Câu chuyện một gã trùm chăn.

Thứ bảy - 04/12/2010 20:57

Trùm chăn.

Trùm chăn.
Sau ba mươi năm, hai người bạn quí Lê Văn Ba và Nguyễn Văn Vĩnh mới kiếm được tôi và sau ba mươi hai năm tôi trở về quê cũ, hầu hết đã đổi thay nhưng lòng người còn đó, mà dĩ vãng vẫn khó phai. Nay tôi bỏ chiếc khăn trùm đầu xuống, ngước mắt nhìn lên thì sự nghiệp đã tàn, cuộc đời đương đi vào đoạn cuối.

CÂU CHUYỆN MỘT GÃ TRÙM CHĂN.

(Tác giả: Hoàng Xuân Tịnh AN41, Kansas - Ngày đăng: 09/04/2009).

Trong bức điện thư bác/cháu tâm sự giữa Nguyễn Hùng Dũng, trong BĐH Sài Gòn/ Xuân Lộc, và Tịnh tôi, Dũng đề nghị tôi kể lại cuộc đời. Sau đây là trích đoạn bức thư trả lời của tôi:

“Hiện trong số CCS chúng ta có đủ hạng người mang đủ số phận nhứt là từ sau năm 1975. Đặc biệt có những số phận hẩm hiu, đau thương, khổ nhục, nhưng anh dũng can trường mà tự cổ chí kim chưa từng thấy trong lịch sử Giáo Hội. Và sau cơn "bão bùng giông tố tối tăm mù mịt", mở mắt ra thì nhận thấy biết bao nhiêu anh em còn vấn vương trong vòng lao lý, đương tiếp tục đeo cây khổ tự Chúa. May thay, có những anh em Chúa ban phước Phục Sinh, vuơn lên vinh hiển trong cuộc sống đạo cũng như đời để tiếp tục con đường mở nước Chúa và cứu các linh hồn.

“Thế nhưng, những kẻ tầm thường thì mang ý tưởng tự ty không dám kể lại cuộc đời; Những ngưòi làm nên sự nghiệp lại có tấm lòng khiêm tốn không muốn nói đến cái "Tôi". Bác là một người nằm xa dưới mức tầm thường, nhưng nghĩ rằng đã là cùng một gia đình thì ai cũng tọc mạch lúc hàn huyên. Gặp nhau thì ưa han hỏi, muốn biết qua những gì xảy ra cho đời sống anh

em đã bặt đi một thời gian xa vắng. Hoặc là để thương cảm giúp nhau; hoặc là để cùng nhau vui
mừng hãnh diện, chung qui chỉ là những nỗi niềm chia sẻ không kém không hơn. Mặc dầu thế, đề nghị của con vẫn làm bác đưa tay lên gáy, gãi gãi mấy sợi tóc, xem có nên đánh liều một chuyến, xô đổ bức tường mặc cảm thường tình đó chăng?”

Và đây là sự đánh liều của tôi khi tinh cờ nhớ lại lời “Magnificat” của Mẹ: “…Và từ rày muôn đời gọi tôi Bà có phước, vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những điều lớn lao, và danh Người đã nên thánh… “Mẹ không vỗ ngực xưng danh Mẹ, mẹ chỉ chia sẻ, cảm tạ và ca ngợi danh thánh Chúa. Lời này tôi nhắn nhủ các anh em “có phước”. Đừng do dự chia sẻ với anh em mình những gì lớn lao mà Đấng Toàn Năng đã làm cho anh em để cùng nhau chúc tụng danh Người đã nên thánh. Đồng thời tôi cũng kêu gọi anh em cảm thấy tầm thường như tôi kể tếu cuộc đời thăng trầm của mình ra anh em nghe cho vui nhà vui cửa. Như thế trước tiên là chứng tỏ nhân đức khiêm nhượng, không ngượng ngịu nói lên cái tầm thường cuả đời mình; thứ đến là nói lên tình nghĩa anh em một nhà, khồng nề hà thố lộ một ít riêng tư để siết tình huynh đệ.

Tịnh tôi từ ba tháng tuổi đã mang kiếp người Do Thái bị số mạng đuổi bắt khắp “giang hồ tứ chiếng”. Sinh nhằm năm Mậu Thìn bão lụt ngập làng Phúc Lộc (Quảng Trị), cha mẹ tôi bồng bế di tản lên An Đôn.Tám chín tuổi anh Ba tôi đưa lên Vạn Thiện (Đất Đỏ) ở chú với cha Khâm. Mười tuổi trở lại An Đôn ở chú với cha Sắc. Sau đó trở về Phúc Lộc. Phúc Lộc là một họ nhánh của An Lộng. Cha Sắc lại đổi về An Lộng. Gặp tôi, ngài nói: “Chú mi đi đâu cũng không chạy khỏi ta. Nhưng xem ra chú mi có duyên làm chú. Vậy thì đi học làm Chú Nhà Trường đi.”

Anh Ba tôi nghe lọt lỗ tai. Cả nhà tôi lần lượt di tản vào Xuân Lộc (Nam Việt) làm sở “địu” (Sở Cao su), anh Ba tôi nhất định giữ tôi ở lại và ký thác tôi cho Cha Trần Hữu Quí. Tôi lại một phen di tản vào Gia Hội, Huế. Năm 1941 tôi rương hòm di tản vào Tiểu Chủng Viện An Ninh. Mùa nhập học năm 1948, Giáo Phận Huế nảy ra sáng kiến cho chủng sinh ra thi cử. Tôi theo lớp di tản vào Thiên Hữu dọn thi tú tài một. Không may tôi thi trợt vỏ chuối. Và, họa vô đơn chí, bị cố Vị (Viry) cho “de” luôn. Ra khỏi chủng viện tôi thui thủi vào Nam kiếm gia đình và không biết từ bao giờ tôi mang chứng bệnh “trùm chăn”, sống hoàn toàn biệt lập trên rừng cao su, xa hẳn cha nuôi tôi, luôn các giáo sư và các bạn học.

Suốt thời gian ở Xuân Lộc tôi chỉ gặp một lần Cha  Nguyễn Văn Lập (sau này là Đức Ông), Cha linh hướng tôi ở Thiên Hữu. Chính ngài có dịp “nam du” đã dến thăm tôi. Còn các bạn thì chỉ hai lần. Một lần thì các đại chủng sinh Lê Văn Ba và Trần Văn Hoài bắt gặp tôi đương du duơng vói bạn gái (vợ chưa cưới) trọng dịp các thầy đi dạo sở thú Sài Gòn. Lần thứ hai các đấng ấy đi tham quan, lạc vào cái động nghiên cứu nông học của tôi ở Suối Tre, Xuân Lộc, lại thấy tôi ngồi đó hút thuốc lá “Bastos”. Tất cả mọi lần đều bị bắt gặp. Tôi không chủ tâm tìm kiếm một ai.

Năm 1954 tôi bị đông viên, “tốt nghiệp” trại huấn luyện hạ sĩ quan Cây Da với cấp bực hạ sĩ nhất, thuộc ngành quân y. Tham gia dẹp Bình Xuyên, đi chiến dịch Nguyễn Huệ đánh Năm Lửa, giết Ba Cụt. Nghe hách xì xằng, nhưng “chiến công” chỉ có di chuyển thương bịnh binh, quản trị  kho thuốc, và đóng vai bác sĩ giả, ngồi bắt mạch và viết toa cho thuốc “aspirin” và “pénécilin” vào những cuối tuần. Bác sĩ thật chuồn về thành phố hủ hỉ với gia đình. Sau chiến dịch về Sài Gòn, cũng Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia, cũng Trưởng ban Chiến Dịch Tố … hầm bà lằng. Trong thời gian này tuyệt nhiên không bao giờ tôi lưu ý kiếm gặp bạn bè đã lác đác đó đây khắp bốn vùng chiến thuật.

Đến lúc được dụ dỗ ra tham chính tôi xin giải ngũ, trở về Xuân Lộc. Tôi còn nhớ, có lần về nha khí tượng Sài Gòn học nghề đo nước mưa, coi mây và đoán gió. Coi danh sách của Nha thấy có tên kỹ sư Trần Văn Trí, biết đó là “Trị”, nhưng cũng chẳng màng kiếm thăm. Lúc này về cung thê tử tôi chớp được con gái một cựu chủng sinh lớp Cha Thảo. Sở dĩ tôi nêu tên Cha Thảo vì nhạc phụ tôi kể chuyện có lần gây lộn ông đã nhảy lên bàn đâm mũi viết vào cằm Chú Thảo. Chú Thảo cao nhất lớp mà chú Cần, ông nhạc tôi, lại lùn xủn nhất trường. Cùng là dòng dõi cựu chủng sinh, tính trước tính sau con gái trưởng bối Lê Văn Cần đã sản xuất cho hậu sinh Hoàng Xuân Tịnh được một bầy con, sinh năm đẻ “chín”  được vuông tròn. Về đường công danh tôi ì ạch leo lên được cái ngạch “Phó Tây” thì lại ngất ngây… than câu di tản:

Ngày xưa ông Tú có câu: “Phố phường chật hẹp, người đông đúc; bồng bế nhau lên nó ở non.” Ngày nay nhóc Tôi đảo ngữ: “Rú rừng ‘hùm hổ’ thú lúc nhúc; chuyên chở nhau xuống tớ về thành.” Thế là tôi “adieu” Tây, về Sài Gòn “hello” Mỹ. Mỹ lại chơi cắc cớ, thực tập cho tôi những pha thuyên chuyển tí ty. Nào có hay là chỉ trớ trêu đưa dần đến một ngày mai di dân vĩ đại! Sau mấy tháng huấn luyện tôi được thuyên chuyển ra Qui Nhơn một năm. Từ Qui Nhơn tôi được dân Nha Trang đón chào long trọng bằng một chầu súng đạn tưng bừng, chúc mừng Tết Mậu Thân. Nha Trang không hề hấn nhưng than ôi từ Nha Trang tôi hướng mắt về xứ Huế quê hương, khóc thương cho cảnh tang thương đẫm máu, thảm sát vô lương, và mồ chôn tập thể.

Nha Trang là trạm cuối cùng của cuộc đời di tản quốc nội của tôi. Sau này tôi mới hay, thời gian đó có Lê Văn Ba, AN41, mò ra kiếm tình nhân (vợ chưa cưới). Chàng và nàng đã từng yêu đương, du dương, hờn dổi, bước mòn chân trên bãi cát thùy dương thơ mộng. Tiếc thay Tôi nào có hay sự có mặt của người bạn thân, hằng ngày chạy cùng một đường sống chung một chỗ, nhưng không hề được gặp. Duy chỉ một ngày kia, cậu em phu nhân tôi đem về một chàng thiếu tá Trần Đình Thái, AN45. Thái và tôi qua lại đến cuối tháng ba năm 1975. Ngay như ĐHY Nguyễn Văn Thuận, ngồi tòa GM Nha Trang suốt thời gian tôi bán dầu xăng tại Chụt, tôi chưa một lần tìm đến thỉnh an.

Ngài và tôi từng là bạn thân vì ưa tình nguyện xía chuyện tình cờ trong tiểu chủng viện. Nhớ nhứt là trong thảm trạng chết đuối ở Cửa Tùng vào khoảng năm 1945, 1946. Trong một cuộc đi dạo và tắm nước vào lúc biển động đã gây mất mát cho chúng tôi với cái chết của ba chủng sinh. Suốt ngày hai đứa, chú Thuận và tôi, lang thang trên bờ biển kiếm xác chú Gioang Phú Cam, và chú Hinh Trí Bưu bị nước cuốn. Thế mà tối đến hai đứa nhào vô xin canh xác chú Hinh An Ninh được vớt lên và quàng tại nhà liệt chủng viện. Chuyện canh xác này mang rát nhiều kỷ niệm khó quên giữa hai đứa. Nhưng suốt chín năm ở Nha Trang, tôi chỉ sợ Ngài không nhận ra tôi, bắt tôi tự giói thiệu phiền phức, cho nên tôi chưa một lần gặp riêng, nhìn nhau bạn cũ.

Lần đầu tiên được biết ngài đương ngồi tòa Nha Trang, tôi chỉ nhập bọn giáo dân đứng nhìn ngài bước xuống xe vào nhà thờ Phước Hải. Chỉ thế thôi là tôi đã mãn nguyện. Sau đó tôi thường đi xem Lễ Chúa Nhật tại đại chủng viện trong khuôn viên Tòa Giám Mục và dự những buổi ngài nói chuyện với Cursilo, chỉ đối diện không dám giao lời. Không biết tại sao tôi gàn đến thế, và còn thích thú nói trong lòng: “Cha ơi, cha có biết cái thằng Tịnh khờ xưa kia đương chình ình ngồi trước mặt cha không?!” Nghĩ như vậy, tôi bất giác bật cười vô duyên. Ngài nhìn tôi, ngạc nhiên vì lời nói ngài đương nhiêm chỉnh, không chuyện đáng cười. Nhưng rồi ngài cũng hiền từ cười lại vì nghĩ cái cười của tôi không mang ác ý.

Lỡ lòng thòng câu chuyện khá dài dòng xin cho tôi kể nốt luôn đoạn cuối: Nghe tôi nói về ngài, phu nhân tôi biết và mến ngài từ thuở đó. Vừa qua Mỹ chúng tôi đọc chuyện ngài bị tù và thấy hình ngài trên báo Giáo Phận, nàng cắt ra và ngăn vào sách kinh rồi hằng ngày cầu nguyện cho ngài tai qua nạn khỏi. Sau đó, mặc dù ở xa cách cộng đồng, chúng tôi hằng theo dõi từng bước một của đời ngài, khi vui, khi buồn, khi hân hoan thấy ngài mang áo đỏ, khi hy vọng mơ mộng ngài đươc chọn kế Phêrô, rồi khóc thương nghe tin ngài về với Chúa. Cuối cùng, tôi tin quả thật phu nhân tôi và ngài, hai cha con có ước hẹn Thiên Đường. Ngày 16 tháng 9, 2002, ĐHY tạ thế thì một tuần sau, ngày 23 cùng tháng, cùng năm, phu nhân tôi cũng qua đời.

Như là một sự an bài của số mạng, từ lúc tôi ra khỏi chủng viện và nhập cuộc với đời thì chỉ làm cho hai hãng ngoại quốc. Và cứ y như là mỗi lần trèo lên bậc thang chót của nghề nghiệp thì xảy ra một cuộc đổi dời. Tại Long Khánh, khi tôi được thăng lên chính ngạch chủ nhân là lúc rừng xanh đại náo, cọp báo rối thôn, và cáo chồn loạn xóm. Tôi đành đánh chữ dĩ đào vi thượng sách. Tại Nha Trang lúc tôi được cất nhắc lên cái ghế quản đốc cũng là lúc biển động lên ngàn, sóng tràn lên đất, và thây chất đầy xứ. Tôi được lệnh đóng cửa rút cầu và lên tầu di tản.

Tôi đem trả lại Sài Gòn hai chiếc tàu dầu, chở theo bảy ngàn dân Nha Trang chạy nạn. Trong đó có dòng Lasan và hình như một số đại chủng sinh của Đức Cha (Sau này là HY) Nguyễn Văn Thuận. Trần Đình Thái năng nỗ giúp tôi săn sóc dân chúng, đến Nhà Bè thì chia tay. Sau này chúng tôi có gặp lại gia đình Thái trên tàu cha Ái ra Phú Quốc, nhưng Thái hình như ở lại đi học tập cải tạo. Không biết anh ta đã học được gì và tốt nghiệp cấp bằng chi. Nhưng cho đến nay, gia nhập GĐCCSHueHN, thì nghe tin anh đã về với Chúa! Tôi lại thui thủi một mình với cái bệnh trùm chăn thâm căn cố đế đưa tôi càng đi càng xa bạn bè thân thuộc.

Đã có quyết tâm, cuối tháng ba, 1975, đến Sài Gòn, trả lại tàu cho hãng dầu ESSO xong, tôi xin nghỉ việc và chuẩn bị di cư. Và sự quyết định đã dứt khoát đối với tôi sau một cuộc họp mặt và bàn thảo giữa Cha Ximong Lập và một nhóm chủng sinh, tại DCCT, Kỳ Đồng. Hình như trong số đó có Hồ Ngọc Tâm và Trần Văn Trí. Tôi chỉ ngồi bên lề dự thính, không bàn cãi. Lý do là vì lâu năm xa cách các bạn nên không thể phán đoán nội tình.

Hình như tất cả đều có lập trường ở lại và thích ứng với hoàn cảnh. Tôi buồn bã ra văn phòng nhà dòng xin gặp và hỏi ý kiến của cha Trần Hữu Thanh. Ngài bảo: “Cha 60 tuổi, già rồi, không gia đình, Cha sẽ ở lại với con chiên. Con có đến chín đứa con, hãy đi đi, ở lại thì chết hết.” Lại một lần nữa tôi lại kéo cái chăn trùm lên đầu, bỏ lại bạn bè, nhứt quyết ra đi. Tôi từ chối 11 vé máy bay mà hãng ESSO biếu cho gia đình tôi đi Mỹ. Vì gia đình tôi, theo nghĩa Việt Nam không có nghĩa vợ chồng con cái mà gồm cả cha mẹ anh em trên dưới 60 ngưòi.

Tôi thuê nguyên một chiếc xe đò, chất lên hết thân nhân, trực chỉ Vũng Tàu. Đương toan tính thuê nhà ở để chờ đợi tình hình biến đổi thì tình cờ gặp Cha Đỗ Bá Ái. Biết được Ngài đương lo tàu đi Mỹ cho dân Quảng Thuận tôi xin theo ngài. Tại Long Hải, gặp Cha Đoàn Quang Hàm đương săn sóc mẹ, tôi thì vấn vương bầy thê tử, hai đứa nhìn nhau thở dài, chẳng muốn nói năng chi. Với Cha Ái, có thầy Nguyễn Văn Nghiêm (Thân phụ của Nguyễn Duy Sinh) và Lê Văn Đăng (Em ruột của thầy Lê Văn Ba). Tôi biết hai người này đã lo sắp xếp cho gia đình tôi thành một nhóm riêng, 61 người, sắp hàng lên “barge” ra tàu “American Challenger”. Tôi vẫn không màng tìm gặp hỏi han. Tính trùm chăn tôi xấu thế đó, nhưng chúng bạn đều bỏ qua, thời buổi loạn ly, không ai còn để tâm vấn lý.

Ngày lịch sử đã điểm khi tàu Cha Ái dến đảo Phú Quốc: Quốc Trưởng Dương Văn Minh chấm dứt chế độ Cộng Hòa. Tàu American Challenger đổ dân Cha Ái xuống Phú Quốc, trở về Sái Gòn bốc lên những người Mỹ cuối cùng còn sót lại. Mò mẫm trong bóng tối, chúng tôi tìm vào Phú Quốc tạm trú qua đêm. Sáng ra tôi lià bỏ Cha Ái, dẫn gia đình trở lại bến tàu tìm đường đi khác. Bờ biển Phú Quốc nước cạn thoai thoải, chúng tôi phải thuê ghe con chèo ra ghe máy và dùng ghe máy ra biển kiếm tàu.

Rủi thay, ghe con của gia đình tôi bị chìm trước lúc cặp ghe máy. Những người trên ghe máy kịp thời vớt đuợc vợ con. Riêng tôi bồng trai út 13 tháng tuổi bơi ra xa vì sợ vướng víu. Nhưng cũng vì vậy mà không ai thấy, và tự mình chống chỏi với sống nước. Lúc vợ tôi thấy, đẩy người xuống gỡ đứa con ra thì tôi đã ngất xỉu, nhưng lạ thay tôi không bị chìm mà cứ thung dung bập bềnh trên sống nước. Sức vươn lên để cố giữ con tôi còn thừa lại đã chuyên chở thân tôi trên mặt biển cho đến khi, một lần nữa, vợ tôi đẩy người xuống cứu.

Suốt đêm đó, chúng tôi phải mấy lần ra khơi rồi trở vào bến, thất vọng, lại kiên trì ra khơi thêm một lượt, thì được lên chiếc tàu hải quân mang số 505 và trực chỉ Phi Luật Tân. Mười hai ngày trên biển cả, đến trước căn cứ Subic Bay, chúng tôi rơi lệ, chôn khí giới và trực thăng xuống lòng biển, hạ cờ Quốc Gia, cập bến và bước qua chiếc tàu Green Port qua Mỹ. Sau một tháng ở Guam, mười lăm ngày ở Wake Island, một giờ ở Hạ Uy Di và năm tháng ở Fort Chaffee, tôi nhớ chúng tôi chỉ rời nơi đây sau đám người xuất trại có mang tượng Me Lavang.

Hội nhập Bang Kansas ngày 5 tháng 12, 1975. Chấm dứt cuộc hành trình người Do Thái da vàng. Tôi chọn thành phố Manhattan, KS để định cư, xa hẳn những cộng đồng lớn, là có mục đích giáo dục con cái, không phải để kiếm tiền. Tôi làm cu li quét sân nhà hàng chùi sàn lớp học và rửa cầu tiêu cho nhà băng ba năm; vào đại học một năm, bị bịnh phải bỏ cuộc; học trường dinh dưỡng hai năm; điều hành phòng thí nghiệm ngủ cốc cho Viện Đại Học (KSU) hai muơi tám năm.

Phu nhân tôi ra về với Chúa, bỏ lại cho tôi chín con, tám dâu rể, hai mươi sáu cháu, bảy chắt.Vì nghèo cho nên phải rán đi cày cho đến 80 tuổi, phòng thí nghiệm hết tiền đóng cửa, tôi mới chịu về hưu. Tôi không hối tiếc sự lựa chọn có tính cách cũng “trùm chăn” này, nhưng cũng vì thế mà tôi đã tự đặt mình vào vị trí những người Việt Kiều nghèo nhứt nước Mỹ. Lại cũng vì thế mà tôi cách biệt hẳn cộng đồng Đồng Hương và cố nhiên và anh em bạn hữu.

Sau ba mươi năm, hai người bạn quí Lê Văn Ba và Nguyễn Văn Vĩnh mới kiếm được tôi và sau ba mươi hai năm tôi trở về quê cũ, hầu hết đã đổi thay nhưng lòng người còn đó, mà dĩ vãng vẫn khó phai. Nay tôi bỏ chiếc khăn trùm đầu xuống, ngước mắt nhìn lên thì sự nghiệp đã tàn, cuộc đời đương đi vào đoạn cuối.

Gã Trùm Chăn,

Hoàng Xuân Tịnh, AN41 

Tác giả: Hoàng Xuân Tịnh AN 41.

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập564
  • Hôm nay44,842
  • Tháng hiện tại865,501
  • Tổng lượt truy cập56,967,138
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây