Nhật Ký Ngày Trở Về [5]
Đã qua hai tháng rồi sau ngày Hội Ngộ lần 2, những tình cảm, dư âm, kỷ niệm có thể phai dần theo thời gian nhạt nhòa, theo cuộc sống chồng chất bao lo toan, ưu tư và tất bật. Sách Giảng Viên trong phụng vụ Lời Chúa ngày hôm qua có viết rằng: “Phù vân trên mọi phù vân, mọi thứ đều phù vân…”. Điều đã xảy ra hôm qua, sẽ biến mất vào hôm nay; và điều xẩy ra hôm nay, cũng sẽ biến mất vào ngày mai…Vài ba năm nữa, hoặc vài ba thập kỷ nữa, toàn bộ anh em của cả ba nhà trường sẽ ra thiên cổ, ai ai rồi cũng một cõi đi về… Nhưng dù vậy, trong khoảng thời gian còn lại, dù vắn hay dài, hãy còn nhắc nhau những điều tốt đẹp của ngày về, còn gợi nhớ những khuôn mặt, hình ảnh, tiếng nói thân quen, những ký ức mãi mãi đọng lại trong tâm trí của mỗi người…
Ban Tổ chức đã hoàn toàn đúng khi đưa vào chương trình Hội Ngộ lần 2 việc thăm viếng nghĩa trang giáo sĩ giáo phận Huế. Đây không chỉ là bổn phận mà còn là nghĩa vụ của con thảo đối với những người cha tinh thần đã an nghỉ nghìn thu. Dù dưới ánh nắng chói chang giữa buổi trưa hè, dù phải vất vả leo lên các triền dốc, dù mệt nhọc sau chuyến hành trình từ sáng sớm…nhưng tất cả mọi người đều xúc động khi nhìn hàng mộ các tiền nhân nằm ngay hàng, thẳng tắp. Mỗi người tìm kiếm mộ các cha thân quen như cha bảo trợ, cha sở, cha giáo, cha tuyên úy, ngày xa xưa… Những lời kinh hòa lẫn hương trầm từ nén nhang thơm như kính cẩn thương nhớ các vị linh mục đã bao đời dưỡng dục đức tin cho ông bà, cha mẹ và cả con cháu mình, cũng như xin các ngài luôn cầu bầu cho con cái đang lữ thứ đường trần gian. Niên trưởng Lê Thiện Sĩ đã cảm khái đại diện cho cộng đoàn nhắn nhủ đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn cho thế hệ F1, hãy luôn khắc cốt ghi tâm công ơn vô bờ của các linh mục…
Nghĩa trang Thiên Thai
Chặng cuối của chương trình Hội Ngộ là điểm dừng chân tại ĐCV Huế. Thật vô vàn ý nghĩa vì nơi đây chất chứa bao tâm tình, kỷ niệm, ưu tư và trăn trở của các tham dự viên trong ngày về, nhất là đối với một số anh em đã từng tu học tại đây. Các dãy nhà cổ kính trầm mặc từ nhiều thập kỷ qua, nằm kín đáo bên bờ sông Hương lặng lẽ như không đoái hoài đến nhịp sống xô bồ, náo nhiệt của thành phố Huế. Vốn dĩ đã khác xưa, hồi ấy, cứ thứ bảy mỗi tuần, chúng tôi được tự do đi bát phố, chỉ có một đoạn đường sầm uất trước chợ Đông Ba tập trung các hiệu sách, các rạp ciné, tiệm buôn…nay mỗi khi bước ra khỏi nhà, thì nơi mô cũng trở thành phố xá tấp nập cả rồi. Ngay cả khi nhìn tòa nhà sinh hoạt mới, tôi cảm nghiệm một niềm vui len lén khi thấy cơ ngơi khang trang đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho các ứng sinh linh mục, nhưng tự đáy lòng, dường như chùng xuống khi thấy dãy nhà mới với lối kiến trúc hiện đại khác biệt với không gian u tịch từ muôn năm trước. Đó chỉ là suy nghĩ cá nhân mà thôi, khi xây dựng một công trình lớn lao như vậy, chắc chắn bề trên đã cân nhắc kỹ càng.
Một bữa tiệc rất ngon miệng với các món thuần Huế thật khéo và đầy hương vị quê nhà, lồng vào chương trình sinh hoạt giao lưu sống động, cha giám đốc ĐCV chắc chắn đã chuẩn bị chu đáo. Ngài đã tặng cho mỗi người một bức tượng Đức Mẹ bằng đá, hiện thân của bức tượng Đức Mẹ nổi tiếng ở TCV ngày xưa, nay được đặt trang trọng trong sân tiền đình của ĐCV. Món quà đầy ý nghĩa khi gợi nhớ lại những buổi tối thứ năm chiếu phim và tối Chúa Nhật cuối tháng, quây quần bên đài Mẹ trước nhà ăn. Chúng tôi còn được gặp lại cha giáo Nguyễn Đức Vệ là vị ân sư trước 75 của chúng tôi, ngài hiện đang dưỡng bệnh tại nhà chung. Ngoài ra, chúng tôi gặp lại thầy Nguyễn Văn Bổn với bút hiệu Tần Hoài Dạ Vũ, giáo sư văn chương của chúng tôi từ đại học Duy Tân Đà Nẵng ra tham dự HN.
Sau bữa ăn trưa cũng là lúc chia tay đầy bịn rịn, xúc động bế mạc những ngày Hội Ngộ. Ngày vui thường qua mau, gặp nhau rồi chia tay là lẽ thường tình. Những cánh chim vừa họp đàn nay lại thiên di khắp bốn phương trời. Tuy vậy, vẫn còn nhiều lớp xin được lưu lại ĐCV thêm ít ngày để kéo dài những phút giây gặp gỡ. Điển hình như lớp HT63, của anh lớp trưởng Nguyễn Vinh Sơn. Sau này vị đạo diễn “Trăng nơi đáy giếng” tâm sự rằng những ngày ở đây, sống và sinh hoạt ở đây, nơi có nhà nguyện, phòng étude, phòng ngủ, nhà vệ sinh, cả dãy hành lang dài hun hút, cảm giác như sống lại những ngày thơ ấu đã qua, suốt gần nửa thế kỷ mới có cơ hội làm lại chú nhà trường thực thụ. Một chi tiết nhỏ nhưng đáng kể là anh em HT63, cụ thể như các anh Nguyễn Vinh Sơn, Nguyễn Nhơn, Tống Viết Quý…là những thành viên tích cực trong việc quyên góp dài ngày cho ĐCV ở Sàigòn. Một cháu F1 phía Nam, từng tham gia cầm oi với chúng tôi thốt lên rằng rằng: “Chú ơi, con mừng quá!” Dù chỉ là câu cảm thán ngắn gọn, nhưng thể hiện tình cảm của nhiều người, cũng là cảm tưởng chung của mọi người tham dự HN khi thấy ngôi nhà sinh hoạt bề thế đang hoàn thành.
Thời gian lưu trú tại đây để lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc vô hạn. Khi tham quan phía sau ngôi nhà nguyện, sẽ thấy nơi an nghỉ của các cố thừa sai MEP, những bậc tiền bối đã vun trồng hạt giống Phúc Âm và ra sức khai khẩn đức tin Kitô giáo, trong số các ngài, tôi nhận ra bia mộ nhà truyền giáo lỗi lạc Leopold M.Cadière, đã góp công sức vô bờ không chỉ cho Hội Thánh mà còn cho cả nền văn hóa của Việt Nam cũng như di sản phi vật thể của cả văn minh nhân loại. Nhà Huế học Nguyễn Phúc Vĩnh Ba, một người ngoại đạo gốc gác hoàng triều đã cảm tác trong bài văn tế về cố Leopold M.Cadière đầy xúc động như sau:
“… Áo dài đen phất phơ lắm miền xuôi ngược,
tìm hiểu thêm phong hóa dân gian
Đôi guốc mộc lóc cóc bao chốn xuống lên,
thăm dò đến sơn cùng thủy triệt…
…Người không Việt, xương chôn đất Việt,
tình mênh mông ôm ấp cả nhân quần
Gốc từ Âu, thân biệt trời Âu,
nghĩa sâu đậm chói lòa bao khí tiết…”
Theo truyền thống, mỗi năm gia đình HT71 đều tổ chức họp lớp, và có thông lệ tổ chức ngày mừng lễ cưới của anh em trong lớp: dịp 20 năm, 25, 30, 35…năm một cách trọng thể. Năm nay có 6 cặp được tổ chức như vậy. Càng ý nghĩa hơn khi kỷ niệm ngày trọng đại của mình với sự hiện diện đầy đủ của cả lớp, các đôi uyên ương đầu bạc tay trong tay được rước trang trọng vào nhà thờ, được cha bề trên ĐCV dâng lễ tạ ơn trong nhà nguyện của nơi đào tạo linh mục cho Hội Thánh: Hôn nhân chính là khởi nguồn của bí tích Truyền chức thánh! Đây cũng là một chi tiết sinh hoạt cần phát huy, tuy là bản sắc riêng nhưng cũng là hoạt động chung của đại gia đình CCS Huế.
Sau cùng, tác giả xin thành thật cám ơn mọi người đã theo dõi thiên Nhật Ký Ngày Về, dù dài, dai thành dở, nhưng vì tập cuối, nên dụng ý "noái" cho cạn ý mới thôi.
Hẹn gặp lại vào tháng 7 năm 2016. Cầu chúc cho mọi người mạnh khỏe hồn xác để còn tiếp tục hội ngộ.