Giáo hoàng Francis kêu gọi đoàn kết liên tôn giáo ở Indonesia
Uyên Phương
2024-09-04T06:51:22-04:00
2024-09-04T06:51:22-04:00
http://cuucshuehn.net/Xa-hoi/giao-hoang-francis-keu-goi-doan-ket-lien-ton-giao-o-indonesia-13364.html
https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/1100/471584752817336320/2024/9/4/2024-09-04t035911z1749532167rc2ft9ayygw6rtrmadp3pope-asia-indonesia-17254327517981252254022.jpg
Cựu Chủng Sinh Huế
http://cuucshuehn.net/uploads/logo-cuucshuehn_120_120.png
Thứ tư - 04/09/2024 06:43
Giáo hoàng Francis, người đứng đầu Giáo hội Công giáo, bắt đầu ngày đầu tiên trong chuyến thăm bốn quốc gia châu Á - Thái Bình Dương. Trong ngày đầu tiên của chuyến công du 10 ngày tại bốn nước châu Á - Thái Bình Dương, Giáo hoàng Francis kêu gọi đoàn kết liên tôn giáo để chống lại chủ nghĩa cực đoan.
Giáo hoàng Francis (trái) trao đổi với Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong cuộc họp tại Dinh Tổng
thống ở thủ đô Jakarta vào sáng 4-9 - Ảnh: AFP
Đoàn kết liên tôn giáo để chống chủ nghĩa cực đoan
Giáo hoàng Francis gọi lợi ích cá nhân là chướng ngại vật cản trở việc thống nhất các tôn giáo, gây ra nhiều cuộc chiến tranh trên khắp thế giới. Tuy nhiên, theo Hãng tin AFP, người đứng đầu Vatican không đề cập cụ thể đến quốc gia nào.
“Ở nhiều khu vực, chúng ta chứng kiến sự xuất hiện của các cuộc xung đột đầy bạo lực. Và đây thường là kết quả của những mong muốn ích kỷ nhằm đạt được lợi ích, vị thế hoặc vẽ ra ‘câu chuyện lịch sử’ cho riêng mình bằng mọi giá”, vị Giáo hoàng 87 tuổi nói trong cuộc họp với Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại Dinh Tổng thống ở thủ đô Jakarta vào sáng 4-9.
Tổng thống Widodo cũng thể hiện sự đồng tình với các phát biểu của Giáo hoàng Francis.
Cũng theo Hãng tin AFP, Indonesia - quốc gia có dân số theo Hồi giáo đông nhất thế giới - từ lâu đã phải vật lộn với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Trong đó, vụ đánh bom trên “thiên đường du lịch” Bali hồi năm 2002 khiến 202 người thiệt mạng là vụ khủng bố đẫm máu nhất từng được ghi nhận trong lịch sử Indonesia.
Indonesia có hơn 8,2 triệu người Công giáo, chiếm 3% dân số nước này. Quốc gia này từng đón tiếp Giáo hoàng Paul VI vào tháng 12-1970 và Giáo hoàng John Paul II vào tháng 10-1989.
Giáo hoàng Francis dự kiến sẽ chủ trì một cuộc họp với đại diện của cả sáu tôn giáo lớn tại thánh đường Hồi giáo lớn nhất Đông Nam Á Istiqlal, tại thủ đô Jakarta vào ngày 5-9. Giới quan sát gọi sự kiện này là biểu tượng của sự hòa hợp liên tôn giáo.
Cũng trong ngày 5-9, Giáo hoàng Francis sẽ chủ trì một Thánh lễ tại sân vận động bóng đá quốc gia ở Jakarta với sức chứa khoảng 80.000 người. Dự kiến Thánh lễ sẽ thu hút rất nhiều tín hữu Công giáo tham dự.
“Tình huynh đệ” giữa các tôn giáo
Đặc biệt, để thể hiện sự đoàn kết liên tôn giáo, Bộ Quản lý các vấn đề tôn giáo Indonesia kêu gọi các đài truyền hình tại nước này không phát chương trình cầu nguyện Salah Maghrib (giờ cầu nguyện ngay sau khi mặt trời lặn) của các tín đồ Hồi giáo, do giờ cầu nguyện này trùng với giờ Thánh lễ do Giáo hoàng Francis cử hành vào ngày 5-9.
Thay vào đó, các đài truyền hình có thể gửi tin nhắn nhắc nhở về giờ cầu nguyện đến điện thoại của các tín đồ Hồi giáo tại Indonesia.
Bên cạnh đó, Giáo hoàng Francis sẽ có Thánh lễ tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Lên Trời (hay còn gọi là nhà thờ Đức Mẹ Thăng Thiên), ngôi nhà thờ nằm đối diện với giáo đường Hồi giáo Istiqlal nhằm thể hiện sự đoàn kết giữa các tôn giáo vào ngày 4-9.
Bên dưới nhà thờ Công giáo và giáo đường Hồi giáo trên có một đường hầm cũ đã được khôi phục, trang trí bằng các tác phẩm nghệ thuật và biến thành “đường hầm huynh đệ” để kết nối nơi cầu nguyện của người Hồi giáo với nơi các tín hữu Công giáo cử hành Thánh lễ.
Đích thân Tổng thống Indonesia Joko Widodo hỗ trợ Giáo hoàng Francis khi người rời lễ đón tiếp ở
trước Dinh Tổng thống bằng xe lăn - Ảnh: AFP
Chiếc Toyota chở Giáo hoàng Francis tiến về Dinh Tổng thống Indonesia giữa vòng vây của các tín
hữu Công giáo vào sáng 4-9 - Ảnh: REUTERS
Các binh sĩ trong trang phục truyền thống xếp thành hàng để đón chào Giáo hoàng Francis - Ảnh: REUTERS
"Kìa, Giáo hoàng đã đến", Hồng y Luis Antonio Tagle ra hiệu khi Giáo hoàng Francis tiến vào Dinh
Tổng thống Indonesia ở thủ đô Jakarta vào sáng 4-9 - Ảnh: REUTERS
Được tận mắt nhìn thấy người đứng đầu Giáo hội Công giáo là điều mà bất kỳ tín hữu nào cũng
mong ước - Ảnh: AFP
Một tín hữu Công giáo bật khóc khi đoàn xe của Giáo hoàng Francis đi ngang qua Đại sứ quán
Vatican ở thủ đô Jakarta vào sáng 4-9 - Ảnh: AFP
Nhiều lo ngại vấn đề sức khỏe của Giáo hoàng
Hình ảnh vị Giáo hoàng gần 90 tuổi đến thăm bốn nước châu Á - Thái Bình Dương trong 10 ngày liên tục khiến các tín hữu Công giáo trên khắp thế giới lo ngại về sức khỏe của người.
Cụ thể, sau khi thăm Jakarta (Indonesia) từ ngày 3 đến 6-9, người đứng đầu Giáo hội Công giáo sẽ đến thăm Port Moresby và Vanimo (Papua New Guinea) từ ngày 6 đến 9-9, đến Dili (Timor-Leste) từ ngày 9 đến 11-9 và Singapore từ ngày 11 đến 13-9.
Được biết, đi cùng với Giáo hoàng đến Indonesia có một bác sĩ riêng và hai y tá. Tuy nhiên, phát ngôn viên thành quốc Vatican Matteo Bruni cho biết một bác sĩ và hai y tá là “tiêu chuẩn đi kèm” khi một giáo hoàng công du nước ngoài.
Các tín hữu Công giáo tụ họp tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Lên Trời (hay còn gọi là nhà thờ Đức Mẹ
Thăng Thiên), trung tâm thủ đô Jakarta (Indonesia) trước Thánh lễ của Giáo hoàng Francis vào chiều
4-9 - Ảnh: AFP
Các nữ tu Công giáo đợi đến giờ lễ tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Lên Trời ở Jakarta, Indonesia
- Ảnh: AFP
UYÊN PHƯƠNG
Tác giả: Uyên Phương
Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