Hành trình về Roma. Phần 6: Thánh lễ bên mộ ĐGH Gioan Phaolô II.

Thứ sáu - 13/04/2012 00:46

-

-
Theo dự kiến ban đầu, ĐÔ Cao Minh Dung HT67 và cha Lê Đăng Ảnh PX61 sẽ cùng nhau dâng thánh lễ cầu nguyện cho GĐ CCS Huế chúng ta bên mộ ĐGH Gioan Phaolô II, dưới hầm Đền Thờ Thánh Phêrô vào sáng sớm thứ bảy 23/10.
Hành trình về Roma.
Phần 6: Thánh lễ bên mộ ĐGH Gioan Phaolô II.
 
Tác giả: Nguyễn Cả PX61 - Ngày đăng: 07/11/2010

 
THÁNH LỄ BÊN MỘ ĐGH GIOAN PHAOLÔ II
 
Theo dự kiến ban đầu, ĐÔ Cao Minh Dung HT67 và cha Lê Đăng Ảnh PX61 sẽ cùng nhau dâng thánh lễ cầu nguyện cho GĐ CCS Huế chúng ta bên mộ ĐGH Gioan Phaolô II, dưới hầm Đền Thờ Thánh Phêrô vào sáng sớm thứ bảy 23/10. Các thánh lễ ngày thường trong tuần tại Đền Thờ được bắt đầu từ 7 giờ đến 9 giờ sáng. Các giám mục hay linh mục muốn dâng thánh lễ nơi đây đều đã phải xin phép trước, để ghi vào danh sách sắp xếp bàn thờ. Vào phút chót, anh Thượng và bà cụ có chương trình đi sớm, kính viếng một đền thờ xa nên không đến tham dự thánh lễ. Cha Ảnh lại quên password của cell phone, không thể open để liên lạc lấy điểm hẹn. Vậy là 7 giờ 30, vợ chồng tôi được ĐÔ Dung đón tiếp tại cổng "Perugino", lối vào Vatican phía bên trái, để cùng nhau đi đến Đền Thờ Thánh Phêrô nhanh hơn.
 
Hôm nay Thượng Hội Đồng Giám Mục vùng Trung Đông đang họp tại Roma và ngày mai, chủ nhật, sẽ có thánh lễ bế mạc tại Đền Thờ, nên Bộ Nghi Lễ đang sửa soạn việc phụng tự. Hàng ngàn ghế quỳ đã được sắp xếp lại, phù hợp nghi thức. Thật thuận tiện việc di chuyển các ghế cho thánh lễ đại trào hay từng thánh lễ riêng tại nhiều bàn thờ chung quanh Đền Thờ. Hàng trăm người giữ thinh lặng đứng chờ đợi ở gian bên ngoài.
 
Nơi bàn thờ này, thánh lễ có hai nữ tu tham dự. Nơi bàn thờ kia, thánh lễ của một nhóm 40-50 khách hành hương. Từ phòng mặc áo, khi một linh mục mang phẩm phục đi ra, có người hướng dẫn cha chủ tế và nhóm của họ đến từng bàn thờ. Bỗng Thầy Joseph Nguyễn Văn Huy xuất hiện, đến bên cạnh tôi. Thầy Huy được ơn chữa lành một căn bệnh lạ nhờ lời chuyển cầu của ĐHY F.X. mà chúng ta đã có dịp nghe ĐÔ Nguyễn Quang chia sẻ trước đây. Thầy Huy ở Denver, gần nhà chúng tôi. Điều tôi lo lắng đã được giải quyết: Máy ảnh của Thầy sẽ giúp chúng tôi chụp một số hình kỷ niệm. Đêm qua, máy ảnh của tôi đã hết pin. Tôi thầm cám ơn ĐHY F.X. đã gởi Thầy Huy đến với chúng tôi đúng nơi và đúng lúc.
 
Một em trai mặc áo giúp lễ nghiêm trang cầm bình rượu nước hướng dẫn ĐÔ Dung và chúng tôi xuống tầng hầm, chỉ vị trí hành lễ rồi về lại phòng mặc áo. Bên trái là mộ Thánh Phêrô, được chôn cất khoảng năm 64/67 thời Hoàng Đế Nêron. Ngày 23/12/1950 trước Lễ Giáng Sinh, sau hơn 10 năm ngành khảo cổ nghiên cứu, ĐGH Piô XII đã tuyên bố việc xác định được vị trí ngôi mộ của Thánh Phêrô nơi đây. Bên phải là mộ ĐGH Gioan Phaolô II, qua đời ngày 2 tháng 4 năm 2005. Ngài được rất nhiều tín hữu thương mến, đến kính viếng, đặt từng bó hoa và hình ảnh kèm theo những lời khấn nguyện. Không ai được chụp ảnh khu vực này. Nơi góc đó, bàn thờ gần nhất, ĐÔ Dung đã dâng thánh lễ cầu cho GĐ CCS chúng ta. Một thánh lễ đơn sơ, nhưng để lại trong tâm hồn tôi nhiều cảm xúc. Lần đầu tiên tôi được nghe ĐÔ hướng dẫn lời cầu, vô cùng sốt sắng.
 
Xin cảm tạ hồng ân Thiên Chúa đã thương ban cho Giáo Hội VN, Tổng GP Huế và riêng GĐ CCS chúng ta một người Cha, người Thầy ưu tú. Đó là Tôi Tớ Chúa ĐHY F.X. đã nối kết chúng ta nên một. Ngài dọn đường cho chúng ta trở thành men, nên muối và là ánh sáng giữa cuộc đời. Chiều hôm kia bên mộ ĐHY, chúng tôi rất nghẹn ngào khi nghe người cai tù năm xưa, cất cao lên lời ca Veni Creator Spiritus... Từ bốn phương trời hội tụ về đây, tôi hân hạnh được gặp lại Lm Trần Anh Dũng HT62 bay sang từ Pháp. Rồi Việt Nam, Australia qua. Tây Ban Nha, Đức Quốc đến. Và Canada, Mỹ... Ngài như đem cả thế giới ấp ủ vào con tim. Lạy Chúa, xin cho con biết mở rộng tâm hồn nhỏ bé để nhìn vào thế giới, quên đi cái tôi hẹp hòi mà phục vụ tha nhân.
 
Hiếu kính với quý bậc ân sư là một nỗ lực sống đẹp lòng các vị, cụ thể là cuộc đời của mỗi Kitô hữu có lợi ích cho giáo hội và mọi người. GĐ CCS chúng ta luôn cố gắng yêu thương nhau. Giúp đỡ nhau vật chất là điều cần thiết, nhưng đôi lúc lực bất tòng tâm. Kinh nghiệm cho tôi hay là các bệnh nhân mong đợi nhiều nhất nơi chúng ta là lời nguyện cầu, quan trọng hơn cả tiền bạc. Nhưng giá trị nhất vẫn luôn là xuất phát tự tấm lòng. Tôi nguyện cầu cho hết thảy anh em, cách riêng những ai đang đau khổ về tinh thần lẫn thể xác, luôn phó thác mọi sự trong tình thương quan phòng của Thiên Chúa. Tôi nhớ đến những anh em và gia đình thân nhân đã yên nghỉ, xin lòng nhân hậu của Ngài sớm đem các linh hồn về cõi phúc trường sinh.
 
Nơi đây, tôi dâng lên Thiên Chúa lòng biết ơn sâu xa. Xin cám ơn Đức Ông linh hướng, quý niên trưởng và anh em trong Ban Điều Hành đã tích cực cọng tác xây dựng GĐ CCS thành mái ấm. Xin cám ơn anh em quê nhà, các Ban Đại Diện luôn nỗ lực liên kết. Xin cám ơn những câu kinh, lời nguyện âm thầm của tất cả anh em khắp mọi nẻo đường, từ hải ngoại đến quốc nội. Thiết thực nhất, chúng ta cầu nguyện cho nhau, giúp nhau thăng tiến đời sống tâm linh.
 
Bổn phận của chúng ta là rao giảng Tin Mừng, là làm chứng nhân đức tin. Đáng tiếc, vì lý do nào đó mà một vài anh em đã vô tình hoặc cố ý làm mất tình nghĩa nhau. Xin Thiên Chúa thương ban cho mọi người, đặc biệt hàng linh mục, cũng thân phận con người yếu đuối nên đôi lúc không tránh được khiếm khuyết, luôn được dồi dào ơn khôn ngoan và sự thánh thiện. Nguyện cầu cha chủ tế thêm ơn sức mạnh, khi mà bị một số người hiểu lầm. Ước gì có ngày tôi về thăm lại quê hương, mua vé máy bay từ Huế ra Hànội, thuê ở Nhà Khách Chính Phủ như các em của cha chủ tế đã tự túc năm trước, cho mọi sự được minh bạch dưới ánh mặt trời.
 
Ước gì vì lợi ích chung, thiêng liêng và lâu dài, chúng ta nâng đỡ nhau nhiều hơn về mặt tinh thần. Bon chen làm chi giữa một xã hội phù vân. Xin noi gương anh hùng của Các Thánh Tử Đạo Gioan Đoàn Trinh Hoan và Thánh bổn mạng Tôma Trần Văn Thiện. Xin tận tụy một đời trung kiên như Tôi Tớ Chúa ĐHY F.X. Cầu nguyện cho ngài và với ngài. Nhờ Mẹ Lavang đồng hành, cầu cho chúng con nối kết, hiệp nhất yêu thương, dìu nhau đi trên con đường Chứng Nhân Hy Vọng. Mỗi ngày nhớ cầu nguyện cho nhau bằng một kinh kính mừng.
 

Hình 01: Dưới chân tượng Thánh Phêrô bằng đồng từ thế kỷ thứ 13
 

Hình 02: Trước mộ ĐHY F.X.
 

Hình 03: Em út ĐHY (Bà Thu Hồng) và chị Nguyễn Cả
 

Hình 04: ĐÔ Cao Minh Dung dâng lễ bên mộ ĐGH Gioan Phaolô II
 

Hình 05: Cầu nguyện dưới hầm Đền Thờ Thánh Phêrô
 
VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ
 
Vương Cung Thánh Đường Tông Tòa Thánh Phêrô được xây dựng lần đầu tiên vào năm 326 đến năm 333 dưới thời Hoàng Đế Constantinô. Vào thời kỳ phục hưng, ĐGH Julius II cho xây dựng Đền Thờ mới như hôm nay, được khởi công từ ngày 18/4/1506 và hoàn thành năm 1615. Đền Thờ dài 730 feet (220 mét), rộng 500 feet (150 mét) và cao 452 feet (138 mét). Có lẽ đây là Đền Thờ công giáo rộng lớn nhất thế giới, với sức chứa hơn 60 ngàn người trên một diện tích 23 ngàn mét vuông. Nhân dịp kỷ niệm 1300 năm xây dựng Đền Thờ cũ, ĐGH Urban VIII đã thánh hiến Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô vào ngày 16/11/1626.
 
Công trình vĩ đại nhất thế giới, là kho tàng vô giá về mặt lịch sử, tôn giáo và nghệ thuật, đã trải qua nhiều giai đoạn thiết kế và xây dựng trong suốt gần một thế kỷ. Ban đầu, kiến trúc sư Donato Bramante đã cho phá hủy Đền Thờ cũ với 4 trụ cột chính mà nay vẫn còn dấu tích dưới hầm. Kế tiếp, kiến trúc sư Raphael đã thiết kế Đền Thờ với hình dáng giống như cây thập tự. Lần lượt Sangallo, Michelangelo tiếp tục rồi qua đời. Sau cùng, tổng công trình sư Giacoma della Porta đã hoàn tất. Mái vòm của Đền Thờ do Michelangelo phác họa cao 448.1 feet, tức là 136.57 mét cao nhất thế giới. Nhiều Vương Cung Thánh Đường trên khắp hoàn cầu đã bắt chước hình dáng kiểu mẫu Đền Thờ này.
 
Tôi có dịp vào thăm Đền Thờ 3 lần, vội vã thoáng lướt qua như người du lịch chạy đua với thời giờ. Các đoàn hành hương năm châu bốn bể chen chân, sắp hàng chụp ảnh bàn thờ này, vị Thánh nọ. Đây Nhà Nguyện Đức Mẹ Truyền Tin, Nhà Nguyện Thánh Thể, Nhà Nguyện Chúa Thánh Thần...Một thiếu nữ trẻ vừa vô tình cởi áo choàng ngoài và để lộ bờ vai, liền được nhân viên an ninh khéo léo nhắc nhở mặc vào. Nơi tôn nghiêm, mọi người đều được yêu cầu ăn mặc kín đáo, phủ luôn đầu gối.
 
Dưới tầng hầm, tôi không biết có bao nhiêu bàn thờ, nhà nguyện. Mỗi nhà nguyện nhỏ chứa khoảng 25-30 ghế quỳ. Có nhiều khu vực hạn chế, không ai được phép vào. Có 138 vị Giáo Hoàng được chôn cất nơi đây. Xin quý vị xem danh sách đính kèm. Khách hành hương thật sự cần có thời gian và được hướng dẫn kỹ càng mọi chi tiết, hầu am tường các giá trị mỹ thuật và lịch sử. Chúng ta không thể nào chiêm ngưỡng hết mọi nét đẹp kỳ công của Đền Thờ này, từ mái vòng, các bàn thờ, các vị Thánh, đến các kiến trúc nghệ thuật trong một khoảng thời gian ngắn ngũi.
 
Quảng trường Thánh Phêrô được kiến trúc sư Bermini thiết kế dài 340 mét và rộng 240 mét. Trước mặt tiền Đền Thờ có hai bức tượng Thánh Phêrô và Thánh Phaolô cao 5.55 mét, đứng hai bên trên các bậc cấp. Giữa quảng trường là một trụ tháp thon cao 40 mét, mang tên Chứng Nhân. Hai bồn nước hai bên. Một dãy 4 trụ cột, mỗi trụ cột rộng khoảng 3 vòng tay ôm, ở hai bên vòng cung của quảng trường. Từ một vị trí nhìn, chúng ta chỉ thấy một hàng cột mà thôi, xin xem hình của tôi đứng trước bồn nước. Trên các trụ cột của quảng trường và Đền Thờ là hình ảnh từng pho tượng của 140 vị Thánh, trơ gan cùng tuế nguyệt đã gần 400 năm.
 

Hình  06: Nhà nguyện Thánh Sebastian
 

Hình  07: ĐGH Piô XI
 

Hình  08: Từng góc bàn thờ
 

Hình 09: Một bàn thờ trong Đền Thờ Thánh Phêrô
 

Hình 10: Nhà nguyện Mình Thánh Chúa
 

Hình 11: Bên hông Đền Thờ, đường lót đá
 

Hình 12: Một góc quảng trường Phêrô
 

Hình 13: Đền Thờ Chúa Thánh Thần
 

Hình 14: Một nhà nguyện dưới hầm Đền Thờ
 

Hình 15: ĐGH Benedict XV
 

Hình 16: Danh sách 138 vị Giáo Hoàng được chôn cất dưới tầng hầm Đền Thờ
 
VƯỜN HOA QUỐC GIA VATICAN
 
Vườn Hoa Quốc Gia Vatican rộng khoảng 23 hécta, hơn một nửa lãnh thổ Vatican, nằm trên một ngọn đồi ở hướng nam và đông bắc. Có nhiều hoa, vườn, cây, các lối đi và nhiều vòi nước. Cạnh Hang Đá Đức Mẹ Lộ Đức là sân trực thăng của ĐGH. Có một cây ôliu do chính phủ Do thái tặng. Được xây dựng từ thời kỳ phục hưng vào thế kỷ thứ 16, điểm cao nhất trong vườn hoa là 60 mét so với mặt nước trung bình của biển. Năm 1279, ĐGH Nicholas III đã di chuyển tư dinh ĐGH từ Điện Lateranô về Vatican và cho xây dựng tường thành gồm 3 hướng Bắc, Nam và Tây.
 
Tương truyền rằng, Thánh nữ Helena đã cho người đem đất từ đồi Golgotha về đây xây dựng nên vườn hoa Vatican. Điều này mang ý nghĩa tượng trưng là máu con Thiên Chúa được kết hợp với máu tử đạo nơi đây của những tín hữu sơ khai đã anh dũng hy sinh dưới thời Hoàng Đế Nêron bắt đạo. Chúng tôi vào thăm vườn hoa buổi sáng, sau khi ghé Shopping Center của Vatican.
 
Hằng ngày sau 3 giờ chiều, vườn hoa được dành riêng cho ĐGH đi dạo mát, đọc kinh lần hạt. Chúng tôi bước đi trên những con đường nhỏ thanh tịnh, lòng chợt nghe dạt dào, lâng lâng như đang sống trong cảnh hùng vĩ, oai phong và linh thánh. Đó đây từng bức tượng điêu khắc mang nhiều nét đẹp nghệ thuật. Xa xa, thành phố Roma đắm chìm trong nhộn nhịp, đầy ắp khách hành hương, du lịch, nhưng có vẻ chậm chạp hơn cuộc sống tốc độ tại một thành phố công nghệ ở Mỹ. Kính mời quý vị cùng chúng tôi thả hồn thanh thản theo từng lối đường của Vườn Hoa Vatican.
 

Hình 17: Vườn Hoa Vatican
 

Hình 18: Vườn Hoa vatican
 

Hình 19: Cổng Vườn Hoa
 

Hình 20: Bức tường thành Vatican
 

Hình 21: Hang Đá Lộ Đức trong Vườn Hoa Vatican
 

Hình 22: Nhìn về Đền Thờ Thánh Phêrô
 
VIỆN BẢO TÀNG VATICAN
 
Nguồn gốc của Viện Bảo Tàng Vatican được thành lập dưới thời ĐGH Julius II ( 1503-1513 ) từ việc tập trung một số pho tượng. Bấy giờ nền văn minh Roma tôn trọng vẻ đẹp của con người nên việc tạc tượng phơi bày xác thịt là một điều bình thường. Các vị Giáo Hoàng là những người tiên khởi đem văn hóa, nghệ thuật và lịch sử phổ biến cho quảng đại quần chúng thưởng lãm. Đáng tiếc tôi không am hiểu về nghệ thuật, cách riêng các giá trị lịch sử, nên chỉ mạo muội kể đôi điều mắt thấy tai nghe hầu sẻ chia với quý vị và các bạn.
 
Người ta đánh giá rằng Viện Bảo Tàng Vatican có giá trị lịch sử cao nhất thế giới, với những chứng tích từ 3000 năm qua. Đây cũng là Viện Bảo Tàng rộng lớn nhất hoàn cầu với 1400 phòng. Nhưng số lượng hàng ngàn du khách tham quan mỗi ngày lại đông thứ hai, sau Lourdes. Có 4 cổng chính để du khách vào Viện Bảo Tàng. Giá vé vào cửa từ 12-18 euro, tương đương 18-27 US dollars và phải nối đuôi sắp hàng chờ đợi.
 
Chúng tôi chỉ thoáng đi qua Khu Aicập và Khu Roma. Cần phải có thì giờ, nhiều thì giờ để thấy, để hiểu, để hồi tưởng những gì mình đã học hỏi trước đây qua sách vở hay báo chí. Đây Khu Roma, kỷ thuật điêu khắc granite tinh xảo thời Clement. Tượng Hoàng Đế Claudius, Vệ thần Hera, Thần Hercules, Jupiter...Đây Khu Aicập với nền văn minh xác ướp. Thi hài của Hoàng Hậu, Vua Chúa nào đó từ nhiều ngàn năm qua vẫn còn nằm đó...
 
Qua những dãy hành lang mà du khách đông đúc, đôi lúc chúng tôi phải chen chân để không thất lạc nhau. Cách riêng mỗi nhóm đều có màu cờ hay dấu hiệu để dễ dàng nhận diện. Những tấm thảm rộng lớn từ thế kỷ 16-17 được treo dọc các bức tường, nói lên ý nghĩa của từng sự kiện hay câu chuyện. Không ai được chụp ảnh, vì hình như ánh sáng flash liên tục có thể làm phai nhạt chất lượng màu sắc nguyên thủy của tác phẩm. Trước khi rời Viện Bảo Tàng Roma, mọi du khách đều tập trung chiêm ngắm Nhà nguyện Sistine.
 
Năm 1475, ĐGH Sixtus IV đã chỉ thị xây dựng nhà nguyện này, dài gần 41 mét, rộng 13.5 mét và cao 20.7 mét, đúng như kích thước của Đền Thờ Solomon trong Cựu Ước. Đó cũng là lý do nhà nguyện mang tên Sistine. Dù rộng lớn, chúng tôi vẫn cảm thấy nhà nguyện như bé nhỏ, vì chật kín người. Nhân viên an ninh luôn lớn tiếng No camera, No camera. Nổi tiếng là các bức tranh trên trần nhà do danh họa Michelangelo Buonarroti (1475-1564) vẽ.
 
Đến năm 1508, trong lúc Michelangelo đang làm việc cho ngôi mộ của ĐGH, ĐGH Julius II đã yêu cầu ông ta vẽ bức trần nhà nguyện. Điều mà Michelangelo không mấy vui ban đầu, lại trở thành kiệt tác của cuộc đời vị danh họa tài ba. Dự kiến vẻ 12 Thánh Tông Đồ thôi, nhưng khi kết thúc Michelangelo đã vẽ hơn 300 hình. Nhờ vậy, nhà nguyện Sistine được trở nên một trong những tòa nhà nghệ thuật nổi tiếng nhất thế giới. Nhưng quan trọng hơn hết, Nhà nguyện Sistine là phòng họp của Hồng Y Đoàn để bầu chọn vị tân Giáo Hoàng.
 

Hình 23: Khu vực Roma
 

Hình 24: Các bức thảm thế kỷ 16-17
 
SẢNH ĐƯỜNG ĐGH PHAOLÔ VI
 
Sau buổi trưa, chúng tôi vô tình thả bộ ngang qua trước mặt Sảnh Đường Phaolô VI, nơi có thể chứa trên dưới 10 ngàn người khi có buổi triều yết chung ĐGH. Lập tức chúng tôi được nhân viên an ninh yêu cầu tránh lối đường đi vì ĐGH đang chủ tọa buổi họp bế mạc của Thượng Hội Đồng Giám Mục vùng Trung Đông bên trong Sảnh Đường và sắp sửa ra về. Cách đó không xa là Domus Santae Marthae, nhà khách thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh, nơi ăn ở của các Hồng Y trong những ngày khi các ngài về Roma họp Công Nghị bầu ĐGH mới và là nơi thường trú của một số giáo sĩ làm việc tại Phủ Quốc Vụ Khanh.
 
Chúng ta thấy các lính gác Thụy Sĩ. Hiến Binh Vatican kiểm soát các cổng ra vào Điện Vatican. Phía bên ngoài quảng trường Thánh Phêrô, trên phần lãnh thổ của Roma, có cảnh sát Ý giữ trật tự. Cũng có các nhân viên an ninh mặc thường phục, chẳng phân biệt được ai là ai, ngoại trừ bộ com lê tươm tất. Thông thường chúng ta thấy Pope Mobile và có lẽ ít khi thấy được xe hơi riêng của ĐGH. Đó là một chiếc Mercedes màu đen, 4 cửa, 12 máy, mang bảng số SCV 1. Phía trước mũi xe gắn 2 lá cờ Toà Thánh và bên hông xe gắn phù hiệu ĐGH.
 
Những gì mà cha Cựu Bề Trên F.X. năm xưa đã dạy chúng ta 15 phút hằng ngày trước giờ ăn tối về phép lịch sự, giao tế, đắc nhân tâm, học làm người... bấy giờ đang diễn ra trước mặt chúng tôi. Khi tài xế lái xe, vị trí của nhân vật quan trọng nhất ngồi phía sau ghế của passenger. Kế tiếp là passenger và người chức vụ thấp nhất ngồi sau lưng tài xế. Còn ở Mỹ, chủ nhân thường lái xe, vị trí lớn nhất là người ngồi bên cạnh chủ nhân. Chúng tôi dừng lại, đợi chờ xe ĐGH Benedict XVI đi ngang qua và vẫy tay chào ngài. Ngài chân tình nở nụ cười, vẫy tay chào lại chúng tôi.
 

Hình 25: Nhà nguyện Domus Santae Marthae
 

Hình 26: Sảnh Đường Phaolô VI và xe ĐGH
 

Hình 27: An ninh bảo vệ ĐGH
 

Hình 28: ĐGH Benedict XVI mặc áo trắng
 

Hình 29: Bế mạc Thượng Hội Đồng GM vùng Trung Đông 23/10
 
Nguyễn Cả
(còn tiếp)

Tác giả: Nguyễn Cả PX61

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế.

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập24
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm20
  • Hôm nay11,733
  • Tháng hiện tại122,845
  • Tổng lượt truy cập69,076,044
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây