Nghệ thuật tranh luận.

Thứ bảy - 31/03/2012 06:43

-

-
Trong thời đại @ có lẽ sinh hoạt tri thức nổi bật nhất là tranh luận trên Internet. Ngày trước, muốn tranh luận thì ta phải gặp nhau trong quán cà phê, và tranh luận cũng có giới hạn, vì còn phải vui vẻ uống cà phê với nhau.
Nghệ thuật tranh luận
 
Trong thời đại @ có lẽ sinh hoạt tri thức nổi bật nhất là tranh luận trên Internet.
 
Ngày trước, muốn tranh luận thì ta phải gặp nhau trong quán cà phê, và tranh luận cũng có giới hạn, vì còn phải vui vẻ uống cà phê với nhau.
 
Ngày nay ta có thể tranh luận bất kỳ giờ nào trên mạng, và nhiều khi cũng bạo miệng (à không, bạo ngón tay) hơn, vì không có nhu cầu phải tĩnh lặng uống cà phê với người đang tranh luận. Điều này có nhiều hậu quả sâu xa. Các trao đổi thường xuyên trên Internet giúp cho kiến thức của ta gia tăng với vận tốc kỷ lục, và kiến thức mới mở thêm những chân trời mới cho mỗi người chúng ta cũng như cho đất nước. Trong bài này chúng ta sẽ lược qua vài điểm chính trong nghệ thuật tranh luận.
 
Tranh luận là gì?
 
Không nhất thiết cứ cãi nhau là có tranh luận.
 
Tranh luận (argument) là (1) một chuỗi những câu nói (statements) liên hệ chặt chẽ nhau, (2) câu sau liên hệ lý luận chặt chẽ với câu trước, và (3) cả chuỗi câu nói nhằm mục đích chứng minh kết luận cuối cùng là đúng.
 
Cứ tung những câu nói bừa bãi qua lại, mà không cần đúng sai, đó không phải là tranh luận, mà là cãi nhau như con nít. Ví dụ: Reagan là tổng thống tồi. Không, ông ta là tổng thống hay nhất trong lịch sử Mỹ. Thôi đi, ông ấy chỉ là tài tử đóng phim hạng ba…
 
Điều quan trọng nhất cho người tranh luận là kết luận cuối cùng - tức là: quan điểm.
 
Người đó phải có một quan điểm rõ ràng và tranh luận để bảo vệ quan điểm đó. Ví dụ: Cần phải tăng thuế VAT. Hay, cần đặt việc nâng cấp giáo chức như là ưu tiên một trong chính sách giáo dục. Người tranh luận đứng đắn luôn luôn có quan điểm và thường báo cho độc giả (hay khán giả) biết rõ lập trường của mình ngay từ lúc mình mới bắt đầu tranh luận. Ví dụ: “Tôi ủng hộ việc tăng thuế VAT vì những lý do sau đây.” Đây là “kết luận” hay “quan điểm”được đưa ra ngay từ đầu cuộc tranh luận, và các lý lẽ trình bày là những lý luận nhằm ủng hộ kết luận (quan điểm) đó.
 
Tại sao ta lại nói kết luận ngay từ đầu, mà lại không đợi đến kết cuộc mới kết luận. Thưa, vì lý do ta đã nói trong vài bài trước đây: Một tư tưởng hay một câu nói tự nó không có nghĩa lý gì cả; nó chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó được dùng để phục vụ một mục đích, một kết luận, nào đó. Ví dụ: “Thống kê cho thấy các công ty của ta có mức lợi tức cao hơn các công ty tại các quốc gia lân cận.” Câu này tự nó chẳng có nghĩa lý gì hết (cho nên người nghe hay hỏi “Rồi sao?” hay “So what?”). Tuy nhiên, nếu người nghe đã biết trước là “anh này chủ trương tăng thuế lợi tức công ty,” thì người nghe hiểu ngay được sự quan trọng của câu nói này. Vì vậy, nếu ta không muốn bị “mất” khán/độc giả, và không muốn để họ “bị lạc” một giây đồng hồ nào, ta phải nêu rõ kết luận (quan điểm) ngay từ đầu, để họ hiểu rõ được từng lời mình nói. Đó gọi là “tập trung tư tưởng khán/độc giả.”
 
• Những người có tiếng nói trong một cuộc tranh luận nhưng không có lập trường rõ ràng, thường thuộc 2 nhóm.
 
Nhóm thứ nhất là nhóm khán giả. Đôi khi một vài người nghe cần mình giải thích thêm một tí, họ có thể hỏi mình giải thích rõ thêm.
 
Nhóm thứ hai là nhóm phá đám. Họ chỉ muốn tấn công người nói bằng đủ loại câu hỏi, chỉ để làm cho người nói mệt mỏi và người nghe lạc đường, hoặc chỉ để lòe người khác là họ “thông thái”, chứ không có lập trường nào khác. Nếu bạn gặp một người cứ ném vào bạn thường xuyên các câu tấn công như “Anh định nghĩa chữ này dùm”, “anh làm ơn cho thống kê chứng minh câu anh vừa nói”, “tại sao?” … đó là dấu hiệu anh ta là người phá đám. Dĩ nhiên, đây có thể là các câu hỏi rất hay, nếu chúng không bị lạm dụng. Nhưng chúng rất dễ bị lạm dụng để phá đám.
 
Khi có cảm tưởng bị phá đám, ta có 3 cách để đối phó.
 
Cách thứ nhất, ta chỉ cần hỏi lại: “Tôi thấy anh hỏi đã nhiều rồi. Trước khi tôi trả lời tiếp, anh làm ơn cho biết lập trường của anh là gì để chúng ta có thể bàn luận dễ dàng hơn? Anh ủng hộ tăng thuế hay giảm thuế?” Nếu người kia trả lời rõ lập trường, ví dụ “tôi chủ trương giảm thuế,” ta có thể tiếp theo ngay, “Vậy anh làm ơn cho biết những lý lẽ anh có để ủng hộ lập trường của anh.” Như vậy anh ta sẽ bận rộn bảo vệ lập trường của anh ta và không còn thời giờ để phá đám.
 
Thứ hai, đôi khi có người có lập trường và thích tranh luận, nhưng lập trường của họ hoàn toàn khác với lập trường của mình, và họ chỉ tranh luận để mình không yên ổn làm việc được. Ví dụ, một nhóm bạn thơ chỉ muốn uống cà phê thưởng thức thơ văn êm đềm, nhưng có một bạn nhất định phải đưa các vấn đề chính trị vào thơ và biến thơ thành tranh cãi chính trị. Ta nên nhắc nhẹ bạn ấy vài câu, nếu bạn ấy còn tiếp tục thì mời bạn ấy ra khỏi nhóm.
 
Thứ ba, đối với người chuyên môn phá mà không bao giờ muốn tranh luận với một lập trường rõ rệt, (thông thường là vì muốn chứng tỏ cái “thông thái” của mình), ta cứ lờ họ đi. Và nếu họ cứ nhất định lải nhải, ta đành mời họ ra ngoài.
 
• Một trong những quy luật căn bản nhất để tranh luận có hiệu quả tốt, là tranh luận phải nằm trong khung cảnh tương kính lẫn nhau. Cũng như lớp học phải có trật tự và yên lặng, nếu khung cảnh tương kính không có trong tranh luận, tranh luận sẽ trở thành những lạm dụng rẽ tiền, chẳng lợi gì cho ai cả, nếu không nói là có hại.
 
• Về phương diện kỹ thuật, dĩ nhiên là mỗi câu chúng ta nói ra phải hợp luận lý và tuân thủ các công thức lý luận cổ điển. Ta sẽ đi vào các công thức luận lý trong một dịp khác. Hôm nay ta chỉ nói đến công thức thông dụng nhất mà ai trong chúng ta cũng sữ dụng hằng ngày. Đó là tam đoạn luận, gồm 3 mệnh đề, như thí dụ sau. (1) Mọi người đều chết; (2) ông X là người; (3) vì vậy ông X sẽ chết. Đây là một tam đoạn luận suy diễn, tức là suy từ chuyện chung (“mọi người”) đến chuyện riêng (“ông X”). Hai câu đầu là 2 tiền đề, câu thứ ba là kết luận.
 
Mỗi ngày, ai trong chúng ta cũng dùng tam đoạn luận suy diễn rất nhiều, dù là ta nói gọn hơn và ta cũng không để ý đến. Ví dụ: “Dĩ nhiên là bà mít ướt rồi.” Câu này thực ra là cả một tam đoạn luận rút gọn lại chỉ còn một câu. Nếu bị hỏi ngược lại, “Tại sao anh nói tui mít ướt?” thì đương nhiên là ta phải trình bày rõ ràng thành ba câu, “(1) Đàn bà ai cũng mít ướt; (2) chị là đàn bà, (3) đương nhiên chị cũng mít ướt.” Dĩ nhiên, ai cũng thấy lý luận này sai vì tiền đề đầu tiên (“đàn bà ai cũng mít ướt”) không đúng. Vì vậy, thường là ta sẽ bị hỏi lại, “Ai nói với anh đàn bà ai cũng mít ướt?” Tới lúc này, nếu bạn là người thông thái, thì nên “Xin lỗi chị. Tui đùa hơi lỡ lời. Mai mốt sẽ không làm vậy nữa,” và không nên giải thích gì thêm nữa, vì càng giải thích thì bạn càng tự đào sâu cái hố cho chính mình. (Ở Mỹ, lầm lỗi về kỳ thị giới tính kiểu này là lầm lỗi cực lớn. Bạn sẽ bị đánh giá là rất thiếu giáo dục. Chỉ có xin lỗi thành khẩn ngay lập tức mới chứng tỏ được là mình người đứng đắn và trí tuệ).
 
• Thí dụ trên cho thấy lầm lỗi thông thường nhất trong sữ dụng ngôn ngữ và lý luận là tổng quát hóa quá đáng - tức là dùng các từ có tính cách tuyệt đối. Người Việt ta gọi là “vơ đũa cả nắm.” Những từ nói đến “tất cả”, “mọi”, “toàn thể” thường là sai, không đáng tin. Các từ này làm cho người ta nghĩ rằng người nói rất ngớ ngẩn và không thể tin cẩn. Ví dụ: Hãy tưởng tượng một vị tổng thống nói trước 10 ngàn dân, “Tất cả công dân đều ủng hộ chính sách của tôi.” Chỉ cần một người la lớn lên, “Tôi không ủng hộ,” thì câu nói của ngài tổng thống trở thành ngớ ngẩn ngay. Vì vậy, ta nên đổi các từ này thành các từ có số lượng nhỏ hơn một tí như “đa số”, “phần đông”, “phần nhiều.” Như vậy vừa an toàn hơn, vừa đáng tin hơn.
 
Các từ liên hệ đến chữ “nhất” cũng thế. Ví dụ: Đây là người nổi tiếng nhất, quyển sách hay nhất, người đẹp nhất, hành động anh hùng nhất, v.v… Đây cũng là các từ tuyệt đối. Ngoại trừ quảng cáo thương mại thì không ai thèm bắt bẻ, người dùng từ các này thường được xem là ngớ ngẩn và không đáng tin. Hãy đổi lại thành “một trong những quyển sách được xem là hay nhất”, “một trong những người nổi tiếng nhất” v.v…
 
• Trong môn luận lý học, các giáo sư sẽ nói với bạn rằng những câu nói nhằm khích động cảm tính con người là những câu “sai luận lý” (fallacy), vì thường chúng chẳng liên hệ đến chuỗi luận lý tí nào cả (irrelevancy). Ví dụ: “Chúng ta không thể có những loại người gian ác ức hiếp người nghèo như thế. Phải kết tội hắn tối đa.” “À … à… ông công tố viên à. Câu hỏi ở đây là thân chủ tôi có vi phạm luật giao thông hay lái xe bất cẩn gây tai nạn không, chứ ăn nhập gì đến chuyện giàu nghèo?”
 
• Trên bình diện xã hội, khác với luận lý học thuần túy, ai trong chúng ta cũng biết là cảm tính của con người thường có tính cách quyết định. Nếu bạn nói mà nhiều người thương, thì nhiều người sẽ đồng ý với bạn. Nếu bạn nói, dù là hợp luận lý cách mấy, mà đa số không ưa bạn thì mọi người sẽ bất đồng ý.
 
Vì vậy, yêu người và người yêu mình rất quan trọng trong công tác biện luận. Nói đúng luận lý chỉ là bước sơ đẳng. Trình bày luận lý đó trong ngôn ngữ gần gũi với người nghe, với một cung cách gần gũi với người nghe, và có thể làm người nghe cùng cảm xúc với mình, đó mới thực sự là công việc thuyết phục.
 
• Tóm lại, hôm nay ta nói đến 4 điểm quan trọng nhất trong tranh luận.
 
Thứ nhất, người tranh luận phải có một quan điểm rõ ràng, và nên cho mọi người (người tranh biện với mình và khán/độc giả) hiểu rõ quan điểm của mình ngay từ đầu.
 
Thứ hai, tranh luận cần một khung cảnh tương kính lẫn nhau.
 
Thứ ba, tránh các từ có tính cách tuyệt đối.
 
Thứ tư, cần mọi người cùng xúc cảm với mình.
 
Một điều quan trọng nữa là, ta không chỉ tranh luận với người bất đồng ý kiến, mà thực ra ta tranh luận với người cùng ý kiến với mình thường xuyên hơn. Đó là chính là phản biện (counter-arguing). Muốn thực sự hiểu rõ một vấn đề, ta cần phải lý luận từ mọi hướng—hướng của ta và hướng đối nghịch. Trong một vụ kiện, hai luật sư của một bên thường tranh luận nhau, một người phe ta, một người đóng vai phe địch, chẳng khác gì võ sĩ tập trận. Nếu không tập đấu tranh như thế thì không thể nào thấy được điểm mạnh và điểm yếu của mình ở đâu.

Tác giả: Theo Trần Đình Hoành

Nguồn tin: dotchuoinon.com

 Tags: tranh luận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập500
  • Hôm nay129,785
  • Tháng hiện tại939,728
  • Tổng lượt truy cập58,225,597
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây