Di sản văn hóa của một người cha: “Trở nên Việt Nam với người Việt Nam” [1]

Thứ hai - 18/12/2023 08:33
Trước khi chết vị Hồng Y Việt Nam thân yêu của chúng ta, Phanxicô Xaviê, đã ghi lưu nhiều tấm gương cho chúng ta soi chung, không phải của chính ngài, mà của những bậc thánh hiền tiền bối, tổ tiên thân xác hay tinh thần của chúng ta.
dhy van thuan
 

DI SẢN VĂN HÓA CỦA MỘT NGƯỜI CHA
TRỞ  NÊN VIỆT NAM VỚI NGƯỜI VIỆT NAM

Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Tổng Giám Mục:
Những Người Lữ Khách Trên Đường Hy Vọng
 
 
Spes-Divine Compassion Publications
A Collaboration Ministry of Spes & The Sisters of The Divine Compassion
22 Crane Ave, White Plains, N.Y. 10603
ISBN: 0-9629104-0-6), 1990, 15x26cm.
 
Hòa Giang Đỗ Hữu Nghiêm sắp đặt, tổng hợp, giới thiệu
 
Đó đây trong quá trình lữ thứ trần gian ở ngay trên đất nước Việt Nam, hoa thơm cỏ lạ không thiếu. Tất cả những hy sinh, khôn ngoan, thánh thiện mà người ta chứng kiến trên thế giới đều có thể tìm thấy những mẫu mực tuyệt vời trong cuộc sống hằng ngày ở ngay trên quê hương thân yêu Việt Nam. Trên đất mẹ hiền, không thiếu những bóng hình người mẹ gầy gò, tần tảo, một nắng hai sương, vô danh, âm thầm, không cần ai ca tụng, không màng lợi danh như những con thoi tham vọng, chỉ với chiếc nón lá, với chiếc áo nâu xồng đầy mùi đất lem luốc, cùng con trâu, cây cuốc trên đồng ruộng. Người mẹ ấy là tất cả Tình Yêu Vị Tha! Ôi, Mẹ Việt Nam!

Trước khi chết vị Hồng Y Việt Nam thân yêu của chúng ta, Phanxicô Xaviê, đã ghi lưu nhiều tấm gương cho chúng ta soi chung, không phải của chính ngài, mà của những bậc thánh hiền tiền bối, tổ tiên thân xác hay tinh thần của chúng ta. Ngày nay chúng ta nói nhiều về “hội nhập văn hóa” như một phong trào. Danh từ thì mới, nhưng thực ra không có gì mới mẻ khác lạ dưới gầm trời của ánh sáng màu nhiệm Nhập Thể.

Thực thể hội nhập văn hóa ấy đã và đang diễn ra và được nối tiếp thầm lặng nhưng mãnh liệt như một vết dầu loang không sức nào ngăn cản nổi, trong các thế hệ Kitô giáo, từ nguyên thủy cho tới nay, dưới muôn vàn màu sắc phong phú đa dạng, trong lịch sử thế giới lan tỏa bắt nguồn từ cộng đồng Kitô. Tinh thần ấy đã được kết tóm gọn gàng qua Tin Mừng của Đức Chúa Trời thể hiện trong ngôn ngữ loài người của Phaolô: “Trở Nên Tất Cả Cho Tất Cả” [“Omnia Omnibus Factus Sum”] mà cộng đồng Công giáo tuyên xưng: “Và Ngôi Lời đã Nhập Thể” [Et Verbum Caro Factum Est].

Hãy tìm trong kho tàng văn hóa Việt Nam trong cuộc lữ hành cùng với vị thánh hiền chung của dân tộc chúng ta, những gương sáng đáng kính yêu, nhân kỷ niệm đệ tam chu niên ngày sinh của ngài vào Cõi Chúa (16/9/2002-2005).

Nương theo tinh thần và phương pháp của sứ đồ Phaolô khi bị giam cầm xưa kia, trong nhà tù, Đức Cha P.X. Nguyễn Văn Thuận nhắn nhủ để chia sẻ, nâng đỡ và hướng dẫn giáo dân của ngài sống Tin Mừng trọn vẹn trong giây phút hiện tại. Ôn lại những tâm tình thánh thiện để áp dụng trong mọi ngõ ngách của cuộc sống Kitô hữu là một cách kỷ niệm có ý nghĩa thiết thực nhất, tập trung vào chủ đề Lòng Mến Chúa Yêu Người bằng trái tim Dân Tộc Việt Nam.
 
1. RA ĐI KHỞI ĐẦU CUỘC LỮ HÀNH
 
(1) Bước Qua Mình Song Thân

Chân Phước Charles Cornay đã từ bỏ gia đình theo tiếng Chúa gọi. Một hôm trên đường truyền giáo, lúc xe lửa dừng lại ở một ga gần làng của ngài, cha mẹ và tất cả anh chị em ngài đều ra đó để đón thăm. Vì quá thương con, cha mẹ ngài đã ngã lăn trên đường, ngăn cản không cho ngài đi tiếp. Cornay can đảm bước qua mình cha mẹ mà ra đi. Ngày 22.9.1837, ngài đã chịu Tử Đạo với án lăng trì tại Sơn Tây, Bắc Việt.

(2) Cha Benoît Lên Núi Phước Sơn

Ra đi là một sự lột xác, hy sinh cả nếp sống cũ. Ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời 15.8.1918, cha Benoît (Cố Thuận) cùng với một số anh em linh mục mở một bữa tiệc gia đình cuối cùng, có đầy đủ thịt, cá, rượu. Sau bữa ăn đó, ngài từ biệt nếp sống cũ ra đi cùng với một người bạn, tiến lên thẳng núi Phước Sơn, Quảng Trị, khai phá một đám rừng đang có cọp ăn mồi ở trong. Đêm ấy, hai người che lều ngủ tạm, và sáng mai bắt đầu một nếp sống mới: không ăn thịt, không uống rượu, hút thuốc, chỉ biết lấy hy sinh hãm mình, cầu nguyện và xay lúa, giã gạo, tự lực cánh sinh. Ngài đã thu hút nhiều kẻ đến sống, cầu nguyện và hy sinh như ngài.

(3) Quyết Không Giả Vờ

Thánh Micae Hồ Đình Hy (1808-1857) quê ở Nhu Lâm, Thừa Thiên, là một giáo dân đạo đức, bác ái, một vị quan thanh liêm, chính trực, được thăng đến hàng tam phẩm, trông coi mọi việc trong đền vua.

Cuối năm 1856, một số quan triều bị ngài ngăn chặn trong việc làm bất chính, đã tố cáo ngài với vua Tự Đức. Ngài bị bắt với một lý do duy nhất: Theo Đạo Gia-tô, trái lệnh triều đình. Trong chốn ngục tù, ngài bị hành hạ tra tấn quá sức, khiến nhiều vị quan đồng nghiệp vốn đã quí mến đức độ của ngài giả vờ chối đạo để được tha, rồi sau đó lại tiếp tục sống đạo…

Hồ Đình Hy cương quyết không giả vờ. Ngày 22.5.1857, ngài đã đổ máu đào chết vì đạo Chúa tại An Hòa, Huế.

2. BỔN PHẬN LÀM NGƯỜI KITÔ

(1) Đức Cha Seitz Và Bổn Phận

Đức Cha Phaolô Seitz (Kim) luôn hiện diện giữa giáo dân. Vào năm 1972, khi những trận đánh giải phóng Kontum bùng nổ ác liệt, ngài vẫn lái xe đi cứu thương dưới làn bom đạn. Một phóng viên ngoại quốc phỏng vấn ngài trên cảnh đổ nát hoang tàn:

Đức Cha không sợ sao?

Tôi không sợ”, ngài trả lời.

Nhưng ngẫm nghĩ một lát, ngài nói tiếp:

Không, tôi chưa nói đúng sự thật. Tôi sợ lắm chứ! Nhưng vì bổn phận, tôi sẵn sàng sống chết với giáo dân của tôi”.

(2) Bác Sĩ Longet

Bác sĩ Longet là một bác sĩ người Pháp đã từng phục vụ ở Việt Nam cách đây mấy mươi năm và cũng nổi tiếng như bác sĩ Tom Dooley người Mỹ đã phục vụ ở Đông Nam Á. Ông tận tụy săn sóc, yêu thương các bệnh nhân trong bệnh viện mình, bất kể giai cấp tôn giáo, chủng tộc, ngày cũng như đêm (ông thánh hóa bổn phận).

Được hỏi:
Vì sao ông quý bệnh nhân đến thế?” “Vì sao ông có thể bỏ ăn, bỏ ngủ vì bệnh nhân, xem bệnh nhân là trên hết?

Ông đáp:
Vì thấy Chúa Giêsu trong mỗi người bệnh.” (Ông thánh hóa mình trong bổn phận)

Mỗi sáng, khi đi dự lễ, bệnh nhân lương giáo ai muốn đi, ông đều cho đi. Mỗi chiều Chúa nhật, ông lại cho các bệnh nhân đi chơi, tham quan nơi này, nơi nọ. Và mỗi tối, ông lần chuỗi chung với bệnh nhân Công giáo. Vì là người Pháp, ông chỉ thuộc các kinh Lạy Cha, Kính Mầng, Sáng Danh đủ để lần hạt chung với họ là những người khác quốc tịch (ông thánh hóa người khác nhờ bổn phận).

Ít lâu sau, Longet trở về lại Pháp, vào Chủng viện dâng mình làm linh mục và tình nguyện sang phục vụ những người nghèo khổ nhất ở giáo phận Cần Thơ. Nhưng tiếc thay, sau khi chịu chức, ông bị bệnh và qua đời trước khi tới nơi mong ước.

3. BỀN CHÍ TIẾN TỚI

(1) Đức Cha François Pallu

Vào thế kỷ XVII, Tòa Thánh đã phong hai vị Giám mục là Đại diện Tông tòa đầu tiên: Đức Cha Lambert de la Motte, phụ trách Đàng Trong kiêm Campuchia, Lào Thái Lan, và Đức Cha François Pallu, phụ trách Đàng Ngoài, kiêm Trung Quốc, Triều Tiên. Thật là một khu vực rộng lớn không thể tưởng tượng: Dưới quyền Đức Cha F. Pallu, chỉ có một ít vị thừa sai, không có một vị linh mục Việt Nam nào, xứ sở lại đang ở trong tình trạng cấm cách khốc liệt. Từ Pháp, Đức Cha từ giã gia đình ngày 3.1.1662, dùng tàu buồm vượt qua Trung Hải, rồi men theo đường bộ một thời gian lâu dài, qua hết các nước Trung Đông, vịnh Ba Tư, Ấn Độ mới đến Thái Lan. Năm 1670, trên đường đến Bắc Việt, lúc đi ngang qua Huế, thuyền của ngài bị đánh giạt vào Philippin, ngài bị người Tây Ban Nha bắt. Sau ba tháng, lại bị đày vòng qua Thái Bình Dương, vượt cả Đại Tây Dương, đến Tây Ban Nha. Tuy gian khổ ê chề, nhưng tim ngài vẫn chói sáng một niềm hy vọng:

“Tôi phải mang Phúc Âm đến tận Trung quốc.”

Vừa được trả tự do, ngài tìm mọi cách để đến Bắc Kinh, và cuối cùng thân xác ngài được chôn vùi tại đây theo như người tôi trung của Chúa hằng mơ ước. Một câu hỏi của ngài đáng cho chúng ta ghi nhớ:

Tôi tự cho mình hạnh phúc nếu có thể đem xương cốt mình bắc một cầu tới Bắc Việt và tới Trung quốc!

4. SIÊU NHIÊN THEO ÁNH SÁNG LƯƠNG TRI

(1) Dàn Xếp Lương Tâm

Trước kia, Giáo hội Việt Nam có luật buộc ngày thứ sáu phải kiêng thịt. Ông nọ vào quán, biết quán có cá, nhưng ông thích ăn thịt hơn. Vừa kéo ghế ngồi, ông gọi một loạt tên các thứ cá mà ông biết chắc chắn chẳng bao giờ có:

Cho tôi đĩa cá sấu! Cho tôi đĩa cá voi!

Chủ quán luôn miện đáp:

Không có! Không có!

Thế rồi ông tự nhủ:

Lạy Chúa, Chúa biết cho con. Con đã làm hết sức, để gọi nhiều thứ cá mà chẳng có. Thôi! Con đành phải gọi một tô phở thịt bò tái mà ăn trong ngày thứ sáu kiêng thịt vậy!

Cầu nguyện xong, ông ta thi hành liền “theo đúng sự dàn xếp của lương tâm”.

5. HY SINH ĐẾN TẬN CÙNG

(1) Hy Sinh Để Cám Ơn Chúa

Hôm đó, trên chuyến bay từ Ý qua Mỹ, mang theo một số Giám mục mới đi dự Công đồng Vatican II về, có một cô chiêu đãi viên rất đẹp. Sau chuyến bay, cô rất bực mình vì một đôi mắt cứ nhìn chòng chọc vào cô, và đôi mắt đó không là của ai khác hơn là Đức Cha Fulton Sheen, vị tông đồ lừng danh của nước Mỹ. Khi phi cơ hạ cánh, và đợi cho các hành khách xuống hết, vị Giám mục mới tiến đến trước mặt cô, nói nửa nghiêm trang nửa bông đùa:

Cô đẹp lắm! Cô hãy cảm ơn Chúa vì đã cho cô đẹp!

Vài hôm sau, có tiếng gõ cửa văn phòng của Đức Cha Fulton Sheen, cô chiêu đãi viên hôm nọ xuất hiện. Nàng vào đề liền:

Câu nói của Đức Cha làm con suy nghĩ mãi. Con phải cám ơn Chúa thế nào?

Cô biết Trại Cùi Di Linh ở Việt Nam chứ?

Vâng! Con đọc báo có nghe đến!

Chúa đã lấy hết sắc đẹp của những người cùi ở đó mà ban cho cô. Cô hãy qua bên đó mà an ủi họ.

Chỉ từng ấy! Cô chiêu đải viên sau đó trút bỏ cả tương lai huy hoàng, khoác bộ áo nữ tu, và sau một thời gian tập sự học hỏi, đã tình nguyện sang Việt Nam phục vụ, ngay giữa những người cùi Di Linh, để cám ơn Chúa vì đã ban cho mình sắc đẹp.

5. ĐỨC TIN ANH DŨNG CỦA TỔ TIÊN

(1) Đức Tin Tiên Tổ

Suốt ba thế kỷ liền, kể từ năm 1533, Phúc Âm của Chúa đến Việt Nam cùng với Thánh giá Chúa. Biết bao tín hữu Chúa bị lưu đầy, bị chiếm đoạt tài sản, lẩn lút trong rừng sâu nước độc, cam chịu mọi đau khổ để trung thành với đức tin. Cho đến cuối thế kỷ XIX, ta có thể tính được trên 130.000 đấng thuộc mọi thành phần đã được diễm phúc Tử Đạo. Trong số đó có 117 vị đã được các Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, Piô X và Đức Piô XII phong lên bậc Chân phước. Và ngày 19.6.1988 Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã tôn phong các ngài lên bậc Hiển thánh. Chúng ta có thể chia ra như sau:

Đời Trịnh Doanh: 02 vị
Đời Trịnh Sâm:     02 vị
Đời Cảnh Thịnh:   02 vị
Đời Minh Mạng:   57 vị
Đời Thiệu Trị:       03 vị
Đời Tự Đức:          51 vị

Thành phần các Thánh ấy:

08 Giám mục
50 Linh mục
16 Thầy giảng
01 Chủng sinh
42 Giáo dân 

Giáo Hội Việt Nam ta nghèo nàn không sánh được với các Giáo hội Âu Mỹ, nhưng chúng ta cũng hãnh diện về lòng trung thành sắt son với Đạo Chúa của Tổ tiên ta: Ba thế kỷ bắt bớ, tù đày và trên 130.000 Đấng Tử Đạo.

(2) Gương Sống Đạo Của Tiền Nhân Chúng Ta

Trên đây cha đã nhắc sơ đến sự hy sinh vì đức tin của ông bà tổ tiên chúng ta, nói đến số lượng và thành phần của các thánh Tử Đạo. Nay mô tả chi tiết các hình khổ đã dành cho các ngài. Như nào là có những giáo xứ (ở Quảng Trị) bị lính lùa vào nhà thờ, rồi chất rơm chung quanh đốt cháy tất cả. Nào là cả Nhà Dòng Mến Thánh Giá Phan Rang bị vứt xuống giếng và lấp đất chôn sống đi. Nào là có những thiếu nữ Công giáo non yếu bị đưa về Huế phạt gia hiệu, phơi nắng ngày này sang ngày khác, rồi chặt một ngón tay trước khi đánh đập và tha về. Nào là gương 12 vị Chánh trương, Trùm trưởng khắp nơi bị đưa về Huế, giam trên Thành Lồi (bức thành người Chàm xưa đắp lên để đánh với người Việt Nam, xa thị xã độ 10 cây số). Các ông phải bứt cỏ nuôi voi cho nhà vua cho đến khi chết dần chết mòn tất cả; nay 12 ngôi mộ của các ông vẫn còn nguyên vẹn dưới chân thành ấy.

Và sau đây, cha xin ghi lại vắn tắt gương sống của một vài vị để soi chiếu cho chúng ta:

- Thánh Micae Hồ Đình Hy, ngài làm quan Thái Bộc tới hàm tam phẩm và đã chịu trảm quyết thời Tự Đức tại Huế ngày 22.5.1857.

- Thánh Phaolô Tống Viết Bường, chức Thị vệ. Đã chịu trảm quyết ngay trước cổng nhà người con gái ngài, ngày 23.10.1833, tại Huế, triều vua Minh Mạng.

- Thánh Phanxicô Trần Văn Trung, Cai Đội. Đã chịu trảm quyết tại Huế ngày 6.10.1858, dưới triều vua Tự Đức.

- Thánh Giuse Lê Đăng Thị. Cũng là Cai đội. Chịu xử giảo tại Huế ngày 24.10.1860, dưới triều vua Tự Đức.

- Thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ, một lý trưởng gương mấu liêm khiết. Ngài bị xử trảm tại Nam Định, ngày 12.8.1838.

- Các vị này là những công dân tận tụy với chức vụ, trung thành với Tổ quốc và nhân dân, nhưng chỉ vì không bỏ đạo mà phải chịu án tử hình.

Những người giáo dân lãnh trách nhiệm tông đồ trong hội đồng giáo xứ như:

- Thánh Giuse Nguyễn Văn Lựu trùm họ Mặc Bắc. Ngài đã giúp đỡ giấu ẩn cha Thánh Philipphê Minh trong nhà, nên bị bắt, giải về Vĩnh Long. Vì già yếu và với lại chịu lắm khổ hình, ngài đã chết rũ tù ngày 2.5.1854.

- Thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh, trùm xứ và thầy thuốc. Ngài đã bị giam cùng với Đức Cha Cao, cha Điểm, cha Khoa, thầy Phêrô Từ và đã chịu tử hình ngày 10.7.1840, tại Đồng Hới.

- Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông, trùm cả Bình Định, một trợ tá đắc lực của Đức Cha và hàng giáo sĩ. Ngài đã bị bắt và phát lưu vào Mỹ Tho, nhưng vì quá gian khổ nên đã từ trần lúc vừa đến Mỹ Tho ngày 15.7.1855.

- Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng, Câu Phủ Họ Đầu Nước, tỉnh An Giang, rất nhiệt thành và quí mến hàng linh mục. Ngài đã bị bắt cùng với cha Đoàn Công Quý và hy sinh vì Chúa tại Châu Đốc, ngày 31.7.1859.

- Thánh Antôn Nguyễn Đích, thường gọi là ông trùm Đích. Ngài rất đạo đức, yêu người nghèo và tận tụy giúp đỡ hàng giáo sĩ. Ngài đã bị bắt cùng với con rể là Thánh Micae Lê Mỹ, vì cho linh mục Thánh Giacôbê Mai Năm trú ngụ tại nhà. Cả ba đã trung kiên đến cùng và đã bị xử trảm tại Nam Định ngày 12.8.1938.

- Thánh Mathêu Nguyễn Văn Phượng, một người nổi tiếng đạo đức thông minh, được bầu làm trùm họ Sáo Bùn, Quảng Bình. Ngài bị bắt vì tội chứa chấp cha Thánh Gioan Hoan và oa trữ đồ lễ cùng sách vở Công giáo. Ngài đã bị xử trảm ngày 26.3.1861, tại Đồng Hới cùng với cha Hoan.

Những phụ nữ Công giáo Việt Nam đã anh dũng tuyên xưng đức tin, như:

Thánh Anê Lê Thị Thành, một bà mẹ Công giáo gương mẫu. Vì sốt sắng giúp đỡ các linh mục trong buổi cấm đạo, nên bà đã bị bắt và chịu quá nhiều cực hình, thân thể đầy thương tích, lại không ăn uống được, nên kiệt sức và chết rũ tù ngày 12.7.1841.

Những anh hùng vô danh mà từ Nam chí Bắc, ai đã sống trong những tháng năm đầu thế kỷ 20 này đều có thể gặp. Đó là các cụ ông, cụ bà trước đây bị bắt bớ, giam cầm, tra tấn, rồi bị người ta rạch mặt lấy mực tàu xâm lên má hai chữ “Tả Đạo” để dù đi đến đâu, nhân dân ai cũng nhận ra đây là những người theo đạo tả; nhưng đối với giáo dân, đây là biểu tượng của đức tin kiên cường sáng chói.

Chúng ta hãy ca tụng những bậc vĩ nhân, những bậc tiền bối của chúng ta” (Giảng viên 44, 3)

6. TÔNG ĐỒ TRONG MỌI TÌNH HUỐNG

(1) Tông Đồ Hớt Tóc Dạo

Lắm kẻ ở thành phố HCM quen biết một cụ già hớt tóc dạo theo đạo Tin Lành, người rất vui vẻ, dù vợ đã chết, con cái ở xa, có đứa đi nghĩa vụ. Cụ sống trong một căn nhà lụp xụp nhưng cảm thấy hạnh phúc. Mỗi khi khởi sự hớt tóc là cụ nói ngay đến Phúc Âm, đến Chúa Jésus-Christ. Nhiều người khó quên được câu nói của cụ: “Tôi không ham giàu gì; kiếm được đủ ăn và lo “hầu Chúa” hằng ngày là tôi sung sướng thỏa mãn!

Cụ hân hoan về sứ mạng Chúa Kitô trao cho cụ và đã lợi dụng nghề hớt tóc của mình để triệt để thi hành sứ mạng ấy.

(2) Cha Gánh Nước Thuê

Thời Tự Đức cấm đạo gắt gao, có một linh mục tên “cụ Thanh” cải trang đi gánh nước thuê tại chợ Đông Ba, Huế. Ban ngày làm việc lam lũ, tối về trú ngụ nhà bà Tham, thuộc xứ Gia Hội. Nhờ gánh nước thuê mà cụ Thanh tiếp xúc được với nhiều giáo dân, cho họ chịu các phép Bí tích, giải tội cho các tín hữu bị giam ở khám đường, nhất là cho những ai sắp ra pháp trường lãnh phúc Tử Đạo. Cụ thường trà trộn trong dân chúng, làm dấu sao đó để các giáo hữu nhận ra mình.

Lúc linh mục Đặng Đức Tuấn bị bắt đưa ra Huế để xử, ngài được tự do tạm một thời gian để làm bản điều trần nổi tiếng về đạo Công giáo. Trong những tháng ngày ấy, thỉnh thoảng ngài ghé thăm nhà bà Tham ở Gia Hội. Trong nhà bà có tên đầy tớ hầu hạ cơm nước rất lễ phép, kính cẩn. Sau đôi ba lần thăm viếng, cha Đặng Đức Tuấn để ý suy nghĩ:

Anh này sao thấy có vẻ quen quen”.

Một hôm đang ngồi ở bàn ăn, cha Tuấn đăm đăm nhìn vào mắt tên đầy tớ ở góc phòng, rồi bạo dạn hỏi:

Phải mày không Thanh?

Thưa phải!

Trời đất! Vậy mà bao nhiêu tháng nay tao nhìn không ra!

Nói đoạn cha Tuấn ôm choàng lấy cụ Thanh, nước mắt chảy ròng ròng… Thì ra hai anh em đã học cùng nhau một trường ở Penang (Malaysia), sau bao nhiêu năm dài xa cách giờ đây mới gặp nhau lại!

Cụ Thanh vẫn tiếp tục nghề gánh nước thuê như cũ… Cho đến một hôm, sắc tha đạo được triều đình ban bố, Đức Cha Bình (Sohier) bấy giờ mới ra mắt công khai và chọn ngày làm lễ tạ ơn trọng thể tại Kim Long, nơi có Tòa Giám Mục. Giáo dân khắp nơi tựu về mừng lễ thật đông đảo. Cả những vị quan trong triều và người bên lương ở Kinh đô cũng đến xem. Trong lễ hát trọng thể ấy, vị chủ tế không phải là Đức Cha Bình mà là…Cụ Thanh. Giáo dân xôn xao, người bên lương thì ngạc nhiên khen ngợi và trầm trồ bảo:

Ngỡ là ai, hóa ra cụ Thanh gánh nước thuê ở chợ Đông Ba. Không ngờ ông ta giữ chức vụ to đến thế. Ông ca La tinh thật hay mà cả ông Tây cũng phải quỳ chầu nữa…

Cụ Thanh đã tìm ra phương pháp tông đồ cho thời đại mình dưới ánh sánh soi dẫn của Chúa Thánh Linh.

(3) Tre Tàn, Măng Mọc

Thánh Gioan Đoàn Trinh Hoan sinh năm 1798 tại Kim Long, tỉnh Thừa Thiên. Ngài là một linh mục thánh thiện gương mẫu, đã can đảm hy sinh vì Chúa tại Đồng Hới ngày 26.5.1861. Mặc dù thời buổi cấm cách ngặt nghèo, ngài không quên nhiệm vụ to lớn và quan trọng cho tương lai là lo chuyển bó đuốc tông đồ sang tay các thế hệ trẻ. Ngài đã huấn luyện được 12 người con làm linh mục. Vì thế, tuy máu ngài đã đổ ra vì Chúa, 12 người con ấy vẫn tiếp tục sứ mạng anh dũng của ngài cho đến ngày tàn của cuộc đời. Và họ cụ thể, “tre tàn măng mọc”, lớp này ngã xuống, lớp khác đứng lên!

(4) Cha Của Người Cùi

Sau 15 năm làm Giám mục địa phận Sàigòn, Đức Cha Gioan Cassaigne đã tình nguyện về sống giữa những bệnh nhân cùi thân yêu ở Di Linh, trong một ngôi nhà gỗ nhỏ hẹp. Tuy không giữ một địa vị nào trước mặt xã hội, nhưng ngài thật là một chứng nhân tình yêu Thiên Chúa, một con người của bác ái vị tha. Mười tám năm trời ngài sống trong thinh lặng giữa rừng núi thâm u, với những bệnh nhân quê mùa chất phác, không mấy ai biết rõ, nhưng khi quả tim của vị anh hùng ấy ngừng đập, thì quả tim của của dân Việt cũng như của toàn thể thế giới đều rung cảm lên. Ai nấy đều cảm phục tấm gương chứng nhân anh dũng của ngài.

7. THANH BẦN, MỘT MỐI PHÚC THẬT

(1) Linh Mục “Ba Xu”

Cách đây 40 năm, có một cha Việt Nam sống rất nghèo khó và đạo đức. Đặc biệt với số tiền tiết kiệm từng xu năm này sang năm khác, ngài đã cùng hai người thợ dần dần xây xong một ngôi nhà khang trang, sáng sủa.

Mỗi ngày ngài ăn hai bữa, mỗi bữa ba xu và tự nấu ăn lấy: một xu gạo, một xu mắm tôm và một xu tráng miệng bằng một mẩu bánh hình ông Phật mà dân địa phương vẫn gọi là bánh “Tam ích”. Lúc nào cũng có người dâng cúng dư tiền mua vật liệu thì công việc tiến hành mạnh hơn, đến lúc sạch túi thì tạm đình chỉ. Tiền bổng lễ mỗi ngày mấy hào ngài cũng dành để trả công thợ.

Lúc mới khởi công ai cũng nói:

Biết bao giờ mới xong được!

Đến ngày khánh thành, mọi người đều hoan hỉ, cảm phục và tặng cho vị linh mục một biệt hiệu đơn sơ nhưng nói lên tất cả lòng thương mến biết ơn: “Cha Ba Xu”. Vì quá lao lực và cam khổ, chỉ vài năm sau, “Cha Ba Xu” qua đời giữa sự thương tiếc của mọi người. Trước lúc nhắm mắt lìa trần, ngài nói:

Tôi sung sướng vì đã hy sinh tất cả để làm việc Chúa, tử lao bất tử lao”.

Ngày nay ngôi thánh đường vẫn còn sừng sững trước mặt mọi người như tấm gương phản chiếu đức thanh bần và hồn tông đồ sáng chói của vị linh mục.

8. TRONG TRẮNG ĐỂ XỨNG ĐÁNG GẦN CHÚA

(1) Lời Cầu Nguyện Của Một Linh Mục

Cha Michel Quoist là một linh mục thánh thiện đã viết rất nhiều sách báo giúp các linh hồn, trong số đó có cuốn “Prières” mà lắm người quen thuộc. Riêng trong bản Pháp ngữ, tác phẩm ấy đã in tới 350.000 cuốn. Gần đây, nó đã được dịch sang Việt ngữ dưới một nhan đề rất thi vị “Lời Kinh Thắp Sáng Cuộc Đời”.

Bài “Lời Cầu Nguyện Của Một Linh Mục Chiều Chúa Nhật” trong tác phẩm ấy nói lên tất cả tâm hồn ngài, tâm hồn nhiều anh em linh mục, với sự yếu đuối lẫn sự cao cả của một cuộc đời hiến dâng. Có thể nói đây là lời kinh diễn tả một cuộc đấu tranh, một đời quyết chiến:

Lạy Chúa, chiều nay một mình trơ trụi. Những tiếng đồng hồ trong nhà thờ lịm tắt dần. Những ngưòi đi chầu đi lễ đã ra hết cả rồi. Và con cũng lủi thủi trở về nhà xứ, một thân một bóng.

“Con đã gặp những kẻ đi dạo chơi về. Con đã đi ngang qua rạp hát vừa lúc đám đông đổ xô ra. Con đi dọc thềm các quán cà-phê ở đó có nhiều người đi dạo, dáng vẻ đã mệt mỏi, đang ngượng ngạo kéo dài cuộc vui của ngày Chúa Nhật. Con đụng phải những đứa trẻ đang đi chơi trên vỉa hè. Những đứa trẻ, lạy Chúa, những đứa trẻ của người khác, chứ không bao giờ là của con.

“Lạy Chúa, này con đây. Một bóng một thân. Yên lặng làm con ngạt thở. Cô đơn làm con bực nhọc. Lạy Chúa, năm nay con được 35 tuổi… với một thân thể như bao người khác, với những bàn tay chắc chắn để làm việc, với một quả tim được dành để yêu đương. Nhưng con đã hiến dâng tất cả cho Chúa, vì thật ra Chúa đang cần những cái đó. Con đã hiến dâng tất cả cho Chúa. Nhưng Chúa ơi, dâng như vậy thật là đau khổ.

“Thật là đau khổ, khi con phải dâng thân xác cho Chúa: vì thân xác đó cũng tận hiến cho một người khác.
Thật là đau khổ, khi con phải yêu mọi người mà không được giữ lại riêng ai.
Thật là đau khổ, khi con bắt một bàn tay mà không được muốn cầm giữ lại.
Thật là đau khổ, khi con vừa gây được một tình cảm, đã phải vội dâng cho Chúa.
Thật là đau khổ, khi con không cho mình chút nào, mà phải hoàn toàn sống cho tha nhân.
Thật là đau khổ, khi con phải sống như những người khác, giữa những người khác, mà phải là một người khác.
Thật là đau khổ, khi con phải luôn luôn ban phát mà không được tìm cách nhận lãnh.
Thật là đau khổ, khi con phải đến với những người khác mà chẳng hề có một kẻ tìm đến với con.
Thật là đau khổ, khi con phải đớn đau vì tội lỗi của tha nhân, nhưng lại không có quyền từ chối nhận lãnh và gắng chịu chung.
Thật là đau khổ, khi con biết những kín nhiệm mà không được thổ lộ cho ai.
Thật là đau khổ, khi suốt đời con phải luôn luôn lôi kéo tha nhân mà không để một ai kéo lôi, dù chỉ trong chốc lát.
Thật là đau khổ, khi con phải luôn ra tay nâng đỡ những người yếu đuối, còn chính mình lại không thể nương tựa một kẻ mạnh hơn.
Thật là đau khổ, vì phải cô đơn, cô đơn trước mọi người, trước cái chết, trước tội lỗi.

“Này con, con không cô đơn. Ta đang ở với con. Vì ta cần một nhân tình thứ hai để tiếp tục mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc. Từ muôn thuở, ta đã chọn con. Ta cần đến con.

“Ta cần đến con, để tiếp tục chúc phúc. Ta cần đến môi con, để tiếp tục rao giảng. Ta cần đến thân con, để tiếp tục đau khổ. Ta cần đến tim con, để tiếp tục yêu thương. Ta cần đến con, để tiếp tục cứu độ. Con ơi, hãy ở lại với Ta.

Lạy Chúa, này con đây. Này thân xác con đây. Này trái tim con đây. Này linh hồn con đây.

Xin cho con được cao thượng đủ, để vượt lên khỏi thế gian.
Xin cho con được mạnh mẽ đủ, để nâng đỡ thế gian.
Xin cho con trong sạch đủ, để ôm ấp thế gian vào lòng mà không hề muốn giữ lại nó.
Xin cho con trở nên một nơi gặp gỡ tạm thời thôi.
Xin cho con trở nên một con đường không dừng lại ở bản thân, bởi vì nó có thể tiếp nhận một ai, chỉ là để dẫn đưa họ về cùng Chúa.”

“Lạy Chúa, chiều nay, khi vạn vật đều im tiếng và khi trái tim con cảm thấy đau nhói vì cô quạnh. Khi ai nấy đang ngấu nghiến tâm hồn con, mà con lại bất lực không thể làm họ thỏa mãn. Khi bao nhiêu khốn nạn về tội lỗi của thế gian là cả một khối nặng đang đè trên vai con. Thì con nói lại với Chúa tiếng “Xin Vâng”, không phải một trong tiếng cười vang, như là chầm chậm khiêm tốn, sáng suốt, một mình trước mặt Chúa, giữa cảnh chiều tà êm ả”.

(2) Vấn Đề Độc Thân Của Các Linh Mục

Nhiều lần chúng tôi đã nghe đề cập đến vấn đề sống độc thân của các linh mục. Đối với giáo dân Việt Nam và đại đa số giáo dân trên thế giới, thì đó là điều được mọi người tự nhiên chấp nhận và đòi hỏi: Người tận hiến cho Chúa, thì phải dâng tất cả cuộc đời để làm chứng tình yêu vô hạn của Chúa, và để đủ điều kiện phục vụ dân Chúa cách tích cực, hữu hiệu hơn.

Trước tiên cần xác định như sau: Sống độc thân không chỉ là một giá trị thuần siêu nhiên, mà cả trong địa hạt nhân bản nữa. Người sống độc thân không trực tiếp nhằm đến việc từ chối hôn nhân, nhưng coi độc thân là điều kiện để qui hướng con tim về một đích điểm khác hẳn một thiếu nữ, tức là Nước Thiên Chúa. Họ tìm thực hiện bản ngã, và điều ấy làm họ sung sướng, thỏa mãn con tim trong Chúa Kitô. Một thái độ rất “người” với một nguyên do siêu việt! Khi nói rằng đời độc thân thánh hiến là dấu chỉ cuộc sống vĩnh cửu, điều ấy không ám chỉ một sự trốn thoát cuộc sống hiện tại. Vì cuộc sống vĩnh cửu, chính là Nước Thiên Chúa, là sự hiện diện của hồng ân Thiên Chúa ngay trong đời sống hiện tại, một sự hiện diện thúc đẩy con người mong ước hiến trọn tình yêu.

Độc thân và hôn nhân là hai tiếng gọi, hai ngả đường khác nhau để thực hiện lời mời gọi của Chúa Kitô:

Hãy nên hoàn hảo như Cha các con ở trên trời là Đấng hoàn hảo.”

Nhưng sở dĩ truyền thống vẫn cho bậc độc thân thánh hiến là cao trổi hơn bậc sống đôi bạn, vì là truyền thống không xét đến phương diện cá nhân: mỗi người đều hoàn hảo nếu thi hành trọn vẹn thánh ý Chúa Kitô, nhưng xét đến bình diện thực hiện cuộc sống vĩnh cửu giá trị hơn cuộc sống trần gian rất mực. Do đó sứ mạng của đời sống độc thân là ôm trọn đời sống vĩnh cửu và đem tỏ lộ cho trần gian.

Đời sống độc thân có ý nghĩa là sứ mệnh tuyệt vời như thế, nhưng không thiếu những tranh luận, chống đối xảy ra trong lòng Hội Thánh, nhất là trong thời đại hậu Công đồng Vatican II và sau ngày Thông điệp “Sacerdotalis Coelibatus” của Đức Phaolô VI (24.6.1967) ra mắt, nhiều linh mục đã bỏ ra đi. Nhiều giáo dân lên tiếng đề nghị:

Cứ làm như bên giáo hội Tin Lành và giáo hội Chính Thống: chấp nhận cho Mục sư và linh mục của họ được tự do sống độc thân hay lập gia đình. Như thế có phải là đơn giản hơn không!”

Thay vì tranh luận với kiểu luận lý sơ sài như trên, ta hãy nghe đôi lời tâm sự của các bậc có uy tín trong vấn đề độc thân nói lên kinh nghiệm của họ.

Mục sư Jungmann nói: “Quí vị đừng có chỉ nghĩ Giáo hội Công giáo của quí vị gặp khủng hoảng. Bên Tin lành chúng tôi còn gặp khủng hoảng hơn bên quí vị rất nhiều!

Trong một cuộc họp mặt giữa các linh mục Công giáo và các Mục sư Tin lành, một Mục sư đã nói cảm tưởng của mình về đời sống độc thân như sau:

Tôi bắt đầu hiểu giá trị đời sống độc thân trong Giáo hội Công giáo. Tôi cảm thấy các cha là anh em với nhau và tạo nên một gia đình thực sự. Chúng tôi không thể nói như thế đối với chúng tôi… Nếu một mục sư nào đó thành công, tôi không sung sướng gì; nếu một Mục sư nào đó đau khổ, tôi không đau khổ với họ… Giữa chúng tôi không có bầu không khí gia đình, họa chăng chỉ có giữa vợ chồng chúng tôi thôi!

Dịp Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1971, trong đó hai vấn đề chính là thừa tác vụ của linh mục và công bình trên thế giới, Đức Tổng Giám Mục Công giáo ở Beyrouth (Liban) đã tâm sự những lời sau đây:

Các Đức Cha hãy cố giữ lấy kho tàng quí báu của Giáo hội La Mã, tức là luật độc thân linh mục. Tôi đã có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này, vì giáo phận tôi, giáo phận theo nghi thức Đông phương, có những linh mục độc thân và những linh mục lập gia đình. Lắm vấn đề phức tạp mà quí vị không thể tưởng tượng được!

Các giáo phận Công giáo chúng tôi, cũng như bên Chính thống, luôn luôn ở Toà Giám mục mấy cha độc thân để dự phòng sau này làm Giám mục kế vị chúng tôi, vì Giáo luật đòi buộc các Giám mục phải độc thân, không có gia đình.

Lại còn phức tạp do luật buộc linh mục chỉ được kết hôn một lần trước khi chịu chức thánh, có những trường hợp linh mục mới 30 tuổi, 35 tuổi mà đã góa vợ, tay bồng tay bế, lũ con nheo nhóc, không ai nuôi dưỡng. Thực là nan giải!

Đối với các giáo phận có một linh mục qua đời để lại một gia đình neo đơn, con thơ vợ dại thì thực là một gánh nặng tài chánh rắc rối. Bên Giáo hội Latinh, một linh mục chết rồi chẳng phải giải quyết gì cho gia đình cả!

Trong lãnh vực mục vụ càng phức tạp hơn: mặc dù tập quán linh mục đã có từ xưa truyền lại, giáo dân vẫn quí mến linh mục độc thân hơn: các ngài có thể ở xa hoặc đi đến đâu, họ cũng tìm cách gặp gỡ để xin lễ, xưng tội.

Linh mục có gia đình chỉ phục vụ trọn vẹn trong ngày Chúa nhật, còn những ngày khác thì đi làm ăn để chu cấp cho gia đình. Như thế làm sao mà tiếp xúc được với đồng đạo giáo dân? Thuyên chuyển một linh mục có gia đình thật là một vấn đề khó khăn. Được lệnh ông sẽ bảo:

Con sẵn sàng đi, nhưng nhà con đang mắc làm việc ở công sở kia, các cháu lại còn đang theo học ở trường nọ, gia đình con không nhất trí đến địa phương ấy!

Lắm lúc vị linh mục ấy thì tốt, nhưng bà vợ hoặc con cái chưa nói là xấu, chỉ nói là giáo dân không có thiện cảm, thì cũng đủ để họ ghét luôn ông linh mục, rồi dần xa việc đạo; trường hợp xảy ra sự thù hằn thì họ mất đức tin luôn! Mà nếu thuyên chuyển vị linh mục ấy không được, thì cha truyền con nối, tiếp tục giữ nhà xứ phải chịu sự áp bức của một gia đình, nên đời sống đạo hạnh sa sút không thể tưởng.

(Đón xem tiếp phần 2)

Tác giả: Hòa Giang Đỗ Hữu Nghiêm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập424
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm423
  • Hôm nay148,129
  • Tháng hiện tại1,859,546
  • Tổng lượt truy cập59,145,415
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây