Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận: Một Biểu Tượng cho Giáo Hội Việt Nam

Thứ ba - 19/04/2016 05:29

-

-
Tiêu biểu cho khả năng chấn hưng và tính cách trung thành của các tín hữu công giáo Việt Nam, cuộc đời của Đức Hồng Y Thuận nhắc nhở các Kitô hữu ở khắp mọi nơi tuyên xưng Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh.
ĐỨC HỒNG Y NGUYỄN VĂN THUẬN: MỘT BIỂU TƯỢNG CHO GIÁO HỘI VIỆT NAM

Tiêu biểu cho khả năng chấn hưng và tính cách trung thành của các tín hữu công giáo Việt Nam, cuộc đời của Đức Hồng Y Thuận nhắc nhở các Kitô hữu ở khắp mọi nơi tuyên xưng Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh.

       Tải về máy bản PDF:   BẤM VÀO ĐÂY

Ngày 05 tháng 7 năm 2013, người công giáo Việt Nam vui mừng kỷ niệm lễ đóng hồ sơ giai đoạn Giáo phận của án phong chân phước cho Đức Hồng Y Tôi Tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Mặc dù ngài chưa chính thức được tuyên phong, nhưng tín hữu Việt Nam đã xem ngài là một đấng thánh và tôn kính ngài như là một biểu tượng của Giáo hội Việt Nam. Là thế hệ thứ hai của người công giáo Mỹ gốc Việt, tôi chưa khám phá ra vẻ đẹp của gia sản dân tộc mình cho đến lúc tôi được làm quen với Đức Hồng Y Thuận lúc tôi còn là một thỉnh sinh của tu hội. Vốn là con người của lòng tin, niềm hy vọng, và đức ái, Đức Hồng Y Thuận là bản tóm lược những đức tính của người công giáo Việt Nam trong quá khứ và hiện tại và là một nhân vật mô phạm cho các Kitô hữu toàn cầu.

Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận sinh ngày 17 tháng 4 năm 1928. Từ lúc còn trẻ, tư cách của ngài đã được un đúc bằng những lý tưởng truyền thống của mình. Ngài đã biết rằng ngài được mời gọi để phổ biến nền văn hóa tốt nhất của người Việt. Năm 1941, ngài vào tu học tại chủng viện công giáo và năm 1953 được thụ phong linh mục. Năm 1975, sau một thời gian ngắn ngủi được đề cử vào chức vụ Tổng Giám Mục Phó Sài Gòn, ngài bị người cộng sản bắt giam vì đức tin công giáo của mình. Sau 13 năm bị tù trong đó có 9 năm biệt giam, Tổng Giám mục Thuận được thả ra vào ngày lễ Đức Mẹ Dâng Mình. Thời gian ở trong tù, ngài đã thể hiện các nhân đức được các tín hữu công giáo Việt Nam yêu mến. Những nhân đức đó chẳng những được tỏa sáng ra trong cuộc sống của cá nhân ngài, chúng còn phản ảnh đức tin của người Việt Nam trong quá khứ và hiện tại.

Một trong những nhân đức sáng giá của các thánh tử đạo Việt Nam là sự trung thành với Đức Kitô cho dù ở vào những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Vì lo sợ Kitô giáo đe dọa đến trật tự đã được thiết lập, các vua chúa Việt Nam, khi thỉnh thoảng, khi liên tục, bắt bớ người công giáo từ năm 1644 đến năm 1888. Hai trăm bốn mươi năm bắt đạo, mặc dù có lúc ngừng, có lúc tái diễn, nhưng đã mang lại những hoa quả tuẫn giáo cho 150 ngàn người Việt Nam (xem: Miracle of Hope, ‘Kỳ Tích của Hy Vọng’ của tác giả André Nguyễn Văn Châu, 10). Một trăm năm sau đó, đến phiên bị chính quyền cộng sản nhiễu hại, người công giáo lại tiếp tục làm chứng nhân Đức Kitô chịu đóng đinh. Người công giáo Việt Nam đã tỏ ra không những không nao núng, họ còn thường tỏ ra sáng tạo và chủ động trong đức tin của mình.

Trong cuốn sách với tựa đề: Tất cả Vinh Dự cho Ngài: Hành Trình Đức Tin hướng về Sự Sống và Tình Yêu (All Honor to You: The Journey of Faith Toward Life and Love), linh mục Phêrô Quang thuật lại câu chuyện anh dũng của bản thân ngài, kể về cách ngài trốn khỏi Việt Nam trên một chiếc thuyền với hy vọng học làm linh mục. Bọn cướp biển, những hoa tiêu thiếu kinh nghiệm, và tình trạng cưỡng bức là những qui tắc cho thuyền nhân Việt Nam. Linh mục Quang hầu như không có một cơ may nào để an toàn đến Hiệp Chủng Quốc trước những viễn tượng bị cộng sản trấn lột hay giặc biển đánh cướp; thế nhưng ngài quyết chí rời khỏi quê hương yêu dấu, mặc cho nguy cơ bị hành hạ và ngay cả chết chóc, để đáp lại tiếng gọi làm linh mục. Bước theo dấu chân của các thánh tử đạo, linh mục Quang đánh đổi mọi hiểm nguy để phục vụ Thiên Chúa - đức tin của ngài không phải thụ động nhưng là chủ động.

Sự trung thành sáng tạo được tìm thấy nơi các thánh tử đạo hay nơi các nhân vật giống như linh mục Phêrô, là những người trốn khỏi Việt Nam để theo đuổi ơn gọi của họ. Sự trung thành sáng tạo này thấm nhuần trong hành động của Tổng Giám mục Thuận trong những năm tháng tù đày của ngài. Ngài sử dụng nguồn lực giới hạn của mình một cách sáng tạo để làm tròn nhiệm vụ chủ chăn của mình đối với tín hữu trong lúc ngài còn ở trong tù. Khi ngài không thể hiện diện giữa con chiên của ngài bằng thể lý thì ngài yêu cầu sự giúp đỡ một em bé trai, bằng cách xin bé mang đến cho ngài những tờ lịch cũ. Ngài viết lên trên những tờ lịch đó những sứ điệp hy vọng đơn sơ và chân thành, thế rồi nhờ em bé chép lại và phân phát cho các tín hữu. Những dòng chữ với ý nghĩa sâu sắc của ngài gởi cộng đoàn công giáo đã gia tăng sức mạnh cho họ trong đức tin và giúp họ bền vững giữ đạo. Bằng những lời nói đánh động tâm hồn dân chúng, ngài nhắc nhủ họ rằng Tổng Giám mục của họ không hiện diện với họ bằng thể lý, nhưng vẫn hiện diện giữa họ bằng lời cầu nguyện.

Chứng tỏ sự trung thành sáng tạo của mình, Đức Tổng Giám mục Thuận cũng sử dụng phương tiện ít ỏi của ngài để cử hành thánh lễ ở trong tù. Ngài biết rằng cử hành thánh lễ là một nhiệm vụ tối quan trọng đối với ngài, thế nhưng ngài không có thánh đường, không có bàn thờ, và không có nhà tạm. Vậy thì làm thế nào để chu toàn nhiệm chức giám mục của ngài? Thế là ngài biến trại tập trung thành nhà thờ Chánh tòa và bàn tay của ngài trở nên bàn thánh. Ngài sử dụng túi áo mình làm nhà tạm và biến cảnh tăm tối của khu ăn ngủ nhà tù trở thành nơi cư ngụ cho chính Đấng Ánh Sáng. Nhờ trí tuệ tuyệt vời của ngài mà nhiều tù nhân lấy lại được sự nhiệt thành của đức tin. Ngài nhắc nhở tù nhân chấp nhận sự đau khổ và lợi dụng hoàn cảnh hiện tại của họ để tăng trưởng đức tin. Gương sáng của ngài không chỉ là hiện thân của đức tin chủ động của người công giáo Việt Nam trong quá khứ và hiện tại, nó còn có khả năng giáo dục tất cả các tín hữu rằng đức tin kéo theo hành động hiến trọn bản thân cho Chúa. Điều đó có nghĩa là tìm kiếm phương cách tốt nhất để tuyên xưng tình yêu của Đức Kitô trong mọi khoảnh khắc, mọi hoàn cảnh, và mọi hoạt động.

Người công giáo Việt Nam là một dân tộc của hy vọng. Họ chịu đựng được sự khắc khổ và sự nghèo đói tột cùng vì niềm hy vọng của họ là thiên quốc. Năm 1860, Vua Tự Đức quyết tâm tiêu diệt đạo Công giáo bằng cách phân tán các gia đình công giáo (xem Miracle of Hope, 10). Cố gắng này đã bị thất bại vì sự kiên trì cách can đảm và khả năng chấn hưng của các Kitô hữu trong suốt thời kỳ bách đạo. Bề ngoài có vẻ họ bị mất tất cả, nhưng người tín hữu công giáo vẫn cho rằng họ không có mất mát gì cả vì niềm hy vọng của họ là Đức Kitô Phục Sinh. Khoảng 150 năm sau đó, người công giáo Việt Nam vẫn duy trì niềm hy vọng trung kiên, nét đặc trưng cho thời quá khứ của họ. Sau khi gia nhập tu hội, tôi gặp được hai nữ tu đến từ Việt Nam. Bên đó, họ bị chính quyền canh chừng chặt chẽ và không thể công khai rao truyền tín ngưỡng. Xét theo quan điểm thế tục, xem ra sứ mạng của họ uổng công và vô ích. Thế nhưng họ nhìn tất cả sự việc từ một cái nhìn siêu nhiên. Các nữ tu, tiếp nối truyền thống hy vọng, cho rằng nếu họ đặt hy vọng vào Chúa thì không có gì bị thua lỗ mà tất cả là lời lãi.

Đức Hồng Y Thuận là một gương mẫu của niềm Hy vọng Kitô giáo. Cách ly, tăm tối, và tàn bạo đong đầy trong cuộc sống tù đày của ngài. Chỉ trong một buổi chiều ngài, từ một Tổng Giám Mục, trở thành một gã tù nhân. Thay vì nhìn nhận cuộc sống của ngài trở thành vô dụng, ngài xem cảnh tù ngục như một món quà Đức Kitô ban tặng cho ngài. Ngài viết những dòng sau này trong thời gian bị tù:

 
Con giang hai tay nhận lãnh thập giá của con và cắm nó xuống trong trái tim con. Nếu Chúa cho phép con được chọn lựa, con không thay đổi ý định, vì Chúa ở với con! Không còn sợ chi, con đã thấu hiểu: Con đang theo Chúa trên đường khổ nạn và đến cõi phục sinh. (Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá, 48)

Theo lẽ thường, lúc ngồi tù, Tổng Giám Mục Thuận không còn gì để cho con chiên của ngài. Ngài không thể cho thời giờ, năng lực, hoặc lời khuyên bảo. Ngài trở thành bà quả phụ trong Phúc Âm chỉ cho ra hai đồng xu nhỏ (Luca 21:1-4). Thế nhưng, cũng như người quả phụ, ngài cho những gì ngài còn có; ngài trao tặng sự trống rỗng và những đau thương của ngài như là một lời cầu dâng lên Thiên Chúa Cha. Trong suốt thời gian tù ngục, Tổng Giám Mục Thuận học biết không còn đặt hy vọng vào công tác của ngài, nhưng chỉ đặt hy vọng vào sự chấp nhận kế hoạch Thiên Chúa sắp sẵn cho ngài.

