Tự sát: Chuyện của một cựu học sinh trường Amsterdam ở Hà Nội

Thứ tư - 06/04/2022 10:55
Có lẽ đã tới lúc chúng ta nên lên tiếng để bảo vệ hàng ngàn học sinh đang phải chịu chung tâm lý áp bức như vậy, cũng như để tránh cho các người nhà, người thân khác phải khóc trong tương lai. Hãy lên tiếng nếu như bạn đang phải chịu áp lực vô lý từ phụ huynh và nhà trường. Hãy tự cứu lấy bản thân mình.
tu sat 1
NGUỒN HÌNH ẢNH: GETTY IMAGES

Xem clip cậu bé nhảy lầu mình thật sự lạnh gáy vì đó chính là kịch bản mà mình đã từng chuẩn bị gần chục năm trước. Cũng soạn sẵn một đoạn thư tuyệt mệnh, cũng dự tính gửi cho bố mình đọc, mình còn cẩn thận mang thước ra đo lan can để nhảy sao chắc chắn hiệu quả và đã thử leo được một nửa đường thì dừng lại bởi tiếng mẹ mình gọi xuống ăn cơm tối. Trời đánh thì tránh miếng ăn, có ai muốn xuống âm ty với cái bụng đói đâu.

Phòng mình ở tầng cao nhất của nhà, cho nên thuận tiện để nhảy bất cứ lúc nào. Ý tưởng để tự vẫn thì cũng đã nhen nhóm hàng tá lần, chủ yếu do áp lực tới từ việc học và kỳ vọng cao của bố mẹ.

Nếu như học sinh bình thường học kém thì sẽ có con nhà người ta, nhưng trong trường hợp của mình thì mình đã đứng nhất rồi chẳng có con nhà nào cả, ngoài việc phụ huynh giữ quan điểm cổ điển là phải tập trung học bằng mọi giá tới mức cực đoan. Phải bỏ game, phải bỏ sinh hoạt câu lạc bộ và phải học thêm nhiều nhất có thể để phấn đấu nhất quốc gia rồi nhất thế giới mới được.

Giỏi nhất lớp vẫn chưa đủ
 
NGUỒN HÌNH ẢNH: GETTY IMAGES

Vì mẹ mình là quản lý trung tâm học thêm với rất nhiều thầy cô giỏi từ Ams, Sư Phạm, Tổng Hợp rồi Lương Thế Vinh nên mỗi tuần mình có thêm 8-10 buổi học thêm là bình thường, nhất ở lớp chưa đủ mà còn phải nhất ở lớp học thêm, nơi mà có cả những bạn ưu tú tới từ các trường chuyên lớp chọn trong thủ đô. Lần nào về nhà cũng bài tập như núi, chủ yếu là bài tập học thêm chứ ở trên lớp thì lần nào mình cũng làm xong tranh thủ giờ ra chơi rồi.

Mình được cái lợi thế làm bài nhanh, ví dụ như kỳ thi tốt nghiệp môn Hóa cuối năm cấp ba chẳng hạn, bài thi cần 60 phút mà sau khi phát để kiểm tra đề 5 phút mình đã làm xong rồi, trước cả khi giám thị cho phép đặt bút viết đáp án trên giấy. Hóa thi đại học cũng vậy, mất tầm 40% thời gian là xong nhưng có làm nhanh bằng giời thì cũng không lại được đề cương học thêm bởi mình không chỉ học thêm một chỗ Hóa, mà tận 2-3 chỗ lận.

Mỗi lần mình nhìn vào túi cặp xách là mình lại nản cho cuộc đời éo le không lối thoát khỏi việc học cho nên tự giải thoát có lẽ là êm đẹp nhất.

Hôm đó thì bố mình ngắt wifi trong lúc mình đang combat trong game. Anh em nào chơi dota rồi thì biết, đang gánh team gần thắng rồi tự nhiên bị chặn thì bị ức chế vô cùng. Bao nhiêu đôi chia tay vì bạn gái nhõng nhẽo nhắn tin trong lúc bạn trai đang bận cứu đồng đội rồi.

Bỏ bữa để viết tâm thư

Vụ việc diễn ra không chỉ một lần, mà rất nhiều lần bố mình phá đám như vậy, xong lại còn bị nói học hành không lo học chỉ lo chơi game là giỏi, sau này tương lai nát bét. Mình tự biết mình học không kém, mà vẫn bị nói như vậy, tới cả giờ giải trí cũng bị chặn nữa thì thử hỏi có cáu không?

Mình cố bao nhiêu cũng là không đủ với bố mẹ, họp phụ huynh suốt 12 năm đều được cô giáo chủ nhiệm tuyên dương mà ở nhà vẫn bị nói này nói nọ. Cho nên cái gì đến cũng đến, mình tháo bộ máy tính ra, bê cái màn hình xuống trả cho bố kêu bố đập nát đi rồi con sẽ không chơi nữa. Bố mình nhìn kiểu sốc nhưng cũng bảo bê lên lại. Thế là bê lên, nhưng mình nhịn đói bỏ bữa để bận viết tâm thư.

Trong đầu mình lúc ấy, mọi thứ đã an bài rồi, đã theo hướng buông bỏ rồi cho tới khi nghe được tiếng của mẹ mình gào lên gọi ăn cơm tới mức khàn cả giọng. Mình thương mẹ vất vả cày cuốc để kiếm tiền cho mình đi học nên hoãn vụ nhảy lại tạm thời.

Cũng may nhờ mẹ lúc ấy gàn bố mình không nói nữa, nên mình hạ hỏa sau một đêm ngủ say. Nếu lúc ấy, bố mình không nhịn được nói thêm một câu, dù chỉ một từ thóa mạ thôi, thì giờ sẽ chẳng có thằng Minh nào ở đây viết những dòng này. Bức thư tuyệt mệnh năm ấy vẫn còn ở trong ổ cứng của chiếc máy tính cũ mà mình khá chắc là bố đã bán đồng nát lâu rồi.
 
NGUỒN HÌNH ẢNH: GETTY IMAGES

Nhiều lần định tự tử

Đó chỉ là một lần trong số rất nhiều lần mình nghĩ tới tự tử, lần gần nhất mình muốn xuống suối vàng là gần Noel năm ngoái khi áp lực công việc quá nặng nề cộng với tâm lý bị nhốt ở nhà quá lâu do dịch. Nghiên cứu sinh là một trong những nghề có stress nhiều nhất và trầm cảm trong dịch cũng khá phổ biến, tuy nhiên, vì mình đã biết nguyên do tại sao rồi nên thành ra tự bật mood lại rất dễ bằng cách đi bar bay lắc, đi chụp ảnh bãi biển hoặc đơn giản đi mua vài ly trà sữa để có thêm dopamine.

Song, có rất nhiều người không thể tự vực dậy bản thân được, ví dụ như gấu mình và nhiều bạn người Úc của mình, họ buộc phải có các buổi điều trị với bác sĩ tâm lý để giải tỏa khúc mắc của bản thân. Theo mình thấy thì ở Việt Nam, điều này chưa thực sự phổ biến và đa số mọi người cực kỳ xem nhẹ việc điều trị tâm lý, cho rằng đó không phải bệnh, nhưng rõ ràng quan điểm ấu trĩ này là sai, cả về mặt khoa học luôn.

Không phải ai sinh ra cũng có sẵn tâm lý mạnh mà nên mình hi vọng dịch vụ khám tâm lý sẽ dần được phổ biến ở nhà. Bản thân mình cảm thấy may mắn vì đã tự vượt qua được trầm cảm (căn bệnh mà các du học sinh thường gặp phải) và cảm giác tiêu cực muốn tự tử cơ số lần.

Nói thế nào nhỉ, vì mình đã từng trải qua những ngày tháng tệ nhất rồi, nên khó có thể có ngày tệ hơn được nữa. Với cả mình trời sinh đã có bản tính tham: tham ăn đồ mẹ nấu, tham đi ngắm gái đẹp, tham thử cái mới kiểu vị trà sữa mới và tham đi đây đi đó nên còn quyến luyến cuộc đời lắm.
 
NGUỒN HÌNH ẢNH: GETTY IMAGES

Bảng điểm học tập không có tác dụng

À, còn một điều khá là nực cười nữa mà mình nhận ra. Mấy cái bảng điểm 12 năm học chẳng có tác dụng gì khi đi xin việc, bằng khen 12 năm học sinh giỏi hay tốt nghiệp loại xuất sắc có lẽ dùng làm giấy dán tường cho đẹp cũng được. 10 phẩy 3 môn Toán Lý Hóa hay nhất nhì lớp suốt 12 năm cũng chỉ là miếng trầu bắt đầu câu chuyện, và bản thân mình luôn gato với nhiều bạn 6 phẩy nhưng được có trải niệm đi nét, cúp học, yêu sớm tận hưởng đúng tuổi thanh xuân.

Ngoài ra, còn có nhiều chuyện thực tiễn mà mình quan sát được để cho thấy căn bệnh thành tích ảo và vô dụng cỡ nào.

Ví dụ như IELTS chẳng hạn, cần quái gì 9.0 như mấy trung tâm hay đưa bài PR lên để thu tiền phụ huynh, bao giảng viên người Việt ở các trường top bên này họ phát âm tiếng anh vẫn đặc sệt accent Việt Nam, thậm chí còn kiểu I am thành Ai iem, chẳng cần phải điệu accent US-UK như mấy ông thầy balo hay chém trên tiktok mà bao thế hệ học sinh bản địa vẫn theo học được bình thường.

Rất nhiều Việt Kiều sinh sống, làm việc và học tập hàng chục năm ở xứ người mà họ vẫn giữ cách nói của người Việt và vẫn đều đặn đóng góp hàng chục tỷ dollar ngoại tệ cho GDP Việt Nam hàng năm. Thực tế, IELTS 6.5 hay thậm chí 5.5 là đủ để xin học bổng tiến sĩ ở nhiều trường tại Úc rồi. Họa chăng chỉ có người Việt ở tại Việt Nam tự đi bêu xấu và chỉ trích tiếng Anh của chính mình.

Ví dụ như nhiều giáo sư tiến sĩ giỏi mà mình biết ở nước ngoài, được mấy ai xuất phát điểm tới từ trường chuyên lớp chọn từ cấp ba cấp hai. Hay trong các tỷ phú giàu nhất Việt Nam, liệu có ai xuất thân từ đội tuyển quốc gia? Và có nhiều đứa bạn mình được giải thành phố, quốc gia môn Hóa sau lại đi xin làm Kinh Tế và Công nghệ thông tin. Mình không rõ bao nhiêu phần trăm sĩ số lớp cấp ba hồi mình học Ams theo Hóa bây giờ, nhưng mình khá chắc dưới 15%.

Và một ví dụ điển hình nhất mà mình muốn kể, đấy là về quán quân Olympia (mình xin giữ kín tên em để tránh làm phiền). Em được coi là một trong những người giỏi nhất và nổi tiếng nhất của chương trình nhưng ở Swinburne thì rất chật vật trong việc xin thực tập.

Đợt mình giúp em xin vào làm ở lab, các giáo sư hỏi Olympia là cái gì. Giải thích xong cho họ rồi thì cũng chẳng xi nhê gì nó cũng như kiểu một sinh viên được giải clb hóa học ở trường. GPA năm nhất năm hai ở đại học và kỹ năng mềm mới thực sự quan trọng ở đây. Mác quán quân kia chắc chỉ có ở nhà mình mới đem ra tự hào chứ ở đây, mọi người đều phải phấn đấu từ con số không.
 
NGUỒN HÌNH ẢNH: GETTY IMAGES

Phí hàng ngàn giờ ra chơi

Ví dụ cuối về mình, tuy mình chưa phải giáo sư nhưng cũng đã gần xong chặng đường nghiên cứu sinh, mình khẳng định núi bài tập hóa mà mình làm hồi cấp hai cấp ba thì 90% chỗ đó chẳng có tác dụng gì cho việc nghiên cứu của mình cả, nhất là mấy câu tìm chất tính số mol rồi nung khối lượng không đổi toàn phi thực tế nhưng rất hay được đem ra đánh đố IQ học sinh.

Nói cách khác thì mình đã phí hàng ngàn giờ ra chơi đáng lẽ dành cho kéo co, đá cầu, đá bóng với bạn bè chỉ để tự kỷ ngồi một chỗ giải những bài tập hóa siêu bịa tới mức siêu tưởng. Một sự lãng phí thanh xuân không hề nhẹ mà mình còn chưa đề cập tới rất nhiều môn vô dụng khác.

Để tóm lại thì, đây là góc nhìn cá nhân trong thế giới quan của mình. Và mình chưa bao giờ trách bố mẹ vì đã từng ép mình nghĩ tới tự tử, mình cảm ơn họ vì đã tôi luyện cho mình một tinh thần thép cho tới ngày hôm nay. Bởi một điều rằng phụ huynh mình cũng là nạn nhân của ý thức hệ cũ, là nạn nhân của nền giáo dục với cải cách còn quá nhiều bất cập.

Mình biết kể ra thì cũng chả thay đổi được gì, nhưng mình hi vọng các thế hệ bố mẹ trẻ Gen Z sẽ có cách giáo dục con cái văn minh hơn để tránh sự việc đáng tiếc xảy ra. Chọn lọc tự nhiên thường sẽ rất hà khắc ở những quần thể sinh vật có số lượng lớn, tựa như các quốc gia có mật độ dân số cao như Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Hàn... Vậy nên chuẩn bị tinh thần cho con trẻ sớm được lúc nào là hay lúc ấy.
 
NGUỒN HÌNH ẢNH: GETTY IMAGES

Hãy lên tiếng bảo vệ học sinh

Cuối cùng, mình chỉ muốn nói rõ rằng: tâm lý muốn tự tử không xấu, đừng né tránh nó hay cố xử lý một mình mà hãy dũng cảm đối mặt với nó cùng những người bạn của mình. Vượt qua được rồi thì tức là bạn đã trưởng thành. Còn nếu bạn ko có người bạn nào, thì bạn đã có mình.

Sáng nay mình đã lập khảo sát trong group cộng đồng Amser, tới bây giờ thì có hơn 96% người tham gia ủng hộ phải lên tiếng. Đây không phải lần đầu và cũng chẳng phải lần hai ở Ams có việc học sinh tự tử, mấy vụ khác đã chọn im lặng và ỉm truyền thông đi rồi nhưng sự việc vẫn tiếp diễn.

Có lẽ đã tới lúc chúng ta nên lên tiếng để bảo vệ hàng ngàn học sinh đang phải chịu chung tâm lý áp bức như vậy, cũng như để tránh cho các người nhà, người thân khác phải khóc trong tương lai. Hãy lên tiếng nếu như bạn đang phải chịu áp lực vô lý từ phụ huynh và nhà trường. Hãy tự cứu lấy bản thân mình.

Bài thể hiện quan điểm cá nhân tác giả, đã đăng trên Facebook Đặng Nhật Minh, hiện là Nghiên cứu sinh tiến sĩ tại The Australian Research Council (ARC) Industrial Transformation Training Centre in Surface Engineering for Advanced Materials (SEAM).
Đặng Nhật Minh (Melbourne, Australia)

Tác giả: Đặng Nhật Minh

Nguồn tin: BBCVietnamese

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập417
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm407
  • Hôm nay71,846
  • Tháng hiện tại831,709
  • Tổng lượt truy cập58,117,578
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây