Trang chủ

Phần Mở đầu

Con người và Sứ vụ

Với Tòa Thánh Vatican

Với Giáo hội Công giáo Việt Nam

Với Giáo Tỉnh Huế

Với các Tôn giáo bạn

Các Đại Lễ

Các hoạt động khác

Một số bài chia sẻ

 Trong các dịp
Bài giảng lễ Truyền Dầu
Đan Phụ Têphanô Huỳnh Quang Sanh
Kim Khánh LM ĐÔ Trần Văn Hoài
Ngọc Khánh LM cha Phêrô Hoàng Kính
Hội nghị thường niên của 6 ĐCV
Hành hương liên tu sĩ Gp Huế
Khai giảng năm học liên dòng nữ Huế
Chủng sinh ngoại trú Huế
Ngày Ơn gọi tại La Vang năm 2000
Hội Ngộ Cựu Chủng Sinh Gp Huế
Trao chứng chỉ ủy nhiệm sứ vụ GLV
Khai giảng cấp Đại Học
Gặp gỡ giới trẻ Huế và Kontum
Thánh lễ Tân niên Tân Mão
Khai mạc những ngày bác ái xã hội
Ngày Bác ái Xã hội Huế
Ngày Hành hương bệnh nhân-cao tuổi
Thừa Thiên Huế-QT sau lụt 1999
Khánh thành cầu Cây Đa

 Các lễ cầu hồn - an táng

 Với Đại Chủng viện & Dòng tu

NGÀY BÁC ÁI XÃ HỘI – HUẾ

(28-07-2003)


Đức Tổng trong Nhóm Ve Chai (31/01/2004)

1.       Anh chị em thân mến,

Sau những năm dài âm thầm lặng lẽ tại Nazareth, Chúa Giêsu lên đường rao giảng Nước Trời.

Ngày Sabbat hôm đó là một ngày đáng ghi nhớ suốt đời, ngày đánh dấu khởi đầu sứ mạng của Chúa Giêsu với một định hướng rõ ràng, khi Ngài dõng dạc đọc lên trong Hội đường những lời của ngôn sứ Isaia: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố năm hồng ân của Chúa”.

Chúa Giêsu cuộn sách lại và nói: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,18-21).

Và thực sự đã ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia áp dụng vào Đức Giêsu. Ngài loan báo Tin Mừng và chữa lành bệnh tật. Ngài lật đổ mọi thứ trì trệ của các cơ chế nặng nề, các truyền thống nhẫn tâm. Ngài giật sập các bức tường ngăn cách: Những hàng rào gia đình, dòng tộc, màu da, phe phái, lập trường … Ngài muốn khơi dậy nơi mọi người sự ân cần săn đón của một tình thương không biên giới. Ngài đến đâu thì các hệ thống đẳng cấp bị sụp đổ, bị đảo ngược: người nghèo hèn vui hơn kẻ giàu có; người bệnh tật, kẻ bị loại trừ nay lại thấy mình được chỗ ưu tiên; kẻ cuối hết trở thành người thứ nhất. Ánh sáng của Ngài xuyên thủng qua các vùng đen tối dày đặc. Ngài tái sinh người nhà giàu dính cứng trong tiền của bất chính, người đàn bà hư hỏng, nhà thông luật xơ cứng, và c viên sĩ quan quân đội Rôma. Ngài trừ quỷ, chữa lành bệnh tật.

Một thú sống chưa từng có bừng dậy với vị ngôn sứ trẻ tuổi này. Một cách sống thật lạ lùng. Để nhờ đó mà biến đổi xã hội, biến đổi cuộc sống và xây dựng một thế giới mới đầy tình thương.

2.       Anh chị em thân mến,

Kitô hữu bước theo Đức Kitô có nghĩa là cùng với Ngài đi vào giữa lòng thế giới, cùng với Ngài đi khắp hang cùng ngõ hẻm, nhất là tìm đến những nơi có hoàn cảnh nghiệt ngã, khổ lụy, số phận hẩm hiu, để vực dậy những con người đang bị đè bẹp dưới gánh nặng của bất công, của ức hiếp, của nghèo đói bệnh tật, nhất là gánh nặng của những thứ ruồng rẫy, loại trừ, như muốn tẩy xóa hình ảnh Thiên Chúa chiếu sáng trên khuôn mặt nhăn nhúm của người anh em khốn khó bất hạnh.

Chúng ta đã được sống lại với Đức Kitô trong ơn phép Rửa tội. Sứ mệnh chúng ta là bất cứ nơi đâu, trong hoàn cảnh nào cũng phải khơi dậy sức sống, trao dâng sự sống phục sinh, làm cho sống lại, tái sinh mình, tái sinh người, nâng cao phẩm giá cho người anh em, bằng lời nói và việc làm cụ thể.

Bác ái – xã hội là một đòi hỏi của đức tin, của bí tích rửa tội. Vì đức tin mà không có việc làm kèm theo là đức tin chết.

Kitô hữu phải là con người của bác ái – xã hội như Chúa Giêsu đã từng là con người bác ái – xã hội.

Tin Mừng theo Thánh Matthêu viết: “Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa lành các bệnh họan tật nguyền của dân… Thiên hạ đem đến cho Ngài mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh: Những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt …, và Ngài đã chữa lành họ” (Mt 4,24).

Thánh Matcô cũng ghi: “Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Ngài. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh và trừ nhiều quỷ (Mc 1,32).

Sáng sớm lúc trời còn tối mịt Ngài đã dậy đi ra một mình nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. Ngài trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Ngài và các môn đệ không sao ăn uống được” (Mc 1,35; 3,20).

Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và mời gọi chúng ta chung sức chung lòng xây dựng Nước Trời đó. Ngài thấy Vương Quốc Thiên Chúa tỏ hiện trong cuộc sống hằng ngày: nơi người gieo giống, người trồng nho, bà nội trợ, người thương gia, ngoài đồng ruộng, trong tiệc cưới v.v… Tất cả cuộc sống đều nói với Ngài về Sự Sống mới của Thiên Chúa. Thi sĩ Eluard nói: “Có một thế giới khác, nhưng nó đang ở trong thế giới này”.

Chúng ta hãy cộng tác với Chúa Giêsu trong tiến trình khai sinh một thế giới mới. Phải vất vả nhọc nhằn, phải nặn tim vắt óc cho công cuộc lớn lao này. Như thánh Phaolô nói: “Cho đến bây giờ muôn loài thọ tạo cùng rên xiết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: Chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa” (Rm 8,22-23).

3.       Anh chị em thân mến,

Bước vào thiên niên kỷ thứ ba, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mời gọi toàn thể Giáo Hội: “Hãy ra khơi”. Hãy loan Tin Mừng. Hãy gieo rắc tình thương, niềm vui và lòng cậy trông trong các môi trường sống, trên mọi nẻo đường.

Biển đời mênh mông, phức tạp, đa dạng. Trên biển đời này còn có nhiều vùng nước sâu, có nhiều bể khổ.

Ra khơi. Ra khỏi cá nhân nhỏ hẹp. Ra khỏi mảnh vườn quen thuộc. Ra khỏi những nếp nghĩ sáo mòn, ra khỏi những cách sống an thân, thủ phận.

Đi vào vùng nước sâu. Đi vào bể khổ để cứu khổ cứu nạn như người Samaritanô tốt bụng, với tấm lòng thương cảm của Chúa Giêsu:

-        Tôi thương đoàn dân này biết bao, vì họ đang sống vất vưởng, bơ vơ” (Mt 9,36).

-        Khi anh em bố thí, thì đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6,3).

-        Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10,8).

-        Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống dù chỉ là một chén nước lã mà thôi, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10,42).

          Cuối cùng hãy nhớ rằng món quà quý báu nhất mà chúng ta đem dâng tặng cho người khác: Đó là Tin Mừng, là ơn cứu độ. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói: “Lòng tin của Giáo Hội vào Đức Giêsu là một quà tặng đã nhận được và một quà tặng cần đem chia sẻ; đó là món quà lớn nhất mà Giáo Hội có thể tặng cho Châu Á. Chia sẻ sự thật về Đức Giêsu Kitô với những người khác là nhiệm vụ trọng đại của tất cả những ai đã nhận được quà tặng là đức tin… Vấn đề lớn nhất hiện nay mà Giáo Hội tại Châu Á phải đối diện là làm thế nào chia sẻ với anh chị em mình điều mà chúng ta cho là quý giá nhất, quà tặng bao gồm mọi quà tặng, đó là Tin Mừng Đức Giêsu Kitô” (Ecclesia in Asia 19). Amen.


Họp mặt “Ve Chai” 3 Miền tại Huế (01-02-2004)