúc các bạn nhà Hòa chuyến đi “tìm về nguồn cội” an lành và nhiều may mắn. Nghe nói hành trình của các bạn ngày mai đi Ba Ngoạt (Quảng Bình), rồi trở về Thạch Hãn, viếng Mẹ La Vang, vô lại Huế, đi Sơn Trà (Đà Nẵng), cuối cùng lên máy bay trở về nhà.

Đoàn của Hòa ở khách sạn bên kia bờ hồ. Anh chị em Huế cũng sắp xếp người uống nước ngọt chở người uống bia để tránh thổi nồng độ.

Nhà tôi gần, từ quán về Kim Long chừng 5 phút. Về đến nhà nhìn đồng hồ đã 10 giờ đêm.
Thôi kệ, “còn gặp nhau thì hãy cứ vui!”…

Lê Xuân Hảo HT67
 

Tác giả: Lê Xuân Hảo HT67

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

 Tags: ht67

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập444
  • Hôm nay138,602
  • Tháng hiện tại1,850,019
  • Tổng lượt truy cập59,135,888
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây