Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng. ĐHY PX Nguyễn Văn Thuận [2]

Chủ nhật - 02/03/2025 06:02
Này, người lữ khách hôm nay thân mến! Nơi đây không cống hiến cho con những lời khuyên lơn răn bảo, cũng không thay con suy ngắm. Nhưng đây chỉ là những kinh nghiệm sống của các bậc Thánh và các người Thánh, "Những người lữ hành trên đường hy vọng". Họ có thật và họ sống thật!

03- Bền Chí

1. Dòng Nữ tu mù

* Bạo dạn để thưa với Chúa tất cả những gì con muốn, con nghĩ: "Thầy ở với các con lâu nay, chưa thấy các con xin điều gì". Bạo dạn là tin yêu như con với Cha (ÐHV 40).

* Chỉ có một sự thất bại là không hy vọng vào Chúa. "Con đã hy vọng vào Chúa và con sẽ không hổ thẹn đến muôn đời" (ÐHV 43).

* Nếu con không quyết tâm bền chí, đừng nói: "tôi hiền", phải nói: "tôi hèn" (ÐHV 57).

Dòng Nữ Tu mù được thiết lập giữa lòng thành phố Paris. Trong dòng này, ngoài bà Bề trên, một chị Việt Nam cùng một vài chị sáng mắt, bao nhiêu Nữ tu khác đều mù cả. Trước đó, các thiếu nữ đó tưởng rằng đời họ dường như đã chấm dứt, tất cả chỉ toàn là bóng đêm... Thế nhưng khi bước chân vào dòng, tia hy vọng đã rực sáng lên trong lòng họ. Họ kiên nhẫn, bền chí học chữ, học nghề, học phổ thông, học nhạc... (theo phương pháp Braille). Trong nhà thờ, họ hát kinh bằng cách sờ chữ với đôi bàn tay. Ngoài ra, họ còn mở trường dạy các em mù, một trường rất được các phụ huynh học sinh quý chuộng. Trong lớp, thầy mù trò cũng mù mà vẫn vui vẻ hồn nhiên. Với một ngôi nhà ba tầng, các em tự do lên xuống, nô đùa ngoài sân như những người sáng mắt vậy.

Sự bền chí của các Nữ tu đã thánh hóa chính cuộc đời họ. Và hơn thế, còn làm cho biết bao trẻ em bất hạnh khác thấy đời của mình tươi đẹp, hạnh phúc.

2. Thầy Vianney bền chí

* Ðừng nản lòng vì thất bại. Nếu con tìm ý Chúa thực sự, thì chính sự thất bại đó là thành công. Chúa muốn vậy. Xem gương Chúa Giêsu trên thánh giá (ÐHV 41).

* Bền đỗ đến cùng là đặc tính của các thánh, vì "Ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu rỗi" (ÐHV 49).

Cuộc Cách mạng Pháp 1789 bùng nổ khiến thầy Vianney phải bỏ dở việc học. Nhưng sau đó, thầy đã tìm hết cách để tự học dưới sự dìu dắt của cha xứ. Nhưng khổ thay, học mấy cũng chẳng nhớ. May lúc ấy địa phận phải cảnh khan hiếm linh mục nên Vianney được Bề trên gọi về để khảo hạch. Và lẽ dĩ nhiên là lần nào cũng trượt!

Vianney không nản lòng, cứ tiếp tục học. Cuối cùng Bề trên thấy thầy bền chí quá bèn gọi cha xứ đến hỏi về thầy.

- Thầy có lòng đạo đức không?
- Thưa có!
- Thầy có kính mến phép Thánh Thể không?
- Thưa có!

Cha Chính quyết định: "Thôi, thôi cho thầy chịu chức vì thầy bền chí, chứ nếu thi hạch thì không bao giờ đỗ được". Về sau, Vianney trở thành một Vị Thánh thời danh, thu hút nhiều tâm hồn trở về cùng Chúa. Năm 1925, Ðức Piô XI đã đặt ngài làm quan thầy các cha xứ.

3. Charles de Foucauld, hạt giống trong sa mạc

* Kết quả và thành công khác nhau. Có thể không kết quả bên ngoài, nhưng thêm kinh nghiệm, thêm khiêm tốn, thêm tin Chúa, đó là thành công dưới mắt siêu nhiên (ÐHV 42).

* Dù mọi người bỏ dỡ hành trình, con cứ tiến, quần chúng dễ bị lôi cuốn thì đông đảo, lãnh đạo sáng suốt lại hiếm hoi. Con phải có bản lãnh, đừng theo quần chúng mù quáng (ÐHV 50).

* Người trộm lành đã hạnh phúc vì hy vọng ở tình yêu Chúa, Giuđa đã khốn nạn vì thất vọng (ÐHV 53).

Cha Charles de Foucauld suốt đời ở giữa lòng sa mạc Sahara để tu thân tích đức, chiêm niệm, chầu Thánh Thể và sống bác ái với dân tộc Touareg. Ngài đã để lại nhiều bút tích thật cao siêu, đầy sốt mến. Suốt đời ngài tha thiết cầu xin cho có một người đến trong sa mạc cùng chung sống một lý tưởng với ngài. Cầu nguyện mãi mà chẳng thấy ai, nhưng ngài vẫn bền chí cầu nguyện. Ðến ngày ngài gục xuống, thân xác được chôn vùi ở giữa lòng sa mạc mênh mông mà vẫn không thấy bóng người mong ước. Xét bề ngoài thì quả là một thất bại!

Thế nhưng, hạt giống ấy sau một thời gian chôn vùi đã đâm chồi nảy lộc: các Hội Dòng theo tinh thần của ngài mọc lên khắp nơi. Ngài xin một người Chúa cho hàng trăm, hàng nghìn Tiểu Ðệ, Tiểu Muội có mặt trên khắp thế giới.

4. Lửa thử vàng

* Bạo dạn không phải là phiêu lưu, bất khôn. Muốn đi cùng đường hy vọng con phải bạo dạn. Có mấy người đứng bên Chúa dưới thánh giá? (ÐHV 39).

* Mỗi sáng thức dậy, con khởi sự lại cuộc đời, hăng say và lạc quan. Dù đường đi trục trặc, con cứ đi với Chúa, như về làng Emmau, sẽ đến đích (ÐHV 48).

* Giữ vững tinh thần của con, mặc dù cảm thấy rã rời, nguội lạnh: vì mây mù sẽ qua đi, không che mãi được mặt trời. Chỉ đợi mây mù bay qua thôi (ÐHV 51).

Ðến nhận một giáo phận trong đó hàng giáo sĩ thì rời rạc, giáo dân lại quá khô khan, Ðức Cha Hervas rất đỗi lo âu. Ngài cầu nguyện, nghiên cứu, đối thoại và cuối cùng đi đến một phương thức tĩnh tâm với một kỹ thuật rất độc đáo, hấp dẫn, nhằm thánh hoá giáo dân, đào tạo cán bộ tông đồ trong giáo phận: đó là "Học Hội Kitô hữu"' (Cursillos de Christiandad). Công việc đang tiến hành tốt đẹp thì đùng một cái: một số người trong giáo phận hiểu lầm ngài và ra sức chống đối kịch liệt. Họ còn làm đơn kiện đến Tòa Thánh và bày tỏ thái độ bất hợp tác với ngài về mọi mặt.

Ðể tránh sự đổ vỡ lớn hơn. Tòa Thánh đã thuyên chuyển Ðức Cha J. Hervas sang một giáo phận nhỏ nhất nước Tây Ban Nha. Tuy thế vẫn chưa yên. Vị Giám mục kế vị ngài lại còn ra một bức thư luân lưu kết án "Học Hội Kitô hữu" là một tổ chức lạc đạo sai lầm về tín lý lẫn luân lý.

Phần Ðức Cha J. Hervas, ngài vẫn kiên trì bền chí. Dần dần nhiều người cảm phục, hàng giáo phẩm và giáo sĩ nhận ra cái hay của phương pháp ngài và ra sức hưởng ứng. Phong trào "Học Hội Kitô hữu" bành trướng khắp nơi, được các Ðức Cha chúc lành và khuyến khích.

Gương khiêm nhường và sự bền chí của Ðức Cha J.Hervas thật đáng cho mọi người khâm phục. Hiện nay ngài vẫn còn sống và đang hướng dẫn phong trào lớn mạnh khắp nơi trên thế giới.

5. Ðức Cha François Pallu

* Ðường hy vọng dài thăm thẳm. Con đừng làm "Thánh lâm thời": phong ba dồn dập, nước sơn sẽ phai nhạt và tượng thánh sẽ hiện hình quỉ (ÐHV 44).

* Con run sợ, vấp ngã, khó khăn, hiểu lầm, công kích, sỉ nhục, tử hình... Con quên Phúc Âm sao? Chúa Giêsu đã chịu tất cả. Cứ theo Ngài con sẽ Phục sinh (ÐHV 47).

Vào thế kỷ XVII, Tòa Thánh đã phong hai vị Giám mục làm Ðại Diện Tông Toà đầu tiên: Ðức Cha Lambert de la Motte phụ trách Ðàng Trong kiêm Campuchia, Lào, Thái Lan, và Ðức Cha Francois Pallu phụ trách Ðàng Ngoài kiêm Trung Quốc, Triều Tiên. Thật là một khu vực rộng lớn không thể tưởng tượng: Dưới quyền Ðức Cha Francois Pallu chỉ có một ít vị thừa sai, không có một vị linh mục Việt Nam nào, xứ sở lại đang ở trong tình trạng cấm cách khốc liệt. Từ Pháp, Ðức Cha từ giã gia đình ngày 3.1.1662, dùng tàu buồm vượt qua Trung Hải rồi men theo đường bộ một thời gian lâu dài, qua hết các nước Trung Ðông, vịnh Ba Tư, Ấn Ðộ mới đến Thái Lan. Năm 1670, trên đường đến Bắc Việt, lúc đi ngang qua Huế, thuyền của ngài bị đánh giạt vào Philippin, ngài bị người Tây Ban Nha bắt. Sau ba tháng lại bị đày vòng qua Thái bình Dương, vượt cả Ðại Tây Dương, đến Tây Ban Nha. Tuy gian khổ ê chề, nhưng tim ngài vẫn luôn chói sáng một niềm hy vọng: "Tôi phải mang Phúc Âm đến tận Trung Quốc". Vừa được trả tự do ngài tìm mọi cách để đến Bắc Kinh, và cuối cùng thân xác ngài được chôn vùi tại đây theo như người tôi trung của Chúa hằng mơ ước. Một câu nói của ngài đáng cho chúng ta ghi nhớ: "Tôi tự cho mình hạnh phúc nếu có thể đem xương cốt mình bắc một cầu tới Bắc Việt và tới Trung Quốc"!
 
-----o0o-----
 
 
04- Tiếng Gọi

1. "Samuen! Samuen!"

* Tiếng gọi vẫn tiếp tục nhắc nhở con trong một việc nhỏ: "Hãy theo Thầy!" và tiếng "Vâng" của con cũng tiếp tục cho đến hơi thở cuối cùng (ÐHV 72).

Ðêm ấy, trẻ Samuen đang ngủ trong Ðền thờ, gần Khảm Giao ước của Thiên Chúa thì có tiếng gọi đích danh cậu: "Samuen! Samuen!" Cậu thưa ngay: "Này con đây" và vội vàng chạy đến cùng Thầy cả Hêli. Nhưng trong cả ba lần. Hêli không có gọi. Lần thứ tư, Samuen thưa lớn tiếng: "Lạy Chúa xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe". Và Thiên Chúa đã nói chuyện cùng Samuen. Từ đó về sau, Samuen ngày càng lớn lên trong ơn gọi, có Thiên Chúa luôn ở cùng cậu và cậu không để rơi mất một lời nào của Ngài. Samuen đã trở thành một Ngôn sứ vĩ đại vì nhờ biết lắng nghe và đáp lại tiếng Chúa (l Sam 3).

2. Tiếng gọi từ bụi gai

* Chọn lựa bao giờ cũng tiếc nuối, do dự; suy nghĩ, nhưng cuối cùng phải quyết định (ÐHV 62).

* Con ngạc nhiên sao đủ hạng người tình nguyện làm "cảm tử" theo tiếng gọi của Chúa? Vì Chúa đã nói: "Thầy ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế" (ÐHV 67).

"Ta tạt qua nhìn quang cảnh hùng vĩ ấy mới được: tại sao bụi gai lại không cháy thiêu đi?" Moisen nhủ thầm như thế và tiến lại gần. Thiên Chúa liền gọi đích danh ông từ giữa bụi gai: "Moisen! Moisen!" - Ông đáp lại: "Này con đây". Và Thiên Chúa tâm sự với ông về Danh Tính mình, về nỗi khổ của Dân tộc mình ở Ai Cập. Sau cùng người nói: "Bây giờ con hãy đi". Moisen ngập ngừng: "Con là ai mà dám...". Thiên Chúa phán: "Ta sẽ ở với con". Ông vẫn chưa an tâm! Sau đôi ba lần vặn hỏi quanh co, Moisen thú thật: "Lạy Chúa xin xá lỗi, con không phải là người có tài ăn nói... Con cứng cả miệng, cứng cả lưỡi!" Thiên Chúa nói ngay: "Ai cho người phàm có miệng... lại không phải chính Ta đó sao? Con hãy đi, chính Ta sẽ ở với miệng con và dạy con điều con phải nói..."

Moisen đã trẩy đi Ai Cập để cứu dân mình khỏi nô lệ với một vũ khí, một bảo đảm duy nhất: "Giavê ở cùng ông" (Xh 3-4).

3. Tiếng kêu trong thị kiến

* Hãy theo Thầy!" Các tông đồ đã bỏ mọi sự theo Chúa, con có dứt khoát một phen theo Chúa không? Chúa phải gọi con mấy lần rồi? (ÐHV 61).

* Công đồng Vatican II dạy ta "trở về nguồn". Con hãy khám phá lại đời sống các tông đồ, những người đã sống, đã nghe, đã sờ tận tay Chúa Cứu Thế và làm chứng về Ngài (ÐHV 75)

Ðêm ấy đang ngủ, Phaolô thấy thị kiến một người xứ Makêđonia khấn xin với ông rằng: Hãy qua Makêđonia cứu giúp chúng tôi! Và Phaolô đã trẩy đi Makêđonia vì biết rằng chính Thiên Chúa đã gọi ông đến rao giảng Tin Mừng cho họ (Cv 16,8).

4. Không hề từ chối sự gì

* Quyết định theo Chúa của con không phải chỉ là một chữ ký, không phải là một lời tuyên thệ thôi. Nhưng là một sự hiến dâng liên lỉ thực hiện trong cả cuộc sống (ÐHV 69).

Trong "Truyện Một Tâm Hồn". Chị Thánh Têrêxa Hài Ðồng Giêsu thú thực: "Từ lúc có trí khôn cho tới bây giờ, tôi không hề từ chối Chúa sự gì".

5. Hơn nữa! Hơn nữa!

* Chúa bảo con: "Hãy đi rao giảng Phúc âm". Chúa không ra thời khóa biểu, không vạch kế hoạch, Chúa để con sáng kiến và vượt đi, miễn là con mang Phúc âm (ÐHV 74).

Vì quá yêu mến Chúa và các linh hồn, nên Phanxicô Xaviê chất chứa trong tim một nguyện vọng và một chương trình vĩ đại: "Sau khi truyền giáo ở Ấn Ðộ, Malaxia, Nhật Bản, tôi sẽ đi vào Trung Quốc rồi từ đó vượt qua Mông Cổ, Liên Sô, đi về Âu châu, tôi lại vòng sang châu Á một phen nữa". Thế nhưng chương trình của Thiên Chúa lại khác. Lúc Phanxicô vừa đến đảo Tam Châu, chuẩn bị vào Trung Quốc thì bị một cơn sốt rất nặng. Ngước mắt nhìn vào mảnh đất mình hằng mong ước mang Tin Mừng đến, Phanxicô gục ngã lìa đời khi vừa mới 49 tuổi. Trong suốt mấy mươi năm trường, đức ái là tiếng gọi duy nhất thúc bách ngài liên lỉ. Mỗi lần phải đau khổ, ngài hân hoan thưa với Chúa: "Mas! Mas!" (tiếng Tây Ban Nha nghĩa là: Hơn nữa! Hơn nữa!). Phanxicô luôn sẵn sàng hy sinh "hơn nữa" cho các linh hồn. Khi nhắm mắt lìa trần, ngài đã rửa tội trên 10.000 người. Chương trình ngài còn lớn lao "hơn nữa" nhưng Thiên Chúa lại muốn thế khác.

6. Một Cha sở khiêm nhường

* Con muốn tháo lui vì có những sự trái ý, vì gặp những người không thể chịu nổi! Con theo Chúa hay theo mấy người ấy? (ÐHV 66).

* Thưa: "Vâng" là dễ, nhưng hãy xem Chúa Giêsu theo tiếng gọi cho đến chết trên thánh giá. Hãy bỏ mình, vác thánh giá mỗi ngày và đóng đinh mình trên thánh giá ấy (ÐHV 73).

* Lúc con tự mãn về công việc tông đồ của con là lúc nguy hiểm nhất. Ma qủy tập trung lực lượng để đánh úp con (ÐHV 79).

Như trước đây đã nói, Cha Vianney đã được chuẩn phần kiến thức cần thiết. Ngài được "vớt", "đề cử" nhờ bền chí!

Hôm mới về xứ Ars, một xứ vỏn vẹn có 300 giáo dân, Cha Vianney đã khởi sự xây dựng giáo xứ bằng những chất liệu: cầu nguyện, hy sinh, hãm mình ... Dần dần, giáo dân từ nhiều xứ đổ xô tới xứ Ars nghe ngài dạy giáo lý 15 phút trước giờ kinh trưa và nhất là để xưng tội với ngài.

Các bạn đồng nghiệp đều biết trước đây Vianney rất tầm thường, dốt nát, lại thêm bản tính con người không khỏi ghen tỵ khi thấy giáo dân đổ xô đến xưng tội với một cha xứ hạng bét như vậy, nên họ đã trình với Ðức Cha địa phận như sau: "Thưa Ðức Cha, Cha Vianney trước đây học hành kém cỏi mà nay lại cả gan giải tội cho giáo dân khắp nơi. Họ bị những lời đồn thổi, phóng đại, mê tín, quyến rũ, nên ào đến xứ Ars ngày càng đông. Có thể có những nố khó mà cha Vianney đã giải sai các nguyên tắc trong luân lý thần học!" Ðức Cha cũng không khỏi lo lắng. Ngài gọi Cha Vianney đến và giao cho ngài một số nố rất khó giải để về giải trên giấy tờ đàng hoàng rồi đem nộp cho Tòa Giám mục. Chỉ vài ngày sau, Cha Vianney đã đem lên nạp Tòa Giám mục tất cả những lời giải đáp. Các vị chuyên môn luân lý thần học xem qua đều phải khen rất đúng và khôn ngoan. Ai nấy đều ngạc nhiên lẫn mến phục.

Nhưng chưa hết, càng ngày giáo dân càng đến xưng tội với Cha Vianney càng đông khiến Cha phải giải tội từ nửa đêm. Và một lần nữa, các bạn đồng nghiệp lại làm tờ đơn kiện Cha Vianney gởi thẳng lên Tòa Giám mục. Trong đơn đại ý nói: "Cha Vianney đảm đương xứ mình chưa xong mà cả gan quyến rũ giáo dân các xứ khác đến xưng tội với mình càng ngày càng nhiều. Kiến thức của ngài thì ai cũng rõ là rất giới hạn nên thật nguy hiểm có nhiều nố phức tạp có thể bị ngài giải sai. Hơn nữa, tình thế ấy lại còn làm mất trật tự trong các giáo xứ khác vì giáo dân không xưng tội ở xứ nhà mà lại ùn ùn kéo nhau qua xưng tội ở xứ Ars. Kính xin Ðức Cha ra lệnh cấm Cha Gioan Maria Vianney giải tội cho các nơi... "

Một linh mục được giao trọng trách đem tờ đơn ấy lên Tòa Giám mục. Nhưng vị này cũng có lòng bác ái muốn giúp đỡ anh em, nên khi ngang qua xứ Ars đã tạt vào thăm cha sở đôi phút. Trong câu chuyện hàn huyên, cha ấy vào đề: "Tôi muốn tâm sự thành thật với Cha: anh em rất bất bình về việc Cha giải tội từ nửa đêm cho giáo dân các xứ đến đây. Cha làm như thế là hạ uy thế của anh em, lại làm mất trật tự trong giáo xứ nữa. Ðàng khác, Cha làm gì cho mệt, cứ lo cho xứ mình là đã đủ. Tôi nói thật với Cha, mất lòng trước được lòng sau: Cha cũng tự biết sự học hành của mình có giới hạn... Vì thế, anh em đã làm một tờ đơn trình bày công việc ấy lên Ðức Cha và xin ngài cấm Cha giải tội cho giáo dân các giáo xứ khác. Tôi vì tình huynh đệ, nên trước khi lên gặp Ðức Cha, cũng muốn cho Cha biết, không giấu giếm chi. Tiện đây, tôi cho Cha xem bức thơ để Cha hiểu qua và thu xếp sao cho êm đẹp". Nói đoạn, cha ấy trao tờ đơn cho Cha Vianney xem, trong lòng rất đổi ái ngại vì sợ Cha Vianney sẽ nổi tự ái, giận dữ trách móc anh em mình ... Nhưng lạ thay Cha Vianney vẫn bình thản đọc thơ! Và điều đáng ngạc nhiên hơn nửa là ngài thong thả lấy bút châm mực. Ngài viết gì thế? Vị linh mục kia hồi hộp theo dõi và thấy Cha Vianney hí hoáy viết ở cuối bức thơ: "Việc anh em nói trên đây rất đúng với sự thật. Con cũng xin ký tên vào đơn đồng tình cùng anh em". Rồi ngài xếp thơ, trao lại và cám ơn cha kia cách niềm nở.

Dầu sao cũng phải chu toàn sứ mạng với bất cứ giá nào. Cha kia mang bức thơ lên Tòa Giám mục. Ðọc xong, thấy bên dưới các chữ ký của các cha lại có cả chữ ký của Cha Vianney nữa, Ðức Cha mới lấy làm lạ hỏi cha cầm thơ. Cha kia trình bày đầu đuôi tự sự. Ðức Giám mục kết luận: "Các cha xem, Cha Vianney phản ứng cách rất khiêm tốn. Có ai lại đồng ý tự kiện mình bao giờ! Ngài thực là người đạo đức. Thôi ta cứ để xem. Nếu là việc Chúa thì sẽ vững bền, ngược lại, nếu là việc của ý riêng ngài thì thế nào cũng sụp đổ..." Cha kia về thuật lại mọi sự cho anh em nghe, ai cũng ngạc nhiên thầm nghĩ: "Ðáng lẽ Cha Vianney phải giận dữ căm thù mình mới phải. Ai ngờ ngài lại ký tên vào đơn kiện ngài: Thôi ta cứ chờ xem theo như quyết định của Ðức Cha".

7. Ðược gọi để gọi

* Chúa Giêsu rõ ràng quyết liệt: "Ai muốn theo Ta, hãy...". "Ai không... chẳng đáng làm môn đệ Ta". Ðường lối sáng tỏ, tiếng gọi không úp mở (ÐHV 63).

- Thưa ông bà muốn gặp ai ạ?

Chị Céline đã nói câu ấy lần đầu tiên cách đây 40 năm. Từ đó ngôi nhà khách với chùm chìa khóa, cái chổi, chiếc ghế đã trở thành giang sơn của chị.

Bổn phận của một chị giữ nhà khách là gọi người khác. Trong suốt 40 năm trường, chị Céline chỉ làm ngần ấy công việc! Câu hỏi trên kia chị phải lặp đi lặp lại đến hơn 10 lần mỗi ngày. Với thời gian, phương thế có đôi phần thay đổi: từ cái kẻng đến chuông điện, rồi điện thoại, sau đó lại trở về chuông kéo, kẻng sắt... nhưng công việc luôn luôn vẫn là gọi người khác.

Ôi chao! biết bao khuôn mặt đã xuất hiện tại nhà khách, bao giọng nói đã vang rền trong điện thoại! Nhưng có một điều chị Céline hằng đoán chắc: người ta đang gọi, đang xin gặp một người nào đó... trừ ra chị. Vì thế chị thường nói đùa: "Tôi chỉ được Chúa gọi một lần duy nhất và từ dạo ấy, tôi đã luôn luôn gọi người khác: tôi được gọi để gọi".

Một ngày của chị bị cắt vụn thành từng miếng, công việc của chị bị chẻ thành từng mảnh, luôn luôn là gián đoạn. Khi cầm chuỗi lần hạt, chị biết mình sẽ không đọc được quá 10 kinh, khi xem sách chị đoán sẽ thưởng thức không quá 10 dòng; trong nhà nguyện, chị quỳ ở ghế cuối cùng, gần cửa ra vào, luôn thấp thỏm đợi chờ chuông reo... Luôn bị gián đoạn, nhưng chỉ với "sự gián đoạn" này của mình, chị mới có thể tạo nên "sự liên lạc" của người khác. Chị bao giờ cũng nhanh nhẹn đối với một khách sang cũng như một bà lão nhà quê. Tất cả mọi người đều ăn cắp giờ của chị. Không ai cần gặp chị... Với thời gian, da mặt chị nhợt nhạt hơn, người chị tiều tụy hơn, nhưng nụ cười vẫn tươi nở như thuở nào, lời kinh dâng Chúa mỗi ngày lại càng thêm sốt sắng hơn.

Và rồi một hôm, trong lúc vội vã đi gọi người khác, chị Céline đã ngã quỵ trong hành lang nhà dòng! thổ huyết! chị bập bẹ :"Chúa đến gọi tôi lần thứ hai" (và cũng là lần cuối cùng). Ðôi tay chị run run ôm lấy lồng ngực khiến chùm chìa khóa rơi trên nền gạch hoa. Ðàng kia, chiếc ghế vẫn vô tình không biết từ nay mình sẽ là đồ vô chủ...

Chị Céline đã suốt đời trung thành với tiếng gọi của Chúa và với công việc bổn phận hằng ngày của chị: được gọi để gọi người khác. Giá trị và sự cao cả của chị không phải là ở chỗ đó sao?
 
-----o0o-----

05- Sống Nội Tâm

1. Quả tim Thánh Nữ Têrêxa

* Ðứng trên tầng lầu cao, nhìn xuống đường, con thấy làn sóng người cuồn cuộn chảy. Ðủ loại xe, đủ hạng người, dành nhau, tông nhau, đâm đầu chạy, vội vã hấp tấp, hốt hoảng, vì tình, vì tiền, vì tham vọng, vì đua sống (ÐHV 82).

* Người ta bảo: Khủng hoảng đức tin, khủng hoảng quyền bính; Cha nghĩ: Khủng hoảng thánh thiện. Chúa muốn thanh lọc để thấy rõ, đâu là thánh, đâu là quỷ! (ÐHV 99).

Thánh Nữ Têrêxa Hài Ðồng Giêsu, vị Thánh lớn nhất của thế kỷ XX, bổn mạng các xứ truyền giáo, là vị Thánh chẳng làm việc gì có giá trị vĩ đại bên ngoài: không giảng thuyết, không đi truyền giáo, không viết sách thần học, không làm phép lạ, không chịu các cực hình như bao vị thánh Tử đạo xưa nay. Chị chỉ sống kết hiệp với Chúa từng giây phút qua mọi công việc tầm thường của đời một Nữ Tu Dòng kín Carmêlô. Chị viết: "Tôi muốn có một quả tim bao la để yêu mến Thiên Chúa, để ôm ấp tất cả nhu cầu của Giáo Hội... tôi muốn hy sinh cả cuộc sống tôi để cầu nguyện cho công việc truyền giáo".

2. Nên lời ngợi khen Chúa

* Thế gian sợ thinh lặng vì họ sẽ thấy mình trống rỗng cô đơn. Những người sống nội tâm quí sự thinh lặng, vì họ tìm thấy một thế giới mới tốt đẹp, trong cuộc sống thân mật với Chúa Ba Ngôi, mà thế gian không thể khám phá được. (ÐHV 89)

"Nên lời ngợi khen Chúa", đó là tên thực của chị Elisabeth de la Trinité, một nữ tu liên lỉ sống đời chiêm niệm và kết hiệp cùng Chúa Ba Ngôi ngự trong lòng mình. Chị lấy tên ấy từ một danh từ ở trong thơ Thánh Phaolô: "Laudem gloriae". Mà quả thực, đời chị cả là một lời khen ngợi liên lỉ dâng lên Chúa Ba Ngôi trong cung thánh tuyệt vời của Ngài là chính tâm hồn chị. Hãy suy niệm "kinh dâng mình" do chị sáng tác thì sẽ biết được tâm hồn cũng như đường lối nên thánh của chị.

3. Vị Giáo Hoàng năng tĩnh tâm

* Khí giới của con là nguyện ngắm, hy sinh, các nhiệm tích, chuỗi Mân Côi, tĩnh tâm... Ðồng minh của con là Ðức Mẹ, thánh Giuse, Thiên thần, thánh bổn mạng, cha linh hướng. Con chắc chắn thắng trận, trừ khi con dần dần hạ khí giới và phản đồng minh của con (ÐHV 81).

* Nếu mỗi năm con quyết tập một nhân đức, hằng ngày con rèn luyện một ít, đến nay con đã khá trọn lành (ÐHV 83).

Mặc dù công việc Hội Thánh bề bộn, Ðức Gioan XXIII vẫn sống một cuộc sống dồi dào. Ðặc biệt ngài rất năng tĩnh tâm, tạm dẹp hết mọi công việc và dọn một phòng riêng ở Vatican để sống những giờ khắc âm thầm bên Chúa, nghe lời giảng dạy...

Trước khi Công đồng Vatican II khai mạc, ngài đã tĩnh tâm một thời gian rồi đi Loretto để cầu nguyện, một nơi tục truyền có nhà của Ðức Mẹ ban ơn cho Công đồng thành công.

4. Kết hợp với Chúa Tử Nạn

* Hòa bình nhờ chiến thắng, chiến thắng nhờ tranh đấu. Con muốn bình an trong tâm hồn, phải tranh đấu liên lỉ (ÐHV 80).

* Trên đời không gì quý bằng ơn thánh. Ðã khởi sự thiên đàng trong lòng ngay từ trần gian (ÐHV 93).

* Lòng mến phải tuyệt đối! Chúa dạy: "Không ai làm tôi hai chủ"... Con làm tôi mấy chủ? (ÐHV 97).

Bà Marthe Robin là một trong những người đã được in năm dấu thánh. Bà sống trong thế hệ của chúng ta, đôi mắt đã mù loà, thân xác đau đớn, co quắp, thông phần vào sự thương khó của Chúa Giêsu liên lỉ.

Trên 30 năm nay, bà không ăn uống gì, chỉ sống bằng Mình Thánh Chúa. Khi linh mục trao Mình Thánh Chúa cho bà thì có cảm tưởng y như Mình Thánh bay từ tay mình vào thẳng miệng bà thực sự. Bà âm thầm sống trong một căn nhà nho nhỏ, có cha linh hướng săn sóc; đi đâu thì cha khoá cửa lại vì bà chẳng cần ăn uống gì hết.

Tuy mắt đã mù, không đọc sách báo, cũng chẳng nghe đài phát thanh, nhưng mỗi lần có ai xin bà cầu nguyện về một việc gì, thì bà trả lời như thể đang nghe thấy tất cả những tin tức cuối cùng và mới mẽ nhất về nơi chỗ, diễn tiến của sự việc vừa xảy ra. Trong cảnh âm thầm lặng lẽ ấy, nhiều ngôi nhà tĩnh tâm đã mọc lên. Nhiều tâm hồn nhờ khung cảnh và bầu khí thánh thiện quanh bà đã thay đổi cả cuộc sống.

5. Giám mục của truyền hình

* Thủy thủ lặn đáy biển, phi hành gia bay trên phi thuyền đều dấn thân mạo hiểm vì khoa học. Ngày nào con bỏ tất cả và bất cứ giây phút nào cũng sẵn sàng liều mình vì Chúa, người ta mới tin đời nội tâm của con (ÐHV 84).

* Hãy chạy khắp thế gian và la lớn tiếng với mọi người: "Có một người đã chết cho bạn." (ÐHV 95).

* Mỗi ngày dành riêng ít phút thinh lặng để giúp đời nội tâm tiến lên. Lâu nay con đã dành mấy phút? (ÐHV 98).

Trên thế giới, không mấy ai mà lại không biết danh tiếng của Ðức Cha Fulton Sheen, trước là phụ tá Giám mục tại New York, sau trở thành Giám mục giáo phận Rochester, ngài là một người hoạt động không biết mệt mỏi. Với tư cách một Giám mục phụ tá rồi Giám đốc Hội Truyền Bá Ðức Tin toàn quốc, ngài đã viết nhiều bài báo và nhiều tác phẩm đạo đức có giá trị. Ðặc biệt người ta quen gọi ngài là "Giám mục truyền hình", vì tuần nào ngài cũng xuất hiện trên màn ảnh vô tuyến truyền hình để giảng dạy với biệt tài thu hút vô số khán thính giả (20 triệu).

Ngoài những số tiền lớn, ngài kêu gọi giáo dân đóng góp, người ta nói rằng nguyên tiền bán sách của ngài và xuất hiện trên màn ảnh vô tuyến truyền hình cũng lên đến hàng triệu đôla mỗi năm. Ngài dùng những món tiền lớn ấy để làm gì? Dâng cho Hội Truyền Bá Ðức Tin.

Một điều nổi bật khiến người ta càng mến phục ngài hơn và là bí quyết thành công của ngài: sống đời nội tâm liên lỉ. Ngài chỉ sống trong một căn nhà nho nhỏ ngoài thành phố New York. Sáng đến văn phòng làm việc, chiều tối lại trở về ngoại ô. Ban sáng, sau giờ nguyện ngắm, ngài dâng Thánh lễ rồi giúp lễ cho cha thơ ký (lúc ấy chưa có thói quen đồng tế). Mỗi tối, ngài cầu nguyện lâu giờ trước Thánh Thể. Bên kho tàng vô giá ấy, ngài múc lấy nhựa sống cho hồn tông đồ và bầu nhiệt huyết hăng say để rồi truyền lại cho mọi người qua sách báo cùng các phương tiện truyền thông xã hội.

6. Thiếu đời nội tâm có thể đi tới đâu?

* Tất cả mọi người không cần tài ba lỗi lạc mới nên thánh được, chỉ cần ơn Chúa và ý chí của con. Ít người làm thánh, vì học tập thành tài dễ hơn là thay đổi cả cuộc sống để nên thánh (ÐHV 87).

* Con hăng say phụng sự Chúa rất tốt, nhưng lòng sốt sắng không đi đôi với sự canh tân tâm hồn thì không đẹp ý Chúa (ÐHV 88)

* Trên màn ảnh, ngọn lửa phần phật làm mọi người kinh khiếp, nhưng không đốt nóng, không nấu chín; vì nó lửa giả, không do một lò lửa hồng bốc lên (ÐHV 96).

Trong lịch sử Hội Thánh có vị tu sĩ danh tiếng tên là Luthêrô, thuộc Dòng Augustinô tại Ðức, mới 35 tuổi đã làm tới chức Giám tỉnh! Nhưng vị Giám tỉnh ấy lại quá ham hoạt động, chỉ tìm vinh danh bên ngoài. Ông nói: "Tôi quá bận: nào phải đi dạy học, giảng thuyết, viết sách, nên không có giờ đọc kinh, không có giờ nguyện gẫm, không có giờ dọn mình dâng Thánh lễ, không có giờ để cám ơn Chúa, có lúc tôi phải bỏ luôn cả lễ..." Kết quả là vị tu sĩ thông thái này đã chủ trương lạc thuyết, bất chấp lời khuyên bảo của Tòa Thánh, ly khai khỏi Hội Thánh, ra khỏi Dòng để kết bạn và lôi cuốn lắm kẻ theo mình, làm cho Hội Thánh phải bị tổn hại nặng.

Ở nước Pháp cũng có một giáo sĩ lỗi lạc đồng thời là một văn hào danh tiếng tên là Lamennais. Ông cũng đồng lối sống như Luthêrô, suốt ngày lo lắng nhiều việc bỏ bê giờ cầu nguyện chỉ cậy vào trí khôn mình mà không tìm kiếm ánh sáng nơi Thiên Chúa. Nên hồi kết thúc cũng không khác gì Luthêrô: kiêu căng, bất tuân phục, kéo khốn nạn xuống trên bản thân mình và lôi nhiều người cùng xuống vực thẳm.

7. Một đời nội tâm đơn sơ

* Thinh lặng bên ngoài, nhất là thinh lặng bên trong là bầu khí của cuộc sống nội tâm (ÐHV 86).

* Ai phải nên thánh? Tất cả mọi người, không có luật trừ. Khởi sự từ chính mình con, vì Chúa mời gọi tất cả (ÐHV 92).

Ðể tìm một gương dễ nhớ, dễ hiểu cho đời sống nội tâm, thiết tưởng không gương nào bằng cha Antoine Chevrier, người lập Tu Hội Linh Mục Prado, viết nhiều sách thiêng liêng giá trị, trong đó cuốn căn bản nhất là: "Môn đệ đích thực của Chúa Kitô".

Trong thời gian tĩnh tâm tại Ðan viện Sept Fons, ngài đã viết trên vách tường phòng những chữ đơn sơ thâm thúy sau đây, nói lên tất cả bầu nhiệt huyết sống kết hợp mật thiết với Chúa của ngài mà ngày nay vẫn còn đậm nét:

- Máng cỏ
- Nazareth
- Thánh Giá
- Thánh Thể.

Sống khó nghèo, trinh khiết, tuân phục, yêu thương, thinh lặng, khiêm nhường như Chúa Giêsu đã sống nơi máng cỏ, tại Nazareth, trên Thánh Giá và trong Nhà Tạm. Thật rõ ràng, đơn sơ, thâm thúy, phong phú và dễ nhớ, dễ bắt chước biết bao!

Tác giả: PX Nguyễn Văn Thuận

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Facebook Gia đình Cựu Chủng sinh Huế
Kênh Youtube Gia đình Cựu Chủng sinh Huế
Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập217
  • Hôm nay32,170
  • Tháng hiện tại1,655,930
  • Tổng lượt truy cập74,466,900
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây