Nói đến lãnh đạo, có thể chúng ta hình dung ra một lối sống quyền lực, ăn trên ngồi trốc, và ý kiến của họ áp đặt lên ý kiến người khác, mà thỉnh thoảng chúng ta thấy ở đâu đó. Những hình ảnh này cũng không phải là ít, nhưng thực ra nhiều nơi trong xã hội của chúng ta, nhất là trong Giáo Hội, cách sống này cũng đang giảm dần và được thay thế bằng những tính cách phù hợp với tinh thần Ki-tô giáo hơn. Chúng ta cần chuẩn bị những gì cho lãnh đạo với vai trò giáo dân trong Giáo Hội?
1. Lãnh đạo là dẫn đường
Người dẫn đường ở đây, chúng ta không đặt trọng tâm vào một người nào sáng tạo điều gì mới, hay đưa ra một chương trình gì to tát, mà là chúng ta bắt đầu ngay với lối sống hiệp hành của Giáo Hội và cùng với anh chị em khác dẫn đường cho những người bước chậm đi theo. Những người chưa theo kịp chúng ta vì một lý do nào đấy, chúng ta ân cần hướng dẫn họ, tận tâm giúp họ với trái tim yêu thương để có thể đồng hành với nhau trong cộng đoàn, trong giáo xứ.
2. Lãnh đạo với tầm nhìn của Giáo Hội
Người lãnh đạo không hành động riêng lẻ hay kết từng nhóm mà không có phương hướng, nhưng chúng ta cùng nhau bước đi với tầm nhìn của Giáo Hội, mà trước tiên, là do tác động của Chúa Thánh Thần. Giáo Hội đã trải qua hai ngàn năm, với biết bao sóng gió, thử thách nhưng Chúa Thánh Thần vẫn luôn đồng hành với Giáo Hội và soi sáng, trợ lực cho các thành phần Dân Chúa tìm ra con đường có được sự hiệp nhất trong đức tin, đức cậy, đức mến.
Theo dòng lịch sử, Giáo Hội của Chúa luôn được cải thiện với tầm nhìn mới. Những năm gần đây chúng ta đang hướng đến một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông – tham gia – sứ vụ. Đức Giáo hoàng tha thiết mời gọi mọi thành phần Dân Chúa, và Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong thư chung tại Đại hội năm 2022, đã đề nghị lộ trình mục vụ trong ba năm: Củng cố sự hiệp thông (2023); Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội (2024) và Cùng nhau loan báo Tin Mừng (2025).
3. Lãnh đạo là tạo được ảnh hưởng
Người lãnh đạo theo tinh thần Ki-tô giáo, không nhất thiết phải là người đứng đầu một hội đoàn hay trưởng Ban điều hành giáo xứ nhưng họ là người tạo được ảnh hưởng sang những người chung quanh bằng gương sáng của mình. Qua công việc họ biết lắng nghe, gặp gỡ, biết thông cảm, cầu nguyện cho nhau, biết hiệp thông với mọi người trong lối sống hiệp hành. Đặc biệt là trong cuộc sống người ta nhận ra họ có lòng tín thác tuyệt đối vào Chúa, và quảng đại với anh em trong tinh thần vui tươi, khiêm tốn.
4. Lãnh đạo là hướng dẫn (anh em đi loan báo Tin Mừng)
Theo lời mời gọi loan báo Tin Mừng của Đức Ki-tô “Anh em hãy đi làm làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 19). Sau khi rửa tội mọi người đều có khả năng trở thành những người lãnh đạo của Chúa. Người trao cho mỗi người một sứ vụ: hướng dẫn những người xa cách Chúa, dẫn đưa những người chưa biết Chúa bằng lời của Chúa, qua đời sống gương mẫu thánh thiện của mình để họ trở về làm con Chúa. Vậy lãnh đạo chính là hướng dẫn anh em đi loan báo Tin Mừng.
5. Vai trò của giáo dân trong Giáo hội
Vai trò của giáo dân trong Giáo Hội không có gì khác hơn là sống những điều căn bản để trở thành một Ki-tô hữu đích thực. Khi chúng ta lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy chúng ta có ơn gọi làm tư tế, ngôn sứ, và vương đế. Chúng ta được trở nên thánh thiện, được làm con Chúa và gia nhập vào cộng đoàn Giáo Hội, mỗi người có trách nhiệm và có quyền lợi trong giáo họ, giáo xứ, trong giáo phận. Để mãi mãi xứng đáng là con Chúa, mỗi người hãy thực thi sứ vụ tư tế, ngôn sứ, và vương đế. Nghĩa là hãy yêu mến thờ phượng tôn vinh Chúa, chia sẻ Chúa, rao giảng Tin Mừng cho những người còn xa Chúa, những người chưa có cơ hội biết Chúa, và làm việc bác ái, phục vụ, cách riêng cho những người có hoàn cảnh khó khăn về tinh thần và vật chất.
6. Vai trò của giáo dân trong Hội Thánh hiệp hành
a. Hội Thánh hiệp hành
Giáo Hội Công Giáo đang ở trong thời kỳ diễn ra Thượng hội đồng lần thứ XVI, mọi thành phần dân Chúa hướng đến một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông – tham gia – sứ vụ. Sống hiệp hành là sống tâm tình hiệp thông với mọi người trong cộng đoàn giáo xứ; và tham gia vào Giáo Hội với thái độ khiêm tốn, nhân hậu; nhất là thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng trong hoàn cảnh của mình đến những người cùng môi trường sống với tấm lòng nhiệt thành, yêu thương.
b. Những việc người giáo dân cần làm trong lối sống hiệp hành
Đoạn Tin Mừng tả về hai môn đệ trên đường Emmaus gặp được Chúa (x. Lc 24, 13-35) cho chúng ta mẫu gương cần noi theo trong lối sống hiệp hành:
– Gặp gỡ: đi đến gặp anh chị em và nói chuyện cởi mở, thân thiện với họ như những người bạn trong cùng cộng đoàn, cùng giáo xứ. Có thể nói về một vấn đề gì giúp nhau hoán cải hoặc phát triển giáo xứ, Giáo Hội.
– Lắng nghe: chăm chú nghe câu chuyện của anh em bằng cả tấm lòng và đồng cảm với hoàn cảnh của họ.
– Phân định: phân tích, cắt nghĩa, đưa về nguồn gốc Kinh Thánh, lịch sử, tìm về hoàn cảnh, môi trường. Xin Chúa soi sáng và đưa ra những gợi ý có thể lựa chọn.
c. Tham gia với tinh thần trách nhiệm tròn đầy
Gần đây các mục tử hay nhắc: giáo dân là Giáo Hội, chứ không phải giáo dân thuộc về Giáo Hội như trước đây chúng ta hay nghe. Vì vậy, với trách nhiệm của người giáo dân chúng ta tham gia vào Giáo Hội là những ân huệ đặc biệt mà Chúa ban cho từng người chúng ta. (x. 1 Cr. 12). Thánh Phao-lô nhắc cho chúng ta: Có nhiều đặc sủng khác nhau, có nhiều việc phục vụ khác nhau, có nhiều hoạt động khác nhau. Nhưng chỉ có một Thần Khí, chỉ có một Chúa, chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Nghĩa là, người giáo dân trong Giáo Hội chúng ta có những hoạt động trong giáo xứ trong hội đoàn; có những việc phục vụ trong môi trường xã hội, tùy hoàn cảnh mỗi người mà người khác không thể đến được.
d. Lãnh đạo với vai trò của giáo dân trong Hội Thánh hiệp hành
Lãnh đạo hội đoàn hay lãnh đạo Hội đồng Mục vụ giáo xứ không phải là chúng ta cố làm cho xong một số việc bề trên đã giao, mà hơn thế nữa, công việc đấy chúng ta làm với đầy ý thức theo lời mời gọi loan báo Tin Mừng của Đức Ki-tô, làm với tinh thần của người dẫn đường, có tầm nhìn của Giáo Hội, tạo ảnh hưởng cho những người chung quanh, và phục vụ theo gương Chúa Giê-su với tình yêu hiến mình cho tha nhân.
Hồi tâm
1. Với vai trò của giáo dân trong Hội Thánh hiệp hành, tôi có thể là người lãnh đạo trong giáo xứ hay đoàn thể mà tôi đang hiện diện không? Điều gì trên đây tôi có thể tập luyện và thực thi?
2. Là Ki-tô hữu, tôi có thể làm gì giúp nhau trở thành người lãnh đạo theo tinh thần của Chúa để cải thiện môi trường trong giáo xứ và môi trường xã hội chung quanh tôi?
3. Nếu là người đứng đầu, người có trách nhiệm trong giáo xứ, đoàn thể, khu xóm thì tôi có hoạt động nào giúp cho anh em thăng tiến trong vai trò lãnh đạo của giáo dân trong Hội Thánh hiệp hành.
Phanxicô Xaviê Nguyễn Thái