Sự kiện năm 2010: Hội Ngộ Trùng Dương Gia đình CCS Huế Hải ngoại. Phần 2.

Thứ tư - 29/12/2010 08:51
Qua bảy thập niên, lần đầu tiên một cuộc Hội Ngộ qui tụ hơn một trăm thành viên của ba Chủng Viện nối tiếp nhau thuộc Tổng Giáo Phận Huế. Đó là: An Ninh (AN: 1953 trở về trước), Phú Xuân (PX: 1953-1962) và Hoan Thiện (HT: 1962-1979).

HỘI NGỘ TRÙNG DƯƠNG

Phần 2.

HƯƠNG VĨNH
Đỗ Tân Hưng AN49 

III.- LỄ GIỖ NĂM THỨ TÁM – TÔI TỚ CHÚA ĐỨC CỐ HỒNG Y PHANXICÔ XAVIE NGUYỄN VĂN THUẬN –

Đ. Ô. PETER NGUYÊN QUANG CHỦ TÊ –LM HỒ KHANH GIẢNG LỄ  (SÁNG CHÚA NHẬT – 19/9/2010)

Hôm nay cũng cầu cho các bậc Ân Sư, các anh em cựu chủng sinh Huế qua đời.

 (Đ.Ô. Peter Nguyễn Quang dâng Thánh Lễ sáng Chúa nhật 19/9/2010)

A/- Tiểu sử LM Hồ Khanh (HT72).

Cha Hồ Khanh sinh tháng 8/1960, tại Tân Mỹ, Thừa Thiên và vượt biên sang Hoa Kỳ tháng 3/1981, gia nhập giáo phận Beaumont, Texas.

- Năm 1986, ngài nhận bằng cấp Triết Học ở University of Dallas và năm 1990 Master of Divinity tại Mundelein Seminary, Chicago.

- Ngài nhận lãnh chức linh mục ngày 30/6/1990.

- Năm 1991, ngài lãnh bằng cấp Cử Nhân Thần Học Tín Lý (Licenciate of Sacred Theology – S.T.L.) tại University of The Lake, Chicago và năm 2000 Cử Nhân Giáo Luật (Licenciate of Canon Law – J.C.L.). Ngài là một trong hai linh mục thuộc giáo phận Beaumont có cả hai bằng cấp S.T.L. và J.C.L.

- Hiện tại ngài là chánh xứ Giáo Xứ St. Louis từ 2000 đến nay.

- Ngoài ra ngài còn là Hạt Trưởng Hạt Miền Tây (Western Vicariate) là một trong năm giáo hạt của Giáo Phận nầy. Ngài còn là Chairman Hội Đồng Linh Mục (Presbyteral Council), thành viên Hội Đồng Tư Vấn (College of Consultors) và Thẩm Phán Toà Án Hôn Phối (Tribunal Judge) từ 2000 đến nay.

B/- Bài giảng

1/- “Con cái thế gian thì khôn ngoan hơn con cái sự sáng!

Câu nói của Chúa Giêsu làm tôi nhớ lại một câu chuyện thú vị về Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, trong chuyến viếng thăm đầu tiên của ngài tới cộng đoàn Công Giáo VN tại Chicago khoảng năm 1993. Linh mục quản nhiệm của Cộng đoàn nầy là cha Phêrô Trịnh Thế Hùng, là cựu bí thư của ngài khi ngài còn là giám mục Nha Trang.

Trong tiệc mừng và phần văn nghệ giúp vui, anh M.C. có nói đùa như thế nầy: “Kính thưa Đức Cha, con là cựu chủng sinh Long Xuyên. Con cũng muốn làm linh mục lắm, nhưng Chúa không chọn con! Thật sự ra, mấy đứa bạn con cũng thường an ủi với nhau rằng: Mấy đứa thông minh thì… tu xuất, đạo đức thì chết sớm, khù khờ thì ở lại làm… cha!  Con không biết là Đức Cha nghĩ như thế nào về câu nói đó?” Đức cha Thuận, với tính hóm hỉnh cố hữu của ngài, đã “sửa lưng” anh bạn M.C. như sau: “Nếu khù khờ ở lại làm cha, tôi là Đức cha nên chắc chắn tôi là thằng… rất khù khờ!!!”

Linh mục bao giờ cũng bị mang tiếng là “dại khờ” trước con mắt thế gian. Chính vì thế mà đã có bài hát nỗi tiếng kia đã than lên rằng, “người ơi! Một linh mục rất dại khờ!”

2/- Vài nét chấm phá về cuộc đời của Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận

Có một lần, nhà văn nỗi tiếng Mark Twain tranh luận về hôn nhân với một người theo Đạo Mormon. Người nầy mới hỏi nhà văn rằng, “Anh hãy cho tôi biết là đoạn nào trong Phúc Âm ngăn cản việc không được lấy nhiều vợ?” Nhà văn dí dỏm trả lời rằng, “Chuyện đó quá dễ. Anh không có nghe Chúa Giêsu đã nói là ngươi không được làm tôi hai chủ đó sao?

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu nói rõ ràng rằng: “Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ nầy và mến chủ kia, hoặc phục vụ chủ nầy và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được!”

Bài Phúc Âm và bài đọc thứ I hôm nay làm cho tôi nhớ đến hình ảnh thân thương của vị ân sư đáng kính của chúng ta, một người mà suốt cuộc đời luôn trung thành với một người chủ duy nhất đó là Thiên Chúa; một người mà suốt cuộc đời luôn thiết tha tranh đấu cho Hòa Bình và Công Lý, như là hoài bão và hy vọng của ngài. 

3/- Bài đọc I của tiên tri Amos

Tiên tri Amos đã không ngần ngại nói với chúng ta rằng: Thiên Chúa lên án sự bất công mà con người dành cho nhau! Bài đọc I diễn tả một tình trạng đã xảy ra cách đây trên 2.700 năm. Israel lúc đó đang trải qua thời kỳ thịnh vượng. Nhưng chính sự giàu có lại làm cho người ta xa Chúa. 

Tiền của làm họ ghét những ngày thánh, những ngày Sabbath, bởi vì trong những ngày nầy, họ không thể làm việc để kiếm thêm tiền. Họ trông cho những ngày nầy chóng qua, để rồi lại tiếp tục làm giàu cách bất chính với người khác! 

Họ dùng 2 loại cân khác nhau (ephah và shekel) để cân hàng hóa của họ, lúc mua và lúc bán, và lúc nào phần lợi cũng thuộc về họ! Họ còn để lẫn lộn lúa mục nát vào những thùng lúa mạch mà họ bán ra. Và Thiên Chúa đã nói với họ: “Ta sẽ lãng quên tất cả việc chúng làm!”

4/- Bài Phúc Âm

Mới thoạt đầu nghe qua, chúng ta có cảm tưởng như là Chúa Giêsu tán đồng cách xử sự của người đầy tớ bất lương. Ngài bảo, “chủ khen người  đầy tớ bất lương đó đã hành động cách khôn khéo!”

Thật ra, Chúa Giêsu muốn cho chúng ta thấy rằng, nếu chỉ vì cuộc sống hư nát nầy mà con người đã phải toan tính và luồn lách nhiều chuyện để được phần lợi cho mình; thì chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn trong việc tìm kiếm Nước Trời! Hãy dùng những khả năng Chúa ban cho ta để mang lại hạnh phúc, bình an và công lý cho nhau, bởi vì đó chính là tấm vé chắc chắn cho chúng ta tìm gặp Ngài trong cõi vĩnh phúc sau nầy! Hãy nên thánh trong tất cả mọi hoàn cảnh và trong mọi giây phút hiện tại!

5/- Đức Hồng Y Thuận và Bill Gates

Nói tới đây, tôi lại chợt nhớ tới một cuộc tranh luận hy hữu khác đã xảy ra giữa nhà tỷ phú Bill Gates và Đức Hồng Y tân cử Phanxicô Xavie, ngồi đối diện nhau tại Tòa Nhà Quốc Hội Ý vào ngày 31/1/ 2001. Đức Hồng Y tân cử và nhà tỷ phú, cùng với nhiều chính khách Ý đã được mời tham dự thảo luận đề tài “Hệ quả của nền Kinh Tế Internet là gì?” 

 

Thoạt đầu, đa số 2000 tham dự viên dường như đã chú tâm đến ông tỷ phú 45 tuổi lúc ấy, hơn là Đức Hồng Y tân cử người Việt Nam có dáng dấp kín đáo đã 72 tuổi với 13 năm trong lao tù Cộng Sản! Nhưng càng về sau, mọi sự chú ý dường như chỉ dồn về cho vị Hồng Y tân cử đáng kính mà thôi!

Lập trường của Bill Gates có thể tóm tắt như sau: Khoa học điện toán với những thành công vang dội sẽ điều kiện hóa, hay xa hơn nữa là sẽ định hình hóa con người trong tương lai. Trong khi đó, Đức Hồng Y tân cử Phanxicô Xavie lại cho rằng, con người phải là chủ thể của toàn bộ đời sống và phẩm giá của mình. Kỹ thuật chỉ là phương tiện để giúp con người đạt tới hạnh phúc và những hoài bão của mình. Đồng thời, kỹ thuật không thể được sử dụng như là một phương tiện để làm giàu bất chính bằng cách vắt cạn tài nguyên và nhân lực của các nước nghèo. Đây là quan niệm tiêu biểu của các tôn giáo, đặc biệt của Tòa Thánh Vatican về vấn đề toàn cầu hóa!

Rõ ràng là Đức Hồng Y tân cử đã dùng diễn đàn riêng của mình để gởi đến một thông điệp mạnh mẽ cho các nước Tư Bản cũng như Cộng Sản, cũng như các nước chỉ biết chạy theo văn minh vật chất và kỹ thuật, nhưng lại quên đi tình người! Thông điệp của ngài phảng phất đâu đây ánh sáng của Tin Mừng đang cố dập tắt bóng tối ích kỷ, nhỏ nhen của nhân loại. Thông điệp của ngài đã được thai nghén, nhào nặn, và tích lũy qua những ngày tháng tù ngục và trong cả cuộc sống của ngài. Quả là một di sản lớn lao và quý báu mà vị Hồng Y khả kính đã để lại cho chúng ta. 

6/- Năm chiếc bánh và hai con cá:

Quả vậy, trong tất cả mọi hoàn cảnh sống, ngài luôn đề cao phẩm giá của con người.  Ngài đề cao Hy Vọng. Ngài kêu gọi Tha Thứ và Yêu Thương. Ngài tranh đấu cho Công Lý và Hòa Bình. Sức mạnh của ngài chính là Chúa Kitô, Phép Thánh Thể và Mẹ Maria.  Ngài tóm gọn lương thực thiêng liêng của ngài trong cuốn sách nhỏ “Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá,” mà thiết nghĩ, có được chừng nầy thôi, chúng ta cũng đã dư đầy lương thực trên con đường về Nước trời.

- Chiếc Bánh thứ nhất:  Sống phút hiện tại

Châm ngôn nên Thánh của ngài! Thay vì chờ đợi ngày được phóng thích, từ trong phòng biệt giam, ngài đã xác tín rằng, “tôi sẽ không chờ đợi. Tôi sống phút hiện tại và làm cho nó đầy tình thương!”

- Chiếc Bánh thứ hai: Phân biệt giữa Chúa và việc của Chúa!

Chọn Chúa trước, mọi công việc và chức vụ chỉ là thứ yếu. Trong sự cô đơn vô vọng của chốn lao tù, dần dần ngài đã xác tín mạnh mẽ để có thể thốt lên rằng, “tại sao con quẫn trí, hoang mang như thế làm gì? Con phải biết phân biệt giữa Chúa và công việc của Chúa.  Những gì con đã làm… tất cả những công tác ấy đều là những công việc tốt lành, là việc của Chúa nhưng không phải là Chúa! Nếu Chúa muốn con trao tất cả các việc ấy trong tay Ngài, con hãy làm ngay, và hãy tin tưởng vào Ngài.  Chúa có thể làm tốt hơn con muôn ngàn lần.  Ngài có thể trao việc của Ngài cho những người tài đức hơn con.  Hãy chọn một mình Chúa thôi, chọn Thánh Ý Chúa chứ đừng chọn việc của Chúa!”

- Chiếc Bánh thứ ba: Cầu nguyện! 

Ngài đã viết rằng “Hoạt động mà không cầu nguyện là vô ích trước mặt Chúa.  Máy móc tự động có thể làm tốt hơn con!” Đức Hồng Y còn dí dỏm viết rằng: “Những lúc tôi không còn sức để đọc nỗi dù là một kinh, tôi lập đi lập lại: “Giêsu có con đây!” Tôi cảm thấy như Chúa Giêsu trả lời, “Thuận ơi!  Có Giêsu đây!” Tôi lại vui vẻ bình an! Hãy cầu nguyện trong tất cả mọi hoàn cảnh!

- Chiếc Bánh thứ tư: Phép Thánh Thể

Mỗi ngày, từ bàn tay của ngài, với ba giọt rượu và một giọt nước, ngài đã dâng Thánh Lễ.  Ngài đã gọi bàn tay của ngài là bàn thờ và cũng là nhà thờ Chính Toà của ngài! Chính Phép Thánh Thể đã mang lại cho ngài sức mạnh thiêng liêng vượt qua bao nhiêu gian nan và đau khổ trong chốn lao tù!

- Chiếc Bánh thứ năm: Yêu thương cho đến hiệp nhất

Ngài kể những kinh nghiệm cảm hóa lính cai tù của ngài khiến chúng ta phải bật cười. Ngài dạy tiếng Latin cho họ. Một anh cai tù khoái bài “Veni Creator Spiritus” và nhờ ngài chép ra cho anh ta để học thuộc lòng. Thế rồi, mỗi buổi sáng khoảng 7 giờ, anh ta chạy xuống thang gỗ, ra sân tập thể dục, rồi múc nước tắm, vừa tắm vừa hát bài “Veni Creator Spiritus!” Ngài đã viết rằng, “tôi không thể diễn tả được hết sự xúc động của tôi khi ở trong một nhà tù cộng sản mà lại nghe chính người lính canh giữ mình hát bài Veni Creator Spiritus…” Ngài đã cầu nguyện theo tiếng hát của anh cai tù! 

Một anh quản giáo thứ hai, anh nầy lại thích bài “Ngày vinh phước hôm nay, hát mừng Tôma Thiện” và nhờ ngài tập cho anh ta bài hát nầy! Ngài nói rằng tiếng hát ngân nga của anh đã giúp ngài cầu nguyện và đã nhắc nhở ngài can đảm chịu khó: “Ôi cái chết đẹp thay! Trên cổ một vòng dây, cái vòng dây yêu mến buộc lòng tớ theo Thầy.”

Hết Bánh thì tới Cá.  Đức Cha Thuận đề cập tới:

- Con Cá thứ nhất: Mẹ Maria Vô Nhiễm

Ngài nói Mẹ Maria chính là tình yêu thứ nhất của ngài. Ngài có một lòng mộ mến Đức Maria Vô Nhiễm thật kỳ lạ!

- Con Cá thứ hai: Tôi chọn Chúa

Ngài đã lập lại câu nói của chị Chiara Lubich, người sáng lập Phong Trào Focolare. Chị đã để lại một câu nói lạ lùng như sau: “Tôi không nghĩ đến việc lôi kéo ai theo tôi, tôi chỉ biết hết lòng theo Chúa Giêsu, rồi người khác sẽ theo tôi!”

Quả thật cuộc sống của cố Hồng Y đã nói lên được điều đó. Ngài theo Chúa và ngài đã để lại cho chúng ta một linh đạo vững vàng và quý báu cho đời sống thiêng liêng của chúng ta.

7/- Tâm tình tri ân

Trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta tri ân ngài, vị ân sư đáng kính của chúng ta. Chúng ta cầu xin để ngày Lễ Mở Án Phong Chân Phước cho ngài ngày 22/10 tới đây tại Roma sẽ được mọi sự tốt lành! Cầu xin cho ngày mà ngài được Giáo Hội toàn cầu tuyên phong hiển thánh cũng sẽ không còn bao xa nữa!

Trong Thánh Lễ nầy, chúng ta cũng nhớ tới các bậc ân sư khác của chúng ta, còn sống hay đã qua đời, những vị thầy đã bỏ nhiều công sức dạy dỗ chúng ta nên người và đã giúp cho chúng ta có được chỗ đứng ngày nay, trong Giáo Hội cũng như giữa lòng xã hội! Hãy đốt lên một nén hương lòng để tôn kính các bậc ân sư của chúng ta và hãy tiếp tục cầu nguyện cho các ngài! 

Chúng ta cũng nhớ đến các anh em cựu chủng sinh đã ra đi trước chúng ta. Tất cả những người nầy, không nhiều thì ít, qua sự hiệp thông huynh đệ của ba nhà An Ninh – Phú Xuân – Hoan Thiện, cũng đã tác động và ảnh hưởng phần nào đến cuộc sống tâm linh của chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các linh hồn của quý anh em được sớm hưởng mặt Chúa!

8/- Giây phút hiện tại

Phần chúng ta, hãy cố gắng sống trọn vẹn giây phút hiện tại, đó chính là bí quyết nên Thánh của nhiều người. Sống trọn vẹn và tín trung trong mọi giây phút và trong mọi công việc. Lời Chúa nhắc nhở cho chúng ta vẫn còn đó, qua bài Phúc Âm hôm nay: “Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối trong việc lớn!” Hay như lời nhắn nhủ của mẹ Thánh Têrêsa thành Calculta: “Chúa không cần chúng ta thành công, nhưng chỉ cần chúng ta trung tín!”

Cầu xin hương hồn của cố Hồng Y Phanxicô Xavie và các vị ân sư, cũng như các người anh em đã ra đi trước chúng ta, luôn phù hộ để chúng ta luôn được trung tín với Chúa trong cuộc lữ hành trần gian nầy! Xin được kết thúc bài chia sẻ hôm nay bằng chính những câu nói thời danh của Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavie:

Lạy Chúa!  Con không đợi chờ,
Con quyết sống phút hiện tại
Và làm cho nó đầy tình thương,
Vì chấm nầy nối tiếp chấm kia,
Ngàn vạn chấm thành một đường dài.
Phút nầy nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống.
Chấm mỗi chấm cho đúng, đời sẽ đẹp.
Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh.
Đường hy vọng do mỗi chấm hy vọng.
Đời hy vọng do mỗi phút hy vọng.
Như Chúa Giêsu, trọn đời đã làm đẹp lòng Đức Chúa Cha,
Mỗi phút giây con muốn làm lại với Chúa,
“Một Giao Ước mới, giao ước vĩnh cữu”
Con muốn cùng Hội Thánh hát vang:

Vinh danh Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.
Alleluia!  Alleluia! Alleluia!

IV.- SUY NIỆM VỀ LINH ĐẠO CỦA ĐỨC CỐ HỒNG Y PHANXICÔ XAVIE NGUYỄN VĂN THUẬN –

Đ. Ô. PHÊRÔ NGUYỄN QUANG (CHIỀU CHÚA NHẬT – 19/9/2010

A.- Tiểu sử Đức Ông Phêrô Nguyễn Quang (HT72)

Cha Phêrô Nguyễn Quang (Tổng Giáo Phận Denver, Colorado) được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI ban tước vị ĐỨC ÔNG ngày 07/07/2009.

Đức Ông Phêrô Nguyễn Quang xuất thân Giáo Phận Đà Nẵng, Việt Nam.

- 1975: Chủng Viện Hoan Thiện – Huế.

- 1980: Trại Tỵ Nạn Pulau Tangah, Malaysia.

- 1982: Chủng Viện Conception Seminary College, Conception, Missouri.

- 1886: Chủng Viện St. Thomas Theological Seminary, Denver, Colorado.

- 1990: Thụ Phong Linh Mục – 30/6/90 – Tổng Giáo Phận Denver, Colorado.

- 1990-1994: St. Vincent dePaul Church and School, Parochial Vicar.

- 1994-1995: Immaculate Heart of Mary Parish, Parochial Vicar.

- 1995-1997: Notre Dame Catholic Church and School, Parochial Vicar.

- 1997-2008: Pastor of St. Mary Catholic Church, Greeley, Colorado.

- 2001: Founder of St. Mary's Catholic School.

- 2008: Doctor of Ministry, Graduate Theological Foundation, Indiana.

- 2008-present: Pastor of Our Lady of Lourdes Parish and School, Denver, Colorado.

- 2009-present: Formation Advisor at St. John Vianey Seminary, Denver, Colorado.

Địa Chỉ:

Our Lady of Lourdes Church and School

2200 South Logan Street
Denver, CO 80210

(303) 722-6861 (office)
(970) 396-9631 (Cell)

E-mail: peterquang@att.net

B.- Linh đạo của Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận

1/- Linh đạo Kitô hữu

Khi suy niệm về Linh Đạo của người Kitô Hữu là chúng ta tìm hiểu về “con đường sống đạo” hoặc “phương pháp thực thi đức tin” trong đời sống thường nhật của người Kitô Hữu.

Trong đời sống hiện nay, giữa những chủ thuyết và những trào lưu thực dụng của xã hội, hơn bao giờ hết, nguời Kitô Hữu cần được xác định lại con đường “sống và thực thi đức tin” một cách trưởng thành hơn dưới sự hướng dẫn của Lời Chúa và Giáo Huấn của Chúa Giêsu Kitô qua lời dạy dỗ của Giáo Hội. Đời sống bí tích của người Kitô Hữu chỉ được trưởng thành và sinh nhiều hoa trái ân sủng khi được thông phần và sống trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã xác tín: “Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Gioan 14:6).

Ngày nay, khi con người đang nỗ lực gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống của chính mình, ra khỏi nhận thức và lương tâm của nhân loại, thì Giáo Hội của Mẹ Thánh Người vẫn trung kiên thực hiện sứ mạng “loan báo Tin Mừng Cứu Độ của Thiên Chúa” cho nhân lọai. Tạ Ơn Chúa, giữa những giai đọan hỗn tạp và hoang mang ngày nay, còn có những “Chứng Nhân Tin Mừng” giữa cuộc đời có nhiều phong ba. Một trong những nhân chứng này là Tôi Tớ Chúa, Đấng Đáng Kính, Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận.

Phần chia sẻ sau đây là những suy niệm cá nhân của tôi khi cố gắng tìm hiểu về “Linh Đạo” của Đức cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận trong những lúc cầu nguyện và trong những lúc chia sẻ, học hỏi về đời sống “chứng tá” của Ngài với các phân khoa trong Chủng Viện cũng như ở một số trường đại học.

2/- Xuyên qua những tác phẩm của Ngài, tôi xin được chia sẻ “Đời Sống Linh Đạo của Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận” trong những đề mục sau đây:

- Linh Đạo là Phương Châm Sống Đức Tin của Ơn Gọi;

- Sống Cầu Nguyện – Kết Hợp Mật Thiết Với Lời Chúa;

- Gắn Bó và Nuôi Dưỡng Bằng Bí Tích Thánh Thể;

- Sống Trọn Vẹn Giây Phút Hiện Tại và

- Sống yêu Thương và Kết Hợp với Giáo Hội.

a/- Linh Đạo là Phương Châm Sống Đức Tin của Ơn Gọi

Theo tôi, Thánh Lễ Tấn Phong Giám Mục Nha Trang của Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận với khẩu hiệu “VUI MỪNG & HY VỌNG” (Gaudium et Spes) – một trong những Hiến Chế Mục Vụ của Công Đồng Vatican II (1965) – đã trở nên phương châm sống đức tin của Ngài trong trách nhiệm của Vị Mục Tử – Giám Mục Giáo Phận Nha Trang. Tất cả đời sống nhân đức của Ngài – từ lúc còn bé thơ cho đến cuối đời tại dương thế – được kết trái với châm ngôn này: luôn luôn sống vui mừng và tràn đầy hy vọng nơi Thiên Chúa.

VUI MỪNG

Song các ngươi chớ mừng vì ma quỷ phải lụy phục các ngươi, nhưng hãy vui mừng vì tên các ngươi đã được ghi ở trên trời” (Luca 10: 20). Vui mừng trong Chân Lý và Sự Thật. Vui mừng vì Đấng Cứu Tinh đã hạ sinh làm người (mầu nhiệm nhập thể) cho con người và sống giữa con người. Vui mừng vì Giêsu Con Thiên Chúa đã chết trên Thánh Giá làm giá cứu chuộc nhân loại khỏi chết muôn đời (mầu nhiệm cứu chuộc). Vui mừng vì Chúa Giêsu Kitô đã sống lại từ cõi chết (mầu nhiệm phục sinh), là Thiên Chúa, là trưởng tử của đời sống mới (bí tích rửa tội). Vui mừng vì nhân loại được kêu gọi và nâng lên đời sống làm con cái Thiên Chúa và được gọi Thiên Chúa là Cha, alba!

Vui mừng vì “từ nay, Ta không còn gọi các ngươi là tôi tớ”. Ta đã gọi các ngươi là bạn hữu, vì mọi điều Ta đã nghe nơi Cha Ta, Ta đã tỏ cho các ngươi biết. “Vì không phải các ngươi đã chọn Ta, nhưng chính Ta đã chọn các ngươi” (Gioan 15: 15-17). Vui mừng vì trong “tình yêu của Thầy”, sự vui mừng của các ngươi được nên trọn (Gioan 15:11). Vui mừng vì khi sống và kết hợp với Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô, Con Một Yêu Dấu của Ngài, chúng ta tuy sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Vui mừng vì chúng ta còn có một trách nhiệm “thánh hóa” thế gian bằng chính đời sống yêu thương trong sự thật để hoa trái của Công Lý và Hòa Bình được tồn tại. Hơn hết, vui mừng vì “thế gian đã nhận biết rằng Cha đã sai Con” (Gioan 17: 21).

Tóm lại, vui mừng vì mỗi một người Kitô Hữu đang được thông phần vào Sự Sống Đời Đời của Con Thiên Chúa, Thánh Tử Phục Sinh – được sai đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân (Mt. 28: 19-20) bằng chính đời sống đức tin – trong tin yêu và hy vọng – như  Chúa Kitô đã sống, đã chết, đã sống lại và sẽ trở lại trong vinh quang của Nước Chúa Trị Đến. Ý thức được ơn gọi này, chúng ta cần luôn có hy vọng để “thực thi Ý Chúa”.

HY VỌNG

Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận đã sống trong Hy Vọng. Suốt cả cuộc đời từ khi được thụ thai trong cung lòng của người mẹ cho đến khi phục sinh trong Nước Trời, Ngài đã được nuôi lớn bằng những yêu thương, gương nhân đức của ông bà, cha mẹ, các ân sư trong mọi hoàn cảnh để luôn sống trong hy vọng, trong chân lý, trong công bình và bác ái. Ngài là một chứng nhân tỏ tường bằng chính đời sống tin yêu đối với Giáo Hội Mẹ với tâm hồn thanh thoát, tươi trẻ, vị tha.

Xuyên qua những tác phẩm và những kinh nghiệm mà Ngài đã để lại cho Giáo Hội và cộng đồng nhân loại trên thế giới, chúng ta không thể nào không cảm nhận được ngài đã sống một đời sống tràn đầy hy vọng. Ở trong bất cứ trạng huống nào, ngài vẫn luôn vui tươi, đặt niềm hy vọng vào chính Chúa Giêsu Kitô để sống và để làm chứng nhân rất sống động, rất thật, rất người, với những tâm tình chan chứa niềm vui và rất đơn sơ vì Ngài luôn sống và tìm kiếm Chúa chứ không phải tìm kiếm công việc của Chúa.

Nói cách khác, trong hy vọng, Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận luôn ở cùng Chúa, luôn gặp được Chúa trong mọi giây phút của cuộc đời, kể cả những lúc đau khổ và mệt mỏi nhất trong cuộc đời. Tôi tự hỏi nhiều lần: “Sức mạnh nào, động lực nào đã giúp cho Cha sống trọn vẹn với Chúa và với tha nhân như vậy?” Câu trả lời, đối với tôi, là:

 - ngài đã gặp được Chúa trên đường đi;

 - ngài đã đến và sống với Chúa;

 - ngài vui mừng giới thiệu Chúa cho mọi người và

 - ngài yêu mến Mẹ Maria, yêu tổ quốc Việt Nam, thương yêu mọi người như Chúa Giêsu đã yêu thương.

Nói cách khác, trong hy vọng, Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận là một Chúa Kitô thứ hai. Giống lắm. Giống như cuộc đời của Chúa Giêsu vậy. Nếu nói rằng “Tin Mừng Hy Vọng” là hạt giống được gieo trồng vào thửa ruộng của Đấng Đáng Kính Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận thì hạt giống này đã vươn lên, đã trổ sinh hoa trái bằng chính đời sống chứng nhân hy vọng của Thiên Chúa ban tặng cho con người. Hy vọng ấy chính là tình yêu của Ngài dành cho Chúa. Ngài đã nhìn thấy chân dung của Chúa trong mọi người, trong mọi lúc và mọi nơi.

b/- Sống Cầu NguyệnKết Hợp Mật Thiết Với Lời Chúa

CẦU NGUYỆN

Trước khi bắt đầu công cuộc rao giảng Tin Mừng một cách công khai, trước khi nộp mình chịu khổ hình, Chúa Giêsu đã cầu nguyện thật nhiều và dạy các tông đồ cầu nguyện liên lỉ (Luca 12: 35-37 và Luca 21: 34-36). Trước khi chọn các Tông Đồ, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Thiên Chúa Cha (Gioan 6: 15).

Ký gỉa Hà Minh Thảo, trong một bài viết về Đức cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã nhận định ngài như là một người “Cha” nhân đức, một tấm gương sáng ngời cho quý anh em linh mục, đã viết như sau: Cha có nhắc: “Giáo hội, mà chúng ta là chi thể, chưa bao giờ vang hiển và uy thế như hiện nay, nhưng cũng chưa bao giờ phải đương đầu với một cuộc chiến thiêng liêng kinh khủng như hiện nay. Chúa cần sự cộng tác của chúng ta; chúng ta cần Ơn Chúa, vì 'không có Người, chúng ta không làm gì được'. Muốn được Ơn Chúa, chúng ta phải cầu nguyện. Chúa muốn cho ta thấy lời cầu nguyện quan trọng chừng nào và lịch sử Hội Thánh cũng chứng minh điều ấy: Hội Thánh sinh ra bởi lời cầu nguyện; Hội Thánh thắng thù địch bằng lời cầu nguyện; và Hội Thánh sống nhờ lời cầu nguyện.”

Đức cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã khẳng định một cách mạnh mẽ về sự quan trọng của đời sống cầu nguyện, trích theo lời Thánh Têrêxa Avila: “Ai không cầu nguyện, không cần ma quỷ lôi kéo, sẽ tự mình sa xuống hỏa ngục”. Đi xa hơn một bước, đời sống cầu nguyện được Ngài đúc kết như sau trong tác phẩm “Cầu Nguyện”: “Con nắm một bí quyết: Cầu nguyện. Không ai mạnh bằng người cầu nguyện, vì Chúa đã hứa ban tất cả” Hoạt động mà không cầu nguyện là vô ích trước mặt Chúa. Máy móc tự động có thể làm hơn con. “Vì thế, thứ nhất cầu nguyện, thứ hai hy sinh, thứ ba mới hoạt động.”

Chúa Giêsu cũng đã nhắn gởi các Thánh Tông Đồ và cho mỗi người chúng ta hôm nay và cho toàn thể nhân loại: “Khi các con hiệp nhau cầu nguyện thì Ta sẽ ở giữa các con” (Mt. 18: 20). Một trong những nét nổi bật về đời sống linh đạo của Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận là CẦU NGUYỆN, vì khi sống lời và đời cầu nguyện, ngài đã sống như Chúa Giêsu đã sống: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.

KẾT HỢP MẬT THIẾT VỚI LỜI CHÚA

Qua những giai đọan học tập nhân đức, trau dồi kiến thức từ ngay chính trong gia đình, chủng viện, khi thi hành các sứ vụ và các trách nhiệm, khi sống trong lao tù, bị quản thúc mọi mặt, ngay cả khi phục vụ Giáo Hội với tư cách là Bộ Trưởng Bộ Công Lý và Hòa Bình, và trong những lúc chịu đau đớn vì bịnh lý, Đức Cố Hồng Y vẫn an vui tự tại vì cuộc sống kết hợp tài tình với Lời Chúa: Lời Hằng Sống. Tôi còn nhớ, qua những tài liệu ghi lại từ những bài viết hoặc những bài giảng thuyết, Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận đã từng nói: “Có nhiều vĩ nhân với những tư tưởng sâu sắc, lạc quan, khác người. Họ để lại cho hậu thế những tư tưởng về những triết lý sống trong những liên hệ của nhân sinh quan. Nhưng, lời nói và tư tưởng của họ không ban phát sự sống. Chỉ có Lời Chúa mới có khả năng ban phát Sự Sống đích thực”.

Đúng như thế, Con Thiên Chúa, trong chương đầu tiên của Phúc Âm theo Thánh Gioan đã xác định rất rõ ràng là Chúa Giêsu, Lời của Thiên Chúa Cha, đến trong thế gian để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa cho nhân loại. Quả thật, Chúa Giêsu không những đến trong trần gian để rao giảng Lời Chúa mà chính Ngài là Lời Chúa.

Khi nói về đời sống linh đạo của Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, chúng ta không thể nào bỏ qua một chi tiết rất quan trọng trong đời sống đức tin và trong đời sống nhân chứng hy vọng của ngài là: đời sống kết hợp mật thiết với Lời Chúa, với Chúa Giêsu Kitô, là Lời Hằng Sống. Khi suy ngẫm về Lời Chúa có nghĩa là chúng ta lắng nghe Lời Chúa Giêsu kết hợp với Thiên Chúa Cha: “Song không phải như ý Con, mà là như ý Cha” (Mt. 26: 39). Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavie, qua những chuỗi ngày khi còn sống ở dương thế, đã chứng minh được đời sống của ngài là những chuỗi kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu như thế nào. Vì thế, tôi cũng không ngần ngại để chia sẻ như sau: Sống Lời Chúa và kết hợp với Lời Chúa là một trong những phương châm đời sống linh đạo của Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận.

c/- Gắn Bó và Nuôi Dưỡng Bằng Bí Tích Thánh Thể

Chúng ta được nghe bằng chính lời của Đức cố Hồng Y chia sẻ qua nhiều dịp mà ngài dạy dỗ và chia sẻ trong những buổi tĩnh tâm và trong các đại hội về kinh nghiệm của ngài “Sống Bí Tích Thánh Thể”. Một trong những kinh nghiệm rất sáng tạo và tràn đầy yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể khi cử hành Thánh Lễ với ba giọt rượu và một giọt nước trong lòng bàn tay của ngài. Toàn thể Giáo Hội trên hoàn cầu, nhà thờ Chính Tòa, toàn thể Dân Chúa và Cộng Đồng Nhân Loại đang sống trong ngài và được nuôi dưỡng bởi Bí Tích Thánh Thể. Bí Tích này đã nuôi dưỡng chính ngài và Giáo Hội khi ngài cử hành Thánh Lễ của Chúa Giêsu, hiến tế trên bàn thờ làm giá cứu chuộc muôn người.

Tôi thực sự đã để cho việc cử hành Thánh Lễ mà Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavie đã cử hành cuốn hút tôi trong đời sống Linh Mục của mình. Tất cả phát xuất từ lòng mến và để cho chính Mình và Máu Thánh Chúa trở nên lương thực cho muôn người trên con đường lữ thứ trần gian đang tiến về quê hương Thiên Đàng.

Sách Tông Đồ Công Vụ, chương 2, câu 41 đến câu 47, tường thuật rất ngắn gọn, nhưng rất mãnh liệt và siêu bạo về sức mạnh biến đổi của những người Kitô hữu tiên khởi khi cử hành sự hiệp thông trong việc “bẻ bánh” và “kinh nguyện”. Kết quả của việc cử hành Thánh Lễ của thời sơ khai của Giáo Hội là nhóm người Kitô hữu được sự “mến phục của toàn dân và nhiều người được cứu rỗi mà nên một cùng nhau” (TDCV 2: 46-47). Nhiệm mầu và hoa trái của việc cử hành Bí Tích Thánh Thể là ở điểm này.

Chúng ta tự hỏi hồn mình để trả lời cho việc tham dự Thánh Lễ của chính mình trong đời sống của người Kitô hữu được kết quả và nuôi dưỡng nhau như thế nào? Chúng ta có trở nên giống Chúa Kitô chưa hay chúng ta vẫn không sống yêu thương – công bình và bác ái – như Thánh lễ đã nuôi dưỡng chúng ta? Nếu chưa cảm nghiệm được “hoa trái” của Thánh lễ thì chúng ta chỉ có một câu trả lời chung cho vấn đề này là: chúng ta thiếu lòng mến Bí Tích Thánh Thể và chưa dám sống đời sống Thánh Thể trong từng chuỗi ngày và trong từng hoàn cảnh của chúng ta!

Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận đã cảm hóa được nhiều người sống chung quanh ngài vì “hoa trái nhân đức” của Thánh lễ mà ngài đã cử hành. Ngài đã sống Bí Tích Thánh Thể rất thật và rất tuyệt vời khi những người sống chung quanh ngài, lương dân hay kẻ thù, đều có một mẫu số chung khi trả lời về đời sống kết hợp với Thánh Thể của ngài: Ngài được toàn dân thương mến! Nhiều người đã trở về và được nhận lãnh ơn cứu độ! Và “họ” mỗi ngày được tăng trưởng trong tin yêu và nên một trong Bí Tích Thánh Thể giữa lòng đời!

Thánh Lễ có kết thúc tại Giáo Đường hay trong trại tù tăm tối nhưng hoa trái của Thánh Lễ (Mình và Máu Chúa Giêsu) vẫn được tiếp tục trải dài trên mọi nẻo đường của mỗi người Kitô Hữu. Mình và Máu Thánh Chúa nuôi dưỡng và biến đổi chúng ta trở nên “giống như Chúa” mỗi ngày mỗi rõ nét hơn trong từng hoàn cảnh của mỗi người. Chúng ta cần phải xét mình thận trọng và đứng đắn hơn khi mình vẫn chưa biến đổi giống như Chúa Giêsu. Tại sao? Gương nhân đức và lòng mến của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie khi ngài kết hợp và cử hành Thánh Lễ đã là một câu trả lời rất trong sáng về đời sống linh đạo của ngài.

d/- Sống Trọn Vẹn Giây Phút Hiện Tại

Ý thức và cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa trong từng mỗi cá nhân và trong từng mọi trạng huống của cuộc sống không phải là một điều dễ làm. Nó đòi hỏi một tinh thần trưởng thành, sống phó thác, đối xử nhân hậu và độ lượng với từng cá nhân như Chúa Giêsu đã từng làm và đã từng sống. Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận đã làm được điều này: Ngài đã sống trọn vẹn của từng giây phút hiện tại với niềm cậy trông mãnh liệt vào sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa. Ngài đã trải dài kinh nghiệm sống đạo, sống đức tin này trong tác phẩm “Đường Hy Vọng”. Ngài viết bằng chính đời sống chứng nhân của ngài làm đường cho cuộc sống đức tin như sau:

Tôi không chờ đợi. Tôi sống giây phút hiện tại và làm cho nó đầy yêu thương. Tôi nghĩ rằng tôi phải sống mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút như là giờ cuối cùng của đời tôi. Dẹp bỏ những gì là phụ thuộc, tập trung cả tâm hồn cho những gì là chính yếu. Mỗi lời nói, mỗi tư tưởng, mỗi cử chỉ, mỗi cú điện thọai, mỗi quyết định phải là 'đẹp nhất' của đời tôi. Tôi phải dành cho mỗi người tình yêu của tôi, nụ cười của tôi: tôi phải lo sợ đánh mất một giây phút nào trong đời mình vì đã sống không ý nghĩa. Sống trong tình yêu Chúa cách trọn vẹn, đời con sẽ tuyệt đẹp nếu kết tinh bằng từng triệu giây phút đẹp nhất. Lạy Chúa, con không đợi chờ, con quyết sống phút hiện tại, và làm cho nó nảy tình thương, vì chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đời sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh. Đường hy vọng do mỗi chấm hy vọng. Đời hy vọng do mỗi phút hy vọng. Như Chúa Giêsu, trọn đời đã làm những gì đẹp lòng Chúa Cha. Mỗi phút giây con muốn làm lại với Chúa, “một giao ước mới, một giao ước vĩnh cửu”. Con muốn cùng với Hội Thánh hát vang: Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Alleluia! Alleluia! Alleluia!”

Là linh mục, tôi cũng đã nhận được lời khuyên của Giáo Hội Mẹ Rất Thánh khi dọn mình dâng lễ như sau: “Hỡi Linh Mục của Chúa, Con hãy dâng Thánh lễ này như Thánh Lễ Đầu Tiên, Duy Nhất và Cuối Cùng của Con”. Vì thế, tôi không ngần ngại để nói rằng đời sống linh đạo của Đức cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận là sống từng giây phút trọn vẹn trong tình thương nhiệm mầu của Thiên Chúa.

e/- Sống Yêu Thương và Kết Hợp với Giáo Hội

Đây là Con Mẹ. Này là Mẹ Con” (Gioan 19: 25-27). Sống yêu thương và kết hợp với Giáo Hội là sống trọn vẹn lời ủy thác của Chúa Giêsu cho từng “chi thể nhiệm mầu”  của Chúa Kitô trong Giáo Hội. Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận rất yêu mến Đức Mẹ Maria và các con cái của Đức Mẹ là Giáo Hội. Qua Giáo Hội, Mẹ Rất Thánh của Đức cố Hồng Y, ngài luôn luôn yêu thương và chăm sóc con cái nhân loại. Cụ thể hóa hơn, nét đặc thù của đời sống linh đạo của Đức cố Hồng Y Phanxicô X avie Nguyễn Văn Thuận là sống yêu thương và luôn kết hợp với Giáo Hội để “loan báo, giảng dạy và thánh hóa” nhân loại được nhận biết Thiên Chúa và sống theo đường lối của Thiên Chúa mời gọi con người bước vào và lên đường. Giáo Hội luôn được kêu mời để loan truyền và dạy dỗ về Chúa Giêsu Kitô, là “Đường ngay nẻo chính, là Sự Thật và Sự Sống” cho nhân lọai. Từ trọng tâm này, con người tìm về nguồn Chân Lý, nguồn Yêu Thương và là cội nguồn của Sự Sống là chính Chúa.

Nói cách khác, nếu mỗi người trong đời sống linh đạo (sống đức tin) mà đặt nền tảng vào tình yêu và sự sống là chính Chúa thì nhân loại sẽ được thăng hoa, đơm bông và kết trái trong mọi khía cạnh của cuộc sống con người, bao gồm trong mọi lãnh vực kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, tôn giáo. Giáo hội có lúc trải qua những chiều dài của yếu đuối, vấp phạm của con cái mình, nhưng vẫn trung thành với Chân Lý và cố gắng sống đời sống và trung thành với căn tính của mình là “Loan Báo Tin Mừng Ơn Cứu Độ” cho muôn dân. Vì thế, sống yêu thương và kết hợp với Giáo Hội là điều căn bản cho từng chi thể nhiệm mầu của Chúa Kitô trong trần gian.

Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận đã yêu mến Giáo Hội và sống trọn vẹn với căn tính của mình trong đời sống yêu thương và thánh thiện của Mẹ Rất Thánh. Vì thế, sống đời sống đức tin hay sống đời sống linh đạo của Đức cố Hồng Y là luôn luôn yêu mến và kết hợp trọn vẹn với Giáo Hội là Mẹ Rất Thánh của mỗi người Kitô Hữu chúng ta vậy.

Thay lời kết của một vài nét suy tư về “linh đạo của Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận”, tôi xin được tóm tắt trong lời kinh ngàn đời của Giáo Hội và của mỗi người chúng ta: “Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen. ”

Tất cả là lòng mến, là đức ái, là yêu thương, phục vụ, kính trọng, chăm sóc và nuôi dưỡng nhiệm thể Chúa Kitô bằng tất cả chân tình đơn sơ, phó thác và sống trong vui mừng và hy vọng như  Đức Hồng Y, Bậc Đáng Kính Phanxicô Xavie Nguyễn văn Thuận, đã sống và đã là chứng nhân của Chúa Giêsu Phục sinh trong đời sống của chính ngài để Danh Chúa được cả sáng và Nước Chúa được trị đến. Cúi xin Thiên Chúa chúc lành và thánh hóa chúng con và dám xin cho Bậc Đáng Kính Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận sớm được tôn kính trên Bàn Thánh của Giáo Hội, Mẹ Rất Thánh của ngài.

V.- CHỦNG VIỆN HUẾ QUA NHỮNG BƯỚC THĂNG TRẦM - Bài nói chuyện của anh Nguyễn Cần.

Chiều thứ bảy (18/9/2010), anh Nguyễn Cần – bút hiệu Lữ Giang – đã trình bày đề tài “Chủng Viện Huế qua những bước thăng trầm” như sau:

Trong bước khỏi đầu, lãnh thổ Giáo Phận Huế hiện nay thuộc Giáo Phận Đàng Trong. Ngày 27/8/1850 Đức Giáo Hoàng Pio IX đã ban hành Sắc chỉ Postulat Apostolici thành lập Giáo Phận Bắc Đàng Trong từ nam sông Gianh đến đèo Hải Vân, và bổ nhiệm Đức Cha Pellerin làm Giám Mục. Năm 1851, Đức Cha Pellerin nhậm chức. Ngài đặt Tòa Giám Mục tại Di Loan.

Di Loan là một giáo xứ nằm trên Cửa Tùng, thuộc tổng Hiền Lương, Phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Hàng Giáo sĩ lúc đó chỉ có: 2 Linh mục Thừa Sai Pháp là Cha Sohier ở Di Loan và Cha Galy ở Kẻ Sen; 12 Linh mục Việt Nam, quá nửa đã già yếu, bệnh tật, và khoảng 24.000 giáo dân.

Đến năm 1924 Giáo Phận Bắc Đàng Trong được đổi tên thành Giáo Phận Huế.

Trước khi trở thành Giáo Phận Bắc Đàng Trong, các giáo sĩ thừa sai cũng đã thành lập các chủng viện trong phạm vi Giáo Phận Huế hiện nay để đào tạo các linh mục, đặc biệt là chủng viện An Vân ở Huếchủng viện Di Loan ở Quảng Trị.

Từ năm 1665, các thầy đại chủng viện được gởi qua học tại Đại Chủng Viện Holy Angels ở Ayuthia, Thái Lan. Vì các cuộc chính biến, năm 1770, các thầy được dời qua Pondicherry, Ấn Độ, và năm 1808 lại dời đến Đại Chủng Viện Pénang ở Mã Lai, một thuộc địa của Anh từ 1786.

Kể từ ngày trở thành Giáo Phận Bắc Đàng Trong, Giáo Phận đã lần lượt hình thành các chủng viện sau đây:

Chủng Viện Di Loan (1849),

Chủng Viện Kẻ Sen (1851),

Tiểu Chủng Viên An Ninh (1864),

Đại Chủng Viện Kim Long (1866),

Đại Chủng Viện Thợ Đúc (1882),

Đại Chủng Viện Phú Xuân (1888)

Tiểu Chủng Viện Phú Xuân (1953)

Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện (1962), và

Tái lập Đại Chủng Viện Phú Xuân.

Chúng ta hãy nhìn qua những bước thăng trầm của các chủng viện này.

1/- Chủng viện Di Loan

Ngày 4/10/1846, tại nơi ẩn náu ở Gò Thị, Đức Cha Étiene Cuémot, Giám Mục Giáo Phận Đàng Trong, đã phong chức Giám Mục phó cho Linh mục Francois Marie Pellerin và phái ngài đến lo việc truyền giáo ở phía bắc Giáo Phận Đàng Trong.

Chủng viện Di Loan đã được thiết lập từ lâu, nhưng phải đóng cửa dưới thời vua Minh Mệnh và dời ra Kẻ Sen ở Quảng Bình. Năm 1848, thừa lệnh Đức Cha Cuémot, Đức Cha Pellerin đã đi thuyền đến Cửa Tùng để tái lập Chủng viện Di Loan. Tại đây ngài mua một khu đất ở trung tâm làng Di Loan và làm 3 căn nhà tranh để lập Chủng viện Di Loan. Chung quanh chủng viện có lủy tre bao bọc. Sau khi việc cất nhà hoàn tất, ngài đã khai giảng niên học đầu tiên vào tháng 12 năm 1849. Ban Giám Đốc và giảng huấn lúc đó, ngoài Đức Cha Pellerin, còn có Linh mục Sohier và Linh mục Nguyễn Văn Thân (1823 – 1853). Một số chủng sinh đã được ngài gởi qua Pénang học để trở về phục vụ Giáo Hội.

2/- Chủng viện Kẻ Sen

Năm 1851, Đức Cha Pellerin đã thành lập thêm Chủng Viện Kẻ Sen ở phía tây Quảng Bình. Hai chủng viện Di Loan và Kẻ Sen lúc đó có 12 chủng sinh Đại Chủng Viện và 50 chủng sinh Tiểu Chủng Viện. Trong thời gian từ 1850 – 1862, ngài đã phong được 23 Linh mục, trong số đó có các linh mục danh tiếng như Đoạn Trinh Hoan, Nguyễn Văn Lành...

Ngày 17/8/1851, Đức Cha Pellerin tấn phong Cha Sohier làm Giám Mục phó.

Những năm Vua Tự Đức bắt đạo ác liệt, Đức Cha Sohier phải ra ở Chủng viện Kẻ Sen để lo giảng dạy, vì Kẻ Sen là một giáo xứ nhỏ ở sát rừng núi nên dễ trốn tránh. Trong vòng 10 năm, quan quân lùng bắt Đức Cha Sohier nhiều lần mà không được, nên báo cáo với Vua Tự Đức là Đức Cha Sohier đã chết.

Ngày 13/9/1862, Đức Cha Pellerin qua đời, Đức Cha Sohier (1862-1876) lên kế vị cai quản giáo phận. Tháng 7 năm 1862, vua Tự Đức bỏ lệnh cấm đạo. Năm 1863, Đức Cha Sohier thấy tình hình yên ổn, đã rời Kẻ Sen về Kim Long. Tại đây, ngài đã xây Tòa Giám Mục tại khu nhà dòng Phú Xuân hiện nay.

3/- Chủng viện An Ninh

Năm 1864, Đức Giám Mục Sohier đã ra lệnh dời Chủng Viện Di Loan về An Ninh. Ngài quyết định mua một khu đất rộng tại xã An Ninh, một xã ở cạnh xã Di Loan, cách Cửa Tùng khoảng 3 cây số, để thành lập Tiểu Chủng Viện An Ninh. Linh mục Dangelzer được cử làm Giám Đốc đầu tiên.

Tháng 6 năm 1876, Đức Cha Sohier đi kinh lược Quảng Bình, khi tới họ Kẻ Sen, Đức Cha bị kiết lị và qua đời ngày 3/9/1876, an táng tại Kẻ Sen. Ngài đã hưởng dương 58 tuổi với 34 năm làm Linh Mục và 23 năm Giám Mục.

Từ 1884 đến 1888, Văn Thân mở nhiều cuộc tấn công Di Loan và An Ninh. Ngày 13/9/1885, Văn Thân tràn ngập Di Loan, sau đó phá bình địa hai họ nhánh của Di Loan là Hòa Ninh và Loan Lý. Cũng trong tháng 9 năm 1885, Văn Thân mở cuộc tấn công giáo xứ An Ninh và Tiểu Chủng Viện An Ninh. Chủng viện này lúc đó do Linh mục Girard (cố Hòa) làm Giám Đốc và Linh mục Closset (cố Lương) làm phụ tá.

Vì Chủng Viện An Ninh có lũy tre vững chắc bao bọc xunh quanh, nên các linh mục và giáo dân thuộc các giáo xứ Di Loan, An Ninh, An Bằng, An Do... ở xung quanh đã kéo về đó để lập phòng tuyến kháng cự. Số người tập trung lên trên 4.000. Trong 23 ngày đêm, qua 7 trận giao tranh lớn, đã có khoảng 1.200 giáo dân bị giết. May nhờ ngày 2/10/1885, Pháp đem quân đến Tân Sài rồi tiến về giải cứu Chủng Viên An Ninh, nên Văn Thân bỏ chạy.

Đức Cha Caspar rất quan tâm đến việc đào tạo hàng giáo sĩ bản quốc, nên sau khi Văn Thân bị dẹp tan, ngài đã ra lệnh tái thiết Chủng Viện An Ninh. Cha Barthélémy (cố Mỹ) vẽ đồ án và Cha Bề Trên Bonin (cố Ninh) xây nhà lầu hai tầng làm phòng ngủ, phòng học cho các chủng sinh, xây nhà nguyện chủng viện bằng gạch, có tháp cao và một nhà nguyện kính Đức Mẹ Lộ Đức. Đức Cha đã khánh thành cơ sở chủng viện này ngày 21/11/1905 rất trọng thể.

4/- Chủng viện Kim Long

Năm 1866, Đức Cha Sohier thành lập Đại Chủng Viện Kim Long. Các chủng sinh du học tại Pénang được gọi về thụ huấn tại đây, do chính ngài hướng dẫn.

5/- Chủng viện Thợ Đúc

Năm 1882, Đức Cha Caspar đã quyết định xây Đại Chủng Viện Thợ Đúc thay Đại Chủng Viện Kim Long. Ngài nghĩ rằng Thợ Đức nằm ở trong vùng đồi núi rậm rạp, nên khi có bất trắc, các giáo sư và chủng sinh có thể lẫn trốn dễ dàng hơn. Công việc này được giao cho Linh mục Jean Nicolas Renauld (cố Đồng), Giám Đốc Đại Chủng Viện Kim Long phụ trách. Cha Renauld đã mua một sở đất ở thượng nguồn làng Dương Xuân, gần bờ sông, để lập đại chủng viện mới (gần sát nhà thờ Thợ Đúc hiện nay).

Lúc đầu chỉ có vài căn nhà bằng tre, mái tranh, vách đất. Chủng viện này được khai giảng ngày 4/11/1882, có 42 đại chủng sinh được gọi từ Pénang về tiếp tục học tại đó. Nhưng vì khu đất này quá ẩm thấp, các chủng sinh bị bệnh luôn, lại có nhiều biến cố xẩy ra liên tục, nên chủng sinh thường phải trở về sống với gia đình hay đi trốn. Tuy nhiên, đến ngày 20/12/1984, Đức Cha Caspar cũng đã phong chức Linh mục cho 4 thầy.

6/- Chủng viện Phú Xuân

Tháng 10 năm 1888, Đức Cha Caspar quyết định dời đại chủng viện từ Thợ Đúc về Phú Xuân, bên cạnh Tòa Giám Mục. Lúc đầu, ngài trực tiếp điều khiển. Đến năm 1893 ngài giao cho Linh mục Renaul và sau đó là Linh mục Izarn. Năm 1899, nhờ Công Chúa An Thạnh, trưởng nữ của Vua Mênh Mạng, bán lại cho Giáo Phận khu đất kế cận, Đại Chủng Viện Phú Xuân mới được mở rộng và xây cất thêm các cơ sở như ngày nay.

Niên khóa 1952-1953, vì tình hình an ninh, Đức Giám Mục Urrutia đã quyết định cho quân đội Pháp dùng một nửa chủng viện An Ninh làm nơi đóng quân. Chỉ một lớp nhỏ ở lại học tại đây, còn đa số vào học ở Đại Chủng Viện Phú Xuân và Trường Thiên Hữu Huế. Ngày 8/5/1953, Đức Giám Mục Urrutia quyết định dời toàn thể Tiểu Chủng Viện An Ninh vào Đại Chủng Viện Phú Xuân. Các thầy ở Đại Chủng Viện Phú Xuân được tạm gởi vào học ở Đại Chủng Viện Sài Gòn.

Ngày 12/4/1961, Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục (1960-1968) đến nhậm chức Tổng Giám Mục Huế. Vừa đến Huế, ngài lo kiến thiết và tổ chức lại giáo phận. Ngài cho xây dựng một tiểu chủng viện mới để dời tiểu chủng viện về đó, đồng thời tái lập Đại Chủng Viện Phú Xuân và đưa Hội Linh Mục Xuân Bích (Society of Priest of Saint Sulpice – thường được gọi là Tu Hội Xuân Bích) đang phụ trách việc giảng dạy tại Đại Chủng Viện Vĩnh Long, ra phụ trách luôn việc giảng dạy tại Đại Chủng Viện Phú Xuân. Đây là một tu hội của Pháp chuyên đào tạo các linh mục triều.

7/- Chủng viện Hoan Thiện

Năm 1962, Đức TGM Ngô Đình Thục đã cho xây cất một tiểu chủng viện mới trên cánh đồng An Cựu, nằm bên con đường Đống Đa mới được khai phóng, và mang tên Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện, tên hai vị thánh tử đạo của Giáo Phận Hué là Linh mục Gioan Đoạn Trinh Hoan và chủng sinh Tôma Trần Văn Thiện. Ngày 1/8/1962, Linh mục Nguyễn Văn Thuận được cử làm Giám Đốc tiên khởi.

--o0o--

Trong thời gian chiến tranh, dưới hàng trăm trận bom của B52, Tiểu Chủng Viện An Ninh đã trở thành bình địa. Nhà thờ Di Loan, một ngôi nhà thờ tuyệt đẹp được xây theo mô thức của nhà thờ Notre Dame de Paris, nay không còn hòn đá nào trên hòn đá nào.

Sau 30/4/1975, sinh hoạt Đại Chủng Viện Huế bị ngưng trệ nhiều năm, đến năm 1990 mới được phép hoạt động trở lại, nhưng phải đến ngày 22/11/1994 mới tái khai giảng khóa đầu tiên (Khóa I) với 40 chủng sinh của hai giáo phận Huế và Đà Nẵng. Năm 1998 (Khoá III) có thêm 7 chủng sinh của giáo phận Kontum. Các linh mục thuộc Tu Mội Xuân Bích đã trở lại giảng dạy như trước. Niên khoá 2009-2010, Đại Chủng Viện Huế tiếp nhận 23 đại chủng sinh mới, thuộc lớp Triết I, trong đó có 15 thầy của giáo phận Huế, 4 thầy của giáo phận Đà Nẵng và 4 thầy thuộc giáo phận Kontum. Tổng số các thầy thuộc 4 lớp là 102.

Riêng Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện đã bị chính quyền tịch thu ngày 15/12/1979, dưới hình thức “công lập hóa các trường học”. Một số chủng sinh còn lại phải về sống với gia đình. Vì Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện bị tịch thu, nên Đức TGM Giáo Phận phải thiết lập tiểu chủng viện ngoại trú. Lúc đầu số chủng sinh được nuôi dưỡng lên đến 450, nhưng nay còn khoảng 120 vì thiếu thốn về tài chánh. Các cựu chủng sinh Giáo Phận Huế có thể làm gì để giúp Giáo Phận? 

(còn tiếp)

Tác giả: Hương Vĩnh

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Chú ý: Được đăng lại bài viết, nhưng vui lòng ghi rõ nguồn "Gia đình Cựu Chủng sinh Huế" và link đến bài viết trên trang này.
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập161
  • Hôm nay27,199
  • Tháng hiện tại760,608
  • Tổng lượt truy cập58,046,477
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây