Đêm 29/10, cả thế giới sửng sốt khi hay tin về một vụ giẫm đạp ở khu phố đêm nổi tiếng Itaewon của Hàn Quốc. Tính tới chiều 30/10, số người thiệt mạng được chính phủ nước này xác nhận là 153, trong đó chủ yếu là nữ giới, thanh niên, cùng hàng trăm người khác bị thương.
Trước đó, thế giới đã ghi nhận không ít những vụ việc đau lòng tương tự vì chen lấn và giẫm đạp lên nhau.
Thảm kịch tại sân vận động Kanjuruhan (Indonesia)
Vụ giẫm đạp gây thương vong lớn ở sân vận động Kanjuruhan cũng được coi là thảm họa tồi tệ nhất
trong lịch sử bóng đá thế giới. Ảnh: Reuters.
Ngày 1/10/2022 tại Indonesia, ít nhất 174 người đã thiệt mạng trong vụ giẫm đạp xảy ra tại sân vận động Kanjuruhan ở thành phố Malang, tỉnh Đông Java của Indonesia. Bạo loạn đã nổ ra sau trận đấu giữa đội chủ nhà Arema FC và Persebaya kết thúc với tỉ số 3-2.
Do thất vọng vì đội nhà thua cuộc, các cổ động viên của đội Arema FC đã lao xuống sân, buộc cảnh sát phải dùng hơi cay để kiểm soát tình hình, dẫn đến việc đám đông giẫm đạp lên nhau và nhiều người bị ngạt thở. Vụ việc này còn lan ra bên ngoài sân vận động, nơi có ít nhất 5 xe cảnh sát bị lật đổ và bốc cháy. Đây cũng được coi là thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử bóng đá thế giới.
Trước đó, hồi tháng 4/1989, ít nhất 96 người thiệt mạng và 200 người bị thương trong thảm họa thể thao tồi tệ nhất nước Anh sau khi một đám đông quá khích đè bẹp người hâm mộ trước các rào chắn tại trận bán kết Cúp FA giữa Liverpool và Nottingham Forest tại sân vận động Hillsborough ở thành phố Sheffield.
Giẫm đạp tại đám tang tướng Qassem Soleimani (Iran)
Đám tang của tướng Soleimani càng trở nên tang thương khi hàng trăm người thương vong vì chen
lấn trong buổi đưa tiễn ông. Ảnh: Reuters.
Vụ giẫm đạp xảy ra vào ngày 7/1/2020 tại đám tang Thiếu tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), vốn được tổ chức tại quê nhà của vị cố tư lệnh ở Kerman. Ít nhất 56 người đã thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.
Theo truyền thông Iran, đám tang tướng Soleimani tại quảng trường trung tâm Kerman có sự tham gia của hàng nghìn người. "Thật không may là do vụ giẫm đạp, một số đồng bào của chúng ta đã bị thương và một số người đã thiệt mạng trong đám tang", lãnh đạo cơ quan y tế khẩn cấp Iran Pirhossein Koulivand nói.
Hơn 700 người chết trong lễ hành hương Hajj (Arab Saudi)
Hành hương Hajj là một trong những sự kiện lớn nhất của người Hồi giáo. Tuy nhiên, do lượng tín đồ
tham gia quá lớn, lễ Hajj khó tránh khỏi tình trạng hỗn loạn và từng nhiều lần xảy ra tình trạng giẫm
đạp dẫn đến chết người. Ảnh: Reuters.
717 người thiệt mạng và hơn 800 người bị thương trong vụ giẫm đạp xảy ra ngày 24/9/2015 tại lễ hành hương thường niên của người Hồi giáo ở Arab Saudi. Vụ giẫm đạp xảy ra trong lúc đang diễn ra một nghi lễ gọi là "ném đá quỷ dữ". Đám đông người hành hương sẽ ném đá vào một bức tường đá để tượng trưng cho việc loại bỏ cái ác. Hơn 220 xe cứu thương và 4.000 nhân viên cứu hộ đã được điều đến hiện trường.
Bộ trưởng Y tế Arab Saudi đổ lỗi cho những người hành hương vô kỷ luật gây ra vụ việc và nói rằng thảm kịch này sẽ không xảy ra nếu họ tuân theo các hướng dẫn. Ông Khaled al-Falih cho hay nhiều người hành hương đã di chuyển mà không tuân thủ lịch trình thời gian do giới chức thiết lập. Đây là "lý do chính dẫn đến kiểu sự cố này".
Được biết, năm 1990, 1.426 người đã bị đè chết trong lễ hội Eid al-Adha sau cuộc hành hương Hajj gần thánh địa Hồi giáo Mecca.
Hơn 1.000 người thương vong trong lễ té nước ở Phnom Penh (Campuchia)
Thi thể các nạn nhân xấu số. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Ngày 23/11/2010, một lễ hội té nước cầu may diễn ra ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia biến thành tấn bi kịch khi đám đông tham gia sự kiện trong lúc hỗn loạn đã giẫm đạp lên nhau, khiến 456 người thiệt mạng và hơn 750 người bị thương.
Đây được coi là thảm kịch tồi tệ nhất ở Campuchia kể từ thời kỳ Khmer Đỏ. Lễ hội thu hút khoảng 4 triệu người góp mặt. Sự việc xảy ra khi đám đông đang đi qua một cây cầu treo để tiến tới hòn đảo nơi lễ hội té nước thường niên được tổ chức. Vì có quá nhiều người dồn lên một lúc nên cây cầu quá tải. Gió thổi khiến cầu lắc lư làm đoàn người ngã nhào gây ra tình trạng hoảng loạn không thể kiểm soát.
Được biết, lễ hội Bon Om Touk ở Campuchia là dịp lễ lớn nhất trong năm. Ước tính có khoảng 5 triệu người Campuchia, trong tổng dân số 14 triệu người, chủ yếu từ vùng nông thôn, thường tập trung ở Thủ đô Phnom Penh để mừng lễ hội này.
Thiệt mạng vì chen nhau dự lễ khai hội của người Hindu (Ấn Độ)
Ảnh minh họa. Nguồn: Today Indoa.
Ít nhất 220 người thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương, trong đó có nhiều trường hợp bị thương nặng do chen lấn xô đẩy nhau tại ngôi đền Chamunda Devi của người Hindu ở bang Rajasthan, miền Tây Ấn Độ, ngày 30/9/2008.
Theo các quan chức địa phương, tình hình bắt đầu hỗn loạn khi một bức tường trên con đường hẹp dẫn tới ngôi đền bị đổ, làm một số người chết, khiến đám người còn lại hoảng loạn.
Giới chuyên gia nhận định, sự hoảng loạn của đám đông thường dẫn đến những cảnh giẫm đạp đẫm máu hầu như năm nào cũng có và xảy ra ở bất cứ đâu, nhất là trong các dịp lễ hội và tôn giáo.
Kim Khánh
https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/dem-halloween-kinh-hoang-o-seoul-diem-lai-nhung-tham-kich-giam-dap-tren-the-gioi-i672596/