Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Bài Giảng và Huấn Từ

Chủ nhật - 06/05/2012 20:06

-

-
"Tập bài giảng của Đức Cố Hồng Y tại Đại Chủng Viện Hà Nội, được ra mắt với quý độc giả thân thương. Ước mong những suy tư giản dị, trong sáng như cuộc đời của Đức Cố Hồng Y, trong tập bài giảng này, cũng giúp tất cả chúng ta hiểu biết Chúa nhiều hơn, yêu mến Chúa nhiều hơn, và yêu mến Giáo Hội của Chúa nhiều hơn". (Đức Ông Phaolô Phan Văn Hiền)
Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Bài Giảng và Huấn Từ
 
Tập bài giảng của Đức Cố Hồng Y tại Đại Chủng Viện Hà Nội, được ra mắt với quý độc giả thân thương. Ước mong những suy tư giản dị, trong sáng như cuộc đời của Đức Cố Hồng Y, trong tập bài giảng này, cũng giúp tất cả chúng ta hiểu biết Chúa nhiều hơn, yêu mến Chúa nhiều hơn, và yêu mến Giáo Hội của Chúa nhiều hơn.
 
 
Tập I
TẠI ĐẠI CHỦNG VIỆN HÀ NỘI
Từ ngày 04/04 đến ngày 10/06 năm 1991
 

Một chủng sinh ghi lại và Đức Ông Phaolô Phan Văn Hiền thực hiện
Roma 2005
 
Lời nói đầu
 

Một trong những đức tính nổi bật của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận là tình yêu thương và sự quan tâm chân thành Ngài dành cho các linh mục và chủng sinh. Hơn 8 năm làm giáo sư và Giám Đốc Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện, Huế; rồi tiếp đến gần 8 năm làm Giám Mục Nha Trang, với việc mở thêm ba chủng viện: Chúa Chiên Lành, Lâm Bích và Tinh Hoa; làm tăng con số chủng sinh lên gấp ba, đủ nói lên sự quan tâm Ngài dành cho các ơn gọi linh mục. Vì thế, khi mới trở về lại Hà Nội sau thời gian chữa bệnh tại Roma vào cuối tháng 3 năm 1991, và được Đức Cha Giám Quản Phaolô Phạm Đình Tụng mời giúp huấn luyện tu đức cho các Thầy tại Chủng Viện Hà Nội, Đức Cố Hồng Y đã mau mắn nhận lời và quyết tâm thực hiện dù không được phép giảng dạy chính thức. Ngài kể lại: “Cha tình nguyện dâng thánh lễ cho các Thầy mỗi ngày. Và qua bài giảng vắn gọn trong thánh lễ, Cha dựa vào các bài đọc phụng vụ ngày hôm đó để giúp các Thầy thăng tiến đời sống thiêng liêng. Ngoài ra, Cha cũng giúp các Thầy trong những buồi huấn đức vào ban tối, không phải mỗi ngày, nhưng tương đối là thường xuyên, và nhờ vậy việc huấn luyện được nhiều kết quả hơn... Cha cảm thấy hứng khởi vì mình đang đóng góp vào việc đào tạo các linh mục tương lai cho Giáo Hội”.
 
Tất cả gồm 129 bài giảng. Được chia thành hai giai đoạn theo năm học ở đại chủng viện. Giai đoạn một từ ngày 4 tháng 4 cho đến ngày 10 tháng 6 năm 1991, khi niên học kết thúc. Và giai đoạn hai khi bắt đầu niên khóa mới, từ ngày 17 tháng 9 đến ngày 22 tháng 11 năm 1991, chỉ một ngày trước khi Ngài phải đi Roma và không bao giờ trở lại. Hơn 120 bài giảng trong vòng bốn tháng. Một kỷ lục đạt được với nhiều cố gắng và hy sinh vượt bực, nói lên sự quan tâm và tình thương mến Ngài dành cho các chủng sinh. Ngài cũng thuật lại: “Thông thường, Cha không viết ra toàn bài, chỉ ghi những điểm chính trên giấy rồi giảng. Như vậy, bài giảng sống động hơn. Nhưng bây giờ muốn có cho thật đầy đủ, chắc phải nhờ các Thầy đã nghe giảng lúc đó thu thập lại”. Và một chuyện tình cờ không tình cờ xảy đến, mùa thu năm 2004, tôi nhận được đầy đủ tập bài giảng của Ngài do một chủng sinh thời đó ghi lại. Đối với tôi, đây là một món quà quý giá vì tập bài giảng và huấn đức này nói lên một cách hùng hồn bằng chứng của tình thương, của hy sinh âm thầm, của niềm vui và hy vọng Ngài dành cho các linh mục tương lai. Tôi cũng muốn nhân cơ hội này cám ơn người chủng sinh thời đó nay đã trở thành linh mục, và xin phép sửa lại những phần tối nghĩa vì ghi vội, để toàn bộ bài giảng được mạch lạc hơn.
 
Và như vậy, tập bài giảng của Đức Cố Hồng Y tại Đại Chủng Viện Hà Nội, được ra mắt với quý độc giả thân thương. Ước mong những suy tư giản dị, trong sáng như cuộc đời của Đức Cố Hồng Y, trong tập bài giảng này, cũng giúp tất cả chúng ta hiểu biết Chúa nhiều hơn, yêu mến Chúa nhiều hơn, và yêu mến Giáo Hội của Chúa nhiều hơn.
 
Roma ngày 3. 12. 2005
Lễ Thánh Phanxicô Xaviê
Đức Ông Phaolô Phan Văn Hiền
 
 
Bài 1: Rao giảng Tin Mừng
Thứ năm 04-04-1991 - Tuần 2 Phục Sinh

Cv 3, 11-26; Lc 24, 35-48
 
Đọc bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta rút ra được mấy tư tưởng sau đây:
 
- Thứ nhất: Chúa là Đấng hay tha thứ. Quả thật, tội chối Chúa, bỏ trốn Chúa là tội nặng. Nhưng đối với Chúa, Ngài tha thứ tất cả. Khi hiện ra với các tông đồ, Chúa không nhắc lại lỗi xưa của các ông. Có thể chúng ta nghĩ, khi hiện về chắc Chúa sẽ chỉ người này, mắng người kia: Gioan, con thật chẳng ra gì, bỏ trốn tuột cả áo khoác. Phêrô, con cũng chẳng ra sao cả. Có thế mà cũng sợ đứa đầy tớ gái để chối Ta. Và với những tông đồ khác, chắc Chúa cũng sẽ mỉa mai: tướng tá ngon lành, ăn nói mạnh mồm, vậy mà khi gặp chuyện lại khiếp sợ bỏ chạy, chối phăng hết.
 
Nhưng thật bất ngờ! Ngài không trách mắng gì cả. Trái lại còn giải thích cho họ hiểu Ngài thật là người có xương có thịt để trấn an họ.
 
- Thứ hai: Chúa tỏ tình thân mật yêu mến các ông, tình Cha-Con. Ngài đã hỏi các ông một câu rất đơn sơ nhưng đầy tình cảm: “Các con có gì ăn không?”. Một linh mục, một Giám Mục hoặc Hồng Y đến thăm chúng ta rồi hỏi “có gì ăn không?” thật là chuyện họa hiếm. Nhưng Chúa lại làm thế. Ngài muốn là bạn thân tình của các môn đệ. Ngài ăn để làm chứng Ngài là người chứ không phải ma như các ông đang nghĩ tưởng.
 
- Thứ ba: Chúa sai các ông rao giảng chân lý nhân danh Người, để tiếp nối sứ mạng cứu chuộc.

Bài Phúc Âm hôm nay dạy chúng ta phải biết sẵn sàng tha thứ cho nhau, biết bỏ qua các sai lỗi của nhau, và không nhắc lại những sa ngã, lỗi lầm của người khác. Như Chúa đã đối xử với các Tông Đồ một cách thân tình, chúng ta cũng phải biết cư xử với nhau trong tình anh em, tình bạn hữu. Và cuối cùng, mỗi người phải chu toàn bổn phận rao giảng chân lý.
 
Việc rao giảng phải gắn liền với cuộc sống. Một ông bác sĩ thuốc nhiều, phương dược đầy đủ có khi lại còn nhiều bệnh hơn chúng ta. Như thế, ông bác sĩ chỉ làm chứng trên lý thuyết các phương án khoa học là tốt, chứ không thể lấy con người của ông để làm chứng được. Cũng thế, một nhà tâm lý học xử dụng tốt những phương cách ứng dụng tâm lý để giúp người khác, nhưng điều đó không bảo đảm chính ông ta cũng đang sống những nguyên tắc tâm lý học đó. Rất nhiều khi trong cuộc sống, ông ta chẳng tâm lý chút nào.
 
Người môn đệ của Chúa Kitô không được như thế. Đời sống phải là bằng chứng cho sự hiểu biết. Kiến thức về thần học, tín lý, triết học, luân lý, giáo luật... phải được áp dụng ngay trong cuộc sống của mình, để khi giảng về khiêm nhường hay bất cứ một nhân đức nào, người ta thấy ngay trước mặt một con người khiêm tốn, một con người đang thật sự sống các nhân đức đó. Nói cách khác, lời rao giảng và hành động nơi người môn đệ của Chúa phải đi đôi với nhau.
 
Và trên hết, cuộc đời của người môn đệ phải hướng về Thánh Giá. Đó là con đường Chúa đã đi qua để tiến đến phục sinh. Thánh Giá và Phục Sinh gắn liền với nhau. Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu luôn sẵn sàng chấp nhận thánh giá trong cuộc sống để làm chứng nhân cho Chúa Giêsu, Đấng đã chết và đã sống lại khải hoàn. Amen.
 
 
Bài 2: Tuân giữ Lời Chúa
Ngày 14-04-1991 - Chúa Nhật III Phục Sinh

Cv 3, 13-15.17-19; 1 Ga 2, 1-5a; Lc 24, 35-48
 
Vừa rồi chúng ta đã nghe bài Thánh Thư của Thánh Gioan. Ngài nhấn mạnh đến một điểm quan trọng trong đời sống Kitô hữu. Đó là chúng ta chỉ thật sự biết Chúa Giêsu nếu tuân giữ các giới răn của Ngài. Và việc giữ giới răn không còn mang tính cách luật lệ, nhưng trở thành dấu chỉ đích thực của lòng yêu mến: “Ai yêu mến Ta thì tuân giữ lời Ta”.
 
Tinh thần tuân giữ Lời Chúa là chủ đề lớn nhất của Chúa Nhật này. Tuân giữ Lời Chúa không phải là chuyện tùy hứng, tùy lúc, nhưng là một tương quan vững bền giữa ta với Chúa. Khi người ta yêu mến nhau, họ muốn tìm biết, bắt chước cách suy nghĩ, cử chỉ, kiểu nói của người mình yêu mến.

Bài Phúc Âm nhắc đến chuyện xảy ra trên đường đi Emmaus. Hai môn đệ đang thất vọng, buồn nản trở về quê quán của mình. Bỗng chốc, Chúa đến như một lữ khách và hỏi họ: “Có chuyện gì mà hai bác có vẻ buồn thế?” Họ trả lời: “Chắc chỉ có ông là người duy nhất ở Giêrusalem không biết chuyện Ông Giêsu vừa xảy ra. Ông tệ thật!” Chúa Giêsu hỏi lại: “Chuyện Ông Giêsu làm sao?” Và họ trả lời: “Ông ta là một tiên tri vĩ đại, đã giảng dạy và làm bao nhiêu phép lạ suốt 3, 4 năm trời. Thế mà người ta lại giết Ông. Ông đã chết. Chúng tôi đang tán loạn mỗi người một nơi. Hơn nữa, mấy bà trong nhóm chúng tôi còn phao tin đồn nhảm: họ đã thấy Ngài sống lại, thật ghê sợ”.
 
Thông thường, mối tương quan của những người mới gặp nhau lần đầu là tương quan của kẻ đi đường, nhưng dần dần tương quan đó trở nên thân thiện và gần gũi hơn. Thật vậy, sau buổi nói chuyện dọc đường, hai môn đệ có thiện cảm với người lữ hành: “Ông vào đây ăn tối với chúng tôi”. Ngài từ chối: “Thôi, các bác cứ tự nhiên, tôi còn phải đi tiếp”. Họ nài nỉ: “Thôi cứ vào đây, tối rồi, mai đi tiếp”. Lúc đầu là thân thiện, tình cảm, rồi đến năn nỉ, nài nẵng. Và Chúa đã vào với họ.

Trong lúc ăn, Ngài cầm lấy bánh, bẻ ra và trao cho họ. Mắt họ mở ra và nhận ra người đang bẻ bánh là chính Chúa. Nhưng Ngài biến đi. Lập tức hai ông quay trở lại Giêrusalem bất chấp nguy hiểm để thuật lại cho các Tông Đồ. Và hai ông đã kháo láo với nhau: “Dọc đường khi nghe Ngài nói chuyện, lòng chúng ta cảm thấy thật sốt sắng”.
 
Câu chuyện này phải là bài học lớn cho cuộc đời chúng con, cuộc đời của những người muốn dâng mình cho Chúa. Làm môn đệ của Chúa không phải là để học được một số kiến thức, biết cách giảng hay dạy giáo lý; cũng không phải là để biết tổ chức công việc; và lại càng không phải là để làm giàu hay giải trí. Người linh mục thường có thói quen lo lắng những vấn đề hạn hẹp.
 
Cha cũng vậy, trước kia cứ lo phải giảng thế nào, tổ chức vui chơi làm sao, trời nắng thì chơi gì và mưa chơi gì... mà quên mất trong mọi sự phải chú ý đến mối tương quan giữa mình với Thiên Chúa. Tương quan với Thiên Chúa là cốt lõi của đời sống của linh mục, chủng sinh. Làm sao để lời ta nói phải là lời của Chúa và cử chỉ thái độ của ta cũng là của Chúa. Chính Chúa Kitô hoạt động, cai trị trong con người của ta.
 
Nhưng muốn có được tương quan tốt với Thiên Chúa, trước hết ta cần phải xây dựng một tương quan tốt với những người anh em chung quanh ta. Nhiều người khi mới quen nhau thì tỏ ra đạo đức, dễ mến. Nhưng được ít lâu lại coi thường nhau, và có khi còn khinh bỉ nhau nữa: “Đừng tin nó, nói thì hay mà chẳng ra sao đâu” hoặc “Lão ấy thì...”. Cuộc đời chủng sinh là thời gian đẹp nhất trong cuộc đời linh mục, vì nếu ngay từ lúc này người chủng sinh biết duy trì được mối tương quan với Chúa Giêsu, người đó sẽ biết thông cảm, nhịn nhục, thương yêu người anh em của mình, ngay cả khi người anh em sai lỗi hoặc xúc phạm đến mình. Và như thế, đời sống trong chủng viện sẽ trở nên đầm ấm như trong một gia đình. Hơn nữa, người khác cũng sẽ dễ dàng nhận ra mối tương quan giữa ta với Chúa có sâu đậm hay không qua các dịp nghỉ hè ở giáo xứ và gia đình. Nếu mối tương quan kém, họ sẽ chua chát phản ứng: “Mới làm chủng sinh mà đã hắc sì ngầu như thế, mai này làm linh mục thì ai chịu nổi”. Còn nếu tương quan ấy tốt, người ta sẽ yếu mến và mong cho ta được sớm làm linh mục để phục vụ dân Chúa.
 
Cha Gioan Vianey là một người học rất kém. Ba lần cha chính địa phận thi hạch đều trượt cả ba. Cha chính hỏi cha xứ của Ngài: “Thầy ấy có lòng kính mến Đức Mẹ không? Có đạo đức không?” Và Gioan Vianey đã được truyền chức vì cha xứ đã xác quyết những điều đó. Thế nhưng, khi làm linh mục, Ngài đã thu hút được rất nhiều người. Trong các bài giảng của Ngài trước 12 giờ trưa, chẳng những lôi cuốn rất đông giáo dân mà cả Giám Mục cũng đến nghe. Và trong thời gian cuối đời, khi không thể giảng dạy được nữa, Ngài chỉ nhìn ngắm tòa chầu với mắt đẫm lệ, rồi nhìn xuống dân chúng. Và cử chỉ đó của Ngài cũng đủ làm cho dân chúng sốt sắng lên. Trong bản án phong thánh, có hai nhân chứng. Một ông già quê nói cách đơn sơ: “Tôi thấy Chúa trong Cha xứ của tôi”. Và một ông khác có thói quen chăm chú nhìn ngắm tòa chầu đã trả lời: “Cha xứ dạy tôi như vậy. Tôi nhìn Nhà Tạm để nói chuyện với Chúa và Chúa nói với tôi”.
 
Cuộc đời chủng sinh và linh mục sẽ cảm thấy hạnh phúc, bình yên khi biết gia tăng mối tương quan của mình với Chúa. Càng liên kết mật thiết với Chúa như các Tông Đồ ngày xưa hoặc như Cha Thánh Gioan Vianey, cuôc đời của họ sẽ được tràn đầy niềm hạnh phúc bình an. Amen.
 
 
Bài 3: Người Công Giáo đích thực
Thứ hai 15-04-1991 - Tuần 3 Phục Sinh

Cv 6, 8-15; Ga 6, 22-29
 
Dân chúng đi tìm Chúa. Họ xuống thuyền nhưng không thấy Chúa và các môn đệ, nên liền đi qua Capharnaum và gặp Chúa ở đó. Chúa bảo họ: “Các ông đi tìm Ta không phải vì thấy phép lạ, nhưng là vì được ăn bánh no nê. Hãy tìm của ăn không hư nát“. Ở đây, Chúa muốn dạy dân chúng về điều cần thiết nhất mà con người phải tìm kiếm chính là của ăn ban sự sống đời đời, chứ không phải cơm bánh hằng ngày.
 
Bài Phúc Âm cũng phản ảnh hiện trạng của giáo dân ngày nay. Nhiều người theo Chúa với mục đích riêng của mình. Thật vậy, tất cả đều mang danh Công Giáo, nhưng có người là Công Giáo vụ lợi, kẻ khác là Công Giáo vì danh vọng, Công Giáo thời cơ, Công Giáo chính trị, Công Giáo địa vị, Công Giáo theo thời, Công Giáo tâm lý v.v...
 
Người Công Giáo vì vụ lợi: Hạng người này thấy nhiều trong thời kỳ còn các Cố Tây. Họ theo đạo Công Giáo để được lợi lộc hay được bênh đỡ trong các vụ kiện tụng, tranh giành.
 
Người Công Giáo danh vọng: Họ theo đạo để được cơ hội có chức quyền.
 
Người Công Giáo thời cơ: Họ theo đạo tùy lúc. Khi cần thì xưng danh là Công Giáo, nhưng khi gặp nguy hại một chút là bỏ luôn. Cả trong chứng minh thư cũng không dám ghi. Hoặc như một số người vượt biên, trước khi đi, xin chịu phép rửa, các cha không nhận. Tới Tây, thấy có lợi nên lại xin chịu phép rửa và các cha Tây hăng hái rửa liền. Nhưng khi cuộc sống ổn định, có nhà ở, có nghề nghiệp, họ chẳng còn giữ đạo nữa.
 
Người Công Giáo chính trị: Họ theo đạo để nhờ thế lực, nhờ số phiếu của người Công Giáo để thắng cử. Nhưng khi đã được việc rồi thì quên hẳn mình là người Công Giáo.
 
Người Công Giáo theo thời: Họ theo đạo vì thời cuộc, có lợi cho mình thì theo, không có lợi thì bỏ.

Tất cả các hạng người đó đã làm cho Công Giáo trở thành một thứ bùa mê, ru ngủ. Vì thế, tùy theo cách sống, người Công Giáo có thể được phân loại thành nhiều hạng: loại 90%, loại 30%, loại 10%, loại 5%, và cả loại 1% Công Giáo.
 
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa cũng dạy cách trở thành người Công Giáo đích thực. Đó là tin vào Đấng Thiên Chúa sai đến, Chúa Giêsu Kitô. Tin cĩ nghĩa l phó thác hoàn toàn vào Chúa. Một người mẹ yêu con quá mức đến nỗi đứa con yêu cầu gì cũng làm ngay, không do dự tính toán.
 
Cũng thế, tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa phải là một tình yêu phó thác không tính toán. Và cũng như người mẹ tin và yêu con của mình, đức tin của chúng ta đối với Chúa phải dẫn đến hành động cụ thể. Tin dẫn tới yêu. Và yêu Chúa, chúng ta sẽ vượt qua tất cả khó khăn, sẽ quên đi tất cả đắng cay, đau phiền của cuộc sống và yêu thương người khác cách chân thành. Ai tin Chúa và yêu mến Chúa một cách triệt để, người ấy là người Công Giáo trăm phần trăm.
 
Đời sống của chủng sinh, linh mục, Giám Mục cũng phải dựa vào đó để nhận xét mình. Có những người đi tu mà chỉ là Công Giáo 50%, 30%... vì kém lòng tin yêu. Khi đã yêu thật sự thì sẵn sàng hy sinh mạng sống. Vì thế, Các Thánh Tử Đạo không chỉ là chứng nhân đức tin mà còn là chứng nhân của lòng yêu mến Chúa. Các Ngài đã yêu đến độ chỉ cần một tiếng nói, một bước chân là được sống, nhưng cũng không chịu nói, chịu bước. Nói cách khác, các Ngài đã chấp nhận cái chết chỉ vì yêu Chúa hơn tất cả những gì khác. Và đó là tình yêu lớn nhất vì “Không có tình yêu nào lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15, 13). Các Thánh đã thí mạng sống vì Chúa. Tình yêu của các Ngài dành cho Chúa thật cao cả.
 
Chúng ta hãy tự kiểm điểm mình, xem thử hiện giờ chúng ta đang thuộc vào hạng Công Giáo nào, và được mấy phần trăm. Xin Chúa cho chúng ta biết tin tưởng phó thác hoàn toàn vào Chúa để có thể yêu Chúa hơn tất cả mọi sự ở trần gian. Và như vậy, chúng ta sẽ trở thành những người Công Giáo trăm phần trăm. Amen.
 
 
Bài 4: Bánh hằng sống
Thứ ba 16-04-1991 - Tuần 3 Phục Sinh

Cv 7, 51-59;Ga 6, 30-35
 
Chúa Giêsu loan báo chính Ngài là bánh bởi trời, và ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời.
 
Mỗi thứ thực phẩm đều đem lại một chất dinh dưỡng nào đó cần thiết cho cơ thể. Và mỗi dân tộc đều có cách thức ăn uống riêng. Có dân tộc ăn bánh, có dân tộc ăn cơm... nhưng tất cả đều có cùng một mục đích là để nuôi thân xác. Không có thức ăn nuôi dưỡng, con người không thể sống được. Và nếu thức ăn cần cho thân xác thế nào, thì lương thực thiêng liêng cũng cần cho linh hồn như thế. Thiếu nó linh hồn sẽ yếu đi mà chết.
 
Trong thực tế, nhiều người ăn nhậu lấy bia rượu làm thức ăn chính. Thiếu nó, họ không thể chịu nổi. Nhiều người khác lại lấy thuốc lá làm thức ăn chính. Ở tù, Cha đã thấy có một người nghiện thuốc quá sức, dám đổi cả xuất cơm lấy vài điếu thuốc. Và vì yếu sức quá nên đã gục xuống khi lao động. Sáng chỉ có một bát cơm nhỏ. Lao động mệt nhoài đến trưa lại đổi cơm lấy thuốc thì làm sao có sức làm việc. Có những người sống bằng tuyên truyền, cổ động, đấu tranh, viết lách vì cả đời chỉ ăn và làm việc đó. Những người ấy sống không thể thiếu những thứ đó. Vậy đời sống người Kitô hữu cũng phải có lương thực chính cho mình, đó là Chúa Giêsu. Ngài là thức ăn chính của chúng ta. Bao giờ chúng ta thật sự cảm thấy đói Ngài, cần đến Ngài, chúng ta mới là người Công Giáo đích thực.
 
Thánh Phanxicô Assisi đã quá xúc động khi Ngài nói: “Lạy Chúa con yêu Chúa. Chúa là tất cả của con”. Chỉ câu ấy mà Ngài đã nhắc đi nhắc lại hàng ngàn lần và sung sướng quá sức đến độ nằm trên tuyết không thấy lạnh.
 
Phần chúng ta, có bao giờ chúng ta đã thốt lên được “Chúa là tất cả của con” chưa? Hay chúng ta chỉ thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con yêu Chúa. Chúa là của con. Nhưng chỉ một phần thôi. Con còn nhiều cái khác nữa...”
 
Qua bài Phúc Âm này, chúng ta hãy cố gắng học cách sống thân mật với Chúa, để Chúa thật sự trở thành tất cả gia nghiệp của đời mình, và chính chúng ta cảm thấy đói Chúa, cần đến Chúa luôn. Phải dứt khoát gạt bỏ thái độ xem Chúa chỉ là một phần của cuộc sống, để thỉnh thoảng đến gặp Ngài một tuần vài lần hoặc những lúc cần Ngài giúp đỡ, rồi chúng ta cứ sống theo cách của mình một cách tự do thoải mái như thể Ngài không có mặt trong cuộc đời.
 
Lạy Chúa, xin cho con ý thức Chúa là sự sống thật của con. Tất cả mọi người, giàu nghèo, sang hèn, quyền lực hay thứ dân, nổi tiếng cũng như vô tích sự, đều phải chết. Nhưng có Chúa, con sẽ được sống đời đời, vì con đang được nuôi dưỡng bằng bánh hằng sống là chính Chúa. Amen.
 
 
Bài 5: Theo Chúa
Thứ tư 17-04-1991 - Tuần 3 Phục Sinh

Cv 8, 1-8; Ga 6, 35-40
 
Bài Thánh Thư hôm nay giúp chúng ta nhận ra hai kiểu ơn gọi và hai con đường phục vụ khác nhau. Đó là ơn gọi của Stêphanô và Sao-lô, tức Phaolô sau này.
 
Stêphanô là vị phó tế tận tụy hy sinh và thực thi bác ái. Ơn gọi của Ngài là làm chứng nhân anh hùng, dám hy sinh mạng sống để bảo vệ đức tin và chân lý.
 
Sao-lô là một người sùng đạo. Ông giữ đạo Do Thái một cách quá nhiệt thành nên tìm cách triệt hạ tất cả những người theo Chúa Kitô vì xem đó là lạc giáo. Ông hăng hái lùng bắt những người Kitô Hữu và điệu về Giêrusalem để xử tội. Chính ông đã chứng kiến cái chết của Stêphanô và được xem là người đồng lõa trong vụ ném đá người vô tội này, bởi vì ông đã trông giữ áo xống cho những người ném đá Stêphanô. Nhưng chính Chúa đã kêu gọi ông làm môn đệ Ngài. Và sau đó, Sao-lô như muốn vượt trội hơn Stêphanô trên đường phục vụ Nước Trời.
 
Sao-lô và Stêphanô là hai ơn gọi tiêu biểu khác nhau. Một người được kêu gọi từ đầu, và người kia được gọi cách muộn màng. Nhưng cả hai đều mau mắn đáp trả tiếng gọi của Chúa.
 
Ơn gọi có nhiều vẻ nhiều cách. Nhưng ơn gọi nào cũng là dấu chỉ tình yêu của Chúa. Và Chúa luôn thương yêu bảo vệ những ai đáp trả lời mời gọi của Ngài: “Tất cả các kẻ Người ban cho Tôi, Tôi sẽ không để hư mất một ai”. Như thế, một khi đã tin theo Chúa, trông cậy và phó thác vào Chúa, sống theo Thánh ý Chúa, chúng ta tin chắc rằng Ngài không bao giờ để chúng ta bị thiệt thòi.
 
Trong cuộc đời chúng ta, mỗi người có một ơn gọi riêng. Nhưng tất cả đều cùng chung một tình yêu, một Thiên Chúa. Trước đây, Stêphanô và Sao-lô được xem là thù địch, đối thủ của nhau.
 
Nhưng cả hai cuối cùng trở thành anh em trong Đức Kitô vì cùng sống ơn gọi theo Chúa. Cũng vậy, mỗi người chúng ta đều được Chúa kêu gọi. Chúng ta cần phải luôn tự hỏi mình: Tôi có thật sự sống ơn gọi của tôi không? Tôi đã sống với ơn gọi của tôi như thế nào? Và tình trạng ơn gọi của tôi bây giờ ra sao?
 
Lạy Chúa, xin giúp con biết sống theo ơn gọi của mình, biết đáp trả mau mắn để thi hành thánh ý Chúa nơi con. Xin cho con biết hy sinh quên mình, cũng như can đảm đổi đời để sống một cuộc sống mới hoàn toàn thuộc về Chúa. Amen.
 
 
Bài 6: Lương thực bởi Trời
Thứ năm 18-04-1991 - Tuần 3 Phục Sinh

Cv 8, 26-40; Ga 6, 44-51
 
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu luôn nhắc đến sứ mạng của Ngài: Ta bởi Cha mà ra. Cha Ta đã sai Ta. Và đồng thời Ngài cũng nhắc đến “bánh Cha Ta sẽ ban”.
 
Chúa Giêsu là Đấng được Chúa Cha sai đến. Ngài là Bánh Hằng Sống mà Thiên Chúa hứa ban. Đây là bánh mà người nào ăn sẽ không còn phải đói khát. Nhưng tại sao hằng ngày chúng ta rước Chúa vào lòng mà vẫn không cảm thấy hạnh phúc hơn, sung sướng hơn? Chính là vì chúng ta chưa ý thức được Chúa ngự trong phép Thánh Thể, chưa để cho Chúa tự do hoạt động trong chúng ta. Vì thế, cuộc sống của chúng ta vẫn chưa được biến đổi. Chúng ta cảm thấy sung sướng khi được mời đi dự tiệc. Vậy còn khi được rước Chúa hằng ngày, chúng ta cảm thấy như thế nào? Có thật sự hạnh phúc không? Đó là câu hỏi chúng ta cần phải xét lại mỗi ngày.
 
Khi còn ở Giang xá, Cha thường gọi mấy đứa trẻ vào nhà cho chúng kẹo bánh. Có lần Cha cho một đức bé cái lạp xưởng, nó bảo: không lấy, kinh lắm. Cho nó thịt bò, nó bảo: không ăn, thịt gì mà đỏ thế! Lần khác cho hộp thịt, bảo nó mang về khi nào nấu canh bỏ thịt này vào sẽ ngon lắm. It lâu sau hỏi nó ăn có ngon không, nó bảo: kinh lắm, cho lợn rồi. Thằng bé không thấy ngon, thấy quý vì nó không biết món ăn đó. Cũng vậy, nếu không ý thức rõ Mình Thánh Chúa, chúng ta cũng chỉ cảm thấy nhạt nhẽo bình thường thôi. Chỉ khi nào biết kính trọng và yêu mến Thánh Thể, chúng ta mới có thể cảm thấy được sự bình an và hạnh phúc, vì được Chúa thật sự hiện diện trong tâm hồn mình qua phép Thánh Thể.
 
Chắc chúng con đã biết chuyện Bà Marthe Robin ở Pháp. Bà nằm liệt giường trong suốt 50 năm không ăn uống gì. Bà còn bị mù và hằng ngày chỉ có một Cha linh hướng đến thăm cho Bà rước Mình Thánh Chúa. Nếu Cha đó có bận công việc vài ba ngày thì cứ khóa cửa lại. Chẳng phải lo lắng gì cả. Vị linh mục này cũng cho biết, mỗi khi cầm Mình Thánh và đọc “Mình Thánh Chúa Kitô” thì dường như Mình Thánh Chúa tuột khỏi tay và bay vào miệng Bà. Bà được in Năm Dấu Thánh. Và mỗi ngày thứ sáu hằng tuần, Bà cảm thấy đau đớn vô cùng.
 
Cha cũng đã đến gặp Bà trong thời gian đang chiến tranh. Bà bị mù nhưng nói hết những gì về tình hình đất nước mình, đến nỗi Cha tưởng Bà mới đọc báo, nghe đài. Bên cạnh nhà Bà ở, người ta xây dựng các nhà cao tầng, để mọi người có thể về đó tĩnh tâm. Khung cảnh luôn yên lặng. Biết bao nhiêu người về đó tĩnh tâm, cầu nguyện và đã được biến đổi. 50 năm không ăn uống gì ngoại trừ rước Mình Thánh Chúa mà vẫn sống. Lạ thật!
 
Tại sao Bà Marthe Robin cũng là con người như chúng ta mà lại được ơn ấy? Đó là vấn đề chúng ta cần phải suy nghĩ mỗi ngày và suốt cả đời. Amen.
 
 
Bài 7: Phaolô nhiệt thành
Thứ sáu 19-04-1991 - Tuần 3 Phục Sinh

Cv 9, 1-20; Ga 6, 52-59
 
Sao-lô, một con người nhiệt thành. Ông đã chứng kiến cái chết của Stêphanô, và giữ áo cho những người ném đá như một kẻ đồng lõa. Nhưng Chúa đã kêu gọi ông làm nhân chứng cho Ngài bằng một biến cố đặc biệt. Ngài quật ông ngã ngựa khi ông đang hăng say tiến về thành Đamas để tìm bắt những người Kitô Hữu: “Sao-lô, Sao-lô! Sao ngươi bắt bớ ta… Ta là Giêsu mà người đang bắt bớ”. Và khi đã nhận ra Chúa, ông đã vâng phục Chúa hoàn toàn. Ông vào thành Đamas như Chúa chỉ dẫn để chờ nhận sứ vụ của Chúa. Môn đệ A-na-ni-a được Chúa sai đến cùng Sao-lô. Ông hoảng sợ và thưa với Chúa: “Chính con người ấy đang đánh phá Giáo Hội, vậy mà Chúa lại sai con đến với ông ta sao? Kiểu này chắc Chúa muốn con đi vào chỗ chết.” Nhưng Chúa bảo: “Không, con cứ đi. Con người ấy Ta sẽ dùng để làm chứng nhân cho Ta...” Quả thật, Sao-lô đã mau mắn trở lại và hoàn toàn dấn thân cho Chúa. Câu nói của Sao-lô: “Lạy Ngài, Ngài muốn con làm gì?” không phải đơn thuần chỉ là một câu hỏi, nhưng là một quyết định dứt khoát, muốn dấn thân trọn vẹn vì Đức Giêsu Kitô (Cv 9, 1-19).
 
Chúa cũng nói cho A-na-ni-a biết trước về cuộc đời của Sao-lô: “Người ấy sẽ mang danh Ta đến trước mặt dân ngoại, các vua chúa và con cái Israel. Chính Ta sẽ chỉ cho người ấy thấy những đau khổ ngừi ấy phải chịu vì danh Ta” (Cv 9, 15-16). Và đúng như vậy thật! Sao-lô ngày trước đã trở thành Phaolô, Tông Đồ của dân ngoại. Ngài đã làm chứng nhân cho Chúa Kitô bằng tất cả cuộc sống. Đã mạnh dạn đem Tin Mừng đến cho mọi người bấp chấp mọi thử thách, bắt bớ, và ngay cả khi được con cái cản ngăn vì tình yêu thương. Thật vậy, Phaolô đã cương quyết đi Giêrusalem dù biết trước khó khăn đang chờ sẵn ở đó. Ngài trả lời cho giáo dân Êphêsô đang khóc lóc xin Ngài ở lại với họ: “Xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi. Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì, miễn sao chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giêsu, là loan báo Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa” (Cv 20, 22- 24).
 
Phaolô, một con người cương quyết và hăng hái nhiệt thành trong việc giữ đạo và bảo vệ đạo Do Thái của cha ông. Nhưng Chúa đã kêu gọi và thay đổi cuộc đời của ông. Và bản tính hăng hái nhiệt thành này đã giúp ông trở thành một nhân chứng mạnh mẽ cho Chúa Kitô. Biến cố “ngã ngựa” đã kéo Phaolô về với Chúa và Chúa đã liên kết với ông trong suốt chặng đường rao giảng Tin Mừng, đến nỗi Phaolô chỉ còn biết một cái lợi duy nhất trong cuộc đời là Đức Kitô: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô” (Pl 1, 21). Ngài đã thật sự sống trọn vẹn Lời Chúa nói trong bài Phúc Âm hôm nay: “Kẻ ấy ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy” (Ga 6, 56).
 
Lòng nhiệt thành của Phaolô phải là một tấm gương cho chúng ta học hỏi. Phải quyết tâm hành động vì Chúa, vì Nước Trời. Bằng không, những dốc quyết mây mưa, dài dòng của chúng ta trong mỗi dịp xưng tội hay trong các cuộc tĩnh tâm sẽ trở thành vô ích, và cuộc sống của chúng ta cũng sẽ không có gì đổi mới. Phaolô đã dốc quyết trở lại với Chúa và cuộc sống của Ngài đã thay đổi hoàn toàn. Cũng thế, đời sống của chúng ta muốn được đổi thay, muốn được tốt hơn, trước hết cần phải thực hành các quyết tâm. Chúa sẽ ban ơn để chúng ta hoàn tất tốt đẹp những ước nguyện tốt lành nếu chúng ta thật sự quyết tâm thực hiện những điều đó.
 
Chúng ta cầu xin Chúa, qua lời cầu bầu của Thánh Phaolô, ban sức mạnh và ơn can đảm để chúng ta dốc quyết trở lại với Chúa, sống với Chúa và cho Chúa. Và như vậy, cuộc đời của chúng ta sẽ được bình an trọn vẹn cho dù có gặp nhiều nghịch cảnh khó khăn, vì được có Chúa ở cùng. Amen.

(Còn tiếp)

Tác giả: Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập478
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm473
  • Hôm nay128,134
  • Tháng hiện tại933,389
  • Tổng lượt truy cập58,219,258
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây