Cựu Chủng Sinh Huếhttp://cuucshuehn.net/uploads/logo-cuucshuehn_120_120.png
Thứ hai - 01/11/2021 11:11
Khi MC hỏi: "Ai từng nợ Nicholas Winton một cuộc sống", cả trường quay đứng lên và đó là một trong những khoảnh khắc xúc động nhất trong lịch sử đài BBC.
Khách du lịch đến Praha (Prague), thủ đô Czech bằng tàu sẽ thấy trên sân ga chính có bức tượng tạc người đàn ông đeo kính, trên tay bế đứa trẻ. Đứng cạnh ông là bé gái. Người đàn ông này tên là Nicholas Winton đã có công giải cứu 669 trẻ em Do Thái khỏi nạn diệt chủng của Đức quốc xã. Trong đường hầm ra tàu cũng có biển tưởng nhớ Winton.
Bức tượng về Winton được dựng lên tại Cửa số 1 của nhà ga Praha hlavní nádraží.
Ảnh: Wiki.
Đây là một trong những bức tượng nổi tiếng nhất của thành phố, khánh thành năm 2009. Bức tượng là bằng chứng thể hiện sự trân trọng của chính quyền Czech đối với Nicholas Winton. Ông cũng chính là nhân vật được Google Doodle vinh danh vào ngày 19/5/2020 - ngày kỷ niệm sinh nhật lần thứ 111. Nhiều du khách trước khi rời ga đều nán lại để chụp ảnh lưu niệm với bức tượng này.
Câu chuyện được bắt đầu vào một ngày của tháng 12/1938. Winton khi đó là nhà môi giới chứng khoán, có hẹn với bạn đến Thụy Sĩ trượt tuyết. Tuy nhiên, ông đã hủy kỳ nghỉ của mình một cách không do dự, và bay tới Praha khi người bạn Martin Blake nhờ giúp đỡ. Bạn của Winton khi đó làm công việc trợ giúp những người tị nạn ở Sudetenland, khu vực phía tây của Tiệp Khắc (ngày nay là Czech và Slovakia) vừa bị Đức sáp nhập. Thành phố lúc ấy có khoảng 250.000 người, phần lớn là người Do Thái. Lúc này, nhiều người đã biết rằng chiến tranh chắc chắn sẽ nổ ra và mọi người không thể trốn thoát khỏi nước Đức, đặc biệt là trẻ em.
Chàng trai trẻ Winton (sinh năm 1909 tại Anh) khi đó nhận thấy mình có thể giúp đỡ những đứa trẻ trốn thoát sang Anh, hoặc tới các nước khác ở châu Âu. Do đó, Winton đã dùng chính căn phòng mình thuê trong khách sạn ở Praha làm nơi trung chuyển. Tại đây, anh gặp gỡ rất nhiều đôi vợ chồng đang nỗ lực gửi con cái mình đến một nơi an toàn để trốn thoát khỏi cuộc sống trong các trại tị nạn. Dù hành động này tương đương với việc họ đưa con mình cho những người xa lạ, đến những vùng đất xa lạ. Nhưng dù sao, ra đi vẫn có cơ hội sống sót hơn ở lại.
Nhắc đến Nicholas Winton, báo chí luôn gắn với cụm từ "người hùng thầm lặng của thế kỷ 20".
Trên thực tế, ông đã làm được một việc phi thường, nhưng lại giấu kín chúng suốt nửa thế kỷ và
không hề kể với ai. Ảnh: AP.
Việc giúp đỡ những đứa trẻ đi tị nạn cần rất nhiều tiền. Winton cùng những người bạn và mẹ mình đi quyên tiền khắp nơi. Anh cũng kêu gọi các gia đình ở Anh nhận nuôi những trẻ em Do Thái làm con. Để thủ tục hành chính được nhanh chóng, Winton thậm chí phải làm giả một số giấy tờ, hoặc hối lộ những người làm thủ tục.
Từ tháng 3 đến tháng 8/1939, Winton và cộng sự đã tổ chức được 8 chuyến tàu đưa những đứa trẻ tị nạn rời Praha, đi qua Đức, đến Hà Lan rồi băng qua biển Bắc bằng thuyền và cập ở ở Essex, Anh. Sau đấy, mọi người đi bằng đường sắt đến London. Ở đó, Winton và các gia đình nhận nuôi đã gặp những đứa trẻ. Mỗi người tị nạn đều có một túi nhỏ và đeo thẻ tên.
Chỉ với bảy trong số tám chuyến tàu đi qua, chuyến cuối cùng vào đầu tháng 8, nâng tổng số người được giải cứu lên 669. Khoảng 250 trẻ em, nhóm lớn nhất, đã lên chuyến tàu cuối cùng, vào ngày 1/9/1939. Tuy nhiên, vào ngày hôm đó, Hitler đã chiếm Ba Lan, tất cả các biên giới do Đức kiểm soát đã bị đóng cửa và các nỗ lực giải cứu của Winton đã chấm dứt.
Sau đó, Winton trở thành sĩ quan trong Không quân Hoàng gia Anh trong Chiến tranh thế giới thứ hai, rồi làm việc trong các tổ chức tị nạn và hội từ thiện hỗ trợ người già. Năm 1983, ông được khen thưởng cho công việc từ thiện của mình. Winton kết hôn với Grete Gjelstrup, người Đan Mạch, vào năm 1948. Họ có 3 người con và một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Nhưng những gì Winton đã làm để giải cứu 669 đứa trẻ năm đó, ông chưa một lần kể lại với ai, kể cả vợ mình.
50 năm sau, bà Grete vô tình tìm thấy một cuốn sổ được ông giấu kín từ lâu, trong đó có tên, hình ảnh, thư từ của các gia đình, tài liệu và ghi chú. Grete hỏi chồng về cuốn sổ này, nhưng ông chỉ nói rằng đó là những giấy tờ không có giá trị và đề nghị bà bỏ qua. Nhưng Grete đã đưa cuốn sổ cho một nhà sử học. Và cuối cùng, câu chuyện về hành động dũng cảm của Winton được mọi người biết đến.
Winton gặp lại những đứa trẻ ông từng cứu trong chương trình That's life. Video: YouTube.
Năm 1988, BBC đã làm một chương trình về Winton, nội dung nói về những cuộc giải cứu của ông năm xưa. Chương trình có tên là That's life (Thế mới là sống). Ông không hề biết những người ngồi quanh mình khi đó là những đứa trẻ năm xưa được mình cứu sống. Khi MC chương trình hỏi rằng: "Trong số những người ngồi đây, ai đã được Winton cứu sống", Winton quay lại thì thấy cả hội trường đã đứng lên. Ông nghẹn ngào lấy khăn chấm nước mắt, và mọi người ở đó đều khóc. Và đây cũng chính là một trong những khoảnh khắc xúc động nhất trong lịch sử của đài BBC.
Năm 2003, Winton được Nữ hoàng Anh phong tước hiệp sĩ (Sir) ở tuổi 94 vì "những phụng sự cho nhân loại" và được nhận các huân chương, danh hiệu cao quý nhất do tổng thống Czech trao tặng năm 2014. Năm 2015, Winton qua đời sau một giấc ngủ yên bình, hưởng thọ 106 tuổi. Khi nói về Nicholas Winton, người dân Czech đều coi ông như một người hùng đáng kính.Anh Minh (Theo New York Times) https://vnexpress.net/nguoi-hung-tham-lang-cua-thanh-pho-praha-4124072.html