Người dân thị trấn Folkestone tưởng niệm 39 người Việt chết trong xe tải đông lạnh hồi tháng
10/2019. GETTY IMAGES
Họ sang Anh chủ yếu làm trong các salon móng tay, làm đầu bếp, nấu ăn cho nhà hàng và làm phục vụ bàn. Một số khác làm nghề phạm pháp như trồng thuê tài cần sa cho người khác.
Trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt từ studio ở London hôm 11/11/2021, nhà văn người Anh gốc Việt Hương Keenleyside cho biết bà từng viết về người di cư nên bà rất hiểu họ cũng như lý do người Việt sang Anh.
Lý do người Việt di cư tới Anh quốc
Lý do thứ nhất, theo nhà văn Hương Keenleyside, hiện sống tại Cumbria, miền Tây Bắc nước Anh, là chênh lệch tiền thu nhập kiếm được ở Anh quốc so với Việt Nam.
"Người miền Trung ta rất là đoàn kết, họ sang đây họ làm móng tay, làm đầu, nấu ăn, làm phục vụ bàn, phục vụ trong khách sạn thì họ kiếm được hơn mức nông dân kiếm được ở Việt Nam. Thế cho nên họ sang và sau đó họ rủ nhau, họ gọi điện về Việt Nam rủ anh em con cháu họ hàng sang để cùng làm, cùng hy vọng kiếm thêm."
Phần lớn người Việt ở miền Bắc nước Anh là những người từ các tỉnh miền Trung Việt Nam.
Ảnh: HOANG DINH NAM
Thứ hai là mất đất, mất việc làm buộc họ phải ra đi. Nữ nhà văn chia sẻ với BBC:
"Một số người tôi nói chuyện thì họ tâm sự như thế này. Họ bảo rằng cũng không định đi nước ngoài mà là huyện của tôi tịch thu đất để làm nông trại nuôi bò, nhà tôi có 9 sào ruộng, cậu tôi có 7 sào ruộng được đền bù là 50 triệu VND thì 50 triệu ăn hết từ lâu rồi nhưng mà trại đấy cũng không nuôi bò hay nuôi lợn gì cả để thuê chúng tôi làm như cam kết mà là phân lô bán nền đất."
"Mấy mẫu ruộng nhà chúng tôi đền bù có 50 triệu mà sau này phân lô bán nền cho chúng tôi là 150m đất bán lại thành 400-500 triệu một suất thì cũng chẳng có tiền mà mua lại để xây nhà. Thành ra đất nông nghiệp của bà con thu hết để làm dự án nọ dự án kia thành ra bà con không có nghề nghiệp nên bà con bỏ đi."
Hồi 2017, một công dân Anh đi từ Pháp về, bà Katy Bethel bị xử tù khi Cục biên phòng phát hiện trên
xe của bà có 12 người nhập cư người Việt trốn giữa các lốp xe. Ảnh HOME OFFICE
Ngoài ra, di cư vì tôn giáo và thiếu đào tạo nghề cho người trẻ cũng là những nguyên nhân chính.
"Như là năm 54 thì miền Bắc di cư vào Nam. Bây giờ vì lý do tôn giáo, chẳng hạn như đất nước ta là đất nước XHCN và người dân theo đạo Phật nhiều hơn thì người dân theo đạo Thiên chúa họ cảm thấy lạc lõng thì họ đi về đất nước của [đa số theo đạo] Thiên chúa", nhà văn Hương Keenleyside nói.
"Phần lớn bà con sang đây tôi thấy họ đều thuộc gia đình nông dân cả, toàn là trình độ văn hóa lớp 5 lớp 6, 7, 8, 9 và đều là rất trẻ, hầu như dưới 30 tuổi...Không phải ai là thanh niên cũng đi học đại học được cả, thế nên không có trường dạy nghề là chết rồi. Họ không có nghề không có hướng nghiệp thì họ đành phải nghĩ là phải đi thôi", nữ nhà văn nói thêm.
Sẵn sàng đánh đổi mạng sống để đi
Theo nhà văn Hương Keenleyside, con đường người Việt sang Anh phải đi qua rất nhiều nước trước khi họ được đưa đến Anh quốc, và có cả những nguy hiểm luôn rình rập trong suốt hành trình đó.
"Họ vượt biên theo kiểu là đi sang Nga rồi đi bộ trong bão tuyết từ Nga sang Ba Lan, rồi từ Ba Lan đi sang Pháp, rồi lại đi chui sang Anh rất là nguy hiểm."
"Họ sẵn sàng đánh đổi mạng sống để đi bởi vì không đằng nào ở Việt Nam họ cũng chết đói và nếu họ ốm họ không chữa được bệnh thì sao. Thì họ vẫn chết. Đấy là họ nghĩ thế chứ không phải tôi nghĩ."
"Tất cả họ, tôi đã nói chuyện, họ đều không muốn đi nhưng chính vì miếng cơm manh áo mà họ phải đi."
Một phụ nữ người Việt mang thai được cứu trợ ở Calais, Pháp sau khi chiếc xuồng chở 60 người gặp
nạn trên biển khi tìm đường vượt sang Anh, tháng 4/2021. Ảnh: BERNARD BARRON
Chính phủ Việt Nam cần làm gì để ngăn dòng người di cư
Theo bà Hương Keenleyside, giải pháp để ngăn dòng người Việt di cư ra nước ngoài phải từ các cấp cao trong bộ máy nhà nước Việt Nam và cần các chính sách lâu dài cho người nghèo.
"Cái này là chính phủ, bộ ngoại giao rồi là Bộ LĐTB&XH phải hợp tác, nếu mà theo tôi nghĩ họ phải có đề án, dự án rõ ràng để giúp đỡ bà con các tỉnh nghèo trong miền Trung để có đầy đủ việc làm."
"Nếu chính phủ Việt Nam mà định hướng được xây dựng cuộc sống tươi đẹp và có thu nhập tốt hơn cho bà con và thanh niên Việt Nam thì không đời nào họ đi đâu."
"Nếu mà không đủ việc làm để đủ tiền lương thu nhập tối thiểu để họ đủ ăn không bị đói, việc đấy chính phủ Việt Nam phải trả lời được thì mới ngăn chặn được làn sóng di cư. Chứ không thì họ hàng con cháu của họ ở đây, gần 50 nghìn người ở miền Bắc nước Anh, sẽ bảo 'tôi sang đây kiếm đủ ăn ngày ba bữa rồi lại còn để dành được tiền', nữa thì chắc chắn những người khác sẽ theo họ mà đi."
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-59274117