Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Bài Giảng và Huấn Từ (10)

Thứ năm - 04/10/2012 10:08

-

-
“Ước mong những suy tư giản dị, trong sáng như cuộc đời của Đức Cố Hồng Y, trong tập bài giảng này, cũng giúp tất cả chúng ta hiểu biết Chúa nhiều hơn, yêu mến Chúa nhiều hơn, và yêu mến Giáo Hội của Chúa nhiều hơn.” [Tài liệu Đức Ông Phan Văn Hiền HT63, gửi riêng cho trang CCSHue]. Phần 10.
Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Bài Giảng và Huấn Từ (10)
 



Bài 81: Yêu mến như trẻ thơ

Thứ ba 01-10-1991. THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU
 
Mt 18, 1-4; Is 66, 10-14
 
Tất cả mọi người đều có đủ thời giờ để nên thánh và không bao giờ Chúa để cho ai đó không nên thánh được vì thiếu giờ. Thánh Têrêsa mà hôm nay Giáo Hội mừng kính nhắc nhở tất cả chúng ta hiểu rằng bất cứ người nào cũng đều có thể nên thánh.
 
Có nhiều cách thế, nhiều con đường để nên thánh. Vậy đâu là con đường nên thánh của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu?
 
Đọc hạnh Thánh Têrêsa, chúng ta thấy Thánh Nữ đã có lúc tự hỏi: “Từ trước tới giờ trong Giáo Hội chỉ thấy có các Thánh Tông Đồ, các Thánh Tiên Tri, các Thánh Tiến Sĩ, các Thánh Lập Dòng... Vậy làm sao có thể nên thánh được vì mình không đủ tài giỏi, khôn ngoan như các Ngài”.
 
Tuy nhiên điều đó đã không làm cho Chị Têrêsa chán nãn. Trái lại, quyết tâm nên thánh nơi Chị càng quyết liệt hơn. Một bữa kia, Chị vào nhà thờ, mở cuốn Kinh Thánh và đọc đúng đoạn thư của Thánh Phaolô gởi tín hữu Cô-rinh-tô (1 Cor 12,13). Đoạn thư đó thuật lại những cách nên thánh trong Giáo Hội như sau: “Giáo Hội có nhiều cấp bậc: Giám Mục, Tiên Tri, Tông Đồ...” Chị Thánh nghĩ: “Làm thánh như thế thì tôi không thể làm được”. Rồi Chị đọc tiếp câu 29. 31, trong đó Thánh Phaolô viết: “Nhưng không phải hết mọi người đều có thể trở nên thánh như vậy”. Chị nghĩ đúng vậy và Chị tiếp tục đọc chương 13. Cuối cùng Chị rất  phấn khởi khi thấy Thánh Phaolo giải thích: “Nhưng dù có nói tiên tri, có làm tiến sĩ... nếu không có lòng mến thì chỉ là không. Nó chỉ như tiếng trống, tiếng chiêng đánh lên thì kêu to nhưng sau đó chẳng còn gì”. Và qua những lời này, Chị Têrêsa đã tìm thấy cách  nên thánh phù hợp cho mình. Chị nghĩ: “Có Đấng nên thánh nhờ trí óc, đó là các thánh tiến sĩ; có Đấng nên thánh bằng lời rao giảng... Nhưng trên hết, tất cả các đấng ấy đều nên thánh qua con tim, tức là tình yêu mến”. Từ đó, Chị quyết định cố gắng nên thánh bằng con đường yêu mến hết lòng. Làm mọi việc vì lòng mến Chúa. Mặc dù qua đời lúc mới 24 tuổi, Chị đã thật sự nên Thánh bằng con đường đơn sơ, giản dị này: con đường yêu mến.
 
Ở đây, Cha nêu lên hai điểm về Thánh Nữ cho chúng con học tập:
 
Trước hết về mặt tiêu cực, Thánh Nữ nói: “Từ khi có trí khôn cho tời giờ, chưa lần nào tôi chối bỏ ơn Chúa”. Chúng ta không dám nói là từ khi có trí khôn, hay từ khi vào chủng viện, nhưng ít là từ hôm nay, từ 01 tháng10 năm 1991, chúng ta sẽ không bao giờ chối từ ơn Chúa.
 
Thứ hai là điểm tích cực, Thánh Nữ nói: “Tôi làm mọi việc vì lòng yêu mến, và chỉ vì lòng yêu mến thôi”. Đối với Chị Thánh, tình yêu là tất cả. Cúi xuống nhặt một chiếc kim bị rơi cũng là vì lòng yêu mến Chúa. Nếu không phải vì Chúa thì nhất định không làm. Về điểm này, chúng ta hãy học cùng Chị Thánh lòng yêu mến Chúa hết tình, làm mọi việc vì lòng mến Chúa, ngay cả những việc nhỏ nhặt nhất.
 
Thánh Têrêsa cũng là người rất mực yêu mến Đức Mẹ. Chị đã nói một câu mà có lẽ chúng ta khi nghe sẽ bật cười và cho là ngây ngô: “Tôi ước ao được làm linh mục để đi khắp nơi rao giảng về lòng sùng kính Đức Mẹ.” Nhà mụ (danh từ để gọi các nữ tu ngày trước) mà lại đòi làm linh mục. Nhưng tình yêu mến Mẹ của Thánh Nữ đã bộc lộ ra bên ngoài một cách mạnh mẽ bằng câu nói chân thành này. Chúng con hơn Thánh Nữ là có thể làm linh mục. Chúng con hãy luôn cầu xin: “Nếu làm linh mục, tôi sẽ rao giảng về Đức Mẹ.”
 
Trong khi những con đường nên thánh khác nghe có vẻ khó khăn, con đường nên thánh nhẹ nhàng của Thánh Têrêsa làm người Kitô hữu cảm thấy vui mừng vì cảm thấy mình cũng có thể nên thánh được như ý Chúa muốn: “Các con hãy nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành.” Vì vậy, khi tuyên phong hiển thánh cho Chị Têrêsa, Giáo Hội muốn chúng ta noi gương Chị để được nên thánh.
 
Thánh Têrêsa thuật lại câu chuyện về đứa bé leo cầu thang. Đứa bé đã có lúc mệt mỏi, tưởng chừng sắp ngã. Nhưng người Cha ở phía trên cầu thang không vội xuống ẳm bé lên. Ông tiếp tục khuyến khích, động viên con cố gắng hơn. Và đứa bé lại vui vẻ trèo thêm một bậc thang nữa. Cuối cùng, khi biết đứa bé đã cố gắng hết sức mình, người Cha liền cúi xuống bế ẵm nó vào lòng và leo lên cầu thang. Đó là kinh nghiệm của Têrêsa Hài Đồng Giêsu về tình thương của Chúa đối với mỗi người chúng ta. Ngài không bao giờ bỏ mặc mình, nhưng cũng không làm hết mọi sự thay cho mình. Ngài khuyến khích mỗi người biết cố gắng luôn trong cuộc sống và trên đường nên thánh, và sẵn sàng trợ giúp...
 
Nghe đọc bài Phúc Âm về việc phải vác thập giá hằng ngày để theo Chúa, nhiều người cảm thấy chán nản, thất vọng. Nhưng khi nghe bài Phúc Âm hôm nay: “Hãy trở nên như trẻ nhỏ”, người nghe lại cảm thấy phấn khởi, vui mừng và hăng hái, can đảm theo Chúa đến cùng.
 
Người ta kể chuyện một ông chủ quán bực tức vì bị gọi cửa quấy rầy từ sáng sớm tinh sương. Ông định khi mở cửa sẽ mắng người quấy rầy này môt trận. Nhưng khi thấy người quấy rầy lại là một em bé ngây thơ, nét mặt ông dịu lại, nở nụ cười và hỏi cách nhẹ nhàng: “Tội cho con chưa. Sao con đến sớm vậy. Cần gì vậy con”. Đúng thật! Người ta thường chấp nhất người lớn, chứ không chấp với trẻ thơ vì trẻ nhỏ đơn sơ, không biết giận hờn, hằn thù... và nhất là luôn sống phó thác.
 
Trở nên như trẻ nhỏ, Thánh Têrêsa đã làm gương mẫu cho tất cả mọi người chúng ta. Xin Thánh Nữ dạy ta biết sống yêu mến và nên thánh trong địa vị mình. Amen.
 
 
Bài 82: Huấn dụ về cách nguyện ngắm (2)
 
Hôm nay, Cha nói với chúng con về cách nguyện ngắm.
 
Trong việc nguyện ngắm, trước hết, cần phải biết dọn mình xa và dọn mình gần. Nguyện ngắm cũng như cầu nguyện, đều là cuộc gặp gỡ và thưa chuyện với Chúa. Muốn cuộc gặp gỡ mang lại kết quả tốt đẹp, cần phải chuẩn bị chu đáo. Việc chuẩn bị này cũng là điều tự nhiên trong cuộc sống. Chẳng hạn, ngày mai chúng con phải ra gặp Ban Tôn Giáo để bàn việc truyền chức, hoặc Mẹ Têrêsa đến và thông báo sẽ gặp chúng con ngày mai, chắc chúng con sẽ chuẩn bị chu đáo cho cuộc gặp gỡ đó.
 
Chuẩn bị xa gồm những gì liên quan tới đời sống thiêng liêng của mình hoặc những chất liệu đề tài cần thiết cho buổi gặp gỡ. Cụ thể trước khi đi ngủ tối, chúng con đọc một đoạn Phúc Âm hay một đoạn sách về hạnh một vị Thánh để làm đề tài suy ngắm cho ngày mai. Cũng có thể chọn một sự việc hay biến cố vừa xảy ra trong ngày làm đề tài nguyện ngắm. Nếu không chuẩn bị như vậy, giờ nguyện ngắm sẽ trở nên nặng nề vì không thấy Chúa đâu cả, đưa đến chán nãn, buồn ngủ và chỉ mong sao cho hết giờ.
 
Một kinh nghiệm và cũng là bí quyết cho việc nguyện ngắm có kết quả là năng hãm mình hy sinh. Khi ăn ở hiếu thảo với Chúa bằng những hy sinh hằng ngày, chắc chắn Chúa sẽ hài lòng khi gặp Ngài trong giờ nguyện ngắm, ngay cả khi không nói gì với Ngài cả.
 
Thánh Phanxicô Assisi có nhiều lần nằm trên gai nhọn có tuyết phủ suốt đêm. Vậy mà sáng dậy, Ngài bảo các môn đệ là ngủ ngon quá! Ngài còn kể thêm là đã gặp Chúa và vui quá sức! Các môn đệ hỏi: “Vậy tối qua Cha nói gì với Chúa?” Ngài đáp: “Cha nói: Chúa là Chúa của con”. Các môn đệ lại hỏi: “Còn Chúa nói gì với Cha?” Ngài trả lời: “Chúa bảo Phanxicô, con của Ta.”
 
Cuộc gặp gỡ của Thánh Phanxicô Assisi xem ra thật đơn sơ, vắn gọn, nhưng nói lên sự thân tình giữa Chúa và Ngài. Và cuộc gặp gỡ này đã có sự hy sinh dọn đường trước. Điều này cho chúng con thấy tầm quan trọng của việc hy sinh. Muốn cuộc sống thiêng liêng được lớn mạnh, chúng ta cần phải hy sinh từng giây phút như ăn một miếng cơm không, học kỹ hơn... Đừng đợi khi có chuyện lớn mới hy sinh.
 
Nếu một linh mục không biết sống hy sinh thì dù Ngài có tài giỏi, nhiều bằng cấp... cũng sẽ không gặp được Chúa trong giờ nguyện ngắm. Chúng con cũng có thể căn cứ vào điểm này để biết tâm hồn mình thật sự sốt sắng hay nguội lạnh. Nếu nguội lạnh, chắc chắn là vì thiếu hy sinh. Nói tóm lại, chúng con cần phải chuẩn bị kỹ càng cho việc nguyện ngắm mỗi ngày kèm theo những hy sinh. Cha nhắc thêm, chúng con cũng có thể chọn đề tài của ca nhập lễ, đáp ca, lời giáo huấn, câu chuyện vui... Tất cả đều có thể trở thành đề tài nguyện ngắm. Miễn sao đề tài đó phù hợp với tâm tình của mình và giúp thăng tiến đời sống thiêng liêng của chúng ta.
 
Dọn mình gần: Ngay vừa khi thức dậy, rửa mặt... chúng ta luôn suy nghĩ xem mình sẽ nói gì với Chúa như chuyện Hoàng Hậu Ester. Rồi khi quỳ trong nhà nguyện, chúng ta giục lòng tin Chúa ở trong Nhà tạm, trên cây Thánh Giá, ở trong lòng mình để thêm lòng tin cậy mến. Sau đó suy diễn chủ đề mình sẽ nguyện ngắm.
 
Cũng có thể chọn đề tài nguyện ngắm theo phụng vụ hoặc các lễ lớn trong Giáo Hội. Ví dụ đầu tháng Mân Côi, chúng ta suy ngắm việc Đức Mẹ hiện ra ở Fatima với ba lời nhắn nhủ: Cải thiện đời sống, tôn sùng Mẫu Tâm và siêng năng lần hạt Mân Côi. Chúng ta có thể dùng trí tưởng tượng để hình dung cảnh Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ và mang tâm tình của ba trẻ khi gặp thấy Đức Mẹ.
 
Một ví dụ khác: về việc truyền giáo, chúng ta có thể tưởng tượng bao người xung quanh chúng ta chưa biết đạo, chống đạo hoặc ghét đạo...
 
Về sự chết, chúng ta có thể nhớ đến một người thân đã qua đời để nhận ra mọi sự chỉ là phù vân. Sớm muộn rồi cũng sẽ qua đi hết. Điều quan trọng là sau khi chết. Hoặc được sự sống vinh hiển đời đời với Chúa hoặc trầm luân hỏa ngục.
 
Phần hai của buổi nguyện ngắm là lắng nghe. Ví dụ nghe Chúa nói hoặc những nhân vật mình hình dung ra trong buổi nguyện ngắm nói với mình, hoặc Hội Thánh nói với mình. Ví dụ về phong trào xem video mê mẫn hiện nay. Mình phải suy nghĩ xem có cách gì để giáo dục người giáo dân sử dụng video theo ý hướng tốt không... Như thế, một cách gián tiếp, vấn đề video đang nói với mình.
 
Nói tóm lại, chúng ta phải đặt mình trước những vấn đề của thời đại và chuẩn bị mình cho công cuộc mục vụ và truyền giáo tương lai nữa.
 
Ngày trước có linh mục dòng Xitô, người Campuchia nói với Cha: “Cả đời tôi chỉ suy ngắm một Kinh Lạy Cha vì tôi không thể học gì hơn ngoài kinh đó”.
 
Bác sĩ Barbet, khoa giải phẫu học, vì hiểu về giải phẫu, ông hiểu rõ Chúa phải đau khổ đến mức nào. Ông nói: “Không bao giờ tôi ngắm trọn Đàng Thánh Giá, chỉ ngắm được hai, ba nơi, tôi đã cảm thấy lòng mình đau khổ, tan nát quá sức, khóc lóc quá sức, chịu không nổi”. Ông có được tâm tình này vì ông hiểu được Chúa đã chịu đau khổ chừng nào.
 
Kết thúc buổi nguyện ngắm bằng bằng việc tạ ơn Chúa, rồi cầu nguyện cho mình, cho người khác. Thánh Têrêsa Cả nói: “Ai không cầu nguyện thì tự đi xuống hỏa ngục, chưa cần ma quỉ kéo xuống”. Và đồng thời chúng ta cũng quyết tâm làm một việc gì đó. Chỉ cần một điểm thôi. Đừng quá sốt sắng đặt cho mình nhiều việc để rồi không làm việc nào ra hồn cả. Cha kết thúc buổi huấn đức hôm nay ở đây.
 
 
Bài 83: Từ bỏ để theo Chúa
Thứ năm 03-10-1991 - Tuần 26 Thường Niên
 
Lc 10, 1-12; Nkm 8, 1-4. 5-6. 7-12
 
Giáo Hội từ lâu đã có thói quen chọn thứ năm đầu tháng làm ngày thánh hóa các linh mục. Vì thế, chúng ta thấy ở các giáo xứ cũng như trong các nhà dòng, ngày hôm nay tất cả mọi người được nhắc nhở cầu nguyện đặc biệt cho các linh mục.
 
Thói quen này bắt nguồn từ việc Chúa Giêsu lập Bí THch Truyền Chức và Thánh Thể trong buổi Tiệc Ly vào ngày thứ Năm Tuần Thánh. Ngài cầm bánh và rượu để biến nên Mình Máu Chúa làm của nuôi các linh hồn, trong đó đặc biệt các linh mục. Linh mục được lãnh Bí Tích Truyền Chức để tiếp tục mang chính Mình và Máu Chúa đến mọi nơi, mọi nước. Thánh lễ là trung tâm của cuộc sống Kitô hữu.
 
Tuy nhiên, một sứ mạng gắn liền với chức Linh Mục là truyền giáo. Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa sai 72 môn đệ cùng 12 Tông Đồ ra đi rao giảng cho dân chúng trong các thành phố và làng mạc. Việc rao giảng này thật cấp bách bởi vì “Nước trời đã gần đến”.
 
Để có thể hiểu rõ đoạn Phúc Âm này của Thánh Luca, chúng ta cần đọc lại phần trước ngay đó. Trong phần này, Chúa khuyên bảo những ai muốn theo Ngài phải cương quyết từ bỏ mọi sự. Và đoạn Phúc Âm này, Chúa cho biết trước thái độ phải có cũng như cách xử thế với mọi hoàn cảnh khi đi rao giảng. Nói cách khác, đoạn Phúc Âm này đưa ra tính cách thần học và đạo đứa của việc rao giảng.
 
Về tính cách thần học: Chúa dạy các Tông Đồ ra đi rao giảng về Nước Trời. “Nước trời đã gần đến”. Đó phải là nội dung lời rao giảng của người linh mục. Nếu một linh mục luôn rao giảng về Nước Trời, người ta sẽ nhận ra đó là môn đệ chân chính của Chúa Giêsu. Trái lại, một linh mục chỉ nói về chuyện “đời”, chuyện đầu máy Video mấy hệ, xe cúp đời nào... người ta sẽ nhận ra vị linh mục đó không còn chân chính nữa, bởi vì những gì mình có hoặc ước ao trong lòng sẽ được tỏ lộ ra bên ngoài.
 
Về tính cách đạo đức học và truyền giáo học, Lời Chúa dạy rất rõ: “Khi đi chúng con đừng mang giầy dép, túi tiền...”  Điều này có nghĩa việc rao giảng không dựa vào của cải vật chất, nhưng hoàn toàn tín thác vào sự quan phòng của Chúa và can đảm đi rao giảng một cách vô điều kiện. Và như vậy, chính cuộc sống tin tưởng phó thác vào Chúa là lời rao giảng về Chúa hùng hồn nhất cho người khác. Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam đã chứng minh về sự tin tưởng phó thác hoàn toàn của các vị truyền giáo.
 
Niềm an ủi lớn nhất của cuộc đời linh mục chính là Mình và Máu Chúa. Mỗi khi linh mục dâng thánh lễ và đọc lời truyền phép: “Các con cầm lấy mà ăn… Các con cầm lấy mà uống…”  người linh mục cảm thấy Chúa thật sự ở với mình, đang đồng hành với mình trong mọi công việc và cả cuộc sống, cho dù cuộc sống đó đang gặp phải nhiều chông gai, thử thách như chặng đường thánh giá của Chúa Giêsu.
 
Ngày hôm nay, chúng xin Chúa thánh hóa các linh mục. Xin cho các ngài luôn sống tinh thần từ bỏ và phục vụ tha nhân trong tình thương mến. Amen.
 
 
Bài 84: Huấn dụ về nội dung nguyện ngắm
 
Hôm trước Cha đã nói về một cách nguyện ngắm. Hôm nay, Cha nhắc riêng về nội dung buổi nguyện ngắm và làm thế nào cho dễ nhớ.
 
Nhà giáo dục đạo đức Pháp khi viết sách thiêng liêng để giúp cho giới trẻ nguyện ngắm dễ dàng hơn, đã cho một công thức như sau: “Ardor- nhiệt tình”. Chữ Ador nay bao gồm:
 
A= Adoration: thờ lạy
R= Remerciement: cám ơn
D= Demande: cầu xin
O= Offrande : dâng mình
R= Résolution : quyết tâm-dốc lòng.
 
Khi thờ lạy, mình nhận Chúa là Đấng tốt lành, cao cả và nhận thấy có bổn phận phải thờ phượng Chúa, vì Ngài hết sức khôn ngoan. Thờ lạy là yêu mến cực độ. Ví dụ : hôm nay lễ các Thánh Thiên Thần, chúng ta nhớ các ngài đang thờ lạy chầu chực trước tòa Chúa và hợp với các ngài thờ lạy Chúa. Cũng vậy, chúng ta liên kết với Đức Mẹ để thờ lạy Chúa bằng lời nguyện sau đây: “Lạy Chúa, giờ phút này con không thờ lạy Chúa được, nhưng Đức Mẹ tốt đẹp vô cùng đang thờ lạy Chúa, con xin hợp ý với Mẹ để thờ lạy Chúa...” Hoặc hợp với các linh mục đang dâng lễ hay kết hợp với các tu sĩ dòng chiêm niệm để thờ lạy Chúa.
 
Thứ hai là cám ơn . Ngày nào chúng ta cũng phải cám ơn Chúa vì biết bao ơn lành Ngài ban cho mỗi người chúng ta: “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa, vì Chúa thương gọi con, vì Chúa cho con được rước Mình Thánh Chúa vào lòng con, chỉ một lần được rước Chúa thôi con cũng đáng để con cám ơn Chúa đời đời... ”
 
Thứ ba là xin ơn. Xin Chúa ban những ơn cần thiết cho cuộc sống, nhất là cuộc sống thiêng liêng. Không những xin ơn cho mình mà còn cho những người nhờ chúng ta cầu nguyện cho. Đức Thánh Cha có cả một quyển sổ ghi tên những người gởi thơ xin Ngài khấn. Quyển sách ấy để dưới bàn quỳ. Ngày nào Ngài cũng vào nhà nguyện 7 lần và cầu nguyện theo ý của người xin. Ngài luôn tự nhắc mình: “Biết bao người đang chờ đợi lời cầu nguyện của tôi”. Hơn nữa, chúng ta cũng nên đặc biệt quan tâm cầu nguyện cho những người nghèo khổ, thiếu thốn và chưa biết Chúa để Chúa nâng đỡ và giúp họ tìm gặp Ngài.
 
Thứ bốn là dâng mình cho Chúa: “Lạy Chúa, con không đáng là gì cả. Tất cả những gì con có, con dâng cho Chúa để làm theo ý Chúa”.  Lời nói, hành động, lo lắng, của cải, Cha Mẹ, tương lai, hy sinh, đau khổ... chúng ta dâng lên cho Chúa. Chúa nói với một Thánh Nữ : “Con hãy dâng tội lỗi của con cho Cha, sự yếu đuối sa ngã của con cho Cha. Cha đổ máu rửa sạch và cho con được nên thánh”. Hoặc chúng ta thì thầm: “Bài học khó nhất hôm nay con dâng cho Chúa, Chúa biết rồi đấy...”
 
Thứ năm là dốc lòng. Chúa biết mỗi người chúng ta đều yếu đuối, nên Ngài sẵn sàng nâng đỡ để chúng ta tiến lên trong cuộc sống thiêng liêng. Điều cần thiết là chúng ta phải cầu nguyện và dốc quyết từ bỏ những tính xấu hoặc tập một nhân đức tốt, rồi Chúa sẽ bổ sức cho.
 
 
Bài 85: Khó nghèo và đơn sơ
Thứ sáu 04-10-1991. LỄ THÁNH PHANXICÔ ASSISI
 
Mt 11, 25-30 ; Gl 6, 14-18
 
Hiện nay trên thế giới có một tổ chức bảo vệ môi sinh lấy Thánh Phanxicô làm Quan Thày. Người ta lấy làm lạ tại sao một tổ chức tân thời lại muốn mang tên một vị Thánh của thế kỷ 12 -13. Thật ra, họ không lầm bởi vì Thánh Phanxicô vẫn luôn luôn mới, phù hợp với mọi thời chỉ vì Ngài đã sống Phúc Âm của Chúa Giêsu.
 
Sinh trưởng ở miền bắc nước Ý, trong một gia đình thương gia buôn bán tơ lụa nổi tiếng, Thánh Phanxicô khi còn trẻ rất được nhiều người mộ mến. Ngài thuộc gia đình giàu có, đẹp trai, có uy tín... nhưng ý Chúa đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của Phanxicô. Cậu từ bỏ tất cả để sống cuộc đời nghèo khó. Sau khi đã cầu nguyện, Phanxicô đệ đơn lên Tòa Thánh phê chuẩn cho lập dòng. Đức Thánh Cha không đồng ý vì dòng của Ngài không có gì để bảo đảm. Xưa nay trong luật Hội Thánh chưa thấy có một kiểu dòng nào như thế bao giờ vì không đảm bảo được cho đời sống tu sĩ. Họ không nhà cửa, tiền bạc, không sổ sách tài trợ và các anh em dòng này phải đi lang thang kiếm sống. Dầu bị Đức Thánh Cha chối từ, Phanxicô vẫn kiên trì cầu nguyện.
 
Một hôm Đức Thánh Cha mơ thấy ngôi nhà thờ Chúa Cứu thế, có ngai giáo hoàng bị nghiêng sắp đổ. Bỗng có hai người nghèo khó tới giơ vai ra đỡ và nhà thờ lại vững. Đức Thánh Cha nhớ mặt hai người lạ mặt giơ vai đỡ nhà thờ đó. Ít lâu sau, khi Thánh Phanxicô vào xin phê chuẩn lập dòng, Đức Thánh Cha nhớ rõ đúng là một trong hai người mà Ngài đã mơ thấy và Đức Thánh Cha liền đồng ý cho Phanxicô lập dòng của Ngài. Còn người lạ mặt kia sau đó cũng xuất hiện. Đó là Thánh Đa Minh.
 
Phanxicô bắt đầu thu thập đồ đệ, và lập tức nhiều người đã theo Ngài. Những người bạn thân của Ngài, anh em Ngài cũng đều theo Ngài đến độ cậu út cũng phải thốt lên: “Anh em đi cả mà anh không cho em đi theo à!” Tuy nhiên, thân phụ Phanxicô lại không đồng ý và giận Ngài vì nghĩ cuộc sống khó nghèo của Ngài làm ố danh gia đình. Mỗi khi Phanxicô đi xin qua nhà, ông lại sai người đày tớ giúp việc mang đồ ăn thừa đổ lên đầu Phanxicô và chửi rủa thậm tệ. Nhưng theo lời dặn dò trước của Ngài, cứ mỗi lần thấy người nhà chửi rủa, người môn đệ theo Phanxicô lại nói: “Anh Phanxicô, anh đã bỏ mọi sự mà theo Chúa, anh rất có phúc”. Khi người nhà mắng: “Anh là đứa con hư hỏng, bỏ cha mẹ, bỏ nhà cửa, cha anh sẽ từ mặt anh... ”, người môn đệ kia lại nói: “Anh Phanxicô, nếu anh mất Cha, Chúa trên trời sẽ nhận anh làm con của Người”. Phanxicô kiên trì chịu đựng và sau cùng người đày tớ nhận ra sự chân thật nơi Phanxicô và không còn chửi mắng nữa... Cho đến ngày nay, dòng của Thánh Phanxicô vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới.
 
Mấy bữa nay, Cha dạy chúng con cách cầu nguyện. Thánh Phanxicô cầu nguyện rất đơn sơ ngắn gọn. Ngài đã cầu nguyện suốt đêm với những lời: “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa, Chúa là tất cả của con”. Lời cầu nguyện này về sau đã giúp nhiều người nên thánh. Sau khi đã lập dòng, Ngài thường hay cầu nguyện bằng những lời kỳ lạ có lẽ chưa thấy ai như Ngài. Ngài gọi cây cối, muông chim, hoa đá... mọi sự là anh em của Ngài. Ngài kêu gọi chúng cùng tạ ơn chúc tụng Chúa. Chính vì sự thân thiện với thiên nhiên nên tổ chức “xanh” đã nhận Thánh Phanxicô làm quan thầy.
 
Trong hai năm cuối đời, Ngài chiêm ngưỡng Thánh Giá một cách say mê đến nỗi cuối cùng Ngài được Chúa ghi năm Dấu Thánh trên thân thể của Ngài giống như Chúa vậy. Ngài quả là một vị thánh làm đảo lộn thế giới.
 
Vào thế kỷ 13, Giáo Hội điêu đứng vì quá giàu sang xa xỉ. Các Tòa Giám Mục, dòng tu, giáo sĩ... sống sang trọng làm cho đại đa số giáo dân thời đó cảm thấy bị xa cách, bỏ rơi. Họ không muốn đến với Giáo Hội nữa. Đúng lúc đó, Chúa đã sai Phanxicô đến, sống Phúc Âm một cách tuyệt hảo. Phúc Âm mà Thánh Phanxicô sống không phải là thứ Phúc Âm được chú giải tự do theo cách suy nghĩ của từng người, cũng không phải là thứ Phúc Âm xa xỉ, Phúc Âm hưởng lạc... nhưng là Phúc Âm của Chúa Giêsu, một Phúc Âm trọn vẹn, giúp biến đổi cuộc đời và làm cho mọi người cảm thấy gần gũi với nhau.
 
Bài Phúc Âm hôm nay cũng cho thấy ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa trong việc biểu lộ chương trình của Ngài. Chúa Giêsu cầu nguyện như sau: “Lạy Cha là Chúa trời đất, con ngợi khen Cha”. Đúng, chỉ có Chúa mới đáng ca ngợi vì chính Ngài đã tạo thành vũ trụ muôn loài. Và lời cầu tiếp theo: “Cha đã không mạc khải mầu nhiệm Nước Trời... ” cho thấy chỉ những ai sống khiêm tốn, hiền lành, chân thực mới có thể hiểu biết Thiên Chúa, sứ mệnh của Chúa Giêsu và mầu nhiệm nước trời.
 
Lạy Chúa, nhờ lời cầu bầu của Thánh Phanxicô, xin cho con biết sống Phúc Âm hằng ngày, biết thực thi thánh ý Chúa và từ bỏ mọi sự, vì có Chúa là có tất cả. Amen.

Tác giả: Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập660
  • Hôm nay35,338
  • Tháng hiện tại855,997
  • Tổng lượt truy cập56,957,634
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây