Người Công giáo có được công khai phê bình Giáo hội không?

Thứ bảy - 23/07/2022 11:22
Các anh coi lại, trước khi lên tiếng, các anh có để “lưỡi” của mình vượt qua được ba câu hỏi: “nó có thật không?”, “nó có tử tế không?”, và “nó có cần thiết không?”…
Người Công giáo có được công khai phê bình Giáo hội không?
“Một lời phê bình xuất phát từ thái độ yêu thương và tìm cách giúp đỡ Giáo Hội trong quá trình hoán cải của Giáo Hội, là điều chính đáng. Thánh Catherine thành Siena, Phanxicô Assisi, Bernard ở Clairvaux, các Giáo hoàng Bênêđictô XVI và Phanxicô đã làm như vậy. Càng đồng hóa sâu hơn với Giáo Hội, càng theo  Đức Giêsu cách vô điều kiện, ta càng có thể nhắc nhở Giáo Hội và những viên chức của Giáo Hội một cách sắc bén hơn về Tin Mừng.

Những ai phê bình các Linh mục và Giám mục phải luôn luôn ghi nhớ rằng đó là những người thừa kế lời hứa đặc biệt của Chúa Giêsu: “Ai nghe anh em là nghe Thầy” (Lc 10,16). Đồng thời, một câu Kinh Thánh khác áp dụng cho các vị đó: “Khốn thay những mục tử làm cho đàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác!” (Gr 23,1). Người Công giáo không được tự ý bác bỏ giáo huấn có thẩm quyền của Giáo Hội. Tuy nhiên, người tín hữu Công giáo chấp nhận các nguyên tắc cơ bản của Giáo Hội và các thầy dạy có thẩm quyền trong Giáo Hội vẫn có thể tranh luận về một số quan điểm thuộc về cá nhân theo hướng phê bình. Các lập luận mang tính xây dựng đều được chào đón khi chúng có cơ sở khách quan và phù hợp với các giá trị cơ bản cũng như các nguyên tắc nền tảng của giáo huấn Công giáo.”
(DOCAT, 324)

Các anh nói mình lên tiếng “vì tình yêu Đức Kitô thúc bách” (2Cr 5,14), với ý ngay lành, muốn Giáo Hội hoán cải, muốn xây dựng Giáo Hội, … Các anh nói, nhờ chúng tôi lên tiếng, nên chuyện này chuyện kia mới được phanh phui, mới được loại bỏ.

Cứ cho là vậy đi!

“Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: TA MUỐN LÒNG NHÂN CHỨ ĐÂU CẦN LỄ TẾ” (Mt 9,13).

Chắc chắn là, dù với bất cứ ai, thì “sai, là sai; đúng, là đúng”; không thể vì lý do này kia rồi “uốn” sai thành đúng, “bẻ” đúng thành sai!

Chắc chắn là không ai được phép, hoặc tự cho mình quyền, bao che, dung túng cho điều sai trái, cho việc tội lỗi!

Nhưng …

1. Các anh coi lại từ ngữ mà các anh dùng, coi lại thái độ của các anh, nhất là với Giám mục của các anh, nó thế nào?

Hội Thánh dạy rằng: “Chính Chúa đã thiết đặt các Giám mục kế nhiệm các Tông đồ làm các mục tử của Hội Thánh, nên ai nghe các ngài là nghe Đức Kitô, còn ai KHINH MIỆT CÁC NGÀI LÀ KHINH MIỆT ĐỨC KITÔ VÀ ĐẤNG ĐÃ SAI ĐỨC KITÔ ĐẾN” (Sách Giáo lý của HTCG, 862; Lumen Gentium, 20).

2. Các anh coi lại những lời nói và thái độ của những người “chung sức, chung lòng” với các anh vì “việc chung”, nó thế nào?

“Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả; trong bụi rậm, làm gì hái được nho! Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.” (Lc 6,43-45)

3. Các anh coi lại, trước khi lên tiếng, các anh có để “lưỡi” của mình vượt qua được ba câu hỏi: “nó có thật không?”, “nó có tử tế không?”, và “nó có cần thiết không?”

“Sự tôn trọng thanh danh của các nhân vị CẤM MỌI THÁI ĐỘ VÀ MỌI LỜI NÓI có thể gây thiệt hại cách bất công cho họ. Sẽ có lỗi khi:

- PHÁN ĐOÁN HỒ ĐỒ, nghĩa là khi không có đủ cơ sở mà, ngay cả một cách thầm lặng, cho một khiếm khuyết về luân lý nơi người thân cận, là có thật.

- NÓI XẤU, nghĩa là khi không có lý do chính đáng cách khách quan, mà lại tiết lộ những khiếm khuyết hoặc lỗi phạm của kẻ khác cho những người chưa biết.

- VU KHỐNG, nghĩa là khi dùng những khẳng định nghịch với chân lý mà làm hại thanh danh kẻ khác và tạo cơ hội cho người ta phán đoán sai lầm về người đó.”
(Sách Giáo lý của HTCG, 2477)

“Mọi lời nói và thái độ sau đây đều phải bị cấm: nịnh hót, bợ đỡ hoặc tâng bốc để thúc đẩy và khuyến khích kẻ khác làm điều xấu và hành động cách sai lầm. Bợ đỡ là một lỗi phạm nghiêm trọng, nếu là đồng loã với các thói xấu hoặc các tội nghiêm trọng. Ý muốn giúp đỡ hoặc tình bằng hữu không biện minh được cho lời nói hai lòng. Bợ đỡ là một tội nhẹ khi chỉ có ý để lấy lòng người khác, để tránh một điều xấu, thoát khỏi một tình thế khó khăn hay để đạt được những lợi ích chính đáng.”
(Sách Giáo lý của HTCG, 2480)

“NÓI DỐI, là nói điều sai, với ý định đánh lừa kẻ khác. Chúa tố giác sự nói dối là công việc của ma quỷ: “Cha các ngươi là ma quỷ … Sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó, bởi vì nó là kẻ nói dối và là cha sự gian dối” (Ga 8,44).
(Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, 2482)

“Sự nói dối tự bản chất là đáng lên án. Nó làm mất giá trị của lời nói, vốn có mục tiêu truyền thông cho kẻ khác chân lý mình đã biết. Chủ ý đưa người khác vào sai lầm, bằng những khẳng định nghịch với chân lý, là lỗi phạm đến công bằng và bác ái. Tính quy tội càng lớn hơn, khi ý hướng đánh lừa có nguy cơ gây ra những hậu quả tai hại cho những ai bị lìa xa điều chân thật.”
(Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, 2485)

“Sự nói dối (bởi vì xúc phạm đến nhân đức chân thật), thật sự là một bạo lực đối với tha nhân. Nó làm tổn thương người đó về khả năng nhận thức, là điều kiện của mọi phán đoán và mọi quyết định. Nó là mầm mống sự chia rẽ giữa các tâm trí và mầm mống mọi điều xấu do chia rẽ gây ra. Nói dối là tai họa cho mọi xã hội; nó phá hủy sự tin tưởng giữa con người và cắt đứt các tương quan dệt nên xã hội.”
(Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, 2486)

“Không việc xấu nào được biện minh bằng ý hướng tốt”. Mục đích không biện minh cho các phương tiện”.
(Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, 1759)

“Quyền truyền thông chân lý không phải tuyệt đối. Mỗi người phải sống phù hợp với giới luật yêu thương huynh đệ của Tin Mừng. Trong trường hợp cụ thể, giới luật này đòi hỏi phải cân nhắc cẩn thận xem có phải tỏ bày sự thật, hay không tỏ bày, cho người yêu cầu.
(Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, 2488)

“Đức mến và sự tôn trọng chân lý phải quyết định câu trả lời cho mọi yêu cầu thông tin hay truyền thông. Lợi ích và sự an toàn của tha nhân, sự tôn trọng đời tư, công ích, là những lý do đủ để làm thinh không nói điều người khác không được biết, hay để dùng lời lẽ khôn ngoan. Bổn phận tránh gây gương xấu thường đòi buộc phải im lặng nghiêm ngặt. Không ai bị buộc phải tỏ bày một sự thật cho người không có quyền được biết.”
(Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, 2489)

4. Các anh coi lại, từ khi các anh đồng lòng lên tiếng, thì nhờ lời phê bình của các anh - lời mà các anh luôn tự nhận là “xuất phát từ thái độ yêu thương và tìm cách giúp đỡ Giáo Hội trong quá trình hoán cải của Giáo Hội” (Docat, 324) - thì Giáo Hội được “tinh luyện”, trở nên “khả tín” trước mặt người ta, hay lại gây rối loạn, hoang mang, nghi ngờ nơi những “kẻ bé mọn”, làm cho Mẹ Giáo Hội phải đau khổ, làm người ta coi khinh, phỉ báng Mẹ Giáo Hội?

“Một số quy tắc được áp dụng trong mọi trường hợp:

- Không bao giờ được làm điều xấu để đạt tới điều tốt.

- Khuôn vàng thước ngọc: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12).

- Đức mến luôn đòi hỏi tôn trọng người lân cận và lương tâm của họ. “Như vậy, phạm đến anh em và làm thương tổn lương tâm yếu đuối của họ là phạm đến Đức Kitô” (1 Cr 8,12). “Tốt nhất là … tránh những gì có thể gây cớ cho anh em mình vấp ngã” ( Rm 14,21).
(Sách Giáo lý của HTCG, 1789)

“Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.” ( Mc 9,42)

LÊN TIẾNG... CẨN THẬN, COI CHỪNG XÚC PHẠM CHÂN LÝ!

“Một lời phê bình xuất phát từ thái độ yêu thương và tìm cách giúp đỡ Giáo Hội trong quá trình hoán cải của Giáo Hội, là điều chính đáng… Càng đồng hoá sâu hơn với Giáo Hội, càng theo Đức Giêsu cách vô điều kiện, ta càng có thể nhắc nhở Giáo Hội và những viên chức của Giáo Hội một cách sắc bén hơn về Tin Mừng… “ (Docat, 324)

Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: “TA MUỐN LÒNG NHÂN CHỨ ĐÂU CẦN LỄ TẾ” (Mt 9,13).
Lm Joseph Nguyễn Đức Nhân
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02BqvcZ77AnjvSYDyBU2yTFSd2ghCY13YN6DmLMxpTt48uibqBQt2JuoT9yJ85Gxs8l&id=100032516615769

Tác giả: Lm Joseph Nguyễn Đức Nhân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập122
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm117
  • Hôm nay21,664
  • Tháng hiện tại486,045
  • Tổng lượt truy cập67,510,892
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây