Trang chủ

Phần Mở đầu

Con người và Sứ vụ

Với Tòa Thánh Vatican

Với Giáo hội Công giáo Việt Nam

Với Giáo Tỉnh Huế

Với các Tôn giáo bạn

Các Đại Lễ

Các hoạt động khác

Một số bài chia sẻ

 Trong các dịp
Bài giảng lễ Truyền Dầu
Đan Phụ Têphanô Huỳnh Quang Sanh
Kim Khánh LM ĐÔ Trần Văn Hoài
Ngọc Khánh LM cha Phêrô Hoàng Kính
Hội nghị thường niên của 6 ĐCV
Hành hương liên tu sĩ Gp Huế
Khai giảng năm học liên dòng nữ Huế
Chủng sinh ngoại trú Huế
Ngày Ơn gọi tại La Vang năm 2000
Hội Ngộ Cựu Chủng Sinh Gp Huế
Trao chứng chỉ ủy nhiệm sứ vụ GLV
Khai giảng cấp Đại Học
Gặp gỡ giới trẻ Huế và Kontum
Thánh lễ Tân niên Tân Mão
Khai mạc những ngày bác ái xã hội
Ngày Bác ái Xã hội Huế
Ngày Hành hương bệnh nhân-cao tuổi
Thừa Thiên Huế-QT sau lụt 1999
Khánh thành cầu Cây Đa

 Các lễ cầu hồn - an táng

 Với Đại Chủng viện & Dòng tu

NGÀY HÀNH HƯƠNG CỦA CÁC BỆNH NHÂN CAO TUỔI

(La Vang - 07.05.2000)

Dẫn lễ

1. Hôm nay là ngày hành hương đặc biệt đầy ý nghĩa. Ngày hành hương dành cho các bệnh nhân, khuyết tật, các người cao tuổi.

2. Các anh chị em thân yêu ấy đang được các bác sĩ, các nhân viên y tế tháp tùng chăm sóc cũng như các thân nhân bạn bè cùng vây quanh thương yêu đùm bọc giúp đỡ.

3. Ai nấy đều cảm thấy được hòa nhập vào cộng đoàn Đại gia đình con cái Chúa và Đức Mẹ, không ai bị bỏ rơi bị sống bên lề cộng đoàn.

4. Thánh Phaolô: “Anh em hãy dâng thân mình anh em làm của lễ sống động, đẹp lòng Chúa”.

Lời ấy đang ứng nghiệm sâu xa nơi đây.

Xin dâng lên Thiên Chúa những đau đớn phần xác và những đau khổ phần hồn hiệp với hy tế thập giá của Chúa Giêsu đang tái diễn trên bàn thờ này.

a. Khi đau yếu, người ta dễ co rút lại, đóng kín lại, chỉ thấy nỗi đau của mình, không thấy gì khác.

Vậy cần phương thuốc quan trọng cho bệnh nhân: là mở lòng ra với người khác, với những bệnh nhân khác.

b. Có 3 thập giá trên đồi Calvariô: 3 thái độ trước đau khổ:

-        phản kháng (trộm dữ).

-        chấp nhận vì tội mình (trộm lành).

-        đón nhận với tất cả yêu thương (Chúa Giêsu), đền tội cho nhân loại.

c. Nhà báo hỏi Mẹ Têrêxa Calcutta:

-        Chúng ta phải làm gì để thay đổi xã hội, thế giới?

-        Chính anh và tôi phải thay đổi trước (hoán cải).

Giảng lễ

1.       Hãy đưa vào đau khổ một tình yêu như Chúa Giêsu trên thập giá chịu khổ vì yêu thương Chúa Cha và loài người.

Thánh Augustinô nói rằng: “Ở đâu có tình yêu thì ở đó không có cực nhọc, mà nếu có cực nhọc thì cực nhọc cũng trở thành đáng yêu”.

Tình yêu có khả năng kỳ diệu là biến hóa tất cả vui buồn, thành bại, đau thương trở thành những hạt ngọc vô giá cho cuộc sống.

Nếu chỉ có thập giá mà thôi, một thanh ngang một thanh dọc chéo nhau mà thôi thì thật là bất nhân, ngang trái, không thể chịu được.

Nhưng khi trên thập giá có Chúa Giêsu nằm đó thì những ngang trái, đau thương của chúng ta sẽ thấm đượm yêu thương, sinh nhiều hoa trái.

2.       Hãy đưa vào đau khổ một ý nghĩa.

Người bị bệnh tật, đau yếu, già cả, suy kiệt mà xác tín rằng những giới hạn ấy của thân phận con người đều có ý nghĩa, có giá trị thì sẽ đón nhận một cách tích cực, thanh thản, bình an.

Trong cuốn sách “Man’s Search for meaning” (con người tìm ý nghĩa cho cuộc đời mình), nhà phân tâm học Victor Frankl nhận xét rằng rất nhiều tù binh chiến tranh đã bị suy sụp tinh thần thảm bại trong các trại tập trung của Đức quốc xã vào thế chiến thứ hai, nhưng có một số người vẫn giữ vững tinh thần.

Ông khám phá ra rằng những người giữ vững được tinh thần là những tù nhân tin rằng đời sống và đau khổ của họ có một ý nghĩa cao cả cho Tổ quốc, cho gia đình, và ông kết luận rằng niềm tin đã cho các tù nhân có nghị lực và sức mạnh tinh thần đáng kể.


Thăm bệnh nhân HIV

Người Kitô hữu tìm thấy trong đau khổ nhiều ý nghĩa lớn lao. Chúa dùng những đau khổ để thanh luyện chúng ta, thánh hóa chúng ta, đào luyện chúng ta về nhiều mặt: như kiên nhẫn, thông cảm, bác ái, quảng đại, bao dung.

3.       Hãy đưa vào đau khổ một giá trị cứu độ.

Đây là ý nghĩa cao quý nhất của đau khổ. Khi chịu đau khổ trong thân xác hoặc trong tinh thần là mình được kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu hấp hối trong vườn Cây Dầu và trên thánh giá.

Và như thế là được góp phần nhỏ mọn của mình vào công trình cứu chuộc của Chúa Giêsu. Biến đau thương thành giá cứu chuộc mình và anh em mình.


Thăm bệnh nhân HIV

Những đau thương khắc vào da thịt chúng ta dung mạo nhàu nát của Chúa Giêsu chịu khổ nạn. Như thánh Phaolô chứng nghiệm:

-        Tôi mang trong thân xác tôi những thương tích của Chúa Giêsu” (Gl. 6,17).

-        Chúng tôi luôn mang trong mình sự thương khó của Chúa Giêsu” (2Cr 4,20).

-        Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24).

Anh chị em bệnh nhân, già yếu thân mến,

Xin anh chị em đừng có mặc cảm cho mình là người vô dụng, hoặc cảm thấy mình trở nên gánh nặng cho gia đình và những người xung quanh.


Thăm bệnh nhân HIV

Thánh Phaolô chia sẻ cảm nghiệm của bản thân ngài, có lẽ ngài mắc phải một cơn bệnh nan y chăng? Ngài nói: “Thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến để vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại. Đã ba lần tôi xin Chúa cho tôi thoát khỏi nỗi khổ này, nhưng Người quả quyết với tôi rằng: ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối. Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12,7-10).

Anh chị em là kho tàng quý báu của Giáo Hội, nhờ anh chị em biết thánh hóa những đau khổ của mình, để mưu ích cho Giáo Hội và cho nhiều người. Như vậy những đau khổ của anh chị em mang tính tông đồ và có sức mạnh truyền giáo khôn lường.

Vì thế Giáo Hội rất quý trọng và thương yêu anh chị em, coi anh chị em là những ân nhân, là những phần tử cần thiết cho sự sống còn của Giáo Hội.


Thăm bệnh nhân HIV

Chúa Giêsu không giải thích, không tranh luận về những đau khổ của con người, nhưng Ngài đã mang vào thân mình tất cả những thống khổ của loài người, và lãnh nhận cái chết tất tưởi (tất bạt) trên thánh giá, để đem lại sự sống mới vĩnh cửu cho con người.

Ngài đã chết, đã sống lại, và đang sống giữa chúng ta, thi ân giáng phúc cho chúng ta.

Cũng như ngày trước tại thánh địa Palestina, ngày nay Ngài vẫn dành một chỗ ưu tiên trong trái tim mình cho những ai đang phải vất vả trong đau yếu, tật nguyền, già nua, neo đơn.

Ngài vẫn tiếp tục sứ mạng mà Ngài đã loan báo trong hội đường Do Thái:

Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó.

Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,16-22).

Trong Thánh Lễ này, Chúa Giêsu đang kêu mời chúng ta:

Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 12,28-30).

Anh chị em thân mến,

Chúng ta đã có 4 sách Phúc Âm, 4 Tin Mừng. Nhưng mỗi người còn phải có cuốn Tin Mừng thứ 5 nữa: đó chính là cuộc sống của mỗi người chúng ta. Phải làm cho cuộc sống mình trở thành Tin Mừng.

Vậy hãy biến đổi tất cả những niềm vui, nỗi khổ, những bệnh tật, đau thương, và tuổi tác... của chúng ta trở thành Tin Mừng cứu độ.

Điều đó ở trong tầm tay mỗi người, ai cũng có thể làm được, miễn là biết kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu tử nạn phục sinh.

Chúng ta hãy nhìn lên Đức Mẹ, chiêm ngưỡng Mẹ là con người của Tin Mừng, và hãy học nơi Mẹ bí quyết biến đổi những đau thương trở nên Tin Mừng cho mình, cho người và cho đời.

Mẹ đã tham dự vào hành vi cứu thế của Chúa Giêsu, bằng cách thưa lại lời “xin vâng” thật bi hùng và ảo não dưới chân thánh giá, đón nhận lưỡi gươm thâu suốt lòng mình, khi cảm nghe xuyên vào da thịt, vào tận đáy lòng tất cả những đau thương, nhức nhối, nhục nhã, và cực hình đang xâu xé Chúa Giêsu trên thánh giá.

Chính nhờ đó mà Mẹ đã được hiệp công cứu chuộc với Chúa Giêsu và trở nên Mẹ thiêng liêng của chúng ta.

Hôm nay chúng ta hành hương về bên Mẹ La Vang, Mẹ phù hộ các giáo hữu. Chúng ta luôn yêu mến, cậy trông, tin tưởng chạy đến cùng Mẹ La Vang. Mẹ đã hứa với tổ tiên cùng con cháu rằng: “Các con hãy tin tưởng, cam lòng chịu khổ. Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn này, Mẹ sẽ nhậm lời ban ơn theo ý nguyện”.


Thăm bệnh nhân HIV

-        Đức Bà an ủi kẻ âu lo. Cầu cho chúng con!

-        Đức Bà cứu kẻ liệt kẻ khốn. Cầu cho chúng con! Amen.