Sống tự trọng
Chu Hoài Phương
2023-02-09T08:35:08-05:00
2023-02-09T08:35:08-05:00
http://cuucshuehn.net/vitamin-tam-hon/song-tu-trong-12551.html
http://cuucshuehn.net/uploads/news/2023_02/long-tu-trong.jpg
Cựu Chủng Sinh Huế
http://cuucshuehn.net/uploads/logo-cuucshuehn_120_120.png
Thứ năm - 09/02/2023 08:28
Lòng tự trọng của một con người được hình thành từ việc nhận thức được giá trị của mình trong mối tương quan với xã hội. Vì thế, những giá trị chuẩn mực của xã hội đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người sống trong đó.
Nếu có thể xây dựng cho bản thân một "bộ giá trị" và kiên định với những giá trị ấy, bạn sẽ nhận được một cuộc sống tốt đẹp và có thể tự hào về mình.
Một lần trên đường đạp xe thể thao cuối tuần qua vùng ngoại ô một thành phố ở Đức, vợ chồng tôi đi ngang qua cánh đồng bạt ngàn hoa thược dược đang vào độ khoe sắc. Tôi thích quá, dừng lại ngắm và hỏi chồng: "Sao không thấy loại hoa này được bán trong siêu thị? Em thích chúng lắm vì đây là loài hoa rất đặc trưng của Tết ở miền Bắc". Chồng tôi trả lời: "Nếu muốn, em có thể mua ở đây bao nhiêu cũng được. Chỗ này là nơi trồng hoa để bán cho những ai đến mua tại vườn".
Giá trị của sự trung thực
Mới đầu tôi khá ngạc nhiên nhưng khi vào đến vườn thì thấy đúng như lời chồng mình nói. Ngay cổng vườn có một khu vực để các con dao cắt hoa. Kế bên là một tấm bảng ghi bằng tiếng Đức, tôi đoán ghi giá tiền từng loại hoa - ngoài thược dược, vườn còn nhiều hoa khác.
Trên bàn ngay cổng có một chiếc hộp hình chữ nhật bằng gỗ, kích thước như hộp khăn giấy, có khe nhỏ phía trên. Chồng tôi giải thích: "Sau khi cắt hoa, mình tự bỏ tiền mua vào đây".
Tôi trố mắt kinh ngạc: "Không ai kiểm soát việc này? Thế lỡ em không bỏ tiền vào đó thì sao?". Chồng tôi phân tích: "Một lần thì không sao cả nhưng về lâu dài, nếu nhiều người cũng làm như em thì nhà vườn không thu đủ kinh phí. Khi ấy, họ sẽ phải cử người đến đây kiểm soát, như thế lương cho người đó sẽ được tính vào giá mua hoa. Hoặc nhà vườn thấy hình thức kinh doanh này không hiệu quả, họ sẽ bán thẳng cho thương lái, em sẽ chỉ mua được hoa ở các cửa hàng với giá đắt hơn nhiều lần; cũng có thể họ không trồng hoa nữa nên em sẽ không còn được hưởng niềm vui tự tay cắt những bông hoa tươi thắm tại vườn… Tóm lại, nếu ta không trung thực trong một hệ thống thì về lâu dài, ta sẽ gánh chịu hậu quả từ sự không trung thực của mình trong chính hệ thống đó".
Đó là một trong những bài học sâu sắc của tôi về giá trị của sự trung thực, của lòng tự trọng - thứ có giá trị cả về mặt kinh tế chứ không phải chỉ là một khái niệm vô hình.
Khu vườn có dòng chữ bằng tiếng Đức, nghĩa là “chỉ những bông hoa được trả tiền mới đem lại niềm vui thực sự cho bạn” (ảnh trên) và tác giả trên cánh đồng hoa (Ảnh tác giả cung cấp)
Không phải cứ giàu có mới được kính trọng
Lòng tự trọng của một con người được hình thành từ việc nhận thức được giá trị của mình trong mối tương quan với xã hội. Vì thế, những giá trị chuẩn mực của xã hội đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người sống trong đó.
Ở châu Âu, nhiều thể chế kinh tế thuộc kiểu tư bản nhưng không phải cứ ai có nhiều tiền thì sẽ được kính trọng. Tôi có một anh bạn đồng nghiệp người Pháp mà phải làm việc chung đến năm thứ ba mới được mời đến nhà chơi. Tôi ngỡ ngàng khi biết anh là 1 trong 2 người thừa kế của một thương hiệu siêu thị bán lẻ trị giá hàng trăm triệu EUR. Hằng ngày, anh vẫn đi làm công việc của một kỹ sư sinh học bình thường trong phòng thí nghiệm ở công ty tôi. Tôi hỏi đùa rằng anh giấu giếm thân phận như vậy có phải vì sợ bị "đào mỏ" không? Anh cười: "Không đâu, đó là tiền thừa kế, có phải tiền tôi tự tay kiếm ra đâu mà có quyền tự hào chứ!".
Vì không xem việc có nhiều tiền theo bất cứ cách nào là một giá trị được kính trọng nên lòng tự trọng của những người tôi biết được hình thành trên nền tảng của tính tự lập, của tinh thần cống hiến, đặc biệt là của việc không xâm phạm những giá trị của người khác.
Có một chi tiết này cũng khá thú vị, do một người bạn của tôi làm công việc tư vấn tâm lý cho các cặp đôi gặp trục trặc trong hôn nhân kể lại. Bạn tôi nói trong hơn 20 năm làm nghề đã chứng kiến, hầu hết trường hợp khi 1 trong 2 người có người khác, họ đều tự nguyện thú nhận với vợ/chồng mình, tỉ lệ trên 90%! Một con số ấn tượng với tôi.
Xét cho cùng, con người vốn là một sinh vật phức tạp, với những mong cầu về tình cảm cũng cực kỳ phức tạp. Vì thế, chuyện một người không giữ được những cam kết về sự chung thủy trong hôn nhân là điều không hiếm xảy ra, song cái cách họ đối diện với điều đó là do "chiếc la bàn" lòng tự trọng hướng dẫn họ.
Cho nên, khi có lòng tự trọng, con người ta còn có tự do - một thứ tự do có thể phải đánh đổi bằng những giá trị vật chất hoặc danh tiếng trong một giai đoạn. Nhưng sau cùng, thứ họ có, có lẽ là quý giá nhất với những người có lòng tự trọng, là tự do để gìn giữ những giá trị căn bản nhất của chính họ, danh dự của họ.
Có lẽ bởi lòng tự trọng đúng nghĩa không xây dựng trên những giá trị của vật chất nên những người giàu lòng tự trọng mà tôi rất kính nể không phải chỉ bắt gặp ở những nước giàu có, phát triển. Tháng trước, gia đình tôi đi nghỉ ở Siem Reap - Campuchia. Đây là lần thứ 5 tôi đến thành phố này, lần nào cũng luôn cảm kích sự tử tế và tự trọng của những người dân chất phác, thuần hậu, dù cuộc sống mưu sinh còn vất vả.
Nếu có thể xây dựng cho bản thân một "bộ giá trị" (core value) và kiên định với những giá trị ấy, thứ tốt đẹp nhất mà bạn nhận được sẽ là một cuộc sống mà bạn luôn có thể tự hào về mình, về những giá trị mình tạo dựng, đóng góp, là tự do, là sự bình yên trong tâm hồn. Không phải đó chính là những điều vô giá sao!
Giáo dục từ nhỏ
Một nhà giáo dục từng nói với tôi: Giáo dục thực chất là việc trau dồi các thói quen tốt, và lòng tự trọng của một đứa trẻ được hình thành từ chính môi trường mà đứa trẻ đó được lớn lên.
Một người bạn của tôi học thạc sĩ tâm lý ở Hà Lan có lần nhận xét rằng những đứa trẻ ở châu Âu mà cô quan sát nhận được sự tôn trọng gần như tuyệt đối từ bố mẹ. Cô từng chứng kiến một người cha đã kiên nhẫn đứng giải thích cho cậu con trai 4-5 tuổi của anh suốt 15 phút cạnh một cột đèn đường, vì cậu bé cứ khăng khăng đòi đi qua khi đèn xanh cho người đi bộ chưa bật lên. Người cha không nắm tay con giữ lại mà hạ thấp người xuống, để khuôn mặt của anh ngang với khuôn mặt cậu bé và kiên nhẫn giải thích. Cứ như thế đến khi cậu bé gật đầu đồng ý với cha rằng họ sẽ qua đường khi đèn xanh bật lên.
Khi người bạn kể chuyện này, tôi cảm thấy thật xấu hổ vì bản thân vốn rất thiếu kiên nhẫn trong việc dạy con. Tôi từng không ý thức được rằng chính 15 phút mà mình cho rằng lãng phí khi phải giải thích một điều quá hiển nhiên cho con, để con nhận thức được tính trách nhiệm của một người khi tham gia giao thông một cách tự nguyện, là những viên gạch đầu tiên, quan trọng để hình thành nên giá trị của một con người trong tương lai. Khi một đứa trẻ lớn lên với niềm tin sâu sắc về những giá trị của bản thân, về mối tương quan của những giá trị đó với giá trị của người khác và của xã hội, đó chính là việc hình thành nên lòng tự trọng, như một "kim chỉ nam" trong cuộc đời một con người.
Chu Hoài Phương
https://nld.com.vn/phong-su-but-ky/song-tu-trong-20230205202405068.htm
Tác giả: Chu Hoài Phương
Nguồn tin: Báo Người Lao Động