Hội Ngộ từ góc nhìn F1: Ngày Hội Ngộ thứ 3 (24/7/2014)
Hành trình hội ngộ tạm chia tay với mẹ La Vang để một lần nữa lưu luyến đất Quảng Trị trong cuộc viếng đền thánh Tôma Thiện rồi kết thúc với chuyến thăm ngôi trường cũ, đại chủng viện, trên đất Huế mộng mơ.
Cái gọi là sống cho trọn từng khoảnh khắc đều như thể hiện ở mỗi con người ở đại gia đình này, bởi lẽ cho dù sau những mệt nhọc của chuyến đi dài, rồi nhiều giờ liền trong đêm dành thời gian ngủ để tâm sự nhưng khi trời chỉ mời tờ mờ sáng ai cũng nhanh chóng thức dậy, tất cả tập trung trước linh đài Mẹ. Lúc này mọi người đều cảm thấy những giờ phút bên Mẹ sao ngắn ngủi quá! Sự ngậm ngùi thể hiện rõ trên từng khuôn mặt khi phải tạm biệt Mẹ La Vang.
Mọi người rời linh địa La Vang và đoàn xe trực chỉ Nhan Biều. Pháp trường Nhan Biều là nơi người chủng sinh Tôma Thiện đã can trường nhận lấy cái chết vào năm 1838, khi chỉ mới 18 xuân xanh. Năm 1900, Tôma Thiện được Đức Giáo hoàng Lêô XIII tôn phong Chân phước và Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II nâng lên hàng hiển thánh ngày 19-6-1988. Năm 2010, cha JB Lê Quang Quý được trao nhiệm vụ xây dựng Đền Thánh Tôma Trần Văn Thiện với sự cộng tác của gia đình Cựu chủng sinh Huế, và được Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể khánh thành vào ngày 21-9-2010.
Thánh lễ đồng tế bế mạc Hội Ngộ 2014 được cử hành tại Đền Thánh Tôma Thiện do cha Giuse Võ Quý chủ tế.
Để cho buổi lễ tại đền thánh diễn ra một cách nghiêm trang, sốt sắng như buổi sáng hôm ấy là cả một quá trình chuẩn bị đầy hy sinh và tinh thần cống hiến… Nhắc đến đây thôi thì mọi người cũng biết đó chính là công tác chuẩn bị cho thánh lễ sớm của nhóm cựu chủng sinh Quảng Trị, đặc biệt là giáo xứ Trí Bưu dưới sự điều hành của cha quản xứ JB Lê Quang Quý. Đèn đường vẫn chưa tắt, gà chưa kịp gáy sáng thức mọi người, thế mà cả đoàn mười mấy người, cả cha lẫn con đã thức dậy từ lúc nào, không ai bảo ai, tất thảy đều thực hiện tốt nhiệm vụ đã được giao trong buổi chiều hôm trước, kể cả những vấn đề nảy sinh như điện hư đột ngột hay không có nước để lau chùi…
Trước khi thánh lễ bắt đầu, lễ tế được xướng lên một cách long trọng. Qua bài văn tế về thánh Tôma Thiện và bài chia sẻ trong thánh lễ của cha giáo Nguyễn Hữu Giải chúng con càng cảm phục Ngài, để rồi càng quyết tâm noi gương Ngài trong cuộc đời đầy thử thách và cạm bẫy này…
Buổi lễ kết thúc mọi người chụp hình lưu niệm rồi về ăn sáng tại giáo xứ Trí Bưu. Được sự ưu ái của cha quản xứ Trí Bưu mọi người trong đoàn đặc biệt là con em làng họ sống xa quê như được hả lòng, được sống lại trong bầu khí quê hương sau bao năm xa cách cũng như được một khoảng thời gian hiếm hoi thăm hỏi bà con thân thích xung quanh khu vực nhà thờ.
Khoảng 8g, mọi người lên đường vào Huế. Chương trình Hội Ngộ được tiếp tục với nghi thức tưởng niệm tại nghĩa trang các linh mục giáo phận Huế tại Thiên Thai. Ánh nắng gay gắt và chói chang giữa trưa hè xứ Huế cũng không ngăn cản được đoàn người đông đúc đến thắp nén nhang và dâng lời cầu nguyện cho những người Cha, người Thầy đã nằm xuống.
Kết thúc những ngày hội ngộ, đại chủng viện Huế được chọn là điểm đến cuối cùng. Phải chăng điểm đến ấy là ý đồ của ban tổ chức để buổi hội ngộ mãi in đậm dấu ấn trong lòng mỗi người? Bởi lẽ không chỉ cảnh trí thơ mộng, hay sự thân thiết của con người nơi đây mà hơn cả ở đó có đại chủng viện nơi mỗi người cha, người chú của chúng con đã từng dấn thân vào ơn gọi để rồi bước vào cuộc đời với một sứ vụ riêng mà Chúa giao phó!
Giây phút thiêng liêng, thời gian dường như lắng đọng và ký ức ùa về tràn ngập cả không gian khi đoàn người được cha Giuse Hồ Thứ dẫn đi thăm quan khắp nơi trong đại chủng viện. Ngôi nhà chung có lẽ giờ đã đổi khác nhiều, nhưng vẫn còn đó những cây nhãn da đã sần sùi, bạc phếch màu năm tháng ngày nào vẫn thường hay chơi giật đuôi, hay các khu tá túc, sinh hoạt mà chúng con được nghe kể lại nay đã khác nhiều. Có thể nói, nhờ sự phát triển về ơn gọi, giờ đây chủng viện đã được tu bổ và xây dựng thêm khá hoành tráng, cơ sở vật chất được cải thiện một cách đáng kể.
Một buổi cơm trưa đậm đà chất Huế mà đặc sắc là món bánh cuốn thịt mà cha giám đốc chủng viện đã chuẩn bị một cách rất công phu để chiêu đãi những người khách phương xa. Ngoài ra, cha còn tặng cho mỗi gia đình một tượng Đức Mẹ bồng Chúa Giê Su. Những ân tình của cha càng làm cho chúng con cảm nghiệm được như trở về chính ngôi nhà của mình vậy. Buổi cơm thân tình còn được góp vui bởi các tiết mục văn nghệ của các chú, các bác cựu chủng sinh, đặc biệt là của các cha trong đoàn. Không khí rôm rả, vui tươi nhưng cũng không che giấu được những bùi ngùi, bịn rịn, lưu luyến của những giây phút cuối được ở bên nhau, thế hệ F1 chúng con vẫn còn kịp đưa số điện thoại cho nhau, hẹn ngày gần nhất gặp lại. Giây phút đó tưởng chừng như muốn kéo dài mãi…
Cuộc vui nào cũng có hồi kết, nhưng cái kết này hoàn toàn mở ra một tương lai mới, nơi không chỉ thế hệ cha ông mà cả con cháu F1, F2 sẽ mãi ghi nhớ những lời dặn dò của thế hệ đi trước, phấn đấu học tập và làm việc thật tốt để xây dựng đại gia đình này thêm vững mạnh trong vòng tay quan phòng của Chúa !