Bác ái hướng về cộng đồng là động lực đằng sau những sinh hoạt của Công giáo Việt Nam. Tại Việt Nam, trọng tâm không nhằm vào cá nhân mà nhằm đặt cái phúc lợi của người bên cạnh mình lên trên phúc lợi của bản thân mình. Đó là điều được tìm thấy nơi tổ tiên của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, chính họ cũng đã từng bị bách hại vì đức tin của mình. Ông Sơ của ngài tên là Danh đã bị cách ly khỏi gia đình và được lệnh phải làm việc như một lao công không lương bổng. Bị ốm đau, tiều tụy, ông Danh đứng trước nguy cơ cao phải chết đói. Con trai ông là cậu Vọng nghe được tin về khổ nạn của cha mình, xin phép chủ nhân của cậu để được mang thức ăn cho thân phụ mặc dù khẩu phần của cậu vốn sơ sài. Mỗi sáng sớm, cậu thức dậy nấu phần gạo của mình và chạy bộ mười cây số, mang một nửa số cơm cho thân phụ, thế rồi vội vã chạy trở lại để bắt đầu làm việc cho chủ kịp lúc trời rạng sáng (Miracle of Hope, 11). Nhờ ông Vọng mà ông Danh được sống sót. Chính cái nghĩa tình bác ái của ông Vọng mà ông Danh được kéo dài sự sống và nuôi dưỡng niềm hy vọng. Chính tinh thần quan tâm này đã ăn sâu vào tư cách của người nữ trong Giáo hội Việt Nam ngày nay. Họ hy sinh thời giờ, tiền bạc và giấc ngủ để truyền bá Phúc Âm cho các linh hồn đói khát lời Chúa. Tinh thần bác ái không giới hạn này giúp họ dự đoán những nhu cầu của tha nhân và sử dụng bất cứ nguồn lực nghèo nàn nào mà họ có được để giúp đỡ.

Minh họa cho khuynh hướng về sự quan tâm đến tha nhân của người Việt Nam, còn được gọi là “cái chõ mũi bác ái” (*), Đức Tổng Giám Mục Thuận đã quan tâm đến nhu cầu của những người canh tù. Được vun đắp bởi tất cả sự tốt đẹp của nền văn hóa cộng đồng Việt Nam, ngài không thể không can thiệp vào đời sống của các người canh tù. Ngài xem họ như người cùng làng, nơi mà ngài sinh sống, xem họ như người trong gia đình. Thế rồi một buổi tốt trời, cách cư xử thân mật và sự quan tâm tế nhị của Tổng Giám Mục đã đâm thủng bức tường e dè và đố kị của họ. Ngài dạy cho họ học tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng La Tinh, và những ngoại ngữ khác. Đói khát về ý nghĩa cuộc đời mình, các người cai tù đặt ra cho ngài nhiều câu hỏi về Giáo Hội. Đức Tổng dạy đạo cho những học viên muốn biết, giải thích về giáo lý Công giáo cách nhã nhặn và kiên nhẫn.

Khi những cai tù đặt câu hỏi rằng ngài có cảm thấy oán ghét họ vì đã nhốt tù ngài, ngài chỉ đoan quyết với họ là ngài quan tâm và thương mến họ (Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá, 56). Tình thương của ngài gây cho họ vừa ngạc nhiên vừa thuyết phục. Không bao lâu thì nhà chức trách đã phát hiện các cai tù trở nên hoài nghi về lý tưởng Cộng sản, họ vừa làm việc vừa hát kinh La Tinh “Veni Sancte Spiritus” (Kinh Đức Chúa Thánh Thần). Kết quả là chính quyền phải thường xuyên thay đổi cai tù của Đức Tổng Thuận, sợ rằng lý tưởng Kitô giáo sẽ tiêm nhiễm vào những người cộng sản cực đoan; thế nhưng khi những người cai tù bị chuyển đi thì vẫn mang theo tư tưởng của ngài đã được in vào tâm hồn họ. Cũng như các bậc tiền bối công giáo tử đạo, lòng bác ái của Đức Hồng Y Thuận chứng minh rằng chỉ có tình yêu Kitô giáo mới có thể mang lại một sự thay đổi tích cực. Nghĩa là lúc người ta yêu thương không giới hạn là lúc người ta cho ra đời sự sống mới.

Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận mang theo trong ngài lý tưởng công giáo Việt Nam đến bất cứ nơi nào ngài đặt chân tới. Điều tuyệt hảo của Công giáo Việt Nam được đánh dấu bằng một đức tin sáng tạo, một niềm hy vọng kiên trì, và một thứ bác ái không giới hạn của người tín hữu. Đức Hồng Y Tôi Tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận không chỉ là một hình mẫu của Giáo hội Việt Nam, chứng tá của ngài có khả năng giáo dục và nhắc nhở tất cả các Kitô hữu phải hăng say tuyên xưng tình yêu của Đức Kitô trong mọi hoàn cảnh. Ngài chỉ giáo cho chúng ta cái ý nghĩa của sự cho đi tất cả để đánh đổi một viên ngọc quý giá (Matthêu 13:45-46).

-----------------------------------

Trích dẫn:
- Nguyen, Andre Van Chau, CCS Huế AN47. The Miracle of Hope. Boston: Pauline Books & Media, 2003.
- Nguyen, Cardinal Van Thuan. Five Loaves and Two Fish. Vancouver: Lavamis Publishings, 2000.
- Nguyen, Father Peter Quang, CCS Huế HT72. All Honor to You: The Journey of Faith toward Life and Love. Ink & Scribe, 2002.

------------------------------------

Về tác giả:
Sr. Maria Thuan Nguyen
Nữ tu Maria Nguyễn Thuận là một thành viên của các nữ tu Đaminh của Thánh Cecilia và là một sinh viên tốt nghiệp tại Đại học Aquinas, thành phố Nashville, tiểu bang Tennessees, USA.

------------------------------------

Chú thích:
(*) “Cái chõ mũi bác ái”. Sr Maria Thuan Nguyen sử dụng cụm từ “charitable nosiness”. Ở một bài khảo luận khác, Sr Maria Thuan Nguyen đã giải thích cụm từ này như sau:

“…Người Việt bị mang tiếng là thích chõ mũi vào chuyện người khác. Họ không đợi đến lúc có lời mời mới bước vào căn nhà của đời sống bạn. Không, họ tự mò đến, và chuyện gì sẽ đến bạn biết rồi đấy, họ thoải mái trong căn phòng khách nhà bạn, xen vào từng chuyện nhỏ của đời sống bạn. Thế nhưng, họ cũng ôm chúng vào bụng mình, dùng bất cứ nguồn lực nhỏ bé nào họ có để giúp đỡ bạn. Hiểu như thế, người Việt không nhất thiết là chõ mũi, nhưng là quan tâm đến người khác. Sở dĩ họ không đợi đến lúc có lời mời gọi mới bước vào căn nhà của đời sống bạn bởi vì họ đoán được bạn cần điều gì. Đó là cách thức mà Đức HY Nguyễn Văn Thuận đã bước vào cuộc sống của tôi…” (Trích dịch từ: Aquinas College: Writers' Night Symposium Proceedings, April 19th, 2013)

Bài viết bằng tiếng Anh đăng trên Catholic World Report. Hoàng Xuân Tịnh AN41 chuyển ngữ.
 

Tác giả: Hoàng Xuân Tịnh AN41 chuyển ngữ

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Chú ý: Được đăng lại bài viết, nhưng vui lòng ghi rõ nguồn "Gia đình Cựu Chủng sinh Huế" và link đến bài viết trên trang này.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập129
  • Máy chủ tìm kiếm49
  • Khách viếng thăm80
  • Hôm nay33,278
  • Tháng hiện tại407,195
  • Tổng lượt truy cập67,432,042
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây