Trang chủ

Phần Mở đầu

Con người và Sứ vụ

Với Tòa Thánh Vatican

Với Giáo hội Công giáo Việt Nam

Với Giáo Tỉnh Huế

Với các Tôn giáo bạn

Các Đại Lễ

Các hoạt động khác

Một số bài chia sẻ

 Trong các dịp
Bài giảng lễ Truyền Dầu
Đan Phụ Têphanô Huỳnh Quang Sanh
Kim Khánh LM ĐÔ Trần Văn Hoài
Ngọc Khánh LM cha Phêrô Hoàng Kính
Hội nghị thường niên của 6 ĐCV
Hành hương liên tu sĩ Gp Huế
Khai giảng năm học liên dòng nữ Huế
Chủng sinh ngoại trú Huế
Ngày Ơn gọi tại La Vang năm 2000
Hội Ngộ Cựu Chủng Sinh Gp Huế
Trao chứng chỉ ủy nhiệm sứ vụ GLV
Khai giảng cấp Đại Học
Gặp gỡ giới trẻ Huế và Kontum
Thánh lễ Tân niên Tân Mão
Khai mạc những ngày bác ái xã hội
Ngày Bác ái Xã hội Huế
Ngày Hành hương bệnh nhân-cao tuổi
Thừa Thiên Huế-QT sau lụt 1999
Khánh thành cầu Cây Đa

 Các lễ cầu hồn - an táng

 Với Đại Chủng viện & Dòng tu

KHAI GIẢNG CẤP ĐẠI HỌC NIÊN KHÓA 2003 - 2004

(LỄ CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG LATÊRANÔ - 09.11.2003)

PHÚT SUY TƯ TRƯỚC THÁNH LỄ

Đời người là một con đường.

Và có nhiều chặng đường trên mỗi đời người.

Và mỗi chặng của đời người đều có hành trang riêng của nó.

Tuổi đầu đời thì cần phải ngậm vú mẹ để lớn lên.

Tuổi ấu thơ thì hành trang là ê a bập bẹ để một ngày nào đó được diễm phúc gọi rõ hai tiếng hết sức thiêng liêng: “Mạ ơi! Ba ơi!”.

Lớn lên nữa, hành trang sẽ là tình bạn, là kiến thức, là công nghệ thông tin, là sự nghiệp, là trách nhiệm, là sứ mạng, là lý tưởng...

Tuy nhiên, ẩn ngầm bên dưới tất cả những chặng đời đó, có một thứ hành trang chung và luôn cần thiết cho hạnh phúc của đời làm người: đó là niềm tin.

Bởi vì con người là một con vật có ý thức, nên con người buộc luôn nuôi giữ niềm tin vào bản thân mới có thể thực sự lớn lên và trưởng thành. Cần phải tin nơi cái đầu của mình. Tin vào cái tâm của mình. Tin vào khả năng vượt khó của mình. Cần phải biết tự tin và đừng bao giờ tuyệt vọng về mình. Đó chính là chìa khóa mà mỗi người chúng ta phải rèn đúc lấy cho mình để mở được cánh cửa vào tòa nhà hạnh phúc.

Bởi vì con người là một con vật xã hội, nên con người có bổn phận phải tin tưởng lẫn nhau mới đắp xây được cuộc sống an bình. Tin nơi tình thương của gia đình, của cha mẹ, của bạn bè, của anh chị. Tin nơi chủ trọ. Tin vào người bạn thuê chung phòng. Tin nơi tổ chức xã hội. Tin nơi học đường. Tin vào tâm huyết của thầy cô. Vâng. Niềm tin là hành trang cần thiết đưa chúng ta vào đời, giúp chúng ta nhập cuộc để chung vai sát cánh đắp xây cho đời được mãi tươi đẹp.

Tuy nhiên, lý do sâu xa nhất buộc con người phải có niềm tin tôn giáo và nuôi lớn niềm tin ấy là bởi vì con người được dựng nên có tự do, biết tư duy và có khả năng khao khát Tuyệt đối cũng như vươn tới Tuyệt đối. Bởi vì duy chỉ niềm tin tôn giáo mới đủ khả năng giúp con người tìm thấy một lý tưởng thực sự cao đẹp có thể làm nên ý nghĩa trọn vẹn cho cả đời người.

Phải chăng đó chính là lý do sâu xa đang quy tụ tất cả chúng ta hôm nay về đây với vị Chủ chăn của Giáo Phận Huế kính yêu, để cùng ngài, dâng Thánh Lễ khai giảng cầu nguyện cho Niên Học Mới 2003 - 2004 của chúng ta?

Sự trùng phùng của ngày Khai Giảng Niên Học Mới với Lễ Cung Hiến Đền Thờ Latêranô chắc hẳn đang gọi mời chúng ta đặt trọn niềm tin tưởng vào Giáo Hội là Hội Thánh mà Đức Kitô đã thiết lập. Một Hội Thánh vẫn kiên vững qua hai ngàn năm như chính Lời Ngài đã phán hứa với Phêrô: “Anh là Phêrô! Nghĩa là đá tảng, trên đá tảng này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18).

Kính thưa Cộng đoàn Phụng vụ và các bạn trẻ sinh viên yêu quý,

Trong tâm tình tri ân và hiệp thông sâu xa, chúng ta hãy chuẩn bị bước vào Thánh Lễ hôm nay bằng việc cung kính và chăm chú lắng nghe một trích đoạn từ Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu về căn tính và sứ mạng cao cả của Giáo Hội trên lục địa mà chúng ta đang sống:

Giáo Hội tại Châu Á hát mừng ngợi khen Thiên Chúa cứu độ, vì Chúa đã chọn khởi sự kế hoạch cứu độ của Ngài trên mảnh đất Á Châu, qua những con người của lục địa này. Thật vậy, chính tại Á Châu, ngay từ đầu, Thiên Chúa đã mạc khải và thực hiện ý định cứu độ của Ngài... cùng với Giáo Hội trên toàn thế giới, Giáo Hội tại Châu Á sẽ bước sang thiên niên kỷ thứ ba, với tâm tình cảm phục mọi kỳ công Thiên Chúa đã làm từ những bước khởi đầu ấy đến nay; vững tin rằng: “nếu trong thiên niên kỷ thứ nhất của Kitô Giáo, Thập Giá đã được trồng trên đất Âu Châu và trong thiên niên kỷ thứ hai, Thập Giá được trồng trên đất Mỹ Châu và Châu Phi, thì trong thiên niên kỷ thứ ba, Giáo Hội sẽ được một mùa gặt bội thu trên lục địa rộng lớn và tràn trề sức sống này...

Vui mừng trước những điều tốt đẹp của các dân tộc và các nền văn hóa và sức sống tôn giáo tại châu lục này, đồng thời ý thức về hồng ân đức tin duy nhất mà mình đã tiếp nhận vì thiện ích của mọi người, Giáo Hội tại Châu Á không ngừng cất cao lời “Hãy tạ ơn Chúa, vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv. 118,1); (GHTAC. 1).

Dẫn lễ

Cộng đoàn Phụng vụ thân mến,

Thân chào chúng con, các bạn trẻ sinh viên yêu quý,

Hôm nay, Cha thật vui khi thấy chúng con nô nức đến tham dự Thánh Lễ Khai Giảng cấp Đại Học tại Giáo Phận Huế niên khóa 2003 - 2004, với một con số khá đông đảo, đang có mặt trong nhà thờ Chính Toà này. Cha cùng với quý Cha hiện diện thân ái chào tất cả chúng con, những thành phần ưu tú và ưu đãi của xã hội cũng như của Giáo Hội Việt Nam.

Các bạn trẻ sinh viên yêu quý,

Chúng con là thành phần ưu tú, vì vươn tới được ngưỡng cửa đại học, chúng con đã phải trải qua biết bao nhiêu năm dài miệt mài học hành và thi cử.

Chúng con là thành phần được ưu đãi, vì con đường vào đại học đã được gia đình cha mẹ chúng con cũng như xã hội ưu tiên đầu tư, với ước mong chúng con sẽ trau dồi được nhiều khả năng để phục vụ xã hội...

Vì là thành phần ưu tú và được ưu đãi, chắc chắn chúng con sẽ lãnh nhận một sứ mạng lớn hơn và sẽ phải gánh vác một trách nhiệm nặng nề hơn. Và đoạn đường đời sinh viên hôm nay chính là một chuẩn bị cần thiết mà chúng con cần phải trân trọng và tận dụng.

Thế nên, trước hết, chúng con hãy hiệp ý với Cha và quý Cha dâng Thánh Lễ này để tạ ơn Thiên Chúa. Bởi vì, trong tình thương của Chúa quan phòng, con người và xã hội loài người vẫn không ngừng tiến hóa và phát triển. Cùng với toàn thể nhân loại hôm nay, chúng ta cũng đang chứng kiến nhiều đổi thay kỳ diệu và sự hình thành của một nền văn minh trí tuệ hậu công nghiệp trong đó chất xám đang là nhân tố quyết định.

Hỡi chúng con, các bạn trẻ sinh viên yêu quý,

Quê hương Việt Nam yêu dấu của chúng ta, sau những năm dài chiến tranh, cũng đang có những dấu hiệu tốt đẹp trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Những dấu hiệu tốt đẹp này như đang mời gọi chúng ta lên đường, cất cánh và không cho phép chúng ta dừng lại, nản chí hay biếng lười.

Chúng ta hãy sốt sắng bắt đầu Thánh Lễ Khai Giảng Niên Học Mới năm nay bằng lòng sám hối chân thành với quyết tâm làm sống lại ý thức trách nhiệm của đời người Kitô hữu trước vận hội mới, đối với gia đình, đối với quê hương, đối với Giáo Hội và đối với Thiên Chúa.

Giảng lễ

Cộng đoàn phụng vụ thân mến,

và đặc biệt chúng con, các bạn bè sinh viên yêu quý,

1.       Thông thường, Hội Thánh chỉ kính nhớ các vị thánh, tức là những con người đã được phong thánh nhờ các nhân đức anh hùng trỗi vượt. Thế mà hôm nay chúng ta lại kính nhớ Lễ Cung Hiến một ngôi thánh đường mang tên Latêranô, vậy thì đâu là lý do?

Chúng ta hãy cùng nhau lùi lại những thế kỷ đầu của Hội Thánh sơ khai. Sau Lễ Ngũ Tuần, dưới tác động mãnh liệt của Chúa Thánh Thần, các môn đệ Chúa Giêsu đã bắt đầu đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng.

Và như Hạt Giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt, ròng rã hơn 300 năm, Hội Thánh của thuở ban đầu ấy đã phải bị vùi dập dưới bao cuộc bách hại. Do hoàn cảnh khó khăn, Giáo Hội đã không xây dựng được một ngôi Thánh Đường nào. Xem phim Quo Vadis, chúng ta thấy Giáo Hội, trong thời kỳ này thường cử hành Thánh Lễ âm thầm nơi các nấm mộ dưới Hang Toại Đạo.

Mãi tới năm 324, Đức Thánh Cha Sylvestrê mới cung hiến Vương Cung Thánh Đường Latêranô dâng kính Chúa Cứu Thế.

Đây là Thánh Đường đầu tiên được xây dựng bên cạnh cung điện Latêranô do chính hoàng đế Constantinô hiến tặng Giáo Hội, khi trở lại Đạo Công giáo.

Và kể từ đó cho tới thế kỷ thứ 14, Latêranô đã được chọn làm nơi cư ngụ của các Đức Giáo Hoàng.

Ngày nay, mặc dù chỗ ở của Đức Giáo Hoàng đã chuyển về điện Vatican, nhưng Đền thờ Latêranô vẫn được coi là nhà thờ Chính Tòa của ngài tại Giáo Phận Rôma, là Giáo Phận của Đức Giáo Hoàng.

Với ý nghĩa lịch sử lớn lao và quan trọng như vậy, Vương Cung Thánh Đường Latêranô cổ kính nhất này đã xứng đáng được gọi tên là “Mẹ và Đầu của tất cả mọi Thánh Đường trên thế giới” và đã trở nên biểu tượng nói lên sức sống bền vững của Hội Thánh qua mọi thời đại.

Chúng ta hãy tạ ơn Chúa, vì chúng ta đang được ở trong Hội Thánh, một Hội Thánh mà Chúa Giêsu đã đổ máu ra để cứu chuộc và hằng thương yêu giữ gìn, nuôi dưỡng mỗi ngày bằng chính Thánh Thể mình.

Chúng ta hãy tạ ơn Chúa, vì qua Hội Thánh và trong Hội Thánh, tất cả mọi người chúng ta đều được sống và sống dồi dào.

Một dòng sông chảy ra bao nhánh,
đem niềm vui cho Thành của Chúa Trời:
Đây chính là Đền Thánh Đấng Tối Cao
”.

2.       Và hôm nay, chắc hẳn Sứ Điệp Lời Chúa không chỉ muốn chúng ta dừng lại nơi sự kiện mang tính lịch sử của một Vương Cung Thánh Đường bằng gạch đá, nhưng chủ yếu muốn nhắc nhở chúng ta tái khám phá giá trị cao cả của Đền Thờ nội tâm là chính con người chúng ta: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em?”

Không còn lời nào tôn vinh phẩm giá con người rõ ràng và đẹp đẽ hơn lời Thư Côrintô này của Thánh Phaolô. Và chỉ khi nắm vững được ý nghĩa sâu xa của Tin Mừng như Thánh Phaolô, chúng ta mới hiểu được nỗi bức xúc và hành động quyết liệt của Chúa Giêsu trong biến cố được các Thánh sử ghi lại này. Chúa Giêsu, Đấng hiền lành và khiêm nhượng. Chính Đấng ấy hôm nay, qua tường thuật của Thánh Gioan, đã nổi giận thật sự: Ngài đã dùng roi đánh đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền Thờ và đã hất bàn đổi tiền của họ. Ngài cũng lớn tiếng trách mắng nặng lời: “Đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”. Lời trách móc này của Ngài theo Tin Mừng Luca còn nặng nề hơn: “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp” (Lc 19,46).

Tại sao Chúa Giêsu đã bức xúc đến như vậy? Là vì, qua mặc khải của toàn bộ Tin Mừng, chúng ta ai cũng hiểu rằng Đền Thờ mà Chúa Giêsu muốn đề cập đến không chỉ là Đền Thờ bằng đá mà là chính bản thân Ngài, và qua bản thân Ngài, là chính mỗi một con người chúng ta.

Thực vậy, “chỉ qua Đức Giêsu, con người mới có thể biết được sự thật về chính mình”. Và cần phải nhìn về tận cội nguồn, chúng ta mới thấy hết được nét cao cả của nhân phẩm và của vận mệnh con người: “Được tác tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, giống Thiên Chúa và được cứu chuộc bằng máu châu báu của Đức Kitô, con người được kêu gọi làm “con trong Người Con”, được trở nên Đền Thờ sống động của Chúa Thánh Thần và được sống đời đời trong sự kết hiệp hồng phúc với Thiên Chúa. Do đó, mọi xúc phạm đến phẩm giá của một nhân vị đều kêu gào Thiên Chúa báo oán và xúc phạm đến chính Đấng tác tạo con người” (NTHKT. 37).

Chúa Giêsu đã vô cùng bức xúc vì, đối với Ngài, làm nhơ uế Đền Thờ cũng có nghĩa là lăng nhục con người, là chà đạp lên nhân phẩm. Kéo lê một kiếp sống đê hèn là khinh thường nơi thánh, là đạp đổ một giá trị thiêng liêng. Nó đồng nghĩa với tội ác hủy diệt, nên đáng bị hủy diệt.

Thánh Phaolô hình như đã hiểu được nội dung sâu xa đó của Tin Mừng, nên đã thốt lên những lời cảnh cáo hết sức quyết liệt: “Vậy ai phá huỷ Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh và Đền Thờ ấy chính là anh em”.


Thiên An 1995

Hỡi chúng con, các bạn trẻ sinh viên yêu quý,

Cha biết tuổi trẻ chúng con hôm nay đang phải đối mặt với nhiều thách đố và cạm bẫy, khi phải sống trong một xã hội “không chỉ toàn cầu hóa kỹ thuật và kinh tế, mà toàn cầu hóa cả nỗi bất an và lo sợ, tội ác và bạo lực, bất công và chiến tranh”.

Hơn bao giờ hết, chúng con hãy luôn nhớ chúng con là thành phần làm nên Hội Thánh.

Qua bí tích Rửa tội, mỗi chúng con đã được thánh hóa để trở nên đền thờ của Thiên Chúa và cung điện của Chúa Thánh Thần.

Cao cả như vậy, huyền nhiệm như vậy nên mỗi người chúng con hãy ý thức trách nhiệm và bổn phận xây dựng toà nhà Hội Thánh nơi chính cuộc đời mỗi người chúng con.

Noi gương Chúa Giêsu, chúng con hãy mạnh dạn tẩy uế đền thờ tâm hồn mình. Hãy dứt khoát “nói không” với những gì khiến đời sống chúng con thành hèn hạ và không thể chắp cánh bay cao.

Chúng con hãy tin tưởng vào sức mạnh của Ơn Thánh Chúa và hãy vững tin nơi Hội Thánh Chúa Giêsu.

Như chúng con thấy đó: Ơn Thánh Chúa đủ mãnh liệt để quật ngã một Saolô trên đường đi Damas và biến con người dữ tợn ấy thành một vị Thánh lớn, Thánh Tông đồ Phaolô. Và Hội Thánh mà Chúa Giêsu đã thiết lập, sau hơn hai ngàn năm, vẫn tồn tại ngang qua những đổ nát của biết bao nhiêu đế chế thế trần.

Tiếp nối nguyện ước của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ năm nay, Cha thành tâm phó dâng chúng con, những sinh viên đại học, những đứa con ưu tú và ưu đãi của xã hội và của Giáo Hội Việt Nam cho Mẹ Maria, Mẹ La Vang. Chúng con hãy chạy tới với Mẹ, hãy kêu cầu Mẹ hãy xin Mẹ đồng hành với chúng con trên con đường học vấn và gầy dựng sự nghiệp. Chắc chắn, Mẹ sẽ cầu bầu và phù hộ cho chúng con, vì qua lời trối trăng của Chúa Giêsu trên thập giá, Mẹ đã là Mẹ của chúng con. Amen.


Lễ Bế giảng năm học 2010 - 2011

Kết lễ

Hỡi chúng con, các bạn trẻ sinh viên yêu quý,

1.       Trong bầu khí đầm ấm thân thương và gần gũi này, Cha muốn nói lên nỗi niềm thao thức của Cha từ lâu dành cho tất cả chúng con là những sinh viên đang theo học tại phần đất thuộc Giáo Phận Huế.

Đã từ lâu, Cha mong muốn tạo điều kiện để chúng con gặp gỡ nhau thường xuyên hơn, định kỳ hơn, để cầu nguyện, để chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm buồn vui của cuộc đời sinh viên công giáo, nhằm giúp nhau làm chứng tá Tin Mừng trong môi trường chúng con đang sống, một môi trường mà Cha biết là còn có rất nhiều vấn đề phức tạp, do hoàn cảnh xa nhà, do nơi ăn chốn ở thiếu tiện nghi, do túng nghèo cơ cực, do tuổi đời ăn chưa no lo chưa tới...

2.       Tuy nhiên, chúng con hãy nhớ rằng thách đố luôn giúp chúng ta vượt khó. Và Cha ước mong chúng con luôn xác tín rằng, chỉ nhờ sức mạnh của Tin Mừng, chúng con mới có thể vươn lên, mỗi ngày một nhanh hơn, cao hơn và xa hơn như nhiều lần Cha đã nhắc nhở: “Chúng con là con cái Nước Trời, là hồng bàng sãi cánh giữa trời cao lồng lộng, chúng con không thể sống như họ gà nhà lệt đệt”.

Vậy, kể từ hôm nay và trong suốt niên học mới, chúng con hãy ý thức rõ vai trò chứng tá Tin Mừng của mình, vai trò làm muối, làm men, làm ánh sáng cho bạn bè của chúng con, cho môi trường nơi Chúa đang đặt để mỗi người chúng con.

3.       Muốn được vậy, chúng con hãy lưu tâm nuôi dưỡng đời sống đạo đức, hãy chuyên cần tham dự các buổi cầu nguyện, các buổi sinh hoạt chung dưới sự hướng dẫn của Cha đặc trách, người mà Cha muốn giới thiệu với chúng con chiều nay, đó là Cha Antôn Nguyễn Văn Tuyến.

Dưới sự dẫn dắt của ngài và cùng với sự cộng tác nhiệt tình của quý Cha và của những ai có tâm huyết với giới trẻ, Cha hy vọng chúng con sẽ được chăm sóc chu đáo hơn, ngõ hầu mai đây, trưởng thành về mặt đức tin và đời sống đạo đức, chúng con sẽ có được những đóng góp ngang tầm cho Xã Hội và cho Giáo Hội Việt Nam qua sự nghiệp thành đạt của đời mình.

Một cách cụ thể, Cha đã sắp xếp với Cha Tổng Đại diện và Cha đặc trách là ít ra hằng tháng sẽ có một Thánh Lễ dành riêng cho chúng con. Ngày giờ và địa điểm thì tùy sự thuận tiện và theo nhu cầu của chúng con.

Chúng con, các bạn trẻ sinh viên yêu quý,

4.       Trên con đường học vấn gầy dựng sự nghiệp của chúng con hôm nay, Cha kêu gọi chúng con hãy ý thức đúng mức vai trò quan trọng của Đức Tin trong quá trình đào tạo lương tâm con người. Bởi vì, theo nguyên văn lời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: “để kiến tạo một xã hội công bình hơn và xứng đáng với con người hơn, một sự dấn thân qui mô trên bình diện chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa quả là cần thiết. Nhưng như thế chưa đủ! Sự dấn thân có tính chất quyết định phải xuất phát từ chính cõi lòng con người, đụng chạm đến chỗ thâm sâu nhất của lương tâm con người, là nơi mà con người tự mình quyết định. Chỉ với mức độ như thế, con người mới có thể tiến hành một cuộc thay đổi sâu xa và tích cực nơi chính bản thân mình và đó là bước khởi đầu vững chắc để góp phần làm biến đổi và cải tạo xã hội”.

Nhờ sự cầu bầu đầy ưu ái của Mẹ La Vang, Cha tin chắc Chúa đã thương ban xuống cho chúng con nhiều ơn lành trong buổi gặp mặt thân thương này. Cha cầu chúc chúng con luôn hăng say học tập, sống vui tươi trong sáng như những người con luôn được Chúa và Mẹ Maria yêu dấu.