Những người lữ hành trên Đường Hy Vọng. Phần 36: Hy Vọng

Thứ sáu - 13/07/2012 10:59

-

-
Nhiều người nghĩ rằng muốn làm tông đồ cần phải có ơn Chúa đặc biệt. Không! Ơn Chúa ban luôn luôn sẵn có, miễn là ta biết nhìn thấy và xử dụng. Đó chỉ là những ơn thông thường, những đặc tính của mỗi người, những tình tiết của mỗi hoàn cảnh...
Những người lữ hành trên Đường Hy Vọng.
Phần 36: Hy Vọng
 
1. Đèn trời muối đất.
 
* Người Công Giáo là ánh sáng giữa đen tối, là muối sống giữa thối nát, và là hy vọng giữa một nhân loại thất vọng (ĐHV 950).
 
* Yêu Chúa là yêu trần gian. Mẹ say Chúa là mẹ say trần gian. Hy vọng ở Chúa là hy vọng trần gian được cứu rỗi (ĐHV 954).
 
* Nếu suy gẫm những trang này, mà con không làm cho Phúc Âm tràn ngập cả đời con, nếu con còn cầu nguyện: "Nước Cha dừng lại", thì con không phải là hy vọng của trần gian (ĐHV 957).
 
Trong thời đại chúng ta đang sống, mỗi khi nói về ơn gọi linh mục, người ta nghĩ ngay đến con số thống kê thật đáng lo âu, số ơn gọi khắp nơi sút giảm, số linh mục ra đi; và những danh từ được dùng thường là: bi quan! khủng hoảng! tương lai mờ mịt!
 
Thế nhưng, cũng chính trong thời đại hôm nay sinh nhiều cách sống ơn gọi rất đáng cảm phục và khiến cho ta luôn hy vọng. Chẳng hạn như ở nước Cộng hoà Liên Bang Đức, có một nhóm 70 linh mục cùng nhau nhất quyết đặt tất cả của cải vào một quỹ chung. Một trong những linh mục ấy lâm phải cảnh hoạn nạn, ốm đau kéo dài suốt nhiều tháng, trong lúc phải giải quyết nhiều vấn đề trong hoàn cảnh một giáo xứ mới: Nào là xây dựng, nào là sắm sửa... Một thời gian sau, ngài gặp cha Tổng đại diện để trình bày sổ sách tài chánh. Cha Tổng đại diện hỏi:
 
- Đau ốm lâu ngày lại thêm phải xây dựng sắm sửa đồ đạc trong giáo xứ, chắc là phải tốn kém nhiều... Cha còn nợ nhiều lắm phải không?
 
- Thưa con chỉ trình sổ sách cho cha Tổng đại diện rõ tình hình tài chánh trong giáo xứ của con thôi! Thực ra có nhiều anh em linh mục cùng để của cải chung đã giúp con trang trải những phí tổn trên và không còn nợ nần gì nữa!
 
- Cha nói chuyện gì lạ thế? Có nhiều linh mục sống chung, cùng để của cải dùng chung với nhau à? Lạ lùng quá!
 
Cha Tổng đại diện đi đi lại lại với vẻ suy tư, vừa cảm phục, vừa tự kiểm điểm...
 
Nhưng không phải chỉ có nhóm 70 linh mục để của dùng chung với nhau trên đây thôi đâu, còn có rất nhiều nhóm khác ở Cộng hoà Liên Bang Đức làm như vậy. Họ còn có một cử chỉ huynh đệ bác ái khác nữa khiến cho ta phải khâm phục là đã cùng nhau suy nghĩ và quyết tâm: "Chúng ta được đầy đủ, nhưng còn bao nhiêu linh mục khác ở nước thứ Ba, anh em của ta, đang thiếu thốn về mọi phương diện. Mỗi năm ta để chung một số tiền, giao cho Toà Thánh giúp cho các anh em linh mục nghèo, ít là để họ có tiền mua sách báo hoặc thuốc men tối thiểu!"
 
Góp gió thành bão: Thánh Bộ Phúc Âm hoá đã nhờ có số tiền đó mà tặng cho mỗi linh mục trong thế giới thứ Ba hằng năm 25 mỹ kim để mua sách báo, thuốc men. Số tiền thật chẳng lớn lao gì, nhưng tấm lòng vĩ đại, tình huynh đệ thắm thiết quả là một nguồn an ủi lớn lao cho nhiều linh mục trong các nước nghèo khổ. Tóm lại, nếu có những nơi tăm tối mù mịt, thì cũng có những nơi khác khẳng khái nêu cao khẩu hiệu "Đèn trời muối đất".
 
2. Tôi đã lỗi đức tin, lỗi đức cậy trông.
 
* Thánh Phaolô hằng khuyên nhủ giáo dân đừng sống như những người không có hy vọng (ĐHV 951).
 
* Con phải loan Tin Mừng trên thế giới, không phải chỉ tiêu cực giữ giới răn, nhưng loan báo một sứ điệp lạ lùng: Chúa thương yêu ta, Chúa yêu thương trần gian và cứu trần gian (ĐHV 955).
 
* Con hãy làm cho người công giáo tin tưởng ở ơn thiên triệu Kitô hữu, ơn thiên triệu gia đình, ơn thiên triệu vợ chồng, ơn thiên triệu nghề nghiệp. Họ sẽ hết chán nản, họ sẽ tràn đầy hy vọng vì họ ý thức rằng, Đấng đã gọi sẽ đưa họ đi đến cùng đích (ĐHV 969).
 
Một linh mục người Pháp nọ vừa chịu chức, sau những ngày "mở tay" thân mật với gia đình, đã đi giải trí ở vùng quê với một toán hướng đạo.
 
Cha con cùng mang balô đạp xe đến một xứ đạo có tiếng là khô khan nguội lạnh nhất nước Pháp. Vừa dựng trại ở bìa rừng, cạnh con suối mát xong, cha con liền vào gặp cha xứ.
 
 - Thưa cha, xin phép cho chúng con dâng lễ ở nhà thờ.
 
 - Tốt lắm, cha cứ tự nhiên như ở nhà.
 
 - Thưa cha, trong Nhà Tạm có đủ Mình Thánh Chúa cho các em chịu lễ không?
 
 - Không... cha ơi! Từ mười năm qua con về đây không một ai chịu lễ cả, nên con không để Mình Thánh Chúa... Xin cha lấy một ít bánh lớn bẻ nhỏ ra cho các em chịu lễ cũng được.
 
Cha mới lên nhà thờ, các em hướng đạo đến vây quanh bàn thánh, cùng thưa kinh sốt sắng, cùng hát lên hăng hái, vui tươi. Đến lúc hiệp lễ, tất cả các em đều lên rước lễ.
 
Suốt buổi lễ, cha xứ quỳ gối ở cuối nhà thờ lặng lẽ theo dõi tất cả, tâm hồn hết sức xúc động: đã mười năm qua, xứ ngài chưa bao giờ có một Thánh lễ như thế!
 
Lúc cha mới vừa cởi áo lễ ở phòng thánh xong, ngài rất đổi ngạc nhiên thấy cha xứ quỳ gối dưới chân mình từ hồi nào.
 
- Xin cha giải tội cho con, vì mười năm qua, con đã lỗi đức tin, lỗi đức trông cậy. Hôm nay thấy thanh thiếu niên sốt sắng thế này, nhờ ơn Chúa, con đã lấy lại được niềm hy vọng đã vỗ cánh từ bao năm qua. Với cố gắng tông đồ, con tin rằng xứ con từ nay sẽ chỗi dậy...
 
3. Những phương tiện nhỏ bé để làm việc tông đồ.
 
* Trên thánh giá, Chúa nghèo lắm! Con chỉ xin Chúa Giêsu chịu đóng đinh một điều: yêu thương, đau khổ và luôn luôn hy vọng (ĐHV 956).
 
* Con hãy hy vọng luôn luôn, đừng chán nản vì những sự khó khăn nội bộ, ngay trong việc tông đồ. Như thánh Phaolô: "Kẻ thì rao giảng Đức Kitô vì lòng mến, bởi biết rằng tôi đã được chỉ định lo bênh đỡ Tin Mừng. Kẻ lại giảng truyền Đức Kitô vì ganh tị, ý định không tinh tuyền, tưởng làm vậy sẽ gây thêm khổ cực cho cảnh lao tù của tôi. Cần chi! Dù sao đi nữa, bởi lấy lệ hay vì tình thật, miễn là Đức Kitô được rao truyền thì tôi vui mừng và tôi cứ vui mừng luôn!" (Ph. 1:16) (ĐHV 976).
 
Nhiều người nghĩ rằng muốn làm tông đồ cần phải có ơn Chúa đặc biệt.
 
Không! Ơn Chúa ban luôn luôn sẵn có, miễn là ta biết nhìn thấy và xử dụng. Đó chỉ là những ơn thông thường, những đặc tính của mỗi người, những tình tiết của mỗi hoàn cảnh...
 
Nói như vậy thì ai cũng có tài năng cả, hoàn cảnh nào cũng thuận lợi cả; nhưng tài năng ấy, ân phúc ấy, thuận lợi ấy không phải chỉ để cho một mình ta được cứu rỗi mà là để phục vụ ích lợi của tất cả mọi người.
 
Trong viện dành cho người mù ở đảo Sardaigne (Ý) có một cô gái tên là Pina, mù cả hai mắt từ hồi còn nhỏ. Rủi ro thay! Cha tuyên úy của nhà mù vừa bị bệnh tê liệt không thể dâng lễ được nữa. Vì lý do đó, người ta định đưa Chúa Giêsu ra khỏi nhà. Nghe tin ấy, cô Pina kêu nài tận đến Đức Giám mục, xin ngài để Chúa Giêsu ở lại, vì đó là ánh sáng duy nhất của những kẻ mù loà như cô. Cô được phép, và cùng một trật cũng được đặc ân trao Mình Thánh Chúa cho cha tuyên úy và các bạn của cô.
 
Nhưng không những thế, cô luôn luôn cầu nguyện và ước ao phục vụ hơn nữa theo sức cô.
 
Cô được dùng mấy giờ trên đài phát thanh nọ của tư nhân, và với phương tiện ấy, cô đã chuyển đến cho các bạn cô món quà tuyệt hảo nhất mà cô nhận được nơi Chúa để nâng đỡ những người đau khổ bằng chính kinh nghiệm của cô: Những bài suy niệm, những lời khuyên nhủ, những khuyến khích, và biết bao là câu chuyện bổ ích khác...
 
Làm sao cô Pina học được, làm được những điều ấy khi mà cô cũng như cả nhà đều phải mù loà: Ai đọc sách cho cô nghe: Ai giảng dạy cho cô hiểu? Đó là nhờ cô, ngoài những điều nghe người ta nói, còn nghe đài phát thanh quốc gia, đặc biệt là đài phát thanh Vatican; cô nghe những bài suy niệm Phúc Âm, những tin tức nóng bỏng trên thế giới, những lời nhắn nhủ tha thiết của Đức Thánh Cha, theo dõi những biến cố trong Hội Thánh... Cô mù loà, nhưng ánh sáng Phúc Âm vẫn chiếu giọi đến tâm hồn cô, cho cô chất liệu để suy niệm và sau đó chuyển lại cho những người bạn cùng đau khổ như cô.
 
Trong một thời gian rất lâu, chẳng ngờ rằng cô Pina là người tàn phế! Khi biết được, ai cũng xúc động. Cuộc đời của cô đã làm cho nhiều người, nhất là những tâm hồn tận hiến phải suy nghĩ:
 
* Có bao giờ tôi nghĩ đến việc dùng vài giờ trong tuần lễ hoặc ít là mười lăm phút mỗi ngày để giúp người khác chưa?
 
* Tôi có biết săn sóc nhà cửa, nấu nướng, may vá và làm những việc lặt vặt trong nhà không?....
 
4. Sống và rao giảng Tin Mừng.
 
* Trong vài chục năm, nhân loại đã tiến bộ kỹ thuật và khoa học hơn nhiều thế kỷ. Nhân loại đầy đủ sức mạnh khủng khiếp, có thể tự sát với vũ khí hạch tâm được. Nhân loại đầy đủ phương tiện khổng lồ, hầu như no nê không thiếu gì nữa. Nhân loại cảm thấy làm được mọi sự, nhưng không biết tại sao mình sống, mình đi về đâu, tương lai thế nào? Nhân loại đang trải qua một cơn khủng hoảng hy vọng (ĐHV 958).
 
* Thiên Chúa không lui bước trước tiến bộ của con người. Ngược lại càng đầy sức mạnh, con người càng cảm thấy cần hy vọng để tiến, cần tình yêu để sống. Nếu không có như thế, sống để làm gì? Có đáng sống không? Không lẽ hư vô và thù ghét là gia nghiệp của con người tiến bộ? (ĐHV 959).
 
* Con người nghĩ rằng khoa học càng tiến bộ, Thiên Chúa càng thoái lui. Trong lòng nhiều người "Chúa chết rồi", giờ đây lương tâm họ được giải thoát, nhưng cái tự do ấy làm cho họ hoang mang, hoảng hốt. Họ thiếu hy vọng (ĐHV 960).
 
* Thời đại nào cũng có những người tự xưng là tiên tri, nhưng đường lối của họ không đem lại hy vọng cho nhân loại. Chỉ Chúa Giêsu tự xưng là "Đường", chỉ Ngài đem lại hy vọng với kích thước của thế giới:

  - "Hãy rao giảng Tin Mừng cho một người"

  - "Hãy làm chứng nhân cho Ta. đến tận cùng thế giới" (ĐHV 961).
 
* Chúng ta cầu xin Chúa, nhưng Chúa trông vào chúng ta. Ngài đã lập một cơ quan để ban sự cứu rỗi: Hội Thánh. Hội Thánh chịu trách nhiệm về công việc Chúa, và niềm hy vọng lớn lao nhất của toàn thể anh em (ĐHV 965).
 
* Không thể quan niệm được một Kitô hữu không mê say đem hy vọng ngập tràn thế giới (ĐHV 972).
 
* "Các bạn Thế Hệ Mới" (GEN)! Phải là "thanh niên của hy vọng", vì với hy vọng, các bạn sẽ luôn luôn hạnh phúc và các bạn sẽ làm cho mọi người hạnh phúc. (Chiara Lubich). (ĐHV 973).
 
Người giáo dân nên thánh nhờ sống bác ái, mà nền tảng cuộc sống bác ái là sống Lời Chúa, sống Tin Mừng.
 
Trong thời đại ngày nay, nhất là sau Công đồng Vatican II, Chúa Thánh Thần đã soi sáng cho người giáo dân tự động sáng kiến quy tụ thành từng nhóm nhỏ, chẳng hạn:
 
* Những cộng đoàn cầu nguyện,
* Nhóm sống Lời Chúa,
* Nhóm Bác ái hiệp nhất,
* Nhóm cầu nguyện Chúa Thánh Thần,
* Nhóm suy niệm Lời Chúa...
 
Mỗi nhóm đều mang một sắc thái riêng biệt, linh động, tùy hoàn cảnh, tâm lý của từng địa phương, từng dân tộc... Nhưng căn bản vẫn là sống Lời Chúa và rao giảng Lời Chúa. Lời Chúa sống động trong lòng mỗi người. Họ thầm hiểu rằng nó luôn thích hợp với mọi hoàn cảnh và mọi hạng người, mọi dân nước... Họ cố gắng chia sẻ những đau đớn khắc khoải của người khác hầu tìm phương thế để giải quyết. Họ coi như mình có trách nhiệm trước những vấn đề thuộc phạm vi xã hội, như báo chí, phim ảnh, chiến tranh, kỳ thị chủng tộc... Họ luôn luôn đi sát cánh với những vấn đề sôi bổng đó. Họ lưu tâm đặc biệt đến tình trạng kinh tế trong mỗi quốc gia. Họ thực thi nhiều công tác bác ái từ thiện cho các nước thuộc thế giới thứ ba.
 
* Giáo dân là người mến yêu sứ mạng trần thế của mình, là người thực hiện đời đời trong đời tạm.

- Là người tin rằng Chúa giao cho mình trần gian và anh em, để đưa họ đến cứu rỗi vĩnh cửu.

- Là người xác tín rằng Chúa ban sự cứu rỗi, nhưng Chúa đòi việc hợp tác của con người. Biết hy vọng, bảo đảm hy vọng, mang lại hy vọng (ĐHV 963).
 
* Người hy vọng là người cầu nguyện. Đối tượng của lời cầu nguyện cũng là đối tượng của niềm hy vọng. Người hy vọng là cộng tác viên của Thiên Chúa. Ngài tìm họ để hoàn tất việc tạo dựng và cứu chuộc của Ngài (ĐHV 964).
 
Trên những nẻo đường cha đi, cha đã bất chợt khám phá ra lắm người lữ hành đang cặm cụi với công việc bổn phận. Các con đừng tưởng cha gặp họ trong những trung tâm huấn luyện, nơi mà có thể nhờ một bầu khí đạo đức nào đó, họ có những tâm tình tốt đẹp. Không! Nhưng là ở giữa cuộc sống thường ngày:
 
Trong một văn phòng đơn sơ của tổ chức "Giúp Hội Thánh đau thương" do ông cha "Thịt mỡ" phụ trách, cha gặp được nhiều người, cùng làm việc với họ, và tự nhiên cảm nghiệm được nơi họ có "một cái gì" đáng yêu hơn khi bước vào những văn phòng khác. Khi ra về, cha xem đồng hồ và nói: "Tôi phải đi gấp vì tôi có hẹn chiều nay dự buổi họp với Focolare ở ngoại thành Roma" - "Thế à! chúng tôi cũng sẽ có mặt ở đấy!" - "Thì ra các ông cũng tham gia cái "Bếp lửa" ấy? Chúng ta sẽ gặp nhau". Họ cười cách sung sướng và ôm choàng lấy cha. Cha đã khám phá ra bí quyết thái độ làm việc của họ.
 
Hôm sau, tình cờ cha gặp ông Ladénius, Giám đốc của văn phòng ấy, đang đi bộ lúc trời sầm tối ở Piazza di Diana:
 
- Chào ông, ông đi đâu đấy?
 
- Tôi đi cầu nguyện, tôi phụ trách một cộng đoàn cầu nguyện và sống Lời Chúa.
 
Lại thêm một khám phá mới khiến cha phải suy nghĩ và cảm phục. Thực là một tông đồ giáo dân căn bản và đắc lực
 
* Con người hy vọng để sống, để tiếp tục sống. Con người sẽ quay về với ai có thể mang lại cho họ niềm hy vọng lớn lao nhất: Niềm hy vọng ấy, Chúa Giêsu đã quả quyết: "Ta đến cho thế gian sống và sung mãn." Niềm hy vọng ấy, Chúa ban qua tay Mẹ Maria: "Nguồn hy vọng của chúng con" (ĐHV 962).
 
* Làm một cuộc cách mạng: Đừng đem đời người công giáo xa lìa môi trường, để quây quần quanh các việc thiêng liêng. Đẩy người công giáo mang niềm hy vọng của mình xâm nhập môi trường (ĐHV 970).
 
Trong một chuyến viếng thăm thành phố Aachen ở Đức để làm việc với tổ chức Misereor, cha được cô Kurts hướng dẫn trong những việc di chuyển cũng như trong công việc tiếp xúc, trao đổi. Cách làm việc tận tâm, bác ái nhẫn nại suốt ngày của cô Kurts khiến cha phải cảm mến hết sức. Mấy hôm sau, trên chuyến xe lửa cùng đi với cô về Bruxelles thủ đô nước Bỉ để dự một buổi họp, cha mới khám phá ra cô thuộc về một tu hội đời! Thảo nào phong cách đạo đức và bầu nhiệt huyết tông đồ cũng như sự hy sinh phục vụ của cô cao độ đến thế!
 
Tin Mừng được thể hiện trong cuộc đời của những giáo dân ấy. Họ không ngờ chính họ đã rao giảng Tin Mừng, đã dạy cho cha biết làm thế nào để sống Lời Chúa và gây cho lòng cha thèm khát có những giáo dân Việt Nam cũng sống một đời sống như vậy. Thực là những cuộc gặp gỡ, những khám phá vô cùng quý giá và lý thú! 
 
5. Người hy vọng sống kết hiệp với Chúa Giêsu.
 
* Con không trông đợi một cuộc sống khác. Con "tin hằng sống vậy", niềm hy vọng ấy đã đâm chồi nơi con, và sẽ tiếp tục tưới nó bất tận (ĐHV 967).
 
* Con hoàn toàn sống trong hiện tại, nhưng con cũng hoàn toàn sống trong đời đời. Con chăm lo cứu rỗi anh em. Nhưng con không quên rằng với Chúa và vì Chúa. Con hết sức tiến tới. Nhưng với tất cả ánh sáng từ trời cao. Con dấn thân giữa trần thế, Nhưng với tình yêu thần linh. Tất cả điều ấy có ý nghĩa gì. Nếu con không mang niềm hy vọng lớn lao nhất trong quả tim con?  (ĐHV 968).
 
Chúa Giêsu đã dạy: "Thầy là cây nho chúng con là ngành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong kẻ ấy thì sẽ trổ sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, chúng con không làm gì được" (Jn 15,5).
 
Chúa Giêsu không đòi trực tiếp trở thành hoa trái, song Người xem đó như là kết quả của đời sống hiệp nhất với Người.
 
Thật thế, để mang lại nhiều thành quả lâu dài, thành quả có ấn dấu Thiên Chúa, người hy vọng cần phải sống hiệp nhất với Chúa Kitô và càng sống hiệp nhất với Người, ta càng mang lại nhiều thành quả.
 
Lời Chúa Giêsu "ở trong Thầy" không nhấn mạnh vào những lúc người ta đạt kết quả, nhưng nhằm nói lên một trạng thái cố định sung mãn.
 
Sự thực, nếu ta quen biết một người sống kết hiệp mật thiết với Chúa như vậy, ta sẽ thấy rằng với một nụ cười bình thường, một lời nói hay một cử chỉ, một cách cư xử quen thuộc hằng ngày, họ vẫn có thể làm chấn động được bao con tim, nhiều khi còn giúp cho những kẻ ấy tìm lại được Chúa.
 
Dĩ nhiên, để sinh được nhiều hoa trái, lắm lúc phải trải qua mưa gió, giông tố, bao nhiêu trở ngại nguy hiểm khó khăn trên đường.
 
Tại Bồ Đào Nha, cô Maria bắt đầu bước chân vào đại học. Môi trường ở đây có thực nhiều khó khăn. Đa số bạn bè của cô đều đấu tranh theo ý thức hệ riêng của họ, và ai cũng muốn kéo theo mình những sinh viên chưa có đường lối rõ rệt.
 
Maria biết rõ đâu là con đường của mình đang đi, và biết nó không dễ dàng, an thái theo Chúa Giêsu và sống hiệp nhất với Người. Cô bị bạn bè coi là người không có bản lãnh, không có lý tưởng, vì họ chẳng biết gì về những ý tưởng của cô. Nhiều lần cô cảm thấy hổ thẹn trước mặt người khác, nhất là những khi đi đến nhà thờ. Thế nhưng cô vẫn quyết chí tiếp tục đi nhà thờ vì thấy rằng mình phải sống kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể.
 
Lễ Noel đến, Maria thấy có nhiều bạn không thể về gia đình vì nhà họ quá xa, cô liền đề nghị với những bạn bè khác cùng nhau tặng quà cho những người bạn ấy. Maria rất đổi ngạc nhiên thấy mọi người đều chấp nhận đề nghị của mình ngay lập tức.
 
Ít lâu sau, trong lớp lại có cuộc bầu phiếu và kết quả thực bất ngờ và lạ lùng: Chính Maria được chọn làm đại diện cho lớp. Không những thế, Maria còn ngạc nhiên hơn nữa khi nghe người ta nói: "Chị được nhiều phiếu thật đúng lý, vì chỉ có chị mới có một đường lối rõ rệt, biết mình muốn gì và phải thực hiện như thế nào!" Dần dần có mấy bạn sinh viên tìm hiểu lý tưởng của Maria và cũng muốn sống như cô.
 
Đây là hoa trái tốt đẹp mà Maria đã trổ sinh nhờ sống kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu.
 
6. Hôm nay con mới thực sự làm lễ mở tay.
 
* "Chúc tụng Thiên Chúa và là Cha của Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô, Đấng đã thể theo lòng hải hà mà tái sinh chúng ta cho hy vọng hằng sống, nhờ sự Phục Sinh từ cõi chết của Đức Giêsu Kitô." (1P 1:3) (ĐHV 949).
 
* Kitô hữu là "những người đợi chờ, những người hy vọng Chúa quang lâm." (Thánh Phaolô) (ĐHV 952).
 
Một linh mục thừa sai ở Phi Châu đã vâng lời Đức Giám mục đến một trung tâm tu nghiệp các linh mục. Với bản tính cởi mở, khi gặp cha Giám đốc, ngài nói ngay:
 
-Thưa cha, con không thích đến đây tí nào, nhưng vâng lời Đức Giám mục, con mới tới đây để xem mình có nên cưới vợ hay không? Cha có muốn con ở lại không?
 
- Xin mời cha ở lại, ta sẽ có dịp cùng nhau tâm sự.
 
Sau nhiều tuần lễ trao đổi, cha Giám đốc biết ngài bị khủng hoảng trong chức linh mục từ tám năm nay, ngay trước khi tình nguyện đi thừa sai. Do đó, dù ngài viện đủ lý do để từ bỏ đời linh mục, nhưng sau khi tham khảo ý kiến của nhiều vị cố vấn, cha Giám đốc vẫn quả quyết với ngài:
 
- Xin cha cứ tiếp tục đời sống linh mục. Ngài ở lại, nhưng mãi hai tháng sau ngài mới chịu đồng tế với các anh em linh mục lần đầu tiên.
 
Trong bữa cơm tối ấy, với niềm hân hoan an bình ngài nói cách xúc động:
 
- Hôm nay con mới thực sự cử hành Thánh lễ "mở tay" của con.
 
Hai tháng trước ngài sống thất vọng nhưng giờ đây tâm hồn ngài đã tràn ngập niềm hy vọng.
 
7. Một vị thánh âm thầm.
 
* Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh. Đường hy vọng do mỗi chấm hy vọng (ĐHV 978)
 
Trong các vị thánh, cha thiết tưởng không vị thánh nào âm thầm bằng thánh Giuse.
 
Dù ẩn tu trên rừng trên rú, thánh Phaolô và Antôn cũng có đi thăm nhau, nói chuyện dạy dỗ các môn đệ. Dù lập dòng khổ tu im lặng suốt đời, trừ gần một giờ ngày chúa nhật và lễ trọng, thánh Brunô cũng đã để lại cho Hội Thánh nhiều sách vở bút tích. Dù đơn sơ bé mọn, chị thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu cũng còn nói lại cho thế gian cuộc đời mình qua “Truyện một tâm hồn”: Chúa muốn các ngài trao sứ điệp của Chúa cho thế gian.
 
Còn thánh Giuse, rất cao cả, ở bên Chúa Giêsu và Mẹ Maria mà vẫn âm thầm suốt đời.
 
Âm thầm lúc kính sợ Chúa, muốn bỏ Đức Mẹ mà rút lui. Âm thầm lúc đêm khuya hiểm nguy đưa Chúa Giêsu và Mẹ Maria sang di cư ở Ai Cập. Âm thầm lúc lạc mất Chúa Giêsu trong Đền thánh Giêrusalem. Âm thầm trong cuộc đời lao động ở Nazareth.
 
Thế nhưng, trong sự âm thầm thinh lặng ấy, thánh Giuse đã là mẫu gương tuyệt vời của đời nội tâm kết hiệp liên lỉ với Chúa Giêsu và Mẹ Maria.
 
Ngài là mẫu gương của lao động kết hiệp với cầu nguyện kiên trì, mẫu gương của phục vụ tận tình, của hy sinh vô điều kiện, của bổn phận chu toàn với tất cả tình yêu, từng giây từng phút.
 
Công chính, trung thành, khiêm tốn và tin tưởng vững vàng, thánh Giuse đã làm cho đời ngài đẹp, cho đời những kẻ chung quanh ngài được hạnh phúc từng giây từng phút. Ngày nào cũng phục, Giờ nào cũng hy sinh. Phút nào cũng yêu thương.
 
Không cần ồn ào, nhưng giây phút nào cũng tuyệt đẹp, vì thế tất cả đều đẹp.
 
Thánh nữ Têrêxa d'Avila đã có lòng yêu mến và trông cậy thánh Giuse cách chí thiết, đồng thời bà cũng truyền lại cho Dòng Carmêlô lòng sùng kính ấy. Bà đã nói: "Xưa nay chưa bao giờ tôi cầu nguyện cùng thánh Giuse mà bị từ chối cả".
 
Đức Lêo XIII rất có lòng kính mến thánh Giuse nên đã dạy đọc kinh thánh Giuse suốt tháng Mân côi. Đức Gioan XXIII từ lúc còn là một chủng sinh đã chọn thánh Giuse làm mẫu gương thánh thiện cho đời mình. Thầy Roncalli ghi trong nhật ký ngày 29.3.1903: "Nghĩ đến thánh Giuse thật là êm đềm, dịu dàng thoải mái. Trong cảnh mệt yếu hiện tại, con chỉ xin người một việc, là được tinh thần sống nội tâm thực sự, đặc biệt được ơn suy gẫm và chịu lễ sốt sắng. Đó là những điều dốc lòng dịp cấm phòng, nhưng thực hiện là điều cần hơn, nhất là trong tình trạng hiện tại của đời sống nội tâm của tôi. Thánh Giuse hiển vinh, cầu cho con".
 
Vừa lên ngôi Giáo Hoàng, ngài đã quyết đinh đặt thánh Giuse vào trong lễ quy Roma để tỏ lòng ngài tin cậy thánh Giuse, quan thầy Hội Thánh.
 
Phần cha, cha xin các con hãy xác tín lời thánh Têrêxa d'Avila nói về thánh Giuse; kinh nghiệm đời cha cũng thấy như vậy. Cùng với lòng sùng kính Đức Maria, cha mạ cha đã dạy cho cha lòng sùng kính thánh Giuse từ lúc còn tấm bé. Cha còn nhớ cha của cha lúc nào trong túi áo khâu (lá quạ) cũng có sách tháng ông thánh Giuse. Ông cụ làm việc sùng kính ông thánh Giuse mỗi năm 12 tháng.
 
Các con hãy dâng ngày thứ Tư đầu tháng, kính thánh Giuse.
 
Hãy kết hợp sự tận hiến cho thánh Giuse với sự tận hiến cho Trái Tim Đức Mẹ, vì không có điều gì làm cho Mẹ Maria và Chúa Giêsu vui lòng bằng việc sùng kính thánh Giuse.
 
Hãy truyền bá việc sùng kính và tận hiến cho thánh Giuse, vì điều ấy làm đẹp lòng Mẹ Maria nhất và là phương tiện để giúp các linh hồn nên thánh.
 
Cùng Giêsu với Mẹ từ nhân,
Xin thánh Giuse nhận nỗi lòng Phó thác,
mến yêu và cảm tạ,
Kết hợp cùng Cha hết tâm hồn,

Quyết làm thiên hạ mến Cha hơn,
Như Têrêxa đã tôn sùng.
Giữ gìn xinh đẹp cành hy vọng,
Công trình tay Cha mãi vun trồng.
 
Tưởng cũng nên nhắc lại cho các con Gia đình Hy Vọng của chúng ta còn mang tên "Công trình của Thánh Giuse" (Opus Joseph) như phong trào Focolare mang tên là "Công trình của Đức Maria" (Opus Marioe) vậy.
 
8. Chúa cấm con thất vọng.
 
* Hãy cố gắng, dù yếu đuối ngã sa, con hãy xin Chúa thứ tha và tiếp tục tiến. Trên võ đài, trong vận động trường quốc tế, các lực sĩ cũng lắm lần ngã quị, bị nhiều cú đấm, bị thương tích, nhưng cứ vùng dậy, cứ hy vọng, họ đã đoạt giải vô địch quốc tế (ĐHV 971).
 
Cha Charles de Foucauld có để lại mấy giòng sau đây, đọc kỷ con sẽ thấy phấn khởi tâm hồn và lấy lại được niềm tin, nhất là những lúc hầu như con thất vọng:
 
"Dù con xấu xa, dù con tội lỗi, con cũng trông cậy vững chắc rằng con sẽ được lên trời. Chúa cấm con thất vọng về điều đó.
 
"Dù con bội bạc cách mấy, khô khan cách mấy, hèn nhát cách mấy, lợi dụng ơn Chúa cách mấy, Chúa cũng vẫn bắt buộc con phải hy vọng được sống đời đời dưới chân Chúa trong tình thương và sự thánh thiện.
 
"Chúa cấm con ngã lòng trước sự khốn nạn của con. Chúa không cho con nói: "Tôi không thể đi tới được, đường lên trời khó khăn quá, tôi phải thụt lùi và trở xuống chỗ thấp".
 
"Trước những sa ngã trở đi trở lại của con, Chúa lại cấm không cho con nói: "Tôi không hề sửa mình được, tôi không có sức để nên thánh, tôi không xứng đáng để vào thiên đàng..."
 
"Vậy Chúa muốn con phải trông cậy luôn vì Chúa ra lệnh và vì con phải tin ở tình thương và quyền năng của Chúa.
 
"Phải, khi cần nhớ tới điều Chúa đã làm cho con, con tự nhiên bắt tin tưởng và tình thương của Chúa. Mặc dù con cảm thấy con là đứa phản bội, bất xứng, con vẫn tin cậy ở tình thương ấy; con vẫn biết là Chúa luôn sẵn sàng để tiếp rước con như thể người cha của đứa con hoang đàng trong Phúc Âm, nhất là vì chính Chúa đã không ngớt gọi mời con và ban cho con những phương thế để đến dưới chân Chúa..."
 
9. Ngân hàng tình thương.
 
* Có hạng "công giáo đợi chờ", khoanh tay mong đợi niềm hy vọng đến. Có hạng "công giáo thụ động", "trốn tránh, vô trách nhiệm". Họ chỉ biết "nhìn lên" để kêu cứu, mà không biết "nhìn tới" để tiến, "nhìn quanh" để chia sẻ, gánh vác (ĐHV 966).
 
Chị Phaxica mang trong mình nhiều thứ bệnh tật: Nhức đầu, đau tim, viêm ruột... Chị đã được lắm bác sĩ khám bệnh, giải phẫu, điều trị tại nhiều bệnh viện khác nhau. Và hầu như mọi người đều bó tay. Tuy thế, chị vẫn không nản lòng. Chị sống Lời Chúa mỗi ngày, và có nhiều câu đã đánh động tâm trí chị cách mãnh liệt như: "Hãy sắm cho mình những ví tiền sẽ không hề cũ nát kho tàng không hao vơi trên trời, nơi trộm không lai vãng và mọt không nhấm nát. Vì kho tàng các con ở đâu thì lòng các con cũng ở đó". (Lc 12,33).
 
Hôm khác, chị lại gặp một đoạn Lời Chúa đánh động: "Kẻ nào cho một trong những kẻ bé mọn này uống một bát nước lã mà thôi, vì danh nghĩa là môn đồ, thì quả thật, Ta bảo các con, nó sẽ không mất phần thưởng của nó" (Mt 10,42).
 
Những lời Chúa Giêsu nói trên đây đã thấm thía vào tâm hồn chị và chị nảy ra một sáng kiến: Thành lập "Ngân hàng tình thương", có mục đích đón nhận vốn của những ai muốn mở trương mục, gom góp những lời nguyện và các việc hy sinh trong bổn phận vì tình thương Chúa và các linh hồn. Số vốn ấy cùng với tình thương trên Thánh giá sẽ sinh nhiều ơn ích cho vinh quang Chúa, cho cuộc cứu rỗi nhân loại và nhất là cho chính bản thân người mở trương mục.
 
Trong khuôn khổ tập này không thể nói hết mọi chi tiết về ngân hàng tình thương, chỉ biết rằng có nhiều chị bạn đã hưởng ứng sáng kiến ấy,và như vết dầu loang ở trên tờ giấy, nhiều gia đình, nhiều thanh niên thiếu nữ, nhiều cộng đoàn đã vui vẻ mở trương mục. Mấy lâu nay họ nghĩ họ hết của, họ nghèo, không ngờ rằng thực sự họ là những kẻ rất giàu có, vì mỗi một giây họ đều có thể sống tràn đầy tình thương để bỏ vốn vào đại cuộc cứu rỗi nhân loại, để gởi đến những địa phương đang nóng bỏng trên thế giới... Họ cầm trương mục trên tay và tự nhủ: "Từ bé tới giờ tôi chẳng bỏ vào ngân hàng một xu! Hôm nay tôi mới bắt đầu..." Liền đó là một nụ cười âu yếm tươi nở trên môi: "Ngân hàng dễ thương thật!" Đời sống thiêng liêng của họ đã vươn lên; bởi vì họ hiểu rõ ràng đây không phải là một "sổ kho", nhưng là một sự cam kết trước, và rồi trong tuần tới phải làm hết mọi cách để hoàn thành kế hoạch, vượt mức chỉ tiêu. Đời sống họ luôn tiến bộ như mũi tên bay. Tâm hồn họ cũng sẽ mở rộng theo kích thước bao la của Hội Thánh và của thế giới. Họ sẽ cố gắng đáp ứng những chiến dịch bỏ vốn theo nhu cầu của giáo phận, theo ý của Đức Giám mục, hoặc cho một chuyến công du của Đức Thánh Cha được thành công.
 
Mỗi một phút giây trong đời sống đều đáng giá ngàn vàng! Con đã tìm hiểu và mở trương mục chưa?

Tác giả: Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập765
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm763
  • Hôm nay138,204
  • Tháng hiện tại1,050,468
  • Tổng lượt truy cập57,152,105
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây