Hành trình về Roma.
Phần 5: Đêm Hòa tấu Chứng nhân Hy Vọng.
Tác giả: Nguyễn Cả PX61 - Ngày đăng: 17/12/2010
VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG LATÊRANÔ
Giáo Hội có Tứ Đại Công Trình tại Roma hay còn gọi là 4 Đại Vương Cung Thánh Đường:
- Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô
- Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan Latêranô
- Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành
- Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả
Sảnh Đường Hòa Giải, nơi mở tiến trình tuyên phong chân phước cho vị Hồng Y người Việt Nam đầu tiên, nằm trong khuôn viên Điện Latêranô. Vì vậy, sau bữa ăn trưa, chúng tôi may mắn có chút thì giờ tản bộ vào thăm viếng một vài đền thờ kế cận. Vì tự túc đi riêng, không người hướng dẫn, ngôn ngữ lại bất đồng, nên thật là khó khăn cho chúng tôi để hiểu được những giá trị về lịch sử, giáo sử của những địa danh nổi tiếng này.
Đại Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan Latêranô cổ nhất trong Tứ Đại Công Trình, được xây dựng từ cuối thế kỷ thứ hai và được ĐGH Sylvester I thánh hiến vào năm 324. Riêng mặt tiền được xây dựng vào năm 1735.
Latêranô được mệnh danh là Nhà Thờ Mẹ, Domus Dei hay House of God, trên cả Đền Thờ Thánh Phêrô. Đền Thờ này có chiều dài và chiều rộng bằng nhau, mỗi bề 460 feet, tương đương 140 mét. Trông bề ngoài không đồ sộ, nhưng bên trong là cả một tổng hợp nghệ thuật gồm nhiều bàn thờ trang trọng vây quanh. Đây là Nhà Thờ Chính Toà của Giáo phận Roma, mà ĐGH là Giám Mục. Hiện nay vị giám quản là ĐHY Agostino Vallini.
Trong hai cuộc hỏa hoạn vào năm 1308 và 1361, 15 mộ phần các ĐGH ở bên trong Đền Thờ đã bị thiêu hủy, nên được đưa vào một nơi tôn nghiêm mang tên Polyandrum nghĩa là huyệt mộ bằng đá. Ngoài ra, hiện có 6 vị Giáo Hoàng đang được chôn cất trong Vương Cung Thánh đường Latêranô này:
- ĐGH Alexander III
- ĐGH Sergius IV
- ĐGH Clement XII
- ĐGH Martin V
- ĐGH Innocent III
- ĐGH Leo XIII
Hình 01: Mặt tiền Vương Cung Thánh Đường Latêranô
Hình 02: Bên trong Đền Thờ Latêranô
SCALA SANCTA
Đối diện với Điện Latêranô là Scala Sancta, The Holy Steps, nhà chứa Các Bậc Thang Thánh, mở cửa vào lúc 3 giờ chiều. Theo truyền thuyết, đây là các bậc thang dinh quan Tổng Trấn Pilatô tại Jerusalem. Chúa Giêsu đã đi qua trên các Bậc Thang Thánh này trong ngày xử án. Thánh nữ Helena, mẹ của Hoàng Đế Constantinô đi kính viếng Jerusalem vào năm 326 đã cho người đem các Bậc Thang Thánh này về đây. Thang gồm 28 bậc bằng cẩm thạch trắng được bọc gỗ bên ngoài. Năm 1589, ĐGH Sixtus V đã cho sửa chữa các Bậc Thang Thánh như hiện tại.
Chúng tôi theo các đoàn hành hương tiếp tục quỳ gối và đọc kinh lần hạt khi dần dần quỳ lết hay bò qua từng Bậc Thang Thánh. Tiếng xì xào đọc kinh lần hạt theo nhiều ngôn ngữ. Một hình Thánh Giá trước mặt, giúp chúng tôi suy niệm về Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Hôm đầu tuần, anh chị em Legio Mariae trong giáo xứ Denver vừa bầu tôi làm Trưởng Curia. Tôi hoàn toàn không sẳn sàng nhưng đành lòng vâng phục: Lạy Cha, xin đừng theo ý con.
Cầu nguyện trên đoạn đường ngắn ngủi này, tôi xin Chúa ban nhiều ơn lành và sự bình an tâm hồn cho từng anh em trong GĐ CCS Huế, hải ngoại cũng như quốc nội. Cách riêng cho từng anh em đang gặp khó khăn về tinh thần lẫn vật chất. Luôn sống đẹp lòng Chúa và thuận hòa yêu thương nhau. Tôi nhớ đến quê hương, gia đình, bà con, bạn bè, lối xóm và những bệnh nhân đang đau khổ. Nguyện xin Chúa ban cho tất cả anh chị em chúng con biết đi theo con đường hẹp, phó dâng, hãm mình để sau này được hưởng vinh quang bên Ngài.
Dưới chân Thánh Giá nghiêm quỳ
Con dâng lên Chúa những gì hôm nay:
Khổ đau lao nhọc đọa đày.
Theo chân Chúa đến pháp trường
Lòng con thống hối, khôn lường xót xa:
Vì yêu, Ngài chết cho ta.
Tầng trên của Scala Sancta là nhà nguyện nhỏ. Có một mẫu số chung của khách hành hương khắp bốn bể năm châu đến đây là sống đức tin. Tôi theo mọi người cùng quỳ gối, đắm chìm cầu nguyện trong thinh lặng ít phút giây. Sống là kết hợp cùng Thiên Chúa và đồng hành với Đức Mẹ. Sống là liên lĩ cầu nguyện cho mình, gia đình và tha nhân. Cầu nguyện là nói chuyện tâm tình cảm mến tạ ơn. Kế tiếp xin những ơn lành cần thiết. Rồi nhờ các lời chuyển cầu.
Vài người xưng tội. Tôi sắp hàng để vào Tòa Cáo Giải. Còn gì tốt đẹp và cao quý cho bằng khi tâm hồn chúng ta luôn trong sáng. Vị linh mục không biết tiếng Mỹ. Tôi bập bẹ vài chữ Spanish và xin ngài chúc lành. Cảm nghiệm của hồng ân tràn ngập, tôi như được tăng thêm sức sống trên con đường Vui Mừng và Hy Vọng. Tôi thầm tạ ơn Chúa khi cùng mang theo nơi đây tâm tình cảm mến, tạ ơn và đồng hành của nhiều anh em trong GĐ CCS Huế chúng ta.
Hình 03: Tín hữu quỳ đọc kinh trên Các Bậc Thang Thánh
Hình 04: Xin Đức Mẹ thương GĐ CCS Huế chúng con
Hình 05: Cầu cho tất cả anh chị em chúng con
TIỂU VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG ANTÔN DE PADUA
Antôn de Padua tên thật là Fernando Martins de Bulhoes sinh năm 1195 trong một gia đình giàu có tại Lisbon, Bồ Đào Nha. Ngài qua đời vì bệnh vào ngày 13/6/1231 tại Padua, nước Ý, hưởng dương 36 tuổi. Lúc sinh thời, ngài nổi tiếng là đạo đức thánh thiện, yêu thương trẻ em và người nghèo... nên lúc được tin ngài mất, các trẻ em trên mọi nẻo đường đều khóc và tiếng chuông trong các nhà thờ đều được các thiên thần từ trời xuống, kéo ngân vang, như để ca ngợi, chúc mừng một người về hưởng tôn nhan Chúa.
Chưa đầy một năm sau, vào ngày 30/5/1232, ĐGH Gregory IX đã tuyên phong Antôn de Padua lên bậc Hiển Thánh, là người được phong Thánh nhanh nhất trong lịch sử Giáo Hội. Vị linh mục Dòng Phanxicô này, mệnh danh là Vị Thánh hay làm phép lạ, còn được phong tước hiệu Tiến Sĩ Hội Thánh vào năm 1946. Ngài là bổn mạng Antôn de Padua của tôi, kính ngày 13/6 hằng năm.
Vào lúc 7 giờ tối nay, 22/10, nơi đây sẽ diển ra Buổi Hòa Tấu chào mừng Lễ Mở Án Phong Chân Phước Tôi Tớ Chúa ĐHY F.X. Nguyễn Văn Thuận. Chúng tôi đến khá sớm để chiêm ngưỡng công trình nghệ thuật Tiểu Vương Cung Thánh Đường này, đồng thời cầu nguyện cùng vị Thánh bổn mạng. Tình cờ, tôi được gặp linh mục cai quản Đền Thờ đi ra bên ngoài chờ đón Lm Carlos Jose Seno, người đánh đàn Piano đêm nay.
Tiểu Vương Cung Thánh Đường de Padua được xây dựng trong vòng 70 năm từ 1238 đến 1310. Cha Nguyễn Văn Sĩ cai quản Đền Thờ này. Ngài là Tổng Cố Vấn, đồng thời là Bề Trên Nhà Mẹ của Dòng Anh Em Hèn Mọn Phanxicô. Chúng ta cảm tạ ơn Chúa đã ban cho một người VN được vinh dự trong việc góp phần xây dựng Hội Thánh ở trần gian. Cách riêng, xin thêm lời cầu nguyện cho anh em Linh mục trong Đại Gia Đình CCS Huế chúng ta đang ngày đêm lo việc mục vụ trên khắp hoàn cầu, luôn chu toàn bổn phận mà Giáo Hội trao phó.
Hình 06: Cha Nguyễn Văn Sĩ, Bề Trên Nhà Mẹ Dòng Anh Em Hèn Mọn Phanxicô
ĐÊM HÒA TẤU CHỨNG NHÂN HY VỌNG
Một nhóm ba người gồm Lm Carlos Jose Seno đánh đàn Piano, Lm Natale Monza làm chứng từ và Lm Marcello Zago đọc lời trích văn, đã tìm cách rao giảng Phúc âm qua âm nhạc. Công cuộc canh tân Phúc âm hóa này là một sáng kiến, phương tiện khá mới mẻ, chỉ bắt đầu từ vài năm thôi. Nhưng hôm nay đã là buổi trình diễn lần thứ 60 của nhóm. Chúng ta cùng suy niệm với âm nhạc về cuộc đời của Tôi Tớ Chúa ĐHY F.X.
Lm Natale đã có dịp quen biết ĐHY F.X. vào 4 tháng cuối cùng của cuộc đời, khi ĐHY đến Milan để giải phẫu tại một bệnh viện chuyên khoa về ung thư. Đón ngài từ phi trường, đưa về khách sạn rồi cùng đi ăn tối, cha Natale đã có cảm nhận là đang đứng trước một tôi tớ đặc biệt của Thiên Chúa.
Mở đầu đêm hòa tấu, trình bày về cuộc gặp gỡ đầu tiên đó, là nhạc bản Praludium của Serghiei Rachmaninoff chứa đựng một cảm xúc hùng hồn, diễn tả từng nỗi đau quằn quại của vị Hồng Y thân yêu đang chịu đựng và trải qua trên giường bệnh. Nhưng rồi từng nốt nhạc êm đềm, dịu dàng, thanh thản, trầm lắng xuống như đem đến cho ngài một chân trời bình an thật sự trong thể xác và luôn cả tâm hồn. Bao giờ cũng thế, sau cơn mưa trời lại sáng.
Bao giờ cũng thế, cuộc sống từng con người đều mang nhiều nỗi truân chuyên. Cha Natale kể cho chúng ta nghe về cuộc đời của ĐHY. Cha Marcello trích dẫn "Tôi ra đi với chiếc áo chùng thâm, trong túi có một cỗ tràng hạt. Tôi chỉ còn biết phó thác cho Chúa quan phòng." Vị Tổng giám mục phó với quyền kế vị TGP Sàigòn đã bị giam cầm. Như tướng không quân, như vua không ngai. Nhưng ngài cảm nhận và chỉ chọn Chúa, chứ không phải công việc của Chúa. ĐHY F.X. luôn tín thác và xin vâng, ngay cả những lúc tồi tệ nhất, tuyệt vọng nhất. Khúc đàn dạo Praludium của Johann Bach mà cha Carlos Jose Seno vuốt từng ngón tay mềm mại trên mỗi phím đàn piano giúp chúng ta hướng về nội tâm, luôn tin tưởng, hiến dâng mọi việc nơi sự quan phòng đầy lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Vì Ngài luôn yêu thương chúng ta vô bến vô bờ.
Chứng nhân hy vọng là một chủ đề rộng lớn. Chứng nhân hy vọng còn đặc biệt đề cập đến riêng một con người. Trong những năm tháng biệt giam, cô đơn thể xác bên ngoài, nhưng ĐHY đáng kính đã luôn hy vọng. Cha Natale đưa ra một câu hỏi rồi tự trả lời: Điều gì đã nâng đỡ và giúp sức ĐHY? Chính Lời Chúa đã chiếu sáng. "Đường Hy Vọng do mỗi chấm hy vọng. Đời Hy Vọng do mỗi phút hy vọng". "Cuộc sống của con sẽ luôn luôn là một giao ước mới và là giao ước vĩnh cữu". Cha Cựu Bề Trên Hoan Thiện của chúng ta sống kết hợp với Phép Thánh Thể. Lòng bàn tay của ngài với 3 giọt rượu và một giọt nước mỗi ngày khi cử hành thánh lễ là nhà thờ chính tòa. Chúa sống trong ngài và ngài được sống trong Chúa luôn mãi. Tục dao Ballade #1 của Frederic Chopin là một tuyệt tác, đầy ắp quá nhiều cảm xúc, lột trần mọi buồn vui, thương nhớ, sợ hãi và rồi cuối cùng ngập tràn hy vọng.
Đồng hành với Đức Mẹ, vị hồng y VN đã đem "yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục". Bằng nghệ thuật yêu thương, ngài đã cảm hóa các người cai tù. Xin hãy lắng nghe Eusebio của Robert Schumann, như tiếng róc rách ngọt ngào của giòng suối mát, như những âm thanh vi vu dịu dàng nơi làn gió nhẹ. Xin hãy trầm tư tâm hồn thưởng thức Ave Maria của Charles Gounod. Văng vẳng đâu đây giọng nói vỗ về của Mẹ dấu yêu với nụ cười chan hòa tha thiết. Âm nhạc như ru chúng ta vào cõi thần tiên mơ mộng, giúp chúng ta trưởng thành hơn trong Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến.
Tự do ơi Tự do! Ngày 24/6/1998 người tù VN năm kia được làm Chủ Tịch Hội Đồng Toà Thánh Công Lý và Hòa Bình. ĐGH Gioan Phaolô II đã nâng ngài lên chức Hồng Y ngày 21/2/2001. Xin hãy hân hoan, vui lên như tiếng chuông vang qua nhạc khúc La Campanella của Niccolo Paganini-Franz Liszt. Để rồi vào ngày 16/9/2002, Chúa thương đón nhận linh hồn ĐHY F.X., chúng ta cùng dâng lời cảm tạ qua bản Thánh Ca Cho Niềm Vui của Ludwig van Beethoven-Franz Liszt. Ngài đã ra đi, nhưng gương sáng của ngài vẫn tồn tại đến muôn đời: Chứng Nhân Hy Vọng. GĐ CCS Huế chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa Niềm Vui này và cùng đồng hành với ngài trên mọi nẻo đường mục vụ và phục vụ.
Đoạn kết thay cho bố cục của đêm hòa tấu là cuộc đối thoại sau cùng giữa cha Natale và ĐHY:
- Thưa ĐHY, con biết ngài đang chịu nhiều đau đớn. Nhưng con cũng biết ngài hy sinh mọi sự.
- Xin vâng. ĐHY đáp với lòng hân hoan và yêu thương.
Xin cám ơn quý cha đã cho tôi và khán thính giả những phút giây lắng đọng tâm tư, cùng nhau suy niệm bằng âm nhạc về cuộc đời oai hùng chứng nhân hy vọng của ĐHY F.X. kính yêu.
Hình 07: 2 nhân chứng đến từ Hà Nội
Hình 08: 2 em ruột ĐHY F.X. nói lời cám ơn (Bà Nguyễn Thị Tiên và Nguyễn Thị Hồng)
ĐHY PETER TURKSON VỚI GIA ĐÌNH CỰU CHỦNG SINH HUẾ
Trong lúc ăn trưa, anh Thượng và tôi đã có cơ may tiếp xúc thân mật ĐHY Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình. Tên đầy đủ của vị hồng y 62 tuổi người Ghana này là Peter Kodwo Appiah Turkson. Ngài đã từng học St. Anthony-On-Hudson Seminary tại Rensselaer, New York, tốt nghiệp với bằng Cử nhân Thần Học. Năm 1992 ngài đổ Tiến sĩ Thánh Kinh tại Roma. Vui tính, bình dân, ĐHY Turkson rất dễ nói chuyện với mọi người vì ngoài tiếng mẹ đẻ Ghana, ngài nói lưu loát 8 ngoại ngữ như Anh, Pháp, Ý, Đức, Hy Lạp...
Kết thúc đêm hòa tấu là phần trao tặng Medals cho một số người quan hệ cọng tác với Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình. Bà Dr. Luisa Melo trong Ban Tổ Chức đã mời đại diện GĐ CCS Huế lên gian Cung Thánh. ĐHY Turkson bắt tay tôi và nói bằng tiếng Pháp:
- Très bien, vous êtes les anciens seminaristes!
Phản ứng tự nhiên, tôi đáp:
- Oui.
Tôi trao ngài bì thư, trong đó có lá thư và một ngân phiếu 3,000 đôla của chúng ta góp chút phần bé mọn vào việc Mở Án Phong Chân Phước, rồi nói:
- It is a great honor for me to represent Our Association of Hue Ex-Seminarians. The late Cardinal Francis Xavier was our teacher and then our rector of the seminary at Hue, Vietnam. Please accept this small donation.
Ngài vui vẻ trao tôi một medal. Tôi đáp:
- I truly appreciate it. Thank you very much. God bless you.
Trở về chỗ ngồi, Sr. Lê Thị Bình phó Bề Trên Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng Huế ngồi bên cạnh bà xã tôi, xin xem medal. Soeur mở ra, hôn lên và buột miệng: "Giống ĐHY quá. Chúng con thương cha." Rồi tôi trao Medal cho anh Thượng ngồi sau lưng:
- Đây là kỷ vật mà BĐH chúng ta sẽ bàn giao cho anh em các tân BĐH sau này.
Chấm dứt chương trình, một số người đến hỏi thăm và chúc mừng tôi. Không phải thăm hỏi cá nhân tôi nhưng là tìm hiểu sự hiện hữu của Gia Đình Cựu Chủng Sinh Huế chúng ta. Lm Nguyễn Tất Thắng tự giới thiệu là Chủ Tịch Hội Liên Tu Sĩ VN tại Roma chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được nghe nói đến Hội CCS Huế. Xin chúc mừng Bác”. Tôi bỗng xem vinh dự được hiện diện nơi đây trong tư cách đại diện GĐ CCS Huế như là một bổn phận, đúng hơn là một thách thức của chúng ta trước mặt Giáo Hội và Tôi Tớ Chúa ĐHY F.X.: Là hãy luôn sống chứng nhân hy vọng, chứng nhân đức tin, noi gương sáng của Tôi Tớ Chúa ĐHY F.X..Mọi người sẽ dễ dàng quên tên tôi, nhưng hình ảnh GĐ CCS Huế có lẽ in đậm lâu dài trong tâm trí của nhiều người.
Hình 09: Anh Hoàng Đình Thượng, ĐHY Turkson, anh Nguyễn Cả
Hình 10: Hai mặt của chiếc Mềđay được trao cho Gia đình Cựu Chủng Sinh Huế.
Nguyễn Cả
Roma 22/10/2010
(còn tiếp)
Thư gửi Đức HY PETER K. A. TURKSON Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình. October 20, 2010 To: Cardinal Peter K. A. Turkson President of the Pontifical Council For Justice and Peace Pizza S. Giovanni in Laterano, 6/A Roma- Italia From: Mr. Antony Nguyen Ca President of the Association Of Hue ex-Seminarians 4625 W. Stanford Ave. Denver, CO 80236 U.S.A. Your Eminence, It is truly a great honor for me and my companions to be invited to the Solemn Opening Session of the Diocesan Inquiry of Servant of God François- Xavie Cardinal Nguyen Van Thuan. We are here to represent our group, the Association of Hue ex-Seminarians. A few of us here were privileged to be the former students of the late Cardinal François- Xavie when he was still our teacher and then our Rector of our seminary back home in Hue City, Viet Nam. The rest of our group here were either his classmates or his friends who studied with him during his seminary days. We would like to humbly present to you a little gift as a token of our appreciation to our Almighty God to praise His glorious Name. We would like for you to accept it as a small contribution on our behalf into the process and the expenses of the beatification of our beloved Cardinal François- Xavie. Please accept from us our deepest love and appreciation for everything you have done. May the good Lord bless you and your staff with good health and always keep you all in His love! Sincerely yours, Nguyen Ca |
GÓP PHẦN VÀO VIỆC MỞ ÁN PHONG CHÂN PHƯỚC TÔI TỚ CHÚA ĐHY F.X. NGUYỄN VĂN THUẬN (Đã trao tận tay ĐHY Chủ Tịch HĐ TT CL & HB đêm thứ sáu 22/10/2010 tại Đền Thờ Thánh Antôn) |
1. Ẩn danh 2. Lm Đỗ Văn Viên HT63 Illinois 3. Bùi Bá Danh PX59 California 4. Hoàng Xuân Tịnh AN41 Kansas 5. Trần Văn Nông PX55 Texas 6. Nguyễn Cả PX61 Colorado 7. Nguyễn Như Quỳnh PX61 Texas 8. Trần Xuân Tin PX61 Georgia 9. Nguyễn Văn Lũy PX61 Texas 10. Nguyễn Văn Phẩm PX55 Cali 11. Lê Văn Ba AN41 Washington 12. Trần Thanh Hiền HT66 Oklahoma 13. Đỗ Thắng Cảnh PX60 Saigon, VN 14. Lê Cần PX61 Saigon, VN 15. Hồ Đắc Hương HT66 Saigon, VN | 50 USD 500 USD 100 USD 100 USD 100 USD 250 USD 100 USD 100 USD 200 USD 100 USD 100 USD 100 USD 200 USD 500 USD 500 USD |
Tổng cộng: | 3,000 USD |