Trang chủ

Phần Mở đầu

Con người và Sứ vụ

Với Tòa Thánh Vatican

Với Giáo hội Công giáo Việt Nam

Với Giáo Tỉnh Huế

Với các Tôn giáo bạn

Các Đại Lễ

Các hoạt động khác

Một số bài chia sẻ

 Trong các dịp
Bài giảng lễ Truyền Dầu
Đan Phụ Têphanô Huỳnh Quang Sanh
Kim Khánh LM ĐÔ Trần Văn Hoài
Ngọc Khánh LM cha Phêrô Hoàng Kính
Hội nghị thường niên của 6 ĐCV
Hành hương liên tu sĩ Gp Huế
Khai giảng năm học liên dòng nữ Huế
Chủng sinh ngoại trú Huế
Ngày Ơn gọi tại La Vang năm 2000
Hội Ngộ Cựu Chủng Sinh Gp Huế
Trao chứng chỉ ủy nhiệm sứ vụ GLV
Khai giảng cấp Đại Học
Gặp gỡ giới trẻ Huế và Kontum
Thánh lễ Tân niên Tân Mão
Khai mạc những ngày bác ái xã hội
Ngày Bác ái Xã hội Huế
Ngày Hành hương bệnh nhân-cao tuổi
Thừa Thiên Huế-QT sau lụt 1999
Khánh thành cầu Cây Đa

 Các lễ cầu hồn - an táng

 Với Đại Chủng viện & Dòng tu

THÁNH LỄ TÂN NIÊN – TÂN MÃO 2011

(St 1,14-18 / Pl 4,4-8 / Mt 6,25-34)

Kính thưa cộng đoàn,

Mùa Xuân đã về với những chồi non lộc biếc, với trăm hoa đua nở, vạn vật tươi tắn sởn sơ lại, sau những ngày đông dài mưa lạnh, ướt át co ro.

Ba bài đọc trong Thánh Lễ Minh Niên này đều là Tin Mừng cho ngày đầu năm, đem lại ánh sáng, niềm vui, sự bình an và lòng vững tin vào Chúa quan phòng.

Bài đọc I, Sách Sáng thế thuật lại việc Thiên Chúa tạo dựng mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao để soi chiếu mặt đất, để phân rẽ ánh sáng và bóng tối.

Bài đọc II, thánh Phaolô dạy các tín hữu cộng đồng Philipphê:

Anh chị em hãy vui lên! Sao cho mọi người thấy anh chị em sống hiền hoà, rộng rãi... Anh chị em hãy cầu xin và tạ ơn. Bình an của Thiên Chúa là bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ lòng trí anh chị em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu”.

Bài Phúc Âm, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy phó thác tin tưởng vào Chúa quan phòng:

Hãy xem chim trời: chúng không gieo không gặt, không thu tích vào kho, thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?

Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng: chúng không làm lụng, không kéo sợi, thế mà ngay cả vua Salomon dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy”.

Phải hiểu ý Chúa Giêsu muốn nói gì. Ý tại ngôn ngoại. Tìm hiểu ý ngoài lời nói, lời viết. Đừng hiểu theo nghĩa đen, nghĩa chữ.

Chúa Giêsu không bảo chúng ta đừng gieo vãi, cấy trồng, đừng làm lụng canh cửi, đừng vận dụng trí óc để dự phóng cho tương lai. Ngài không khuyến khích thái độ lười biếng vô lo, vô trách nhiệm. Nhưng Ngài muốn lưu ý chúng ta đừng lo lắng bận tâm thái quá đến đỗi mất bình an trong tâm hồn và dễ gây bất thuận bất hoà trong gia đạo. Lại nữa, lo lắng vật chất thái quá có nguy cơ xao lãng các giá trị tinh thần, các việc đạo đức, việc trau dồi giáo lý...

Điểm nhấn trong bài Tin Mừng là câu này: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”.

Nước Thiên Chúa là gì? Thưa là chính Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta, trong chúng ta với tất cả quyền năng và ân nghĩa. Ngài là người Cha luôn yêu thương, ân cần chăm sóc chúng ta là con cái của Ngài.

Còn đức công chính của Thiên Chúa là sự công chính đến từ Thiên Chúa.

Người công chính là người sống đức tin, sống phù hợp với thánh ý Thiên Chúa, ăn ở, ứng xử sao cho đẹp lòng Chúa.

Vậy, không cần tìm Nước Thiên Chúa đâu cho xa xôi, mà tìm ngay trong lòng mình, trong cuộc sống mình. Tìm Nước Thiên Chúa là tìm chính Thiên Chúa bằng cầu nguyện, ngợi khen, tạ ơn... và bằng cách sống ăn ngay ở lành, yêu thương phục vụ. Thánh Phaolô nói: “Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần. Vậy chúng ta hãy theo đuổi những gì đem lại bình an và những gì xây dựng cho nhau” (Rm 14,17-19).

Tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người: đó là chọn lựa căn bản của người kitô hữu. Còn những điều khác sẽ được ban thêm cho, như những phương tiện để chúng ta thực hiện chọn lựa căn bản đó.

Quy hướng tất cả về Thiên Chúa và sống theo các mối phúc Chúa Giêsu công bố trên núi (Mt 5,3-12).

Thiên Chúa phải chiếm vị trí tuyệt đối trong đời mình. Đừng để những lo toan và các nhu cầu của cuộc sống chi phối tâm trí mình, đến nỗi đánh mất sự bình an và lòng tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha chúng ta.

Bài Đáp ca trong Thánh Lễ Minh Niên trích ở Thánh vịnh 36 dạy rằng:

Cứ tin tưởng vào Chúa và làm điều thiện...
Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn,  
Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng.
Hãy ký thác đường đời cho Chúa,
tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay
”.

Khi dân Israel đang ở trong tình trạng bi đát hoang mang, suy sụp, cảm thấy như bị Thiên Chúa bỏ rơi: đền thờ bị tàn phá, dân chúng bị lưu đày qua Babylon, thì Ngôn sứ Isaia xác quyết với họ lời an ủi của Thiên Chúa rằng: “Có bà mẹ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình mang nặng đẻ đau ư? Cho dù bà mẹ đó có quên con mình đi nữa, thì Ta chẳng quên con bao giờ” (Is 49,15).

Anh chị em thân mến,

Nền kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt, cùng với tốc độ hối hả của công nghiệp hoá, đô thị hoá... hứa hẹn một cuộc sống ấm no hơn, nhưng cũng làm mất dần đi nhiều truyền thống yêu dấu của ngàn xưa, khiến cho mình cảm thấy hụt hẫng, như hồn quê trong lòng mình bị đánh cắp.

Chẳng hạn như nồi bánh chưng, bánh tét nấu trong gia đình vào dịp Tết.

Chiếc bánh ngày xưa mẹ gói có thể không đẹp, không chất lượng bằng bánh chưng, bánh tét mua ở chợ, ở siêu thị bây giờ, nhưng hơn hẳn về mặt tình cảm, khi có dấu ấn cả nhà xúm xít vào đó: chị ngâm nếp, đãi đậu, ba chẻ lạt, mẹ gói bánh, các em nhỏ cũng lăng xăng lau lá, thổi lửa...

Cái cảnh quây quần bên nhau, tíu tít nói cười quanh nồi bánh, bếp lửa trong đêm... đem lại ấm áp, bình yên, hạnh phúc, tràn ngập yêu thương trong gia đình.

Rồi đến giây phút linh thiêng giao thừa, cha mẹ con cái đến trước bàn thờ, sốt sắng đọc kinh dâng mình, xin Chúa chúc lành cho năm mới, tiếp đến là mừng tuổi, cầu chúc nhau những điều tốt đẹp.

Tết là dịp để người ta quên đi những khó khăn, vất vả, nhọc nhằn của đời thường và hướng về năm mới với nhiều hy vọng, nhiều dự phóng cho tương lai.

Người ta cũng rũ bỏ những chuyện buồn, những hiềm khích trong năm cũ, để bước vào năm mới, với tấm lòng quảng đại bao dung, hoà với khí sắc rộng mở của đất trời.

Tết không chỉ là nghỉ ngơi, vui chơi, mà còn bao gồm những cách đối nhân xử thế đúng với đạo lý truyền thống. Người ta tỏ lòng ngưỡng mộ ân phúc của các Đấng trên đầu trên cổ, tỏ lòng hiếu nghĩa đối với các bậc tổ tiên đã khuất, và đối với ông bà, cha mẹ, thân nhân, ân nhân còn sống.

Trong những ngày Tết, đầu làng cuối xóm, ai ai cũng tay bắt mặt mừng, tâm hồn thư thái vui tươi, dành cho nhau những lời cầu chúc quý đẹp nhất, những cử chỉ thân thiện nhất.

Tết còn là sum họp gia đình, chấn chỉnh lại nề nếp gia phong, duy trì lễ giáo, hoàn thiện bản thân mình.

Các giá trị cao đẹp của cái Tết truyền thống dân tộc, kitô hữu chúng ta rất trân trọng gìn giữ và vun đắp. Nhưng chúng ta còn vươn lên cao hơn, xa hơn, vươn đến những chân trời bao la, vươn tới ngọn nguồn là chính Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh, là Chân, Thiện, Mỹ, là nguyên thuỷ và cùng đích của đời sống chúng ta... mà tôn vinh, cảm tạ Thiên Chúa, cầu nguyện cùng Thiên Chúa và tin tưởng phó thác trong tay Chúa quan phòng. 

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, chúng ta về bên Mẹ La Vang, ngày đầu Xuân Tân Mão, để cùng với Mẹ dâng lên Thiên Chúa những tâm tình chúc tụng, ngợi khen, tạ ơn, và dâng lên những ước nguyện tha thiết nhất từ sâu thẳm cõi lòng.

Xin Chúa chúc lành, thánh hoá Năm Mới này, và làm cho những tháng ngày sắp tới của chúng ta được sinh nhiều hoa trái đẹp lòng Chúa và mưu ích cho Giáo Hội.

Lạy Mẹ La Vang, chúng con chiêm ngắm Mẹ là mẫu gương người tín hữu hoàn toàn phó thác tin tưởng vào Chúa quan phòng, dù cuộc sống có những lúc gặp sóng gió thác ghềnh cheo leo.

Xin Mẹ giúp chúng con luôn vững tin và đầy lòng trông cậy, vì có Mẹ luôn đồng hành với chúng con.

Nữ Vương ban sự bình an! Cầu cho chúng con. Amen.