Vị thừa sai gắn bó với ngành địa chất Việt Nam

Thứ năm - 05/03/2020 18:13
Cha Henri Fontaine, linh mục của Hội Thừa sai Paris (MEP), đã được Chúa gọi về vào ngày 31.1.2020, sau hơn 70 năm linh mục và 6 thập niên bền bỉ với nghiên cứu khoa học.
henri fontaine 6
Cha Henri Fontaine (thứ 3 từ trái). Ảnh:  MEP

Cha Henri sinh năm 1924 tại thị trấn Saint-Fraimbault, tây bắc Pháp, trong một gia đình nhà nông, theo trang tin Églises d’Asie. Thân thuộc với cuộc sống ở nông trại nên khi chọn đi theo ơn gọi thiêng liêng, nguyện vọng của cha là “trở thành một mục tử ở giữa người dân miền thôn quê, gần gũi với thiên nhiên”, tại một đất nước châu Á hay châu Phi. Sau một thời gian theo học tại Tiểu Chủng viện, rồi Ðại Chủng viện Sées, thầy Henri xin gia nhập Hội Thừa sai Paris vào tháng 3.1944. Tháng 6.1948, thầy thụ phong linh mục.
 
-
Cha Henri (trái) vào thập niên 1960 - ảnh IRFA

Ngã rẽ...

Thích trở thành một vị linh mục “nhà quê”, nhưng Chúa lại chọn cho cha Henri một con đường khác. Tất cả bắt đầu từ việc MEP muốn các linh mục trẻ của hội có chuyên môn tốt, nên vào cuối những năm 1940, cha Bề trên Charles Joseph Lemaire đã gởi 3 linh mục theo học tại Ðại học Lille. Là một trong số này, cha Henri chọn học ngành khoa học tự nhiên và tốt nghiệp cử nhân vào năm 1951. Tháng 9 cùng năm, vị linh mục trẻ được gởi sang Việt Nam, làm thừa sai tại một ngôi làng nhỏ cách Hà Nội không xa.
 
-
Cha Henri (trái) tại Hà Nội năm 1951 - ảnh IRFA
 
Tưởng chừng giấc mơ đã thành hiện thực, có thể gắn bó cả đời ở miền dân dã nhưng một thời gian sau khi đến Việt Nam, cha Henri lại được bề trên gọi về Hà Nội để dạy ở Tiểu Chủng viện. Tại đây, ngài gặp tiến sĩ Edmond Saurin, Giám đốc Sở Ðịa chất Ðông Dương. Ông Saurin đề nghị cha Henri nghiên cứu các hóa thạch san hô mà cơ quan này đang lưu giữ, đồng thời đăng ký học thêm tại Ðại học Hà Nội. Vị thừa sai của MEP tốt nghiệp chuyên ngành địa chất học vào năm 1954 và với sự ủng hộ của bề trên, cha chính thức rẽ sang một con đường mới, gắn liền với khoáng thạch, địa tầng...

Cũng từ giữa thập niên 1950, cha Henri chuyển vào Sài Gòn, góp phần thành lập và điều hành Sở Ðịa chất từ năm 1955-1957. Ngài dần trở thành một chuyên gia danh tiếng ở lãnh vực này, qua những phát hiện quan trọng khi khảo sát thực địa, chẳng hạn nguồn nước khoáng rất tốt cho sức khỏe ở Bình Thuận, vẫn còn được một số hãng sản xuất nước khoáng ngày nay nhắc đến. Ngoài ra, những nghiên cứu của cha đã góp phần hoàn thiện bản đồ địa chất 1/2.000.000 của vùng Ðông Dương, cung cấp thêm những dữ liệu quý giá về các khu vực ven biển của Việt Nam, các đảo ở vịnh Thái Lan… Ngài cũng cố vấn cho nhiều dự án xây dựng đập như ở La Ngà, Ðồng Nai.
 
-
Xem các mẫu vật trong chuyến khảo cứu cuối cùng tại Thái Lan năm 2013 - ảnh IRFA
 
Năm 1959, ngài nhận bằng Tiến sĩ của Ðại học Sorbonne (Pháp) với luận án về san hô hóa thạch ở Việt Nam, Lào, Campuchia và Trung Quốc. Năm sau đó, cha quay lại Việt Nam và trở thành chuyên gia của Cơ quan Hợp tác Văn hóa và Kỹ thuật trực thuộc Bộ Ngoại giao Pháp. Cha cũng là người thành lập khoa Ðịa chất tại Ðại học Huế và là giáo sư hướng dẫn cho nhiều nghiên cứu sinh ở Sài Gòn.
 
-
Cha Henri trong dịp gặp Công chúa Thái Lan Sirinthorn - ảnh MEP

300 bài báo khoa học

Từ địa chất, cha Henri nghiên cứu thêm ngành khảo cổ học sau khi được hai nữ tu đang phục vụ bệnh nhân phong cho xem các công cụ thời đồ đá được tìm thấy trong lúc xây dựng trại phong mới ở gần Sài Gòn. Trong các chuyến khảo sát địa chất, cha đã phát hiện nhiều di chỉ ở hạ lưu sông Ðồng Nai liên quan đến văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Phước Tân… Cuối thập niên 1960, vị linh mục lại mở rộng lãnh vực nghiên cứu khi tham gia vào dự án thăm dò dầu khí của thềm lục địa ở miền Nam Việt Nam. Qua dự án này, ngài bắt đầu kết nối với Ủy ban Ðiều phối các Chương trình về Khoa học Ðịa chất ở Ðông Nam Á (CCOP) thuộc Liên Hiệp Quốc. Năm 1975, ngài rời Việt Nam, trở về Pháp. Năm 1978, cha Henri bắt đầu quay lại khu vực Ðông Nam Á và Ðông Á khi trở thành chuyên gia của CCOP. Hằng năm, ngài dẫn đầu các đoàn nghiên cứu địa chất và tham gia nhiều hội thảo tại Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc và Trung Quốc. Năm 89 tuổi, sức khỏe suy giảm, không còn đi máy bay được, cha Henri mới ngưng tham gia các chuyến thực địa.
 
-
San hô hóa thạch do vị linh mục thu thập được
 
Sau 65 năm miệt mài khảo cứu về địa chất, khảo cổ, vị linh mục của MEP đã để lại một “gia tài” đồ sộ gồm hơn 300 bài báo và các ấn phẩm khoa học. Bên cạnh đó là những bộ sưu tập về đá và hóa thạch, như bộ sưu tập “Thái Lan” có hơn 11.000 mẫu vật hiện được chia ra lưu giữ ở nhiều bảo tàng, trường đại học của nước này. Các cổ vật thời tiền sử mà cha Henri tìm được cũng đang trưng bày ở một số bảo tàng tại Việt Nam. Ngài đã nhận nhiều giải thưởng danh giá do các quốc gia và tổ chức trao tặng, trong đó có Giải thưởng André Bonnet của Hàn lâm viện Khoa học Pháp. Tiến sĩ Hoàng Thị Thân, một trong những học trò và cộng sự lâu năm của cha Henri, nhận định trong bài viết trên trang tin Églises d’Asie, sự nghiệp khoa học của cha Henri là minh chứng của “tinh thần hợp tác quốc tế, cụ thể là giữa các nhà địa chất học của nhiều quốc gia, thuộc nhiều thế hệ, đến từ nhiều tôn giáo”, và đặc biệt, có phần đóng góp không nhỏ từ sự ủng hộ của Hội Thừa sai Paris.

Tác giả: Lan Chi

Nguồn tin: www.cgvdt.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập752
  • Hôm nay129,134
  • Tháng hiện tại1,041,398
  • Tổng lượt truy cập57,143,035
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây