THÁNH LỄ TẠ ƠN MỪNG NGÂN KHÁNH LINH MỤC CHA PETER THƯỜNG TẠI NHÀ THỜ SAINT FRANCISCO of ASSISI, West Palm Beach, Florida.
Sau thánh lễ Chúa nhật 26/5 dành cho giáo xứ, thứ Hai ngày 27/5 thánh lễ đặc biệt với cộng đoàn gồm 50 bà con thân nhân, thân hữu từ Việt Nam và các tiểu bang Hoa Kỳ.
Thánh lễ khởi đầu lúc 5:45 PM, trong tiếng ca vang của cộng đoàn với lời ca đậm tâm tình yêu thương “Từ ngàn xưa Cha đã yêu con, Cha gọi con giữa muôn người, giờ đây con hân hoan bước lên bàn thánh dâng tiến Cha xác hồn trắng trong…” rước đoàn linh mục đồng tế tiến lên cung thánh. Cha Thường chủ tế, cùng đồng tế có quý cha: Châu, Khanh, Dũng, Minh, Quả, Phụng, Chiến, Chung. Người xứng đáng vinh dự giảng lễ hôm nay là cha Hồ Khanh - người bảo trợ dẫn đường chỉ lối cho 6 anh em chủng sinh Huế từ trại tị nạn Hồng Kông vào đất Mỹ rồi vào đại chủng viện, trong đó cha Phụng đang hiện diện, và ngôi sao của những ngày nầy là cha Peter Thường.
Cộng đoàn chăm chú lắng nghe, thi thoảng vang lên những tiếng cười oà bởi lối dzí dzỏm của nhà giảng thuyết lâu nay rất được ngưỡng mộ.
Dùng phạm trù ‘hữu hạn’của thân phận con người và ‘vô hạn’ luôn khát vọng những điều thần thiêng, nhà giảng thuyết đã khái quát cuộc đời cha Thường qua hành trình ơn gọi, sứ vụ linh mục và những suy tư sâu sắc. Với hình ảnh “chiếc đàn bỏ quên” trong bản nhạc cùng tên cha Thường hay hát, cha Khanh muốn nhắc đến cây đàn tình cảm lãng mạn chú Thường cố tình để quên cho ai đó để quyết tâm từ bỏ mà theo ơn gọi đi tu. (Bài giảng bên dưới)
Sau thánh lễ là tiệc mừng thân mật, vui vẻ trong hội trường. Ở đâu có con Chúa ở đó có niềm vui, vui vì có Chúa ở cùng. “Vui tươi và làm cho mọi người đến với con cũng cảm thấy bầu khí vui tươi… Đó là thánh thiện hơn ăn chay hãm mình” (Đường Hy Vọng số 539).
Ngày mai thứ Ba, mọi người lên máy bay về viễn xứ để lại niềm vui cho cha Thường cho đến ngày mừng Kim khánh 50 năm.
Tin và hình ảnh: Gioan Lê Cần PX61
BÀI GIẢNG LỄ NGÂN KHÁNH LINH MỤC
LINH MỤC PHÊRÔ TRƯƠNG VĂN THƯỜNG
PALM BEACH, FLORIDA
Ngày 27/5/2024
Bài đọc: I Phêrô 1:3-9; Mc 10:17-27
Kính thưa quý vị,
Con người là con vật có hai chân, một chân đặt lên trên cái hữu hạn của thân phận con người, và một chân đặt lên trên cái vô hạn, tức là những khát vọng và những mơ ước thần thiêng tiềm ẩn trong tâm can của mỗi người. Thật vậy, con người được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa nên luôn muốn hướng thiện, muốn vươn lên để tìm về với Chân, Thiện, Mỹ. Từ thuở hồng hoang của trời đất, từ thuở ban đầu của vũ trụ, sau khi bị trục xuất khỏi Vườn Địa Đàng, con người đã bơ vơ lạc lõng, và vẫn luôn muốn quay về với cội nguồn của mình. Con người sẽ luôn khắc khoải cho đến khi thuyền đời của mình cặp bến bình yên. Hay nói như ngôn ngữ của Thánh Augustine: “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, nên lòng chúng con khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa” (Confessions 1, 1, 1 ).
Hôm nay chúng ta họp nhau đây, hân hoan mừng lễ Ngân Khánh Linh Mục của cha Phêrô Trương Văn Thường. Cha chính là hiện thân của cái hữu hạn và cái vô hạn trong đời sống con người mà chúng ta vừa đề cập tới. Cha Thường thường viết những bài suy niệm sâu sắc, nhưng chỉ khiêm tốn ký tên là Cha Thường sau mỗi bài viết. Cha chỉ xem đây là những suy tư vụn vặt của cha, một con người rất bình thường mà thôi. Nhưng thật ra những bài viết của cha là cả những suy tư vô hạn về Thiên Chúa, về con người, về hiện hữu, về nhân sinh, về chính trị và xã hội, về ông Trump và Biden, và nhiều vấn đề khác nữa như hội họa, thơ văn, âm nhạc! Đọc bài viết của cha Thường, nhiều khi phải đọc hai ba lần mới thấu hết những ẩn ý mà ngài đã gói trọn trong bài viết của ngài. Vì vậy mà có người đã nói, “Cha Thường mà không thường chút nào!”
Từ nhỏ, cha Thường đã có ý dâng mình cho Chúa. Không biết Thiên Chúa đã mời gọi cha Thường như thế nào; nhưng có một bài hát mà cha Thường rất thích, đi đâu cũng hát, đó là bài Cây Đàn Bỏ Quên. Bài hát có mấy câu tự thú như sau, “Hôm qua tôi đến nhà em, ra về mới biết rằng quên cây đàn…” Không biết cha Thường vô tình hay cố ý khi để quên cây đàn ở nhà người ta!? Có lẽ cha chỉ kiếm cớ để tìm gặp ai đó đòi lại cây đàn thôi, phải không quý vị? Nhưng ai đó cũng chơi khăm, đòi hoài mà không trả, nên cuối cùng cha Thường cũng chẳng thiết tha chi nữa, và chỉ muốn đi theo Chúa mà thôi! Chuyện đó chúng ta cũng không biết rõ đã xảy ra như thế nào; nhưng chúng ta thấy rằng, cha Thường, một khi đã quyết tâm theo Chúa, cha đã theo Chúa cho đến cùng, không đắn đo, không tiếc nuối. Cha Thường, trong cái hữu hạn của mình, đã cố gắng vươn lên, để trở nên “đồng hình, đồng dạng” với Chúa Kitô trong sứ mạng linh mục, chăn dắt đoàn chiên của mình. Để rồi hôm nay, chúng ta mới có cơ hội sum họp cùng nhau ca tụng Chúa và cũng để tạ ơn với cha Thường trong dịp lễ Ngân Khánh Linh mục của cha! Xin chúc mừng cha!
Hành trình theo Chúa trong ơn gọi Linh mục thật nhiều khi rất là chua cay. Con người linh mục phải trải qua nhiều thử thách. Bài đọc I hôm nay nói rằng: “Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội. Vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giêsu Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời ca ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự” (I Peter 1:6-7). Một trong những thử thách lớn lao nhất trong đời sống linh mục, tu sĩ là cuộc sống từ bỏ, cho đi những lợi lộc trần gian, để chỉ biết bám vào Chúa mà thôi. Người thanh niên trong bài Phúc Âm hôm nay muốn theo Chúa Giêsu. Anh ta quả thật là một con người tốt, anh ta hoàn toàn không phải là người xấu! Anh ta quả là một “candidate” hoàn hảo để theo làm môn đệ Chúa. Anh đã tuân giữ các lề luật từ lâu, anh đã thưa cùng Chúa: “Thưa thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ” (Mc 10:20). Chúa Giêsu đã bị thu hút bởi sự tốt lành nơi anh, và Chúa đã cố gắng mời gọi anh theo một bước cao hơn khi Ngài nói: “Anh chỉ thiếu một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo Ta” (Mc 10:21). Tiếc thay, anh không theo được lời Chúa mời gọi! Anh không từ bỏ được! Cha Thường thì may mắn hơn anh nhà giàu nầy, bởi vì cha có gì nhiều đâu mà phải lo bán với buôn!? Nghèo rớt mồng tơi mà lo gì!? Được cái đàn thì gởi cô em nào đó rồi, đòi hoài không được thì lấy đâu ra mà bán phải không quý vị!? Cả tình không có, tiền cũng không, thì đâu vướng bận gì nhiều phải không quý ông bà và toàn thể anh chị em?
Thật ra, cái khó khăn nhất trong đời sống linh mục, tu sĩ không phải chỉ là dứt bỏ những cám dỗ của tình và tiền, nhưng quan trọng hơn là từ bỏ chính mình. Đấng Đáng Kính Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận đã viết trong cuốn Đường Hy Vọng: “Bỏ tất cả mà chưa bỏ mình thì con chưa bỏ gì cả, vì chính mình con sẽ dần dần quơ góp lại những gì con đã bỏ trước” (ĐHV, số 3). Cha Thường đã học được đức tính từ bỏ trong những năm tháng còn là chủng sinh tại Việt Nam khi mà dưới chế độ mới, không còn tự do tôn giáo, và theo Chúa là đồng nghĩa với chấp nhận gian nan khốn khó. Cha cũng đã học gương từ bỏ khi để lại đàng sau quê hương, gia đình và bạn bè để theo đuổi ơn gọi làm linh mục nơi xứ lạ, quê người. Rồi những tháng ngày chờ đợi dai dẵng trong trại tỵ nạn, và những khó khăn trong những ngày chập chững nơi xứ người, tất cả những thứ đó chính là cơ hội lớn lao rèn luyện đức tính từ bỏ và giúp cha không chùn bước trong nghịch cảnh.
Chúng ta cám tạ Chúa đã ban cho chúng ta có được một linh mục thông thái, thánh thiện, nhẫn nại và nhiều lòng nhân ái như cha Thường. Có một điều tôi rất quý nơi cha Thường là ngài hay gọi hỏi thăm anh em. Đây quả là một nét son của ngài. Các linh mục nhiều khi bận bịu công việc, nhiều khi lơ là với bạn bè, hoặc là có khi không có thói quen gọi hỏi thăm nhau. Cha Thường không phải như thế, ngài luôn bận bịu với công việc, không lo sửa nhà thờ thì lại lo tu bổ giáo xứ; nhưng ngài luôn tìm giờ gọi hỏi thăm anh em! Tôi quý ngài nhiều là chỗ đó.
Trong Thánh lễ mừng ngân khánh linh mục hôm nay, tôi có một chuyện vui muốn chia sẻ với toàn thể quý vị về cha Thường. Có một lần tôi có vinh dự hành hương chung với cha Thường thăm viếng Đức Mẹ Lộ Đức tại Pháp. Đó là mùa Hè năm 2003. Tôi còn nhớ buổi sáng hôm ấy, tôi bàn với cha Thường: “Hôm nay mình tranh thủ đi tắm suối Đức Mẹ nhé, và đi sáng sớm chắc nước sạch hơn!” Cha Thường đồng ý với tôi. Mọi chuyện xảy ra suôn sẻ cho tới khi ra về thì cha Thường bắt đầu ho nhiều. Ngài phán một câu bất hủ mà cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ: “Đang mạnh khoẻ mà không biết đi tắm nước Đức Mẹ làm gì mà bây giờ đau rồi!”
Con người của cha Thường là thế đó, đơn sơ, chân chất, không phù phiếm, không xa hoa, và luôn trung thực với lời nói của mình. Câu nói mộc mạc của cha Thường còn cho chúng ta thấy chuyện thường tình vẫn xảy ra trong đời sống của chúng ta, những xung đột giữa mộng và thực, giữa mơ ước tuyệt vời và thực tại khó khăn. Câu nói của cha Thường còn phản ảnh những khắc khoải giữa cái hữu hạn và vô hạn của thân phận con người. Điều chúng ta học được qua cuộc sống bình dị của cha Thường là cho dẫu điều gì xảy ra, cha vẫn không chùn bước, và vẫn luôn tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa toàn năng, như lời nhắn nhủ của Thánh Tông đồ Phêrô trong bài đọc I hôm nay: “Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ muôn đời.”
Cầu chúc cha luôn vui và luôn cậy trông mạnh mẽ nơi Chúa, để cha luôn là dấu chứng tình yêu đích thực của Thiên Chúa, Đấng vô hạn, trong cái thế giới hữu hạn nầy!
Linh mục Giuse Hồ Khanh