Vụ việc mới nhất liên quan tới đất đai của Đền thánh Trại Gáo cùng với những phản ứng trái chiều khiến dư luận xôn xao, bàn tán và lòng người thì bị chia rẽ.
Tôi không phải là người trong cuộc, cũng không hiểu rõ sự tình, do đó mục đích viết bài này không phải là để bênh vực hay bảo vệ ai. Tôi chỉ xin gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh về sự chậm trễ và lúng túng của truyền thông Công giáo trong việc xử lý các cuộc khủng hoảng truyền thông gần đây.
Chúng ta rất tự hào có đội ngũ làm truyền thông đông đảo. Đó là các thành viên của các ban truyền thông khắp các giáo phận và nhiều dòng tu. Các khóa huấn luyện, đào tạo và trau dồi kỹ năng, chuyên môn vẫn đều đặn diễn ra nhưng hình như tôi có cảm tưởng truyền thông công giáo luôn rơi vào thế bị động khi đối diện với các sự kiện nóng liên quan tới giáo hội. Xin liệt kê ra một vài sự kiện truyền thông quan trọng mà cá nhân tôi cảm thấy lẽ ra truyền thông công giáo có thể làm tốt hơn vai trò của mình trong những năm gần đây: Vụ hạ giải nhà thờ chính Tòa Bùi Chu, vụ sát hại cha Giuse Trần Ngọc Thanh, vụ truyền chức cho anh Hồ Hữu Hòa và mới nhất vụ việc liên quan tới đất đai ở Đền Thánh Trại Gáo.
Có người khuyên nên cẩn trọng trước những nấm mồ truyền thông của fake news trên mạng. Nhưng có lẽ, tiên trách kỉ hậu trách nhân, để xảy ra tình trạng những nấm mồ mọc lên như nấm âu một phần cũng là do truyền thông chính thống không làm tròn bổn phận ngôn sứ của mình. Qua số ít các sự kiện kể trên, tôi cảm thấy thật đáng buồn cho người đọc tin Công giáo trong nước khi họ thiếu vắng các nguồn tin chính thống dám đưa tin cập nhật và chỉ có thể theo dõi diễn tiến vụ việc qua những thông tin ban đầu, đến từ những nguồn tin không chính thống, từ những cá nhân mà thôi. Tuy không chính thống, nhưng tin tức lại nhanh chóng, cập nhật, dù độ chính xác thì cần phải kiểm chứng thêm.
Trong nhiều vụ việc khác nữa không tiện kể tên, tôi cảm thấy có hai phương thế được nhiều nơi sử dụng: Một là phớt lờ, coi như không có gì xảy ra, để mặc dư luận râm ran. Hai là khi không thể làm thinh trước những bức xúc của dư luận, người ta chữa cháy bằng việc tìm các lý lẽ thanh minh giải thích. Nhưng thường thì việc chữa cháy xem ra là luôn muộn màng và không đủ sức xoa dịu dư luận cũng như lòng tin đã bị tổn hại không ít thì nhiều.
Bất kỳ vụ việc nào tôi cũng nhận được những lời khuyên: Các đấng khôn ngoan, cẩn trọng nên không vội vàng, phải kiên nhẫn chờ đợi. Có người nói: Đây là vụ việc nhạy cảm, cần thời gian để xác minh.
Tôi thì thấy, người đọc tin Công giáo không cần một bản hồ sơ chi tiết của vụ việc, họ cần một tiếng nói chính thức đến từ phía giáo quyền, để trấn an dư luận. Một lá thư thông báo kịp thời về các sự kiện đang diễn ra, một vài điều liên quan để cho thấy các đấng vẫn đang lo lắng và giải quyết sự việc, liệu có phải là quá sức, quá khó, quá nhạy cảm để lòng người giáo dân được yên tâm? Tại sao cứ để hỏa hoạn xảy ra rồi mới cuống cuồng đi dập lửa?
Ở vào cái thời mà một tích tắc là lên phây và chỉ một cú click là nhiều sự cố, vấn đề, sự kiện tiêu cực phát sinh ngoài tầm kiểm soát có thể bùng lên thành những đám cháy lớn. Thiếu sự chuẩn bị, thiếu sự xử lý kịp thời, giáo hội sẽ phải lãnh những thiệt hại nặng nề. Vụ việc ở một nơi, nhưng chắc chắn luôn gây xôn xao, xáo động ở rất nhiều nơi khác vì thế tình trạng đèn nhà ai nhà ấy tỏ của truyền thông công giáo sẽ còn gây nhiều hậu quả tiêu cực trong hiện tại và tương lai.
Bài học về xử lý khủng hoảng truyền thông có lẽ người đời làm tốt hơn chúng ta. Đúng là: Con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng.
Tôi trăn trở với câu hỏi nhức nhối: Liệu truyền thông công giáo có mang tính ngôn sứ hay chăng khi luôn đi sau mọi sự việc được dư luận quan tâm?
Nguồn: FB Duc Trung Vu Cssr