Chửi bới... thời nay

Chủ nhật - 22/07/2012 10:06

-

-
Dựa vào kinh nghiệm bản thân, gã xin đưa ra mấy nhận định cụ thể sau đây : Nhận định thứ nhất, đó là nhân vô thập toàn. Đã là người thì đều có những sai lỗi, những khuyết điểm của mình, chẳng ai dám vỗ ngực tự xưng mình là thánh thiện.
Chửi bới... thời nay
 
Dựa vào kinh nghiệm bản thân, gã xin đưa ra mấy nhận định cụ thể sau đây : Nhận định thứ nhất, đó là nhân vô thập toàn. Đã là người thì đều có những sai lỗi, những khuyết điểm của mình, chẳng ai dám vỗ ngực tự xưng mình là thánh thiện.
 
Người ta hỏi một ông già cô đơn:

- Tại sao đã mang nặng tuổi đời rồi mà cụ vẫn chưa chịu lập gia đình?

Ông già cô đơn bèn kể lể về cuộc đời ba chìm bảy nổi và chín cái lênh đênh của mình như sau:

Tôi đã dành trọn thời gian của tuổi thanh xuân để kiếm tìm cho mình một người đàn bà tuyệt vời.

Tại Cairô, thủ đô nước Ai Cập, tôi đã gặp một người đàn bà vừa xinh đẹp, lại vừa thông minh, nhưng rất tiếc người đàn bà này chẳng có lấy được một chút dịu hiền, nàng hung dữ nếu không bằng bà chằn, thì cũng chẳng kém sư tử Hà Đông là mấy.

Tôi đành bỏ Cairô, đi tới Baghdah, thủ đô của nước Irắc với hy vọng tìm ra người đàn bà lý tưởng của tôi. Tại đây, đã gặp được một người đàn bà đúng như lòng mong ước. Nàng vừa xinh đẹp lại vừa thông minh, vừa dịu hiền lại vừa khoan dung. Chỉ kẹt một nỗi, đó là hai đứa chúng tôi chẳng bao giờ “nhất trí” được với nhau về bất cứ chuyện gì. Hễ ngồi tâm sự là bắt đầu cãi vã, thiếu điều muốn cho nồi niêu xoong chảo bay ra ngoài sân mà thôi. Vì thế, tôi đành phải chịu thua.

Và như vậy, hết người đàn bà này tới người đàn bà khác, kẻ được điều này thì lại mất điều kia, kẻ được điều kia thì lại mất điều này. Tôi như kẻ đốt đuốc đi tìm người tình tưởng chừng như chẳng bao giờ thấy.

Thế rồi một ngày nọ, tôi bỗng gặp được nàng, người đàn bà của mơ ước, ngay giữa lòng thành phố Saigon thân yêu. Nàng kết hợp được tất cả những đức tính mà tôi đã thầm vẽ ra trong đầu óc. Vừa xinh đẹp lại vừa thông minh. Vừa địu hiền lại vừa khoan dung. Và quan trọng hơn cả là nàng luôn nhất trí, luôn đồng ý với tôi trong mọi chuyện, từ chuyện to đến chuyện nhỏ. Đúng là thuận vợ thuận chồng, thì tôi lo gì việc tát cạn biển Đông.

Nhưng cuối cùng, tôi vẫn cứ phải gân cổ lên mà hát solô, cam chịu cảnh cô đơn suốt đời. Các bạn có biết tại sao không? Người đàn bà ấy cũng đang đi tìm một người đàn ông lý tưởng. Và thật chẳng may cho tôi, bởi vì dưới mắt nàng, tôi chỉ là một thằng đàn ông tồi với biết bao nhiêu tật xấu.

Câu chuyện trên cho thấy đi tìm một người yêu tuyệt vời không sai lỗi, không khuyết điểm chỉ là một chuyện viễn vông, còn khó hơn là chuyện mò kim dưới đáy biển, bởi vì người yêu lý tưởng ấy làm gì có mặt trên cõi đời này. Nhân vô thập toàn. Ai cũng có những khuyết điểm của mình kia mà.
Nhận định thứ hai, đó là bá nhân bá tánh, mỗi người đều có một tính tình riêng.
 
Các cụ ta ngày xưa thường bảo:

- Cha mẹ sinh con, trời sinh tánh.

Còn ngày nay, với những tiến bộ về khoa học và kỹ thuật bàn dân thiên hạ đã khám phá ra rằng : Tính tình của mỗi con người được hình thành bởi nhiều yếu khác nhau, chẳng hạn như yếu tố di truyền, yếu tố xã hội, yếu tố giáo dục…

Thành thử rất nhiều khi hai anh em ruột, cùng sinh ra do một cha một mẹ, cùng sống dưới một mái ấm gia đình, cùng trải qua một quãng đời với những tình huống như nhau, thế mà tính tình lại hoàn toàn khác biệt, nếu không muốn nói là đối chọi nhau như lửa và nước, như ánh sáng và bóng tối. Đứa thì hiền lành và dịu dàng, còn đức thì lại tàn bạo và độc ác. Đứa thì chăm chỉ và siêng năng, còn đứa thì lại lười biếng và trễ nải…

Cái tâm tính bên trong nhiều khi đã ảnh hưởng nặng nề tới cái nhìn và cách đánh giá của chúng ta, như trong truyện Kiều, Nguyễn Du đã viết:

- Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.

Thực vậy, người lạc quan nhìn đời bằng cặp kính màu hồng, nên thấy mọi sự đều dễ thương và dễ mến, còn lòng mình thì tràn ngập những vui mừng và hy vọng.

Trong khi đó kẻ bi quan nhìn đời bằng cặp kính màu xám, nên thấy mọi sự đều tăm tối và dễ ghét, còn lòng mình thì chất đầy những chán nản và thất vọng.
 
Nhận định thứ ba, đó là vì nhìn vấn đề dưới những góc độ khác nhau, nên mỗi người cũng có một lập trường, một quan điểm khác nhau.
 
Chuyện rằng : có năm anh mù cùng sờ vào một con voi.

Anh sờ vào cái vòi thì nói:

- Con voi là một con đỉa khổng lồ.

Anh sờ vào cái tai thì bảo:

- Con voi là một chiếc quạt thật lớn.

Anh sờ vào cái chân thì xác quyết:

- Con voi là một chiếc cột nhà.

Anh sờ vào cái bụng thì phát biểu:

- Con voi là một cái trống.

Còn anh sờ vào cái đuôi thì tuyên bố:

- Con voi là một cây chổi.

Cả năm anh đều dứt khoát cho mình là đúng, còn người khác là sai. Đúng thì có đúng, nhưng đó không phải là tất cả sự thật.

Hơn thế nữa, khi đánh giá sự việc, chúng ta không nhiều thì ít, cũng đã bị chi phối bởi những yếu tố bên trong và bên ngoài, nên thường chủ quan.

Cùng làm một chuyến du lịch lên Đalạt, thế nhưng khi về, người thì nói:

- Đalạt thật tuyệt vời và thơ mộng. Phong cảnh thì đẹp đẽ, còn khí hậu thì mát mẻ.

Trong khi đó, kẻ lắc đầu chán ngán:

- Đàlạt buồn tênh. Mưa rơi suốt ngày, chẳng dám thò mặt đi tới đâu cả. Mới chập tối mà phố xá đã vắng hoe.

Cũng vì thế, ca dao Việt Nam đã diễn tả:

 
- Ở sao cho vừa lòng người,
Ở rộng người cười, ở hẹp người chê.
Cao chê ngỏng, thấp chê lùn,
Béo chê bét trục, béo tròn,
Gầy chê xương sống, xương sườn phơi ra.

Từ những nhận định trên, gã bèn đi tới một kết luận: Chúng ta không thể nào sống cô độc lẻ loi như một hòn đảo giữa biển khơi, hay như một pháo đài biệt lập, trái lại chúng ta sống là sống với người khác. Và trong cuộc sống chung này, chúng ta không thể nào tránh đi cho hết những va chạm và những buồn phiền.

Đứng trước những va chạm và buồn phiền ấy, chúng ta thường có hai thái độ. Một là chấp nhận rồi quên đi và tha thứ, nhờ đó tạo được một bàu khí hòa thuận và bắc được một nhịp cầu cảm thông, vì một sự nhịn là chín sự lành.

Hai là bực bội và tức tối, rồi chửi bới lẫn nhau, tạo nên một bầu khí căng thẳng và đi đến chỗ đổ vỡ:

 
- Bên thẳng thì bên phải chùng,
Hai bên đều thẳng, thì cùng đứt dây.

Tiếp nối vào những nhận định trên, gã xin bàn đến việc chửi bới lẫn nhau. Theo gã nghĩ bới là moi móc tìm kiếm, còn chửi là biểu lộ sự bực tức bằng những lời lẽ tục tĩu. Như vậy, chửi bới là lôi những khuyết điểm của người khác ra mà phê bình chỉ trích bằng một thứ ngôn ngữ cộc cằn và thô lỗ.
 

Nhìn vào xã hội hiện nay, gã xin ghi nhận một vài loại chửi bới chính yếu sau đây:
 
Trước hết là chửi bới bằng tiếng nói
 
Ngôn ngữ và tiếng nói chính là một thứ quà tặng, Thượng Đế trao ban cho con người, để biểu lộ những ước muốn, để chia sẻ những ý nghĩ, nhờ đó mà hiểu nhau hơn, cũng như nhờ đó mà xích lại gần nhau hơn.

Thế nhưng, con người đã biến thứ quà tặng quí giá này thành một phương tiện để sai lỗi, bởi vì với ngôn ngữ và tiếng nói, con người có thể vấp phạm bất kỳ ở đâu, bất kỳ lúc nào và bất kỳ với ai, trong đó có sự chửi bới.

Đối với với những kẻ nhát gan, không đủ can đảm biểu lộ sự bực tức ra bên ngoài, bèn nuốt giận mà chửi lén hay chửi thầm.

Chửi lén là chửi sau lưng, là chửi lúc người ta vắng mặt. Họ giống như hội đồng nhà chuột. Căm thù trước sự dã man của mấy lão mèo, dòng họ nhà chuột đã họp hội đồng và trong cuộc đại hội này, từ tên chuột cống đến tên chuột nhắt, tất cả đều to mồm chửi bới mấy lão mèo.

Thế nhưng, khi mấy lão mèo xuất hiện, thì họ hàng nhà chuột đều mạnh ai nấy trốn, bỏ của chạy lấy người. Giá như có một tí trí khôn để suy nghĩ, thì không thiếu những tên chuột khom lưng quì gối mà nịnh bợ mấy lão mèo.

Còn chửi thầm là chửi âm ỉ trong cõi lòng của mình mà không phát thành tiếng thành lời, bản lãnh lắm thì cũng chỉ lẩm bẩm nơi cửa miệng mà thôi. Nhiều khi cơn giận làm cho thâm gan tím ruột, mà bản mặt thì vẫn cứ phải tươi cười, cho dù cái cười có quay quắt và héo hắt.

Tiếp đến, đối với những kẻ bạo phổi thì sự bực tức được phát tiết ra bên ngoài, nhất là nơi miệng lưỡi bằng những lời lẽ cộc cằn và thô lỗ. Đồng thời, tùy theo đối tượng được nhắm tới, gã có thể chia loại chửi này thành chửi trực tiếp và chửi gián tiếp.

Chửi trực tiếp, chửi trực diện, hay chửi trực tuyến nói theo ngôn ngữ tin học, là chửi thẳng vào mặt đối phương, chẳng cần phải nể nang, chẳng cần phải rào trước đón sau. Những “lời hay và ý đẹp” cũng như những món “cao lương mỹ vị” cứ tuôn ra ào ào, khiến cho đối phương bị tối tăm mặt mũi chẳng biết đâu mà đỡ. Nếu không có nội lực thâm sâu, thì chắc chắn sẽ bị…sụm bà chè mất thôi. Kiểu chửi này được bàn dân thiên hạ gọi chửi tưới hột sen, chửi như tát nước.

Chửi gián tiếp là chửi bâng quơ bằng cách cứ gào to giữa làng và giữa xóm, giữa đường và giữa phố, để cho ai có tật thì phải giật mình. Ta cứ rút dây cho rừng phải động. Ta cứ nổ sấm bên đông cho động tới bên tây. Ta cứ nói đấy để cho đây phải chạnh lòng. Vì thế, kiểu chửi này được bàn dân thiên hạ gọi là chửi đổng, chửi khống, chửi lông bông, chửi xiên chửi xéo…
 
Tiếp đến là chửi bới bằng chữ viết
 
Chửi bới nhau bằng tiếng nói, bằng ngôn từ, khiến cho đương sự nhiều lúc mỏi cả miệng và khan cả cổ, vì thế người ta bèn đổi chiến thuật, thay vì chửi bới bằng tiếng nói, bằng ngôn từ thì đi chửi bới nhau bằng chữ viết.

Cách thức thông thường hơn cả là viết những bức thư trong đó dùng những lời lẽ khó nghe mà mạt sát, hầu tố giác lỗi phạm của đối phương với bề trên hay với nhà nước.

Những bức thư chửi bới kiểu này thường không được ký tên. Còn nếu có ký, thì lại không phải là tên của mình, nhưng sử dụng một cái tên chung chung, ai muốn hiểu sao thì hiểu, chẳng hạn như : một nhóm giáo dân, những người thiện chí…Vì thế, gã xin gọi những bức thư loại này là thư nặc danh.

Nếu muốn cho bàn dân thiên hạ đều được biết sự xỉ vả của mình, thì những bức thư nặc danh ấy được in ra thành nhiều bản, rồi lợi dụng lúc đêm hôm khuya khoắt, khi mọi người đang yên giấc, thì âm thầm nhét vào nhà bà con lối xóm, hay tung vãi ngoài đường phố, theo kiểu rải truyền đơn. Vì thế, gã xin gọi những bức thư tình cờ lượm được này là thư rơi, thư rớt.

Những bức thư nặc danh, hay rơi rớt như thế thường tạo nên một sự tò mò. Người chưa đọc, thì tìm đọc để biết. Người đã đọc thì chuyền cho người khác cùng xem với lời căn dặn:

- Vì là chỗ thân quen, tôi mới cho anh hay, nhớ giữ kín, đừng bật mí với ai nhé.

Và rồi cứ vậy, cứ vậy những lời chửi bới được loan đi rất nhanh, tạo nên một dư luận xấu, xúc phạm đến danh dự người khác một cách nặng nề.

Nếu suy nghĩ một chút, chúng ta sẽ nhận ra tác giả của những bức thư ấy chỉ là một kẻ ấu trĩ và thiếu trưởng thành. Thực vậy, khi gặp phải những sự chướng tai gai mắt trong cuộc sống, chắc chắn chúng ta sẽ không thể nào bỏ qua. Thế nhưng, điều quan trọng lại chính là phản ứng và thái độ của chúng ta trước những sự chướng tai gai mắt này.

Người trưởng thành, thay vì chửi bới cho khoái cái lỗ miệng của mình, thì tìm cách khắc phục.
 
Chẳng hạn gặp gỡ người ta, rồi dùng những lời lẽ ôn tồn và tế nhị, để trình bàysự việc, cũng như để góp ý xây dựng. Làm như vậy, vừa giữ được danh dự cho người ta, vừa tạo được một bàu khí hòa thuận cảm thông, lại vừa giúp nhau thăng tiến bản thân.

Ngoài ra, tác giả của những bức thư ấy còn là một kẻ hèn nhát, ném đá dấu tay và không dám chịu trách nhiệm về những gì mình đã viết. Chỉ biết bôi tro trát trấu lên mặt người ta và dìm người ta xuống tận bùn đen, chẳng kể gì đến những hậu quả gây ra.

Theo thiển ý của gã, những bức thư nặc danh, hay rơi rốt này chẳng có một giá trị gì cả. Chúng ta không nên đọc. Và nếu có đọc thì sau đó liệng ngay vào thùng rác, vì chúng chỉ làm bẩn tai, bẩn mắt của mình mà thôi.

Cũng trong phạm vi chữ viết, gã thấy người ta còn lôi nhau lên báo chí mà chửi bới, để sự mạt sát của mình được phổ biến sâu rộng hơn.

Tuy nhiên, đây cũng có thể là một cái mánh để làm tiền của những tên nhà báo bất lương. Hồi trước năm 1975, gã đã từng chứng kiến những sự việc như vậy xảy ra.

Đầu tiên, tên nhà báo bất lương này đi thu thập tài liệu và chứng cớ. Sau đó, hắn ta về tòa soạn và ngồi rung đùi viết một loạt bài, được gọi là phóng sự điều tra.

Bài thứ nhất hắn ta chỉ nói bóng nói gió, nói xa nói gần, bằng cách đưa ra một vài nét chấm phá, hay một vài hoàn cảnh đại cương về nhân vật mà hắn ta sẽ…phang. Bài này được gọi là bài rung cây.

Nếu nhân vật được đề cập tới, thường là những vị tai to mặt lớn, bỗng cảm thấy nhột nhạt như đang được cù léc, hay vì yếu bóng vía mà sợ bị sao quả tạ chiếu tướng, thì liền ba chân bốn cẳng tìm đến tên nhà báo này để lo lót.

Nếu số tiền lo lót đạt chỉ tiêu hắn đưa ra, thì vấn đề sẽ được chìm xuồng, bằng không thì hắn sẽ tiếp tục phang tới với những lời lẽ sặc mùi đạo đức:

- Với tất cả lương tâm nghề nghiệp, tôi sẽ không bao giờ bẻ cong ngòi bút.
 
Sau cùng là chửi bới trên mạng
 
Trong những năm gần đây, lãnh vực tin học đã tiến được những bước khổng lồ. Con số những người sử dụng máy vi tính mỗi ngày một gia tăng và mạng lưới internet đã mang tính cách toàn cầu, bao phủ “cả và trái đất”.

Với internet, việc thông tin được phổ biến hết sức mau lẹ. Chẳng hạn mới ban chiều người ta khám phá ra trên khuôn mặt bức tượng Nữ Vương Hòa Bình tại nhà thờ Đức Bà Saigon, có một vệt nho nhỏ nơi khóe mắt…thì chỉ vài giờ sau, mấy tên bạn ở bên Mỹ đã gửi về cho gã những bài tường thuật nóng hổi và những hình ảnh mới nhất về bức tượng này.

Với internet, việc thông tin được phổ biến hết sức rộng rãi. Chỉ cần nhắp con chuột và trong nháy mắt, một “email” được gửi tới hàng ngàn người. Và trên những trang “Web”, bàn dân thiên hạ khắp bốn phương trời, đều có thể lên và đọc những bài viết được lưu giữ trên đó.

Vì thế, ngày nay người ta cũng chửi bới nhau bằng internet, bằng mạng lưới thông tin toàn cầu, qua những email và những trang “Web”.

Người chửi cố moi móc những sai lỗi, rồi mạt sát đối phương, khi bằng những ngôn từ đao to búa lớn, khi thì bằng những tiếng nói cộc cằn thô lỗ. Người bị chửi liền phản ứng lại cũng không kém phần gay gắt. Bàn dân thiên hạ thấy vậy cũng về hùa với nhau mà chửi theo. Thành thử anh chửi, tôi chửi và chúng ta cùng chửi.

Cụ thể là trong những ngày gần đây, gã đã được đọc quá nhiều những bài viết Giáo Hội Việt Nam, về Hội Đồng Giám Mục và về các đấng các bậc. Thiện chí góp ý xây dựng thì ít, mà chê bai, hằn học thì lại nhiều.

Đau hơn nữa, những người chửi bới ấy lại là những người con của Giáo hội. Họ cũng treo bảng hiệu thao thức và gắn bó với Giáo hội, để rồi đả phá Giáo hội. Họ cũng mang Thánh Kinh ra, nhưng cốt để dạy cho hàng giáo phẩm một bài học, chẳng hạn như : Phải chu toàn trách nhiệm ngôn sứ.

Đọc những bài viết ấy, gã có cảm tưởng như mình chỉ là một anh mù sờ voi : Cái đúng của mình mới chỉ là một cái đúng phiến diện và chủ quan, chứ chưa phải là một cái đúng toàn diện và khách quan. Mỗi hoàn cảnh có những khó khăn riêng của nó, không thể lấy cái khuôn mẫu chỗ này mà áp đặt lên chỗ kia.

Đọc những bài viết ấy, gã có cảm tưởng như mình chỉ là một con chim nhỏ đang ở trong một chiếc lồng, đã bị những con chim khác, đang được tự do bay lượn giữa bàu trời xanh, quay lại và rủa sả:

- Sao mày ngu thế, sao mày hèn thế, sao mày nhát thế.

Con chim nhỏ tội nghiệp và đáng thương. Nó chỉ biết cúi mặt và thầm nghĩ:

- Các anh thử vào trong lồng đi, rồi hãy nói.

Trước tình trạng chửi bới nhau tùm lum như vậy, gã xin đưa ra hai thái độ như một kết luận:
 
Trước hết là đối với người chửi.
 
Như gã đã trình bày: Nhân vô thập toàn. Ai mà chẳng có những sai lỗi. Biết mình sai lỗi, nhưng được chúng ta thông cảm và góp ý xây dựng, người ta sẽ mến phục và biết ơn.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải tự vẫn lương tâm xem: Chửi bới người ta như vậy, nhưng liệu mình có sạch hơn chăng ?

Hay như ca dao đã diễn tả:

- Việc người thì sáng, việc mình thì quáng.

- Chân mình những phẩm lễ nhê,
Lại cầm bó đuốc mà rê chân người.

Hay như Chúa Giêsu cũng đã cảnh cáo :

- Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái xà trong mắt ngươi trước đã, rồi sau mới lấy cái rác trong mắt anh em.

Hãy biết mình, chứ đừng vội dĩ mũi, dây mình vào chuyện người khác, đã không có lợi mà còn gây thêm thù oán.
 
Tiếp đến là đối với người bị chửi
 
Hãy bình tĩnh kiểm điểm lại cuộc sống. Nếu những lời chửi bới ấy mà đúng, thì đây là một tiếng chuông cảnh tỉnh được gửi đến để cảnh tỉnh và thúc đảy chúng ta uốn nắn sửa đổi lại.

Bởi vì :

- Ai khen ta mà khen phải, đó là bạn ta. Còn ai chê ta mà chê phải, đó là thầy ta.

Tác giả: Gã Siêu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập359
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm356
  • Hôm nay39,826
  • Tháng hiện tại1,158,370
  • Tổng lượt truy cập58,444,239
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây