Trang chủ

Phần Mở đầu

Con người và Sứ vụ

Với Tòa Thánh Vatican

Với Giáo hội Công giáo Việt Nam

Với Giáo Tỉnh Huế

Với các Tôn giáo bạn

Các Đại Lễ

Các hoạt động khác

Một số bài chia sẻ

 Trong các dịp
Bài giảng lễ Truyền Dầu
Đan Phụ Têphanô Huỳnh Quang Sanh
Kim Khánh LM ĐÔ Trần Văn Hoài
Ngọc Khánh LM cha Phêrô Hoàng Kính
Hội nghị thường niên của 6 ĐCV
Hành hương liên tu sĩ Gp Huế
Khai giảng năm học liên dòng nữ Huế
Chủng sinh ngoại trú Huế
Ngày Ơn gọi tại La Vang năm 2000
Hội Ngộ Cựu Chủng Sinh Gp Huế
Trao chứng chỉ ủy nhiệm sứ vụ GLV
Khai giảng cấp Đại Học
Gặp gỡ giới trẻ Huế và Kontum
Thánh lễ Tân niên Tân Mão
Khai mạc những ngày bác ái xã hội
Ngày Bác ái Xã hội Huế
Ngày Hành hương bệnh nhân-cao tuổi
Thừa Thiên Huế-QT sau lụt 1999
Khánh thành cầu Cây Đa

 Các lễ cầu hồn - an táng

 Với Đại Chủng viện & Dòng tu

NGÀY HÀNH HƯƠNG LIÊN TU SĨ GIÁO PHẬN HUẾ

(02-02-2000)

Anh chị em thân mến,

Người ta hỏi nhà văn Nguyễn Khải:

-        Ông thấy thế nào về người phụ nữ thế kỷ XXI?

Ông ngẫm nghĩ và nói:

-        Mới đây, tôi ra Hà Nội thăm hai vợ chồng bạn cũ của tôi. Người vợ là tiến sĩ hóa học, vừa giảng dạy vừa làm ở một xí nghiệp. Chồng là kỹ sư bị tai nạn lao động, liệt nửa người, ăn uống mọi cái đều phải có người giúp đỡ.

Trong bữa cơm gia đình anh chị mời tôi (Nguyễn Khải nói tiếp), chị xúc một muỗng cơm cho chồng ăn, rồi một muỗng cho mình. Tôi hỏi:

-        Sao chị không để các cháu xúc cơm cho chú ấy?

Chồng nhìn vợ cười không nói gì. Chị cười rồi nói:

-        Chúng nó thì muốn bố ăn nhanh, nhưng bố lại nhai nuốt chậm. Bữa nọ, con chị vừa xúc cơm cho bố vừa xem tivi, làm bố nghẹn, đã tưởng chết, tôi sợ quá nên không dám nhờ vả chúng nữa.

Ông chồng nói thêm:

-        Cô ấy nuôi tôi bây giờ còn vất vả hơn nuôi con nhỏ. Bảo mướn người giúp không nghe, chả biết còn chịu đựng được bao lâu nữa.

Cô vợ nói với tôi (Nguyễn Khải):

-        Mỗi người tìm thấy niềm vui theo cách riêng của mình. Với tôi, lúc được phục vụ chồng con là lúc tôi thấy trong lòng thư thái nhất.

Chắc chắn người phụ nữ thế kỷ XXI cũng như vậy thôi. Lo cho chồng con, cho gia đình..., đó là niềm vui lớn nhất của họ.

Còn bây giờ, nếu có ai hỏi ý kiến về người tu sĩ nam nữ ở thế kỷ XXI, thì điểm then chốt vẫn luôn còn đó trong lời thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Cô-rin-tô (1 Cr 7,32-34) như sau: “Tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng điều gì..., người có vợ thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng vợ. Cũng vậy, người Trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người, cả hồn lẫn xác. Còn người có chồng thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng chồng. Tôi nói thế là để mong tìm ích lợi cho anh chị em..., để anh chị em được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co”.

Nếu chị vợ trên đây khẳng định rằng lúc được phục vụ chồng con là lúc chị thấy trong lòng thư thái nhất, thì người tu sĩ, nữ tu chắc chắn sẽ cảm nhận được niềm vui lớn lao nhất khi họ hết tình phụng sự Chúa và hết lòng phục vụ Giáo Hội, khi họ tìm cách làm đẹp lòng Chúa, làm vui lòng Giáo Hội, mang tin yêu hy vọng hạnh phúc đến cho muôn người.

Anh chị em thân mến,

Giáo Hội mừng lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ không chỉ nhắc lại một kỷ niệm, cử hành một nghi thức, nhưng là muốn nói lên cái cốt lõi, cái bản chất của tâm hồn Chúa Giêsu, đồng thời ước ao mỗi người cũng được tham dự vào trạng thái tâm hồn ấy. 

Mà tâm hồn Chúa Giêsu là liên lỉ dâng mình, phó mình cho Chúa Cha, luôn làm vui lòng Chúa Cha, luôn làm đẹp lòng Chúa Cha. Chúa Giêsu luôn mãi là người con hiếu thảo của Chúa Cha. Toàn thân Ngài luôn hướng về Chúa Cha. Ngài chỉ có một say mê là say mê Chúa Cha. Ngài chỉ có một chương trình là luôn làm theo thánh ý Chúa Cha. Ngài chỉ có một tham vọng, một ước nguyện, một thao thức: đó là nguyện Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến.

-        Tiếng nói đầu tiên lúc vào đời, theo thư gửi tín hữu Do Thái, là một lời toàn hiến cho Chúa Cha: này con đến để thi hành thánh ý Cha.

-        Ngài nói với các môn đệ mang thức ăn đến cho Ngài bên giếng Gia-cóp: của ăn Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta.

-        Trong đau khổ thử thách, lòng Ngài không hề lìa xa Chúa Cha, Ngài nói: lạy Cha, nếu có thể được thì xin cất khỏi chén đắng này, nhưng xin đừng theo ý con, một vâng theo ý Cha mà thôi.

-        Trên thánh giá, lúc thoi thóp tắt thở, Ngài nguyện cầu: lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha. Cũng là một lời toàn hiến cho Chúa Cha như khi mới vào đời.

Bước theo sát Chúa Kitô, người tu sĩ hiến dâng mình cho Chúa Cha, nhờ Chúa Giêsu, trong Chúa Thánh Thần.

Đức Thánh Cha đã chọn ngày lễ này là ngày của các tâm hồn thánh hiến, để nói lên rằng ơn gọi tu trì là hồng ân Chúa Cha ban cho Giáo Hội, nhờ hồng ân đó, người tu sĩ được tham dự một cách đặc biệt vào đời sống Chúa Giêsu là đời sống luôn quy hướng về Chúa Cha và tâm hồn của Chúa Giêsu là tâm hồn toàn hiến cho Chúa Cha.

Người tu sĩ sống các lời khuyên Phúc Âm sẽ tìm được mẫu mực thường xuyên nơi Chúa Giêsu hằng dâng mình cho Chúa Cha, sẽ tìm được nguồn an ủi, sự nâng đỡ, và phần thưởng nơi Chúa Giêsu liên lỉ tận hiến cho Chúa Cha.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói:

Chúa Cha là Đấng tạo thành và ban phát mọi điều thiện hảo, đã lôi kéo về với mình những ai Người chọn gọi, bằng một tình yêu đặc biệt và nhắm một sứ mạng đặc biệt: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người, các ngươi hãy vâng nghe lời Người (Mt 17,5).

Đáp trả lời mời gọi này và được lôi kéo từ bên trong, người được gọi tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa là Đấng muốn người đó chỉ phụng sự một mình Ngài, và hiến dâng mình trọn vẹn cho Ngài và cho chương trình cứu độ của Ngài.

Đó là ý nghĩa ơn gọi sống đời thánh hiến: tức là một sáng kiến hoàn toàn đến từ Chúa Cha là Đấng yêu cầu những ai Ngài tuyển chọn hãy đáp trả bằng việc dâng hiến trọn vẹn và tuyệt đối. Cảm nghiệm về tình yêu nhưng không của Thiên Chúa là một cảm nghiệm thâm sâu và mãnh liệt đến nỗi người thánh hiến hiểu rằng mình phải đáp trả bằng việc dâng hiến đời mình vô điều kiện, bằng cách cung hiến mọi sự trong tay Ngài, bây giờ và mãi mãi về sau” (Vita Consecrata, 17).

Anh chị em thân mến,

Ngày lễ hôm nay là lễ Nến, lễ Ánh sáng. Đức Thánh Cha muốn giáo dân cùng tham dự Thánh Lễ này với các tu sĩ, là để cho thấy:

-        đời sống tu trì gắn bó liên kết với Giáo Hội, với mọi thành viên trong Đại gia đình Giáo Hội,

-        để mọi người cùng cảm tạ Chúa vì hồng ân đời sốn­­g tu trì Chúa ban cho Giáo Hội.

Ước gì mọi thành phần Dân Chúa trở nên men, nên muối, nên ánh sáng trong môi trường sống của mình.

Hãy sống và làm hết sức, hết cách để cho ánh sáng của Chúa Giêsu được chiếu tỏa thật rực rỡ, thật lung linh:

-        bằng cuộc sống đã được thánh hiến trong phép rửa tội của mọi tín hữu,

-        bằng cuộc sống dâng hiến toàn vẹn và triệt để trong bậc tu trì.

Chúng ta hãy ngước mắt nhìn lên Mẹ Maria, nhìn vào lòng Mẹ, tấm lòng mà cụ Siméon tiên báo là sẽ bị lưỡi gươm đâm thâu, để tỏ lộ tâm tư của nhiều người.

Chúng ta hãy ngước mắt nhìn lên Mẹ Maria, nhìn vào lòng Mẹ, tấm lòng mà cụ Siméon tiên báo là sẽ bị lưỡi gươm đâm thâu, để tỏ lộ tâm tư của nhiều người.

Chớ gì những tâm tư, ước nguyện của các người tận hiến được bày tỏ trước mắt người Mẹ yêu dấu là Đấng cảm thông thấu suốt hết mọi cuộc sống tu trì và bao phủ cuộc sống dâng hiến đó với tình yêu hiền mẫu khôn lường. Amen.