Đức Phanxicô đã có một cuộc phỏng vấn lịch sử với bà Norah O’Donnell, người dẫn chương trình và biên tập viên tin tức buổi tối của đài CBS phát sóng ngày 20 tháng 5 lúc 10 giờ tối, ngài nói về các quốc gia đang có chiến tranh, cái nhìn của ngài về Giáo hội công giáo, di sản của Giáo hội, niềm hy vọng của ngài với trẻ em và nhiều vấn đề khác.
Ngài nói: “Sự thờ ơ toàn cầu là một căn bệnh rất nặng”.
Đức Phanxicô là giáo hoàng đầu tiên đến từ Nam Mỹ, ngài là giáo hoàng cống hiến cuộc đời và sứ vụ của mình cho người nghèo, cho người ở vùng ngoại vi và cho người bị lãng quên. Chúng tôi được mời tham dự cuộc phỏng vấn hiếm hoi tại Vatican, nói chuyện với ngài bằng tiếng mẹ đẻ Tây Ban Nha của ngài qua thông dịch viên trong hơn một giờ. Tình cảm ấm áp, nhanh trí và đức tin của giáo hoàng 87 tuổi không hề bị mất trong bản dịch. Chúng tôi bắt đầu thảo luận về Ngày Thế giới Trẻ em đầu tiên của Giáo hội sẽ tổ chức ngày 25 tháng 5 với hàng ngàn trẻ em, trong đó có các trẻ em tị nạn chiến tranh.
Norah O’Donnell: Nhân Ngày Thế giới Trẻ em, Liên Hiệp Quốc cho biết có hơn một triệu người dân sẽ phải đứng trước nạn đói ở Gaza, trong đó có nhiều trẻ em.
Đức Phanxicô: Không chỉ ở Gaza. Nhưng còn ở Ukraine. Nhiều trẻ em Ukraine đến đây đã không còn nụ cười, thật đau đớn các em đã quên làm sao để cười!
Norah O’Donnell: Cha có lời nào nhắn cho Vladimir Putin về Ukraine không?
Đức Phanxicô: Xin vui lòng, tất cả mọi người hãy dừng lại. Dừng chiến tranh và phải tìm cách nói chuyện hòa bình. Đấu tranh để có hòa bình, một hòa bình được thương thuyết luôn tốt hơn là một cuộc chiến bất tận.
Norah O’Donnell: Những gì xảy ra ở Israel và Gaza đã tạo nhiều chia rẽ và đau khổ trên thế giới. Tôi không biết cha có theo dõi những cuộc biểu tình lớn ở các trường Đại học Mỹ và sự trỗi dậy của chủ nghĩa bài do thái không, cha sẽ nói gì để thay đổi những chuyện này?
Đức Phanxicô: Mọi hệ tư tưởng đều xấu, chủ nghĩa bài do thái là một hệ tư tưởng, nó rất xấu. Bất kỳ “chống đối” nào cũng là xấu. Chúng ta có thể chỉ trích chính phủ này chính phủ kia, chính phủ Israel, chính phủ Palestine. Chúng ta có thể chỉ trích bất cứ điều gì chúng ta muốn, nhưng không được “chống” một dân tộc. Không chống người Palestine cũng không chống người do thái. Không.
Norah O’Donnell: Trong nhiều bài mọi chuyện của cha, cha kêu gọi hòa bình, kêu gọi ngừng bắn, cha có thể làm trung gian cho hòa bình không?
Đức Phanxicô: Điều tôi có thể làm là cầu nguyện. Tôi cầu nguyện rất nhiều cho hòa bình. Và tôi luôn nhắc lại: “Xin dừng lại. Xin thương thuyết.” (Ngài thở dài).
Cầu nguyện là trọng tâm đời của ngài. Ngài sinh ra ở Argentina năm 1936 trong một gia đình nhập cư Ý. Trước khi vào chủng viện, ngài là kỹ sư hóa học. Đời sống của ngài đơn giản. Ngài vẫn mang cây thánh giá bạc đơn sơ của thời ngài là tổng giám mục Buenos Aires. Nơi ngài sống đã tạo nên phong cách cho triều của ngài 11 năm trước. Ngài không ở Dinh tông tòa, ngài ở Nhà Thánh Marta.
Đó là nơi chúng tôi gặp ngài, dưới bức tranh Đức Mẹ tháo gỡ nút thắt. Ngài lúc nào cũng hài hước, cả khi nói đến những chủ đề nghiêm túc như cuộc khủng hoảng di cư.
Norah O’Donnell: Gia đình của cha di cư từ Bắc Ai-len qua Mỹ năm 1930 để có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Gia đình cha đi trốn chủ nghĩa phát xít. Cha nói chuyện với người di cư, với trẻ em, cha khuyến khích các chính phủ xây cầu, không xây bức tường.
Đức Phanxicô: Di cư là điều làm cho một đất nước phát triển. Người ta nói người Ai-len di cư mang theo whisky, còn người Ý mang theo mafia… (cười) Đùa thôi. Đừng hiểu lầm điều này. Nhưng người di cư đôi khi phải chịu đựng rất nhiều. Họ đau khổ rất nhiều.
Norah O’Donnell: Tôi lớn lên ở Texas và tôi không biết cha có nghe tin thời sự, bang Texas đang đóng cửa một tổ chức từ thiện công giáo ở biên giới Mexico chuyên hỗ trợ nhân đạo cho những người nhập cư không giấy tờ. Cha nghĩ sao?
Đức Phanxicô: Điều này thật điên rồ. Quá điên rồ. Đóng cửa biên giới và để di dân ở đó thì thật điên rồ. Người di cư phải được đón nhận. Sau đó phải xem xét để đối xử với họ như thế nào. Mỗi trường hợp phải được xem xét một cách nhân đạo.
Vài tháng sau ngày được bầu chọn, cha đến hòn đảo nhỏ Lampedusa của Ý gần châu Phi để gặp người di cư trốn nghèo đói và chiến tranh.
Norah O’Donnell: Cha nói về đau khổ. Tôi rất xúc động khi cha nói về sự thờ ơ toàn cầu. Xin cha cho biết câu chuyện này.
Đức Phanxicô: Bà muốn tôi nói rõ? Mọi người rửa tay, có quá nhiều quan Philatô… họ thấy chiến tranh, bất công, tội ác… và họ rửa tay. Đó là thờ ơ, đó là trái tim chai sạn… Chúng ta phải làm cho trái tim rung động lại. Chúng ta không thể thờ ơ trước những bi kịch như vậy của nhân loại. Toàn cầu hóa thờ ơ là một bệnh rất nặng.
Đức Phanxicô đã không thờ ơ trước các vụ bê bối xảo quyệt nhất trong Giáo hội, nạn lạm dụng tình dục với hàng trăm ngàn trẻ em nạn nhân trên thế giới trong nhiều thập kỷ.
Norah O’Donnell: Cha đã làm hơn bất cứ ai để cải cách Giáo hội công giáo, ăn năn về việc giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em một cách đáng khinh bỉ trong nhiều năm. Nhưng Giáo hội đã làm đủ chưa?
Đức Phanxicô: Giáo hội phải tiếp tục làm nhiều hơn. Thật không may, thảm kịch lạm dụng là quá lớn, và khi đối diện với nó, một lương tâm đúng đắn không những không cho phép mà còn đưa ra những điều kiện để chuyện này không thể tiếp tục xảy ra.
Norah O’Donnell: Cha đã nói không khoan nhượng.
Đức Phanxicô: Điều này không thể dung thứ được. Khi một nam hay một nữ tu sĩ lạm dụng, luật pháp sẽ xử họ. Về điểm này, đã có rất nhiều tiến bộ.
Chính khả năng tha thứ và cởi mở của Đức Phanxicô đã quyết định vai trò lãnh đạo của ngài với 1,4 tỷ người công giáo. Trong một cuộc họp báo trên máy bay từ Rio de Janeiro về Rôma năm 2013, ngài đề cập đến vấn đề đồng tính. Ngài nói: “Nếu người đồng tính chân thành đi tìm Chúa thì tôi là ai mà phán xét họ?” Và ngài không dừng ở đó.
Norah O’Donnell: Năm ngoái cha đã cho phép các linh mục chúc phúc cho các cặp đồng giới. Đó là một thay đổi lớn. Xin cha giải thích.
Đức Phanxicô: Điều tôi cho phép không phải là chúc phúc cho sự kết hợp. Điều này không thể thực hiện vì chúc phúc không phải bí tích. Tôi không thể. Chúa đã quyết định. Nhưng để chúc phúc cho từng người thì được. Chúc phúc dành cho tất cả mọi người. Nhưng chúc phúc cho kết hợp đồng tính là đi ngược với quyền được ban, đi ngược với lề luật của Giáo hội. Nhưng chúc phúc cho mỗi người thì được, chúc phúc dành cho tất cả mọi người.
Norah O’Donnell: Cha đã nói: “Tôi là ai mà phán xét. Đồng tính không phải là tội ác.”
Đức Phanxicô: Đó là một thực tế của con người.
Norah O’Donnell: Một số giám mục bảo thủ ở Hoa Kỳ phản đối những nỗ lực mới của cha trong việc xem xét lại giáo lý và truyền thống. Cha phản ứng thế nào trước những lời chỉ trích của họ?
Đức Phanxicô: Bà dùng một tính từ: “bảo thủ”. Có nghĩa, người bảo thủ là người bám vào một cái gì đó và không muốn nhìn xa hơn. Đó là thái độ tự sát. Vì một bên là truyền thống, xem xét những tình huống trong quá khứ, nhưng bên kia là nhốt mình vào chiếc hộp giáo điều.
Đức Phanxicô đã đặt nhiều phụ nữ vào những vị trí quyền lực hơn bất kỳ giáo hoàng tiền nhiệm nào, nhưng ngài nói với chúng tôi ngài phản đối việc phụ nữ làm linh mục hoặc phó tế.
Sự gắn bó của Đức Phanxicô với học thuyết truyền thống đã làm cho một phóng viên Vatican nhận thấy ngài đã thay đổi bầu khí Giáo hội, nhưng về cơ bản thì lời nói vẫn giống nhau. Điều này làm thất vọng những người muốn thấy ngài thay đổi chính sách hôn nhân cho các linh mục, tránh thai và mang thai hộ.
Norah O’Donnell: Tôi biết có nhiều phụ nữ sống sót sau căn bệnh ung thư và họ không thể có con. Điều này đi ngược lại học thuyết của giáo hội.
Đức Phanxicô: Về việc mang thai hộ, theo đúng nghĩa của thuật ngữ là không được phép. Đôi khi việc mang thai hộ đã thành việc kinh doanh và nó rất xấu.
Norah O’Donnell: Nhưng đôi khi với một số phụ nữ, đó là hy vọng duy nhất.
Đức Phanxicô: Có thể được. Hy vọng còn lại là nuôi con nuôi. Tôi muốn nói, tùy theo từng trường hợp, tình huống phải được xem xét cẩn thận và rõ ràng về mặt y khoa và đạo đức. Tôi nghĩ những trường hợp này đều có quy luật chung nhưng phải xét từng trường hợp cụ thể để lượng định tình trạng, để không vi phạm nguyên tắc đạo đức. Nhưng bà đúng. Tôi thích cách bà nói: “Trong một số trường hợp, đó là hy vọng duy nhất”. Điều này cho thấy bà cảm nhận vấn đề này rất sâu sắc. Xin cám ơn. (cười)
Norah O’Donnell: Tôi nghĩ đó là lý do vì sao rất nhiều người đã tìm thấy hy vọng ở cha vì có lẽ cha cởi mở và bao dung hơn các lãnh đạo trước đây của Giáo hội.
Đức Phanxicô: Chúng ta phải cởi mở với mọi thứ. Giáo Hội là cho mọi người, mọi người, mọi người. Ai cũng là kẻ có tội, tôi cũng là kẻ có tội. Mọi người! Tin Mừng dành cho mọi người. Nếu Giáo hội trục xuất một nhân viên hải quan thì đó không còn là Giáo hội của Chúa Kitô nữa. Giáo hội là cho mọi người.
Norah O’Donnell: Khi nhìn thế giới, điều gì làm cho cha hy vọng?
Đức Phanxicô: Mọi thứ. Có những thảm kịch nhưng cũng có những điều tốt đẹp. Có những người mẹ anh hùng, những người cha anh hùng, những người có hy vọng và ước mơ, những người nhìn về tương lai. Điều này mang lại cho tôi nhiều hy vọng. Ai cũng muốn sống. Ai cũng muốn tiến về phía trước. Và về cơ bản mọi người là tốt. Về cơ bản tất cả chúng ta đều tốt. Đúng, có những kẻ không tốt và tội lỗi, nhưng bản thân trái tim là tốt.
(belgicatho.be, Norah O’Donnell, CBS News, 2024-05-19)
Marta An Nguyễn dịch