“Tình bạn” trong gia đình.

Thứ tư - 06/06/2012 03:21

-

-
Kiểu quan hệ “chồng chúa vợ tôi” hoặc ngược lại, “lệnh ông không bằng cồng bà” thường tạo nên bầu không khí ngột ngạt căng thẳng trong gia đình cùng với sự chịu đựng thiệt thòi của người vợ hoặc người chồng.
“Tình bạn” trong gia đình
 
Gia đình được hình thành từ quan hệ hôn nhân giữa hai vợ chồng và quan hệ huyết thống giữa cha mẹ – con cái. Quan niệm truyền thống chịu ảnh hưởng Khổng giáo đòi hỏi phải tách bạch vị thứ trong các quan hệ này nay đã không còn phù hợp.
Đúng nghĩa “bạn đời”
 
Kiểu quan hệ “chồng chúa vợ tôi” hoặc ngược lại, “lệnh ông không bằng cồng bà” thường tạo nên bầu không khí ngột ngạt căng thẳng trong gia đình cùng với sự chịu đựng thiệt thòi của người vợ hoặc người chồng. Trong cuộc sống như vậy, vợ chồng ít có sự trao đổi, bàn bạc với nhau; càng hiếm có những giây phút vợ chồng tâm tình, chia sẻ với nhau những vui buồn trong cuộc sống. Gia đình thường chỉ đáp ứng nhu cầu vật chất cho các thành viên mà ít có khả năng thoả mãn các nhu cầu tinh thần. Từ đó dễ dẫn đến những hoạt động “hướng ngoại” của người chồng để được giải sầu, giải khuây… hoặc làm gia tăng sự phiền muộn, khổ tâm cho người vợ, vốn đã phải tự hạn chế các khả năng và nhu cầu cá nhân để khép mình phục tùng “đấng phu quân”, dẫn đến hạnh phúc gia đình lung lay, đổ vỡ.
 
Quan hệ vợ chồng ngày nay cần được xây dựng phù hợp với ý nghĩa “bạn đời” của nhau. “Tình bạn” trong quan hệ vợ chồng thể hiện qua thái độ quan tâm, tôn trọng, thông cảm và hỗ trợ nhau về mọi mặt. Vợ chồng có thể tâm sự, hỏi ý kiến của nhau; có thể bàn bạc thống nhất hoặc phê bình, động viên, khuyên nhủ nhau. Nhờ vậy tình cảm vợ chồng trở nên sâu sắc, không khí gia đình thân mật, vui tươi hơn. Sự thăng tiến cá nhân có công lao của người bạn đời còn đem lại cho mỗi người niềm hãnh diện lớn và sự cảm nhận hạnh phúc trọn vẹn do đã thành công ở cả hai lĩnh vực xã hội và gia đình.
 
Làm bạn với con
 
Kiểu quan hệ “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó” truyền thống chỉ làm cách biệt giữa cha mẹ và con trẻ ngày càng lớn. Sự khuất phục của người con trước thái độ mệnh lệnh, áp đặt của cha mẹ thường khiến nhân cách trẻ trở nên yếu kém hoặc lệch lạc. Quan hệ cha mẹ – con cái quá cách biệt làm cho cha mẹ khó hiểu con, tác động của cha mẹ càng không phù hợp với đặc điểm tâm lý của con, khiến trẻ bị ức chế, dồn nén, tổn hại đến tâm lý, tình cảm. Những trẻ này cũng thường sống khép kín trong gia đình và tìm sự đáp ứng nhu cầu tâm lý ở người ngoài.
 
Ngày nay, giữa cha mẹ và con cần có “tình bạn” để thông hiểu và đáp ứng cho nhau trong đời sống gia đình, nhất là khi các con bước vào tuổi thiếu niên. Con cái luôn cần có cha mẹ đồng hành để nâng đỡ từng bước trưởng thành của chúng. Để thể hiện vai trò người bạn lớn của con, cha mẹ cần tỏ ra gần gũi, hoà đồng và chú ý lắng nghe những suy nghĩ, cảm xúc của con cái; cố đặt mình vào địa vị, tư thế của con để thông cảm và chia sẻ sự thành bại của chúng trong học tập và sinh hoạt xã hội.
 
Được cha mẹ thấu hiểu, đồng cảm và tôn trọng, con cái sẽ tin tưởng trao gửi tâm tư để được cha mẹ hỗ trợ. Nhờ vậy cha mẹ có thể theo dõi sát sao diễn biến tâm lý tình cảm và khả năng của con trong các hoạt động và quan hệ xã hội để dẫn dắt con phát triển đúng hướng. Được là người bạn nhỏ của cha mẹ, con cái sẽ mạnh dạn bộc lộ sự quan tâm, lo lắng và chia sẻ những khó khăn, vất vả của họ. Bản thân cha mẹ từ những biểu hiện tình cảm và thiện chí của các con mà có thêm nguồn động viên quý báu để chu toàn trách nhiệm xã hội và lo toan cho cuộc sống gia đình tốt đẹp hơn.
 
Lưu ý, làm bạn với con không có nghĩa cho phép con ngang hàng, thậm chí chúng “đặt đâu” cha mẹ “ngồi đó”, mà cha mẹ cần thể hiện sự gần gũi thân mật với con cái đồng thời đứng vững trong vị thế hướng dẫn, giáo dục con làm tròn bổn phận trong gia đình và ngoài xã hội.
 
Tóm lại, quan hệ vợ chồng, cha mẹ – con cái thân mật, gắn bó với nhau trong “tình bạn” sẽ làm cho hạnh phúc gia đình bền vững và sâu sắc, tạo điều kiện cho mỗi thành viên nhanh chóng hoàn thiện nhân cách và cống hiến tối đa các năng lực cá nhân cho cuộc sống gia đình và xã hội.
 
TS Nguyễn Thị Bích Hồng (Trưởng bộ môn tâm lý học và giáo dục học ứng dụng, đại học Sư phạm TP.HCM)
 
Thêm bạn, thêm yêu thương và sự tôn trọng
(Trần Thiên Phước, 33 tuổi, Thủ Đức)
 
Trước khi cưới nhau, chúng tôi là hai người bạn thân. Mọi hàn huyên, tâm sự dường như không thể không cho nhau biết. Chính điều đó đã làm nền tảng cho cuộc sống vợ chồng chúng tôi sau khi lập gia đình. Và tôi luôn có thói quen cứ về nhà, sà vào bữa cơm thì đến cái chuyện anh bạn cùng cơ quan bị vợ ghen cũng chia sẻ với vợ.

Như thế không phải tôi nhiều chuyện, mà tôi muốn tất tật những khúc mắc trong cuộc sống, hay của người khác đều phải được hai vợ chồng nhìn nhận và nếu mình ở trong trường hợp đó thì xử lý như thế nào. Sẽ rất thiệt thòi cho những ai đã là vợ chồng mà không thể là bạn của nhau.

Ở vai trò người vợ, người chồng, bạn cảm nhận được vị trí lớn lao của vai trò gọi là thiên chức. Nhưng ở góc độ hai người bạn, cả hai sẽ dễ dàng nhìn ra điểm khuyết, dễ cảm thông và cho nhau những lời động viên đúng đắn nhất. Khi đã là bạn, ở người ta có một chút khách quan, và ít ai đưa cái tôi mình ra để đáp trả cả. Chính sự xem vợ là bạn sẽ giúp hạnh phúc gia đình bền vững hơn. Hai vợ chồng xem nhau là bạn thì sẽ có ý nghĩa lớn lao hơn những người bạn bình thường khác. Nó giúp con người ta thêm trách nhiệm, thêm yêu thương, và thêm sự tôn trọng.
 
Mong cha mẹ còn là bạn thân
(Nguyễn Ngọc Hà, học sinh lớp 11, Bình Thạnh, TP.HCM)
 
Đúng theo ước nguyện trong cuộc sống, em luôn mong muốn cha mẹ chính là người bạn thân nhất của mình. Nhưng hiện tại trong gia đình, em chỉ gần gũi được với mẹ, và hay chia sẻ chuyện trường lớp, bạn bè cho mẹ nghe. Em hơi có khoảng cách với ba, có lẽ do ba hay đi làm xa và về nhà rất trễ.

Không thể nói rằng xem cha mẹ như người bạn là giảm sút sự kính trọng bậc sinh thành. Mà đó chính là chiếc cầu nối giúp hàn gắn lại những khoảng cách, hai thế hệ trong gia đình sẽ dễ dàng thấu hiểu những tâm tư, ý nguyện của nhau. Sự thấu hiểu chính là chìa khoá giúp các thành viên trong gia đình xem nhau là chỗ dựa, niềm tin lớn nhất.

Em cũng muốn cha mẹ vừa là người nuôi dạy mình khôn lớn, vừa là bạn bè của chính mình. Nhưng, em vẫn chưa làm được điều đó. Bởi em chỉ thổ lộ với mẹ những chuyện bạn bè, trường lớp bình thường, còn những chuyện thầm kín của con gái thì em vẫn giữ cho riêng mình. Nhưng em sẽ cố gắng chia sẻ với gia đình nhiều hơn nữa.
 
Nguyên Cao (ghi)

Tác giả: TS Nguyễn Thị Bích Hồng

Nguồn tin: Sàigòn Tiếp Thị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập417
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm415
  • Hôm nay143,631
  • Tháng hiện tại1,855,048
  • Tổng lượt truy cập59,140,917
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây