Mùa xuân Arab: Nguyên nhân nội tại và những kết cục khác biệt.

Thứ tư - 08/02/2012 19:02

-

-
Biến động “mùa xuân Arab” nổ ra tập trung nhất ở 5 quốc gia là Tunisia, Ai Cập, Yemen, Libya và Syria. Có thể nói 5 quốc gia lâm vào “mùa xuân Arab” đều là các nền cộng hoà- chế độ chính trị- xã hội tân tiến hơn so với các quốc gia Arab khác còn giữ chế độ quân chủ.
Mùa xuân Arab: Nguyên nhân nội tại và những kết cục khác biệt

Biến động “mùa xuân Arab” nổ ra tập trung nhất ở 5 quốc gia là Tunisia, Ai Cập, Yemen, Libya và Syria. Có thể nói 5 quốc gia lâm vào “mùa xuân Arab” đều là các nền cộng hoà- chế độ chính trị- xã hội tân tiến hơn so với các quốc gia Arab khác còn giữ chế độ quân chủ.
 
Các chính quyền ở Ai Cập, Libya và Syria được coi là có truyền thống cách mạng giải phóng dân tộc Arab từ hồi thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước. Hosni Mubarak từng là anh hùng của cuộc chiến tranh Tháng 10/1973 chống Israel. Muama'r Qaddafi từng là lãnh tụ cuộc cách mạng ngày 01/9/1969 lật đổ chế độ quân chủ, lập nên nhà nước Libya cách mạng. Đảng al-Baath ra đời tại Syria từ năm 1963, hiện do Basha'r al-Assad đứng đầu, vẫn giương ngọn cờ "chủ nghĩa dân tộc Arab" và tự coi mình là "thủ lĩnh" của lực lượng "Arab tiền tuyến" chống Israel. Chớ trêu thay, các chế độ "cách mạng và tiến bộ" ấy lại bị nhân dân vùng lên lật đổ, trong khi các nhà nước Arab quân chủ đều tương đối bình yên!
 
Qua một năm diễn biến, kết cục tại mỗi quốc gia chịu biến động nói trên lại mỗi nơi một vẻ.
 
Những kết cục khác biệt:
 
Hai cuộc sụp đổ chóng vánh:
 
Tại Tunisia, tổng thống Ben Ali cùng gia đình phải bỏ nước vội vã ra đi ngày 14/01/2011, sau gần một tháng chống cự với làn sóng biểu tình. Việc ra đi chóng vánh của Ben Ali tạo điều kiện cho Tunisia có một cuộc chuyển giao quyền lực đỡ phức tạp hơn cả so với các quốc gia khác. Ben Ali và gia đình đã cao chạy xa bay, nên dù có bị xét xử vắng mặt trong nước, nhưng có thể coi như đã tương đối an toàn.
 
Ông Hosni Mubarak tại Ai Cập buộc phải chấp nhận trao quyền lại cho Hội đồng quân sự tối cao vào sáng sớm ngày 11/02/2011, sau 17 ngày chống đỡ quyết liệt với cả phản kháng cuồng nộ từ bên trong và áp lực ngày càng dứt khoát từ phía Mỹ buộc ông phải "ra đi". Từ đó đến nay, mặc dù chính quyền quân sự tại Ai Cập thực tâm không muốn "xử tệ" với Mubarak và gia đình ông này, nhưng áp lực quần chúng phản kháng và phe đối lập (nay đã trở thành lực lượng làm chủ đất nước) đang thúc đẩy mạnh mẽ để toà án phải xử Mubarak, cùng một số cộng sự bị kết tội "giết hại người biểu tình", với mức án cao nhất!
 
Những cuộc đấu dằng dai với kết cục không giống nhau:
 
Ở Yemen, tổng thống Ali Abdullah Saleh đã cầm cự dằng dai khá hữu hiệu để đảm bảo không bị sụp đổ chóng vánh như hai nguyên thủ Tunisia và Ai Cập. Trong nước, Abdullah Saleh phải đối phó với cuộc phản kháng vừa quy mô, vừa quyết liệt, vừa kiên trì; với sự tham gia của đông đảo dân chúng bất mãn, của phe đối lập chính trị và cả một sư đoàn chính quy li khai khỏi quân đội. Ông này còn chịu áp lực liên tục, dai dẳng và nhất quán từ các quốc gia Arab láng giềng trong Tổ chức hợp tác vùng Vịnh (GCC) được Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) hậu thuẫn. Chính quyền Saleh cũng bị phe phản kháng lên án là đã giết hại cả ngàn người biểu tình. Vậy mà ông này chỉ chịu "tạm trao quyền cho phó tổng thống" trong một giải pháp chính trị mà ông ta được hưởng quyền miễn bị truy cứu về tư pháp. Saleh đã rời Yemen sang Mỹ "chữa bệnh" vào ngày 23/01 vừa qua để được coi như đã "hạ cánh an toàn"!
 
Saleh cũng bị phong trào phản kháng bùng lên rất sớm, nhưng ông này là người lão luyện trong nghệ thuật cầm quyền do trải qua nhiều thăng trầm trong suốt 33 năm tại vị. Saleh lại chứng tỏ khả năng "chơi con bài al-Qa'eda" để buộc Mỹ phải có giải pháp nương nhẹ hơn so với trường hợp Mubarak tại Ai Cập.

 
 
Cuộc đấu tại Libya cũng giằng dai quyết liệt  và chỉ ngã ngũ vì sự can thiệp quân sự từ bên ngoài. Qaddafi và các con, rút kinh nghiệm từ biến động tại Tunisia và Ai Cập, lại có tiềm lực tài chính và vũ khí dồi dào, đã không từ một hành động nào để bảo vệ quyền lực, chống lại lực lượng phản kháng vũ trang trong một cuộc nội chiến thực sự đẫm máu. Muama'r Qaddafi chịu một kết cục bi thảm hơn cả. Ông này cùng một con trai đã bị giết "tại trận" vào ngày 20/10/2011. Nhưng cho đến nay, Libya cũng là trường hợp duy nhất trong các quốc gia chìm vào "mùa xuân Arab" bị can thiệp quân sự quốc tế do Liên Hợp Quốc áp đặt. Có thể nói nếu không có cuộc chiến tranh không quân cường độ cao của NATO thực thi nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an từ ngày 31/3/2011, thì chế độ "Jamaheriyah" chưa thể sụp đổ vào cuối tháng 8, để Qaddafi bị tiêu diệt sau đó gần 2 tháng.
 
Phản kháng ở Syria bùng lên từ 17/3/2011- muộn màng nhất so với "những người anh em Arab" khác. Chính quyền Syria cũng đã rút được kinh nghiệm từ các cuộc biến đông trước đó, nên ngay từ đầu đã áp dụng một đường lối nhất quán là trấn áp quyết liệt, bất chấp đổ máu! Các biện pháp cường quyền và bạo lực của chính quyền tổng thống al-Assad khiến phản kháng không thể phát triển thành những cuộc "biểu tình triệu người". Phe đối lập chính trị trong và ngoài nước không thể thống nhất lực lượng. Chưa thể xảy ra hiện tượng li khai ở cấp cao, kể cả trong lực lượng vũ trang và chính quyền.
 
Hiện tượng quân nhân li khai thành lập "quân đội tự do Syria" là một thách thức nghiêm trọng, nhưng cho đến nay, đạo quân này vẫn chỉ có thể hoạt động theo những đơn vị nhỏ lẻ, rải rác tại các địa phương; chưa thể tập hợp thành đơn vị quy mô lớn và chưa thể chỉ huy thống nhất. Chính quyền Syria còn thành công trong việc tạo ra một "lực lượng đối lập" làm bình phong "dân chủ" che chắn cho sự tồn tại của chế độ; để đối trọng với đối lập thực sự cả ở trong nước và với nước ngoài.

Hơn nữa, chính quyền của tổng thống al-Assad đánh giá đúng tình hình quốc tế và cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra ở Mỹ và châu Âu, khiến cho kịch bản Libya khó có thể tái diễn. Tổng thống al-Assad cũng rất biết tận dụng vị thế không thể xem thường của Syria ở Liên đoàn Arab và trong khu vực; tận dụng quan hệ "trao đổi lợi ích" với Iran và Nga để được trợ giúp mọi mặt tại chỗ, cũng như được "bênh che" tại HĐBA.
 
Bởi thế, sau gần một năm biến động đẫm máu, chưa thấy cuộc khủng hoảng tại Syria có thể ngã ngũ sớm theo một hướng nào rõ rệt.
 
Sự khác biệt về nội tri có vai trò quyết định:
 
Qua một năm biến động, nghiêm trọng nhất ở năm quốc gia kể trên, có thể thấy có những đặc điểm đáng lưu ý:
 
Tunisia và Ai Cập là hai chế độ cộng hoà có nền tảng xã hội dân sự rõ nét hơn cả, thì đã sụp đổ nhanh chóng. Nhưng sự thay đổi chế độ tại hai nước này, tuy có đổ máu, vẫn không đến mức "đẫm máu" như tại ba nước còn lại. Điều quan trọng nhất là thể chế nhà nước dân sự khá rõ nét vẫn được bảo toàn. Sau khi thay đổi chế độ trong hoàn cảnh tương đối ôn hoà, chưa xảy ra tình trạng khoảng trống quyền lực có nguy cơ vượt tầm kiểm soát.
 
Các lực lượng mới trỗi dậy vẫn đang đấu tranh quyết liệt với chính quyền lâm thời nhận chuyển giao từ chế độ đã bị lật đổ, nhưng hình thái đấu tranh văn minh hơn, thượng tôn pháp luật hơn. Cuộc đấu tranh tập trung vào giành giật lợi thế tại nghị trường và xây dựng hiến pháp mới. Lực lượng "tàn dư của cách mạng không đầu" vẫn còn hoành hành trên đường phố vào những thời điểm khác nhau, nhưng đã không còn là "bất ngờ" nữa. Chính quyền lâm thời cùng các đảng chính trị mạnh nhất ý thức được lợi ích của đất nước và tương lai của chính đảng trên chính trường, tuy mâu thuẫn nhau về giành quyền lực, nhưng thống nhất với nhau về mục tiêu không để đất nước trượt dài xuống vực sâu hỗn loạn.
 
Trong khi đó, các chế độ tại Libya, Yemen và Syria có vẻ "vững chãi" hơn, tồn tại lâu hơn nhờ bộ máy cường quyền, độc trị; nhờ sự trung thành của các cơ chế cai trị do chính con cháu họ thống lĩnh; nhờ sự ràng buộc dòng tộc và giáo phái hạn hẹp; nhờ áp dụng đường lối bạo lực đẫm máu bất chấp thương vong của hàng ngàn người dân. Các chế độ này, trước khi xảy ra biến động đều có bộ mặt xã hội vô cùng êm ả nhờ "sự ủng hộ hoàn toàn của nhân dân". Nhưng khi chế độ sụp đổ thì đất nước hầu như rơi vào tình trạng vô chính phủ do khoảng trống quyền lực quá lớn. Libya đang là một ví dụ điển hình. Yemen muốn tránh được hỗn loạn vượt khỏi tầm kiểm soát chắc cũng phải nhờ cậy nỗ lực tột độ của GCC do Saudi Arabia và Qatar dẫn đầu.
 
Còn Syria, chưa thể nói gì vào lúc này. Nhưng điều mà các bên trong và ngoài khu vực, dù có lợi ích hết sức trái chiều nhau, đều lo ngại là nếu chính quyền của tổng thống al-Assad sụp đổ vào lúc này thì không thể tránh khỏi hỗn loạn. Một Syria hỗn loạn sẽ tác động tiêu cực đến toàn khu vực ở mức độ vượt xa so với tình trạng tương tự ở Libya hay Yemen.

Tác giả: Nguyễn Ngọc Hùng

Nguồn tin: tuanvietnam.vietnamnet.vn

 Tags: quốc gia

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập705
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm703
  • Hôm nay96,245
  • Tháng hiện tại201,365
  • Tổng lượt truy cập59,957,651
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây