Cầu Nguyện Hy Vọng - Tập 12
Tập 12 “Cầu Nguyện Hy Vọng” gồm 31 bài suy niệm – cầu nguyện của Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận.
Bấm chuột vào hình để tải tài liệu về máy (tài liệu có định dạng PDF):
1. Sự mâu thuẫn
của người Công Giáo
“Ai muốn làm đầu anh em
thì hãy làm đầy tớ mọi người” (Mc 10, 44)
Mâu thuẫn ở chỗ nào?
- Làm đầu tức là cai trị
và làm tôi tớ nghĩa là phục vụ.
Làm đầu không thể đi đôi với làm tôi tớ.
Sự phục vụ “nô bộc”
của Con Người và của Hội Thánh
được tiến hành như một loại thuốc chích ngừa,
giúp giải thoát con người
khỏi tình trạng của nô lệ và áp bức.
Đó là một cuộc giải phóng tương phản.
Vì người giải phóng
vừa là nạn nhân đang vùng lên phản kháng,
nhưng lại vừa là tôi tớ phục vụ của mọi người.
Tâm thức của con người cũng mâu thuẫn.
Vì đối với thế giới,
đối tượng của người có quyền hành là cai trị.
Quyền hành và phục vụ
không thể đi đôi với nhau.
Vì thế, chủ trương phục vụ
của cộng đoàn Kitô hữu,
đối chọi với xã hội trần thế nhắm đến hưởng thụ.
Cuối cùng là sự đối nghịch giữa Chúa Kitô
với quyền lực của thế giới này.
“Giờ đầy thủ lãnh thế gian sẽ bị tống ra ngoài”
(Ga 12, 31).
“Thủ lãnh thế gian đã bị xét xử rồi” (Ga 16, 11)
Và sự phục vụ “nô bộc” của Chúa Giêsu
đã đem lại toàn thắng.
Thái độ phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc
cũng chính là yếu tố nòng cốt
cho việc phát triển Hội Thánh.
Người Kitô hữu mặc dầu đã thuộc về Chúa
vẫn còn mang trong mình
bản tính thích quyền hành và hưởng thụ.
Muốn trở thành người tôi tớ
phục vụ theo gương Chúa Giêsu,
chúng ta cần có nhiều ơn Chúa và quyết tâm.
Nếu không quyết tâm,
chúng ta sẽ bỏ cuộc giữa đường
và tìm về lại con đường của thế gian.
2. Nguy cơ của Hội Thánh
Nguy cơ lớn nhất của Hội Thánh
không phải do những khó khăn từ bên ngoài,
nhưng chính từ nội bộ gây nên.
Cám dỗ về quyền hành
đã làm cho Hội Thánh gặp nhiều khó khăn.
Đây là một cám dỗ rất hợp lý
và chính Chúa Giêsu
cũng đã trải qua kinh nghiệm này.
Ma quỷ đã cám dỗ Chúa
với lời mật ngọt như sau:
“Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị…” (Lc 4, 6).
Cám dỗ này muốn đồng hóa Nước Thiên Chúa
với các vương quốc trần gian,
và muốn giải phóng con người khỏi tình trạng nô lệ,
nhưng lại thiết lập một quyền lực khác
mang tính cách tôn giáo.
Thật là một trọng tội nếu Hội Thánh:
- tổ chức và làm cho mình trở thành
một thể chế xã hội.
- và đắm mình hoàn toàn vào cơ cấu tổ chức này.
Trong lịch sử, hậu quả của cám dỗ này,
đã gây nên biết bao xáo trộn,
chia rẽ trong Hội Thánh,
và đã kéo dài, gây thiệt hại
còn hơn cả các cuộc chiến và cơn bách hại.
Bởi vì, Hội Thánh
đã do những cám dỗ này mà biến chất.
Không còn đáp ứng đúng với dự án nguyên thủy
của Đấng Sáng Lập là Chúa Giêsu.
Đây là cám dỗ muốn phục vụ Hội Thánh
theo kiểu xã hội trần thế,
để làm thỏa mãn những tham vọng riêng.
Và như thế, làm hạ giá Thiên Chúa
và tự biến mình thành những đệ tử của Satan:
“Phêrô, anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh
không phải là tư tưởng của Thiên Chúa,
mà là của loài người” (Mt 16, 23).
Đây cũng là cám dỗ nguy hiểm hơn cả
vì thường thấy gặp
nơi những vị lãnh đạo trong Hội Thánh,
chứ không phải nơi người giáo dân.
Thật tai hại cho Hội Thánh!
Tai hại còn hơn cả 3 thế kỷ
bị Đế Quốc Roma bách hại,
Vì vào thời kỳ đó, không có lạc giáo,
tất cả mọi người Kitô hữu hiệp nhất với nhau.
Nhưng khi quyền lực thế gian xâm nhập vào,
Hội thánh bị chia rẽ, trở nên yếu nhược
vì không còn dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa.
Chỉ khi nào hoàn toàn dấn thân phục vụ,
không vì tham vọng chính trị, tập thể hay cá nhân,
Hội Thánh mới có thể đáp ứng một cách hữu hiệu
dự án của Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân loại,
là giải phóng khỏi mọi hình thức nô lệ, áp bức,
để đưa con người đến sự tự do chân thật.
Là những người môn đệ của Chúa Giêsu,
chúng ta đang chiến đấu
với những mâu thuẫn tận căn này.
Chúa Giêsu đã chiến thắng cám dỗ quyền lực.
Bám chặt vào Ngài,
chúng ta chắc chắn cũng sẽ vượt qua.
3. Một dân tộc mới
Chúa Giêsu đã đến trần gian để thiết lập
một dân tộc mới bằng chính máu của Ngài.
“Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta
cho thoát khỏi mọi điều bất chính…
khiến chúng ta thành Dân riêng của Người,
một dân hăng say làm việc thiện” (Tt 2, 14).
Cách sống của dân tộc mới này khác với dân cũ,
là dân chỉ biết nghĩ tới lợi lộc vật chất,
đóng kín như một loại “giáo phái”,
và tẩy chay những dân tộc khác.
Chúa Giêsu đến đã đổi mới tất cả.
Ngài đã khai mở thời kỳ Tân Ước.
Chúng ta có thể so sánh:
- Chúa Giêsu với Mô-sê
- Núi Sinai và Núi Phúc Thật
- Mười Điều Luật với Tám Mối Phúc
Tám Mối Phúc
là Hiến Chương của Vương Quốc mới.
Trong Vương Quốc này,
cũng có luật lệ, luật pháp, lời hứa,
xoay quanh luật yêu thương như trong luật cũ,
nhưng tất cả được kiện toàn
bằng tinh thần bên trong.
Dân tộc mới này đã tham dự vào
Vương Quốc của Chúa Giêsu
bằng chính “sự công chính, bình an
và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14, 17).
Tinh thần của dân mới này,
không phải chỉ đối nghịch với những gì cổ xưa,
mà còn đối nghịch
ngay cả với những gì thuộc về thế gian,
vì từ muôn đời, thế gian vẫn cứ mãi luẩn quẩn
trong vòng quyền hành, lợi danh và hưởng thụ.
Nhìn vào đó, con sẽ nhận ra được
mình đang thuộc về dân tộc nào.
Dân tộc mới của Chúa?
Hay dân tộc cũ hoặc thế gian?
4. Mới chỗ nào?
Vậy đâu là sự mới mẻ
trong Vương Quốc của Chúa Giêsu?
Những quan niệm và phương cách hành động
trong Vương Quốc này thật khác lạ:
- Cai trị chính là phục vụ.
- Người làm đầu,
người quan trọng lại là người nhỏ bé.
- Kẻ nghèo thuộc về Nước Trời
- Chết tức là sống bất diệt
Tất cả được tóm tắt trong một điều duy nhất:
Tình Yêu.
Chúa Giêsu đã thiết lập dân tộc mới này,
không phải bằng quyền bính
nhưng bằng yêu thương
đến hiến cả mạng sống mình.
Ngài điều hành dân tộc mới này,
không phải như một người quản lý vô tâm,
nhưng là một người anh em thân thiết.
Và quà Ngài ban tặng chính là Tình Yêu Thương:
Tình yêu của Chúa Cha.
Tình yêu giúp biến đổi con người và xã hội.
Vì thế, đây không phải là một dân tộc chia rẽ,
không phải là một “dân tộc kỳ thị”,
hay là “dân tộc Phát Xít”,
nhưng là dân tộc quyết tâm xây dựng đoàn kết
cho toàn thể nhân loại: “Ut sint unum”.
Con có thật sự vui mừng
được trở nên thành phần của dân tộc này không?
Con có phải là một thành phần năng động, tích cực,
hay chỉ sống tiêu cực, dửng dưng?
Con hãy quyết tâm làm cho tất cả mọi người
được thuộc về dân tộc mới này của Chúa Giêsu.
5. Đây là Mẹ con
Có hai lần Chúa Giêsu đã gọi
Mẹ của mình bằng danh từ “Bà”.
Lần thư nhất tại tiệc cưới Cana,
khi Ngài bắt đầu cuộc sống rao giảng công khai.
Khi gọi Đức Mẹ bằng “Bà”,
Chúa Giêsu muốn nhắc nhở với Mẹ của Ngài,
đã đến lúc phải phân định rõ
tình gia đình và sứ vụ của Ngài.
Ngài phải ưu tiên thực hiện ý muốn của Chúa Cha.
Và giờ của Ngài chưa đến.
Lần thứ hai tại đồi Cal-vê.
Đây là giờ của Ngài
và cũng là giờ của Mẹ Ngài.
Mẹ Maria đã hiện diện dưới chân Thánh Giá.
Một cách chính thức, Mẹ là Người Đàn Bà
liên kết mật thiết với Đấng Cứu Thế,
trong công cuộc cứu chuộc toàn thể nhân loại,
như đã viết trong Sách Sáng Thế:
“Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà,
giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy”
(St 3, 15)
và trong sách Khải Huyền:
“Một Người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời,
chân đạp mặt trăng
và đầu đội triều thiên với mười hai ngôi sao…”
(Kh 12).
Chính trong giờ phút long trọng này,
lời xưng hô “Bà” của Chúa Giêsu
lại càng ý nghĩa hơn.
Tình Mẹ Con thân thiết
giữa Chúa Giêsu và Mẹ Maria
giờ đây được mở rộng đến mọi người.
Mẹ trở thành Mẹ của tất cả chúng ta,
những người được Chúa Giêsu
ban chính sự sống của Ngài.
Chúa Giêsu và Mẹ Maria đã liên kết mật thiết
trong hy tế cứu chuộc này.
Đó chính là giờ.
Và cả hai không thể tách lìa nhau.
Mẹ Maria là Mẹ của chúng ta.
Chúa Giêsu và chúng ta có chung một người Mẹ.
Và Ngài trở thành anh em của chúng ta.
“Đấng Thánh Hóa là Đức Giêsu,
và những ai được thánh hóa đều do một nguồn gốc.
Vì thế, Người đã không hổ thẹn gọi họ là anh em”
(Dt 2, 11- 12)
Và đây cũng là ý muốn của Chúa Cha:
“Để con của Người làm trưởng tử
giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8, 29).
Chúng ta thật sự thuộc về
gia đình của Mẹ Maria và Chúa Giêsu.
Thật hạnh phúc biết bao!
6. Hạnh phúc làm con Mẹ
Chỉ cần nghĩ tới ân huệ
được làm con của Mẹ Maria,
và làm em của Chúa Giêsu,
tâm hồn chúng ta cũng đã đầy tràn hạnh phúc.
“Này là con Bà”. “Này là Mẹ con”
(Ga 19, 26- 27).
Được ân huệ này,
chúng ta không chỉ dừng lại
ở tâm tình vui mừng, yêu mến và tạ ơn.
Cũng không dừng lại
ở thái độ chúc tụng, ca khen Mẹ.
Nhưng trước hết và trên hết,
chúng ta phải sống xứng đáng là con cái của Mẹ.
Trung thành với di chúc của Chúa Giêsu.
Và chu toàn nhiệm vụ làm con
bằng cách cộng tác, chia sẻ với Mẹ
trong những quan tâm, lo lắng
nhằm thực hiện công cuộc cứu chuộc mọi người.
Những lúc cuộc sống gặp khó khăn nhất,
như “giờ của Mẹ” dưới chân Thánh Giá,
tôi phải ý thức đó chính là “giờ của tôi”,
là thời điểm thử thách tâm tình con thảo của tôi.
Cùng với Mẹ, chắc chắn tôi sẽ vượt qua được
tất cả mọi nghịch cảnh đau thương của cuộc sống,
trên đường dấn thân mở rộng Nước Trời,
thực hiện di chúc của Chúa Giêsu,
người Con yêu dấu của Mẹ.
Liên kết với Chúa Giêsu và Mẹ Maria,
từ giây phút này, tôi sẽ vui vẻ chấp nhận
tất cả những gì xảy đến
trong cuộc đời mình với tình yêu thương.
Tôi sẽ luôn tự nhắc nhở mình thỏ thẻ với Mẹ:
“Đây là con của Mẹ”.
Và chắc chắn Mẹ sẽ nói với tôi cách ngọt ngào:
“Đây là Mẹ của con”.
Và như vậy, cuộc đời của tôi
sẽ tràn ngập an bình và hạnh phúc.
7. Tôi yêu
các khuyết điểm của Chúa Giêsu:
Chúa kém trí nhớ
Lúc sắp trút hơi thở, Chúa Giêsu hứa
với người trộm lành treo trên thập giá cạnh Ngài:
“Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”
(Lc 23, 42-43).
Chúa đã không sưu tra lý lịch,
không cân nhắc mức độ gian ác của anh ta
để phân xử thích đáng.
Ngài quên hết quá khứ của anh ta
bởi vì anh đã xin Ngài “nhớ” đến anh.
Các Thánh nói:
Tên này suốt đời ăn trộm,
đến lúc chết, nó ăn trộm luôn nước Thiên Đàng!
Dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu,
thường gọi là Người Con Hoang Đàng,
càng cho thấy Chúa kém trí nhớ.
Gặp người con hoang đàng trở về,
người Cha vui mừng ôm lấy con,
quên hết mọi tội lỗi đứa con đã phạm
và làm đau lòng mình.
Ông chỉ cần biết là đứa con vẫn còn sống,
và đã thống hối trở về.
Người Cha nhân hậu chính là Chúa.
Và lần này, trí nhớ của Ngài
hình như không làm việc nữa!
Đối với chúng ta cũng vậy.
Mỗi khi chúng ta trở về với Chúa.
Ngài quên vô điều kiện,
quên ngay tức khắc
tất cả quá khứ không đẹp của chúng ta.
Có thể nói Ngài bị bệnh Alzheimer thiêng liêng,
nên quên hết quá khứ tội lỗi của chúng ta.
Nhưng Ngài vẫn còn nhớ một điều:
Chúng ta là con của Cha Ngài, là em của Ngài.
Thật cảm động!
Lạy Chúa, xin cho con
cũng “được” bệnh Alzheimer như Chúa,
để con biết quên đi quá khứ lỗi lầm của anh em.
8. Chúa kém môn toán
Trong dụ ngôn “Con chiên lạc mất”
(Lc 15, 4-7),
Chúa phản ứng
như một người không biết tính toán.
Bỏ lại 99 con chiên không người canh giữ,
để đi tìm một con chiên lạc,
không biết đang ở đâu,
thật là một hành động thiếu tính toán.
Kẻ trộm, sói rừng có thể lợi dụng thời gian này
để làm hại đàn chiên ngoan ngoãn.
Chúa xem một con chiên cũng như 99 con.
Và lạ lùng hơn,
Ngài tỏ ra vui mừng với con chiên lạc
đã làm Ngài mất công, mất sức, mất thời giờ,
hơn cả 99 con chiên hiền lành kia.
Việc rao giảng của Chúa
cũng xem ra không có kế hoạch gì cả.
Với quyền năng và tài hùng biện,
Ngài có thể tổ chức thuyết trình
như các cuộc vận động tranh cử.
Chỉ cần tập trung dân chúng ở một vài nơi,
giảng một bài thật hùng hồn,
kèm theo một vài phép lạ,
thì dân chúng sẽ tấp nập theo Ngài.
Vậy mà suốt ba năm trời,
Ngài đã bỏ quá nhiều thời giờ
tiếp xúc với từng người một,
với Ni-cô-đê-mô, Mát-thêu, Da-kêu,
Mác-ta, Mađalêna, Maria, Simon,
với người phụ nữ Samaria
bên thành giếng Gia-cóp...
Cuối cùng chỉ còn lại
nhóm tông đồ và mấy người phụ nữ.
Chúa chuộng số ít hơn là số đông.
Hay đúng hơn, Chúa quan tâm đến từng người.
9. Chúa kém lý luận
Xem dụ ngôn “Đồng bạc bị đánh mất”
(Lc 15, 8-10)
thì thấy được kiểu lý luận khác thường của Chúa.
Một người đàn bà có 10 đồng.
Lạc mất một đồng ở trong nhà mình.
Chuyện bình thường có gì gấp vội đâu.
Vậy mà nửa đêm khuya khoắt,
thức dậy lục lọi tìm kiếm cho bằng được.
Rồi náo động
báo thức bà con lối xóm đến chia mừng.
Lại bày vẽ ăn uống tốn kém nữa.
Nếu bà ta trúng số độc đắc
thì còn tạm chấp nhận được.
Nhưng đây chỉ là một đồng bạc đánh mất.
Lục tìm, dựng đầu hàng xóm dậy,
bày tiệc ăn mừng vì chỉ một đồng bạc
quả thật là điều khó hiểu, khó chấp nhận.
Thiếu logic quá!
Chúa lại càng thiếu logic hơn khi dạy rằng
nếu nhà có tiệc tùng thì đừng mời bạn bè,
anh em, bà con, hay láng giềng giàu có,
nhưng hãy mời người nghèo,
tàn tật, què quặt, đui mù (Lc 14, 12-14).
Kiểu này thì còn gì danh giá.
Mất mặt với hết mọi người quen thân.
Có nước bán nhà lên rừng ở.
Chúa thiếu logic
vì Ngài đặc biệt quan tâm
đến những người nghèo khổ,
và vui mừng hơn
khi thấy người tội lỗi thống hối, ăn năn.
10. Chúa kém
môn kinh tế tài chánh
Nước Trời giống như người chủ
thuê thợ làm vườn nho (Mt 20, 1-16).
Chúa dùng hình ảnh này thật đẹp.
Mọi người cùng cộng tác làm việc cho Nước Trời.
Nhưng khi đọc hết dụ ngôn thì thấy được
Chúa không phải là người kinh tài giỏi.
Trả lương cho thợ mà người làm một giờ thôi
cũng được trả bằng người làm 8 tiếng,
thì có nước bán vườn, bán nhà để trả nợ.
Những người làm công từ sáng sớm đã bực mình
vì cách cư xử lạ thường này của ông chủ.
Họ thấy ông chủ này
không biết gì về kinh tế, tài chánh;
hơn nữa ông còn bất chấp lối tính toán
và sự công bằng thông thường.
Chắc những người này sẽ không trở lại làm việc
cho ông chủ dại dột, khác thường này nữa.
Câu nói của ông chủ với những người than phiền:
“Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ghen tức”
cho thấy lòng nhân vượt qua sự công bằng,
và lòng nhân quan trọng hơn sự tính toán kinh tế.
Chúa luôn đối xử với con người
bằng tình yêu thương,
và yêu thương thì không có giới hạn,
không có mức độ để cân đo.
11. Chúa làm bạn với kẻ tội lỗi
Từ xưa đến nay, thông thường chẳng mấy ai
muốn liên lạc, tiếp xúc
với những người không đàng hoàng.
Còn với những người tội lỗi tỏ tường, công khai,
thì càng phải cao bay xa chạy để khỏi bị vạ lây,
hoặc khỏi bị mất tiếng tốt,
mất chỗ đứng trong xã hội.
Vậy mà Chúa Giêsu,
một Rabbi, một Bậc Thầy,
lại tự nguyện giao du với những hạng người này,
nhất là hạng thu thuế như Mát-thêu, như Da-kêu.
“Sao Thầy của các anh
lại ăn uống với bọn thu thuế
và phường tội lỗi như vậy” (Mt 9, 11).
“Ông này đón tiếp phường tội lỗi
và ăn uống với chúng” (Lc 15, 2).
Trong xã hội Do Thái thời đó,
hạng người thu thuế được xem là phản quốc,
vì tiếp tay với ngoại bang đang đô hộ
để bóc lột dân chúng.
Và số tiền này một phần được dùng
để xây đền đài thờ ngẫu tượng của đế quốc La Mã.
Vì thế, tội này không còn là chuyện cá nhân,
nhưng đã đụng đến quyền lợi của dân tộc,
và xúc phạm đến cả Thiên Chúa.
Một tội rất nặng và công khai.
Chúa Giêsu bất chấp dư luận.
Ngài đã đi đến với những người tội lỗi,
và trở thành người bạn thân tình của họ,
chỉ vì Ngài muốn dẫn đưa họ
về con đường ngay chính để được cứu rỗi:
“Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc,
người đau ốm mới cần...
Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính,
mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9, 12-13).
Tình thương của Chúa thật không có biên giới.
12. Chúa thích ăn uống tiệc tùng
Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ rao giảng
bằng việc tham dự tiệc cưới tại Cana (Ga 2, 1)
và kết thúc bằng bữa Tiệc Ly với các môn đệ
trước khi chịu thương khó và tử nạn (Mt 26, 17).
Ăn uống, tiệc tùng
là chuyện thường tình của đời người.
Điều khác thường ở đây là Chúa lại tiệc tùng
với những người không đàng hoàng,
những người tội lỗi
như Mát-thêu, như Da-kêu,
như Mađalêna, như Simon
hoặc với những người thu thuế mà xã hội lên án.
Ngài bị những người Pharisiêu đánh giá:
“Đây là tay ăn nhậu,
bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi”
(Lc 7, 34).
Chúa Giêsu đã bị người đồng thời lên án
vì Ngài sống trái ngược
với phong cách truyền thống
của một Bậc Quân Sư.
Họ nghĩ, với tư cách là một Bậc Thầy,
Ngài phải đi tiên phong trong việc ăn chay
và tập cho các môn đệ mình ăn chay
như Gioan Tiền Hô và những người Pharisiêu.
“Tại sao các môn đệ của Gioan
và môn đệ người Pharisiêu ăn chay,
còn môn đệ ông lại không ăn chay?” (Mc 2, 18).
Và Chúa đã trả lời cho họ biết
về thời điểm phải ăn chay (Mc 2, 19)
cũng như tinh thần ăn chay cần phải có
để làm đẹp lòng Thiên Chúa (Mt 6, 16-18).
Thật ra, điều quan trọng hơn cả
không phải là ăn chay hay ăn tiệc,
nhưng là tình yêu thương chân thật tận đáy lòng.
Ăn chay trường mà trong lòng đầy hận thù,
đầy ganh ghét, tham lam...
thì đó chỉ là một thái độ giả dối.
Chúa dùng tiệc với người tội lỗi chỉ vì yêu thương.
13. Chúa không giữ luật
Chúa Giêsu không những bất chấp dư luận,
chơi thân, ăn uống với những người tội lỗi,
mà còn bất chấp luật lệ của xã hội thời đó nữa.
Ngài không rửa tay
trước khi dùng tiệc như luật buộc (Lc 11, 38).
Và nhất là không giữ luật ngày Sabat,
một luật quan trọng của người Do Thái.
Nhiều lần trong ngày Sabat này,
Ngài đã chữa lành nhiều bệnh nhân:
- Chữa người bại tay (Lc 6, 8-11).
- Chữa người mắc bệnh phù thũng (Lc 14, 1-6).
- Chữa người phụ nữ còng lưng (Lc 13, 14)
chữa ngay trong Hội Đường,
khiến cho ông trưởng Hội Đường cũng phải tức tối.
Không những Ngài đã không giữ luật
mà còn dung túng cho các môn đệ nữa.
Ngài để cho các ông bứt lúa ăn trong ngày Sabat
(Lc 6, 1-2).
Chúa Giêsu muốn nói với mọi người rằng,
điều quan trọng không phải là lề luật
nhưng là chính con người:
“Con người làm chủ ngày Sabat” (Lc 6, 9).
Và Ngài đã kiện toàn lề luật
bằng sự yêu thương,
là tinh thần và là trọng tâm của mọi lề luật.
Không có yêu thương,
luật lệ sẽ trở thành những phương tiện hợp pháp
để con người bắt bẻ, xét đoán và làm hại nhau.
Theo luật Mô-sê,
người đàn bà ngoại tình phải bị ném đá (Ga 8, 5).
Nhưng tình thương của Chúa Giêsu đã cứu sống,
và giúp chị ta đổi đời:
“Tôi không lên án chị đâu.
Chị về đi và đừng phạm tội nữa” (Ga 8, 11).
Đối với Chúa,
chỉ có một luật quan trọng nhất là luật yêu thương.
14. Chúa như điên cuồng
Cách sống khác thường
và lời giảng dạy của Chúa Giêsu
làm cho nhiều người tưởng rằng Ngài bị điên cuồng.
- Khi mời gọi mọi người
lãnh nhận lương thực thiêng liêng
là chính thịt và máu Ngài,
nhiều môn đệ đã rút lui không theo Ngài nữa,
bởi vì họ nhận thấy
“Lời này chói tai quá! Ai nghe cho nổi” (Ga 6, 60).
- Khi so sánh mình với Abraham:
“Trước khi có Abraham đã có tôi” (Ga 8, 58),
Chúa Giêsu đã khiến cho dân chúng nổi giận
và muốn ném đá Ngài.
- Các thân nhân của Chúa Giêsu cũng cho rằng
Ngài đã bị mất trí (Mc 2, 21).
- Và ngay cả Phêrô,
người môn đệ được Ngài tin cậy đặt làm đầu nhóm,
cũng cảm thấy khó chịu
vì những lời điên dại của Chúa:
“Con Người phải đi Giêrusalem,
phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục,
các thượng tế và kinh sư gây ra,
rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sống lại” (Mt 16, 21).
- Những lời khác thường này còn tìm thấy
trong những bài giảng của Ngài:
“Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em,
hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em
và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.
Ai vả má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa.
Ai đoạt áo ngoài của anh,
Thì cũng đừng cản nó lấy áo trong.
Ai xin thì hãy cho,
Ai lấy cái gì của anh thì đừng đòi lại”
(Lc 6, 27-31).
“Anh em tưởng
Thầy đến đem hòa bình cho trái đất sao?
Không phải thế đâu,
nhưng là đem chia rẽ” (Lc 12, 51).
- Cuối cùng chính binh lính
của quan Tổng Trấn Philatô,
cũng choàng áo đỏ,
đội vương miện bằng gai cho Ngài
để chế nhạo Ngài là kẻ điên cuồng.
Chúa Giêsu bị xem như điên cuồng cũng chỉ vì
Ngài muốn trung thành tuyệt đối
với sứ mạng cứu rỗi,
và muốn kiện toàn luật yêu thương.
15. Chúa quá phiêu lưu
Muốn thực hiện một công trình lớn
cần phải có một chương trình
và kế hoạch rõ ràng.
Chúa Giêsu xem ra
chẳng có chương trình kế hoạch gì cả
khi đến trần gian
thực hiện sứ mạng cứu chuộc nhân loại.
Ngài thật quá phiêu lưu.
Phiêu lưu trong lời tuyên bố về cuộc đời mình:
“Con Người sẽ bị nộp và bị giết chết” (Mt 16, 21).
Phiêu lưu trong cách sống:
“Con Người không có chỗ gối đầu” (Lc 9, 58).
Phiêu lưu trong lời hứa với các môn đệ:
“Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng
và sẽ đánh đập anh em
trong các hội đường của họ” (Mt 10, 17).
“Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ”
(Mt 10, 24).
Phiêu lưu trong phương cách hành động:
“Anh em đừng mang gì đi đường,
đừng mang gậy, bao bị,
lương thực, tiền bạc,
cũng đừng có hai áo…” (Lc 9, 3).
Cuộc phiêu lưu của Yêu Thương nơi Chúa Giêsu
được Thánh Phaolô sung sướng nghiền ngẫm
và diễn tả một cách hùng hồn như sau:
“Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa,
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa.
Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang,
mặc lấy thân phận nô lệ,
trở nên giống phàm nhân,
sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
và chết trên cây thập tự” (Phl 2, 6-8).
Chúa Giêsu chấp nhận phiêu lưu
cũng vì yêu con người.
16. Chúa giảng dạy
xem ra mâu thuẫn
Trong bài giảng đầu tiên của Chúa Giêsu,
Tám Mối Phúc Thật,
được xem là Hiến Chương Nước Trời,
đã thấy đầy dẫy những điều xem ra mâu thuẫn,
trái ngược với quan niệm thông thường:
Phúc cho kẻ nghèo, kẻ đói khát, kẻ than khóc,
kẻ bị người ta oán ghét, bách hại… (Lc 6, 20-22).
Sự khác thường này
vẫn được tiếp tục trong lời Ngài giảng dạy.
- Ai muốn cứu mạng sống mình, thì phải mất;
còn ai liều mạng sống vì tôi,
thì cứu được mạng sống” (Lc 9,24).
- “Anh em tưởng
Thầy đến đem hòa bình cho trái đất sao?
Không phải thế đâu,
nhưng là đem chia rẽ” (Lc 12, 51).
- “Hãy yêu kẻ thù
và làm ơn cho kẻ ghét anh em,
hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em
và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.
Ai vả má bên này,
thì hãy giơ cả má bên kia nữa.
Ai đoạt áo ngoài của anh,
Thì cũng đừng cản nó lấy áo trong.
Ai xin thì hãy cho,
Ai lấy cái gì của anh thì đừng đòi lại”
(Lc 6, 27-31).
- “Anh em đừng mang gì đi đường,
đừng mang gậy, bao bị,
lương thực, tiền bạc,
cũng đừng có hai áo…” (Lc 9, 3).
- “Con Người sẽ bị nộp và bị giết chết”
(Mt 16, 21).
Vậy là hết nước nói!
Mâu thuẫn đến thế là cùng!
Làm sao một Con Thiên Chúa quyền năng
lại bị con người hành hạ và giết chết được?
Chúa Giêsu mang đến cho con người
một sứ điệp mới,
sứ điệp yêu thương, sứ điệp về Nước Trời.
Đây là một thách đố cho con người,
vì xem ra trái ngược
với những quan niệm bình thường.
Nhưng lại rất đáng cho con người
đem ra thực hành, vì sứ điệp này
giúp thăng tiến con người và canh tân thế giới.
17. Tất cả chỉ vì yêu thương
Tất cả mười khuyết điểm trên đây của Chúa Giêsu
đều phát xuất từ Tình Yêu Thương tuyệt đối:
“Không có tình yêu nào lớn hơn tình thương
của người hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu”
(Ga 15, 13).
Tình yêu đó không nhớ lỗi lầm,
không tính toán, không xét nét,
không vị kỷ, không phê phán,
không gò bó, không biên giới, không điều kiện.
Tình yêu đó điên cuồng đến độ phiêu lưu
và hy sinh cả mạng sống mình.
Chúa là Đấng Trọn Lành,
làm sao có khuyết điểm được.
Nhưng Chúa lại là Tình Yêu vô hạn, mầu nhiệm.
Trí khôn loài người không hiểu nổi, không tin nổi,
nên gọi là khuyết điểm.
Khuyết điểm ấy đạt đến mức tuyệt đối
khi Ngài bị treo trên Thánh Giá
và bị người lính gác thách đố:
“Nếu ông là Thiên Chúa,
hãy xuống khỏi thập giá để chúng tôi tin”
(Mt 27, 40).
Nhưng Chúa đã can đảm
vượt qua cám dỗ cuối cùng này.
Lạy Chúa!
Nếu lúc đó Chúa tự mình xuống khỏi thập giá
như lời thách thức của người lính hành hình,
chắc Chúa đã không phải chết cách nhục nhã,
và thiên hạ sẽ tấp nập chạy theo Chúa.
Nhưng nhân loại chúng con
sẽ mãi sống trong tối tăm,
vì ơn cứu chuộc không thực hiện được.
Chúa đã chấp nhận khuyết điểm lớn nhất này,
chấp nhận cái chết như một người bất lực,
cũng chỉ vì yêu thương,
để tất cả nhân loại được sự sống đời đời.
Cao đẹp thay
“khuyết điểm vì tình yêu” của Chúa Giêsu!
18. Chúa Giêsu,
người quản trị tuyệt vời:
Luôn sẵn sàng
Nhìn lại cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu,
chúng ta nhận thấy cuộc sống
và cách giảng dạy của Ngài
chứa đựng những đức tính căn bản
của một người quản trị giỏi.
Trước hết Ngài là người luôn sẵn sàng.
Sẵn sàng là châm ngôn của mọi thành công
trong bất cứ lãnh vực nào:
chính trị, quân sự, kinh tế…
Một người lãnh đạo muốn thành công
cần phải chuẩn bị sẵn sàng.
Là Thiên Chúa toàn năng,
Chúa Giêsu dư khả năng để làm mọi việc.
Vậy mà trước khi đi rao giảng,
Ngài đã chuẩn bị ba mươi năm.
Ba mươi năm học hỏi, tu luyện,
sẵn sàng cho một sứ vụ chỉ kéo dài ba năm.
Chính Ngài cũng đã đưa ra thí dụ
về sự cần thiết phải chuẩn bị này:
Những cô khờ dại và những cô khôn ngoan
chờ chàng rể đến trong đêm khuya (Mt 25, 1-13).
Những cô khôn ngoan chuẩn bị dầu đèn sẵn,
đã thành công trong việc đón tiếp chàng rể.
Còn những cô khờ dại bị gạt ra ngoài đám tiệc,
vì đã không chuận bị dầu đèn chu đáo.
Câu chuyện này không những có giá trị
cho cuộc sống thiêng liêng,
mà còn thực tế cho cuộc sống trần thế.
Càng chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ,
càng bảo đảm cho sự thành công.
Vốn nhiều thì lời cao.
Vốn ít thì lời ít.
19. Lập chương trình
và quyết tâm thực hiện
Muốn công việc được thành công,
cũng cần có một chương trình
và kế hoạch rõ ràng:
kế hoạch ngắn hạn, kế hoạch dài hạn
và ngay cả kế hoạch bổ túc.
Thiên Chúa
có một chương trình dài hạn là sự cứu chuộc.
Và Ngài đã quyết tâm đi tới cùng chương trình đó.
Kinh Thánh cho thấy Thiên Chúa
đã từng bước thực hiện chương trình này,
qua lịch sử dân Do Thái
từ thời Tổ Phụ Abraham, qua các Tiên Tri
và cuối cùng giao cho Chúa Giêsu thực hiện.
Bắt tay vào việc,
Chúa Giêsu cũng đã có một kế hoạch
cho công cuộc cứu chuộc này.
Giai đoạn đầu tiên là kêu gọi các tông đồ.
Giai đoạn thứ hai là hướng dẫn họ,
cùng với họ rao giảng Nước Trời.
Giai đoạn thứ ba và cũng là giai đoạn quan trọng:
đó là cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài.
Giai đoạn bốn
là sai các tông đồ đi rao giảng Nước Trời
và ơn cứu độ của Thiên Chúa.
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ
loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”
(Mt 28, 19).
Mỗi người, nhất là người lãnh đạo,
cần phải có một lý tưởng.
Lý tưởng không dễ gì có thể thực hiện ngay được.
Phải có kế hoạch để thực hiện từng bước một
và quyết tâm kiên trì đi đến cùng.
20. Chọn người cộng tác
Công việc quan trọng
đòi hỏi sự góp sức của nhiều người.
Và việc càng lớn càng cần nhiều người cộng tác.
Chúa Giêsu đã chọn nhóm Tông Đồ thân tín
để giúp Ngài trên bước đường rao giảng Nước Trời,
và tiếp tục sứ mạng cứu chuộc cho mọi người.
Ngoại trừ Giu-đa phản bội,
những tông đồ khác đã hoàn toàn dấn thân
thực hiện sứ mạng Ngài giao,
nhờ đó chúng ta
mới có được một Giáo Hội như ngày nay.
Việc quan trọng nhất
trong kế hoạch thực hiện chương trình,
không phải là vật chất: văn phòng,
máy móc, tiền bạc…
nhưng chính là nhân sự cộng tác vào công việc đó.
Người cộng tác phải là người có cùng lý tưởng.
Người cộng tác phải là người
biết nói sự thật vì lợi ích chung.
Người cộng tác phải là người
biết làm việc chung với người khác.
Người cộng tác phải là người có quyết tâm.
- Phêrô và Phaolô
là hai mẫu gương của người cộng tác.
Phêrô chấp nhận Phaolô vào “phe mình”
vì cùng chung lý tưởng rao giảng về Chúa Kitô,
mặc dù Phaolô trước đó đã làm khổ Hội Thánh.
- Phaolô đã nói sự thật chống lại Phêrô
về chuyện bắt dân ngoại
phải chịu Phép Cắt Bì khi gia nhập Hội Thánh.
- Phêrô và Phaolô cùng làm việc với nhau
một cách có kế hoạch để phát triển Hội Thánh:
Phêrô chú tâm vào dân Do Thái,
Phaolô trở thành tông đồ cho “dân ngoại”.
- Cả Phêrô và Phaolô
đều quyết tâm rao giảng Tin Mừng,
hy sinh tất cả cho Tin Mừng,
đến nỗi hy sinh cả mạng sống mình.
Người quản trị lãnh đạo giỏi
cũng không ép buộc người cộng tác
phải hoàn toàn nghe theo mình trong mọi việc
như các em bé học sinh trường mẫu giáo.
Nhưng chỉ đưa ra những nguyên tắc, ý kiến,
rồi tin tưởng để người cộng tác định liệu thu xếp.
Chúa Giêsu đã đặt trọn niềm tin
nơi các Tông Đồ và Hội Thánh
trong sứ mạng tiếp tục rao giảng Tin Mừng.
21. Quyết tâm vượt qua trở ngại
Muốn công việc được thành công,
người lãnh đạo phải có quyết tâm,
nhất là những khi gặp khó khăn gây cản trở.
Chúa Giêsu là người quyết tâm.
Bằng mọi cách, Ngài thực hiện cho kỳ được
sứ mạng cứu chuộc mà Chúa Cha đã giao phó.
Ngài bất chấp những chống đối, mưu hại
của Biệt Phái, Luật Sĩ, kỳ mục và thượng tế.
Ngài thẳng thắn quở trách Phêrô
dù ông có ý tốt
muốn ngăn cản cuộc tử nạn của Ngài:
“Satan! Lui lại đàng sau Thầy.
Vì tư tưởng của anh
không phải là tư tưởng của Thiên Chúa,
mà là của loài người” (Mt 16, 23).
Và cuối cùng Ngài đã quyết tâm
vượt qua xâu xé nội tâm
trước khi bước vào giai đoạn cuối
của sứ mạng cứu rỗi:
“Cha ơi! Nếu được,
xin cho chén này rời khỏi con.
Nhưng xin đừng theo ý con,
mà xin theo ý Cha” (Mt 26, 39).
Các Thánh Tông Đồ, nhất là Phêrô và Phaolô
là những người quyết tâm.
Khi đã được Chúa chọn và giao phó trách nhiệm,
các ngài đã không ngại gian lao,
và ngay cả cái chết đau đớn,
để hoàn thành nhiệm vụ giao phó.
Người lãnh đạo cũng như người cộng tác
đều cần phải có quyết tâm.
22. Không khoan nhượng
với tham nhũng
Không khoan nhượng với tham nhũng,
nhưng phải hành động kịp thời,
và cương quyết tẩy sạch tham nhũng.
Càng chần chờ, thiệt hại càng nặng.
Và tuyệt đối không bao che
khi có bằng chứng cụ thể.
Chúa Giêsu đã thẳng tay đánh đuổi
những người buôn bán trong đền thờ:
“Nhà Ta là nhà cầu nguyện,
thế mà các ngươi
biến thành hang trộm cướp” (Mt 21, 12-17).
Ngài không đợi các thượng tế cho ý kiến,
Hoặc được phép
rồi mới đuổi những người buôn bán.
Nhưng làm ngay tức khắc
vì chuyện lạm dụng quá rõ ràng.
Phêrô cũng đã thẳng thắn khiển trách
Kha-na-ni-a và Xa-phi-ra,
vì hai vợ chồng này đã gian lận trong việc
giữ lại một phần tiền bán đất
mà đáng lý phải giao cho các Tông Đồ
(Cv 5, 1-11).
Khoan nhượng,
hoặc bao che tham nhũng, gian lận,
sẽ làm mất lòng tin của mọi người,
và làm cho công việc chung bị thất bại.
Để được chữa lành toàn thân,
Chữa một vết thương nặng
cần phải được giải phẫu, cắt bỏ.
Cũng thế, cần phải diệt trừ tham những
để công việc chung được tốt đẹp.
23. Vun quén những quan hệ tốt
Trong suốt ba năm đi rao giảng, Chúa Giêsu
đã dành nhiều thì giờ tiếp xúc cá nhân,
để thiết lập những quan hệ tốt
cho sứ mạng cứu chuộc.
Ngoài các Tông Đồ
là những người gần gũi với Ngài,
- Ngài đã gặp Ni-cô-đê-mô, một người Pharisiêu,
để giải thích về ơn tái sinh trong Nước Trời
(Ga 3, 1-21).
- Đã kêu gọi Mát-thêu, một người thu thuế,
thành môn đệ trung thành (Mt 9, 9-13).
- Đã biến đổi cuộc sống của Da-kêu,
một người thu thuế chỉ biết thu góp,
biết mở rộng tâm hồn thực thi việc bác ái
(Lc 19, 1-10).
- Đã dự tiệc trong nhà ông Simon,
một người Pharisiêu,
với nhiều người cùng nhóm,
để cho thấy tình thương bao la của Thiên Chúa,
qua bài học tha thứ (Lc 7, 36-49).
- Đã liên lạc mật thiết với ba chị em
Mác-ta, Maria và Lazarô ở Bêtania,
người đã được Ngài cho sống lại
sau khi đã chết và chôn trong mồ bốn ngày
(Ga 11, 1-5).
- Đã thay đổi não trạng
về luật lệ và cách thờ phượng
của người đàn bà Samaria,
và sau đó của cả dân làng,
qua câu chuyện bên thành giếng Gia-cóp
(Ga 4, 7-42)…
Theo gương Chúa Giêsu,
người lãnh đạo
có thể xây dựng những quan hệ tốt
qua những sinh hoạt thường ngày của cuộc sống.
Nhưng điều quan trọng
trong những cuộc gặp gỡ này,
chính là sự khiêm tốn và yêu thương chân thành,
luôn muốn làm điều tốt cho mọi người.
24. Lưu ý đến các cháu nhỏ
và gia đình
Chúa Giêsu quan tâm
đến các trẻ nhỏ một cách đặc biệt.
Khi nghe các môn đệ trách mắng những bà mẹ
đem trẻ nhỏ đến gặp Ngài,
Ngài đã bảo các ông:
“Cứ để trẻ em đến với Thầy,
đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời
thuộc về những ai giống như chúng”
(Lc 18, 15-17).
Chúa Giêsu
cũng quan tâm đến gia đình của các môn đệ.
Ngài đến nhà ông Phêrô và chữa lành
bà mẹ vợ của ông đang nằm liệt và lên cơn sốt
(Mt 8, 14-15).
Ngài thấy và chữa lành ngay,
không cần đợi Phêrô cầu xin.
Quan tâm tới gia đình của người cộng tác
là nghệ thuật đắc nhân tâm dẫn đến thành công.
Người cộng tác sẽ làm việc hết mình,
khi biết người lãnh đạo
thật sự quan tâm đến gia đình họ.
Ngày nay, sự quan tâm này được biểu lộ
không những qua những lời thăm hỏi hoặc tiếp xúc,
nhưng còn qua những hình thức
- thu xếp giờ giấc và điều kiện thuận lợi
cho các bà mẹ nhân viên.
- giúp học bổng cho các em nhỏ
- tổ chức họp mặt các con em của nhân viên…
Tất nhiên, người lãnh đạo trước hết
phải thật sự quan tâm
đến con cái và gia đình của mình.
Người cộng tác sẽ nhìn vào đó
để biết người lãnh đạo
có thật sự quan tâm đến gia đình họ hay không,
hay đó chỉ là kỹ thuật để điều hành công việc.
25. Đương đầu với khó khăn
Trong khi thi hành sứ mạng rao giảng Tin Mừng,
Chúa Giêsu đã chuẩn bị sẵn sàng
cho giai đoạn thử thách cuối cùng:
cuộc thương khó và tử nạn.
Ngài cũng chuẩn bị cho các môn đệ của mình
sẵn sàng chấp nhận những khó khăn này,
bằng cách tiên báo cho các ông:
- Về những gì sắp xảy đến cho chính Ngài:
“Con Người phải đi Giêrusalem,
phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục,
các thượng tế và kinh sư gây ra,
rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sống lại”
(Mt 16, 21).
- Về những gì sẽ xảy đến cho các ông:
“Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng
và sẽ đánh đập anh em
trong các hội đường của họ” (Mt 10, 17).
“Hơn nữa, sẽ đến giờ mà kẻ giết anh em
cũng tưởng đó là phụng thờ Thiên Chúa”
(Ga 16, 2).
- Về phương thế vượt qua mọi khó khăn:
“Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”
(Mt 26, 41).
Cũng thế,
người lãnh đạo giỏi là người biết tiên liệu
những khó khăn, khủng hoảng sẽ xảy đến,
hoặc có thể xảy đến,
và biết dự liệu những phương cách
để đương đầu và vượt thắng.
Càng biết tiên liệu và dự liệu,
càng dễ dàng vượt qua mọi khó khăn.
26. Chọn lựa ưu tiên
Mang trong mình trọng trách
được Chúa Cha giao phó
là xuống trần gian để cứu rỗi nhân loại,
Chúa Giêsu đã luôn luôn
dành ưu tiên cho sứ mạng này.
Ngay khi mới được mười hai tuổi,
Chúa Giêsu đã cương quyết
thực hiện việc chọn lựa này.
Ngài nói với Cha Mẹ
đến tìm lại Ngài trong Đền Thờ:
“Sao Cha Mẹ lại tìm con?
Cha Mẹ không biết là con có bổn phận
ở nhà của Cha con hay sao?”(Lc 2, 49)
Khi bắt đầu cuộc sống công khai,
trong tiệc cưới Cana,
Ngài đã nói với Mẹ Maria khi Mẹ xin can thiệp
giúp chủ tiệc có thêm rượu uống:
“Thưa bà, chuyện đó có can gì đến bà và con?
Giờ của con chưa đến” (Ga 2, 4).
Và trước khi chịu thương khó và tử nạn,
trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu đã cương quyết:
“Xin đừng làm theo ý con,
mà xin theo ý Cha” (Lc 22, 42).
Người lãnh đạo muốn thành công
phải biết giữ vững và quy chiếu
mọi công việc khác vào chọn lựa ưu tiên.
Thái độ cương quyết này
sẽ giúp những người cộng tác an tâm và tin tưởng
vào cách làm việc có đường lối của mình.
Nhờ đó, công việc được tiến hành
một cách có phương pháp
và đem lại thành quả tốt đẹp.
27. Chuẩn bị người thừa kế
Mặc dù bận rộn với việc rao giảng, tiếp xúc,
Chúa Giêsu vẫn ưu tiên
chuẩn bị những người thừa kế.
Ngài đã chọn mười hai vị Tông Đồ
và cho họ được sát cánh với Ngài trong mọi việc.
Trong số mười hai này,
Ngài đã đặc biệt chọn Phêrô
và trao quyền lãnh đạo cho ông:
“Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá,
trên Tảng Đá này,
Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy,
và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.
Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời:
dưới đất, anh cầm buộc điều gì,
trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy;
dưới đất, anh tháo cởi điều gì,
trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”
(Mt 16, 18-19).
Và khi đã chọn làm người thừa kế,
Chúa Giêsu tin tưởng giao cho các Tông Đồ
mọi phương thế để tiếp tục công việc của Ngài:
- “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.
Vậy anh em hãy đi
và làm cho muôn dân trở thành môn đệ…
Thầy ở cùng anh em
mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 18-20).
- “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.
Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha;
Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”
(Ga 20, 22-23).
Hội Thánh đã đứng vững
trong suốt ba thế kỷ đầu tiên bị bách hại,
chính là nhờ những người thừa kế
đã được chuẩn bị kỹ càng.
Và liên tiếp cho đến ngày nay,
công trình cứu độ vẫn được tiếp tục
nhờ sự lãnh đạo của các Đức Giáo Hoàng,
là những người kế vị của Thánh Phêrô.
Cũng thế, người lãnh đạo phải biết sáng suốt
trong việc chọn lựa người thừa kế.
Đừng để thiên kiến hay ưu tiên gia đình,
tình cảm, phe nhóm
ảnh hưởng đến sự chọn lựa quan trọng này.
Nhưng phải chọn những người
có cùng lý tưởng và quyết tâm.
28. Tù là hồng ân
Ngục tù là Thánh đường
Tiếng kẻng thay tiếng chuông
báo tin giờ tế lễ
Hội Thánh khắp bốn phương.
Trại giam là học đường
Tù nhân là học sinh
Gian truân là thầy giáo
Dạy cảnh giác kiên cường.
Giám hiệu là Thánh Linh
Mỗi phút là hồng ân
Quý thay đời tịnh tâm
Chưa học chưa trưởng thành.
Ngày hai bữa cơm canh
Hưởng nước trong khí lành
Theo báo chí truyền thanh
Bảo vệ mấy lớp thành.
Mấy ai sướng như mình?
Trong ngoài đèn chiếu sáng
Xem mọi người như bạn
Thức, ngủ, có người canh!
Lòng ta cứ trung trinh
Mặc ai ghét, ai khinh
Ta có đường hy vọng
Có Chúa sống với mình.
29. Con chọn Chúa
Lạy Chúa Giêsu,
Trên đường hy vọng suốt 2000 năm nay,
Tình thương Chúa như một lượn sóng
đã lôi cuốn bao người lữ hành.
Họ đã yêu Chúa với một mối tình sống động,
Thể hiện qua tư tưởng, lời nói, việc làm,
với một tâm hồn mạnh mẽ hơn mọi cám dỗ,
mạnh hơn mọi đau khổ, hơn cả sự chết.
Họ đã là Lời Chúa ở trần gian.
Đời họ là một cuộc cách mạng,
đổi mới cục diện của Hội Thánh.
Nhìn những tấm gương sáng ngời ấy,
từ tấm bé con đã mang một ước vọng:
Bước toàn hiến đời con,
cuộc đời duy nhất con đang chiếm hữu,
cho một ý tưởng không bao giờ sụp đổ.
Và con đã cương quyết........
Nếu chúng con làm theo ý Chúa,
thì Chúa sẽ hoàn tất ý định đó.
Và con lăn xả
vào cuộc mạo hiểm mầu nhiệm này.
Con đã chọn Chúa,
và con không bao giờ hối hận.
Con nghe Chúa bảo con:
“Hãy ở trong Thầy, trong tình yêu Thầy”.
Làm sao ở trong người khác được?
Chỉ có tình yêu Chúa mới làm được sự lạ này.
Con hiểu Chúa muốn trọn cuộc đời con:
“Tất Cả Vì Yêu Mến Chúa”.
30. Mười bốn bước theo Chúa (1)
Con theo từng bước của Chúa
trên đường hy vọng:
Bước lang thang ra chuồng bò ở Bê-lem,
Bước hồi hộp trên đường trốn sang Ai Cập,
Bước bồn chồn trở về trú ngụ ở Na-da-rét,
Bước phấn khởi lên Đền Thánh với Mẹ Cha,
Bước vất vả suốt 30 năm trời lao động,
Bước yêu thương ba năm rao giảng Tin Mừng,
Bước thao thức kiếm tìm chiên lạc,
Bước xót xa vào Giê-ru-sa-lem đầm đìa nước mắt,
Bước cô đơn ra tòa không một người thân,
Bước ê chề vác Thánh giá lên đồi Tử Nạn,
Bước thất bại chết chôn (trong) mồ kẻ khác,
không tiền không bạc,
không manh áo, không bạn hữu,
Chúa Cha xem chừng bỏ rơi Chúa,
nhưng Chúa phó thác tất cả vào tay Cha.
Lạy Chúa, quỳ trước Nhà Chầu,
một mình con với Chúa,
con hiểu rồi:
Con không thể chọn con đường khác.
Đường khác sung sướng hơn,
bên ngoài vinh quang hơn,
nhưng lại không có Chúa, người Bạn muôn năm,
Người Bạn duy nhất của con trên đời.
Nơi Chúa là tất cả Thiên đàng với Chúa Ba Ngôi,
tất cả trần gian với toàn nhân loại.
Khổ đau của Chúa là của con.
Của con,
nỗi khốn khổ của những tâm hồn sát cạnh.
Của con,
tất cả những gì không phải an hòa,
tươi vui, đẹp đẽ, sung sướng, dễ thương...
Của con,
tất cả sầu muộn, thất vọng,
chia ly, bỏ rơi, khốn nạn...
Những gì là chính Chúa, vì Chúa đã gánh hết.
Những gì nơi người anh em, vì có Chúa trong họ.
Con tin vững vàng,
vì Chúa đã cất bước khải hoàn sống lại:
“Hãy vững lòng, Thầy đã thắng thế gian”.
31. Mười bốn bước theo Chúa (2)
Vì Chúa dạy con:
Hãy bước những bước khổng lồ:
“Đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng”.
Con sẽ lau sạch nước mắt ưu phiền
những con tim chán nản;
Con sẽ đưa về sum họp
những tâm hồn xa cách;
Con sẽ đốt cháy trần gian bằng lửa tin yêu,
thiêu sạch những gì cần hủy bỏ.
để chỉ còn lại chân lý, công bình và yêu thương.
Nhưng Lạy Chúa! Con biết con yếu đuối lắm!
Xin cho con bỏ tính ích kỷ, yêu an nhàn;
Cho con đừng sợ kham khổ dày vò,
không xứng (là) tông đồ của Chúa;
Cho con sẵn sàng mạo hiểm,
mặc cho thiên hạ khôn ngoan;
Con xin làm “đứa con điên”
của Chúa, Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse;
Con muốn lăn xả vào thử thách,
chấp nhận mọi hậu quả,
và không cần biết hậu quả,
vì Chúa đã dạy con liều mạng.
Nếu Chúa dạy con
bước lên Thánh Giá nằm mãi ở đó,
vào trong Nhà Chầu
thinh lặng cho đến ngày tận thế,
con cũng xin liều mạng bước theo.
Con sẽ mất tất cả.
Nhưng Chúa vẫn còn,
tình thương Chúa vẫn còn,
tràn ngập quả tim con,
để yêu thương tất cả.
Và chừng ấy đủ hạnh phúc cho con.
Vì thế con xin lập lại:
“Con Chọn Chúa!
Con Chỉ Muốn Chúa!
Con Chỉ Muốn Vinh Danh Chúa”
Con có một Tổ Quốc
Tiếng chuông ngân trầm, Việt Nam cầu nguyện.
Tiếng chuông não nùng, Việt Nam buồn thảm.
Tiếng chuông vang lừng, Việt Nam khải hoàn.
Tiếng chuông thanh thót, Việt Nam hy vọng.
Con có một Tổ Quốc: Việt Nam.
Quê hương yêu dấu ngàn đời.
Con hãnh diện, con vui sướng.
Con yêu non sông gấm vóc,
Con yêu lịch sử vẻ vang,
Con yêu đồng bào cần mẫn,
Con yêu chiến sĩ hào hùng.
Sông cuồn cuộn, máu chảy cuộn hơn.
Núi cao cao, xương chất cao hơn.
Đất tuy hẹp, nhưng chí lớn.
Nước tuy nhỏ, nhưng danh vang.
Con phục vụ hết tâm hồn,
Con trung thành hết nhiệt huyết,
Con bảo vệ bằng xương máu,
Con xây dựng bằng tim óc.
Vui niềm vui của đồng bào,
Buồn nỗi buồn của dân tộc.
Một nước Việt Nam,
Một dân tộc Việt Nam,
Một tâm hồn Việt Nam,
Một văn hóa Việt Nam,
Một truyền thống Việt Nam.
Là người Công Giáo Việt Nam,
Con phải yêu tổ quốc gấp bội.
Chúa dạy con, Hội Thánh bảo con.
Cha mong dòng máu ái quốc,
Sôi trào trong huyết quản con.