“Đại Hội” Lão Gia Lớp Phú Xuân 1953

Thứ tư - 17/07/2024 21:45
Tên phá hoại Covid-19 đã gián đoạn anh em Phú Xuân 53 hải ngoại chúng tôi gặp gỡ nhau bốn năm năm trời, nghĩa là nó đã cộng cho anh em chúng tôi thêm bốn năm tuổi từ ngày chúng tôi gặp nhau lần trước.
Thoáng một cái, năm nay chúng tôi, ngoại trừ các đấng tu trì, đã trở thành ông nội ông ngoại, thậm chí là ông cố như bản thân tôi.
 
phu xuan 53 1

Tôi chợt nhớ một bài học thuộc lòng thời thơ ấu, chừng như lớp ba lớp tư gì đó, bài “Ông Tôi”: “Ông tôi năm nay đã sáu mươi tuổi, lưng đã còng, tóc đã bạc, đi đâu cũng phải chống gậy.” Ôi, “ông tôi” thời đó mới sáu mươi cái xuân xanh mà đã tệ hại như thế, lưng còng, tóc bạc, chống gậy. Cái tuổi sáu mươi đó qua đi đã lâu rồi với anh em Phú Xuân 53 chúng tôi còn lại trên cuộc trần này, qua lúc nào hầu như chẳng ai trong chúng tôi còn nhớ. Cái quá khứ sáu mươi đó giờ đã trở thành “trẻ con” đối với chúng tôi, các anh em Phú Xuân 53 còn nuối tiếc cuộc trần ai “ba vạn sáu ngàn ngày.” Anh em chúng tôi còn lưu luyến trần gian phần lớn đã trên 80.

Trước khi đi vào chi tiết buổi “đại hội,” tưởng cũng nên làm một cuộc kiểm toán xem Lớp Phú Xuân 1953 là gì, bao nhiêu người, và còn lại bao nhiêu người.

Tiểu Chủng Viện Phú Xuân, nguyên là Đại chủng Viện Huế, nằm về phía Tây Thành Phố Huế, cách Cầu Bạch Hổ chừng năm bảy trăm mét, cửa chính mở về hướng Nam nhìn ra sông Hương, hướng Bắc giáp Kim Long không xây tường, hướng Đông xây tường giáp nhà Mệ Hiệu – một hoàng thân Nhà Nguyễn, và hướng Tây tường giáp Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân.
 

Năm 1954, Pháp và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, hai thành phần chính, họp hội nghị tại Genève, Thụy Sĩ, đi đến kết quả cuối cùng là phân chia đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta thành hai phần lấy Vĩ Tuyến 17 làm ranh giới: Phía bắc vĩ tuyến thuộc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa; phía nam thuộc Quốc Gia Việt Nam. Có lẽ được cho biết trước kết quả sẽ đạt đến này, năm 1953, Tiểu Chủng Viện An Ninh tại Làng An Ninh, Đất Đỏ, Cửa Tùng, Quảng Trị, di chuyển toàn bộ cơ sở vào Phú Xuân.

Cũng năm 1953, năm Quý Tỵ, một trận lụt lớn đã xẩy ra tại Huế bắt đầu từ ngày 21 tháng 9 năm 1953, tức ngày 13 tháng 8 năm Quý Tỵ. Lụt dâng cao đã cuốn trôi làng Bãng Lãng (Tuần), đánh sập cửa Quảng Đức, của Nhà Đồ, của Hữu, và cửa Chánh Tây của Hoàng Thành Huế. Mực nước cao ngập đến lầu vòng quanh Nhà Nguyện Chủng Viện, ngấn nước còn thấy rõ khi chúng tôi nhập học. Việc di chuyển từ An Ninh vào Phú Xuân và trận lụt này đã trì hoãn ngày nhập học của chủng viện năm đó; chúng tôi nhập học vào đâu chừng tháng 11 (tôi không nhớ rõ) thay vì khoảng tháng 9 như lệ thường. Có một chuyện cần ghi nhận ở đây. Gia đình Mệ Hiệu được các Cha Chủng Viện cho tạm trú thoát khỏi bị ngập lụt nên hàng năm đến ngày ghi nhớ trận lụt đều đãi Chủng Viện một con heo quay và xôi để tri ân.

Như vậy, Lớp Phú xuân 1953 là “nhịp cầu” nối tiếp các “Lớp An Ninh” trước đó với các “Lớp Hoan Thiện” về sau này, khởi đầu một chuỗi “Lớp Phú Xuân.” Chúng tôi nhập học với chừng hơn sáu mươi chủng sinh, gọi là các Chú, nhỏ nhất khoảng mười tuổi, lớn nhất khoảng mười lăm mười sáu, trung bình đa số là mười hai mười ba. Chúng tôi đến từ ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên – Huế. Từ 1953 đến năm nay 2024, bảy mươi mốt năm đã trôi qua, chúng tôi phần lớn đã được Chúa gọi về, số ít còn lại đã chồng chất năm tháng và đang sẵn sàng nghe tiếng Chúa.

**Trong số sáu mươi ban đầu, bảy anh em đã được Chúa chọn làm cánh tay nối dài của Người:

- ĐTGM Lê Văn Hồng 84 tuổi (Huế)
- ĐÔ Nguyễn Ngọc Hàm 85 tuổi (Chicago - USA)
-  Dương Đức Toại (†)
- Lm. Trần Văn Tuyên (†)
- Lm. Nguyễn Văn Huề (†)
- Lm. Lê Văn Hiệp (†)
- Lm. Trần Văn Đoàn (†)

**Tám anh em ở Việt Nam đã liên lạc được:

- ĐTGM Lê Văn Hồng 84 tuổi (Huế)
- Nguyễn Văn Khen 84 tuổi (Huế)
- Đỗ Trinh Huệ (Joachim) 84 tuổi (Huế)
- Trần Hữu An 80+(?) tuổi (Cam Ranh)
- Lê Văn Huệ (Ignace) 80+(?) tuổi (Huế)
- Nguyễn Đăng Tình 86 tuổi (Thừa Thiên)
- Nguyễn Như Luật 80+(?) tuổi (Thừa Thiên)
- Lê Văn Thường 80+(?) tuổi (Ninh Thuận)

**Mười ba anh em ở hải ngoại đã liên lạc được:

- ĐÔ Nguyễn Ngọc Hàm (Chicago -USA)
- Dương Dân Sĩ 86 tuổi (Oregon – USA)
- Nguyễn Xuân Chương 80+(?) tuổi (Virginia – USA)
- Nguyễn Văn Thới 85 (?) tuổi (Michigan – USA)
- Lê Hữu Liệu 84 tuổi (Texas - USA
- Lê Xuân Hồ 83 tuổi (Texas – USA)
- Lê Hữu Ủy 83 tuổi (Texas – USA)
- Lê Xuân Quyền 83 tuổi (Californnia – USA)
- Nguyễn Văn Long 80+(?) tuổi (Virginia – USA)
- Đỗ Hữu Đề 80+(?) tuổi (Tennesse – USA)           
- Võ Văn Lượng 79 tuổi (Montréal – Canada)
- Hoàng Hoa Triều 80+(?) tuổi (Washington – USA)
- Trần Hữu Thuần 83 tuổi (Michigan – USA)

Riêng Nguyễn Bá Lệ trước đây ở Anh còn liên lạc qua email nhưng đã nhiều năm sau này không còn liên lạc được, nghe nói đã về Việt Nam ở Bàu Cá – Trảng Bom nhưng không chắc chắn.
 
Hàn huyên tại hiên nhà anh Duy
***
Ngày 22 tháng 6, 2024

Thế là một số anh em hải ngoại chúng tôi khăn gói chống gậy lên đường gặp gỡ nhau trong hai ngày 22 và 23 tháng 6, 2024 tại Houston, Texas. Nói cho đúng chỉ có năm người có thể đến được gồm Đức Ông Nguyễn Ngọc Hàm, các bạn Lê Hữu Liệu, Lê Xuân Hồ, Lê Hữu Ủy, và tôi – Trần Hữu Thuần. Số còn lại không thể đến được vì lý do sức khỏe hay bận việc gia đình. Đáng tiếc nhất là Anh Chị Đề, hai thành viên hăng hái không bỏ lần nào trong các kì gặp mặt trước. Bạn Đề hiện đang bệnh nan y không cách nào đến được.

Trong số năm người, thực sự chỉ có ba người phải khăn gói lên đường là Đức Ông Hàm, bạn Ủy, và tôi. Đức Ông Hàm từ Chicago đã bay đến Houston từ trước. Bạn Ủy ở Dallas đến Houston bằng xe Bus ngày 21 tháng 6. Còn lại mình tôi thực sự chống gậy bay từ Grand Rapids, Michigan đến Houston, Texas cũng trong ngày 21 tháng 6. Hai bạn Lê Hữu Liệu và Lê Xuân Hồ đều ở Houston. Chúng tôi hết lòng cám ơn bạn Liệu đã đưa đón chúng tôi. Cám ơn Chị Liệu đã nuôi ăn chúng tôi. Cám ơn Anh Chị Duy, cháu gọi Đức Ông Hàm bằng Ông Cậu, đã tiếp đón và cũng đã nuôi ăn chúng tôi.

Thứ bảy 22 tháng 6, ngày chúng tôi chính thức gặp gỡ nhau. Thôi thì hàn huyên tâm sự, bao nhiêu kỉ niệm của thời trẻ dại bảy mươi năm về trước được khơi lại gợi nhớ cho nhau. Những chuyện nghịch ngợm của lứa tuổi thứ ba sau quỉ và ma được ôn lại, học trò “tu” vẫn không khác gì học trò không tu. Mời nghe Đức Ông Hàm “thú tội” trước: “Mình với Minh Jos [†], Đỗ Trinh Huệ, và một số khác mỗi đứa viết một bài phản ứng về cách dạy của các Cha Giáo, về trang phục ‘thực dân’ lỗi thời, để làm thành một tờ ‘báo chuyền tay.’ Chữ mình xấu nên một bạn khác viết lại giúp mình. Không may, tờ ‘báo’ bị các Cha bắt được. Các ‘bài báo’ đều không kí tên nhưng các cha vẫn truy ra các tác giả qua nét chữ viết tay. Số phận dĩ nhiên là ‘xếp bút nghiên’ ra khỏi Chủng Viện. May cho mình, bài của mình không do mình viết nên mình thoát nạn. Bạn viết giúp mình dĩ nhiên cũng chịu chung số phận nhưng không khai ra mình. Nếu mình bị khai ra, chắc hôm nay chắc có người nào mang danh là Đức Ông Hàm!”

“Trang phục thực dân lỗi thời” chúng tôi mặc với tính cách là đồng phục “các Chú” lúc đó là áo dài kiểu dân tộc màu đen, quần dài dân tộc màu trắng, nón “thuộc địa” màu trắng. Nón “thuộc địa” là loại nón trông giống kiểu nón của Bộ Đội Quân Đội Nhân Dân Việt Nam bây giờ, chỉ khác không phải màu xám mà là màu trắng. Tập thể “các Chú” chúng tôi mỗi tuần được đi ra ngoài một lần vào chiều thứ năm, gọi là “đi dạo,” điểm đến gần là Giáo Xứ Kim Long mà Cha Sở lúc đó là Cha Nguyễn Văn Thích, xa hơn là Trường Đấu Voi, Cọp, nơi một số vị Thánh Tử Đạo đã bị xử tử bằng cách cho Voi dày, Cọp xé. Xa hơn cả là đi đến Giáo Xứ Phường Đúc. “Các Chú” xếp hàng đôi, Lớp Tư nhỏ nhất – tức lớp Phú Xuân 1953 chúng tôi – đi trước, Lớp Nhất lớn nhất đi sau cùng. Đoàn người “trắng, đen, trắng” ngoằn ngoèo đi bộ hết đường lớn đến đường hẽm, im lặng nặng nề. Hai bên đường, người lớn không phải Công Giáo nhìn chúng tôi với đôi mắt ngạc nhiên như đang nhìn thấy một hiện tượng lạ, trong khi trẻ nhỏ chỉ chỏ reo hò “Nấm mọc! Nấm mọc!” Chúng tôi lúc đó chưa có ý thức về “quần áo làm thành thầy tu” nên ao ước được thay đổi, được mặc trang phục sơ mi quần Tây như đệ tử các Dòng khác, Dòng Chúa Cứu Thế chẳng hạn.

Nhắc đến Cha Cố Gioan Maria Thích, chúng tôi không thể quên lần chúng tôi “đi dạo” đến giáo xứ của ngài. Vườn Nhà Xứ trồng rất nhiều cây và hoa, nhất là Hoa Sứ. Không biết mấy bạn nghịch ngợm nào đã bứt một số hoa và lá rồi vứt bừa bãi trong vườn. Cha bắt gặp và thế là chúng tôi được tập trung nghe một bài giảng về tính nhân văn, trong đó có một câu mà chúng tôi không thể quên được. Với giọng điềm tĩnh của một Nhà Nho, Cha nói, “Sao các con cất sự sống của hoa lá cây cảnh? Mỗi cây hoa cành lá đều có sự sống của nó.” Lúc đó chúng tôi nghe rồi cười vì không hiểu Cha muốn nói gì. Mãi đi khi lớn hơn, chúng tôi mới hiểu Cha muốn nói đến ý niệm Nho Giáo “linh ư vạn vật” tức mọi sự trong trời đất đều có tính thần linh, đều có tính cao trọng. Nhân tiện, bạn Lượng vừa email “thú tội” với mình bạn chính là người đã bứt hoa ngắt lá, hình như cùng với bạn Lương, trong vườn Cha JM Thích.

Chúng tôi cũng không đồng ý với các Cha về chuyện chúng tôi phải tự tay giặt áo quần ở tuổi mười mười một. Chủng Viện lúc đó không có nước máy; nước để rửa mặt, để tắm, để giặt, tất tất phải tự tay “quay” từ giếng lên. Lũ chúng tôi đều yếu đuối, tay quay nước thì nặng nề, vì thế việc quay nước để tắm giặt là cả một cực hình. Kết quả là áo quần chúng tôi phần lớn đều thay ra, nhúng nước, rồi phơi khô để dĩ nhiên… mặc lại. Có bạn thậm chí không nhúng nước, chỉ thay, phơi, rồi mặc lại! Đa số quần trắng của chúng tôi đều vì thế nổi mốc xanh, và có… mùi không mấy thơm tho!

Cũng Đức Ông Hàm: “Các cậu không biết mình bị xuống lớp rồi lại được lên lớp.” Quả thực chúng tôi không biết việc này, cũng chẳng hiểu tại sao chúng tôi không biết chuyện “động trời” này.

“Giờ tiếng Pháp, học thuộc lòng năm câu, trả bài bằng cách viết lên giấy rồi đổi nhau chấm. Mình hỏi Cha Giáo, ‘Thưa Cha, sai một chữ trừ mấy điểm? Thiếu một câu trừ mấy điểm?’ Cha Giáo trả lời, ‘Sai một chữ trừ một điểm, sai một câu trừ hai điểm.’ Toàn bài gồm năm câu, mỗi câu bốn điểm, tổng cộng hai mươi điểm nếu hoàn toàn đúng. Thế là mình chỉ học thật thuộc ba câu, thiếu hai câu bị trừ bốn điểm, còn lại mười sáu điểm – quá giỏi (!), trong khi các cậu khác viết đủ năm câu nhưng ví dụ ba câu sai một chữ là mất ba điểm, thêm hai câu sai hoàn toàn là mất bốn điểm, cộng bảy điểm sai, còn lại mười ba điểm, kém điểm mình. Nhờ ‘khôn vặt’ như vậy nên mình lại được lên lớp học chung với các cậu! Cha Giáo lẽ ra phải quyết định thiếu một câu bị trừ bốn điểm tương ứng với đúng một câu được bốn điểm.”

Nhìn lại, tôi nhận ra lúc đó Đức Ông “khôn” hơn tôi nhiều. Tôi chỉ biết cắm đầu học. Đối với nhiều bạn, tiếng Latin là môn “khó nuốt” nhất. Không ai không nhớ cái “khó” của Cha Tường, Cha Giáo Latin. Văn phạm Latin là một trong các văn phạm khó nhất trong văn phạm các ngôn ngữ. Sự kết dính văn phạm hoàn toàn nhờ vào điều gọi là “luật mẹo,” nghĩa là các qui tắc cố định phải theo để kết hợp các từ trong câu lại với nhau tùy theo nhiệm vụ của mỗi từ. Một vài luật văn phạm tôi còn nhớ đến ngày nay, ví như luật túc từ trực tiếp “Amo Deum” (Accusatif), luật danh từ chỉ sở hữu của một danh từ “Liber Petri” (Genitif). Thêm nữa, văn phạm Latin lúc đó được viết bằng tiếng Pháp, nghĩa là muốn học Latin phải giỏi tiếng Pháp. Đây cũng là một trở ngại cho những người không khá tiếng Pháp. Mặc dù lứa tuổi nói chung gần bằng nhau nhưng sức học của chúng tôi khi mới vào không tương đồng nhau, có bạn chỉ vừa học hết Tiểu Học (Lớp 5) trong khi có bạn đã học đến lớp Đệ Lục (lớp 7), nghĩa là có bạn đã học ít nhất hai năm tiếng Pháp trong khi có bạn chưa biết một từ nào. Thậm chí có bạn chỉ vừa học xong Lớp 3! Tôi còn nhớ có bạn đã không phân biệt được thế nào là ‘verbe’ (động từ) thế nào là ‘nom’ (danh từ) tiếng Pháp nên khi Cha Giáo gọi chia một verbe, bạn ấy đã “dõng dạc” chia, “Je table; Tu tables” (Table là một ‘nom’, nghĩa là ‘cái bàn,’ không chia trong tiếng Pháp)! Vì thế, môn Latin xa lạ đã khó càng thêm khó vì Cha Giáo rất nóng tính, hay la hét, thậm chí đánh đập (xin Cha Tường tha tội cho con nói xấu Cha!), vì khó học thuộc lòng các luật mẹo và các cách chia mẫu (nhiều thì, ngoại lệ, ba giống đực cái trung tính, các luật chia vần cuối khác nhau, hợp cách động từ với túc từ, hợp cách danh từ với tính từ, v.v…), và vì không rành tiếng Pháp.

Nhắc đến Latin, mọi người nhớ lại ba Luật của Chủng Viện thời đó, “Ve soli, nunquam duo, semper tres” mà không biết sau này còn giữ nữa không. Đây là Luật mà tôi – mà có lẽ tất cả chúng tôi – thường xưng tội cùng với các lỗi Luật khác như luật thinh lặng trong phòng giặt, phòng tắm, phòng học, vân vân. “Ve soli,” không bao giờ ở một mình (dĩ nhiên ngoại trừ những lúc… phải ở một mình!) vì ở một mình sinh ra suy nghĩ vẩn vơ, thơ tha thơ thẩn, từ đó sinh ra tiêu cực. “Nunquam duo” là không bao giờ được ở hai người riêng lẻ với nhau. Tuổi chúng tôi là tuổi mới lớn, tuổi dậy thì, tuổi tình yêu thể chất chớm nổi dậy. Ở trong Nhà Tu ngày đó, chúng tôi không được hướng dẫn về sự thay đổi thể xác và tâm lý trong giai đoạn phát triển sinh lý này. Đây có lẽ là một nhược điểm của cách giáo dục Chủng Viện thời chúng tôi đưa đến việc chúng tôi mất phương hướng, dẫn đến một số trong chúng tôi rời bỏ Chủng Viện. Luật này nhằm ngăn cản chúng tôi đi đến việc “yêu riêng” – một cách nói lúc đó để chỉ tình yêu đồng giới tính. Cuối cùng là “Semper tres” nghĩa là luôn luôn phải có ba người vào các giờ chơi, không phải vào các giờ học bài làm bài, không phải kiểu “tổ tam tam” để kiểm soát lẫn nhau. Luật này nhằm để giữ trọn vẹn hai luật trên, thế thôi, vì nói là “semper tres” nhưng bốn năm người hay hơn nữa càng tốt.

Chuyện quá khứ nhắc chúng tôi nhớ đến các Cha Bề Trên và các Cha Giáo. Chúng tôi trải qua mấy đời Bề Trên ở Phú Xuân: Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền – sau là Đức Cha, Cha Phaolo Lê Văn Đẩu, Cha Anrê Bùi Quang Tịch. Các Cha Giáo ở Phú Xuân gồm Cha Phượng (từ Vinh đến), Cha Tường, Cha Mẫn, Cha Phước, Cha Triệu. Gần gũi với các chủng sinh nhất có lẽ là Cha Bề Trên Hiền. Mỗi tuần, ngài có một giờ dạy chúng tôi về “Savoir vivre” (Biết sống) qua đó ngài chỉ dẫn cho chúng tôi các phương cách để sống “noble,” sống lịch sự, với các ví dụ cụ thể nhiều khi lấy từ chính kinh nghiệm bản thân của ngài. Mỗi buổi chiều vào giờ “đi dạo” sau cơm chiều trước khi lần hạt ngoài trời rồi vào Nhà Nguyện đọc kinh tối, ngài đến với một nhóm bất kì trong chúng tôi ở trên sân. Thấy ngài, chúng tôi tự động vây quanh và chỉ cần một ai đó lên tiếng hỏi một câu hỏi về bất cứ điều gì là ngài bắt đầu dẫn giải cho chúng tôi mọi chuyện trên trời dưới biển. Có thể nói ngài trên thông thiên văn, dưới thông địa lí; với chúng tôi lúc đó ngài là một pho sách sống về mọi chuyện cổ kim.
 

Để giúp chúng tôi mở mang kiến thức, lâu lâu ngài đem máy chiếu bây giờ gọi là slides projector, chiếu cho chúng tôi coi cuộc đời Chúa Giêsu, hạnh tích các thánh, hoặc các phong cảnh xa lạ. Các slides đó đều phụ đề tiếng Pháp. Một người nào đó trong chúng tôi được ngài chỉ định đọc lớn tiếng các phụ đề để ngài dịch ra  tiếng Việt. Tôi may mắn được ngài chỉ định làm việc này nhiều lần cho ngài. Tôi chưa từng nghe ngài la rầy một chú nào vi phạm lỗi, có chăng ngài nhỏ nhẹ giải thích và chỉ  dẫn cách làm đúng. Cá nhân tôi được ngài “chườm ống giác” vài lần vì tôi hay ho, và vì cơn ho không dứt nên chính ngài đã giới thiệu tôi đến Bệnh Viện Huế để được một bác sĩ nữ người Pháp cắt Amygdale tức bệnh Sưng Hạch Cuống Họng. Lúc đó, Bệnh viện Huế còn nhiều bác sĩ người Pháp.

Trong các Cha Giáo, ngoài Cha Tường dạy Latin mà chúng tôi đều sợ về tính nóng của ngài nhưng nhờ đó lại không thể quên ngài, Cha Giáo mà chúng tôi mến nhất có lẽ là Cha Phước dạy Quốc Văn. Chúng tôi mến Cha vì phương pháp dạy “hợp thời” của ngài, theo kịp với “thế giới bên ngoài.” Luật Chủng Viện cấm chúng tôi đọc “tiểu thuyết” dù tiếng Việt hay tiếng Pháp; có bạn đã bị cho về chỉ vì giấu tiểu thuyết để đọc. Ngược lại, Cha Phước dành mươi mười lăm phút cuối mỗi buổi học để đọc cho chúng tôi nghe các tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn và các nhà văn nổi tiếng khác. Nhờ ngài, chúng tôi tiếp xúc với Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam qua Đoạn Tuyệt, Tiêu Sơn Tráng Sĩ, Hồn Bướm Mơ Tiên, Gió Đầu Mùa, và một số tác giả tác phẩm khác. Cá nhân tôi được ngài cho phép vào phòng ngài và đọc bất cứ cuốn sách nào ngài có trong tủ sách của ngài. Nhờ vậy, tôi đọc được các tác phẩm thuộc Bibliothèque de la jeunesse như của Guy de Maupassant, Victor Hugo, Anatole France, vân vân. Cũng nhờ ngài, tôi được nếm chút văn chương và nuôi dưỡng chút năng khiếu thơ văn để sử dụng về sau này. Tôi còn nhớ ngài cho chúng tôi viết một truyện ngắn về bất cứ đề tài gì. Bạn Dương Dân Sĩ vì sống ở thôn quê có nhiều chuyện để viết và vì nhiều tuổi nên nhiều “kinh nghiệm” sống hơn đã viết về các trò vui nghịch của bạn ở nông thôn và được nhiều điểm nhất. Bài viết của bạn Sĩ đã để lại một dấu ấn trong tôi từ ngày đó, đến nay tôi không còn nhớ nội dung nhưng cảm xúc của tôi thì vẫn còn. Tôi được điểm thứ nhì với bài viết về cuộc Đấu Tố Ruộng Đất ở miền Bắc mà thực tế tôi chỉ biết qua một vở kịch Ba tôi viết không biết cho ai diễn mà tôi được đọc trước.

Hàn huyên từ khi các ly cà phê còn nóng bốc khói đế khi ly trà đã nguội chắt, chúng tôi được bạn Hồ đưa đi “remplir les blancs” tại Nhà Hàng Buffet Kim Sơn. Kim Sơn có lẽ là nhà hàng buffet lớn nhất Houston, với nhiều phòng ăn rộng lớn. Mới nhìn vào, người từ nơi khác đến như tôi kinh ngạc khi thấy các bàn đều có người đang dùng bữa. Bạn Hồ cho biết, “Hôm nay là thứ bảy nên còn chỗ trống. Chúa Nhật và ngày lễ thường phải chờ có khi rất lâu để có được chỗ ngồi.” Bên trong, ngoài các món ăn nhà hàng buffet nào cũng có, rất nhiều món ăn không thấy ở các nơi khác. Đặc biệt, ở một góc, có một quầy bán các món quê hương như Phở, Bún Bò Huế, Bún Mắm, Bún Riêu, Mì Quảng, dĩ nhiên không phải với tô Xe Lửa mà chỉ là tô nhỏ để còn có thể thưởng thức các món khác nếu bao tử đủ sức chứa.
 
Cơm trưa tại Restaurant Kim Sơn

Tráng miệng có nhiều loại chè khác nhau, tha hồ lựa chọn. Thức uống mà chúng tôi thích nhất chính là Nước Mía, uống bao nhiêu ly tùy ý. Rất tiếc năm người chúng tôi không ai là cháu chắt Lê Như Hổ - một vị Trạng Nguyên nổi tiếng về tài học và nhất là về “tài” ăn bao nhiêu cũng không no! – nên người cao tay nhất cũng chỉ ăn ba dĩa, nhỏ con như tôi thì dĩa rưỡi đã ứ hự!

“Lấp đầy chỗ trống” xong, chúng tôi về lại nhà anh chị Duy là cháu gọi Đức Ông Hàm bằng Ông Cậu, nơi Đức Ông tạm trú. Và dĩ nhiên chuyện cũ lại nổ như bắp rang cho dẫu trời nóng như thể “rang bắp cũng nổ.” Nhiệt độ bên ngoài dễ chừng đến trên 100 độ F tức chừng trên 38 độ C. Anh em Texas có lẽ đã quen với nhiệt độ đó nhưng với Đức Ông Hàm và tôi quen với xứ lạnh thì nóng quá sức. Dẫu vậy, “Cái nóng nung người, nóng, nóng ghê” cũng không ngăn cản được kỉ niệm tuôn trào. Bạn Hồ: “Các ông còn nhớ việc ném đá qua Dòng Nữ không?”

Chúng tôi dù gọi là “đi tu” nhưng tuổi còn quá ít chưa đủ trưởng thành để có thể thực sự “tu thân dưỡng tánh.” Chuyện nghịch ngợm của tuổi trẻ vì thế không làm sao kể cho hết, có chuyện đùa vui, có chuyện ngu ngốc như chuyện sau đây. Như đã mô tả, phía Tây của Chủng Viện Phú Xuân, bên kia tường thành, là Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân. Bên này tường thành phía là sân Bóng Chuyền, và Phòng Ngủ và Phòng Vệ Sinh của các chú lớp tôi. Một lần tình cờ, một quả bóng chuyền bị đập thế nào lại bay tọt qua bên kia tường thành. Một Chú trèo qua thành lượm bóng mới biết được sát tường thành là…Nhà Vệ Sinh của các Nữ Tu. Rồi, tối tối thấy thấp thoáng từ trong nhà các Chị ánh đèn dầu tòn teng đi ra là biết các Chị đi đến nơi cần đến. Tuổi trẻ nghịch ngợm, một số bạn bắt đầu phá các Chị bằng cách hễ thấy thấp thoáng ánh đèn là chọi đá lên các tàng cây tạo thành tiếng xào xạc rồi rơi bịch bịch. Các Chị sợ ma thụt hết vào. Một bạn nào đó còn bạo hơn, leo lên ngọn cây bên Chủng Viện sát tường phân cách, trùm khăn trải giường trắng toát. Các Chị nhìn lên la hoảng “Ma! Ma!” rồi không dám đi ra nữa. Dĩ nhiên chuyện đến tai Cha Bề Trên Hiền nhưng vì ngài là…hiền nên chỉ la rầy qua loa, không truy tìm “cội rễ” để phạt tội hay đuổi về.

Một lần khác, chúng tôi đang ngủ - phòng tôi đầu bên trái từ cửa đi vào – bỗng nghe tiếng lọc cọc ngoài hành lang phân chia hai dãy phòng. Im lặng năm ba phút rồi lại có tiếng lọc cọc, cho đến khi không biết Chú Lớp Nhất giám thị nào khám phá ra có bạn nghịch ngợm ném sỏi cho nhảy trên nền gạch. Thêm nữa, từ cổng Chủng Viện đi vào, phía tay trái, có một cây Pomme cythère – giờ gọi là Cây Cóc – mà các Cha quý lắm vì giống cây đó có lẽ mới từ Pháp nhập vào. Cây lên cao chừng trên dưới hai mét, lơ thơ vài cành mỏng manh với ít lá. Năm đó cây bắt đầu ra trái, hình như ba bốn trái, thành một chùm treo tòn teng. Các Cha dặn để yên cho nó chín ăn thử ra sao, đừng Chú nào phá. Vậy mà, trái Pomme cythère đó một hôm biến mất, không biết tên tai quái nào đã làm việc đó. Dĩ nhiên các Chú lớp lớn không ai làm chuyện như vậy, các Chú lớp nhỏ chắc không dám. Vậy chỉ còn lại lớp chúng tôi. Nhưng ai? Đến nay tôi vẫn không biết là ai.
Còn vô số chuyện nghịch ngợm của anh em lớp chúng tôi nhưng không viết lại đây vì…không tiện hoặc vì không đủ giấy!

Đức Ông Hàm: “Đúng là việc mình làm linh mục là do Chúa chọn vì nếu không có lẽ nhiều lần mình đã bị ‘về,’ như lần ‘viết báo’ đã kể. Thời học Thiên Hựu Lớp 12, mình và các Chú vào Đà Nẵng để thi Tú Tài chương trình Pháp. Lúc trở về Huế, hai cô gái học chung lớp cũng từ Huế vào thi rủ mình đừng đi Tàu Lửa về với các Chú mà để các cô đưa mình về bằng xe nhà. Hai cô học cùng lớp và rất thân thiết với mình, đều là con của Bác sĩ Lê Khắc Quyến nổi tiếng ở Huế, một cô tên Lô mà mình hay trêu là ‘Hát hai Ô’ vì Lô tiếng Pháp là ‘L’eau’ nghĩa là “Nước” có công thức Hóa học là H2O,  cô kia tên Túy về sau theo Công Giáo. Cả hai hiện đang sinh sống ở Hoa kỳ. Vừa đến cổng Thiên Hựu, mình thấy Cha Bề Trên Tôn đứng ngay cửa. Thôi, tiêu rồi, lần này chắc ‘cuốn gói.’ May quá, không thấy Cha la rầy gì cả, có lẽ vì mình là ‘con’ ngài.

“Rồi lúc làm ‘thầy’ giúp xứ, mình ‘được’ một cô đem lòng thương rủ mình ‘dứt áo’ về xây tổ ấm. Mình cũng có phần giao động trong lòng. Nhưng không biết tại sao, đến ngày tựu trường, mình quên hết mọi chuyện, quên cả cô gái, thu xếp quần áo và khăn gói vào trường. Nếu Chúa không chọn mình thì mình đã không có như hôm nay.”

Lẩn quẩn rồi tới cơm chiều. Anh Chị Liệu đãi chúng tôi Bún Bò do tự tay Chị Liệu nấu. Chị Liệu người miền Nam, nấu Bún Bò Huế miền Trung, tại đất Hoa Kỳ, cho chúng tôi ăn. Đúng là một sự kết hợp “quốc tế.” Phải nói là Chị Liệu nấu Bún Bò rất “Huế,” không chê vào đâu được. Cám ơn Anh Chị rất nhiều.

***
Ngày 23 tháng 6, 2024

Ngày Chúa Nhật 23 tháng 6, 2024, năm anh em chúng tôi lại gặp nhau tại nhà Anh Chị Duy lúc 9 giờ sáng để chuẩn bị dâng Thánh Lễ do Đức Ông Hàm chủ tế tại nhà riêng lúc 10 giờ. Hiệp ý cùng với gia đình Anh Chị Duy, chúng tôi cầu nguyện cho tất cả các anh em cùng lớp đã được Chúa gọi và đang chờ Chúa gọi, cầu nguyện cho các linh hồn trong gia đình đã được Chúa gọi về. Cách riêng, chúng tôi cầu nguyện cho Đức Ông Hàm nhân dịp kỉ niệm 56 năm linh mục, cho năm bạn hiện diện với sinh nhật chung, cho riêng tôi – người ghi lại kỉ niệm này – nhân dịp sinh nhật thứ 83.
 

Chúng tôi Nhập Lễ với thánh Ca Tôi Chỉ Ước Trông Một Điều, Hiệp  Lễ với Tán Tụng Hồng Ân, và Kết Lễ với đọc Kinh Anima Christi và hát Salve Regina bằng tiếng Latin. Chúng tôi thực sự cảm động khi hát lại Thánh Ca Salve Regina mà lúc ở Chủng Viện chúng tôi hát mỗi cuối ngày sau Kinh Tối. Thánh Lễ đơn sơ thân mật nhưng đầy tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, Mẹ Maria, và Thánh Giuse.  “Xin dâng lời cảm tạ hồng ân Thiên Chúa bao la!”
 

Có biết bao nhiêu điều chúng tôi phải tạ ơn. Tạ ơn vì Chúa đã cho chúng tôi dẫu ít dẫu nhiều được ăn cơm Nhà Chúa, nơi đã giúp chúng tôi cố gắng đi trên con đường Chúa chọn để cách này cách khác không chao đảo trên con đường Chúa đã chọn cho mỗi người chúng tôi. Tạ ơn vì Chúa đã cho chúng tôi gặp nhau trong thời gian dù ngắn dù dài vẫn giữ mãi tình lưu luyến với Chủng Viện và với nhau cho dẫu đã học nhiều trường gặp nhiều bạn trong cuộc đời. Tạ ơn vì Chúa đã cho chúng tôi sống qua tuổi tám mươi vẫn còn tương đối khỏe mạnh. Tạ ơn vì Chúa đã cho chúng tôi vượt qua được cơn bệnh Covid quái ác. Và cuối cùng, tạ ơn vì Chúa đã cho chúng tôi gặp lại nhau trong hai ngày vừa qua.

Sau Thánh Lễ, chúng tôi chụp hình lưu niệm chung với tất cả gia đình dự Thánh Lễ và riêng năm anh em chúng tôi.
 
 

Để chia tay, bạn Ủy cho chúng tôi dùng cơm trưa tại Phở Điện. Tiệm lớn nhưng bàn nào cũng đầy khách. Các bạn địa phương cho biết đây là một trong vài tiệm phở ngon và đông khách nhất của vùng này. Chúng tôi trái lại không cảm thấy Phở ngon lắm, có lẽ tại không hợp khẩu vị. Sau bữa ăn chúng tôi chia tay với hai bạn Hồ và Ủy. Bạn Ủy cần đến kịp xe Bus về lại Fortworth, Dallas; bạn Hồ không ai lái xe đưa đến do con bạn phải đi làm. Còn lại ba chúng tôi, Đức Ông Hàm, Liệu, và tôi. Chúng tôi được Anh Chị Duy cho ăn cơm tối với mấy món ăn gợi nhớ quê hương, nhất là Huế thân yêu. Anh Chị cho chúng tôi dùng canh Bầu (nhà trồng) nấu tôm, cá Kho Tộ, thịt Heo Ba Chỉ luộc ăn với Tôm Chua rau sống. Bữa cơm thân mật và đầy ắp tình thân ái.
 
Cơm trưa tại Phở Điện

Sau bữa ăn, chúng tôi chia tay Liệu, coi như hai ngày gặp mặt của chúng tôi đã kết thúc. Lưu luyến, chúng tôi hẹn nhau năm tới 2025 nếu Chúa cho phép sẽ gặp nhau tại Chicago do Đức Ông Hàm chủ xị. 

Tạ ơn Chúa đã gìn giữ chúng con bình an trong hai ngày gặp nhau, và nhất là đã cho tình cảm giữa anh em cùng lớp Phú Xuân 1953 chúng con, dù trong nước dù ngoài nước, vẫn ngày càng thắm thiết và càng bền chặt. Xin Chúa thương xót linh hồn các anh em chúng con đã được Chúa gọi về. Xin Chúa cũng gìn giữ và quan phòng tất cả chúng con dù đang sống bất cứ nơi nào được vững niềm tin yêu hi vọng vào Lòng Thương Xót của Chúa. Xin Mẹ Maria, Thánh Giuse, Thánh Tôma Thiện, Thánh Gioan Hoan, và các Thánh cầu bàu cho chúng con.

Ghi lại tại Grand Rapids, Michigan ngày 8 tháng 7 năm 2024

Trần Hữu Thuần PX53

Tác giả: Trần Hữu Thuần PX53

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập168
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm167
  • Hôm nay38,288
  • Tháng hiện tại1,044,135
  • Tổng lượt truy cập65,436,044
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây