Theo đạo được gì? Tại sao phải theo đạo???

Thứ tư - 20/02/2013 19:11

-

-
Em làm trong công ty, bữa ăn cơm trưa làm dấu thánh giá trước khi ăn. Anh bạn ngồi bên cạnh là người Công Giáo không làm dấu thánh giá. Em hỏi sao không làm dấu. Anh ấy trả lời “Tôi đã bỏ đạo hai mươi mấy năm nay rồi...
Theo đạo được gì? Tại sao phải theo đạo???
 
Em làm trong công ty, bữa ăn cơm trưa làm dấu thánh giá trước khi ăn. Anh bạn ngồi bên cạnh là người Công Giáo không làm dấu thánh giá. Em hỏi sao không làm dấu. Anh ấy trả lời “Tôi đã bỏ đạo hai mươi mấy năm nay rồi. Hồi nhỏ ba mẹ rửa tội cho tôi nên giống như tôi bị ép theo đạo. Chủ Nhật tôi thích thì đi lễ, không thích thì không đi.”
 
Em hỏi sao anh bỏ đạo? Anh ấy đưa ra mấy nguyên do:
 
1/ Theo đạo không được lợi gì. Trong cuộc sống xã hội, người Công Giáo bị thua thiệt, chèn ép.
 
2/ Các chủ chăn của Giáo Hội từ Đức Giáo Hoàng đến Đức Giám Mục không bênh vực, bảo vệ gì được cho công lý, lẽ phải (Điển hình các vụ chiếm đất đai tài sản của giáo hội VN).
 
3/ Khi Chúa Giêsu bị đóng đinh chịu chết, các Thánh Tông Đồ như rắn mất đầu bỏ chạy tán loạn vì sợ quân dữ bắt. Sao Chúa không làm gì cả?
 
4/ Hiện nay Kitô hữu không ở vào thời kỳ như các thánh tử vì đạo nhưng bị ngăn cấm đạo tinh vi hơn. Những tiếng nói bênh vực công lý đều bị bịt miệng lại và cô lập khỏi xã hội.
 
5/ Làm gì có Thiên Đàng. Chết rồi ai cũng một lỗ huyệt như nhau.
 
Kết luận lại anh ấy nói theo đạo mà người thầy là Chúa Giêsu chỉ thấy thiệt thòi.
 
Xét lại bản thân em thấy đức tin có vững không? Hay giữ đạo theo công thức? Không bỏ lễ Chúa nhật; làm việc bác ái theo khả năng; cố gắng sống không phạm mười điều răn của Chúa v.v..
 
Em phải trả lời cho anh bạn thế nào để giúp anh ấy trở lại đạo với một đức tin trọn vẹn. Chắc khả năng em không đươc, phải là các linh mục.
 
Mong vài lời chia sẻ và ý kiến đóng góp.
 
Em,
Giáo Dân Hoang Mang
 
Đáp:
 
Người “Giáo Dân Hoang Mang”,
 
Những câu hỏi và lý luận như trên không chỉ mới đây hoặc do anh bạn của anh nêu lên, nó đã có từ xưa rồi. Tuy nhiên, những câu hỏi đại loại như vậy vẫn là một trong những thách đố chẳng những cho người không tin, mà còn cho chính những người “có” đức tin nhưng đức tin “lỏng lẻo” như chúng ta nữa. Vậy để nâng đỡ đức tin của nhau, sau đây là một vài tư tưởng xin được đóng góp và được nhấn mạnh liên quan tới từng vấn nạn mà bạn anh đã nêu lên:
 
1/ Theo đạo không được lợi gì. Trong cuộc sống xã hội, người Công Giáo bị thua thiệt, chèn ép.
 
Từ trước tới nay, có ai bảo theo đạo để có lợi bao giờ. Chúa Giêsu đã chẳng nói trước cho những ai muốn theo Ngài: “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ mình đi, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Mat 16:24) là gì? Bản thân Ngài, Chúa Giêsu có bao giờ được trải qua những giây phút giàu sang, vinh quang, và quyền lực đâu. Ngài đã tự mô tả về cuộc sống của mình: “Cáo có hang, chim trời có tổ, con người không có chỗ gối đầu” (Mt 8:20).
 
Đạo Công Giáo hay bất cứ một đạo nào cũng chỉ mang ý nghĩa là “đường”, vì đạo là đường. Con đường dẫn đến sự giải thoát tâm linh. Hơn thế nữa, đối với đạo Công Giáo, thì con đường ấy lại là chính Chúa Giêsu. Ngài chính là “đường, là sự thật, và là sự sống” (Gio 14:6).
 
Tóm lại, theo đạo nào cũng vậy, không riêng gì đạo Công Giáo, chẳng ai được lợi lộc gì ở đời này cả, ngoại trừ phần thưởng tâm linh. Mà đối với người Công Giáo thì phần thưởng ấy là hạnh phúc Thiên Đàng.
 
2/ Các chủ chăn của Giáo Hội từ Đức Giáo Hoàng đến Đức Giám Mục không bênh vực, bảo vệ gì được cho công lý, lẽ phải (Điển hình các vụ chiếm đất đai tài sản của giáo hội VN).
 
Các chủ chăn của Giáo Hội Công Giáo dù là các linh mục, giám mục, hồng y hay Giáo Hoàng đều không phải là những nhà tranh đấu cho nhân quyền, những chính trị gia, những nhà cách mạng hiểu theo nghĩa “đen” của từ ngữ. Chính Chúa Giêsu đã nói về sự khác biệt này: “Vậy cái gì của Cesar thì hãy trả cho Cesar, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa” (Mat 22:21). Ý Ngài nói, những toan tính và lo lắng thế gian không phải là sứ mạng của các Tông Đồ hay của những vị chủ chăn sau này. Khi một thanh niên đề nghị Ngài đứng làm trọng tài chia chác gia tài. Ngài nói với anh ta: “Này anh, ai đặt Ta làm quan tòa hoặc người chia gia tài cho các ngươi?” (Luc 12:14).
 
Hiểu như vậy để biết rằng bổn phận của các chủ chăn trong Giáo Hội là lo chăm sóc và bảo vệ đời sống tâm linh, giá trị tinh thần của người giáo dân. Tuy nhiên, cũng không hẳn là các ngài bỏ mặc hoặc coi thường những giá trị nhân bản, nhân sinh và nhân quyền. Tôi cho rằng anh bạn của anh chưa có dịp đọc và theo dõi những sinh hoạt của Giáo Hội về các vấn đề liên quan đến xã hội, tôn giáo, ngay cả chính trị (hiểu theo ý nghĩa đúng nhất của nó). Anh bạn của anh không thấy Đức Giáo Hoàng đến thăm nhiều quốc gia, và các vị nguyên thủ các quốc gia đến Vatican đó sao? Chỉ cần anh bạn đó nhìn vào những sinh hoạt của Giáo Hội qua những công tác bác ái, xã hội, những việc cứu trợ và trợ giúp ở các quốc gia nghèo túng, kém mở mang, cũng như ảnh hưởng của Giáo Hội trên các quốc gia và trên chính trường quốc tế thì sẽ biết ở đó Giáo Hội và các chủ chăn đang làm gì? Đâu cần phải xuống đường đòi đất mới là quan tâm đến giáo dân? Và tài sản Giáo Hội là gì? Chắc không chỉ là mấy chục mẫu đất, hay dăm ba cở sở vật chất. Tài sản của Giáo Hội chính là đời sống tinh thần của các giáo dân, là tự do tôn giáo.
 
3/ Khi Chúa Giêsu bị đóng đinh chịu chết, các Thánh Tông Đồ như rắn mất đầu bỏ chạy tán loạn vì sợ quân dữ bắt. Sao Chúa không làm gì cả?
 
Đây là một lý luận hơi ấu trĩ và thiếu trưởng thành. Theo người bạn anh, chắc Chúa phải xuống khỏi thập giá, tát cho mấy thằng quân dữ mỗi đứa một cái, rồi gọi tất cả các Tông Đồ về nhà mắng cho một trận mới là Chúa sao?
 
Nhưng ai là quân dữ? Những kẻ đóng đanh Ngài hay ngay cả chính mỗi người chúng ta. Vì cái lý do mà Ngài chịu đóng đanh không gì khác hơn là do tội lỗi của nhân loại, tội lỗi của mỗi người. Còn các Tông Đồ bỏ chạy thì sao? Cá nhân anh bạn cũng đang bỏ chạy đó mà!
 
Vả lại nếu Chúa không làm như Ngài đã làm thì bây giờ anh bạn kia, tôi, và anh lấy gì để trả lời cho hằng trăm, ngàn, vạn, triệu những bất công, những đau khổ đang xảy ra cho chính mỗi người chúng ta và cho nhân loại trong đời sống thường ngày đây? Chính sự im lặng và cái chết của Ngài là một mầu nhiệm. Tự nó đã trả lời và cũng chỉ có nó mới trả lời được mọi cái mà chúng ta cho là bất công trên trái đất này.
 
4/ Hiện nay Kitô hữu không ở vào thời kỳ như các thánh tử vì đạo nhưng bị ngăn cấm đạo tinh vi hơn. Những tiếng nói bênh vực công lý đều bị bịt miệng lại và cô lập khỏi xã hội.
 
Ai bịt miệng những tiếng nói bênh vực công lý? Anh bạn của anh nên nói thẳng với những kẻ bịt miệng chứ sao lại đổ thừa cho Chúa và Giáo Hội? Giáo Hội là mỗi người Kitô hữu trong đó có anh bạn đó nữa! Giáo Hội đâu phải là Đức Giáo Hoàng, Hàng Giáo Phẩm hay các linh mục. Lại nữa, anh bạn của anh đã theo dõi và biết gì về những hoạt động và những nỗ lực mà Giáo Hội đã và đang làm để bênh vực cho nhân quyền, cho công lý, cho hòa bình, cho tự do, nhất là tự do tôn giáo trên khắp thế giới. Nếu chưa biết hoặc mới chỉ biết sơ qua về những hoạt động này thì đừng vội nghĩ rằng Giáo Hội đã “im tiếng” hay Giáo Hội đang đứng về phía những kẻ “bịt miệng” những tiếng nói vì lương tâm.
 
5/ Làm gì có Thiên Đàng. Chết rồi ai cũng một lỗ huyệt như nhau.
 
Để hiểu được thế nào là một chọn lựa đúng và cần thiết cho cuộc sống: cuộc sống hiện tại và cuộc sống mai sau, tôi cũng như người “Giáo Dân Hoang Mang” hoặc ngay cả “người bạn” kia cần hiểu kỹ câu chuyện mà Thánh Tôma Tiến Sĩ đã dùng để dẫn chứng như sau:
 
Hãy coi như tôi và anh đang làm một cuộc thách đố: Có sự sống đời đời hay không có nó. Và cả hai đều cố gắng thuyết phục đối phương của mình tin hoặc không tin điều đó. Nhưng theo Thánh Tiến Sĩ Tôma thì cứ coi như là có và không có đời sau. Nhưng nếu không có đời sau thì tôi, anh được gì và mất gì? Và nếu như có đời sau thì tôi, anh được gì và mất gì???
 
Vậy nếu như đời này là cuộc đời duy nhất thì bất quá tôi là người tin vào đời sau cũng chỉ chịu thua thiệt ít ra là mấy chục năm, dài lắm là 100 năm. Nhưng cũng chưa hẳn là thua thiệt hoàn toàn, vì niềm tin cũng đem lại cho tôi những giá trị sống và hạnh phúc riêng của nó. Và anh là người không tin đời sau cũng chưa hẳn được hoàn toàn hạnh phúc, vì sẽ chẳng có ai hoàn toàn hạnh phúc ở cõi đời này cả. Như vậy, nếu có thua hay được cũng chỉ là giới hạn và còn tùy vào hoàn cảnh của mỗi con người và mỗi cuộc sống.
 
Nhưng sau khi chết, nếu như có sự sống đời đời thì vấn đề sẽ không đơn giản và ngừng lại ở ngưỡng cửa sự chết. Sẽ có một đời đời hạnh phúc và một đời đời đọa đầy mở ra trước mắt.
 
Vậy tin vào đời sau vẫn là khôn ngoan hơn. Vì nếu thua thì cũng chẳng thua gì lắm, nhưng nếu mất sự sống đời đời thì đó mới là điều đáng cho ta phải suy nghĩ.
 
Đây cũng là câu trả lời của Pascal về việc tin nhận có Chúa, có đạo: “Tôi có đạo, anh không có đạo. Đời này chưa chắc anh bằng tôi. Nếu sau khi chết không có Chúa tôi cũng bằng anh. Nhưng nếu có Chúa thì chắc chắn là anh thua tôi.”
 
Tóm lại, nếu đúng như người bạn anh đã nói “theo đạo mà người thầy là Chúa Giêsu chỉ thấy thiệt thòi”, thì chỉ là thiệt thòi theo với những gì anh ta nghĩ, và những gì anh ta đang nhìn thấy trước mắt. Và câu hỏi riêng cho người bạn ấy là: “Vậy từ khi anh bỏ không theo đạo thì đã thấy bớt thiệt thòi gì chưa? Nếu có thì đó là những cái gì?”…’
 
Phần anh, Người Giáo Dân Hoang Mang, anh cố gắng sống đạo với đức tin trưởng thành, và cầu nguyện thêm cho bạn của mình.
 
Trong Đức Tin,
 
Người phụ trách: Trần Mỹ Duyệt

Tác giả: Trần Mỹ Duyệt

Nguồn tin: www.giadinhnazareth.org

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập1,064
  • Hôm nay184,622
  • Tháng hiện tại1,550,466
  • Tổng lượt truy cập58,836,335
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây