Trang chủ

Phần Mở đầu

Con người và Sứ vụ
Từ thời niên thiếu đến sứ vụ TGM
Nhạc phẩm Chuyến Đò Dọc

Với Tòa Thánh Vatican

Với Giáo hội Công giáo Việt Nam

Với Giáo Tỉnh Huế

Với các Tôn giáo bạn

Các Đại Lễ

Các hoạt động khác

Một số bài chia sẻ

ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC
TÊPHANÔ NGUYỄN NHƯ THỂ

1935: Chào đời.

Đức Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể sinh ngày 01 tháng 12 năm 1935 tại Giáo xứ Cây Đa, xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Vào thời Văn Thân thảm sát các tín hữu Công giáo, Cây Đa là vùng đất lánh nạn của các Kitô hữu. Thời ấy, giáo dân từ nhiều nơi trong hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị đã tìm đến Cây Đa để tránh các cuộc bắt đạo. Trong hoàn cảnh ấy, năm 1883, cụ bà Isave đem hai người con, một trai một gái, nhập đoàn với nhiều giáo dân từ xứ Nho Lâm, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế rời quê lánh nạn và đã đến xứ Cây Đa. Người con trai của bà cụ Isave là Phaolô Nguyễn Như Lập, Ông nội của Đức Tổng Têphanô.

Nhà thờ Cây Da (1972 - 2005)

Các Kitô hữu, dù ở đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào, luôn xem trọng đời sống đức tin trong gia đình cũng như cộng đoàn. Nhờ số giáo dân ở các nơi trốn tránh những cuộc bắt đạo tụ họp về, Cộng đoàn Cây Đa trở nên đông số và sinh động hơn. Khi tình hình đã tạm yên ổn, giáo dân ở đây hiệp lòng hiệp ý, chung tay góp sức dựng lên ngôi Nhà nguyện để có nơi thờ phượng, cử hành Thánh lễ và lãnh nhận các bí tích. Thời ấy, Cây Đa thuộc về Giáo sở Kẻ Văn do Cố Quý, Cố Diệm coi sóc.

Tại Cây Đa, ông Phaolô Nguyễn Như Lập kết hôn với bà Anna Trần Thị Long. Với lòng nhiệt tâm với các sinh hoạt của cộng đoàn Công giáo tại đây, ông được nhiều người quý mến. Ông làm chức Câu, đứng đầu Ban Chức việc. Hai ông bà sinh được 7 người con: 5 trai, 2 gái. Trong số các con của ông bà, có hai người con trai được nhắc đến nhiều nhất, đó là linh mục Philipphê Nguyễn Như Danh và người anh là ông Phaolô Nguyễn Như Thành (1901 – 07.02.1978), thân phụ Đức Tổng Têphanô.

Ông Phaolô Nguyễn Như Thành có đời sống đạo đức gương mẫu. Tiếp nối bước chân của cha ông, ông Phaolô tích cực góp sức xây dựng đời sống cộng đoàn Giáo xứ Cây Đa. Ông đã phục vụ cộng đoàn tại đây từ chức Giáp, rồi chức Biện, sau đó là chức Câu, đứng đầu Ban Chức việc. Ông Phaolô Nguyễn Như Thành lập gia đình với bà Catarina Nguyễn Thị Nhạn (1904 – 15-02-1974). Hai ông bà sinh được 7 người con: 3 trai, 4 gái. Cũng như bao gia đình công giáo đạo đức khác, ông bà ước ao dâng các con cho Thiên Chúa, ngày đêm cầu nguyện, hướng dẫn và khích lệ các con đi theo đời sống ơn gọi tận hiến. Cây lành thì sẽ sinh quả tốt. Trong số các con của ông bà, Chúa đã thương chọn 3 người vào đời sống tận hiến: Đức Tổng Giám Mục Têphanô, chị Nguyễn Thị Tùy, nữ tu Dòng Mến Thánh Giá; và chị Nguyễn Thị Thuyết, nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân Huế.

Từ nhỏ đã được hấp thụ bầu khí đạo đức của gia đình công giáo, lại có người Chú ruột là linh mục Philipphê Nguyễn Như Danh (1905-1980) và người Cậu ruột là linh mục Đôminicô Nguyễn Văn Trân (1892-1964) không ngừng khích lệ và nâng đỡ, Đức Tổng Têphanô đã sớm có ý muốn dâng mình cho Chúa. Thời điểm đánh dấu sự khởi đầu hành trình ơn gọi của ngài là lúc ngài lên 12 tuổi.

1947: Tiểu Chủng viện.

Tháng 07/1947, ngài từ giã gia đình để vào tu học tại Tiểu Chủng viện An Ninh.

Các Tiểu Chủng sinh lúc bấy giờ được thụ huấn với hai vị Bề trên đạo đức, đó là linh mục Anrê Bùi Quang Tịch (làm Bề trên từ 1945 đến 1953) và linh mục Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền (làm Bề trên Tiểu Chủng viện Phú Xuân – Huế từ 1953 đến 1955, về sau làm Giám Mục GP. Sài Gòn, rồi Giám Mục tiên khởi Giáo Phận Đà Lạt).

LM. Anrê Bùi Quang Tịch(27.06.1895 – 10.01.1977)

Cha Bề Trên Anrê Bùi Quang Tịch là mẫu gương của người linh mục. Ngài sống đơn sơ, nghèo khó và đạo đức. Sự khôn ngoan và gương đời sống đạo đức của ngài đã ảnh hưởng rất tích cực đến nhiều thế hệ linh mục Huế là học trò của ngài. Ngài thật xứng đáng khi được Tổng Giáo Phận Huế chọn làm mẫu gương trong Năm Thánh Linh Mục.

Đức Giám Mục Simon Hoà
Nguyễn Văn Hiền
(24.03.1906 – 05.09.1973)

Đức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền là vị Bề Trên khôn ngoan và là người Cha Hiền, đúng như tên gọi của ngài.

Được sự hướng dẫn của hai vị Bề trên danh tiếng này, lại vốn hiếu học, chủng sinh Têphanô vững bước trên đường tu học để trở thành linh mục.

Trong ký ức của nhiều anh em bạn bè cùng thời ở Tiểu Chủng viện An Ninh, ngài là một chủng sinh gương mẫu trong đời sống đạo đức, và có một đời sống nội tâm sâu sắc, đạt được thành tích cao trong học tập, tích cực tham gia các hoạt động cộng đoàn, cư xử ôn hòa và đượm tình bác ái, được quý cha và anh em cùng trang lứa yêu mến.

1955: Đại Chủng viện.

Sau khi đã tốt nghiệp văn bằng tú tài toàn phần ban Triết theo chương trình Pháp, chủng sinh Têphanô được nhập học Đại Chủng viện vào tháng 08/1955. Thời gian này, Đại Chủng viện Phú Xuân Huế dành cơ sở cho các chủng sinh từ Tiểu Chủng viện An Ninh di tản vào để tránh những tổn thất đáng tiếc có thể xảy ra do chiến tranh, nên các Đại chủng sinh thuộc Đại Chủng viện Phú Xuân Huế được gửi vào học tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, rồi sau đó chuyển sang học ở Đại Chủng viện Xuân Bích Thị Nghè. Vậy là thầy Têphanô cùng anh em bạn bè lên đường vào Sài Gòn tu học, mang theo mơ ước đời dâng hiến, mong ngày quay về phục vụ Giáo Hội trên đất Huế thân yêu.

Hành trình ơn gọi của thầy Têphanô tiến tới bằng những bước thật vững chắc với những thành tích xuất sắc trong học tập cũng như trong các hoạt động cộng đoàn. Các thế hệ linh mục chịu chức trước năm 1975 hẳn còn nhớ những kỷ niệm trong thời chủng sinh.


Đại Chủng viện Sài Gòn (1958)

Thời trước và những năm liền sau công đồng Vatican II, các ứng viên chức thánh linh mục được lãnh nhận các chức nhỏ, đó là những chặng đường đánh dấu sự tiến lên của người chủng sinh trên hành trình theo Chúa tiến đến chức linh mục. Các chức nhỏ này không còn nữa kể từ năm 1972, khi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ban hành Tự sắc Ministeria quaedam vào ngày 15-08-1972 bãi bỏ các chức nhỏ, chỉ giữ lại chức đọc sách và giúp lễ, nhưng gọi là thừa tác vụ. Trong khoảng thời gian từ năm 1958 đến 1961, thầy Têphanô được lãnh nhận các chức nhỏ, tuần tự theo thời gian:

Chức Một: ngày 20-09-1958 tại Đan viện Thiên An.

Chức Hai: ngày 24-01-1959 tại La Vang.

Chức Ba và chức Bốn: cùng ngày 13-03-1960 tại Sài Gòn.

Chức Năm: ngày 27-05-1961 tại Phủ Cam.

Hôm sau ngày lãnh nhận chức Năm, ngày 28-05-1961, thầy Têphanô lãnh chức Phó tế cũng tại nhà thờ chính tòa Phủ Cam.

1962: Thụ phong Linh mục.

Hơn bảy tháng sau, ngày 06-01-1962, tại Vương cung Thánh đường Đức Mẹ La Vang, thầy Phó tế Têphanô Nguyễn Như Thể chịu chức linh mục do Đức Cha Urrutia Thi.

Trước năm 1962 đã từng có các Thánh lễ phong chức linh mục được cử hành tại La Vang. Nhưng lần phong chức linh mục vào ngày 06-01-1962 này có một ý nghĩa đặc biệt không chỉ cho Tân Linh mục Têphanô, mà còn cho cả Trung tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang nữa, vì đây là lần phong chức linh mục đầu tiên tại La Vang kể từ ngày đền thờ Đức Mẹ La Vang được nâng lên bậc Tiểu Vương Cung Thánh Đường vào ngày 22-08-1961 do Tông thư Magno Nos của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII.

Tân linh mục Têphanô bắt đầu đời linh mục của mình với giáo vụ làm cha Phó Giáo xứ Thạch Hãn.

Cha Philipphê Nguyễn Như Danh

Thời gian ngài làm cha Phó ở Thạch Hãn không lâu, chỉ tròn 6 tháng, từ 01-02-1962 đến 01-08-1962, phụ tá cho cha Philipphê Nguyễn Như Danh (1953-1968) là linh mục Quản xứ cũng là Chú ruột của ngài. Lúc bấy giờ Thạch Hãn còn là một trong những Giáo xứ đông số giáo dân của vùng Quảng Trị. Mười năm sau đó, khi chiến tranh xảy ra ác liệt trên vùng đất Quảng Trị, nhà thờ Thạch Hãn bị bom đạn làm hư hại, giáo dân tan tác mỗi người mỗi phương tìm nơi ẩn tránh mưa bom bão đạn. Từ sau năm 1975, một số giáo dân quay về quê cha đất tổ, thế là Giáo xứ Thạch Hãn dần dần khởi sắc trở lại cho đến nay.

Như vậy, Đức Tổng Têphanô Nguyễn Như Thể là người đã gắn bó với Tiểu Chủng viện này ngay từ khi thành lập. Trừ khoảng thời gian tu nghiệp tại Pháp (10/1968 – 08/1970), ngài đã làm việc toàn tâm toàn ý ở Tiểu Chủng viện này trong vai trò của một giáo sư (01.08.1962 – 07.1968; 08.1970 – 07.1972), rồi trong cương vị Giám đốc (08.1972 – 04.1975).

1962: Giáo sư Tiểu Chủng viện.

Ngày 01-08-1962, linh mục Têphanô được bổ nhiệm làm giáo sư Tiểu Chủng viện Hoan Thiện, và ngài đã gắn bó trực tiếp với công việc đào tạo ơn gọi linh mục tại Tiểu Chủng viện này cho đến khi được tấn phong làm Tổng Giám Mục Phó (07-09-1975) với quyền kế vị của Tổng Giáo Phận Huế.


Giám đốc Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện (8/1972 - 4/1975)

LM. PX. Nguyễn Văn Thuận
GĐ. TCV Hoan Thiện (1962-1967)

Nhắc lại một chi tiết lịch sử: Trong hoàn cảnh chiến tranh diễn ra ngày càng ác liệt ở vùng đất Quảng Trị, vì sự an toàn cho các linh mục và chủng sinh, Tiểu Chủng viện An Ninh phải giải tán và di tản vào Huế vào năm 1953. Trong mọi hoàn cảnh, thuận tiện hay không thuận tiện, ưu tư hàng đầu của Giáo Phận vẫn là công việc đào tạo ơn gọi linh mục cho tương lai của Giáo Phận. Sau một thời gian chuẩn bị, Tiểu Chủng viện Hoan Thiện đã khai giảng khóa đầu tiên vào năm 1962, linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận được cử làm Giám đốc (Năm 1967, ngài được tấn phong Giám Mục Giáo Phận Nha Trang, về sau được vinh thăng Hồng Y vào ngày 22-01-2001), và linh mục Têphanô là một giáo sư trẻ đầy triển vọng.

Các thế hệ chủng sinh Tiểu Chủng viện Hoan Thiện thời ngài làm giáo sư và Giám đốc vẫn thường nhắc đến ngài trong hình ảnh của một vị giáo sư khôn ngoan và tài đức, một vị Giám đốc trầm tĩnh, sâu sắc và kiên nhẫn để đào tạo các linh mục tương lai của Giáo Phận.

Không thế hệ học trò nào của ngài có thể quên vị Thầy hiền hòa pha lẫn chút nghiêm nghị trong tính cách và luôn luôn hết lòng tận tụy vì học trò của mình.


TIỂU CHỦNG VIỆN HOAN THIỆN THẬP NIÊN 1960-1970

Tháng 06 năm 1975, ngài được bổ nhiệm làm Quản xứ Giáo xứ Phanxicô, thay cho cha Philipphê Nguyễn Như Danh là chú ruột của ngài về làm Quản xứ Giáo xứ Nam Phổ.

1975: Tổng Giám Mục Phó.

3 tháng sau, công việc Quản xứ chỉ vừa mới ổn định thì ngài được Tòa Thánh tuyển chọn và bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Phó, Hiệu tòa Tipasa, với quyền kế vị Đức Tổng Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Điền. Thánh lễ Tấn phong Giám Mục được cử hành ngày 07-09-1975 tại nhà thờ chính tòa Phủ Cam, do Đức Tổng Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Điền chủ phong, với hai Đức Giám Mục Phêrô Phạm Ngọc Chi và Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách phụ phong.

Phủ Cam, ngày 07-09-1975

Từ năm 1975 là thời điểm có ý nghĩa quan trọng đối với đất nước Việt Nam nói chung và với Giáo Hội Việt Nam nói riêng. Tổng Giáo Phận Huế đối diện với vô vàn khó khăn trong giai đoạn mới. Suốt 8 năm, vị Tổng Giám Mục Phó sát vai đồng lòng với Đức Tổng Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Điền để điều khiển con thuyền Giáo Phận trong hoàn cảnh tế nhị và đầy thách đố... Thế rồi vì lý do sức khoẻ, Đức Tổng Têphanô đã đệ đơn xin từ chức Tổng Giám Mục Phó, và Tòa Thánh đã chấp thuận đơn xin của ngài. Tất cả đều là hồng ân và nằm trong chương trình quan phòng của Thiên Chúa.

10 năm nghỉ dưỡng và không thi hành nhiệm vụ Giám Mục của Đức Tổng Têphanô (1984-1994) có thể được xem là thời gian Thiên Chúa quan phòng chuẩn bị cho Đức Tổng Têphanô đảm nhận những trách nhiệm khác trong Giáo Hội.

1992: Thành viên Hội đồng Toà Thánh Đối thoại Liên tôn.

Ngày 14-02-1992, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm Đức Tổng Têphanô làm thành viên của “Hội đồng Tòa Thánh Đối thoại Liên tôn” với hai nhiệm kỳ 10 năm. Đây là một sự kiện quan trọng đánh dấu sự quan tâm và kỳ vọng mà Tòa Thánh đặt vào vị Giám Mục này. Đức Tổng Têphanô vâng lời tiếp nhận nhiệm vụ mới. Với sứ vụ đặc biệt này, Đức Tổng Têphanô là vị Giám Mục đầu tiên của Việt Nam được bổ nhiệm làm Thành viên ở một cơ quan Trung ương của Tòa Thánh. Cuối năm ấy, ngài lên đường sang Rôma dự khóa họp của Hội đồng Tòa Thánh Đối thoại Liên tôn diễn ra từ ngày 09 đến 13-11-1992.


Vatican, 09-11-1992: Khai mạc Hội Nghị Đối thoại Liên tôn

1994: Giám Quản Tông Toà.

Hai năm sau, vào ngày 23-04-1994, Đức Tổng Têphanô được Tòa Thánh bổ nhiệm là Giám Quản Tông Tòa Giáo Phận Huế. Thánh lễ Nhậm chức được cử hành long trọng tại nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam vào ngày 12-05-1994 trong niềm hân hoan của toàn thể con cái Giáo Phận. Cùng đồng tế Thánh lễ có ĐGM. Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách (Đà Nẵng), ĐGM. Alexis Phạm Văn Lộc (Kontum), ĐGM. Phêrô Trần Xuân Hạp (Vinh) và ĐGM. Phaolô Cao Đình Thuyên (Vinh) và với hơn 80 linh mục trong và ngoài Giáo Phận.

Sau Thánh lễ Nhậm chức 12.5.1994

Như vậy, Đức Tổng Têphanô là vị Giám Quản thứ ba kể từ ngày Đức Tổng Giám Mục Philipphê qua đời (08-06-1988): Trong thời gian 6 năm (1988-1994), Giáo Phận Huế được đặt dưới quyền Giám Quản của Đức Hồng Y Giuse Trịnh Văn Căn, Tổng Giám Mục Hà Nội (1988-1990). Sau khi Đức Hồng Y Giuse qua đời (18.05.1990), linh mục Giacôbê Lê Văn Mẫn Giám Quản Giáo Phận (1990-1994).

Chủng viện là con ngươi của Giáo Phận, là mối quan tâm hàng đầu của vị chủ chăn Giáo Phận. Ngay sau khi nhậm chức Giám Quản Tông Tòa, Đức Tổng Têphanô bắt tay vào sứ mạng của người hướng dẫn đời sống Giáo Phận, mà công việc hàng đầu là lo sao cho Đại Chủng viện Huế hoạt động trở lại. Đây là một công việc không đơn giản chút nào, nhưng sự kiên trì của vị chủ chăn có nhiều kinh nghiệm trong lãnh vực đào tạo linh mục đã mang lại thành công. Ngài mời các linh mục Hội Linh Mục Xuân Bích về đảm nhận công việc tại Đại Chủng viện Huế, để đào tạo linh mục cho ba Giáo Phận: Huế, Đà Nẵng và Kontum. Tháng 11/1994, sau thời gian dài 20 năm không chiêu sinh thêm khóa mới nào, Đại Chủng viện Huế khai giảng khóa đầu tiên với 40 chủng sinh thuộc hai Giáo Phận Huế và Đà Nẵng. Các chủng sinh thuộc Giáo Phận Komtum phải đến khóa thứ hai, tức hai năm sau đó, mới nhập học tại Đại Chủng viện Huế này.


Ban Giám đốc ĐCV Huế (1994)

Song song với việc xúc tiến mọi công tác chuẩn bị cho Đại Chủng viện hoạt động trở lại, ngài lo toan cho có thêm nhiều thợ gặt trong cánh đồng truyền giáo của Giáo Phận nhà. Tấm lòng của vị chủ chăn ngày đêm thao thức cho tương lai của Giáo Phận, khi từ năm 1976 đến lúc bấy giờ không có thêm lần phong chức linh mục nào, đã được đền đáp. Những ưu tư lo lắng của ngài hòa nhịp với lời cầu nguyện của toàn thể Giáo Phận đã tìm thấy niềm vui với lễ phong chức 5 linh mục vào ngày 01-09-1994. Niềm vui vỡ òa trong tâm hồn mỗi người con cái của Giáo Phận. Đã quá lâu rồi, không có những Thánh lễ như thế. Giáo dân từ khắp các nơi gần xa của Giáo Phận trẩy hội về Phủ Cam dự lễ. Đối với Giáo Phận Huế, Thánh lễ này là dấu chỉ báo hiệu sự hồi sinh và tăng trưởng.

Sau Thánh lễ Truyền Chức linh mục, Đức Tổng sang Rôma dự phiên họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới (từ ngày 02 đến 29 tháng 10 năm 1994) với chủ đề: “Đời sống Thánh hiến và vai trò của nó trong Giáo Hội và trong thế giới”.

Tại phiên họp ngày 07-10-1994, Đức Tổng đã có một bài phát biểu trước Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và các Nghị Phụ. Hơn một năm sau, ngày 25-03-1996, Đức Gioan Phaolô II công bố Tông huấn Vita Consecrata (Đời sống Thánh hiến).


Phát biểu tại THĐGMTG (07-10-1994)

Ngày 02-02-1996, lại thêm một mùa gặt của Giáo Phận. Đức Tổng Têphanô chủ sự Thánh lễ và đặt tay truyền chức linh mục cho 7 thầy. Vậy là 12 thầy có thâm niên đời sống Chủng viện đều được lãnh nhận hồng ân chức thánh linh mục qua sự đặt tay truyền chức của Đức Tổng Têphanô, mở đường cho những lần phong chức tiếp về sau. Tính từ năm 1994 đến nay (01/2012) Giáo Phận có 15 cuộc lễ truyền chức linh mục, với tổng số 100 linh mục triều và dòng. Tất cả đều do chính Đức Tổng truyền chức.

Đại Chủng viện hoạt động trở lại, 12 linh mục được phong chức trong thời gian chưa tròn 2 năm, và nhiều sinh hoạt khác của Giáo Phận hồi sinh là dấu hiệu tiên báo một giai đoạn mới đầy sức sống của Giáo Phận Huế dưới sự hướng dẫn của vị Giám Mục khôn ngoan và kiên trì vì lợi ích của Giáo Hội tại địa phương này.


Họp 6 Đại Chủng viện toàn quốc tại Huế

Kinh nghiệm của ngài trong lãnh vực đào tạo linh mục giờ đây không chỉ áp dụng cho Tổng Giáo Phận Huế, mà còn được chia sẻ cho cả Giáo Hội Việt Nam. Đức Tổng Têphanô được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tín nhiệm giao trọng trách Chủ tịch Ủy ban về Giáo sĩ và Chủng sinh. Ngài bắt tay ngay vào công việc tổ chức Hội nghị 6 Đại Chủng viện lúc bấy giờ của Giáo Hội Việt Nam, là Đại Chủng viện Hà Nội, Vinh Thanh, Huế, Nha Trang, Sài Gòn và Cần Thơ. Hội nghị thường niên được diễn ra khi tại Huế, khi tại Cần Thơ, và đã đem lại nhiều kết quả.

Cũng năm 1994, ngài đã khai sinh Học viện Liên Dòng nữ, để các Nữ tu Kinh viện của 3 Dòng Mến Thánh Giá, Con Đức Mẹ Vô Nhiễm và Con Đức Mẹ Đi Viếng dự học thần học tại Giáo Phận nhà.

1998: Tổng Giám Mục.


Phủ Cam 09-4-1998

Niềm vui lớn đến với Tổng Giáo Phận Huế khi vào ngày 09-03-1998, Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc công bố Tông sắc do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ấn ký ngày 01-03-1998 bổ nhiệm Đức Giám Quản Tông Toà Têphanô làm Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Huế. Tông sắc nói lên sự quan tâm đặc biệt của vị chủ chăn Giáo Hội toàn cầu đối với Giáo Phận Huế. Trong Tông sắc bổ nhiệm này, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết:

Thân gửi lời chào và phép lành Tòa Thánh đến hiền đệ đáng kính Têphanô Nguyễn Như Thể, Giám Mục hiệu tòa Tipasa, xứ Mauritania và Giám Quản Tông Tòa Tổng Giáo Phận Huế - thừa lệnh Tòa Thánh trong khi trống tòa – đã được nâng lên chức vụ Tổng Giám Mục Huế.

Lòng ưu ái đặc biệt mà Tôi dành ngay từ lúc ban đầu cho dân tộc Việt Nam thân yêu ngày nay lại càng thôi thúc Tôi quan tâm đến Giáo đoàn Huế của đất nước này… Tôi không ngần ngại thể theo ý kiến của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc mà vui lòng chấp nhận và lấy Tông quyền của Tôi mà đặt hiền đệ từ nay chính thức làm Tổng Giám Mục Huế, đồng thời ban cho hiền đệ mọi đặc quyền theo luật định, kèm theo những phận sự và công tác mà giáo luật liên kết với chức vụ của một vị bản quyền Tổng Giám Mục…”


Nghi thức thần phục (09-4-1998)

Một tháng sau ngày văn thư bổ nhiệm được công bố, ngày 09.04.1998, ngày Thứ Năm Tuần Thánh, nhà thờ chính tòa Phủ Cam là nơi quy tụ đông đủ các linh mục, nhiều tu sĩ nam nữ và giáo dân trong Giáo Phận hội về tham dự Thánh lễ Truyền Dầu và nghi lễ nhậm chức Tổng Giám Mục Huế của Đức Giám Quản Têphanô. Từ nay, Đức Tổng Têphanô là vị chủ chăn chính thức với trọn vẹn năng quyền theo luật định của một Tổng Giám Mục. [1]

Trong cương vị Tổng Giám Mục Huế, ngài tiếp tục đẩy mạnh các chương trình xây dựng và phát triển đời sống của Giáo Phận nhà. Công việc trước tiên là chỉ còn 4 tháng nữa, sẽ là Đại lễ kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang.

200 năm trước, Đức Mẹ đã hiện đến che chở hộ phù đoàn con cái của Mẹ đang sợ hãi khi đối diện với các cuộc bắt đạo. Từ ấy La Vang trở nên Linh địa hành hương của các tín hữu công giáo xa gần, cũng là nơi bao người lương dân tìm đến khi lòng trĩu nặng những lo toan, hoặc gặp cảnh đời éo le, nghiệt ngã..., mong ước được Mẹ đỡ nâng. 200 năm dài, La Vang chứng thực điều này, là “Từ ấy gót chân Mẹ bước đến, vẫn mãi đầy ơn thiêng, ơn phần hồn, ơn phần xác, người bệnh tật, kẻ ưu phiền, nào ai cầu khẩn mà Mẹ không nhậm lời”. (Trích lời “Kinh Thánh Mẫu La Vang”, của TGM. Têphanô Nguyễn Như Thể, Giám Quản Tông Toà Huế, công bố ngày 08-12-1997).

Đại lễ kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang còn có một biến cố đáng nhớ. Đó là ngày Đức Tổng Têphanô được vinh dự lãnh nhận dây Pallium Tổng Giám Mục.

Trong bức thư Đức Hồng Y Tomko, Tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc gửi cho Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng ngày 30-06-1998 có đoạn viết: “Tôi vui mừng gửi đến ngài dây Pallium mà Đức Thánh Cha đã có nhã ý ban cho Đức Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể, tân Tổng Giám Mục Giáo tỉnh Huế.

Vì Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Như Thể không đến được Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô hôm 29 tháng 06 vừa qua để đích thân lãnh nhận biểu hiệu quyền bính của một vị Tổng Giám Mục hiệp thông với Giáo Hội Rôma quyền bính mà theo giáo luật (khoản 437, tiết 1), ngài có được trong Giáo tỉnh mình, nên tôi hết lòng cám ơn Đức Hồng Y, kính xin ngài đại diện Đức Thánh Cha trao dây Pallium này cho Đức Tổng Giám Mục Huế trong một nghi lễ phụng vụ công khai và long trọng.”

Chiều ngày thứ bảy 14-08-1998, Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng đến La Vang chủ tọa Đại hội Hành hương kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, và trong nghi thức trao dây Pallium, Đức Hồng Y tuyên đọc:

Để tôn vinh Thiên Chúa toàn năng và ngợi khen Đức Tinh Nữ Maria, cùng hai thánh Phêrô và Phaolô,


La Vang 14-8-1998

Để biểu dương Toà Tổng Giám Mục được giao phó cho Đức Cha,

Tôi thừa uỷ nhiệm của Toà Thánh trao cho Đức Cha dây Pallium lấy từ Toà tuyên xưng đức tin trên Mộ Thánh Phêrô như là dấu chỉ quyền bính Tổng Giám Mục để Đức Cha sử dụng trong phạm vi giáo tỉnh của Đức Cha.

Xin Đức Cha hãy xem dây Pallium này là tượng trưng của sự hiệp nhất và chứng chỉ của tình hiệp thông với Toà Thánh, là dây liên kết đức ái và niềm khích lệ dũng mãnh...

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Tạ ơn Thiên Chúa cùng Đức Tổng Têphanô về hồng ân 50 năm trung tín trong chức thánh.

Để cho trần gian được sống (Ga 6,51), sống theo khẩu hiệu Giám Mục, Đức Tổng đã dẫn dắt đoàn chiên Giáo Phận đi qua 37 năm đầy ân sủng và bình an, đầy tin yêu và hy vọng.

Cùng với Đức Tổng, chúng con xin dâng lời chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa đến muôn đời.