Hôm nọ, ngồi tán gẫu bên tách cà phê, một anh bạn vong niên đưa ra 4 điều chúng ta học được khi luống tuổi. Bốn điều liên quan đến: bạn bè; ứng xử; trực giác; và dung nạp. Tôi thấy rất hợp lí và hợp ý mình, nên bèn viết lại và diễn giải theo cách hiểu của tôi dưới đây.
Điều thứ nhứt: Khi đã luống tuổi, chúng ta không thể nào kết bạn với những người giả nhân giả nghĩa.
Trên đường đời và qua tương tác xã hội, chúng ta quen biết rất nhiều người trong nhiều tình huống khác nhau. Nhưng trong số đó, những người được xem là ‘bạn’ thì chắc chẳng bao nhiêu. ‘Bạn’ ở đây là người chúng ta quen, quí mến, và có thể tin tưởng được; đó là người không bỏ chúng ta trong cơn hoạn nạn; đó là người đứng bên ta đưa ra lời khuyên hợp lí, sẵn sàng ủng hộ việc làm vì lợi ích của tha nhân.
Thử đếm xem, những người bạn theo định nghĩa trên không nhiều đâu. Thành ra, khi đã luống tuổi, chúng ta mới nhận ra câu hỏi của Nhạc sĩ Vũ Thành An (‘Triệu người quen, có mấy người thân’) là … có lí, và tiết kiệm kết bạn hơn.
Điều thứ hai: Khi đã có tuổi, chúng ta nhìn thế sự một cách bình thản và nhận ra rằng không phải cái gì cũng cần phải phản ứng.
Lúc còn trẻ, chúng ta háo thắng, muốn vượt trội, và có khi tham lam trong danh vọng, tiền tài. Thấy cái gì ‘gai mắt’ là chúng ta phản ứng ngay. Thấy người ta có hành vi và hành động không hợp lí (với mình) và thế là có phản ứng gay gắt, thậm chí phê phán. Nhưng vì còn trẻ người non dạ, chúng ta không biết câu chuyện đằng sau của những hành động và hành vi đó, nên chúng ta đã phạm phải sai lầm và mang tội. Mấy dư luận viên và youtuber kền kền ngày nay là như vậy, họ không biết rằng họ đã gây tội ác vì cái tánh bồng bột và ngạo mạn của tuổi trẻ.
Nhưng khi đã luống tuổi, chúng ta tạm đạt được cái ‘tri thiên mệnh’, và do đó không vội vã phản ứng trước những điều trái tai gai mắt. Chúng ta cảm thấy bình thản hơn, suy nghiệm nhiều hơn trước khi phản ứng. Chúng ta nhận ra rằng trước nhiều sự việc, phán xét và đánh giá của chúng ta chỉ là những kẻ mù sờ voi. Hôm nọ, ngồi trong hội đồng đề bạt chức danh giáo sư, một anh chàng khoa trưởng kia phản bác ý kiến của tôi về công bố khoa học, nhưng tôi mỉm cười và không phản ứng. (Nếu là 20 năm trước thì tôi đã ‘đập bàn và chỉ tay’ rồi). Kì diệu thay, chỉ 2 giờ sau anh ta gởi lời xin lỗi (chắc đã ngộ ra vấn đề), nhưng tôi nói “Mày hãy xin lỗi lương tâm của mày kìa. Tao không cần lời xin lỗi đâu.”
Điều thứ ba: Khi đã luống tuổi, chúng ta nhận ra rằng trực giác có khi là chỗ dựa quan trọng, và các giá trị bảo thủ là cần thiết.
Khi còn trẻ chúng ta thường tỏ ra ‘cấp tiến’, muốn làm ‘cách mạng’. Thấy cái gì cũng muốn thay đổi. Thấy cái cũ là ngứa mắt, muốn dẹp qua một bên và thay vào cái mới. Thấy mái nhà tranh là lạc hậu và muốn hiện đại hoá nó bằng một mái tole!
Nhưng càng về già, chúng ta hình như càng … tự diễn biến. Tự diễn biến về các giá trị bảo thủ. Chúng ta nhận ra cái thời sôi nổi là bồng bột và tai hại. Chúng ta nhận ra mình từng có tội khi đánh đổ cái cũ và thay bằng cái mới tệ hại hơn.
Chúng ta cũng nhận ra rằng không phải cái gì cũng được quyết định dựa trên chứng cớ, và trực giác trở thành một chỗ dựa rất quan trọng trong điều kiện bất định. Nhìn vào một cái đơn xin đề bạt, trực giác cho chúng ta biết rằng kẻ viết ra nó là xạo, nhưng chứng cớ thì không có hay không thể xác minh. Nghe một kẻ thuộc phe ‘cấp tiến’ nói chúng ta thấy hắn ta xạo, ngoa ngôn, dù chưa có chứng cớ. Nhưng chúng ta đúng.
Nhìn ông cụ 92 tuổi bị một bộ máy nhà nước vùi dập chúng ta biết ổng là nạn nhân của cái bộ máy thiếu lương thiện, dù chúng ta chỉ nhìn mặt mũi và hành vi của ổng.
Hoá ra, trực giác đóng vai trò quan trọng và giúp chúng ta tồn tại trong những tình huống thiếu thông tin. Hoá ra, những giá trị thủ cựu và bảo thủ rất quan trọng để chúng ta không bị chìm đắm trong những ngôn từ quyến rũ và ma mị (kiểu như anh Bảy Đờn bên Mĩ.)
Điều thứ tư: Càng về già chúng ta càng thấy không có nhu cầu được dung nạp hay được công nhận.
Khi còn trẻ chúng ta muốn ‘thành công’, muốn được ghi nhận, muốn được visible, hay nói chung là … bon chen. Vì bon chen, chúng ta hay so sánh. Vì còn trẻ, so sánh của chúng ta ấu trĩ. Tại sao hắn được vào bộ lạc, còn mình với thành tích nổi trội hơn hắn lại không được? Bất công. Tại sao lúc nãy phát biểu, họ quên đề cập đến mình? Họ cố ý. Tại sao họ không bầu mình vào hội đồng? Họ ghét mình. Nói chung, khi còn trẻ, chúng ta muốn được dung nạp, và khi không được dung nạp thì chúng ta tức giận.
Nhưng khi luống tuổi, khi chúng ta đã qua những chặng đường đời, đã [nói theo tiếng Anh là] ‘been there, done that’, chúng ta thấy bình thản hơn. Bình thản khi người ta bỏ quên mình. Bình thản khi người ta loại mình ra khỏi bộ lạc — có lẽ họ cần ‘máu mới’. Chúng ta không có nhu cầu được thấy, được ghi nhận, hay được vượt trội gì cả. Chúng ta nhìn sự đời như một vở kịch và thấy tội nghiệp cho những diễn viên trong vở kịch.
Chúng ta càng nhận ra rằng tất cả sự vật — từ cây cỏ đến sinh vật và con người — đều là những kẻ ‘ở trọ’. Thậm chí thời gian và bóng tối cũng ở trọ, y như Trịnh Công Sơn viết:
Trăm năm ở đậu ngàn năm
Đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn
Ơ hay là một vòng xinh
Tôi như người bỗng lênh đênh giữa đời
Những người luống tuổi nhìn lại quãng đường đời mình đi qua là một sự lênh đênh nội tâm. Con đường nội tâm là con đường phức tạp nhứt vì điểm đến gần như không tồn tại. Cái gọi là ‘thành công’, ‘thành đạt’ chỉ là ngoa ngữ cho một điểm đến không có thật, và nó làm cho con người chìm đắm và đau khổ trong đường đời. Thành ra, thay vì nhắm tới điểm đến, chúng ta nên quan tâm đến cách mà chúng ta đi và cùng đi với mọi người khác.
Nguyễn Văn Tuấn