THEO VẾT CHÚA GIÊSU KITÔ ÔM ẤP THẬP GIÁ
Chứng từ của Đức Giám mục Mario Toso, Tổng Thư ký Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa Bình, về Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận.
Ngày 08/6/2012, di hài của Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận được di chuyển từ nghĩa trang Campo Verano về thánh đường Đức Mẹ Scala ở trung tâm Rôma, nhà thờ hiệu tòa của ngài. Trong một buổi phụng vụ Lời Chúa do ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, chủ sự lúc 11g45, trong khi chờ đợi linh cửu được đưa từ nghĩa trang tới, Đức Cha Mario Toso, dòng Don Bosco, đã gợi lại cho gần 100 người hiện diện, gồm 5 Hồng Y và các linh mục tu sĩ Việt Nam và Ý những tư tưởng sau đây về Đức HY Nguyễn Văn Thuận. Bài này được đăng trên báo Osservatore Romano của Tòa Thánh, số ra ngày 9/6/2012, với tựa đề: THEO VẾT CHÚA GIÊSU KITÔ ÔM ẤP THẬP GIÁ.
* *
*
Trước Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới đang đến gần về việc tái truyền giảng Tin Mừng để thông truyền đức tin kitô, và trước ngưỡng cửa Năm Đức Tin do ĐTC Biển Đức XVI ấn định, hôm nay, 08/6, khi linh cửu Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận được an táng tại nhà thờ Đức Mẹ Scala, là nhà thờ hiệu tòa của ngài, tôi xin nêu bật một vài nét về quan niệm của ngài liên quan đến đức tin và việc truyền giảng Tin Mừng, như ngài đã trình bày trong một vài lá thư mục tử.
Trong Thư Mục Tử năm 1971, kỷ niệm 300 năm thành lập giáo phận Nha Trang của ngài, Đức Cha Nguyễn Văn Thuận đã kiểm điểm việc phát triển cộng đoàn công giáo, và ngài nhận định rằng: Chúng ta hãnh diện và cảm thấy được vinh dự không phải bây giờ chúng ta có những thánh đường đẹp, các cơ cấu lớn, đông đảo tín hữu… không phải vì những điều đó. Sức mạnh của Giáo hội không hệ tại những sự vật chất, nơi các con số, nhưng chúng ta hãnh diện vì thập giá của Chúa Kitô, vì sự trung thành của các tiền nhân đối với Giáo hội, vì đời sống nhiệt thành của các ngài, vì đức tin kiên vững của các ngài mạnh hơn sự chết, vì tinh thần trách nhiệm trưởng thành của các ngài trong việc chu toàn nghĩa vụ tông đồ và cộng tác với các linh mục, thay thế các vị trong trường hợp thiếu linh mục.
Đứng trước di hài của Đức HY Nguyễn Văn Thuận, nhớ lại chứng tá đức tin rạng ngời của ngài trong ngục tù và trong đau khổ, nghĩ đến những khó khăn hiện nay của Giáo hội, chúng ta phải nhìn nhận rằng sức mạnh đích thực của Giáo hội là nhờ đức tin của các tín hữu, của các linh mục và giám mục, do cách các vị sống tình yêu của Chúa Kitô chịu đóng đinh, một niềm tin yêu mạnh hơn sự chết, được biểu lộ trong sự phục sinh.
Sức mạnh của Giáo hội được nuôi dưỡng bằng cách sống thập giá một cách huyền nhiệm, thập giá của Chúa, từ thập giá đến vinh quang. Thực vậy, trên thập giá, cuộc sống huy hoàng xuất hiện vượt thắng sự chia cách Thiên Chúa, đó là cuộc sống sung mãn soi sáng cho thế giới. Đức tin trước tiên là sống bằng Chúa Kitô, yêu mến Chúa trên hết mọi sự, là xây dựng căn nhà cuộc sống của mình trên Chúa. Vì thế công trình đầu tiên là yêu mến Chúa Kitô hết lòng, được tiếp nối bằng bao nhiêu công trình khác.
Trong Thư Mục Tử đầu tiên của ngài hồi năm 1968, Đức Cha PX Thuận viết: Những công trình xây dựng cộng đoàn kitô được kèm theo những công việc khác, cải tiến và nhân bản hóa xã hội. Cần phải vượt thắng sự chia cách giữa đức tin và đời sống hằng ngày, vốn là một trong những sai lầm lớn nhất ngày nay. Giáo hội không thể không biết rằng mình đang sống và hoạt động trong trần thế. Xác tín đó cũng khiến Đức Cha chọn khẩu hiệu giám mục của ngài là Gaudium et Spes, Vui Mừng và Hy Vọng. Sự hiệp nhất giữa đức tin và đời sống là điều cấu thành căn tính kitô, và là lễ vật mà tín hữu phải dâng lên Chúa. Chỉ khi nào tín hữu diễn đạt đức tin qua công việc làm thì họ mới làm cho kinh nguyện của mình trở nên chân thực hơn. Kinh nguyện được chân thực hơn trong sự dấn thân cụ thể.
Đức Cha Thuận thường lặp lại rằng: Cầu nguyện có nghĩa là liên đới với môi trường chúng ta đang sống, với thế giới, với hàng ngàn vấn đề khó khăn. Cầu nguyện là kết hiệp với Thiên Chúa và mang Chúa đến cho nhân loại, để thực hiện ý Chúa giữa lòng thế giới.
Trong Thư Mục Tử thứ 2 năm 1969, lấy hứng từ Năm Đức Tin mà Đức Phaolô VI đã ấn định từ năm 1967 đến 1968, Đức Cha Thuận cũng đề nghị Năm Đức Tin cho giáo phận Nha Trang của ngài. Trong thư đó ngài liên kết đức tin với sự dấn thân bảo vệ và thăng tiến phẩm giá con người, vì con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, được kêu gọi trở thành con Thiên Chúa trong Chúa Con, được tham dự vào Nhiệm Thể Chúa Giêsu Kitô. Niềm tin nơi Đức Chúa Giêsu Kitô là tin nơi Ađam mới, và cũng là niềm tin nơi một nhân loại mới, được tôn trọng theo phẩm giá rất cao cả. Trong sự nhập thể, Chúa Kitô như liên kết với mỗi người, họ có quyền tự do được là chính mình một cách toàn diện, không bị thu hẹp. Vì thế, không được ngừng chiến đấu chống lại những chế độ và những hội kín nhắm làm giảm giá con người. Đức Cha viết trong thư mục tử: Cần phải tôn trọng tự do nếu ta muốn có một nền hòa bình đích thực, tự do cá nhân, tự do của cộng đoàn, tự do phụng tự, tự do nghiên cứu, tự do khẳng định ý kiến của mình, tự do của công dân trước chính quyền, tự do giữa các dân nước. Tự do này phải được sử dụng theo trật tự và phải được bảo vệ chống lại mọi lạm dụng có tính chất quốc gia chủ nghĩa, dùng đàn áp để tạo nên một thứ trật tự giả tạo.
Với những lời này, chúng ta thấy Đức HY Nguyễn Văn Thuận chỉ cho thấy như một trọng tâm tự do của đại gia đình nhân loại vượt lên trên mọi ranh giới địa phương, được tổ chức như một xã hội các dân tộc có tầm mức quốc tế.
Trong bối cảnh có sự nghi ngờ và xung đột giữa Công giáo và Phật giáo thời ấy, Đức Cha Nguyễn Văn Thuận trong Thư Mục Tử thứ 4 năm 1970, đã ấn định Năm Truyền giáo trong giáo phận của ngài, tham chiếu Sắc lệnh Ad Gentes của Công đồng chung Vatican II về truyền giáo. Trước hết ngài nhắc nhở rằng mọi người hợp thành một gia đình duy nhất. Cuốn sách đẹp nhất và đơn giản nhất để suy niệm là bản đồ thế giới. Chúng ta không khỏi cảm thấy bị gọi hỏi khi nhìn Á châu, nơi có 56% dân số thế giới sinh sống, nhưng chỉ có 2% là tín hữu công giáo. Trong bối cảnh đa tôn giáo, Đức Cha Thuận nhắn nhủ các tín hữu công giáo hãy làm chứng tá bằng cuộc sống và lời nói. Trong các quan hệ thường nhật với những người ngoài Kitô giáo, trong các môi trường xã hội khác nhau. Đối với những người có tinh thần truyền giáo đích thực và lòng nhiệt thành tông đồ, điều đáng kể không phải là sự kiêu hãnh nhưng là thái độ đối thoại, trao đổi và tôn trọng đối với các tôn giáo khác; không phải sức mạnh bạo lực của tiền bạc, quyền hành, nhưng là tình liên đới; không phải là chiến lược, mưu mô, nhưng là trái tim chân thành và đơn sơ.
Đức Cha Nguyễn Văn Thuận tự hỏi đâu là điều mà cộng đoàn kitô địa phương đã làm cho những người ngoài kitô, các dân tộc ít người và cho đồng bào của mình. Ngài viết: Nếu thành thực xét mình thì chúng ta phải đấm ngực vì nhiều thiếu sót chúng ta đã phạm, những người không-kitô sống với chúng ta trên cùng con đường từ bao năm nay, và lớn lên với chúng ta trong cùng một làng từ bao thế hệ, nhưng thế giới của họ và thế giới của chúng ta dường như là hai thế giới tách biệt không bao giờ gặp nhau, không bao giờ trao đổi lời nói và ai sống ai chết mặc kệ. Thường chỉ cần một lời chào, một nụ cười, một cử chỉ thân hữu là bắc được một nhịp cầu tinh thần giữa chúng ta. Với các tín hữu giáo dân, Đức Cha Thuận khẳng định rằng mối quan tâm truyền giáo được cụ thể hóa trước tiên bằng những tiếp xúc với các anh chị em ngoài Kitô giáo, trên bình diện cá nhân và giữa các gia đình với nhau.
Đức HY Nguyễn Văn Thuận nhắc nhở rằng việc rao giảng Tin Mừng cần có các thánh. Mục đích của mỗi kitô hữu là sự thánh thiện. Hồi tháng 2 năm 2002, Đức HY tâm sự với một nhóm linh mục và nói: Tôi muốn bắt đầu suy tư này về ơn gọi nên thánh bằng một cuộc xét mình từ bản thân. Trong cuộc đời tôi và cả bây giờ như một hồng y, tôi đã và còn sợ những đòi hỏi của Tin Mừng, tôi sợ sự thánh thiện, sợ nên thánh. Bao nhiêu lần tôi không dám nghĩ đến sự thánh thiện. Tôi muốn trung thành với Giáo hội, không muốn chối bỏ điều gì trong sự chọn lựa của tôi, nhưng tôi không suy nghĩ đủ để làm thánh. Năm ngoái tôi bị giải phẩu để cắt bỏ một bướu ung thư, các bác sĩ nói là họ đã cắt bỏ được 2,5Kg, nhưng trong bụng tôi vẫn còn 4,5Kg mà họ không thể cắt bỏ được. Và tôi sợ nên thánh với tất cả những thứ đó, tức là đau khổ của tôi. Nhưng lo sợ ấy chỉ kéo dài cho tới lúc tôi thấy được thánh ý Thiên Chúa về những gì xảy ra cho tôi, và tôi chấp nhận mang gánh nặng ấy cho đến chết. Mỗi đêm tôi chỉ ngủ được một tiếng rưỡi đồng hồ. Sau khi chấp nhận tất cả những điều ấy, giờ đây tôi ở trong an bình. Thánh ý Chúa là an bình của tôi, cho đến khi nào Chúa muốn, tôi muốn ở với Chúa như Chúa muốn tôi và cho tôi.
Và thế là Đức HY Nguyễn Văn Thuận đã kết thúc hành trình dương thế của ngài theo vết Chúa Giêsu cho đến cùng, ôm lấy thánh giá. Vì thế ngài trở thành vinh dự cho Giáo hội, cho người Việt Nam. Vì Đức HY đã sống và đã chết vì lòng yêu mến Chúa, vì ngài đã chọn những bước chân của Chúa Giêsu làm của mình, những bước chân mau lẹ trong 3 năm rao giảng Tin Mừng, những bước chân lo lắng tìm chiên lạc, những bước chân đau đớn khi vào thành Giêrusalem, những bước chân đơn độc trước dinh quan tổng trấn, những bước chân nặng nề khi vác thập giá trên đường Can-vê.
Kính xin vị Tôi Tớ Chúa Nguyễn Văn Thuận, là vinh dự của Giáo hội và của thế giới, giúp chúng con ghi khắc trong tâm trí giáo huấn của ngài, sự điên dại của các thánh, làm cho chúng con có khả năng sống và chết vì Chúa Kitô./.