Ikebana - Nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản.

Thứ bảy - 12/01/2013 11:06

-

-
Trong khi người Tây phương luôn luôn nhấn mạnh vào các màu sắc và số lượng của vật liệu, hướng sự chú tâm vào vẻ đẹp của các bông hoa thì người Nhật Bản lại đặt nặng về các đường nét của cách xếp đặt, lối bố cục, và họ đã phát triển nghệ thuật cắm hoa bao gồm cả cành, cuống, lá cũng như hoa.
Ikebana - Nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản
 
Giống như những loại hình nghệ thuật khác, Ikebana thể hiện sự sáng tạo trong những quy tắc cắm hoa nhất định. Cành cây, lá, cỏ, hoa tươi thường được sử dụng và trung tâm vẻ đẹp của bình hoa là sự kết hợp hài hòa giữa màu sắc với hình dạng tự nhiên, ý nghĩa của bình hoa mà người cắm muốn gửi gắm được ẩn dấu một cách khéo léo. Theo nghĩa văn học, Ikebana là "hoa sống", là nghệ thuật diễn tả những tình cảm khi thưởng thức thiên nhiên, một nền nghệ thuật tái tạo lại không gian của cảnh vật với một cành cây, một ngọn cỏ, bộc lộ những sắc thái tình cảm qua các cung bậc màu sắc của các loài hoa.
 
Ikebana cũng được xem là một nghệ thuật giống như hội họa hay điêu khắc với một lịch sử lâu đời đã được ghi chép lại. Ở Nhật Bản, các bình cắm hoa cũng được sử dụng như đồ trang trí giống như các bức tranh hay các tác phẩm nghệ thuật khác.

Lịch sử IKEBANA
 
 
Ikebana còn gọi là kado hay Hoa đạo, có nguồn gốc từ nghi lễ dâng hoa cho Đức Phật, rồi phát triển thành một hình thức nghệ thuật đặc biệt từ thế kỷ 15, với nhiều phong cách và trường phái. Nghi thức dâng hoa trong Phật giáo (kuge) được Ono no Imokodu du nhập từ Trung Hoa vào Nhật Bản vào đầu thế kỷ thứ 7, sau đó trường phái cắm hoa Ikenobo khẳng định mình là con cháu của ông. Ngoài dâng cúng trong tôn giáo ra, không có ghi chép nào về một hình thức cắm hoa có hệ thống ở Nhật Bản trước cuối thế kỷ 15. Giữa thế kỷ 15, cùng với sự nổi lên của những phong cách cổ điển đầu tiên, Ikebana trở thành một môn nghệ thuật đặc trưng của tôn giáo, cho dù nó vẫn tiếp tục giữ lại được tính tượng trưng và ý nghĩa triết học.
 
Đến thế kỷ 16, 17 mặc dù trường phái Ikenobo vẫn thịnh hành nhưng nhiều trường phái rikka (một cách cắm hoa công phu tìm cách phản ánh sự hùng vĩ của thiên nhiên) đã ra đời và phát triển mạnh dưới sự bảo trợ của quý tộc.
 

Cuối thế kỷ 16, một hình thức cắm hoa mới gọi là nageire bắt đầu được sử dụng trong trà đạo với khuynh hướng thật mộc mạc thanh tao. Cuối thế kỷ 17 hình thức cắm hoa của giới quý tộc và thầy tu thay đổi hẳn, xuất hiện trường phái cắm hoa shoka hay seika (hoa sống). Shoka kết hợp chân giá trị hùng vĩ của rikka với tính mộc mạc, đơn sơ của nageire, cuối thế kỷ 18 trở thành phong cách phổ biến nhất.

Sau thời kỳ phục hưng Minh trị 1868, nghệ thuật Nhật Bản truyền thống trong đó có Ikebana nhất thời bị sự nhiệt tâm ủng hộ văn hóa phương Tây lấn át. Tuy nhiên nó đã hồi sinh mạnh mẽ vào cuối thế kỷ 19 và tiếp tục phát triển mạnh cho đến nay, nhưng nhiều trường phái cắm hoa mới tiếp tục xuất hiện. Ngày nay, có khoảng 3000 trường phái ikebana ở Nhật Bản, với khoảng 15 đến 20 triệu người theo học, hầu hết là phụ nữ tuổi từ 18 đến 26. Phong cách phổ biến nhất là Ikenobo, Ohara và Sogetsu, mỗi phong cách thu hút khoảng 3 triệu người theo học. Hiện nay vẫn còn phong cách cắm hoa rikka và shoka, cũng như nhiều phong cách cắm hoa khác hiện đại hơn.
 
IKEBANA và tình yêu thiên nhiên của người Nhật.
 
 
Sự phát triển lên đến đỉnh cao của nghệ thuật cắm hoa ở Nhật có thể được lý giải bởi tình yêu của người Nhật đối với thiên nhiên. Vẻ đẹp của thiên nhiên được mọi người ở khắp mọi nơi yêu thích nhưng ở Nhật, người ta thật sự nâng niu, và hiểu rõ giá trị của thiên nhiên, và tình yêu thiên nhiên của ngươi Nhật lớn đến nỗi gần như trở thành một tôn giáo. Người Nhật luôn cảm thấy có một mối liên hệ, gắn bó chặt chẽ với thiên nhiên xung quanh, và ngay cả trong đời sống hiện đại, sự đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, đường nhựa, bê tông trải dài khắp nơi thì họ vẫn mong muốn tạo một chút không gian thiên nhiên ở gần bên. Du khách nước ngoài khi đến Tokyo thường hay bất ngờ khi thấy những bình hoa với một hoặc vài bông hoa được treo trên xe, ở các cạnh của kính chắn gió bởi những người lái taxi. Thật khó mà tìm thấy ở Nhật một ngôi nhà nào mà quanh năm không được tô điểm bởi sắc hoa.
 
Về cơ bản thì Ikebana không đơn thuần hướng đến việc đưa một phần thiên nhiên vào trong ngôi nhà, mà xa hơn là muốn cho thấy cả một thế giới nhiên bao trùm, bằng cách tạo ra một mối liên kết chặt chẽ giữa trong nhà và ngoài trời. Trong khi người Tây phương luôn luôn nhấn mạnh vào các màu sắc và số lượng của vật liệu, hướng sự chú tâm vào vẻ đẹp của các bông hoa thì người Nhật Bản lại đặt nặng về các đường nét của cách xếp đặt, lối bố cục, và họ đã phát triển nghệ thuật cắm hoa bao gồm cả cành, cuống, lá cũng như hoa. Như vậy vật liệu dùng trong nghệ thuật cắm hoa không phải chỉ giới hạn vào màu sắc của bông hoa mà còn có vẻ đẹp nằm trong hình thể của lá và hoa, và trong sự tăng trưởng của hoa lá nơi thiên nhiên.  Ngay cả khi chỉ một loại hoa được sử dụng thì người cắm hoa cũng cố gắng để biến bình hoa đó thành một biểu tượng hoàn hảo của thiên nhiên.
 
 
Trong cách cắm hoa, cần tới sự hiểu biết về dòng thời gian và người nào có con mắt phân biệt có thể dễ nhận ra được điều này. Sự cắm hoa phải biểu hiện được thời gian, tháng, mùa, cũng như sự tăng trưởng liên tục của vật liệu sử dụng. Thí dụ:
 
Quá khứ: dùng hoa nở hết, trái cây khô hay lá cây khô.
Hiện tại: dùng hoa nở nửa chừng hay lá cây hoàn hảo.
Tương lai: dùng nụ hoa, nụ lá để hứa hẹn sự tăng trưởng sắp tới.
 
Sự cân nhắc về vật liệu sử dụng cũng cần phải đi đôi với cách xếp đặt, trình bày:
 
Mùa Xuân: cách xếp đặt đầy sức sống với các đường cong biểu hiện sinh lực.
Mùa Hạ: cách xếp đặt tỏa ra và tràn đầy.
Mùa Thu: cách xếp đặt mỏng và thưa thớt.
Mùa Đông: cách xếp đặt đượm buồn và lắng nghỉ.
 
 
Phương pháp cắm hoa phải mang tính cách tượng trưng, mô tả, nhưng một số hình thể của hoa lá lại phải được phối hợp với phong tục, tập quán và văn hóa. Vào các ngày quốc lễ, lại có một số cách cắm hoa được ấn định trước và vào các dịp lễ hội, các nghi lễ gia đình có thể bị coi là thiếu đầy đủ nếu không theo cách cắm hoa thích hợp và không trưng bày thứ hoa thích hợp. Hoa Cúc trắng là hoa của ngày tết đầu năm, trong khi vào ngày Tết búp bê (mồng 3 tháng 3), người Nhật thường dùng tới hoa Đào, và hoa Diên Vĩ (iris) là thứ hoa của ngày Tết con trai (mồng 5 tháng 5).
 
Triết Lý tiềm ẩn trong Nghệ Thuật Cắm Hoa Nhật Bản
 
 
Nói một cách tổng quát, cách cắm hoa Nhật Bản gồm ba nhóm hoa hay cành lá xếp đặt theo hình tam giác. Nhóm chính ở giữa, thẳng đứng, nhóm thứ hai nghiêng về một bên so với nhóm chính và nhóm thứ ba ngược lại, nghiêng về phía đối so với nhóm thứ hai. Thêm vào đó, ba đường nét chính trong bình hoa hay lẵng hoa là thứ tượng trưng cho Trời – Đất – Người (Thiên, Địa, Nhân). Chính trong cấu trúc này mà cách cắm hoa được tạo nên.
 
Đường nét quan trọng nhất là cành hoa tượng trưng cho “Trời” (shin). Đây là đường trung tâm của toàn thể bình hoa, lẵng hoa, vì thế người ta đã chọn cành hoa nào mạnh nhất làm công việc này. Tiếp theo cành chính là cành thứ (soe), đại diện cho con người (Nhân). Cành này phải được xếp đặt thế nào để diễn tả rõ đường hướng phát triển, bung ra từ đường trung tâm. Chiều cao của cành thứ bằng 2/3 chiều cao của cành chính, lại có phần hơi nghiêng về cành chính.
 
 
Cành thứ ba (hikae) tượng trưng cho “Đất” (Địa), là phần ngắn nhất, được đặt xoay về phía trước hay hơi đối nghịch với phía gốc của hai cành kia. Tất cả ba phần lại được cột chặt vào một bộ phận giữ và lại phải diễn tả cho thấy sự xuất phát từ một nguồn cội. Sau đó, các bông hoa khác được thêm vào mỗi phần nhưng cách bố cục khéo léo của ba phần chính kể trên được coi là quan trọng nhất.
 
Trong khi cắm hoa, người ta đặt chiếc khay đựng tất cả các hoa, lá, cành... về phía bên phải và bình hoa hay đĩa cắm hoa cách 60 phân trước mặt người cắm hoa. Nếu đặt đĩa cắm hoa gần hơn thì dễ cắm hơn, nhưng để có thể dễ nhận ra cách bố cục thì nên đặt bình hoa xa hơn một chút. Bình hoa cũng nên được đặt hơi cao hơn là hơi thấp, bởi vì nếu đặt thấp, người ta sẽ quen với cách nhìn xuống và ảnh hưởng mang lại sẽ khác khi bình hoa sau này lại được bày trên cao.
 
Phong cách cắm hoa cơ bản
 
Phong Cách Rikka
 
 
Rikka là phong cách cắm hoa ra đời sớm nhất và vẫn được phổ biến cho đến ngày nay. Rikka có nghĩa là cắm hoa thẳng đứng, yêu cầu của kiểu cắm hoa này là bình dùng để cắm hoa phải cao và to, hoa cắm trong bình ở tư thế thẳng. Rikka thể hiện vẻ đẹp của tự nhiên. Một bình hoa Rikka luôn có 7 cành thể hiện cho đồi núi, thác nước, thung lũng và những sự vật khác trong tự nhiên.
 
Phong Cách Shoka
 
 
Shoka là phong cách cắm hoa thông dụng nhất trong Ikebana. Nó có nghĩa là hoa sống. Xét về hình thức thì kiểu cắm hoa Shoka khá đơn giản nhưng để lột tả hết ý nghĩa của nó thì không phải ai cũng làm được. Một bình hoa shoka đạt yêu cầu là sự hội tụ đủ 3 thành phần: Ten, Chi và Jin nghĩa là Trời, Đất và Con người. Khi cắm, chiều cao và độ dài của các cành hoa phải thể hiện rõ vị trí của 3 yếu tố trên. Người ta dùng chiều cao của bình hoa làm chuẩn, nhành hoa cao nhất trong bình đại diện cho Thiên, chiều cao của nó bằng 3 lần chiều cao của bình hoa. Nhành hoa thứ 2 đại diện cho Nhân, cao chỉ bằng 2/3 nhành hoa Thiên và cành Địa thấp nhất, chỉ bằng 1/3. Một bình hoa được cắm theo đúng phong cách Shoka phải đáp ứng các quy tắc cân bằng nêu trên.
 
Shoka là phong cách cắm hoa được đơn giản hóa từ phong cách cắm theo kiểu thẳng đứng Rikka để phù hợp với nhiều tầng lớp dân chúng. Shoka thể hiện vẻ đẹp giản dị của tự nhiên bằng việc sử dụng ít cành lá nhưng thể hiện sự vươn lên hướng về mặt trời. Shoka theo thuyết Thiên – Địa – Nhân, trong đó có 3 cành chính với tên gọi là Shin – Soe – Tai, tượng trưng cho sự hòa hợp của Trời, Đất và Con người. Người Nhật thường dùng phong cách cắm hoa Shoka để trang trí nhà cửa trong những ngày đầu Năm Mới.
 
Phong cách Shoka nhấn mạnh đến sức sống, nguồn năng lượng đang phát triển. Những bình hoa được cắm theo phong cách Shoka thường được người Nhật bày trí ở hốc tường Tokonoma, nơi trang nghiêm nhất trong căn phòng.
 
Phong Cách Jiyuka
 
 
Một phong cách cắm hoa tự do được phát triển từ những chuyển hướng nghệ thuật trong giai đoạn đầu thế kỷ 20. Jiyuka không bị ràng buộc bởi bất cứ quy tắc truyền thống nào và người thực hiện có thể sử dụng bất kỳ vật liệu nào để tự do sáng tạo theo cá tính của mình. Vì là một phong cách cắm hoa mới phù hợp với thời đại công nghiệp và đô thị hóa nên Jiyuka được người Nhật chào đón nồng nhiệt vào những năm 1920.
 
Lời kết
 
Với tình yêu và sự nâng niu lớn lao dành cho thiên nhiên của người Nhật, nghệ thuật cắm hoa Ikebana đã trở thành một trong những nét văn hóa đặc trưng của Nhật Bản và rất được nhiều người quan tâm. Các trường dạy nghệ thuật cắm hoa Ikebana đã có mặt ở khắp nơi trên thế giới, mang đến cho mọi người nét đẹp của tự nhiên.


Tham khảo : ikebanaby

Xem video:
 

Nguồn tin: genk.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập713
  • Hôm nay91,605
  • Tháng hiện tại929,374
  • Tổng lượt truy cập57,031,011
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây