Văn hóa dân tộc và một thoáng hồng nhan

Thứ bảy - 30/06/2012 20:07

-

-
Một nhà văn nào đó có nói: “Đằng sau sự thành công của một người đàn ông vẫn thấy thấp thoáng hình ảnh của một người đàn bà.” Câu nói này sở dĩ xuất hiện trong ngôn từ của nhiều người chung quanh ta có lẽ một phần vì chúng ta sống trong một xã hội mà vị trí, vai trò của người phụ nữ luôn luôn được xã hội đề cao...
Văn hóa dân tộc và một thoáng hồng nhan
 
Một nhà văn nào đó có nói: “Đằng sau sự thành công của một người đàn ông vẫn thấy thấp thoáng hình ảnh của một người đàn bà.” Câu nói này sở dĩ xuất hiện trong ngôn từ của nhiều người chung quanh ta có lẽ một phần vì chúng ta sống trong một xã hội mà vị trí, vai trò của người phụ nữ luôn luôn được xã hội đề cao (lady first), yểm trợ, tôn trọng, cụ thể là qua các vụ án xử ly dị (divorce) người đàn bà được ưu tiên có quyền giữ nuôi con cái, đàng khác cũng phải công bình nhận thấy rằng tại hải ngoại trình độ học thức của nữ giới ngày càng cao và họ đã chứng tỏ khả năng có thể sánh kịp với nam giới trong mọi lãnh vực tri thức. Vị trí ngoài xã hội và trong gia đình của người phụ nữ đã tạo cho họ có nhiều uy quyền trong một số lãnh vực. Một nhà nữ giáo dục người Pháp có nói: “Đào-luyện được một người đàn ông, người ta chỉ có đào luyện được một cá-nhơn, chớ đào-luyện được một người đàn bà, người ta đào-luyện được cả một gia đình” (Hùng Nguyên, Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn, Tập 2, 1964, trang 374). Câu nói này đặt trọng tâm vào tầm ảnh hưởng của người đàn bà, và qua đó xem ra quyền quyết định, sắp xếp công kia việc nọ của họ trong gia đình có phần nặng ký hơn quyền người đàn ông. Điều này cho thấy sự quan trọng của nữ giới trong đời sống hiện nay tại nhiều quốc gia văn minh.
 

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Alain Ruscio khoảng năm 1995, khi được hỏi rằng: “Tôi tin rằng ông cũng có một thuyết lý về vai trò đặc thù của người phụ nữ trong sự phòng giữ bản diện, bản sắc Việt Nam?”, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn (1908-1996), một học giả nổi tiếng đã cống hiến gần trọn cuộc đời cho nền văn hóa Việt Nam, đã trả lời :

“Đó là sự thể thường xuyên trong suốt lịch sử của đất nước chúng tôi. So với đàn ông, đàn bà khó chấp nhận hơn những tập tục của kẻ chiếm đóng. Đúng là như vậy về trang phục. Đúng là như vậy về những lề thói gia đình. Rõ rệt nổi bật ở lĩnh vực ngôn ngữ. Ai giữ gìn tiếng nói nếu không phải là phụ nữ? Ai dạy cho trẻ thơ biết nói? So với đàn ông, đàn bà ít có dịp tiếp xúc hơn với các nhà chức trách người Trung Hoa. Tôi nghĩ rằng phần lớn công việc phòng giữ văn hóa Việt Nam là do các bà mẹ, các bà vợ.” (La Sơn Yên Hồ HOÀNG XUÂN HÃN, Tập I Con Người và Trước Tác, Phần I, Nhà xuất bản Giáo Dục, 1998, trang 1130).

Câu trả lời của Hoàng Xuân Hãn xác định một thực tế về vai trò của người phụ nữ trong việc giữ gìn bản sắc của nền văn hóa dân tộc. 

Một số nhận thức, quan điểm được đưa ra sau đây nhằm nối kết vai trò của người phụ nữ với một số phạm trù sinh hoạt của cơ cấu xã hội, chẳng hạn như bà Margaret Truman, trong tác phẩm First Ladies có viết: “Một nhà chép sử về các đệ nhất phu nhân đã nói rằng họ lôi cuốn trái tim của công chúng trong khi các tổng thống thì lôi cuốn những khối óc”. Câu nói này thật đáng suy gẫm cho những ai đã và đang chuẩn bị dấn thân trong các hoạt động bầu cử, ứng cử hay tranh cử nhất là trong những ngày tháng trước mắt.

Trong công cuộc vận động cho một mục tiêu đấu tranh về chính trị cũng như về văn hóa, thiết tưởng cần chú trọng, xây dựng và phát triển tầng lớp nữ giới, đặc biệt là các nữ sinh viên vừa tốt nghiệp các trường trung học hay đại học chung quanh ta. Cách riêng đối với người Việt Nam cần có những thay đổi não trạng về người phụ nữ vì các lý do căn bản như sau: 

Trước hết, đó là một quan niệm cũ đã in hằn thâm căn cố đế trong xã hội ta vì chúng ta thường chịu ảnh hưởng nguồn ý thức hệ Khổng Giáo coi thường nữ giới thí dụ “nam tôn nữ ti”, “nam trọng nữ khinh”, thậm chí đánh giá rất nhẹ vai trò phụ nữ qua câu “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Trong chữ Hán, một số tính từ (hay trạng từ) hàm ý xấu đều có chữ nữ bên cạnh, thí dụ chữ gian (gian dối) gồm ba chữ nữ, chữ nô (đứa ở) có chữ nữ bên trái, chữ gian (gian tà) gồm chữ nữ bên cạnh chữ can, chữ đố là ghen cũng tất nhiên là có chữ nữ bện cạnh, chữ vọng là xằng bậy, thí dụ vọng ngữ… Thật ra thì không phải chữ gì có chữ nữ bên cạnh cũng hàm ý xấu xa cả, bởi vì các cụ (Tàu) ngày xưa cũng dùng chữ nữ bên cạnh một số các tính từ tốt thí dụ chữ hảo là tốt, chữ yêu là đẹp, chữ diệu là khéo, hay. Sở dĩ có tình trạng phân biệt đối xử như trên là vì ngày trước người phụ nữ phải cáng đáng nhiều công việc gia đình như sinh con, nuôi nấng con cái, dạy dỗ con, ngoài ra cũng phải tham gia vào công việc đồng áng tất bật lam lũ như làm ruộng, gieo mạ, cấy lúa, bón phân, thậm chí mò cua bắt ốc để phụ với người đàn ông nuôi sống gia đình, nhưng dù thế vẫn bị đối xử tàn tệ, bất bình đẳng, sinh nên cảnh “chồng chúa vợ tôi” trong gia đình, ngoài xã hội cũ… Chính cụ Phan Bội Châu cũng đã từng đả kích quan điểm “nam trọng nữ khinh” mặc dầu cụ là một nhà nho chính thống. Năm 1936, nhà văn Hoàng Đạo (tức Nguyễn Tường Long, em trai nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, một tay cự bút trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn) đã viết tập chính luận Mười điều tâm niệm để vận động cho một cuộc cách mạng trong tương lai đối với xã hội Việt Nam, trong đó có điều thứ sáu: “Phụ nữ phải ra ngoài xã hội, bình đẳng với nam giới về quyền lợi và nghĩa vụ.”

Trong cuốn sách có tên Sài Gòn sau mười hai năm, nhà văn Thế Uyên viết về việc nam nữ bình quyền ở Việt Nam trong đó có một ghi nhận cần chú ý như sau: “Nhưng cũng như miền Bắc, miền Nam cũng phải đợi đến sau 1954, có độc lập có chủ quyền rồi, việc thực hiện bình đẳng nam nữ mới trở thành dứt khoát trên thực tế. Bộ luật gia đình, do một phụ nữ, lúc đó làm dân biểu, là bà Trần Lệ Xuân đưa ra, đã được nhanh chóng chấp nhận ở những điểm căn bản nhất: chấm dứt chế độ đa thê, trả quyền tự do kết hôn cho trai gái từ hai mươi mốt tuổi trở lên, xác nhận phụ nữ bình đẳng với nam giới trong gia đình cũng như ngoài xã hội…” (Nhà xuất bản Xuân Thu, không rõ năm in, trang 178). Đặt ra ngoài mọi thành kiến hoặc phê bình thiên lệch với chủ tâm đầy ác ý, phải công nhận đây là một bộ luật ít nhất cũng phản ánh được trình độ văn minh của con người đó là chấm dứt chế độ đa thê (coi phụ nữ như một món đồ chơi), công nhận quyền tự do kết hôn và xác nhận việc nam nữ bình quyền trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

Với cuộc sống hiện tại ở hải ngoại cũng như trong nước,một số nhu cầu về việc làm và sự giao tế đã đẩy người phụ nữ ra khỏi khuôn khổ gia đình và phong cách giải quyết công việc đã chứng tỏ khả năng của họ. Cá tính nhẹ nhàng, kiên nhẫn vốn có của người phụ nữ nhiều khi lại giúp cho họ thành công trong một số lãnh vực còn hơn cả nam giới. Đó chính là những lợi điểm mà các tổ chức đấu tranh như chính trị hay xã hội văn hóa cần phải biết đánh giá đúng mức để vận dụng.

Simone de Beauvoir (1908-1986), một nhà văn nữ và cũng là một nhà tranh đấu nữ quyền của Pháp, đệ tử và bạn đời của triết gia Jean-Paul Sartre, đã từng nói: “Người ta không sinh ra là đàn bà, mà trở nên phụ nữ”. (On ne nait pas femme: on le devient) (Sarah Glazer, Ban dịch tệ hại, Trần Doãn Nho dịch, Talawas, ngày 1.9.2004). Ý bà muốn nói rằng “định mệnh vợ-và-mẹ là một huyền thoại do đàn ông dựng nên để phủ nhận tự do của phụ nữ”. Người Việt Nam ngày xưa vì nặng thành kiến hoặc cố chấp hay nói rằng “Đàn bà biết gì ?” Rồi nữa trong Truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du cũng từng viết: “Rằng tôi chút phận đàn bà…”. Đàn bà nói chung bị đồng hóa với bất lực, thiếu khả năng gánh vác, cáng đáng công việc ngoài xã hội v.v… mà những quy kết này phần nhiều do đám đàn ông đưa ra giữa lúc ngoài xã hội chế độ phụ quyền đang lên ngôi; và vì thế Simone de Beauvoir kêu gọi nữ giới bài bác các công tác làm mẹ, làm vợ một cách quyết liệt mà thực tâm chỉ là muốn giành quyền bình đẳng với nam giới lại cho người phụ nữ.

Ở Trung Hoa, nhà văn nữ Đinh Linh (Ding Ling, 1904-1986) tên thật là Tưởng Băng Chi (Chiang Ping-chih) cũng có những tác phẩm đầu tay nổi tiếng viết về những vấn đề phụ nữ và cuộc tranh chấp của giới phụ nữ trẻ chống lại xã hội phụ quyền Trung Hoa.

Trong một số quốc gia theo Hồi Giáo, vị trí người phụ nữ có lẽ phải chịu nhiều thua thiệt, hèn kém so với đàn ông chăng nếu nhìn từ vị trí của một nhà tranh đấu?

Scott Macleod trong bài viết đăng trên Tạp chí Time, ấn bản Canada, đã giới thiệu về bà Shirin Ebadi, giải Nobel Hoà Bình năm 2003, nhà tranh đấu cho nhân quyền tại Iran. Bà Ediba đã đưa ra một quan điểm khá lạc quan và chắc nịch khi nói với Tạp chí Time rằng : “Giữa Hồi giáo, dân chủ và tự do, tuyệt đối không có xung khắc. Đang có nhiều điều chứng tỏ rằng có thể chiến đấu và đạt tới tự do cùng dân chủ tại một quốc gia của những người Hồi giáo thuần thành”. (Scott Macleod, Shirin Ebadi: Nobel Hòa Bình 2003, Talawas, 23.10.2003).

Với quan điểm phân tích khi đi sâu vào thế giới của chữ nghĩa hay tư tưởng, một nhà phân tâm học, nhà văn, phê bình gia, nhà nữ quyền luận (feminist) và là giáo sư Đại học Paris VII (Denis Diderot), là người gốc Bulgarie, quốc tịch Pháp, bà Julia Kristeva trong dịp nhận giải thưởng quốc tế Holberg do chính phủ Na Uy thành lập, đã phát biểu ý kiến trong cuộc hội thảo do Đại học Bergen tổ chức: “Trong cái thế giới hiện đại được đặt dưới “trật tự mới của thế giới”, chúng ta không thực sự có một định nghĩa tích cực để định giá nhân tính (không theo nghĩa “nhân loại”mà theo nghĩa “phẩm chất của loài người”). Đúng hơn là chúng ta bị đưa tới chỗ tự hỏi: “nhân tính là gì” khi chúng ta đương đầu với những… “tội ác chống lại nhân tính”. (Nghĩ về tự do trong thời khốn quẫn, Từ Huy dịch, Talawas, 13.6.2005). Chế độ cộng sản, chế độ toàn trị thật sự đều là những hình thức cai trị thô bạo chống lại nhân tính, nghĩa là chống lại tính con người trong đó có các quyền tự do căn bản như tự do tư tưởng, tự do tôn giáo, tự do cư trú, đi lại, lập hội v.v… là những thứ quyền nâng con người lên khỏi hàng cầm thú.

Trên bình diện tôn giáo, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nay là Chân Phước Gioan Phaolô II từ năm 1995 đã công nhận vai trò quan trọng của nữ giới trong thời đại chúng ta, bất luận là bà mẹ, bà góa, hay phụ nữ độc thân. Người phụ nữ, theo Ngài, đang góp phần tăng trưởng nền nhân bản xã hội. Hình ảnh người phụ nữ giúp thế giới gần nhau hơn và tương giao người-người sẽ trở nên trung thực và chân thực hơn. (J.B. Vũ Đức Bảo, Người phụ nữ với thiên chức làm mẹ, Tạp chí Hiệp Thông số 36, Tháng 7 & 8 năm 2006). 

Trong hai thập niên gần đây, chúng ta chứng kiến tấm gương sáng của một người phụ nữ Miến Điện đó là bà Aung San Suu Kyi người đã đấu tranh không mệt mỏi chống lại nhóm cầm quyền quân phiệt trong nước. Trong một bài diễn văn gửi tới Nghị Viện Âu Châu tại Strasbourg khi được trao giải thưởng Sakharov vì Tự Do Tư Tưởng mà bà không được hiện diện để nhận giải, bà Aung San Suu Kyi có viết: “Một dân tộc muốn xây dựng một đất nước mà trong đó các thể chế dân chủ mạnh được xây dựng bền vững như là một bảo đảm chống lại sự lạm quyền của nhà nước thì trước hết phải học cách giải phóng tâm mình khỏi sự vô cảm và sự khiếp sợ.” (Aung San Suu Kyi, Tự do khỏi nỗi khiếp sợ, Tiểu luận của bà phổ biến nhân dịp bà được trao giải thưởng Sakharov vì Tự Do Tư Tưởng do Nghị Viện Âu Châu trao tặng trong cuộc lễ ngày 10.6.1991 không có sự hiện diện của bà.) Sự vô cảm là thái độ lạnh lùng, bình thản trước nỗi đau khổ, thiếu thốn của tha nhân, của dân tộc trước sự lộng hành của bạo quyền, là thái độ bình chân như vại, “thủ khẩu như bình” (bưng miệng im lặng như cái bình cắm hoa) trước những bất công của xã hội mà không dám lên tiếng. Sự vô cảm chính là tinh thần đồng lõa với bạo lực, với cường quyền, là a tòng với bọn “cướp ngày” (Con ơi mẹ bảo nghe này, Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan) để giúp chúng vĩnh viễn tồn tại trên nỗi đau khổ triền miên của cả một đất nước.

Nhưng ngày nay, bà Aung San Suu Kyi đã ra khỏi nhà tù lớn rộng là đất nước của bà, đã ứng cử vào Quốc Hội và phe nhóm của bà đã thắng cử dù chỉ còn là thiểu số. Trong buổi lễ trao lại giải Nobel Hòa Bình cho bà Aung San Suu Kyi, ông Thornbjorn Jagland, Chủ Tịch Ủy Ban giải thưởng Nobel của Na Uy đã nói: “Trong hoàn cảnh bị cô lập bà đã trở thành tiếng nói của lương tâm cho toàn thể thế giới.” (BBC, bản tiếng Việt ngày 17 tháng 6 năm 2012). Thật là cả một niềm vinh dự lớn lao với những lời xưng tụng này.

Và bà Aung San Sư Kyi đã đáp lời: “Đạt được giải Nobel khiến cho tôi tồn tại trở lại. Nó đã đưa tôi trở lại với cõi nhân sinh rộng lớn.” Bà cũng từng tỏ bày quan điểm của bà về sự chân thực và coi đó là một sách lược đấu tranh (Honesty is the best policy, trong cuốn The Voice of Hope, Aung San Su u Kyi, Conversations with Alan Clements, 2008, trang 57). Bà thường nói: “Chấp nhận trách nhiệm là một hành động can đảm” (Accepting responsibility is an act of courage, Sách đã dẫn, trang 55).

Hình ảnh một nước Miến Điện với sự tái xuất giang hồ của nữ lãnh tụ Aung San Suu Kyi có hậu thuẫn của quần chúng trong nước và sự ngưỡng mộ cùng hỗ trợ của nhiều quốc gia bên ngoài, đã và đang là nguồn khích lệ rất lớn cho dân tộc Việt Nam chúng ta.

Văn hóa của một đất nước thấm nhuần tinh thần Phật Giáo như Miến Điện cũng đã tạo cho họ có được một vị lãnh tụ tài ba như bà Aung San Suu Kyi.

Văn hóa của bất cứ một nước nào cũng đều có những mối liên hệ với người dân nước đó. 

Trong phần mở đầu bài viết này ở trên tôi có nhắc đến câu nói của một nhà văn tôi không nhớ tên và chính câu nói đó đã gợi ý cho tôi viết một số cảm nghĩ nhân được tham dự một tang lễ tại giáo xứ Saint Alice, Upper Darby, tiểu bang Pennsylvania ngày thứ hai 18-6-2012 vừa qua. Đây là một đám tang khá đặc biệt vì có rất đông người tham dự trong đó về hàng linh mục có Linh mục Peter Nguyễn Xuân Quýnh, Chánh xứ Saint Alice, Linh Mục Đinh Công Huỳnh, Đức Ông Trịnh Minh Trí, Linh Mục Trần Minh Đức, Linh mục Giuse Nguyễn Trí Minh, Phó Tế Huỳnh Mai Trác với rất nhiều tu sĩ nam nữ người Việt và Hoa Kỳ. Rất đông thân hữu tham dự đông chật cả nhà thờ mặc dù tang lễ cử hành vào ngày thường và đại diện các đoàn thể, chính đảng, nhân sĩ địa phương, bạn bè, thân hữu v.v…thuộc các giáo xứ xung quanh. Bà cụ Anna Nguyễn Hoàng Lý, bị tai biến mạch máu não, sau 11 năm nằm trong nhà dưỡng lão Little Flower Manor, đã được Chúa gọi về ngày 13-6-2012, hưởng thọ 86 tuổi. Chồng bà là cụ ông Phêrô Nguyễn Văn Hải, Chủ Tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam thuộc Tổng Giáo Phận Philadelphia suốt nhiều nhiệm kỳ và năm nay hơn 88 tuổi. Ông có người em ruột là Linh mục Nguyễn Trí Minh ở nhà thờ Cộng Đồng Thánh Anrê Dũng Lạc ở Jersey City thuộc Tiểu bang New Jersey. Hai ông bà đã làm lễ Kim cương 65 năm chung sống với nhau. Họ có được 4 trai, 2 gái và rất nhiều cháu nội, cháu ngoại kể cả mấy chắt tạo nên cảnh “tứ đại đồng đường” mỗi khi có dịp lễ lớn. Từ ngày cụ bà lâm trọng bệnh với tình trạng tê liệt nửa thân mình, không nói, không ăn, không biết gì chung quanh cả, thức ăn nước uống được chuyền qua một ống dẫn vào bao tử người bệnh thì ngày nào cụ ông cũng vào nhà dưỡng lão có mặt với cụ bà từ 10giờ sáng đến 6, 7 giờ chiều mới về. Khi tôi hỏi cụ Hải rằng ngày nào cụ cũng vào viện dưỡng lão với cụ bà, chứng kiến cảnh cụ bà nằm bất động, không nói không rằng như vậy mà suốt cả 11 năm, vậy cụ có cảm thấy buồn nản và mệt nhọc không. Cụ Nguyễn Văn Hải với giọng nói còn rổn rảng cho biết cụ muốn biến nursing home có tên Little Flower Manor này trở thành một chốn như ở nhà vậy nên vào đó cụ vào đó trò chuyện với bà, đọc kinh, đọc sách, mở nhạc thánh ca, các CD giảng Kinh Thánh, coi như đó là nhà của mình nên cũng không cảm thấy gì là buồn chán cả. Vả lại mình có niềm tin vào Thiên Chúa thì cũng biết phú dâng mọi sự trong tay Ngài. Dĩ nhiên các con cháu cụ khá đông cũng vào với cụ bà nhưng rồi sau khi họ về thì cũng chỉ một mình cụ ông còn lại với cụ bà mà thôi. Thật là một tấm gương chung thủy đáng kính để mọi người cùng soi.

Trong bài chia xẻ Tin Mừng, Đức Ông Trịnh Minh Trí đã nói rằng đời người có 4 giai đoạn là sinh, lão, bệnh, tử nhưng với người Công Giáo có thêm giai đoạn thứ năm đó là phục sinh. Đức Ông cũng tán dương sự chung thủy trung thành của người Công Giáo qua tấm gương sáng của cụ ông Nguyễn Văn Hải với lời thề trong hôn lễ khi hai vợ chồng trẻ đem nhau đến trước bàn thờ Chúa tuyên hứa công khai trước Cộng đoàn là “sẽ trung thành với nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khoẻ để yêu thương và kính trọng nhau suốt cả đời.” Sự thủy chung son sắt trong đạo nghĩa vợ chồng của người Công Giáo chính là phản ánh tinh thần văn hóa của dân tộc vì người Việt Nam thường có câu “Thương nhau tam tứ núi cũng trèo, thất bát sông cũng lội, cửu thập đèo cũng qua.” hay là “Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn”. Cụ bà Nguyễn Hoàng Lý lúc còn sinh tiền khỏe mạnh luôn luôn khuyến khích và giúp đỡ chồng trong thời gian ông làm Chủ Tịch Cộng Đồng Công Giáo Tổng Giáo Phận Philadelphia. Ngày xưa cụ bà Phan Bội Châu lo mọi chuyện gia đình để cho chồng xuất dương sang Nhật, sang Tàu, vào Nam ra Bắc lo việc nước. Ngày nay cũng có nhiều tấm gương sáng như vậy để cho nền văn hóa Việt Nam rạng rỡ muôn đời. Quý hóa thay!

Philadelphia 19-6-2012
 
Nguyễn Đức Cung

Tác giả: Nguyễn Đức Cung

Nguồn tin: www.vietcatholic.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập783
  • Hôm nay184,622
  • Tháng hiện tại1,572,578
  • Tổng lượt truy cập58,858,447
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây