Diễn viên HỒ KIỂNG: bậc thầy của nét diễn bi hài.

Thứ năm - 04/04/2013 22:49

-

-
Khi làm phim ĐẤT PHƯƠNG NAM, tôi dựa vào những nét riêng biệt cũng như khả năng hò vè của ông để xây dựng nhân vật Ba Ngù. Đã tìm hiểu nhiều về ông, nhưng chính trong lúc ghi hình tại hiện trường, tôi mới nhận ra sức mạnh tinh anh sáng lên trong đôi mắt mờ đục của ông.
Diễn viên HỒ KIỂNG: bậc thầy của nét diễn bi hài.
 
Nếu xét về hình thể, ta có thể nghĩ: Trời sinh Hồ Kiểng ra không phải để đóng phim. Nhưng rồi, ông đã biến vóc dáng nhỏ bé, khuôn mặt góc cạnh đầy ranh mãnh, dáng điệu còm cõi của mình thành những vai diễn độc đáo.
 
Lần đầu tiên nhìn thấy Hồ Kiểng trên màn ảnh cách nay đã lâu, tôi cứ nhớ mãi diễn xuất đầy ấn tượng của ông trong vai ông chủ tiệm cầm đồ, phim CON THÚ TẬT NGUYỀN của đạo diễn Hồ Quang Minh. Vai diễn chỉ kéo dài vài phút, đạo diễn lại chỉ cho phép ông lấp ló khuôn mặt sau ô cửa quầy cầm đồ. Vậy mà, với động tác ngước mặt lên dò hỏi, đôi mắt nheo lại đầy nghi ngờ, lông mày xếch lên vẻ tính toán, miệng nhếch lên vài câu đối đáp, ông đã tạo cho nhân vật chính đang đứng trước quầy cầm đồ một tình huống bi hài đầy kịch tính.
 
Diễn xuất điện ảnh có thuật ngữ diễn nét mặt (mimique) để chỉ những chuyển động của cơ mặt bộc lộ cảm xúc, ý nghĩ của nhân vật. Đây là một cách diễn khó, khi khuôn mặt được phóng to lên màn ảnh, thì những diễn viên có khuôn mặt dù rất đẹp nhưng trơ cứng như tượng đá sẽ bị lộ ra ngay. Đây lại là thế mạnh của diễn viên Hồ Kiểng.

 

Nguồn hình: tuoitre.vn
 
Với hình thể của mình, ông thường được mời vào những vai có vẻ phản diện, tà nhiều hơn chánh. Những vai nham hiểm, ác độc, đầy dục tính rất ngược với bản chất của con người ông, nhưng lại khiến ông thích thú và coi đó như đất diễn sở trường. Và khi thỉnh thoảng được vào vai người tốt, ông lại tỏ ra ngạc nhiên và cảm động. Trong phim NƠI BÌNH YÊN CHIM HÓT, đạo diễn Việt Linh mời ông đóng vai ông già bảo vệ trường học, tận tâm, tốt bụng, khiến ông cứ băn khoăn nói với tôi: “Tao vậy mà Việt Linh giao vai ông già tốt bụng, không biết bã nghĩ sao?” Tôi không nín được cười: “Thì đúng con người chú mà!”.
 
Sự xung khắc giữa hình thể và tính cách của ông tạo ra nét bi hài chính trong cuộc đời ông và cả trên màn ảnh. Ông vào vai phản diện ác độc, lại thấy có vẻ hài. Ngược lại, khi vào vai hiền lành tốt bụng, người xem lại thấy thương cảm.
 
Cuộc sống của ông thực khó khăn, cả gia đình chen chúc trong một phòng nhỏ, nhưng ông hình như không lấy đó làm điều lo nghĩ. Ông như gã Charlot lang thang rong chơi, nheo nheo nhìn đời giễu cợt. Nhà không có phòng vệ sinh, ông làm bài thơ  Hơn sáu mươi tuổi vẫn ỉa bô… tự trào. Ông có hàng trăm bài hò vè lấy trong dân ca hoặc tự sáng tác để giúp ông sống đàng hoàng, sang trọng trong cảnh khó nghèo. Cuộc đời ông đầy những tình tiết bi hài.
 
Khi làm phim ĐẤT PHƯƠNG NAM, tôi dựa vào những nét riêng biệt cũng như khả năng hò vè của ông để xây dựng nhân vật Ba Ngù. Đã tìm hiểu nhiều về ông, nhưng chính trong lúc ghi hình tại hiện trường, tôi mới nhận ra sức mạnh tinh anh sáng lên trong đôi mắt mờ đục của ông. Cảnh ông Ba Ngù ngồi bên đống lửa kể cho chú bé An hoàn cảnh cô đơn của mình, đôi mắt diễn viên Hồ Kiểng thoát chốc lung linh nỗi buồn sâu kín. Hoặc khi say xỉn kể chuyện quân giặc giết chết vợ con, mắt ông bừng lên nỗi căm hờn quyết tử. Tôi nghĩ, nếu lúc đó đặt vào tay ông một con dao thay vì chai rượu, hẳn cảnh quay sẽ thấy hình dáng một chiến sĩ nông dân quả cảm. Nhưng không, Ba Ngù-Hồ Kiểng không thể là một nhân vật anh hùng chính kịch, nhân vật Ba Ngù chỉ thích hợp với vẻ bi hài của diễn viên Hồ Kiểng.

 

Nguồn hình: tuoitre.vn
 
Tôi vừa mới được xem vai diễn cuối cùng của diễn viên Hồ Kiểng trong phim MÙA HÈ LẠNH của đạo diễn Ngô Quang Hải. Thật đúng là đạo diễn đã nhìn ra nét bi hài của Hồ Kiểng khi trao cho ông vai ông già Tàu, chồng của một cô vợ trẻ đẹp do diễn viên Lý Nhã Kỳ đóng. Riêng tôi chỉ tiếc, giá như đạo diễn tăng cho vai diễn thêm một chút bản lĩnh anh chị, giang hồ, từng trãi, vai diễn sẽ mạnh hơn. Tôi tin diễn viên Hồ Kiểng đủ sức diễn tả sức mạnh tinh thần đó.
 
Và cứ thế qua hàng trăm vai diễn phụ, đôi khi chỉ xuất hiện trong chốc lát, ông đã tận dụng những khoảnh khắc quý báu đó in đậm dấu ấn của vai diễn lên cảm nhận của người xem. Việc diễn viên Hồ Kiểng trong hàng bao nhiêu năm chỉ đóng toàn vai phụ, tôi nghĩ đó một phần do lỗi của những người làm phim. Chúng ta cứ bị đóng khung bởi những mẫu anh hùng oai phong, cú bị lôi kéo bởi những cái đẹp hào nhoáng để tạo nên một thế giới phim giả đánh lừa người xem.
 
Những câu chuyện với nhân vật chính thật cả trong tính cách lẫn hình thể, như người hàng xóm mình bắt gặp hàng ngày, những nhân vật hợp với Hồ Kiểng, chắc còn xa vời đâu đó.
 
Xin tạ tội với ông, diễn viên Hồ Kiểng.
 
Nguyễn Vinh Sơn

Tác giả: Nguyễn Vinh Sơn

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Chú ý: Được đăng lại bài viết, nhưng vui lòng ghi rõ nguồn "Gia đình Cựu Chủng sinh Huế" và link đến bài viết trên trang này.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập174
  • Hôm nay13,885
  • Tháng hiện tại644,891
  • Tổng lượt truy cập57,930,760
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây