Cầu Nguyện Hy Vọng - Tập 11
Tập 11 “Cầu Nguyện Hy Vọng” gồm 30 bài suy niệm – cầu nguyện của Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận.
Bấm chuột vào hình để tải tài liệu về máy (tài liệu có định dạng PDF):
1. Chủ nghĩa Apartheid
của người Công Giáo
Khi đọc thấy bản tin kỳ thị trên báo chí,
tôi lập tức kết án những người da trắng ở Nam Phi,
đã gây biết bao nỗi khổ cho người da đen bản xứ.
Đây là điều tự nhiên và dễ dàng nữa,
vì chuyện đó chẳng liên can gì đến tôi.
Hơn nữa, chuyện xảy ra ở tận Nam Phi,
cách xa tôi nửa vòng trái đất.
Nhưng chính tôi, và không ít người như tôi,
quên mất rằng
ngay ở giữa xã hội mình đang sống,
còn có một loại kỳ thị khác
đang hoành hành dữ dội.
Loại kỳ thị này đã xâm nhập
vào tận tim óc của tôi.
Nó có thể mang một tên gọi khác,
hay chẳng có tên gì cả.
Nhưng nó đang lan rộng
vào nhiều ngóc ngách của cuộc sống.
Có thể đó là hình thức phân loại trong xã hội:
Người quan trọng VIP, kẻ bần cùng
Người được đặc ân, kẻ tầm thường
Người văn minh, kẻ quê mùa…
Một cách cụ thể hơn
- Kỳ thị giữa người giáo dân và giáo sĩ
- Kỳ thị giữa người giáo sĩ, tu sĩ
của những hội dòng khác nhau.
- Kỳ thị giữa người bản xứ
và người di dân, tỵ nạn.
- Kỳ thị giữa vùng Nam và vùng Bắc
- Kỳ thị giữa người giàu và người nghèo
- Kỳ thị giữa chủ và thợ…
Một cách nào đó,
chúng ta đang trở thành những người Phát-xít,
trở thành những vua chúa độc tài ngày xưa,
hay những người cai trị kiểu thuộc địa mới.
Mỗi ngày chúng ta áp dụng chính sách kỳ thị
với những người thân cận của chúng ta,
bằng não trạng
và lối cư xử phân biệt đã đi vào tim óc,
với một lương tâm thật bình thản.
Nghèo đói, áp bức, bất công…
là những hình thức kỳ thị.
Chúng ta cần phải tái tạo
cái căn tính Kitô hữu của chúng ta.
Nhiều khi thái độ cư xử của chúng ta
vẫn còn mang nhãn hiệu “Made in South Africa”
do Đại Công Ty Kỳ Thị ở đó sản xuất,
chứ không phải từ Thiên Chúa Tình Yêu.
Nơi nào có kỳ thị,
nơi đó không có yêu thương.
Nơi nào không có yêu thương,
Thiên Chúa cũng vắng bóng.
2. Đức Mẹ Lên Trời
Chúa Giêsu đã lên trời.
Nhưng thân xác của Chúa Giêsu
là từ thân xác của Mẹ Maria.
Máu huyết của Mẹ cũng là máu huyết của Chúa.
Ngôi Lời nhập thể đã chọn Mẹ Maria làm Mẹ.
Và sữa của Mẹ Maria đã nuôi dưỡng Ngài.
Vì thế, thật dễ hiểu
tại sao Mẹ Maria cũng được vinh quang
như người Con của mình là Chúa Giêsu.
Thân xác Mẹ hoàn toàn trong sạch,
là đền thờ của Chúa Thánh Thần.
Chính Ngài đã gìn giữ Mẹ tinh tuyền
để chịu thai Ngôi Lời.
Thân xác Mẹ cũng đã chịu đau khổ
để nuôi dưỡng, giúp đỡ
và yêu mến Chúa Giêsu.
Mẹ cùng đồng hành với Chúa
trên đường rao giảng.
Cùng thổn thức
trên đoạn đường khổ giá đến đồi Cal-vê,
với tâm tình yêu thương muốn cứu rỗi nhân loại.
Mẹ đã đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn,
can đảm hy sinh tế lễ con mình trên Thập Giá.
Trong Mẹ,
Chúa Giêsu tiếp tục công việc của Ngài,
tiếp tục sự đau khổ và hy sinh của Ngài.
Cũng trong Mẹ Maria,
Chúa Giêsu tiếp tục sứ mạng
thành lập Hội Thánh sau ngày Lễ Hiện Xuống.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu,
con hiểu được chức vụ làm Mẹ cao cả này
qua chính lời của Chúa Giêsu:
Này là Mẹ con.
Và chính sự sống này của Mẹ cho Chúa Giêsu
cũng được ban tặng cho con,
cho tất cả mọi người.
Ngày xưa người ta đã cầu nguyện:
“Lạy linh hồn Chúa Giêsu, xin thánh hóa con”.
Tự đáy lòng,
con cũng muốn dâng lên Mẹ lời nguyện xin:
“Lạy linh hồn Mẹ Maria, xin thánh hóa con”.
Được Mẹ thánh hóa, chắc chắn con
cũng sẽ được lên Trời
hưởng hạnh phúc với Chúa như Mẹ.
3. Tiếng nói của thinh lặng
Tiếng nói của thinh lặng.
Một câu nói xem ra thật mâu thuẫn,
nhưng lại là sự thật.
Thinh lặng giúp chúng ta
nghe được Lời của Thiên Chúa,
nghe được tiếng nói của Ngài.
Nhưng trong thế giới rộn ràng ngày nay,
với biết bao tiếng động, âm thanh,
con người khó có thể ngơi nghỉ lặng yên.
Rồi những lo lắng, ưu tư về cuộc sống,
về công ăn việc làm, về gia đình, xã hội…
càng làm cho tâm hồn mỗi người
luôn bị xáo trộn,
khó có thể nhận ra được tiếng Ngài.
Thiên Chúa nói trong thinh lặng.
Con người cần thinh lặng để nhận ra tiếng Chúa.
Và lúc đó, Chúa Thánh Thần sẽ nói vào tâm hồn
như tiếng gió thoảng nhẹ nhàng.
Nhiều vị Thánh được Thiên Chúa chọn
để sống trong thinh lặng,
trong sự kết hợp sâu thẳm với Chúa.
Các Ngài đã đáp lại lời mời của Chúa Giêsu:
“Hãy đến với Ta”.
Và trong thinh lặng
các Ngài đã nhận ra tiếng Chúa,
rồi chuyển lại sứ điệp của Chúa cho con người.
Thế giới luôn cần những vị chứng nhân này
để giúp con người nhận ra ý Chúa.
4. Trạm chuyển đài
Chắc chắn rằng mặc dù ít ỏi,
nhưng thế giới không bao giờ thiếu
những vị chứng nhân trong thinh lặng này.
Họ là những đài chuyển sóng
được Chúa Thánh Thần tác động, điều khiển,
để nói với thế giới và con người thời nay.
Cha Piô được in năm dấu thánh,
Mẹ Têrêxa thành Calcutta,
đã trở thành những trạm chuyển đài
trong những thập niên cuối thế kỷ XX.
Những đài chuyển sóng này không cần ăng-ten,
không cần vệ tinh nhân tạo satelite
vẫn phát đi một cách mạnh mẽ sứ điệp của Chúa,
đến khắp mọi nơi trên toàn thế giới.
Và làn sóng của những trạm chuyển đài này phát đi
không bao giờ bị nhiễu sóng hay mất sóng.
Chỉ cần chăm chú lắng nghe trong thinh lặng,
chắc chắn bạn sẽ bắt được làn sóng đó.
Và bạn sẽ tìm ra được
câu trả lời cho cả cuộc đời mình.
Rồi chính bạn
cũng sẽ trở thành một trạm chuyển đài mới.
Một trạm chuyển đài nhẹ nhàng, âm thầm
tiếp tục phát đi sứ điệp của Chúa Giêsu,
làm cho mọi người
hiểu được ý nghĩa của cuộc sống,
cũng như sứ mạng của mình ở trần thế.
5. Chiêm niệm
giữa thế giới kỹ thuật
Có người chọn cuộc sống chiêm niệm,
tách rời với thế giới bên ngoài,
để dễ dàng tìm gặp Chúa.
Nhưng cũng có rất nhiều người,
mặc dầu lăn xả vào thế giới kỹ thuật, tiêu thụ,
vẫn sống đời chiêm niệm một cách sâu xa.
Một vị linh mục coi sóc giáo xứ,
một sư huynh chuyên nghề giáo dục,
một nữ tu làm nghề y tá, dù công việc bận rộn,
vẫn tìm ra thời giờ riêng cho mình,
để sống hoàn toàn cho Chúa và với Chúa.
Đẹp thay đời tận hiến!
Họ dấn thân
làm những công việc tầm thường, không tên tuổi.
Họ hy sinh một cách âm thầm
vì Chúa, vì con người.
Và mỗi lần được gặp Chúa, họ tâm sự với Chúa
về những điều mình thấy,
những điều mình cảm nghiệm,
cũng như những nỗi buồn vui trong tâm hồn.
Và Chúa đã thêm sức mạnh để họ vững tiến.
Một người mẹ trong gia đình,
một công nhân ở xưởng thợ,
một học sinh ở trường…
chẳng mấy ai để ý đến,
nhưng thật kỳ diệu, họ đều tiếp xúc với Chúa
bằng ý hướng và lời nguyện chân thành.
Bên ngoài họ giống như bao nhiêu người khác.
Chẳng có dấu hiệu gì đặc biệt.
Nhưng họ đã trở thành
Nhà Tạm sống động của Chúa.
Vì họ đã ở lại trong Chúa và Chúa ở trong họ.
Với những lời đơn sơ,
họ liên tục nối kết với Thiên Chúa
và được Chúa liên lỉ chúc lành.
Lời Chúa nói “Con ở trong Ta”
thật dịu ngọt và an ủi biết bao!
Đây không phải là một ảo tưởng.
Cũng không phải chỉ là sự chiêm niệm thuần túy,
nặng tính chất suy tư.
Nhưng là một sự kết hợp mật thiết.
Không có người nào, không có chuyện gì,
cũng không có phương tiện kỹ thuật nào
trong thời đại vi tính computer,
thời đại robot, satelite ngày nay
có thể làm cản trở,
xáo trộn sự kết hợp này với Chúa.
Đàng khác, càng kết hợp với Chúa,
người đó không những không chối bỏ thế giới
với phương tiện kỹ thuật tân tiến,
nhưng càng cảm tạ và tôn vinh Chúa,
vì đã thương giúp con người phát minh ra
những kỹ thuật tân tiến này
để cuộc sống được thoải mái hơn.
“Chúc tụng Chúa đi, mọi công trình của Chúa,
Muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn” (Đn 3, 57).
6. Mẹ Maria chiêm niệm
“Mẹ Maria đã ghi nhớ những điều ấy
và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19; 2, 51)
Không phải được đặc ân làm Mẹ Thiên Chúa,
được sống với Chúa Giêsu,
là tự nhiên Mẹ Maria hoàn toàn
hiểu được chương trình của Thiên Chúa.
Tất nhiên,
Thiên Chúa ban ơn cho Mẹ một cách đặc biệt.
Nhưng chính Mẹ
cũng tự mình cố gắng và cộng tác vào ơn Chúa,
để dần dần khám phá ra
ý định và chương trình của Ngài.
Có thể nói,
Mẹ Maria là người chiêm niệm,
vì Mẹ luôn nghĩ suy về những biến cố xảy ra
trong cuộc đời của Con Mẹ và của chính Mẹ,
để khám phá ra ý nghĩa,
cũng như ý định của Thiên Chúa,
đàng sau những biến cố đó.
Nhưng đúng hơn,
Mẹ Maria là người kết hợp hoàn toàn với Chúa.
Ước muốn sống trọn vẹn cho Chúa
đã được Mẹ dứt khoát chọn lựa
ngay khi Mẹ có đủ trí khôn,
dù quyết dịnh này đi ngược lại
với phong tục truyền thống của dân tộc:
“Vì tôi không biết đến người nam” (Lc 1, 34).
Và ước muốn này nơi Mẹ
càng khởi sắc, càng trọn hảo,
khi Mẹ được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Chúa Giêsu.
Bất chấp không gian và thời gian,
Mẹ đã luôn đồng hành với Chúa Giêsu, Con của Mẹ.
Hoàn toàn chia sẻ buồn vui với Chúa Giêsu
trong sứ mạng cứu chuộc nhân loại,
được Thiên Chúa sắp xếp từ ngàn xưa.
Mẹ thật xứng đáng là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc,
vì Mẹ hoàn toàn kết hợp với Chúa Giêsu.
7. Men
Ngay cả men cũng không ồn ào, rộn ràng.
Nhưng sự hiện diện âm thầm của men,
mang lại một hiệu quả tích cực.
Cũng thế,
nhiều người âm thầm dấn thân phục vụ Thiên Chúa
xem ra bị mất hút giữa đám đông, chẳng ai để ý đến,
nhưng kết quả đem lại thật lớn lao.
Một hành động âm thầm đầy kiên nhẫn,
đôi khi bị hiểu lầm, vô ơn hoặc xem ra
không có giá trị gì trước mặt người đời,
lại đầy ý nghĩa đối với Thiên Chúa.
Những hành động âm thầm này như men trong bột,
làm cho bột dậy lên
và trở thành một vật mới hữu dụng
cho cuộc sống của con người.
Tất nhiên, với sức riêng đơn lẻ một mình,
chúng ta khó có thể làm gì được
trước những vấn đề,
những khó khăn chồng chất của thế giới ngày nay.
Nhiều người cũng đã bỏ cuộc
vì sự choáng ngộp này.
Như thế, làm sao để có thể canh tân,
để có thể tái tạo thế giới?
Câu trả lời duy nhất: Chúa Thánh Thần.
Chính Ngài sẽ canh tân bộ mặt trái đất.
Con muốn trở thành men,
muốn đổi mới thế giới.
Nhưng Chúa Thánh Thần đã có chỗ đứng
trong cuộc đời của con chưa?
8. Sứ mạng của men
Rất nhiều khi, đức tin yếu kém làm chúng ta
quên mất vai trò của Chúa Thánh Thần
trong Hội Thánh và lịch sử nhân loại.
Men siêu nhiên của Ngài tác động
còn mạnh hơn tất cả báo chí, phim ảnh,
sách vở, truyền thanh, truyền hình gom góp lại.
Chúng ta phải đặt trọn niềm tin nơi Ngài.
Sứ mạng của men là âm thầm hy sinh,
là chấp nhận tan biến,
là kiên nhẫn hành động không ngừng,
cho đến khi làm thay đổi tận căn:
Bột trở thành bánh.
Sự dữ thành sự thiện.
Hận thù, bất công, chia rẽ
thành yêu thương, công bằng, hiệp nhất.
Người đời với con mắt phàm trần,
không thể nhận ra được
tác động của men siêu nhiên này.
Nhưng Thiên Chúa thấy rõ từng chi tiết,
từng giai đoạn.
Và chỉ cần Chúa thấy là đủ rồi.
Đó chính là bản chất, là căn tính của men.
Hội Thánh luôn cần loại men siêu nhiên này.
Loại men này sẽ “dậy” lên,
nhờ “ngón tay” của Thiên Chúa.
Vì thế,
điều thiết yếu là liên kết mật thiết với Ngài
bằng đời sống cầu nguyện và chiêm niệm.
Rồi chính Ngài sẽ hành động
trong chúng ta và qua chúng ta
để canh tân môi trường và thế giới.
9. Tham gia vào dự án của Chúa
Chiêm ngắm Thiên Chúa
Kết hợp với Thiên Chúa
Trở nên men của Ngài
tan biến giữa lòng thế giới
là một sứ vụ tông đồ tốt đẹp.
Và để sứ vụ này được hoàn hảo,
người Kitô hữu cần phải tham gia
vào dự án của Thiên Chúa một cách trực tiếp.
Thiên Chúa cần sự cộng tác của mọi người.
Ngài là nhà giáo dục tài tình,
không bao giờ tự mình làm hết mọi việc.
Nhưng huy động người khác cùng cộng tác.
Nói cách khác,
Ngài muốn chúng ta tham gia vào dự án của Ngài.
Người nào hiểu thấu được điều này,
tâm hồn họ sẽ bùng cháy lên ngọn lửa
muốn thiêu đốt cả thế giới bằng tình yêu thương,
và muốn chiếm đoạt
tất cả mọi linh hồn về cho Chúa,
bởi vì dự án của Thiên Chúa thì bao la, vĩ đại,
không gì có thể cân đo được.
Dự án đó cũng rất quan trọng,
vì đó là dự án cứu chuộc nhân loại.
Giá trị của dự án này
không thể dùng tiền bạc để đo lường,
hoặc để đổi chác, mua bán,
bởi vì được trả giá bằng chính máu của Chúa Giêsu.
Tâm hồn con có bừng nóng lên khi ý thức
mình được Chúa mời gọi tham gia
vào dự án của Chúa không?
10. Tôi phải làm sao đây?
Việc cứu rỗi các linh hồn
không phải là một vấn nạn có tính cách thần học,
không phải là chuyện để bàn cãi, phân tích.
Nhưng trên hết, đó là một vấn đề thực tế:
cứu rỗi những con người cụ thể
ở khắp nơi trong thế giới này.
Và để cứu rỗi con người,
chuyện cần thiết trước mắt
là giải cứu con người
ra khỏi những thể chế, tổ chức,
khỏi những môi trường, lãnh vực...
đang vây kín và đè nặng trên cuộc sống:
thể chế chính trị, hòa bình,
chiến tranh, giải trừ vũ khí,
ma túy, mafia tổ chức tội phạm, thất nghiệp,
vô gia cư, mù chữ, đói khổ, kỳ thị…
Nói chung, cần giải cứu tất cả
những gì đang đụng chạm và đè bẹp con người,
để cuộc sống trở nên tốt đẹp,
và mọi người được sống xứng với nhân phẩm.
Chắc chắn, càng ngày,
vấn đề lại càng chồng chất nhiều hơn,
mới mẻ hơn và cũng phức tạp nhiều hơn,
vì con người có “tài”
làm cho việc đơn giản thành phức tạp.
Tuy nhiên, công việc này vẫn luôn
là một vinh dự, một bổn phận,
vì đáp trả lại tiếng mời gọi thiết tha của Chúa:
“Hãy đến với Ta”.
Thiên Chúa sẽ làm cho chúng ta trở
thành những người cộng tác vào dự án của Ngài.
Ngày xưa, các Tông Đồ đã dám
đi theo lời mời gọi này đến cùng.
Còn tôi và anh,
những tông đồ của Chúa Giêsu ở cuối thế kỷ XX,
chúng ta có dám dấn thân theo Ngài không?
Quyết tâm!
11. Chữ “Cùng ăn-ở-làm”
Người nào tự đóng mình
trong căn phòng tiện nghi thoải mái
để nghiên cứu vấn đề xã hội, để bàn cãi,
và tìm cách giải quyết vấn đề trọn gói,
đều là những người không thực tế,
vì họ sống xa cách và không hiểu được
những vấn đề “xương thịt” của con người thật.
Họ tính toán một cách vô cảm
tất cả những vấn nạn của con người,
nên càng làm cho vấn nạn
trở thành phức tạp và khó hiểu hơn.
Họ thiếu trái tim, thiếu lòng thương xót.
Họ không xem công việc phục vụ con người
là điều chính yếu, quan trọng,
mà chỉ chú tâm vào việc nghiên cứu
như một nghề để sống,
một cơ hội để tiến thân.
Họ nhìn thấy người nghèo
bằng những con số trong bảng thống kê,
không mảy may động lòng thương xót, quan tâm.
Và như thế, họ thật sự chẳng hiểu gì
những vấn nạn lớn của con người ngày nay.
Cũng vì vô cảm, xa rời thực tế,
chẳng có người nào, cơ quan nào,
chịu bỏ một số tiền tương đương
với việc chế tạo một chiếc máy bay phóng pháo,
để dẹp sạch bệnh phong cùi trên thế giới.
Nhưng lại sẵn sàng bỏ ra chi phí khổng lồ
để chế tạo vũ khí hủy diệt nhân loại.
Để có thể hiểu và cảm thông
những nhu cầu cấp bách của người anh em,
những vị sáng lập dòng tu đã đề xướng ra
một lối sống có tên “Tam Cùng” như sau:
“Cùng ăn - Cùng ở - Cùng làm”.
Lối sống này đã giúp con người gần lại với nhau,
để cảm thông và chia sẻ,
để đỡ nâng và phụ giúp lẫn nhau.
Lẽ tất nhiên, lối sống này
cũng đòi hỏi nhiều hy sinh,
vì trước hết mỗi người phải từ bỏ “cái tôi”,
để nghĩ đến người khác và lợi ích chung.
Đây là lối sống phù hợp với Tin Mừng.
Các Kitô hữu đầu tiên đã thực hành lối sống này,
và đã được toàn dân mến chuộng.
12. Đức Mẹ Đồng Công
Mẹ Maria là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc,
vì Mẹ hoàn toàn kết hợp với Chúa Giêsu,
trong sứ mạng cứu rỗi nhân loại.
Mẹ mang trong mình
nỗi thao thức của Chúa Giêsu
về số phận của những người tội lỗi, nghèo đói,
những người bị xã hội ruồng bỏ.
Và cùng với tâm tình của Chúa Giêsu,
Mẹ Maria rất nhạy cảm
với những khó khăn của người khác
và tìm cách giúp họ vượt qua.
Phúc Âm kể lại:
- Mẹ đã lặn lội đến thăm người chị họ Elisabeth,
và ở lại giúp chị mình
cho đến khi sinh Gioan Tiền Hô (Lc 1, 39-56).
- Mẹ đã cảm thông nỗi khổ tâm
của người bà con trong tiệc cưới Ca-na,
khi rượu hết mà tiệc chưa tàn.
Và Mẹ đã bày tỏ ước nguyện
xin Chúa cứu giúp gia chủ,
dù bị đáp trả bằng câu nói xem ra thật dửng dưng:
+ Họ hết rượu rồi.
+ Thưa bà, chuyện đó can gì
đến bà và con? (Ga 2, 1-11).
- Mẹ đã chia sẻ nỗi đau của các môn đệ
trong những ngày cuối đời của Chúa Giêsu.
Và Mẹ đã có mặt với Gioan, với Mađalêna,
với Maria vợ ông Cơ-lê-ô-pát dưới chân Thánh Giá
để an ủi và đỡ nâng họ (Ga 19, 25-27).
- Mẹ đã cùng họp mặt với các Tông Đồ
tụ tập trong phòng kín “vì sợ người Do Thái”,
sau khi Chúa Giêsu lìa trần,
để khích lệ các ngài vững tin
và chuẩn bị các ngài
nhận lãnh Chúa Thánh Thần (Cv 1, 14).
Và trong suốt chiều dài lịch sử 2000 năm,
Mẹ vẫn tiếp tục nâng đỡ Hội Thánh
và con cái của mình ở khắp mọi nơi,
nhất là những khi gặp khó khăn, bách hại.
Mẹ đã chu toàn bổn phận làm Mẹ của Hội Thánh,
kể từ khi nhận lãnh nhiệm vụ này từ Chúa Giêsu
dưới chân Thánh Giá:
“Này là con của Bà” (Ga 19, 28).
Mẹ vẫn luôn luôn
là một người Mẹ chan hòa yêu thương
của mỗi người chúng ta.
13. Hành động của Chúa
vượt trí loài người
Đối với các vị sáng lập dòng tu,
lối sống Tam Cùng:
“Cùng ăn - Cùng ở - Cùng làm”
đã là một lối sống lý tưởng,
vì tất cả mọi sinh hoạt của cộng đoàn
đều xoay quanh ý hướng Tam Cùng này.
Nhưng Thiên Chúa
còn nghĩ ra một phương cách khác
vượt xa trí hiểu
và khả năng kỹ thuật của con người.
Thay vì lối sống “Tam cùng”
của các vị sáng lập dòng,
Thiên Chúa áp dụng lối sống “Nhập vào”.
Một lối sống còn lý tưởng
và tuyệt hảo hơn “Tam Cùng”,
vì “Nhập” có nghĩa là vào tận bên trong,
trong khi “Cùng” vẫn còn nằm ở bên ngoài.
Thiên Chúa xuống trần gian
để cứu chuộc nhân loại,
không phải bằng lối “cùng” sống,
“cùng” đồng hành với con người.
Nhưng Thiên Chúa đã chọn cách
“nhập” vào con người,
trở thành một người thật sự như mọi người.
Ngài hoàn toàn giống như chúng ta,
ngoại trừ tội lỗi.
“Per omnia simili nobis”
Chúa Giêsu đã “nhập thể”,
đã trở thành một con người.
Ngài là một con người thật:
- từ khi sinh ra cho đến chết
- cũng lam lũ làm việc như mọi người.
- cũng gặp khó khăn như mọi người.
- cũng vui buồn như mọi người...
Ngài đã làm người:
- để mang sự vĩnh cửu vào thời gian hữu hạn,
- để thể hiện sự toàn năng
trong yếu kém bất toàn,
- để đem lại sự trường sinh cho cõi chết,
- và để đem sự bất tận vào giới hạn tận cùng.
Con Thiên Chúa-Làm Người,
Đấng Toàn Thiện đã nhập thể, để cảm thông:
- nỗi mệt nhọc thân xác của người lao động,
- nỗi đau của bà góa thành Na-in
mất đứa con độc nhất,
- cảnh nghèo đói, áp bức
của những người phục dịch,
- cảnh nhục nhã của người đàn bà ngoại tình,
- tình trạng áp bức tinh thần
do các Biệt Phái và Luật Sĩ áp đặt,
- tâm tình thống hối của Mađalêna...
Nói tóm lại, Chúa Giêsu đã hoàn toàn
“nhập vào” con người,
mang thân phận làm người cách trọn vẹn,
mang trong mình những nỗi buồn đau của con người,
và nhất là mang chính tội lỗi của con người,
để cuối cùng giải phóng con người
khỏi tội lỗi và sự chết.
Ơn Cứu Độ được Ngài thực hiện cách hoàn hảo.
Một thế giới mới được thành hình.
Một thế giới đầy tràn yêu thương.
14. Azione semi-evangelico
Tông đồ nửa vời
Cuộc sống và lời giảng dạy
của Con Thiên Chúa-Làm Người
trở thành mẫu gương cho tất cả chúng ta.
Nếu mỗi ngày tôi không thực hiện
Mầu Nhiệm Nhập Thể của Ngài
vào mọi sinh hoạt,
mọi lãnh vực của cuộc sống,
thì ngay cả việc tông đồ của tôi
cũng chưa đạt đến mức trọn vẹn.
Hay nói cách khác,
việc tông đồ của tôi chỉ nửa vời:
“semi-evangelico”.
Những người gặp tôi sẽ dễ dàng nhận ra
tôi chưa yêu mến họ thật lòng,
tôi vẫn còn là một người xa lạ,
hay chỉ là một nhân viên làm việc vô cảm.
Hoặc tệ hơn, họ sẽ xem tôi
là một người vụ lợi,
một tay buôn bán,
chứ không phải hành động vì lý tưởng,
vì ơn gọi siêu nhiên.
Để công việc tông đồ được kết quả tốt,
trước hết tôi cần phải sống tinh thần “nhập thể”.
Làm cho Mầu Nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa
được sáng tỏ trong mọi góc cạnh,
môi trường của cuộc sống:
gia đình, trường học, lối xóm, công sở, nhà máy…
Nếu trái tim của tôi vẫn còn là trái tim
của một người làm công vô trách nhiệm,
hoặc của một người bác sĩ, luật sư, kỹ sư…
làm vì tiền, vì địa vị hay danh vọng,
tôi thật sự cần phải đi thay tim gấp.
Vì công việc tông đồ cần trái tim
của Con Thiên Chúa-Làm Người,
một trái tim đầy tràn yêu thương.
15. Chữ “Cùng”
của người Kitô hữu
Phaolô, tông đồ của lương dân,
luôn sáng chế thêm một cách tài tình
những “động từ”
không thể nào tìm thấy trong tự điển.
Mỗi lần nghĩ tới
kiểu nói “Cùng” của Thánh Phaolô,
người Kitô hữu
không thể không rộn lên niềm vui trong lòng.
Và đó cũng là nguồn suy niệm vô tận:
- Thiên Chúa cho họ
nên đồng hình đồng dạng
với Con của Người (Rm 8, 29).
- Một khi cùng chịu đau khổ với Người,
chúng ta sẽ cùng được hưởng
vinh quang với Người (Rm 8, 17).
- Tôi cam chịu mọi sự…
để họ cùng đạt tới ơn cứu độ…
và được hưởng vinh quang muôn đời (2 Tm 2, 10).
- Nếu ta cùng chết với Người,
ta sẽ cùng sống với Người (2 Tm 2, 11).
Con người với tất cả những gì thâm sâu nhất
cũng không thể nào đạt tới tình trạng “Cùng”
mà Thánh Phaolô đề cập ở đây.
Cùng không có nghĩa là sống chung,
hoặc là liên kết,
nhưng có nghĩa trở thành một.
“Để họ được nên một như chúng ta là một”
“Ut sint unum sicut et nos unum sumus”
(Ga 17, 22).
Điều này giúp làm sáng tỏ
ý nghĩa Nhập Thể của Chúa Giêsu
và sự cứu rỗi của toàn thể nhân loại.
Trong Chúa Giêsu,
người Kitô hữu hãnh diện được
cùng sống với Ngài,
cùng chết với Ngài,
và cùng sống lại vinh quang với Ngài.
16. Chữ “Cùng”
của Thánh Phaolô
Để việc tông đồ có hiệu quả,
chúng ta cần noi theo gương mẫu của Chúa Kitô.
Thánh Phaolô đã khuyên bảo điều đó,
và chính Ngài
cũng đã sống trọn vẹn lời khuyên này.
Ngài đã làm tất cả để mọi người được hiệp nhất:
Cùng với Đức Kitô Con Người,
với tất cả con cái của Thiên Chúa,
và không phải chỉ riêng những người Kitô hữu,
nhưng với tất cả mọi người,
chúng ta tất cả cần phải trở thành “Một”.
Trong khi hoạt động tông đồ,
thái độ quan liêu là một kẻ nội thù rất nguy hểm.
Người tông đồ chân chính cũng không bao giờ
đi tìm tiếng tăm cho riêng mình,
để được nhiều người biết đến tên tuổi.
Nhưng chỉ muốn yêu mến mọi người
một cách chân thành
với tất cả tình xót thương “misereor superturbam”.
Chính tình yêu thúc đẩy người tông đồ
làm nên một với mọi người.
Nên một chính là di chúc của Chúa Giêsu
Nên một cũng là
lời nguyện cầu tha thiết của Chúa Giêsu.
Chúng ta cần nên một
như chính Ba Ngôi Thiên Chúa:
“Sicut nos unum sumus…
Tu in me et ego in te”.
Lúc đó, sẽ không còn
lối phân biệt “tôi” và “người khác”,
mà chỉ còn là “chúng ta”.
Nên một là điều thiết yếu.
Và nên một giữa chúng ta là bước đầu tiên
để được nên một với Thiên Chúa.
Rất nhiều lần chúng ta sai lầm vì nghĩ rằng
chỉ cần kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu
là đủ để thực hiện trọn vẹn
di chúc “nên một” của Ngài.
Làm sao có thể tách đầu ra khỏi thân mình được.
Ai chưa nên một với anh em mình,
thì chưa thể nên một với Chúa Giêsu là Đầu.
Vì thế, Thánh Phaolô đã làm tất cả mọi sự,
và chấp nhận mọi gian khổ vì lợi ích của người khác,
để đem tất cả về với Chúa,
và làm nên một trong Chúa:
“Tôi cam chịu mọi sự,
để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn,
để họ cùng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô,
và cùng được hưởng vinh quang muôn đời”
(2 Tm 2, 10).
Ai chưa nên một với anh em mình,
thì chưa là người Công Giáo đúng nghĩa.
17. Các Thánh, người cầu nguyện
hay hành động?
Thời niên thiếu, còn là chủng sinh,
trong những dịp tĩnh tâm, huấn đức,
tôi được nghe giảng dạy
các Thánh là những người cầu nguyện.
Nên tôi thường nghĩ rằng,
để làm một linh mục tốt,
tôi cần phải cầu nguyện thật nhiều.
Điều này đúng!
Nhưng quan niệm này dễ làm cho chúng ta
có một cái nhìn lệch lạc
về sự thánh thiện nơi Các Thánh.
Tưởng rằng các Ngài chỉ biết cầu nguyện thôi.
Nhiều lần, tôi cũng nghe nhiều người phê bình
về hoạt động của các linh mục trẻ
dấn thân vào các hội đoàn Công Giáo tiến hành
trong những thập niên từ 1930 đến 1960.
Tôi cũng đã từng tham gia vào những hội đoàn này.
Tôi đồng ý có những lạm dụng trong đó.
Nhưng riêng bản thân tôi,
những hội đoàn này đã thật sự giúp chuẩn bị
ơn gọi làm linh mục của tôi.
Tôi rất biết ơn những vị linh mục trẻ này.
Tôi vẫn thường suy nghĩ về ngày Phán Xét Chung.
Lạ quá!
Chúa xét xử mỗi người
không phải dựa trên “cầu nguyện”:
trên số lượng thời gian cầu nguyện,
hay cách thức cầu nguyện...
nhưng trên những hành động thương yêu
(Mt 25, 39).
Suy xét thật kỹ, tôi nhận ra,
hành động được cảm hứng
là do sự chiêm niệm, cầu nguyện,
và đối tượng của cầu nguyện là Thiên Chúa.
Vì thế, hành động và cầu nguyện
không tách lìa nhau.
Các Thánh là những người
có đời sống cầu nguyện sâu xa,
và chính sự sung mãn này
đã phát sinh mọi hoạt động tông đồ nơi các Ngài.
18. Tôi không giống Các Thánh
Nghiên cứu sách Công Vụ Tông Đồ,
chúng ta nhận ra được sự thúc đẩy bên trong này:
“Lòng mến Chúa thúc bách chúng ta”
“Caritas Christi urget nos”.
Các vị Thánh như Phanxicô Xaviê,
Philipphê Nêri, Don Bosco, Gioan Maria Vianey
là những người hăng say hoạt động cho Hội Thánh.
Thánh Têrêsa Avila
đã cải tổ 32 Dòng Kín Cát-men.
Thánh Catarina thành Siena
làm cố vấn cho Đức Thánh Cha.
Thánh Antôn thành Padova, Thánh Đa minh,
Thánh Phanxicô Assisi, Thánh Bênađô...
là những vị giảng thuyết.
Gần đây, Cha Max Kolbe,
Cha Piô, Mẹ Têrêxa Calcutta
được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, soi sáng,
đã lăn xả vào các hoạt động xã hội.
Cha Max Kolbe với ngành báo chí truyền thông.
Cha Piô lập bệnh viện cho người nghèo.
Mẹ Têrêxa quên mình với những người bị bỏ rơi.
Tất cả các Ngài là những người cầu nguyện.
Tất cả các Ngài cũng là những người hoạt động,
vì được lòng mến Chúa thúc đẩy:
“Caritas Christi urget nos”.
Các Ngài thật sự khác với chúng ta.
Nhờ sống cầu nguyện,
các Ngài được Chúa Thánh Thần soi dẫn,
để dấn thân vào hoạt động tông đồ.
Còn chúng ta hành động theo cảm hứng riêng,
theo cách thức riêng,
theo đường hướng, mục đích riêng,
nhiều khi còn phảng phất lợi danh ở trong đó,
chứ không phải do lòng mến Chúa thật sự,
không phải được Chúa soi dẫn.
Vì thế, không lạ gì
chúng ta thường mắc phải sai lầm.
19. Chúa “nhập thể” lần thứ hai
Trong lần Nhập Thể đầu tiên,
do tác động của Chúa Thánh Thần,
Ngôi Lời đã đến trong cung lòng Mẹ Maria.
Ngài đến trần gian
để thực hiện công cuộc cứu chuộc.
Ngài sống trên mảnh đất Palestine.
Cũng làm việc, ăn ngủ, vui buồn… như mọi người.
Ngài đi giảng dạy, làm nhiều phép lạ,
bị hiểu lầm, chịu đau khổ,
và cuối cùng bị kết án và chết trên thập giá…
Nhưng Ngài đã sống lại, và sau khi lên trời,
Ngài không còn hiện diện một cách thể lý
như trong thân xác của chúng ta nữa.
Tuy nhiên, vì mục đích cứu rỗi,
Ngài cần tiếp tục hiện diện ở trần gian.
Vì thế, Ngài đã thành lập Hội Thánh
để tiếp tục giảng dạy, thánh hóa.
“Ai nghe các con là nghe Thầy”
“Qui vos audit, me audit”.
Bí Tích Truyền Chức do Ngài thiết lập,
làm cho người linh mục
trở thành “Alter Christus” “Kitô khác”,
để tiếp tục công việc của Chúa Giêsu.
Tôi nghĩ rằng
sự hiện diện mật thiết của Chúa Giêsu
nơi các Giám Mục, linh mục,
như là việc “nhập thể” lần thứ hai của Ngài.
Đó là một sự hiện diện mục vụ
vì phần rỗi của mọi người,
vì yêu thương con người.
20. Chúa “nhập thể” lần thứ ba
Như thế, những người
không phải là Giám Mục hay linh mục,
không được Chúa “nhập thể” lần thứ hai,
thì tương quan giữa họ với Chúa Giêsu
như thế nào? Và đâu là nhiệm vụ của họ?
Tôi nghĩ đến việc “nhập thể” lần thứ ba của Chúa.
Đó là sự hiện diện của Ngài
trong Phép Thánh Thể.
Qua Phép Thánh Thể,
Chúa đi vào tâm hồn mỗi người
như vào trong cung lòng của Mẹ Maria.
Đây là sự hiện diện bí tích
làm biến đổi tất cả chúng ta.
Nếu chúng ta nghe và giữ lời Chúa,
chúng ta sẽ trở thành người cha, người mẹ,
là anh em của Chúa Giêsu (Mt 12, 48-50).
Chúng ta mang lấy Ngài trong chúng ta.
Và sự hiện diện của Ngài
thánh hóa tất cả chúng ta.
Đây cũng là sự hiện diện nhân chứng.
Vì “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống,
nhưng chính Chúa Kitô sống trong tôi”
Chúa Giêsu muốn hiện diện khắp nơi.
Chúng ta cần mang Ngài đến bất cứ nơi nào:
cần được yêu thương,
cần có hòa bình,
khát khao công lý...
Hãy để Ngài tự do hành động.
Đừng ép Ngài phải theo cách của chúng ta.
Nhưng trái lại,
chúng ta phải cùng hoạt động với Ngài,
theo cách thức của Ngài.
Và sự hiện diện của Ngài mặc dù âm thầm,
vẫn luôn có sức thánh hóa mọi người.
21. Trường mẫu giáo
Tự sức riêng mình,
chúng ta không thể nào hiểu biết được Thiên Chúa.
Sự bất tận vô cùng không thể nào được hàm chứa
trong cái tận cùng giới hạn.
Đó là điều tự nhiên.
Nhưng Thiên Chúa là Người Cha.
Ngài muốn chúng ta là con cái
được biết Ngài để yêu mến Ngài.
Vì thế, Thiên Chúa đã sai
Con Một của Ngài xuống trần gian,
dạy dỗ chúng ta bằng lời nói và gương sáng.
Con của Ngài là Chúa Giêsu đã nhập thể
đã chỉ dạy chúng ta
bằng chính ngôn ngữ của chúng ta
với tất cả tình yêu mến.
Nhưng làm sao chúng ta có thể
hiểu hết được những điều Ngài giảng dạy?
Làm sao có thể áp dụng lời Ngài
trong những hoàn cảnh khác nhau
và mỗi ngày mỗi đổi mới?
Chúa Giêsu, vị Thầy tuyệt hảo biết rõ điều đó.
Sau khi về Trời, Ngài sai Thánh Thần đến
để tiếp tục dạy dỗ theo một cách thức mới,
thích ứng với điều kiện thời gian
và hoàn cảnh Hội Thánh.
Các Thánh Tông Đồ tiếp tục
được Chúa Thánh Thần chỉ dạy.
Các Ngài đã theo học trong
“Đại Học Chúa Thánh Thần”.
Và nhiều “luận án” giá trị
đã được các ngài viết ra bao gồm:
Công Vụ Tông Đồ, các thư của Phaolô,
các thư của Gioan, các thư của Phêrô,
của Giacôbê, của Giuđa, thư giáo lý…
đến nỗi sau 20 thế kỷ,
chúng ta vẫn còn cần nghiên cứu học hỏi.
Khi học với Chúa Giêsu,
Chúa Cha khuyên các Tông Đồ:
“Các ngươi hãy nghe lời Người”. (Mt 17, 5).
Khi nói về Chúa Thánh Thần,
Chúa Giêsu cho biết:
“Ngài sẽ chỉ dạy chúng con mọi điều”
(Ga 16, 13-15).
Và các Tông Đồ đã ngoan ngoãn
nghe theo lời hướng dẫn, dạy dỗ
của Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần
như các em học sinh Trường Mẫu Giáo,
nhờ đó, Hội Thánh ngày một lớn mạnh.
22. Đức Mẹ mở trường mẫu giáo
Ngay trước khi lìa đời, Chúa Giêsu đã trối lại
Mẹ của Ngài cho Thánh Gioan,
đại diện cho tất cả chúng ta:
“Này là Mẹ của con” (Ga 19, 27)
Kể từ đó, Mẹ tiếp tục nâng đỡ,
dạy dỗ các Tông Đồ
với tất cả lòng yêu mến.
Mẹ đã mở Trường Mẫu Giáo cho các Tông Đồ,
và tiếp tục mở Trường Mẫu Giáo
cho tất cả chúng ta.
Trong thực tế,
những điều các em bé học được nơi người Mẹ
đều mới mẻ, kỳ diệu...
Và những điều dạy dỗ đầu tiên này của người Mẹ,
làm nền tảng cho cuộc đời của các em.
Cũng thế, kề cận bên Mẹ Maria,
chúng ta cũng sẽ học được những điều cần thiết
cho hiện tại và tương lai,
cũng như hiểu được ơn gọi của mình.
Với Mẹ, chúng ta sẽ tìm ra giải đáp
cho những vấn nạn khó khăn của cuộc sống.
Với Mẹ, chúng ta có thể giãi bày
những chuyện sâu kín của lòng mình,
mà với người khác,
chúng ta không thể tin tưởng tỏ bày.
Chúa Giêsu, các Tông Đồ,
đặc biệt Gioan, Luca, Mác-ta, Mađalêna...
đã học trường mẫu giáo với Mẹ Maria.
Mẹ cũng sẽ giúp chúng ta hiểu được
ý Chúa và ơn gọi của mình.
Mẹ sẽ dạy cho chúng ta
biết nói chuyện với Chúa Giêsu,
biết cầu nguyện, biết làm việc,
biết yêu thương quên mình...
Và Mẹ sẽ nắn đúc chúng ta
nên giống Chúa Giêsu, Con của Mẹ.
Lạy Mẹ Maria!
Con cám ơn Mẹ hết lòng.
23. Đừng tách rời
Khi nói đến chuyện “đừng tách rời”,
tôi nghĩ ngay đến Thánh Giuse,
Bạn thanh sạch của Mẹ Maria
và là Cha nuôi của Chúa Giêsu.
Chắc chắn Mẹ Maria và Chúa Giêsu
yêu mến Thánh Giuse hơn mọi người khác.
Tôi cũng nghĩ rằng, trên Thiên Đàng
Thánh Giuse là Đấng Trung Gian mọi ơn lành,
vì Chúa Giêsu luôn nghe lời của Thánh Giuse.
Tôi không phải là nhà thần học.
Tôi yêu mến Mẹ Maria, Mẹ chúng ta.
Và tôi không hiểu tại sao trong thực tế,
Thánh Giuse, Cha chúng ta,
lại bị tách rời khỏi Mẹ Maria, Mẹ chúng ta?
Thánh Giuse như bị xếp vào hạng hai.
Một người con không thể
và cũng không bao giờ muốn thấy, một cách nào đó,
Cha của mình bị tách ra khỏi người Mẹ của mình.
Chắc chắn Chúa Giêsu cũng cảm thấy như vậy.
Thiên Chúa đã nối kết cả ba người lại với nhau
trong một sứ mạng đặc biệt là cứu rỗi nhân loại.
Vậy mà giờ đây lại khác!
Đức Thánh Cha Gioan XXIII
đã đưa Thánh Giuse vào lịch phụng vụ Roma.
Nhưng cho đến bây giờ,
sau nhiều đợt cải tổ Phụng Vụ,
trong các Kinh Nguyện Thánh Thể của Hội Thánh,
vẫn không thấy nhắc đến tên Thánh Giuse.
Sau Công Đồng Vatican II,
vai trò và ơn gọi của người giáo dân,
vai trò của gia đình,
cũng như đường hướng tu đức,
con đường nên thánh của người giáo dân,
được đề cao và nhấn mạnh.
Nhưng có gương mẫu thánh thiện nào tốt nhất
cho người giáo dân và gia đình
bằng gương mẫu của Thánh Giuse và Mẹ Maria?
Tại sao chúng ta không tìm cách
nhắc nhở mọi người về Thánh Giuse nhiều hơn?
Tôi cầu nguyện
và ước mong những người có trách nhiệm,
tìm lại chỗ đứng xứng hợp cho Thánh Giuse.
Tôi nghĩ làm như thế, tất cả mọi người sẽ vui mừng,
kể cả Mẹ Maria và Chúa Giêsu.
Đừng tách rời Thánh Giuse
ra khỏi Mẹ Maria và Chúa Giêsu.
24. Chúa là Bác Sĩ viện nhi đồng
Bệnh tật là chuyện thường tình của đời người.
Có đủ thứ bệnh tật khác nhau.
Và trước bệnh tật, tất cả chúng ta
đều là những trẻ nhỏ, vì ai cũng sợ bệnh.
Nhiều khi bệnh tưởng tượng lại càng tệ hại hơn.
Chúng ta thở than, khóc lóc, lo lắng... vì bệnh.
Lúc bệnh, chúng ta hiểu được rằng
những lời hướng dẫn của bác sĩ
là đúng và quan trọng
và chúng ta nghe theo lời bác sĩ.
Thiên Chúa là Bác Sĩ viện nhi đồng.
Ngài luôn ở bên cạnh chúng ta.
Để được chữa lành, tin là điều kiện tối cần.
Chúa Giêsu cũng đã nói với hai người mù:
“Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?”
(Mt 9, 28).
Và người kỳ mục bày tỏ sự tin tưởng:
“Con gái tôi vừa mới chết.
Nhưng xin Ngài đến đặt tay lên cháu,
là nó sẽ sống” (Mt 8, 18).
Nhưng còn một chuyện khác
cũng làm cho chúng ta sợ hãi,
đó là phương tiện chữa lành.
Nhiều người sợ uống thuốc, sợ chích thuốc.
Và nếu cần phải giải phẫu thì càng sợ hơn.
Bác sĩ trấn an các em bé bằng kẹo ngọt, đồ chơi.
Còn với chúng ta, bác sĩ kiên nhẫn
giải thích căn nguyên của bệnh,
và phương cách để chữa lành,
cũng như những điều phải từ bỏ,
như một bệnh nhân phải bỏ rượu, thuốc lá.
Không có luật trừ trong việc chữa bệnh,
dù phải cắt bỏ một bộ phận nào đó
để giữ mạng sống.
Như một Bác Sĩ,
Chúa cũng nói vào tai của chúng ta
một cách nhẹ nhàng, thân tình, sâu lắng.
Như Mađalêna, như Da-kêu...
chúng ta phải nghe và làm như Chúa khuyên bảo
để được chữa lành.
Chúng ta còn có một trợ y đặc biệt giúp đỡ.
Đó là Mẹ Maria, Mẹ của chúng ta.
Thiên Chúa tin giao cho Mẹ
nhiệm vụ giúp chữa lành.
Với lời ngọt ngào của người Mẹ,
em bé sẵn sàng uống thuốc.
Cũng thế, Mẹ Maria sẽ giúp chúng ta dễ dàng
chấp nhận những điều kiện chữa lành của Chúa.
Và sau khi được chữa lành,
chúng ta còn cần phải
nghe theo lời khuyên của Bác Sĩ:
“Hãy đi bằng an
và đừng phạm tội nữa” (Ga 8, 11).
Tái phạm làm bệnh nặng hơn và khó chữa hơn.
Tuy nhiên, phòng bệnh vẫn hơn là chữa bệnh.
Chúng ta cần lắng nghe lời khuyên của Mẹ
để khỏi rơi vào tình trạng bệnh hoạn.
Và cuối cùng, không ai có thể được chữa lành
nếu từ chối, không muốn được chữa.
Thiên Chúa, Bác Sĩ Vạn Năng
luôn tôn trọng tự do của chúng ta.
Được khỏe mạnh hay không
tùy thuộc vào quyết định sáng suốt của chúng ta.
25. Chúng con
sẽ làm chứng cho Thầy
Trước khi trở về với Chúa Cha,
Chúa Giêsu đã để lại một lệnh truyền:
“Anh em sẽ là chứng nhân cho Thầy
cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 8).
Đây là lệnh truyền cuối cùng,
quan trọng vì được nói ra trước khi giã từ.
Ngài không biểu các ông hãy làm “Tông Đồ”,
cũng không biểu hãy làm “Môn Đệ”,
nhưng là làm “Chứng Nhân”.
Làm chứng nhân
nghĩa là truyền giáo bằng chính cuộc sống.
Không phải ở đâu xa lạ,
nhưng trong chính thế giới này:
Đến tận cùng trái đất.
Làm Tông Đồ hay Môn Đệ
thì chỉ có một ít người được.
Nhưng Chứng Nhân thì mọi người đều có thể làm.
Để làm chứng nhân, Chúa Giêsu
không đòi hỏi điều kiện đặc biệt nào cả.
Không đòi buộc phải thông minh,
có trình độ kỹ thuật,
hay thuộc về một dòng tu nào…
Lệnh truyền thật rõ ràng và vắn gọn:
“Hãy làm chứng nhân cho Thầy”.
Tất cả mọi thành phần:
nhân công, binh lính, công chức,
bác sĩ, luật sư, nhà chính trị, đàn bà, trẻ em…
đều có thể làm chứng nhân.
Chỉ cần hiện diện hoặc sống làm sao
để người khác phải đặt câu hỏi:
“Tại sao người đó sống tốt lành như vậy?
Tại sao người đó phản ứng tốt như vậy?”
Đó là cách làm chứng nhân nhẹ nhàng,
âm thầm, nhưng thật hiệu quả,
vì làm chứng bằng chính cuộc sống.
26. Nhiều người
không chịu làm chứng
Nhiều người khác tự xưng mình là chứng nhân.
Nhưng họ chỉ đánh bóng mình để được nổi tiếng.
Ngôi sao của họ vụt sáng trong chốc lát,
rồi từ từ bị chìm vào quên lãng,
vì lời chứng của họ yếu ớt, biến chất hoặc giả dối.
Người khác chỉ cần quan sát, phân tích,
cũng đủ để khám phá ra nơi những người này
không có sự thật, không có tình yêu thương.
Và từ đó kết luận được
họ không phải là chứng nhân của Chúa Giêsu.
Nói cách khác, cuộc sống thật của họ
không phù hợp với Tin Mừng,
không làm tỏ hiện được khuôn mặt của Chúa Giêsu.
Vì thế lời chứng của họ
không có tính cách thuyết phục, lôi cuốn,
và cũng thiếu luôn sự khả tín.
Trái lại, những lời của họ đưa đến sự chia rẽ,
mâu thuẫn, hoặc dửng dưng vô cảm.
Thật ra, ai lại có thể đi tin được một “chứng nhân”
mà đức tin vẫn còn hời hợt, nửa vời?
Vì nếu người đó tin thật sự,
tại sao cuộc sống
cũng không khá hơn những người khác?
Chúa Giêsu muốn thấy hiệu quả thực tế của đức tin.
Một đức tin có thể chuyển núi dời non,
làm canh tân cuộc sống thật sự.
Nếu tất cả chúng ta
là những “chứng nhận đích thực”,
chắc chắn thế giới này sẽ đổi mới.
Nhiều người Kitô hữu
không chấp nhận vai trò chứng nhân của mình.
Nhiều người khác lại phá đổ công việc tông đồ
bằng kiểu chứng nhân của riêng mình.
Điều này giúp hiểu được
lời nhận xét của Đức Thánh Cha Phaolô VI:
“Sự tự hủy diệt của Hội Thánh”.
27. Làm tôi tớ mọi người
“Ai muốn làm đầu anh em
thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10, 44).
“Con Người đến không phải để được phục vụ,
nhưng là để phục vụ” (Mt 20, 28).
Hai anh em Gioan và An-rê,
cũng như những Tông Đồ khác,
đều còn mang nặng tâm thức của người Do Thái
về quan niệm Nước Trời.
Họ nghĩ rằng Nước Trời
cũng giống như một vương quốc ở trần gian,
nên tranh giành nhau để được chức quyền
(Mt 20, 20-28; 18, 1-5).
Ngày nay trong Hội Thánh,
tâm thức này vẫn còn
mặc dầu đã được Chúa Thánh Thần
hướng dẫn trong suốt 2000 năm.
Vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng
khi chúng ta tìm cách đồng hóa nó
dưới những hình thức mang lớp áo siêu nhiên,
vòng hoa tu đức hay khổ chế.
Thật ra, không gì có thể so sánh
với Thần Khí của Chúa.
Bởi vì, Nước Trời của Chúa hoàn toàn khác hẳn.
Lời của Chúa trả lời cho mẹ con ông Dê-bê-đê
làm nổi bật điều kiện
và trách nhiệm để được Nước Trời:
1. “Các ngươi có uống nổi chén của Thầy không?”
Nghĩa là chấp nhận mọi khó khăn,
ngay cả cái chết.
2. “Chén của Thầy các ngươi sẽ uống”
Nghĩa là sẽ bị thế gian ghét bỏ và bách hại
mặc dù phục vụ yêu thương hết mình.
Một cách nào đó,
tâm thức và tham vọng thế gian
vẫn còn tồn đọng
trong Hội Thánh và trong cả tôi nữa,
làm cho tôi xa rời Chúa Giêsu,
và làm cho bộ mặt của Hội Thánh bị biến thái.
Nguyên tắc quyết định cho Nước Trời
chính là tình yêu thương phục vụ mọi người,
nhất là những người đang sống bên cạnh mình.
28. Tham vọng chính đáng
Như vậy, chúng ta không còn tham vọng sao?
Vẫn còn, nhưng theo một cách thức khác.
Tham vọng của chúng ta
cần phải được xác định
- bằng tinh thần trách nhiệm
- bằng khả năng hy sinh cho chính việc phục vụ
- bằng tinh thần sẵn sàng
chấp nhận hy sinh bản thân vì anh em.
Chúa Giêsu, vị Thầy của chúng ta,
đã làm gương bằng cách hiến mạng sống mình.
Ngài đến để phục vụ,
chứ không phải để được phục vụ.
Không có con đường nào khác.
Hoặc phục vụ như Chúa Giêsu.
Hoặc làm hạ giá Thiên Chúa
và trở thành đầy tớ của Satan
như Chúa đã quở trách Phêrô:
“Satan, lui lại đàng sau Thầy.
Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh
không phải là tư tưởng của Thiên Chúa”
(Mt 16, 22-23).
Những người môn đệ nòng cốt của Chúa Giêsu
như Phêrô, Gioan, Giacôbê
cùng đều mắc phải loại cám dỗ này.
Và cám dỗ này
vẫn luôn hiện diện trong Hội Thánh
trong suốt hai mươi thế kỷ cho đến bây giờ.
Chúng ta cần biến những tham vọng con người
thành những quyết tâm trong sáng
để phục vụ anh em của mình.
29. Chương trình
của môn đệ Chúa Giêsu
Chương trình dài hạn của các Tông Đồ
là thực hiện sự đoàn kết
và sẵn sàng hy sinh mạng sống
để mọi người được hưởng Nước Trời.
Cũng thế, tất cả cuộc sống của tôi,
cuộc sống của người môn đệ Chúa Giêsu
là nhằm để phục vụ Nước Trời.
Phục vụ trong tinh thần
Phục vụ bằng hành động
Phục vụ như là một nguyên tắc dứt khoát.
Phục vụ như là một chương trình bất biến.
Vì thế, tôi cần phải nghiên cứu học hỏi luôn
- để ngày càng trở nên sẵn sàng
cho việc phục vụ
- để ngày càng phục vụ cách hữu hiệu hơn,
đầy nhân chứng hơn và dễ được chấp nhận hơn
Tôi cũng cần phải nghiên cứu học hỏi luôn
- để việc phục vụ của tôi được trong sáng hơn,
và trở nên chân thật hơn
- và để việc phục vụ của tôi
trở nên cập nhật và hiện đại hơn.
Cần phải kiểm điểm liên tục
và một cách nghiêm chỉnh
về phẩm chất phục vụ của tôi.
Nếu không,
từ từ tôi sẽ ra khỏi con đường phục vụ của Chúa,
và chỉ còn giới hạn lại
trong phạm vi những người tôi yêu thích,
hoặc bà con, bạn bè của tôi.
Hay tệ hơn, tôi chỉ phục vụ cho một mình tôi.
30. Không có Ta
“Không có Thầy,
anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5)
Thánh Augustinô quả quyết:
“Không có Chúa,
chúng ta chẳng làm được gì cả,
nhiều cũng không mà ít cũng không,
vì Chúa Giêsu đã nói “nihil”: hoàn toàn không”.
Chúng ta có thể thêm vào câu nói đó:
“Việc lớn cũng không mà việc nhỏ cũng không”.
Công cuộc cứu độ là chuyện siêu nhiên.
Chỉ một mình Thiên Chúa
mới thực hiện được việc đó.
Còn sức con người chẳng làm được gì.
Và nếu làm được gì thì chỉ là nhờ ơn của Chúa,
khi biết liên kết với Chúa Giêsu.
Chính Ngài cũng đã nói đến điều này
bằng nhiều cách khác nhau:
“Anh em có xin Chúa Cha điều gì
thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy”
(Ga 16, 23).
“Thầy là cây nho, anh em là cành.
Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở trong người ấy,
thì người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái” (Ga 15, 5).
Cách sống của chúng ta
thật lạ kỳ và tương phản.
Hoặc không màng tới Chúa, vì nghĩ rằng
tự mình có thể làm chuyện này chuyện kia,
và tin rằng thế giới này có thể tự canh tân.
Đó là thái độ sống kiêu căng và tự mãn.
Hoặc tìm cách đẩy dồn mọi sự cho Chúa,
rồi nghỉ ngơi, không chút bận tâm, lo lắng.
Đó là thái độ sống lười biếng
và thiếu trách nhiệm.
Chúa muốn chúng ta nhận ra giới hạn của mình,
không phải để buông xuôi,
nhưng để tin vào Chúa và quyết tâm hành động
nhằm phục vụ anh em và canh tân thế giới.